Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
835
116.682.917
 
Bụi đời hay nghiệp lang thang?
Vân Hạ

Thỉnh thoảng, ở đâu đó người ta thường nghe được những câu như thế này: “Đi đâu  mà nhìn như  bụi đời vậy?”.  Hoặc: “Nhìn mặt thằng đó cô hồn các đảng lắm, y như thằng bụi đời!”. Hoặc: “Thằng con ông đó (bà đó) bỏ đi bụi đời mấy năm giờ về rồi” .

Bụi đời  nói ở đây tất nhiên không phải những người trẻ bây giờ  thích xé áo quần cho tơ tướp ra để “nhìn cho nó bụi”. Hoặc lấy tiền nhà rủ nhau đi tụ tập phá phách chơi bời vài bữa và tuyên bố : “Đi bụi”. Càng không phải những bậc có chí lớn quyết “quăng thân vào gió bụi”  đi tìm chân lí. Bụi đời đây là bụi đời thứ thiệt, như tôi từng thấy.   

*          

Những năm tám mươi của thế kỉ trước,  tôi làm nhân viên của một cơ quan có trụ sở đóng ở  cuối đường Trần Quý Cáp, đoạn  gần chợ Phương Sài, gần ga xe lửa, vừa gần Mả Vòng là cửa ngõ ra vào thành phố Nha Trang.  Đây là khu vực phức tạp,  nổi tiếng nhiều trẻ bụi đời nhất thành phố. Bắt đầu từ một buổi sáng mùa mưa lạnh lẽo, tôi đến cơ quan đã thấy ba chị nhân viên văn phòng đang đứng  trước cửa nói chuyện gì đó, một chị vẫn mặc nguyên áo mưa. Khi tôi cất xe xong quay ra thì họ đã giải tán. Chị N. làm cùng bộ phận với tôi nói lại :

- Bụi đời! Nó chết trước cửa nhà bà H. Giờ bả phải đi trình báo phường để phường họ làm thủ tục mang nó đi chôn.

Chị N  nói thêm: “Mùa này tụi nó chết nhiều lắm. Nó không chịu được nước mưa. Nước mưa lạnh.  Tụi nó nghiện xì-ke mà”.

Sau này tôi mới biết dân nghiện hút chích rất sợ nước. Nhưng không phải tất cả trẻ bụi đời đều nghiện. Những đứa nghiện  phần nhiều là những đứa từng đi bán lẻ ma túy cho chủ nuôi hay một đại ca cầm đầu nào đó. Còn lại chúng đi lang thang,  nhặt rác, chôm chỉa.  Quần áo phong phanh dơ dáy,  một cái bao cũng dơ dáy vắt qua vai,  một tay cầm cái móc sắt. Hoặc đi người không không mang không cầm gì cả. Hàng ngày chúng vật vờ qua lại như có như  không dọc vỉa hè trước cửa cơ quan tôi.  Nếu có ai muốn tiếp cận chúng, cho dù bắt đầu bằng giọng tử  tế: “Nè nhỏ. Đi đâu vậy. Lại đây cho cái này nè” . Hoặc bằng giọng giang hồ dao búa: “Ê thằng kia. Định chôm chỉa gì đó. Lại đây biểu coi”, thì chúng cũng phản ứng như nhau. Nghĩa là không phản ứng gì. Những hạt bụi đó chỉ hơi ngước nhìn người vừa kêu, có đứa còn chẳng thèm nhìn lên coi như  không nghe. Lại tiếp tục vật vờ bước đi , mặt vô hồn đờ đẫn không vui buồn không sợ sệt. Và như chưa bao giờ biết nói. Thế nhưng chỉ cần tia thấy một đôi dép bỏ ngoài cửa  hay một món đồ vừa bỏ tạm xuống một giỏ xe nào đó là nhoáng một cái, chúng đã mổ  nhanh như  điện. 

