Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
834
116.639.488
 
Người Đàn Bà Quay Trong Trái Đất Tự Quay
Hoàng Thụy Anh

Trái đất tự quay là chuyện thường của cõi đời. Nó quay, chuyển mình theo trục đứng. "Trái đất tự quay"[1] của Trần Thu Hà cũng quay nhưng quay theo vòng quay của người đàn bà. Người đàn bà tự quay, tự "bão hòa" mình với những vòng quay nghiệt ngã của cuộc sống. Chị thao tác từng bước để quen, để khỏi ngỡ ngàng trước những cám dỗ của thế giới hiện thực. Vòng quay ấy quen dần và chị thành "con rối" tự bao giờ.

 

 

Lê Tiến Dũng khi bàn về phong cách nhà văn, nhận định: "Phong cách của nhà văn là những đặc điểm tư tưởng nghệ thuật độc đáo của nhà văn có ý nghĩa thẩm mĩ và có tính chất ổn định tạo ra diện mạo tinh thần riêng của nhà văn đó"[2]. Trần Thu Hà có cái riêng của mình. Không chỉ xáo trộn, ngẫu hứng khi sử dụng các con chữ mà chị còn xoay chúng bằng vòng quay của chị. Vòng quay ấy đang tranh đua với vòng quay của trái đất. Tiếp xúc với mỗi vòng quay, người đọc mở ra các khía cạnh của cuộc đời người đàn bà.

 

Vòng quay từ độ xuân thì đến "cuối mùa tàn"

 

Chị không sex ngôn từ một cách táo bạo. Nhưng những mạch ngầm nổi loạn của cơ thể như đang kiềm tỏa ý thức của người đọc. Ngay cả ngón tay cũng trở thành điểm nóng của sự dậy thì trong người thiếu nữ. Bằng cách lặp cú pháp và chọn đúng từ, chị đã đẩy hết nội lực hừng hực:

 

Là bàn tay búp măng

Che nắng, che mưa, che cao, che thấp

Che từng bước anh đi

Che từng ly rượu mạnh

Em dậy thì

Em dậy thì

Mê tơi rằm trăng

 

Này là búp măng

Này là bàn tay tháp bút

Bời bời thức

Bời bời say

(Tay tháp bút)

           

Tuy nhiên, vòng quay xuân thì không dài. Từ giấc mơ “mê tơi” xuân thì, chị phân thân để tìm sự kỳ thú trong tình cảm đích thực. Ngôn từ không "bội thực", không sex nhưng lòng ham muốn tìm lại dấu yêu ngày xưa đã thổi tình vào khao khát của người đàn bà: Húp vã nhau/ Thánh thiện/ Những mảnh đời xì xụp găm vào sự ngọt ngào/Em phân thân/ Thắp sáng// Thói đời// Đoản hơi// Xin đừng hóa người dưng// Cho một lần/ Phân thân kỳ thú (Phân thân). Vớt vát niềm vui sau cùng của mình, nhan sắc cũng trở thành di sản – thứ di sản "cuối mùa tàn: Xa xỉ một xứ ngày/ Dấu chấm hỏi ngân dài quyền đặc trị ta bạc màu tim ta đi ngông/ Thin thít những khoang đùi nuồn nuột réo/ Ký ức như cái bóng/ Gì kia!/ Nhan sắc rêu phong...(Nhan sắc rêu phong). Để tái tạo lại nhan sắc thời trẻ, chị cố níu thời gian bằng mọi phương tiện có thể của người đàn bà: Lớp kem Mascarra sẽ làm "nỗi đau không rỉ"; thời gian được giấu bằng ngực nõn căng phồng... Chị hóa trang trong "trò chơi thẩm mỹ": Đêm sờ tay xoa dịu những dại khôn/ Mà chờ / Mà mong/ Mà vớt mình trên cọng rêu nhan sắc/ Ép la tích dấu ngày/ Em cố rót có đọng rồi lại rót tự nhiên với sở thích nhâm nhi cho hết ngày, bên em những khuôn mặt được cài đặt sắp sẵn hình thước thợ (Lời của đá).

 

Âm thanh não nùng của tiếng dế cộng cảm tiếng ru tâm hồn của người quả phụ, rung lên từng khoảnh khắc lo sợ của người đàn bà. Chúng hiện hữu ngay trong từng vết nứt của bàn chân. Đó là vết nứt của thời cuộc, của thời gian đời: Vũ trụ trắng/ 21 vòng khứ hồi – âm dương chẵn lẻ/ Giấc mơ đại lộ vượt cung cấm trườn về miền cổ tích/ Đánh dấu thập kỷ đôi vương miện. Hành hạ đôi chân trần được đo bằng vết nứt thời cuộc/ Ta nghe rõ hơi thở gấp gáp trong từng sợi tóc chuyển hệ/ Bái phục/ Những đứa con Hoang thăng hoa, đội vòng nguyệt quế (Vẫn còn nguyên khối).

