Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
824
116.667.709
 
Ankor Wat .Đi, với trái tim
Elena Pucillo Truong

(Bản dịch của Trương Văn Dân)

 

Có khá nhiều lý do để du khách lên đường du lịch : quan sát phong tục cá biệt của một dân tộc, tìm hiểu về những nền văn hoá, hay tiếp xúc với thiên nhiên, đào sâu kiến thức về  lịch sử hay địa lý…Nhưng với tôi, điều làm giàu tâm hồn nhiều nhất là khi trở về nhà, ngoài những bức hình đã chụp, chính cái cảm giác vương vấn còn lại trong tâm trí, có lẽ nhờ các  bạn đồng hành hay cảm xúc vừa trải nghiệm, đã làm cho chuyến đi  trở thành duy nhất. Và cuối cùng  cảm thấy như vừa thực hiện xong những giây phút quan trọng trong đời mình.

Đó là cảm giác của tôi sau chuyến đi Cam bốt.

 

Rất nhiều lần tôi muốn thực hiện chuyến đi này, viếng thăm những đền đài Ankor-Wat và tham quan một đất nước, như Việt Nam, đã từng hứng chịu những điều kinh khủng trong cuộc chiến.

Thế nhưng, chuyến đi cứ bị  dời đi dời lại nhiều lần, may là cuối cùng  vợ chồng tôi cũng có thể khởi hành và, chúng tôi chọn chuyến đi bằng pullman được tổ chức bỡi một công ty du lịch tại Sài Gòn.

Thường thì tôi thích đi bằng xe Pullman hay xe Bus bỡi vì muốn được di chuyển cùng dân bản xứ : Tôi nghĩ là chỉ bằng cách đó tôi mới có dịp học hỏi, quan sát hiểu thêm các phong tục tập quán của một dân tộc. Hơn nữa, một chuyến đi như vậy thường rất vui  và có nhiều kỷ niệm. Bởi, làm “du khách”chung  với những người ngoại quốc khác, theo tôi  sẽ có nhiều giới hạn về kiến thức về cuộc sống của một nước.

 

Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ một chuyến đi chừng một giờ  trên xe Bus, tuyến Sài Gòn-Biên Hoà. Trên xe có tài xế, cô gái bán vé và một phụ xe. Nhiệm vụ của anh này là “ bắt ” các hành khách đang đợi ở dọc đường hay đứng chờ ở bến. Dọc theo tuyến đường có những quãng không có  bảng hướng dẫn hay trạm chờ  xe và hành khách  phải đón xe ở   bất kỳ một chỗ nào đó trên đường. Tôi đã thấy một người đàn ông, để tài xế xe bus thấy, ông phải chồm ra gần giữa lòng đường, thách thức những chiếc xe máy chạy vun vút, đứng vẫy vẫy tay, và khi xe bus gần đến, tài xế giảm tốc độ nhưng không dừng hẳn, ông được  anh phụ xe “túm” lấy  và kéo lên xe!

 

Trước khi đến một bến dừng, anh phụ xe giơ hai tay vẫy vẫy, có khi nghiêng cả nửa người ra ngoài thành xe và nói lớn báo cho khách đứng chờ hãy sẵn sàng. Xe chưa kịp dừng lại thì anh đã nhảy xuống và thuyết phục khách hãy leo lên xe bus của mình, chất lượng cao hơn các xe khác, để đến đích mà họ cần.

Dường như có một lý do sinh tử chèo kéo nhiều khách bao nhiêu có thể. Và tất cả các điều này xảy ra trong tiếng cười, hò hét, kêu gọi, nhảy xuống, trèo lên khi xe còn đang chạy, giữa những gói, thùng hàng xách tay.

