Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
843
116.690.246
 
Ánh sáng của tình người
Hoàng Thụy Anh

 

 

 

Thuở nhỏ, Đỗ Công Tiềm nổi tiếng là một cậu học trò ham học. Anh dành nhiều thời gian cho việc đọc sách. Anh vun vén tình yêu văn chương từ dạo ấy làm động lực cho những ngày tháng nhập ngũ; và sau này, nhân thêm niềm say mê, hứng thú trong các giờ dạy. Anh bắt đầu bén với nghề viết từ năm 1989. Hiện nay, gia tài anh đã có 3 tập truyện ngắn: “Bạn láng giềng”(1), “Đêm vắng”(2) “Ánh đèn bên nhà hàng xóm”(3). Đọc văn của Đỗ Công Tiềm, nhất là những người đã từng gặp anh ngoài đời, hẳn cùng một suy nghĩ: văn và đời là một. Những trang viết mộc mạc, bình dị nhưng không kém phần sâu lắng, nỗi niềm. Nổi bật trên hết là ánh sáng của tình người, lòng bao dung và nhân ái. Cũng nằm trong nguồn ánh sáng đó, “Ánh đèn bên nhà hàng xóm” là tập truyện phản ánh một cách rõ nét đời sống nông thôn và số phận người nông dân thông qua những biến cố xã hội.

 

Nói đến đề tài nông thôn, nông nghiệp và người nông dân, không thể không nhắc đến những cây bút gạo cội như Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Đoàn Lê, Lê Minh Khuê, Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Nguyễn Quang Lập,… So với các cây bút này, Đỗ Công Tiềm tuy chưa thể đọ vai, bằng vai, nhưng giọng văn dân dã, đời thường và cái nhìn thấm đẫm tinh thần nhân văn của anh lại là thế mạnh, giúp anh trụ vững với đề tài về mảnh đất nông thôn. Ba tập truyện và một số giải thưởng, có thể khẳng định, anh đã đang đồng hành với nhiều tác giả khác, cùng lấp khoảng trống, để đề tài nông thôn không còn là “đất trắng”. Anh đạt được một số giải như: giải 3 cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Kinh Bắc năm 2010, giải nhất Giải thưởng sáng tác văn học đề tài “Xây dựng nông thôn mới” cho bút kí “Đất - Người Minh Tân”, giải C của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2019 cho cuốn “Ánh đèn bên nhà hàng xóm”.

 

“Ánh đèn bên nhà hàng xóm” là tập truyện xoay quanh đề tài đời sống người dân ở nông thôn trong thời kì thị trường hóa, đô thị hóa. Các sự kiện như cải cách ruộng đất, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, hay những năm tháng gian khổ của chiến tranh được anh nhắc đến qua dòng hồi ức, kể lại của nhân vật, chứ không trực tiếp mổ xẻ, dựng lại. Dưới cái nhìn thế sự, dòng hồi ức này đã góp phần bổ sung và lí giải những bi kịch dai dẳng mà người nông dân phải gánh từ bao đời nay. Người nông dân của anh vừa chịu tàn dư chấn thương của giai đoạn trước, vừa bị trì níu, ràng buộc bởi những hủ tục, vừa chịu guồng quay hối hả, bao gồm cả tích cực lẫn tiêu cực, của quá trình đô thị hoá.

