Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
846
116.690.188
 
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 35: Buổi nói chuyện giữa Thầy và trò: Bí mật của Phương Thuật)
Võ Anh Cương

 

Buổi sáng sớm không khí trong học viện Langbiang rất trong lành. Trời hơi lành lạnh, sương mù như thường lệ che kín những thung lũng chung quanh trường. Hàng thông đỏ, ranh giới giữa học viện và thảo nguyên xanh bao chung quanh giờ cũng chìm trong sương sớm. Vương Đình Huệ vát cái xà gạc trên vai, trên lưng anh là chiếc gùi trong đó là một ít đồ đạt mà dụng cụ lấy lửa là quan trọng nhất. Anh đang đến học viện để nhận kỷ luật mà anh đã hứa trước Bạc Đầu Râu.

 

Mat dạy học viên lớp Nhập môn rằng có rất nhiều cách lấy lửa, lửa sinh ra là để phục vụ con người, nếu ta sử dụng đúng mục đích thì lửa rất là hữu dụng, ngược lại ai mưu toan dùng lửa để mang lại lợi ích cho mình mà hại đến người khác thì Thần Lửa sẽ tiêu diệt ngay không thương tiếc! Giảng xong điều cốt lỏi đó, Mat thực hiện việc làm ra lửa với nhiều công cụ khác nhau, tùy theo ngộ tính của từng học viên, bọn chúng sẽ thích ứng với một hoặc một vài phương cách tạo ra lửa. Cách mà anh em nhà K’RaJan Đích tạo ra lửa là sử dụng hòn đá lửa, đây là thủ thuật cổ xưa nhất của loài người nên thằng Tư Đực không thèm để mắt đến, còn Vương Đình Huệ cũng thờ ơ với cách đánh lửa đó và nghĩ suy việc tạo ra lửa mà anh tin dùng. 

 

Loay hoay nửa ngày trời rồi Huệ cũng khoan được một cái lỗ to bằng đầu ngón trỏ trên một thanh gỗ khô, sau đó anh chuốt một đoạn gỗ khô khác hình trụ vừa với cái lỗ. Việc còn lại là tìm một ít bùi nhùi dẫn lửa, điều này rất dễ bởi nếu để ý thì chung quanh ta có nhiều vật liệu đáp ứng được yêu cầu này. Cái khoan sẽ xoáy quanh cái lỗ bằng cách xoe khúc cây từ trên xuống bằng hai bàn tay, một lát sau cục than hồng nhỏ xíu sẽ hình thành rơi xuống đống bùi nhùi bên dưới thanh gỗ, việc còn lại là thổi bùng ngọn lửa trong lòng bàn tay rồi đưa ra bếp, nơi ấy cây khô được xếp lên nhau sao cho có không gian để không khí làm tròn trách nhiệm cháy của mình!

Với dụng cụ lấy lửa tự tạo, Vương Đình Huệ tự tin trong mọi trường hợp anh sẽ có lửa, có lửa nghĩa là có thức ăn nóng và chín, khi ngủ không lo bị lạnh và muông thú sẽ không dám héo lánh đến! Vì vậy anh luôn mang theo công cụ lấy lửa bên mình là điều dễ hiểu.

Bạc Đầu Râu có tính dậy sớm. Con gà rừng gáy lần thứ hai ông đã ngồi dậy. Việc đầu tiên trong ngày của Bạc là xoa bóp, bắt đầu từ mặt, đầu, qua hai tay, hai chân và cuối cùng là bàn chân. Việc làm này giúp máu lưu thông dễ dàng, cơ thể thấy khỏe khoắn và thư giãn và đặc biệt là tinh thần rất sáng suốt. Hôm nay cũng như mọi ngày ông thầy hiệu trưởng dậy sớm pha một ấm trà, đây là loại lá cỏ đặc biệt mọc trên đỉnh núi Langbiang được ông Bạc mang về phơi khô để dùng dần. Từ ngày xưa, giảo cổ lam là một loại dược thảo được người phát hiện dùng làm thức uống hàng ngày nhưng không phải ai cũng biết giá trị của chúng. Uống trà giảo cổ lam giúp cho ta có một giấc ngủ sâu, mà giấc ngủ sâu là điều kiện để cơ thể phục hồi sinh lực.

Vương Đình Huệ đến phòng hiệu trưởng lúc Bạc Đầu Râu rót chén trà thứ nhất, thấy Vương Đình Huệ, thầy hiệu trưởng chỉ tay vào chiếc ghế trước mặt:

-Con ngồi xuống đây, ta muốn trao đổi với con trước khi con chính thức thi hành luật tục của học viện.