Cho đến bây giờ như vẫn còn nguyên trước  mắt tôi cái nhìn lanh lợi và lém lỉnh của cậu thanh niên đó, thân hình tuy mảnh khảnh nhưng hàm chứa một sức lực dồi dào, hai ống quần của chiếc quần jean được  gấp lên cho gọn gàng phơi rõ hai bàn chân to bè trên đôi sandale đầy bụi. Nhưng điều làm tôi lưu ý là trên thân hình hơi gầy ấy có chứa một sức mạnh, thứ sức mạnh cần thiết để trưởng thành trong vội vã  để có thể chiến thắng sự nghèo nàn.  Tôi nói  cám ơn  và mỉm cười, khi cậu ta cũng giúp tôi, một người ngoại quốc bước xuống  xe bus còn đang chạy chậm...

 

Và cũng như thế, trong chuyến đi  Cam Bốt  tôi  cũng là người ngoại quốc duy nhất trên xe. Sau vài giờ di chuyển chúng tôi đến biên giới Việt Miên và sau các thủ tục kiểm tra hộ chiếu, tất cả các hành khách phải chuyển sang một chiếc xe nội địa khác. Bên cạnh người hướng dẫn tên  Nam, lúc này còn có thêm một nữ hướng dẫn viên khác, một cô gái người Cam Bốt mà trước đây cùng gia đình đã  trốn sang Việt nam để tránh hoạ diệt chủng của Polpot. Cô theo học ở Đại Học Cần Thơ và sau khi hoà bình lập lại, cô đã trở về Cam Bốt, khai thác vốn kiến thức và  khả năng  nói thạo tiếng Việt cho ngành du lịch.

 

Đây không phải là lần đầu tiên hai người này làm việc chung để hướng dẫn du khách. Họ biết rất rõ các điểm cần đến hay nên dừng lại. Họ cung cấp cho du khách các thông tin cần thiết, thí dụ như nên tranh thủ ở các điểm dừng, vì  trên xứ Cam Bốt rất khó tìm được nhà vệ sinh, và, nếu ai đó có nhu cầu, chỉ còn cách chạy ra đồng, nép mình sau một thân cây hay một bụi rậm.

Nơi chúng tôi dừng lại để ăn uống thường cũng là nơi tụ tập của các người bán hàng rong. Họ bán đủ thứ, từ  hoa quả đến những thứ đặc biệt để ăn…và chính vì thế mà, tôi, vì tò mò đã cố lấy can đảm để cắn thử một cái chân nhền nhện chiên giòn.

 

Sau khi đến Seam Reap, một thành phố đầy khách sạn, cửa hàng, tiệm matsa và các tiệm ăn, nhà hàng… tất cả như được chuẩn  bị để chào đón du khách đến thăm các đền đài miếu viện của  Ankor Wat.

Ngay từ sáng sớm chúng tôi đã phải xếp hàng để chụp hình ở một trạm gác và sau vài phút các nhân viên ở đây cấp cho chúng tôi một  tấm vé có hình để có thể tham quan các ngôi đền.

Đối với tôi, hình ảnh làm tôi xúc động nhất, hơn cả Ankor Wat,   chính là những phế tích và những rễ cây  hoá thạch của Ankor Thom. Tất cả  hình như được bao phủ bởi một lớp bụi của thời gian và rơi vào quên lãng, xung quanh chỉ còn muôn ngàn tiếng gào thét của ve sầu… Một thành phố bị bỏ quên, bỗng dưng sống lại nhờ những hoa văn khắc sâu trên đá và làm cho chúng ta  nghe được hơi thở của một nền văn minh của dân tộc Khmer, đã bị người Thái tiêu diệt   tàn phá.