Đỗ Công Tiềm quan niệm: “Con người ta cái cần thiết cốt yếu nhất là gia đình. Gia đình có êm ấm bền vững thì cuộc đời mới có ý nghĩa, có hạnh phúc” [tr.29]. Nên, các truyện của anh hầu hết xoay quanh các mối quan hệ trong gia đình. Anh dùng không gian nhỏ bé này khắc hoạ số phận của người nông dân, đặc biệt là người phụ nữ. Họ không chỉ chịu nỗi đau, dư chấn của chiến tranh mà còn phải chịu áp lực của quá trình đô thị hoá. Có những người phụ nữ chịu nhiều nhọc nhằn, giông bão vừa thương vừa trọng như chị Nhã (Ngăn cách), bà và mẹ (Ngăn cách), chị dâu (Chị dâu tôi), người vợ (Kẻ khuyết tật), chị Lựu (Đêm vắng),… Có những người phụ nữ vừa đáng thương nhưng vừa đáng trách như Hoài (Bong bóng vẫn bay), chị Hạnh (Bụi gạch),… Tình yêu và hạnh phúc của người phụ nữ thật mong manh, bất hạnh. Chị Lựu dành cả tuổi thanh xuân của mình để chờ đợi anh Huấn - chồng chị. Đời không lấy hết nước mắt của chị, vẫn cho chị có những giây phút vui vẻ, rạng rỡ bên cạnh chồng, dù cuộc trở về của anh còn mang theo sự không vẹn nguyên hình hài (Đêm vắng). Người mẹ trong truyện “Cô bé xấu xí” “có quản chi vất vả nhọc nhằn, chỉ mong sao sinh nở lấy vài mụn con, để lấy được cái ‘lãi’ của đời người con gái” [tr.161] nhưng rồi cũng không thoát nổi định mệnh, từ giã cõi đời trong trạng thái người điên. Mỗi người đeo đuổi một mất mát riêng. Nhưng những người phụ nữ của Đỗ Công Tiềm đều gặp nhau ở một điểm, đó là giàu lòng hi sinh, yêu thương và vị tha: “Tình yêu của  những người phụ nữ… thật mộc mạc chân thành, cứ như rễ trúc, rễ tre, đã đâm vào lòng đất rồi thì chẳng có một thứ giông bão nào lay nhổ nổi” [tr.162].

 

Trong “Ánh đèn bên nhà hàng xóm” “… những con người, nom ai cũng đen đúa lầm lụi, tất bật, nhưng ai cũng cởi mở đến lạ” [tr.59]. Đó là vợ chồng tôi (Tiếng chim lẻ bạn), tôi (Ánh mắt học trò), Phác, Dũng, Chiên, Mai, Hoa và Bình (Bong bóng vẫn bay), tôi (Ánh đèn bên nhà hàng xóm), tôi, vợ chồng anh Phân (Bạn láng giềng)… Họ là những con người lam lũ, vất vả, cơ cực nhưng sống với nhau chận thật, tình nghĩa và bao dung. Bao năm bôn ba ngược xuôi, dành một phần đời cho trận mạc, cứ ngỡ người vợ yêu quý sẽ bù đắp mọi thứ, nhưng rồi người vợ cũng bỏ anh Hoán mà đi (Tiếng chim lẻ bạn). Trong hoàn cảnh ấy, anh Hoán nhận ra giá trị thực sự của tình bè bạn: “tình bạn… là tài sản quý giá nhất mà mình còn lại” [tr.41]. Anh Phân trong truyện “Bạn láng giềng”, nếu không có người bạn láng giềng tốt bụng giúp đỡ, sẻ chia, đâu dễ trở về cội nguồn khi từ giã cõi đời? Y trong truyện “Ánh đèn bên nhà hàng xóm” bị cuộc đời giày xéo bầm giập, nhưng trước sau vẫn là người có tấm lòng nhân ái, tốt bụng. Y hi sinh bản thân mình, chấp nhận vào tù vì người khác. Y cưu mang hai mẹ con chị Xim và bé Anh Thư khi người chồng/cha ngã bệnh chết trong tù. Sự gắn bó, vun đắp  cái tình, cái nghĩa theo tập quán “sớm lửa, tối đèn có nhau” của người nông dân trong truyện của Đỗ Công Tiềm chính là bài học vô giá nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn của mỗi chúng ta. Đó là món quà quý, vốn quý mà ai trong cuộc đời cũng từng ước ao.

 