 

Vòng quay của trái đất tuần hoàn, đều đặn. Vòng quay của đời người là hạn hữu. Nắm được quy luật ấy, chị hướng về những cái gì thánh thiện nhất, tươi đẹp nhất của hiện tại để tạo dựng một tương lai tuyệt đẹp: Ta hữu hạn giữa vòng quay vô định/ Nhìn hơi thở khoác gông cùm/ Ôi! Trong đêm tối đen ngòm khi tôi nghĩ về điều tồi tệ nhất/ Phải thiêu đốt con tim man trá, đừng khoác áo cầu vồng trốn chạy thực tại// Một ngày/ Hãy thư giãn/ Để mọi căng thẳng đớn hèn rời bỏ thân xác (Ta hữu hạn giữa vòng quay vô định). Khi vòng quay đến thời kì "cuối mùa" như nhan sắc của người đàn bà thì chị lại khát khao được trở về với chính mình – nơi cái ta có thể hiện hữu an toàn nhất trước thời cuộc này. Ở đó, chị đã tìm thấy chính mình, tìm thấy vòng quay đích thực của thơ và của đời: Ta đã uống căng ê hề chữ/ Không khí chữ, tạp âm chữ, con còng chữ thất bát mù khơi/ Cho ta về với ta mùa trăng nghèo lạm phát/ Xin một đêm chín tái, nhắm nhau, giấc mơ thiền không độ.../ Này ơ!/ Cho ta về với ta (Ta về với ta).

 

Mới khát khao về với ta, về với bản ngã của mình, chị lại tuyên ngôn "Thông điệp của sự hồi sinh". Chị không chịu lệ thuộc, tâm thế bị động mà luôn tìm cách để bứt phá khỏi guồng quay mặc định của cuộc đời. Nguồn cảm hứng thơ đã giúp chị đứng vững trên đôi chân của mình:

 

Cõng trên lưng nguồn cảm hứng, bóc hết vỏ sần sùi

Nắn lại dòng chảy

Vượt qua chính mình

Không nhìn lũ kiền kiền

Không nghe lũ khiếu

(Thông điệp của sự hồi sinh)

 

Như vậy, tiếp bước, dõi theo hành trình quay của người đàn bà, từ sự chấp nhận, thỏa hiệp, bứt phá đến sự vượt rào về với bản ngã và di ngôn: "Ngày mới/ Lấp đầy khoảng trống/ Hôn lên dấu chân em là sự tỉa tót của dòng chảy" (Thông điệp của hồi sinh), chúng ta mới thấu hiểu nghị lực của người đàn bà thơ. Mượn thơ để đánh đu cuộc chơi của mình với đời.

 

Vòng quay "huých bầm tim chị"

           

Ở "Trái đất tự quay", người đọc còn chứng kiến vòng quay của nỗi nhớ, tiếc thương về những người thân của chị. Đó là hình ảnh em trai mang theo tuổi xuân của mình vào chiến trường. Nụ cười tuổi mười sáu mãi mãi vùi trong đất. Nhưng nụ cười ấy không tan biến mà hóa thành vẻ đẹp bất tử: Sục sôi/ Chị nghe con tim tứa máu/ Em trai ơi/ Tuổi mười sáu/ Có nụ cười vùi trong đất hóa trăng (Em trai tôi). Trần Thu Hà đã chuyển tải hết thảy tình cảm của mình dành cho em. Trên vai ấy, là gánh của nước mắt chị, của mẹ, là niềm vui của em: Chị cõng em/ Cõng cả niềm vui mới lớn/ Cõng cả chiếc ba lô lỗ chỗ vết thủng/ Cõng cả mùi súng đạn còn vương/ Cõng cả dấu vân tay còn in trên vô lăng tàu phóng lôi ngày ấy/ Yên nào/ Giờ chị cõng em về với mẹ (Về những trái thủy lôi chưa phóng...)

Mỗi nhà thơ là một sáng tạo. Họ mang đến những trường liên tưởng đầy nghệ thuật. Trần Thu Hà phát huy liên tưởng của mình bằng hình ảnh ấn tượng: Tôi đứng lặng trước tượng đài các chị/ Ngắm nhìn/ Vệt khói hương vẽ cong hình chữ S (Vòng hoa trắng). Chữ S đã trở thành tâm điểm của bài thơ. Nén nhang dành cho người của 40 năm trước thỏa khát vọng hồn người:

 

Bốn mươi năm – nhát cuốc bổ ánh ngày dựng tóc

Những hốc mắt

Sống – chết – Nhìn

Nỗi buồn xông đất

Nén nhang đỏ... đỏ như mắt người thân

Bốn mươi năm

Chim ngưng hót sau rừng cây lá mục

Cửa đã mở...