Vương Đình Huệ tuân lời, anh cẩn thận để cái xà gạc và cái gùi vào một góc phòng, Bạc Đầu Râu nhìn qua rồi nói:

-Con đem theo đồ đạt đủ cả chứ?

Vương Đình Huệ biết thầy Bạc chỉ hỏi qua thôi bởi bất cứ học viên nào dù mới vào trường cũng đều để tất cả đồ đạt của mình vào cái gùi, đó là tất cả “tài sản” của chúng và sẳn sàng lên đường đến chỗ khác bất cứ lúc nào. Vương Đình Huệ đáp “vâng” rồi hỏi lại Bạc:

-Thưa thầy trước khi được thầy trao đổi về thời gian con thực hiện kỷ luật, con muốn hỏi Bạc một chuyện khác được không?

Bạc Đầu Râu đáp:

-Được chứ, mà con muốn hỏi điều gì?

-Con muốn hỏi tin tức của Tư Đực!

Vương Đình Huệ bắt gặp một ánh mắt phức tạp của Bạc Đầu Râu nhưng ngay sau đó ông thầy trở lại trạng thái bình thường:

-Trường hợp của Tư Đực do ông Râu dài chịu trách nhiệm theo đúng luật tục của trường có từ thuở xa xưa, ta không có ý kiến. Từ ngày học viên Tư Đực vào Rừng ma đến nay không thấy trở về. Ta chưa được truyền lại có trường hợp nào ai đó có thể trở về sau khi vào Rừng ma, con thấy đấy, tất cả chúng ta đều không biết trong đó có gì, xảy ra điều gì với người vào Rừng ma!

Bạc Đầu Râu làm một cử chỉ thương cảm cho đứa học trò rồi bùi ngùi nói tiếp:

-Chúng ta chỉ còn cách tưởng niệm nó thôi, đó là một thằng nhỏ đáng thương!

Vương Đình Huệ im lặng cúi đầu, anh đang nhớ đến người bạn học giờ không một chút tin tức. Một lúc sau anh tiếp:

-Thầy đã nói vậy con không biết nói sao nữa chỉ cầu mong những điều tốt lành đến với Tư Đực….Ngừng lại một chút như thể đắn đo, Vương Đình Huệ nói tiếp:

-Con tin Tư Đực sẽ bình an bởi con có cho nó một viên đá thần!

Bạc Đầu Râu nhỗm mình:

-Con nói sao, một viên đá thần?

Vương Đình Huệ khẳng định:

-Đúng vậy, thưa thầy!

Bạc Đầu Râu nhìn chăm chăm vào đứa học trò, dường như ông chưa tin hẳn những gì Vương Đình Huệ nói. Khi đã bình tĩnh trở lại, ông yêu cầu:

-Con hãy kể lại toàn bộ những điều về viên đá thần mà con đã nói?

Vương Đình Huệ đang thắc mắc vì thái độ nghiêm trọng của Bạc Đầu Râu, dường như đây là một điều quan trọng đối với ông. Anh biết sau khi mình kể xong chuyện viên đá thần thế nào Bạc sẽ cho biết những chuyện liên quan. Đúng vậy, sau khi nghe xong tao ngộ của Vương Đình Huệ khi trú mưa trong động đá, chuyện thua cược của anh với Tư Đực khi chạy thi…ông Bạc Đầu Râu trầm ngâm một chút rồi nói:

-Con nghĩ đó là hòn đá thần là hoàn toàn đúng! Một trong những nhiệm vụ của học viện Langbiang là tìm tung tích viên đá ấy trong cả ngàn mùa trăng rồi. Đây là một nhiệm vụ bí mật chỉ truyền đời cho chủ trường nên không thể nói với tất cả mọi người. Mặc khác, viên đá đó ta cho rằng chỉ là truyền thuyết bởi trước ta nhiều đời không ai là chủ trường tìm thấy một chút tung tích viên đá…không ngờ chính con lại tìm được!

Suy nghĩ một hồi, cuối cùng Bạc Đầu Râu mới nói tiếp:

-Luật tục cấm tất cả chúng ta không được vào Rừng ma, nếu Tư Đực mãi mãi không thoát ra được thì viên đá thần coi như lại tiếp tục mất tích thôi. Nhưng dù sao việc Tư Đực thoát ra khỏi Rừng ma mang theo viên đá thần… điều ấy tuy rất khó xảy ra nhưng ta cũng phải quan tâm. Viên đá thần phải được thu hồi về học viện như truyền đời đã dặn.

Vương Đình Huệ nghe xong câu chuyện liên quan tới viên đá thần, anh áy náy:

-Thưa Bạc, con là người có lỗi. Con giữ viên đá nhiều ngày mà không mang đến cho Bạc!