Những năm đó trộm cắp móc túi nhiều và siêu đến nỗi  một chị bạn đã phải bày cho tôi một chiêu  được coi là đơn giản mà hiệu quả nhất để giữ  tiền khi đi chợ, đó là phải cuộn nhỏ tất cả tiền lại rồi nắm chặt trong lòng bàn tay.  Đừng trông nhờ gì ở ví xách hay túi quần túi áo. Bởi vậy nhìn mặt những đồng tiền lúc nào cũng nhăn nhúm thảm hại, có muốn phẳng phiu cho đáng mặt cũng không thể được.

Giữa những tranh giành chụp giật, những bất an hoang mang của một thời kì khó khăn hỗn tạp, trẻ bụi đời tồn tại cùng lúc với rất nhiều tệ nạn khác như  vỡ tín dụng, giật huê hụi, cướp tiệm vàng, vượt biên, bán bãi,  phản loạn ...  (Cuối năm 1978 một kẻ quá khích đã dùng súng tấn công trụ sở ủy ban phường Tân Lập giữa ban ngày,  làm một Trưởng công an phường thành liệt sĩ, một thanh niên tự vệ thành thương binh).  Rồi nạn giá cả tăng chóng mặt, hàng hóa khan hiếm. Còn nhớ năm 1983 có lần tôi muốn mua một gói mì ăn liền cho người quen bị bệnh,  phải vào  quầy hàng ăn uống của một khách sạn Nhà nước mua vé 3 tô mì để lấy được 2 gói mì mang về,  ngoài cách  ấy ra không thể mua được ở nơi nào khác.

Tuy vậy cũng có vài ba lần tôi vô tình được lạc vào một nơi kín đáo nào đó giữa thành phố.  Ở đó có những món ăn ngon đựng trong chén  đĩa cực đẹp.  Có rượu tây và bia chai. Bia cũng là của hiếm. Một chai bia 61ml lúc đó có giá bằng hơn nửa tháng lương tôi. Ở đó người ta ăn uống và phục vụ khẽ khàng gần như  âm thầm, không một tiếng nói to, không một tiếng chén đũa va chạm. Đó là một quán ăn không có biển tên, nhìn bên ngoài chỉ như một ngôi biệt thự  cũ nằm lặng lẽ trong khu vườn rộng. Mỗi bàn ăn được đặt dưới một gốc cây trong vườn. Hoặc một quán khác có biển tên nhưng rất nhỏ treo rụt rè dưới hàng cây rậm trước cổng.  Nhưng đó là thế giới khác,  thế giới của một số rất ít người, rất vô cùng ít lắm!  Còn số đông quanh tôi hầu hết đều  mải lo đối phó với đời sống và các vấn đề của mình. Chẳng mấy ai còn sức để tâm tới những chuyện khác.  Tôi chỉ bắt đầu để ý tới đám trẻ bụi đời từ buổi sáng mùa mưa ấy mà thôi.

Ga Nha Trang những năm tám mươi là môi trường số một cho bụi đời sống bám dày như … bụi. Phía trước sân ga là công viên Võ Văn Ký bấy giờ gần như bỏ hoang. Cạnh công viên lại có hàng me cổ thụ  nổi tiếng bởi câu “người Việt gốc me” quen thuộc.  Dưới các gốc me này không thấy lúc nào vắng người. Ban ngày thì từng tốp bộ đội thả ba lô trải chiếu ngồi đợi tàu.  Gốc kia là một gia đình mới nhìn đã biết từ vùng kinh tế mới xuống, đầy đủ bầu đoàn thê tử  lôi thôi lếch thếch với lỉnh kỉnh đồ đạc nồi niêu xô chậu.  Gốc kia nữa là những cán bộ công nhân viên chức đi phép, đi công tác  và những người buôn chuyến đường dài …. Hồi đó khách đi tàu không chỉ người ở Nha Trang Khánh Hòa,  mà còn có cả người ở các tỉnh Tây Nguyên xuống như  Gia Lai, Kontum, Dăklăk, nhiều nhất là bộ đội và dân kinh tế mới.  Nhà ga luôn bị quá tải nên việc họ phải tràn ra đây nằm chờ là chuyện thường. Vây quanh họ là đội quân những người bán hàng rong và đám bụi đời lảng vảng lượn lờ.