Ước muốn

Hồn người không bị xơ cứng

(Anh tôi)

 

Nếu ở vòng quay trước, người đàn bà thể hiện khát vọng giải thoát thì ở vòng quay này, nước mắt không chực chảy ra ngoài mà nó đã ngấm vào bên trong, cô đặc trái tim tím bầm trước mất mát vô biên của người đàn bà. Tấm lòng đầy nhân bản của chị như bay lên cùng đài hoa trắng.

Nhưng cuộc chơi ấy đâu chỉ có sắc thái của vòng quay mà còn là chất liệu của vòng quay.

           

Vòng quay của con chữ

 

Chị không câu nệ câu chữ, nhưng con chữ cứ như một ma lực tự dấn thân vào guồng siêu thực: Ngực nhú đá/ Hú gọi/ Mầm lách tách/ Nhụy thơm dâng tràn (Hú gọi). Chị đến với những giấc mơ kỳ lạ, giấc mơ kỳ nhông, giấc mơ quấn mình trong tổ kén anh. Giấc mơ kỳ lạ được lắp ghép bằng những mảnh vỡ của thân xác để mở ra những đường biên của nó, nhịp giấc mơ cũng chính là nhịp thiên đường:

 

Tiếng dế quả phụ

Mẫn cảm với vương quốc của mình

...

Giấc mơ

Vũ trụ trắng

21 vòng khứ hồi

Có còn nguyên khối?

Tiếng dế quả phụ lánh lót rung chuông

(Vẫn còn nguyên khối)

 

Hướng về mặt khác của vòng quay, người đàn bà ấy đang đè nén những nỗi đau thương của mình trước sự nghiệt ngã của thời gian. Thời gian của tuổi xuân thì nhưng cũng là thời gian của sự lo lắng. Chị lo lắng về tuổi tác, nhan sắc của mình. Lo lắng khi tuổi xuân qua đi là duyên tiền định của tất cả những người phụ nữ. Nỗi niềm nỉ non như tiếng dế ngoài xa.

 

Trái đất tự quay bằng trục riêng của nó. Thơ Trần Thu Hà cũng quay bằng trục riêng: trục lặp, trục phân rã, trục liệt kê, trục bậc thang... Không cố định mỗi vòng quay, thơ chị mở ra những vòng ngắn, vòng dài. Vòng ngắn nhất cho sự sinh nở câu thơ là 1 chữ. Vòng dài nhất là 48 chữ. Dạng thức kết hợp này tạo nên những đứt nối trong chiều sâu nội dung thơ của chị. Với câu 1 chữ, tứ thơ chông chênh, chao đảo nhưng vẫn kiên định bởi chị đã tập cho mình thói quen không chóng mặt. Người đọc cũng theo đó mà tập. Tập ngay từ vòng quay đầu tiên. Và đó cũng là sự bám trụ của người đàn bà giữa "vòng xoáy cuộc đời": Em/ Nhón chân nhẹ nhàng bước qua ô cửa óng ả mưa/ Múi thịt hân hoan/ Ngực làm đòng/ Đường cong ríu rít thở// Em/ Người đàn bà tập ru mình thon thả giữa cơn giông (Người đàn bà tập ru mình thon thả). Người đàn bà sẵn sàng háo hức kể chuyện mình mà bày với anh, với cả đất trời, vũ trụ về nỗi nhớ, nỗi chờ đợi, nỗi buồn và nỗi khát... như vầng trăng độ dậy thì, như biển thửa hồng hoang, cháy hết mình với "vầng trăng đam mê". Dòng chảy ấy miên man theo nhịp lòng và tuôn trào một cách tự do:

 

Em háo hức kể về quá khứ, về tương lai về những hạt bụi đời em sẽ bay... bay qua kẽ nhớ, lọt xuống kẽ tay, trở về ngày hồng hoang dày mắt nhớ, cái nhìn chai dại như nhật nguyệt ăn nhau

 

Đâu rồi

Anh

Thương nhớ biếc

Xóm nghèo xòe hoa mê

Em còm cõi vác nỗi buồn đi giấu

Ngoài kia bóng nắng rơi xiên

(Biển cháy)

 

Duyên nợ "Tình bậc thang"[3] đồng vọng, ngân dài hơn ở "Trái đất tự quay". Nếu "Tình bậc thang" là thanh âm của hai lần nhịp thì ở "Trái đất tự quay" là bản hòa tấu như người gieo vãi hạt giống thơ bằng nhịp bằng trắc. Nhịp bằng như bậc thang bước 2 lần. Nhịp trắc như bậc thang trải 3 bước. Ngỡ hồ, chúng hỗn độn nhưng bên trong là sự kết dính tinh tế của nội lực: em – xuân.