Ông thầy hiệu trưởng cười hiền từ:

-Con không có lỗi trong chuyện này bởi con không biết. Người có lỗi là ta, ta không kể cho mọi người về truyền thuyết viên đá thần. Nhưng….

Bạc Đầu Râu ngưng ngang khiến Vương Đình Huệ thắc mắc, anh lo lắng hỏi:

-Nhưng sao hả thầy?

Bạc Đầu Râu nhìn sâu vào mắt Vương Đình Huệ. Trong khoảnh khắc đó anh cảm nhận được sự tin yêu của Bạc Đầu Râu dành cho mình. Vương Đình Huệ cảm động với tình cảm đó, anh cũng biểu lộ tình cảm của mình qua tia nhìn nồng ấm đối với thầy hiệu trưởng tôn nghiêm. Bạc Đầu Râu hỏi:

-Con thấy học viện Langbiang đối với con thế nào?

Nghiêm nét mặt, Vương Đình Huệ trả lời:

-Thưa thầy, đây là gia đình của con, là cuộc đời của con. Con nguyện sống và làm việc cho học viện cho tới cuối đời!

Một câu tuyên hứa không diễn ra trong một buổi lễ nhưng sức nặng của nó không hề kém chút nào. Câu tuyên hứa ấy truyền tải toàn bộ tinh thần của Vương Đình Huệ, đó là danh dự, là lẽ sống của anh trong cuộc đời này. Bạc Đầu Râu cảm động nhìn đứa học trò, ông nói:

-Ta đánh giá không lầm về con, Vương Đình Huệ. Ta thông báo cho con một tin vui: hội đồng học viện đã thống nhất chọn con là người kế nghiệp chủ trường đời thứ tám mươi!

Vương Đình Huệ ngây người, anh không thể tin được những gì mình nghe từ miệng Bạc Đầu Râu. Chủ trường là một chức vụ tôn nghiêm liên quan đến hoạt động của toàn thể mọi người trong học viện và những bon làng xa tắp đến những dãy núi mờ nhạt cuối chân trời! Vương Đình Huệ kêu lên:

-Con ư, thưa thầy? Con sợ không đủ sức!

Bạc Đầu Râu nói:

-Con yên tâm, chỉ khi nào ta không còn nữa con mới tiếp nhận làm chủ trường. Từ giờ đến lúc đó con phải thường xuyên ở cạnh ta để ta kèm cặp con đến lúc trưởng thành, lúc ấy con sẽ đảm đương trách nhiệm.

Phải mất một khoảng thời gian uống xong một tuần trà giảo cổ lam của Bạc Đầu Râu, Vương Đình Huệ mới bình tĩnh trở lại, cảm xúc về những gì Bạc nói với anh giờ đây trở thành trách nhiệm, anh phải làm sao xứng đáng với lòng tin yêu của hội đồng học viện và cả riêng cá nhân Bạc Đầu Râu.

Thấy Vương Đình Huệ đã trở lại bình thường, Bạc Đầu Râu mỉm cười hỏi:

-Bây giờ con còn muốn hỏi thêm điều gì trước khi ta đi vào chuyện chính?

Vương Đình Huệ trầm ngâm, lâu nay những ý nghĩ thầm kín của anh về những phương thuật mà các thầy đôi khi biểu diễn và truyền dạy cho học viên khiến anh có những suy nghĩ khác lạ với ý nghĩa của chúng. Vương Đình Huệ không dám nói những suy nghĩ của mình với ai bởi luật Tự mình không cho phép anh làm điều đó. Nhưng chúng lại dằn vặt anh trong những đêm trước khi chìm vào giấc ngủ: phương thuật dùng để làm gì?

Bây giờ trước cái nhìn động viên của Bạc Đầu Râu, anh nghĩ ngay đến chuyện ấy. Vương Đình Huệ hỏi:

-Nếu những điều con muốn hỏi Bạc khiến con vi phạm Luật tục thầy cứ thi hành kỷ luật. Con không muốn giấu thầy bất cứ điều gì!

Bạc Đầu Râu cau mày:

-Con cứ nói, con là đứa học trò thông minh và có tinh thần học hỏi nhưng không vì thế mà ta tha thứ hoặc bênh vực hay che giấu con nếu con vi phạm. Bây giờ con nói đi?

Vương Đình Huệ nghiêm nét mặt:

-Thưa thầy, phương thuật là gì?

Bạc Đầu Râu nhìn thẳng vào mắt Vương Đình Huệ, bỗng ông phá lên cười. Trái lại Vương Đình Huệ lại hết sức ngạc nhiên, anh không hiểu thái độ bất ngờ của Bạc Đầu Râu trước vấn đề mà anh nêu ra, vì sao Bạc lại cười như vậy?