Nhưng ban đêm các gốc me và công viên bỏ hoang mới chính thức thành vương quốc của bụi đời. Là chỗ cho bụi đời dồn về tụ họp ngủ nghỉ chia chác chích choác  và “đi vệ sinh”.  Có khi tới tận 7, 8 giờ sáng cũng vẫn thấy còn vài ba hình hài nằm co quắp vạ vật dưới gốc me. Có cảm giác đấy không phải  giấc ngủ.  Hoặc chúng đang nằm lịm sau cơn say thuốc. Hoặc chúng đã quẳng hết gánh nặng về thời gian và về mọi cái. Hôm qua hay hôm nay, cái gì ở xung quanh, còn thức dậy nữa hay thôi… không cần biết. Chúng làm người ta liên tưởng đến những chiếc cùi bắp mà những người có tính bầy hầy thường quăng đại ra nơi công cộng. Nhưng ấn tượng nhất là chúng đều nhỏ bé và nhầu nhĩ.  Đều “cô hồn” và rất…   bụi đời.  Câu nói “Người Việt gốc me” không biết có phải xuất phát từ đây?

Nói khu vực này nhiều bụi đời nhất không có nghĩa những nơi khác không có. Rải rác trong các lô cốt hoang,  các công viên cũ thiếu ánh sáng đều có bụi đời trú ngụ.  Đến đầu những năm chín mươi cơ quan  tôi chuyển về đường Nguyễn Thị Minh Khai (đường Hàm Nghi cũ),  xa hẳn  đặc khu  bụi đời Phương Sài. Không lâu sau đường  Minh Khai được nâng cấp mở rộng và làm nối dài  thông với đường Vân Đồn. Công trình này kéo dài khoảng vài năm (tôi không nhớ chính xác mấy năm). Chỉ nhớ  trong một thời gian dài đoạn đường phía nối dài đào xới dở dang có nhiều ống bi lớn bỏ lăn lóc đã trở  thành một vương quốc mới của bụi đời. Mỗi chiếc ống bi là một nơi trú ngụ tuyệt hảo. Cứ bắt đầu từ chập tối đã thấy chúng về đó thập thò chui ra chui vào những chiếc ống bi như  những con ốc ma khổng lồ. Mỗi lần phải đi qua đoạn đường trồi sụt này vào ban đêm người ta thường rất ngại và sợ: “Khúc đó nhiều bụi đời lắm!”.  Thật ra trẻ bụi đời hồi đó thường ốm đói hoặc nghiện  xì-ke. Ngoài tai tiếng trộm cắp ra chưa ai nghe nói bụi đời tấn công cướp giết hay hù dọa ai bao giờ. Nhưng người ta vẫn cứ sợ.  Một nỗi sợ có thật, có sẵn đâu đó trong chúng ta mà chính ta không hiểu được.     

 Bụi đời ở đâu ra?  Trẻ con  không phải như vịt con hay rùa con.  Một đứa trẻ con trên dưới 10 tuổi dứt khoát phải có người chăm ẵm bột sữa cháo cơm mới thành được.  Vậy họ đâu cả rồi, sao chúng lại thành bụi đời? Một người cùng cơ quan tôi quê Phú Yên nói: “Chắc cha mẹ nó chết cả hồi chiến tranh. Cũng có đứa bị lạc cha mẹ lạc gia đình trong lúc hỗn loạn…”.  Một người khác bổ sung:  “Cũng có đứa từ trại trẻ mồ côi bị vỡ nào đó tuôn ra. Mấy đứa đó là mấy đứa bị bỏ rơi từ lúc mới đẻ vì mẹ nó là gái làm tiền”.  Người khác lại nói: “Chưa chắc. Có đứa có cha mẹ hẳn hoi nhưng nó thích bỏ nhà vô thành phố đi hoang. Cũng có thể vì ở nhà bị đánh đập,  hay buồn giận chuyện gì đó bỏ nhà đi rồi không dám về. Rồi gặp thằng đàn anh nó cho ăn,  bắt hút hít cho nghiện để rồi lệ thuộc vào nó”.  Ông Nguyễn Văn Đồng,  nhà ở đường Thái Nguyên ngay cạnh công viên Võ Văn Ký,  khẳng định: Nếu trẻ bụi đời là dân Nha Trang thì không thể có chuyện  nó bị mất cha mẹ hoặc bị lạc gia đình trong chiến tranh. Vì theo ông năm bảy lăm  giải phóng Nha Trang không hề có một tiếng súng nào. Từ ngày 30 tháng 3 quan quân đã tháo chạy hết, thành phố ngơ ngác ở trong tình trạng vô chính phủ mất vài chục tiếng đồng hồ.  Sau  đó thì xảy ra việc cướp phá kho gạo, rồi đến cướp phá những cửa tiệm những ngôi nhà không chủ.  Trước tình hình đó các nhà sư  ở chùa Long Sơn đã phải lên núi  tìm bộ đội về tiếp quản… Vì vậy không thể nói trẻ bụi đời ở đây bị mất gia đình cha mẹ do chiến tranh. Nếu có thì đó là trẻ từ các vùng quê xa và từ các tỉnh khác dạt đến.  