Trong quá trình đô thị hoá, nông thôn của Đỗ Công Tiềm niềm vui đan cài nỗi buồn. Niềm vui khi đời sống vật chất lẫn tinh thần của bà con xóm làng được nâng cao, cải thiện. Nỗi buồn khi sự phân hoá giàu nghèo, các tệ nạn xã hội liên tục bủa vây làm họ đánh mất tình làng nghĩa xóm, đổi thay nhân tính. Tắm gội trong cơn lốc của nền kinh tế thị trường, của đô thị hoá, Mí bị đồng tiền chi phối, chỉ quan tâm đến chuyện được mất, hơn thua (Ánh mắt học trò); Quang đi du học về, ngỡ mở mang văn hoá, ai ngờ đầy toan tính (Tháng ngày vẫn trôi). Đỗ Công Tiềm thường nhìn những nhân vật bị tác động, biến đổi do hoàn cảnh xã hội bằng thái độ cảm thông xen lẫn xót xa. Một số người nông dân bị tác động của xã hội, trượt ra ngoài lối sống văn hoá, nhưng anh vẫn phát hiện gốc rễ thiên lương thẳm sâu bên trong tâm hồn họ. Nếu đặt họ trong hoàn cảnh xã hội cũ, trong một bối cảnh khác, họ là người tốt bụng, thiện lương. Nhưng đặt trong hoàn cảnh xã hội mới, họ vô tình trở thành nạn nhân của cái xấu xa. Anh em nhà cậu Chung trong “Chị dâu tôi”, Quang trong “Tháng ngày vẫn trôi”, chị Hạnh trong “Bụi gạch”, Mí trong “Ánh mắt học trò” vốn là những người tử tế nhưng đều vì đồng tiền mà đánh mất giá trị bản thân. Hoài để cuộc đời của mình trượt dài trên đồng tiền và danh vọng, nhưng nhờ tình cảm vô giá của bạn bè mà cô đã nhận ra những lỗi lầm và quyết làm lại cuộc đời. Người thợ đấu mang trong mình nỗi oan là kẻ giết vợ, phải chịu cảnh tù đày, song lại có tấm lòng nhân hậu, chấp nhận nuôi Bống, đứa trẻ thiểu năng trí tuệ bị bỏ rơi. Tấm lòng ấy còn trong sáng hơn, quý hơn khi anh thợ đấu luôn tự dằn vặt mình để tình cảm giữa anh và Bống mãi mãi là ông cháu. Đó là nét đẹp văn hoá ứng xử mà anh luôn tự hào, nâng niu, hướng đến trong các trang văn của mình. Hoặc thông qua những câu chuyện như việc anh em tranh giành đất đai trong truyện “Chị dâu tôi”, “Tháng ngày vẫn trôi”, anh chỉ ra những mâu thuẫn trong gia đình, làng xóm, dòng họ; chỉ ra những suy nghĩ lạc hậu, cổ hủ về ý thức tộc họ; đồng thời thắp lên ánh sáng của vẻ đẹp bình dị, thật thà, nhân hậu của người dân quê đồng bằng Bắc bộ, kết gắn tình yêu cội nguồn trong cái tình cái nghĩa của xóm làng.

 

Bên cạnh người nông dân tha hoá, anh còn khai thác người nông dân bi kịch, biết vượt lên chính mình. Trong truyện của anh, nhiều số phận đối lập, không trùng khít với hoàn cảnh xã hội mới. Sự đối lập này không phải do thiên tính mà do biến động phức tạp, xã hội chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Họ trở thành kẻ lạc lõng, lệch về một phía. Như ông Bốc trong truyện ngắn cùng tên - “Ông Bốc”, ông Vạm trong truyện ngắn “Người của một thời”, ông già trong “Ông già đợi xe buýt”. Những hoài niệm của ông Bốc, ông Vạm, ông già, xét ở một góc độ nhất định, có thể nói là lời cảnh báo sự xuống cấp, băng hoại về các giá trị văn hoá, phong tục tập quán của làng quê. Trong truyện của anh, có những nhân vật bước ra từ chiến tranh, không một vết xước nào trên cơ thể, nhưng lại bị trầy xước từ cuộc sống hiện tại. Anh Tính, thực hiện lời hẹn với anh Trường, lấy Lan, không sinh con mà dồn hết tình yêu thương và sự chăm sóc cho hai đứa, Quang và Quốc. Nhưng Quang đã nhẫn tâm, sống vì tiền, đánh đổi hết mọi thứ bằng gáo nước lạnh khi quyết lấy lại đất đai mà bố Trường và mẹ Lan để lại. Cư xử của Quang còn thua cư xử của hai đứa trẻ tật nguyền của anh Phượng và chị Nụ. Cuộc sống dồn anh Tính từ bi kịch này đến bi kịch khác, nhưng anh biết hoá giải nỗi đau, đứng vững, giữ lòng thanh thản. Số phận của ông Bốc còn bi kịch hơn anh Tính: mất cha mẹ từ khi còn nhỏ, đi chiến đấu trở về thì người yêu đã đi lấy chồng, thành tích trên chiến trường không được ghi nhận, anh em chia rẽ vì tranh giành đất đai. Ông Bốc trở thành kẻ trắng tay. Ấy vậy mà, khi có trong tay ngôi nhà của người đàn bà khổ hạnh để lại, ông cũng không nghĩ đến bản thân mình mà dành tất cả những gì mình có cho hai mẹ con nhà chị Lân. Vết xước từ cuộc sống không hề làm những người nông dân như anh Tính, ông Bốc đổi thay. Cái gốc nhân ái vẫn vững bền, kiên gan trước mọi giông tố.