Vượt lên trên những nguy nga của đền tháp Ankor Wat chính là những khắc hoạ Khmer  dưới chân  những tường đá của  Ankor Thom. Những hoa văn đó mới là những bằng chứng hùng hồn về một dân tộc cần cù và trí tuệ . Họ đã khắc lên đá những hình ảnh bình lặng thường ngày, nấu ăn, câu cá và chinh phục cá sấu, tuy nhiên bên cạnh những hình ảnh thanh bình đó, vì trớ trêu của lịch sử, còn có những hình ảnh của chiến tranh, chiến đấu chống lại  đội quân  xâm lăng của Thái lan trên  mặt biển. Sau khi chiến tranh chấm dứt, nhân dân được hưởng cánh thái bình, họ tìm sự thư giãn với những nhạc cụ,  để đệm nhạc cho các vữ nữ, hay đúng hơn, các tiên nữ trong vũ điệu  “Apsara”  mê hồn : Một vũ điệu trong đó các động tác đều rất chuẩn mực và  nhịp nhàng,   các chuyển động vô cùng quyến rũ, các bàn tay, ngón tay được uốn  cong một cách điêu luyện  cùng với thân hình uyển chuyển, uốn lượn, gợi cảm trong mong cầu phồn thực…tất cả những điều đó đều đã trở thành thành bất tử nhờ các khắc hoạ trên đá, giờ đây đang hứng chịu những đổ nát sau nhiều thế kỷ thách đố với thời gian.

 

Chúng tôi đứng như bị thôi miên trước những cái nhìn và các khuôn mặt của đức Phật được khắc hoạ một cách sống động trên đỉnh tháp, mặt hướng về bốn hướng Đông Tây Nam Bắc. Hình tượng đó còn được lập lại trong một  hành lang dài được trang trí bằng những vòng cung dọc theo một lối đi có những bậc thang lên xuống, tất cả  các nét mặt hiền từ, miệng mỉm cười, với đôi mắt nửa nhắm nửa mở, mà đặc biệt là  không có khuôn mặt nào giống khuôn mặt nào. Cuối hành lang có một cầu thang 80 bậc, được kiến trúc và xây dựng một cách đặc biệt để những kẻ đến đây phải tỏ lòng tôn kính : Những bậc thang rất hẹp , và  ngắn, để những  kẻ viếng thăm tượng Phật trên đỉnh tháp phải cúi mình, tư thế bắt buộc phải giữ cho khỏi ngã khi leo lên , rồi khi đi xuống…họ cũng  buộc phải giữ tư thế như lúc  đi lên, vì bậc thang rất dốc,  để giữ lòng tôn kính và  khỏi phải xoay lưng về phía Phật.

 

Đây là một trong những kỳ quan của thế giới, và các dân tộc trên thế giới tham gia cùng Unesco với ước muốn bảo tồn. Nhìn chung, Ankor Wat là một sự kết hợp kỳ diệu của đá, từ những khối có kích cỡ trung bình đến những viên nhỏ vài centimét đặt khít vào nhau tạo thành những cột đá bền vững, đứng bất động giữa thiên nhiên như một sự thách thức về luật cân bằng. Tuy nhiên, nắng gió đi qua, cũng có những  đống đá đổ nát  nằm dưới chân đền như chứng tích về sự mỏi mệt với thời gian. Bên cạnh những khu vực đang được tái tạo, người ta còn thấy có những ngọn tháp đổ  xuống, các tảng đá lớn nhỏ  nằm ngổn ngang, rời rạc…trông giống như một  nỗi thống khổ của Sisifo (Sisyphe), cứ tiếp tục lăn tảng đá lên đỉnh núi và khi tới đỉnh nó lại lăn xuống vực.

 

Nhiều người nói là có những nơi trên trái đất  mà chúng ta cần  phải đến ít nhất một lần trong đời. Trong trường hợp đó, tôi nghĩ Ankor Wat chính là nơi mà chúng ta cần phải đến thăm, trước khi kỳ quan này biến mất một lần nữa…Nhưng lần sau sẽ không phải bị bỏ rơi vì nhân dân chạy giặc  hay để nó bị  phá huỷ bởi bàn tay của người Thái hay bom đạn Mỹ mà chính là vì  thiên nhiên sẽ nuốt chửng những tháp đền này vì không có kinh phí hay sự quan tâm nhằm khôi phục lại vẻ huy hoàng của vài trăm năm trước, bởi vì các chính phủ hiện nay chỉ chú tâm đến « hiện đại hoá » , xây dựng những cao ốc nhiều tầng bằng kính, những resorts, khách sạn hiện đại ngay sát những sinh hoạt của đa số thần dân trong khu ổ chuột.