Cái thế giới bụi đời ấy nó thế nào? Chịu.  Nếu tôi có thể trở lại là một đứa trẻ  của vài chục năm trước để mạo hiểm gia nhập bụi đời một phen,  chắc tôi sẽ  nói được nó thế nào. Chỉ biết rằng có một đứa trẻ bỏ nhà đi bụi đời mấy năm, sau này lớn lên đã có vợ con hẳn hoi, nhưng dấu ấn bụi đời vẫn còn đó trên nét mặt người ngợm dáng dấp, đến độ “nhìn là biết”.  Như vậy cuộc sống bụi đời hẳn phải quăng quật đến thế nào.

Từ  cuối những năm chín mươi, đầu những năm hai nghìn trở lại đây người ta nghe nói nhiều đến các cơ sở từ thiện như  Nhà Dưỡng Lão dành cho người già; Nhà Tình Thương, Nhà Mở,  Làng S.O.S  dành cho trẻ em;  Trung tâm Bảo Trợ Xã Hội (được gọi nôm na là Trại Xã Hội) dành cho tất cả những người lang thang khác. Trong nỗ lực lập lại trật tự của thành phố  có việc thu gom các đối tượng lang thang ăn xin và trộm cắp giả ăn xin,  nhiều nhất ở các chợ và các điểm tham quan du lịch. Trong số này có nhiều người không phải bụi đời hoặc chỉ bụi đời một nửa. Tức những người khỏe mạnh bình thường nhưng như họ nói, vì bị mất mùa, bị mất cắp trên tàu xe. Hoặc có người dắt con cháu đi xin lang thang  một thời gian  ngắn rồi lại về nhà ở quê... Sau khi thu gom,  những người ngoài tỉnh sẽ được cấp tiền tàu xe cho về quê với cam kết không được trở lại tiếp tục hành nghề ăn xin. Những người ở các huyện thị, thành phố trong tỉnh sẽ được bàn giao cho chính quyền địa phương. Địa phương đó  phải có trách nhiệm giao họ về cho gia đình.  Còn lại những người vô gia cư,  tàn tật, già yếu, trẻ mồ côi, nếu có nguyện vọng ở lại sẽ được Trung tâm Bảo Trợ Xã Hội tiếp nhận. Tuy nhiên việc thu gom không dễ dàng, có đối tượng còn đánh lại cả lực lượng thu gom. (Năm 2001 tôi có viết  truyện ngắn “Hai người trong một buổi trưa” mượn bối cảnh từ một chiến dịch thu gom này). “Thu gom” cũng là cụm từ  tôi mượn  tạm của tổ công tác.  

*

Thời gian trôi nhanh cùng với bao nhiêu đổi thay.  Một thời bụi đời tưởng đã lùi vào quá khứ , khi mọi thứ  dần trở lại trật tự,  ổn định hơn.  Một trong những đổi thay dễ nhận thấy nhất là số người giàu đông vượt lên. Những nhà hàng quán nhậu các kiểu bung ra tràn ngập, tấp nập xe lớn xe nhỏ. Nhiều khu vui chơi giải trí, nhiều công viên mới được xây dựng. Các công viên cũ như  công viên Võ Văn Ký và công viên Yến Phi cũng đã được tu sửa cải tạo lại sạch đẹp quang đãng, không còn um tùm tối tăm.  Như nắng chiếu tới đâu rêu khô tới đó, bụi đời ít dần rồi vắng hẳn từ lúc nào. Khu vực trước ga Nha Trang  và dọc hàng me bây giờ  không còn thấy bóng dáng một hạt bụi đời nào nữa.   