-Con à, đó chỉ là những trò lẻ dùng để câu dẫn chúng nhân!

Bất ngờ trước câu trả lời của Bạc Đầu Râu, Vương Đình Huệ há hốc mồm ra mà không biết. Thấy vậy Bạc Đầu Râu nói tiếp:

-Cái đó chỉ là cái vỏ bên ngoài để lũ làng xem chúng ta là những người đặc biệt. Khống chế về mặt tinh thần là một loại khống chế ở cấp độ cao, không cần giở bất cứ thủ đoạn nào cũng khiến người ta tin và theo mình mọi lúc mọi nơi!

Không chờ cho Vương Đình Huệ kịp mở lời, Bạc Đầu Râu nói tiếp:

-Sau này tự con tìm hiểu lấy và có những kết luận của mình. Riêng ta, ta nghĩ rằng lợi dụng phương thuật để không chế bà con là một việc làm không mấy minh bạch, ta không thích. Nhưng mặt khác ta cũng chưa thể vượt qua luật tục truyền đời trong học viện, ta kỳ vọng con sẽ tiếp bước chân ta!

Vương Đình Huệ trầm ngâm trước những gì Bạc Đầu Râu vừa nói, tất cả đối với anh đều mới mẽ nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, anh linh cảm rằng đó là tâm huyết của Bạc Đầu Râu. Những lời Bạc Đầu Râu vừa nói thổi vào hồn Vương Đình Huệ những cảm xúc mới tinh đầy hứng khởi. Ông thầy hiệu trưởng nói tiếp:

-Ta cho rằng truyền bá những kiến thức cho lũ làng là điều quan trọng hơn hết thảy. Có kiến thức con người sẽ bớt lệ thuộc vào tự nhiên để xây dựng một xã hội giàu có, công bằng cho lũ làng!

Nhìn Vương Đình Huệ đang chăm chú nghe mình nói, Bạc Đầu Râu nói tiếp:

-Con là người sẽ được mở mang đầu óc đầu tiên, trong ba mươi sáu mùa trăng con vẫn ở học viện nhưng sẽ không được xuất hiện trước mọi người. Con phải thi hành kỷ luật trong thư viện của ta theo đúng luật tục của học viện Langbiang!

Không để Vương Đình Huệ trả lời, Bạc Đầu Râu nói tiếp:

-Ngay từ lúc này con theo ta vào thư viện, ta sẽ tra khảo con về chuyện học thông chữ quốc ngữ trên đường đi lấy trầm kỳ. Chữ quốc ngữ chính là chiếc chìa khóa mở ra nhiều kiến thức chứa trong thư viện của ta, con học từ đó. Chuyện ăn uống, chủ yếu con ăn cơm khô, thịt, cá khô ta mang đến hàng tuần. Con ngủ trên giường đá, vệ sinh thân thể bằng dòng nước chảy qua  thư viện….

Khi đã an bài xong cho Vương Đình Huệ trong thư viện, Bạc Đầu Râu căn dặn anh vài chuyện vặt rồi đi về sau khi nói:

-Tuần trăng sau ta mới đến kiểm tra việc học của con, bây giờ ta phải đi tìm một ít dược liệu để phục nguyên cho con Nghỉ trở lại hình dáng ban đầu mà nó đáng có. Mà này, theo ý kiến của hội đồng học viện, con cũng phải trở lại với vóc dáng vốn có của mình, từ giờ con không phải uống thứ nước màu nâu hàng đêm nữa!

 

CHƯƠNG 36

ĐÊM ĐỊNH MỆNH

 

 

Võ Anh Cương
Số lần đọc: 534
Ngày đăng: 01.01.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thung lũng trăm năm: tiểu thuyết (Chương 34: Tội ác) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 33: Cái vòng tay của bạc đầu râu) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 32: Giấc mơ trên thảo nguyên cỏ hồng) - Võ Anh Cương
Tiểu thuyết : Một nỗi đau riêng (Chương 4) - Lê Ký Thương
Một nỗi đau riêng: Tiểu thuyết(Chương 3) - Lê Ký Thương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 31: Cô ó ma lai xinh đẹp) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 30: Bản năng gốc) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 29: Cỏ hồng) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 28: Tiếng hát giữa rừng khuya) - Võ Anh Cương
Tiểu thuyết : Một nỗi đau riêng (Chương 2) - Lê Ký Thương
Cùng một tác giả
Hồng Mây (truyện ngắn)
Về xứ sương giăng (truyện ngắn)
Hàm Luông (truyện ngắn)
Thung lũng tình yêu (truyện ngắn)
Ma xó núi (truyện ngắn)
Hai ốm (truyện ngắn)
Sương khói quê nhà (truyện ngắn)