 

Nhưng chuyến đi CamBốt còn mang đến cho tôi  những xúc cảm khác…

 

Vài người khách trong chuyến đi, nghe bạn bè  nói lại, đã hỏi ý hướng dẫn viên để có thể tham quan  Biển Hồ ( Tonse Lap). Sau khi tham khảo ý kiến, hai hướng dẫn viên cho biết là họ có thể tổ chức cho chuyến thăm ngoài chương trình, nhưng cần phải có đủ số người tham dự. Tưởng chẳng mấy ai quan tâm…nhưng, chỉ trừ một vài người, hầu kết khách trong đoàn đều  ghi danh cho chuyến thăm này.

Ai không biết, có thể nghĩ rằng đi nhìn một cái hồ thì có gì đặc biệt ?  Thế nhưng, sau khi được giải thích, mọi người đều vỡ lẽ về những điều thú vị cho chuyến viếng thăm này. Trước hết, đó là một cái hồ rất quan trọng được tạo nên bỡi dòng sông to lớn : Mê Kông.  Nó quan trọng đến nỗi người Việt đã gọi đó là  Biển Hồ”. Hồ to như biển.

 

Trong năm, có vài tháng hồ này ít nước, mực nước thấp và có ít tôm cá. Thế nhưng  vào mùa mưa, biển hồ chính là một nơi tích trữ nước khi mực nước trên  sông Mê Kông dâng cao. Chính tính chất đặc biệt ấy  mà Biển Hồ giữ một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái của khu vực này. Thiếu nó, tất cả  các khu vực hạ lưu của chín con rồng ở Việt nam chắc chắn bị chìm trong biển nước. Chính  đó là một điều kỳ diệu của thiên nhiên, đã tự thiết kế  và kiến tạo để giữ thế quân bình sinh thái, không cần  bất cứ sự tham gia nào của con người, thường chỉ gây ra tai hoạ. Thí dụ như, nếu một ngày nào đó, nhà nước CamBốt quyết định xây dựng một con đập trên sông Mê Kông, thế là tất cả  các vùng đất phì nhiêu, nhiều tôm cá, như Cà Mau, sẽ không còn hiện hữu nữa.

 

Nhưng chuyến thăm Biển Hồ còn có thêm một ý nghĩa khác. Và không kém phần quan trọng.

Trên bờ hồ, bên cạnh những người bản xứ, còn có một cộng đồng  người Việt sinh sống. Bỏ quê hương để mưu sinh, hành trang của họ mang theo chỉ là sự nghèo nàn và sợ hãi.. Họ   dừng bước ở đây, một nơi heo hút, xa lạ  với những ánh đèn thành phố.

 

Hai hướng dẫn viên lấy ra một túi xách mà họ đã chuẩn bị  từ trước, trong đó có nhiều sách vở và bút mực… và gợi ý cho đoàn moi lục túi xách để lấy ra những  cục xà bông, chai sữa tắm, bàn chải đánh răng… được khách sạn cung cấp mà chúng tôi chưa dùng đến để làm quà tặng. Sau khi gom góp mọi thứ, một du khách đề nghị và anh ta  đứng lên quyên góp tiền của mọi người để mua thêm quà cho những cư dân người Việt nam này. Trong phút chốc, chiếc mũ vải đã đón nhận nhiều loại ngoại tệ đến từ khắp nơi trên thế giới, từ tiền Việt,đô la Mỹ đến đồng Euro… từ tấm lòng của du khách Việt đến từ khắp nơi… Sau khi kiểm tra và tổng kết, một số tiền không nhỏ đã được lạc quyên, tất cả đều đồng ý dừng lại ở một  ngôi chợ ở Siem Reap để mua mì gói, một thứ súp đã nấu chín và sấy khô, chỉ cần bỏ vào một ít nước nóng là có ngay một bữa ăn nóng hổi; chúng tôi còn mua thêm một ít sữa cho trẻ em, bánh ngọt, một ít xà bông và số tiền còn lại dành để mua thêm aspirine, sách vở và bút mực.