Như vậy, những đứa trẻ bụi đời thuộc lứa những năm tám mươi và đầu chín mươi bây giờ đã thành người lớn. Có nghĩa những năm sau này không có thêm lớp trẻ bụi đời nào sinh ra nữa.  Hai chục năm sau có một khuya tôi đứng ở sân ga Nha Trang và nghĩ vậy.

Nhưng không hoàn toàn như tôi tưởng.  Bụi đời vẫn còn tuy không nhiều.  Một số dạt ra các chợ  gần bến cá Cù Lao và khu vực cầu Bóng. Một số vẫn lẩn quất  trong các ngõ ngách và phía sau ga Nha Trang,  nơi có khu nhà dùng để bảo dưỡng sửa chữa đầu máy, người quanh vùng quen gọi là khu đề-pô. Một số khá đông sống bám ở nghĩa trang. Và ở đâu nữa tôi không biết. C òn công viên Võ Văn Ký – vương quốc cũ của bụi đời – sở dĩ không còn thấy một hạt bụi đời nào là vì đã có hẳn lực lượng bảo vệ ngủ đêm ngay tại công viên, không để một kẻ lang thang nào được phép trú ngụ dưới chân tượng đài.

Có lẽ đám trẻ sống nhờ nghĩa trang người ta dễ gặp nhất. Chúng kiếm sống bằng cách xin tiền những người đến cúng viếng, nếu không cho hoặc cho ít sẽ bị chửi hỗn ngay. Ngoài ra chúng còn  chia nhau ăn đồ cúng. Và nghe nói chúng còn lấy hoa cúng trên mộ mang ra cổng nghĩa trang bán lại. Vì sao đám trẻ này  không vào Nhà Tình thương hoặc trại trẻ mồ côi trong Trung tâm bảo trợ xã hội?  Đơn giản vì phần lớn chúng không phải trẻ mồ côi. Một người bán hoa gần nghĩa trang Phước Đồng bật mí cho biết có nhiều đứa trẻ trong số này vẫn có cha mẹ. Thậm chí cha mẹ chúng còn đứng bên ngoài chỉ đạo.

Ông Nguyễn Thiện, một người thợ cắt tóc ở phường Vĩnh Thọ kể:  Một lần ông kêu mấy đứa trẻ lượm rác đi ngang vào để ông cắt tóc cho. Vừa cắt tóc cho một đứa ông vừa hỏi thăm nó nhà ở đâu, ba má làm gì.  Thằng bé đang ngồi trên ghế chưa kịp đáp thì bạn nó đứng bên đã giật áo ông nói nhỏ: “Xuỵt. Bác đừng hỏi. Ba nó chích xì ke đó”. “Má làm gì?”, ông hỏi tiếp. “Má nó uýnh bài chớ làm gì”, vẫn thằng bé đứng cạnh trả lời thay. “Mấy đứa đi lượm nhôm nhựa ngày được nhiêu, đủ ăn không?”. Lần này người đối thoại chính đang ngồi trên ghế cắt tóc hăng hái đáp: “Đủ chớ. Dư nữa. Có ngày con còn để dư được hai ngàn mang về đưa má nữa”.

Nghe nó nói tự nhiên thấy thương – Ông Thiện nói – Một đứa trẻ cha nghiện hút, mẹ đánh bài  (còn họ lấy tiền đâu để hút chích bài bạc thì có trời biết),  phải tự  đi kiếm ăn mà còn biết để dành được hai ngàn mang về đưa mẹ.  Lần thứ hai thấy nó đi ngang ông lại kêu vào cắt tóc. Vẫn đứa bạn nó nói: “ Bác đừng cắt tóc cho nó nữa. Ba nó nói nó là con ổng. Ổng chưa cho phép thì không ai được cắt tóc cho con ổng đâu à!”.  Lần cuối cùng thấy nó đi ngang ông lại kêu vào cắt. Lần này chính thằng bé nói: “Con không cắt đâu”. “Sao? Ba không cho hả?”. “Không phải. Ba con mới chết. Con phải để tang không được cắt”. Rồi từ đó nó dạt đi đâu không biết.