 

Tập truyện nổi bật với ba nguồn cảm hứng: cảm hứng nhân văn, cảm hứng bi kịch và cảm hứng phê phán. Đan xen ba nguồn cảm hứng này, Đỗ Công Tiềm đã tái hiện một cách khá chi tiết về đời sống nông thôn và người nông dân trong giai đoạn tiền đổi mới. Bằng giọng văn đầy xa xót, ngậm ngùi, anh đã bày tỏ sự đồng cảm trước những phận số bất trắc, thiệt thòi do biến động của lịch sử, xã hội, bày tỏ nỗi niềm khôn nguôi về một thời đã xa và khát vọng nuôi dưỡng tình yêu thương lẫn nhau giữa người với người. Như thế, không gian chật chội, tù động bởi cái nghèo đói, bởi dư chấn của thời kì trước, bởi những tập tục tăm tối, lạc hậu, bởi sự ảnh hưởng quá trình đô thị hoá của làng quê, không bó hẹp được vẻ đẹp tâm hồn sớm tối có nhau của người nông dân.

 

Kết cấu, giọng điệu, ngôn ngữ trong truyện của Đỗ Công Tiềm tuy giản dị, mộc mạc như con người quê nhưng anh đã tái hiện được những thân phận người trên mảnh đất nông thôn, đã ít nhiều rút ngắn khoảng trống văn học về đề tài nông thôn. Nông thôn trong “Ánh đèn bên nhà hàng xóm” vì thế vừa là nơi minh chứng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, vừa là nơi ảnh hưởng, tồn tại các tập tục lạc hậu, lỗi thời. Phải là nhà văn rặt yêu quê, một lòng một dạ sống, trải nghiệm và gắn bó với quê, Đỗ Công Tiềm mới khai thác được kiệt cùng cái chất cộng đồng và tự trị của người quê như thế.

 

“Ánh đèn bên nhà hàng xóm” là ánh sáng của tình yêu thương. Nguồn sáng ấy không bao giờ tắt, như tâm niệm của chúng ta khi nói về người nông dân: tối lửa tắt đèn có nhau. Và đó cũng là ánh đèn được thắp từ chính trái tim nhân hậu của nhà văn Đỗ Công Tiềm.

 

-------------

(1). Đỗ Công Tiềm, Bạn láng giềng, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2005.

(2). Đỗ Công Tiềm, Đêm vắng, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010.

(3). Đỗ Công Tiềm, Ánh đèn bên nhà hàng xóm, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2019.

 

 

 

 

Hoàng Thụy Anh
Số lần đọc: 1204
Ngày đăng: 08.05.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cảm thức về Tình yêu và Thân phận trong truyện Nguyễn Thị Lê Na - Trần Hoài Anh
Cảm nhận khi đọc truyện ngắn Cô Sướng cưới vợ - Vũ Thị Hương Mai
Tiếng trúc vi vu trong sâu lắng tâm hồn tôi - Trang Thùy
Đọc “Tháng Tư màu nhớ” của Phạm Đức Mạnh - Đặng Xuân Xuyến
Đọc tản văn “ Loa kèn trắng đợi anh”. - Hoàng Thị Bích Hà
Nguyên Minh với nỗi ám ảnh cô đơn và tâm thức lưu đày trong hành trình sống và viết… - Trần Hoài Anh
Bức tranh “ Thiếu nữ” đặc sắc của Đặng Xuân Xuyến - Dương Ninh Ninh
Bồ kết về đồng và không gian truyện kể của Nguyễn Hải Yến - Đặng Văn Sinh
Một bài thơ trăng trối của Phạm Ngọc Thái – Lời bình Việt Phương - Việt Phương
Những người nữ trong thơ Trần Yên Hòa - Phan Ni Tấn
Cùng một tác giả
Tin (thơ)