 

Trong một thoáng, chúng tôi đã nghĩ và mua sắm mọi thứ.

Có người nhắc  là vài năm trước, một người Việt nam khi có việc qua nơi này, nhận thấy phần lớn trẻ em đều thất học, không mấy ai trong bọn chúng biết đọc hay biết viết tiếng Việt, ông đã quyết định  dừng chân, kêu gọi mọi người thu xếp nơi chốn và tình nguyện ở lại để mở lớp, nhằm dạy cho các trẻ  viết và đọc, kèm thêm một ít hiểu biết về quy luật vệ sinh. Nơi chốn chọn lựa để mở trường là một chiếc bè nổi trên mặt biển hồ.

 

Khi thấy chúng tôi đến từ một chiếc thuyền lớn, các học sinh nhao nhao nhưng vẫn ngồi trong lớp học và vẫy tay chào. Lúc chúng tôi bước lên   chiếc bè nổi, các em, tuy ồn ào, nhưng vẫn ngồi ngay ngắn sau bàn học. “ Bàn học”  là những mảnh gỗ đóng ghép sơ sài và tạm bợ. Nhiều, rất nhiều học sinh đủ mọi lứa tuổi ngồi chen chúc trong một ít mét vuông… Ông giáo nhìn chúng tôi cảm động và cảm ơn. Phần lớn

các thứ đã mua, chúng tôi chia nhau đi phân phát cho các em để mang về nhà.

 

Với phần quà còn lại chúng tôi chia nhau phân phát cho các gia đình nghèo đang tụ tập đứng xung quanh. Họ nghèo đến nỗi không thể cho con em đến lớp. Chúng phải giúp ba mẹ làm các việc nhà hay phụ lực mưu sinh. Các gia đình ấy, được thông báo qua cửa miệng rằng có đoàn cứu trợ, đã tập trung đến và vây quanh chiếc thuyền của chúng tôi. Và đây, còn những đứa trẻ khác…những đôi mắt mất thần vì đói… một hình ảnh làm đau lòng khi chúng tôi nhìn thấy những em bé  áo quần rách nát, có nhiều  bé ở truồng…bởi vì  cha mẹ không mua nổi những tấm vải để chúng có thể che thân…

 

Tôi đứng nhìn xung quanh trường. Trên một chiếc bè gần bên có dấu  thập giá, đó là môt nhà thờ Tin Lành, họ đến đây để giúp đỡ và tìm kiếm con chiên. Xa xa, còn có một ngôi trường tươm tất hơn, đó là một  trường học mới cất, dành cho các trẻ lớn hơn và được chính phủ Úc tài trợ.

 

Dường như thông tin  về cộng đồng nghèo khổ này đang  được truyền đi và bắt đầu  có một sự chuyển mình… tôi hy vọng là họ có thể nhận được nhiều trợ cấp và giúp đỡ hơn trong tương lai.

 

Tôi nhìn ra xa. Các ghe thuyền chính là  căn nhà lưu động của những người sinh sống nơi đây. Để che lấp sự  tuyềnh toàng của nơi  ăn chốn ở, các di dân thường đặt những chậu hoa    be thuyền để trang trí và  đánh dấu nhà mình. Theo lời của hướng dẫn viên, để phân biệt đó là  nhà  của người Cam Bốt hay của người Việt, chỉ cần nhìn chậu hoa  trên đó, nếu đó là màu vàng của  hoa mai thì là nhà của người gốc Việt. Nhưng theo tôi, ngoài vấn đề trang trí, đó cũng chính là một sự giữ gìn bản sắc, dù rất mong manh, với quê hương nguồn cội mà họ đã phải lìa xa.