Thằng bé này chưa phải bụi đời, ít nhất cho đến lúc ông Thiện gặp.  Khi nó vẫn có cha mẹ, có nhà. Ban ngày đi lượm rác tối về nhà thì không  phải bụi đời.

  Vẫn ông Thiện kể có lần  ông đi cắt tóc từ  thiện trong Trại Xã Hội (tức Trung tâm BTXH).  Khoảng nửa tháng sau ông bất ngờ gặp đúng người đàn ông tàn tật ông đã cắt tóc cho bữa ấy đang đi lang thang ăn xin ngoài chợ. Ông hỏi:

-Ủa, sao lại ra đây rồi à?

-Ừa – Người ăn xin đáp – Trong đó buồn lắm. Suốt ngày cổng đóng không được ra ngoài. Buồn lắm.

Vậy ra đâu phải những người lang thang chỉ cần có nhà ở có cơm ăn là đủ. Ông Thiện nói: “Cũng có thể ra ngoài đi xin được nhiều hơn”.

*

 Gần đây,  tôi tình cờ nghe một người quen ở khóm Tháp Bà trầm trồ kể về một công dân gầm cầu,  rằng: “Tướng tá đẹp lắm. Dáng cao. Trán cao.…Nhìn rất trí thức. Nói chuyện hay lắm, nhất là chuyện thơ văn…”. Nghe kể thấy tò mò, tôi bèn nhờ dẫn đến gặp nhân vật đặc biệt ấy. Nhưng câu trả lời thật phũ phàng : “Chết rồi. Mà chết khôn nghe. Cũng biết chọn cửa để chết. Trước đó đêm nào cũng thường trú dưới gầm cầu. Nhưng đêm đó chắc cảm thấy trong người sao đó ngài  mới bò lên chọn đúng một cửa nhà giàu để nằm”.  Người kể còn bảo tôi nếu muốn biết thêm cứ tới nhà số … ở phường Vĩnh Thọ mà hỏi”.  Tôi đã không tìm tới ngôi nhà ấy, vì nhiều lắm tôi chỉ có thể được nghe thế này: Sáng sớm, một người nào đó trong nhà ra mở cửa và hoảng hốt kêu lên vì thấy một xác người nằm dưới mái hiên.  Người ta nhận ra đây là người nghiện xì ke vẫn thường trú dưới gầm cầu Bóng. Người ta đi báo cho phường và ủy ban phường đã mang đi chôn cất. Vậy thôi. Bởi vì cho đến nay vẫn không ai biết người ấy là ai.  Không một thông tin nhỏ nào về lai lịch tên tuổi. Người ta đã chôn con người “tướng tá đẹp lắm, nói chuyện hay lắm” ấy như chôn bất cứ một cái xác bụi đời vô thừa nhận nào!  Một người như vậy chẳng lẽ không có gia đình người thân? Sao lại phải đi lang thang thế? Tôi thắc mắc. Và câu trả lời cũng chỉ là phỏng đoán: “ Chắc chắn có gia đình chứ. Có thể vì gia đình đàng hoàng tử tế quá nên không thể nhìn những người trong gia đình phải tuyệt vọng, khổ lụy vì mình, thì thôi biến mất đi càng đỡ cho họ. Đằng nào đời cũng bỏ đi rồi”.