 

Em vấn lại

Một bờ trăng

Con gái

Gió cuồng say

Thả tóc

Cưới lưng ong

Sông vẫn chảy

Đôi bờ sa nhũ ngọc

Chốn bồng đào

Khuất nẻo

Dấu chân son

(Xuân)

 

Nhịp biến tấu như những đường cong trên cơ thể người đẹp. Trần Thu Hà đâu chỉ để ngôn từ diễn đạt cơ thể mà hình thức trình diễn thơ cũng đã phô bày đường cong của em.

 

Bậc thang đôi, bậc ngắn và bậc dài cũng được chị xâu chuỗi lồng vào những giả định – điều không thể xảy ra trong cuộc sống của tạo vật. Với bậc thang ngắn, chị đưa ra vế giả định "Nếu em không làm thơ". Với bậc thang dài, chị luận giải và tuyên ngôn triết lý: tính yêu không bao giờ chết nghĩa là em không bao giờ ngừng làm thơ:

 

Nếu em không làm thơ

Trái đất thôi quay, không còn nghe lời thầm thì

của em sau mỗi cơn giông, trái đất sẽ vụn ra như em đã từng vỡ vụn

 

Nếu em không làm thơ

Đâu tìm ra thế giới đàn ông...

Để "Trình làng" những bài thơ nổi loạn

                        Rằng:

Tình yêu ơi

Không chết bao giờ

(Nếu em không làm thơ)

 

Chị quay đủ hướng, đủ phương diện, góc cạnh: từ hình thức đến tinh thần. Dường như, con người luôn bất lực trước thời gian, bất lực trước những mất mát đau thương. Mỗi vòng quay là một thế giới. Nó tung hứng người ta như trận chiến giữa các đối thủ. Do đó, chị phải tập quay để quen thuộc, để dấn thân vào thế giới ấy. Khi sự dấn thân đến độ say mê, vòng quay biến tấu đầy tính triết lý hơn:

 

Lưỡi – Giải khát qua lăng kính nồng nàn phép lạ

Lưỡi – Đầu thai hơi thở dùm nhau

...

Lưỡi – Sợi dây thòng lọng treo lơ lửng với bình hơi hết hạn

Lưỡi

Lưỡi

Lưỡi

Lưỡi

Lưỡi

Lưỡi

            Và biết bao cái lưỡi

Cứ dài ra, dài ra, dài ra

Đấu thầu nhân quả

(Biến tấu lưỡi)

 

Tuy nhiên, những ý tưởng thơ như thế này chưa xuất hiện nhiều trong tập "Trái đất tự quay". Hi vọng được tiếp tục tận hưởng những vòng quay vô tận nhưng đầy triết lý của chị trong hành trình thơ.

"Thơ có mục đích đưa những cảm giác vào tâm hồn người đọc, và gợi những hình ảnh trong trí họ, nhưng không phải bằng cách tả những cảm giác và các hình ảnh đó. Ấy là nhờ một thứ phương tiện bí mật và phức tạp hơn nhiều" (Thesodore De Banville). "Trái đất tự quay" tiềm ẩn những bí mật ấy. Nó vẫn đang chờ đợi những khám phá của độc giả lý tưởng./.

                                                                                   

Đồng Hới, ngày 1-3-2010

 

[1]. Trần Thu Hà, Trái đất tự quay, NXB Hội nhà văn, 2009. Tác phẩm đạt Giải thưởng Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam tại Hà Nội (giải C, không có giải A) vào ngày 18-12-2010. 

[2]. Lê Tiến Dũng, Nhà văn và phong cách, NXB Đại học Quốc gia, Thành phố Hồ Chí Minh, 2007, tr. 24.

[3]. Trần Thu Hà, Tình bậc thang, NXB Hội nhà văn, 2006.

 

Hoàng Thụy Anh
Số lần đọc: 1986
Ngày đăng: 14.06.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Binh Boong: Một cung điệu lạ. - Thiếu Khanh
Năm con đường và một khoảng trống - Lê Huỳnh Lâm
Mai Văn Phấn, đã thong dong hơn - Lý Đợi
Nghệ Thuật Kết Cấu “Thương Nhớ Mười Hai” Của Vũ Bằng - Chế Diễm Trâm
Mai Thảo, hoài niệm của người viễn xứ - Nguyễn Vy Khanh
Thơ Quốc Sinh Với Năm Tháng “Sống Đầu” - Lê Khánh Mai
Người Đàn Bà Sưu Tập Nhà - Trần Huyền Nhung
“Bức Tượng” Thạch Quỳ - Hoàng Thụy Anh
Lãm Thúy, Với những nỗi ngậm ngùi còn nguyên - Phạm Văn Nhàn
Về Tập Tiểu Luận "Thơ – Quan Niệm & Cảm Nhận" Của Trần Hoài Anh - Hoàng Thụy Anh
Cùng một tác giả
Tin (thơ)