Khi chúng tôi rời Biển Hồ lòng chúng tôi vẫn còn giữ mãi một tình liên đới với các cư dân ở đây, nhất là cới các em bé ở trường.  Lòng tôi rất vui vì vừa làm một điều có ích, tuy rất nhỏ nhoi.

Rồi cuộc hành trình của chúng tôi tiếp tục.

 

Khi đến thủ đô Phnom Peng chúng tôi như không thể tin được mắt mình khi nhìn thấy một tượng đài thật đặc biệt nằm giữa một quảng trường.Tôi sẽ không thể tin nếu không phải chính mắt mình nhìn thấy, đó là một khẩu súng lục vĩ đại, có lẽ là chứng tích của thời kỳ Polpot, khi sự đàn áp chống những trí thức và hành vi diệt chủng, đã làm cho nhân dân Cam Bốt xấp  xỉ 8 triệu người trước đó, giờ chỉ còn hơn 4 triệu người sống sót.Và như cô hướng dẫn viên người Cam bốt cho biết, nhân dân Cam Bốt rất biết ơn Việt nam vì không những đã giúp cho đất nước họ thoát khỏi hoạ diệt chủng  lại còn giúp đỡ họ về kinh tế. Và thực vậy, ở một quãng trường khác, chúng tôi còn thấy có một tượng đài khác mà người Cam Bốt đã dựng lên để tưởng nhớ  công ơn của quân đội việt nam, và nhất là các phụ nữ, biểu tượng của lòng kiêu hãnh và sự kiên trì của dân tộc Việt.

 

  Phnom Peng, cũng như các thành phố khác ở Á Châu, chính màu sắc là thứ  làm thu hút du khách. Trong đám đông,  hàng trăm sắc màu quần áo được chen lẫn với màu sắc của trái cây và thực phẩm. Nhưng  ở đất nước Chùa tháp màu sắc còn là biểu tượng và mang theo một ý nghĩa rất đặc biệt : sợi vải hồng của các cô gái còn muốn nói là các cô ấy chưa chồng, một thông điệp tế nhị mà cũng là một lời mời gọi đến các chàng độc thân… Ở Cam Bốt, các cô thường  mặc áo quần có  màu  tươi trẻ, thường là màu hồng hay xanh blu có pha sắc tím, hoặc tất cả những màu đó pha trộn với nhau bằng một phối hợp rất bắt mắt. Phnom Peng là một thành phố khá  nhộn nhịp, màu sắc và những tiếng rao hàng  thường tạo chú ý cho du khách, nhất là ở khu chợ trung tâm.

 

Buổi chiều,  đoàn chúng tôi đi thuyền trên sông Mekong  để  nhìn toàn cảnh thành phố, thuyền đi qua các toà nhà  cao, các khách sạn, các quán cà phê nằm dọc bờ sông…mà  cách kiến trúc và bài trí thường làm  ta nhớ lại thời thuộc Pháp.

 

Sáng hôm sau chúng tôi  khởi hành để quay về Việt Nam, điểm đến là thành phố Hồ Chí Minh. Hành trình khá dài, sau ba ngày liên tục đi bộ, nhưng chuyến về cũng không kém phần hào hứng. Giữa những truyện tiếu lâm, những tiếng hát, có khi lạc giọng, của hướng dẫn viên,  khách trong đoàn…tất cả chúng tôi như đều quên đi nhọc mệt  và cùng vui vẻ, cởi mở với nhau hơn sau khi đã cùng sống với nhau những phút giây đặc biệt. Làm sao chúng tôi có thể quên nụ cười thật hiền của cô hướng dẫn viên, cũng tên Hiền,  người Cam Bốt, khi chia tay ở biên giới, Việt-Miên ? Không thể !!