*

Thế rồi cũng đến lượt tôi gặp gỡ. Một đêm trời bỗng dưng đổ cơn mưa trái mùa làm tôi đi có việc bị mắc mưa về khuya.  Đang đi tắt qua đoạn đường vắng tôi bỗng giật mình vì một tiếng ho. Nhờ ánh đèn đường cách đó khoảng chục bước chân, tôi thấy một người nằm trước cửa một ngôi nhà có mái che trên đường Hát Giang. Có lần tôi nghe bọn trẻ con nói ở khúc này có một ông bụi đời. Bụi đời mà có di động hẳn hoi! Không hiểu sao tôi cứ  nghĩ liệu đây có phải một trẻ bụi đời thời “người Việt gốc me” những năm tám mươi còn lại không, biết đâu đấy. Tôi đã thử đến góc đường này mấy lần nhưng đều không thấy, chắc vì chưa đủ khuya. Bọn trẻ nói phải khi nào mọi nhà tắt đèn ngủ  im hết ông ta mới dò về.

Tôi dừng xe (xe đạp) , đến gần hạt bụi to tổ chảng.  Ông ta nằm trên một chiếc bao bố trải dưới đất,  đầu gối lên một cái bị vải. “Này bác, cho tôi hỏi thăm chút được không?”.  “Hỏi gì?” Hạt Bụi nói và vẫn nằm. Tôi dựng xe, ngồi hẳn xuống.

- Nói vậy chứ tôi chả hỏi gì đâu. Chỉ muốn nói chuyện thôi. Bác nằm đây lúc mưa to thì thế nào?

Hạt Bụi chống tay ngồi dậy.

- Nó tạt bên này thì chạy sang kia – Ông ta hất hàm sang cửa ngôi nhà đối diện bên kia đường -  Nó hắt  bên kia thì nằm bên này.

Tiếng nói dù nhỏ vẫn vang rất rõ trong đêm. Bỗng nhiên tôi thấy sợ.  Sợ nhỡ người trong nhà nghe tiếng nói chuyện ra mở cửa, hoặc không may  đội dân phòng đi qua đây bắt gặp thì biết giải thích thế nào.…Và sợ cái gì nữa tôi cũng không biết.  Cũng may không có rắc rối nào xảy đến.  Nhưng cuộc tiếp cận  trong trạng thái bất ổn đêm ấy coi như thất bại. Tôi gần như không biết gì thêm về thế giới bụi đời.  Chỉ biết Hạt Bụi bự này không phải bụi đời của thời “người Việt gốc me” lớn lên.  Theo ông ta thì “bọn đó chết hết rồi làm gì còn!”.  Nói đến  Trại Xã Hội, ông ta khủng khỉnh lắc đầu:  “Vô đó phải khai danh tánh, phải làm giấy tờ này nọ mệt lắm”. Và nữa,  cái này mới đáng nói, là Hạt Bụi này cũng thuộc Kiều. Không phải câu “Chữ tài chữ mệnh” nhiều người hay nhắc, mà là câu ở đoạn cuối, có thể coi như đoạn đúc kết: “Đã mang lấy nghiệp vào thân. Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”.  Về câu này  Hạt Bụi bảo đó là ông Nguyễn Du có ý cho tất cả những gì nhân vật Kiều phải trải qua đều do nghiệp báo bà ấy phải trả, chúng ta cũng vậy, nên đừng trách ai cả. Tôi nói: “Nhưng mình phải trách mình.  Nghiệp là do mình tạo, sao mình không chịu cải nghiệp”.  “Nói thì dễ. . .(ông ta ngập ngừng một lúc)  Chứ sao biết đời là bể khổ tình là dây oan mà giờ này còn đi tìm ông chồng cà chớn? Tìm làm gì. Về đi!”. Thì ra Hạt Bụi tưởng tôi đi tìm ông chồng ham vui nhưng không tìm được,  buồn quá kiếm chuyện ngồi nói với ông ta(!) Ai dám bảo những người này không biết đùa. Còn vì sao ông ta lại đi bụi khi đã ở tuổi trưởng thành. Cũng như ông ta tên gì, quê đâu, thì xin thú thật tôi cũng không biết và không hỏi. Vì những đối tượng này rất kị bị hỏi lai lịch tên tuổi. Vả lại tên gì chả được, quê đâu chả được. Đến khai với công an còn chưa chắc thật nữa là.