 

Và còn có bao điều, vui, buồn mà chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ !!!

Buổi tối, chúng tôi đến thành phố Sài Gòn. Tất cả mọi người đều có vẻ mệt mỏi và  khuôn mặt ai nấy cũng đều hơi ngái ngủ, nhưng thành phố dễ thương này đang chào đón chúng tôi bằng những ánh đèn màu. Lễ Giáng Sinh  sắp đến, đèn màu giăng mắc trên khắp các ngã đường và các quảng trường. Chúng tôi vô cùng kinh ngạc  trước những tác phẩm  của nghệ nhân ánh sáng của thành phố Sài Gòn. Đúng là những tài hoa bậc thầy. Bằng một trí tưởng tượng đặc biệt, họ đã tạo nên những bức tranh ánh sáng, khi là một chùm hoa, khi là  những hình vẽ đẹp mắt, hình những gói quà  Noel chớp sáng như những vì sao, giăng mắc trên những gốc cây hay treo lơ lửng trên các phố chính như Lê Lợi và Nguyễn Huệ. Thật tuyệt vời và cũng thật bất ngờ, nhưng trong tôi hình như còn đọng lại một sự tương phản quá lớn giữa những hotel sang trọng, sự phung phí điện năng ở Sài Gòn và những hình ảnh tiêu điều của một Ankor Wat, Ankor Thom  đang bị lãng quên, sắp chìm trong hoang phế.

 

Nhưng trong lúc đó, khi ánh đèn của các cao ốc Sài Gòn  cùng với sự điêu tàn của Chuà Tháp vừa biến mất trong mắt tôi, thì không hiểu vì sao, trí óc tôi bỗng quay về với ánh mắt của một cậu học trò nhỏ ở trên một chiếc thuyền  đậu cạnh ngôi trường nổi ở Biển Hồ. Đó là hình ảnh của một cậu bé đầy tự hào, e thẹn chìa bàn tay nhỏ bé để nhận lấy hộp bánh cho đứa em bé trần truồng mà cậu đang bế trên tay.Rồi, như vẫn còn đó những  khuôn mặt mỉm cười, đứng bên kia những sợi giây sắt che chắn quanh ngôi trường nổi đang vẫy tay chào. Chính những đôi mắt đó  ngay lúc này vẫn đang đồng hành cùng tôi và  làm tôi nhớ mãi chuyến đi được thực hiện bằng trái tim mình.

 

Cambogia, 19/12/2008

Elena Pucillo Trương

(Bản dịch của Trương Văn Dân)

 

(Bài đã đăng trên tạp chí MeKong- Torino, Italia)

 

Elena Pucillo Truong
Số lần đọc: 2234
Ngày đăng: 25.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vườn chanh miệt biển-1 - Kiệt Tấn
Vườn chanh miệt biển-2 - Kiệt Tấn
Pattaya - thành phố kỳ lạ… - Minh Tứ
Ốc bươu Bàu Nghè - Văn Thành Lê
Nửa nghìn năm trầm tích - Văn Thành Lê
Bí mật tiếng chiêng Phước Kiều - Văn Thành Lê
Hoa cỏ dại - Nguyễn Chính
Khúc tráng ca mù u - Văn Thành Lê
Ông Sáu Bia - Nguyễn Chính
“Thầy rắn” Lương Y NGUYỄN TIẾN HÒA - Phan Đức Nam
Cùng một tác giả
Mùi thơm buổi sáng (truyện ngắn)
Một phút tự do (truyện ngắn)
Thư viết cho mẹ. (truyện ngắn)
Trị liệu nhóm (truyện ngắn)
Dải ruy băng màu tím (truyện ngắn)
Niềm Vui Sống (tạp văn)
Một chút hạnh phúc (truyện ngắn)
Mèo con lạc lõng (truyện ngắn)