Mấy đêm sau trời mưa liên tiếp.  Không biết người đàn ông có về đó nữa không  nhưng tôi đi qua mấy lần đều không thấy.  Có thể vì chưa đủ khuya. Hay ông ta đã chìm lẫn vào thế giới bụi đời vô nghĩa vô danh rồi?  Dù sao tôi cũng nghiệm ra được một điều chẳng để làm gì, đó là bụi đời mỗi thời có khác nhau. Trẻ bụi đời bây giờ nói nhiều, nói khôn như diễn viên chứ không đờ đẫn vô hồn như bụi đời của hơn hai chục năm trước. Có cả những hạt bụi đi lẻ không cần băng nhóm bầy đàn, không cần một thủ lĩnh chăn dắt. Đây là những hạt bụi đã lớn tuổi, sẵn sàng đón nhận mọi chuyện đến với mình.

*

Đến đây tôi xin được dừng lại với hai cụm từ  xì ke bụi đời.  Người Nha Trang thường gọi chung tất cả những con nghiện dù hút, hít, chích hay uống đều là xì ke. Tụi xì ke. Dân xì ke . Thằng đó xì ke. Nhưng sao lại là Xì ke?  Từ  điển Lạc Việt giải nghĩa: Xì ke = scag, nghĩa là ma túy.  Ngoài ra tôi không tìm được ở đâu một giải thích nào khác.

Còn bụi đời ? Người ta thường hay nói (và nghĩ): “Mình chỉ là hạt cát”. Vậy bụi đời có phải từ nghĩa cát bụi này không.  Được làm một hạt cát trong cõi trần ai kể ra vẫn còn có phúc. Hạt cát to hơn hạt bụi và có thể dùng được vào nhiều việc. Kể cả khi chỉ là hạt cát trên bãi cát mênh mông thì nó vẫn có vị trí của nó. Còn hạt bụi như có như không. Có khi ở giữa một không gian đầy bụi  mà người ta vẫn không thấy có nó. Hoặc người ta chỉ thấy có nó cùng cảm giác phiền toái khó chịu. Khoảng cách từ  Cát đến Bụi có lẽ cũng gần như  khoảng cách giữa Ta và Ăn Mày.  Ăn mày là ai, ăn mày là ta. Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày”. Bụi đời là ai?  Khi không  nhà không cửa, lang thang dưới gốc cây gầm cầu thì thành bụi đời.  Bụi đời lại nghiện chích choác nữa coi như thôi!

Có một hình ảnh quen thuộc thường thấy ở rất nhiều nơi, đó là những mâm cúng thí ngoài trời,  cúng cho những cô hồn lang thang không nhà không cửa. Tùy phong tục từng vùng và quan niệm từng người, đồ cúng có thể là gạo với muối,  là cháo hoa (cháo trắng có rắc bỏng nếp  lên trên), là xôi chè hoặc bánh trái.  Chẳng hạn ở gần chỗ tôi người ta lại cúng khoai lang luộc, đường tán,  mía cùng vài thứ bánh kẹo nhuộm xanh đỏ, chắc để cho trẻ con, nhưng vẫn gọi chung là “cúng các bác”.  Thỉnh thoảng vào ngày tết  ngày rằm tôi cũng bắt chước đặt một mâm cúng ngoài trời. Tôi không cầu xin các bác phù hộ cho làm ăn buôn bán gì cả. Chỉ mời có bác nào đi ngang thì ghé lại dùng đỡ một miếng rồi đi.     

Có lẽ đây là việc dễ làm nhất./.

 

Vân Hạ
Số lần đọc: 2627
Ngày đăng: 24.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tết Dallas - Ngô Kế Tựu
Chân quê hương Tết - Văn Thành Lê
Ký sự Nhà Gươl - Văn Thành Lê
Tự bạch của một linh mục - Nguyễn Vĩnh Căn
Một thoáng Đakbla - Văn Thành Lê
Nơi đầu sông Sré Pok - Văn Thành Lê
Đồng vọng Đà Sơn - Văn Thành Lê
Ai lên xứ luyện vàng? - Văn Thành Lê
Ankor Wat .Đi, với trái tim - Elena Pucillo Truong
Vườn chanh miệt biển-1 - Kiệt Tấn