Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.411 tác phẩm
2.747 tác giả
570
116.857.637
 
“Nghề” bán dừa – Nụ cười và những giọt nước mắt.
Trang Thùy

 

 

     Găng tay, tất, khẩu trang và một chiếc nón cùng một bộ đồ giản dị mặc ở nhà, đó là hình ảnh của tôi bán dừa trên vỉa hè đường Phan Bội Châu. Nói là vỉa hè chứ thực chất nhà tôi có thuê một căn nhà hẳn hoi để buôn bán, nhưng ngặt một nổi theo thói quen của người dân ai cũng muốn mua một cách tiện lợi và nhanh nhất nên mặc dù biết mình ngồi nơi vỉa hè buôn bán là vi phạm luật "trên" đưa ra nhưng vì miếng cơm manh áo hàng ngày tôi đành phải chấp nhận làm một người" vô ý thức, không chấp hành nội quy".

     Bán dừa, đó là một công việc mà theo như rất nhiều khách mua thường chép miệng: "Công việc ni là công việc của đàn ông em ơi!" Nhưng biết làm thế nào, giữa bao bộn bề lo toan, con cái đang tuổi ăn tuổi học mở mắt ra là thấy bao nhiêu thứ tiền, lại không có nhiều vốn liếng và quan trọng nhất là không biết làm ăn lươn lẹo, bất chính nên tôi nghĩ bán dừa có lẽ phù hợp với tôi ít ra cũng là trong lúc này.

     Vậy là công việc bán dừa thành một cái "nghề" của tôi lúc nào không hay. Xưa nay không quen cảnh bán buôn giữa chợ, ngoài đường nên thực sự tôi chưa quen những câu chào mời như người ta, chỉ biết đổ một đống dừa to đùng, cao lấp kín cả con người tôi với cái nón lụp xụp. Huế ra giêng là nắng nóng gay gắt, điều đó khiến hàng dừa của tôi bán không hở suốt ngày.

 

     Hôm đầu tiên bán được chừng một trăm trái dừa thấy có lãi cũng được kha khá, nhưng do chưa bao giờ lao động kiểu này khiến đêm về hai bả vai và hai bàn tay giãn cơ đau nhức kinh khủng. Để rồi từ đó ngày qua ngày, tháng nối tiếp tháng những cơn đau cũng dần dần quen đi, vất vả của những buổi đầu chưa biết chọn dừa non, già theo ý người ta cũng dần dà khiến cho tôi có nhiều kinh nghiệm hơn.

     Đã buôn bán là phải biết "nhìn xa trông rộng, mở mang bờ cõi", nắm bắt khắp chợ không ai bán dừa xay thế là đầu tư mua luôn cái máy xay dừa về xay, mùa nắng dừa già rất nhiều nhưng khách ai cũng muốn mua dừa non thế là lại mày mò học cách róc dừa còn nguyên trái. Ban đầu chặt trái nào cũng bể, có nghĩa là sẽ chịu lỗ vốn, đã bao lần sốt ruột vì lỗ nhiều nhưng rốt cuộc không nản chí. Vậy là lại tiếp tục và thành quả hiện nay nhất là vào dịp cận Tết bán loại dừa này cho khách về làm mứt rất nhiều. Từ nay hàng dừa Trang Thùy ai cần loại dừa nào cũng có nhé. Đặc biệt dừa xiêm rất tốt cho sức khoẻ và rất có hiệu quả tiêu trừ nhiều bệnh nếu dùng kết hợp với các loại thực phẩm hoặc lá cây.

     Bán dừa, không đơn giản như bán những loại trái cây khác chỉ việc đếm trái hoặc bỏ lên cân, mỗi trái dừa khách mua đa phần phải chặt lấy nước và nạo lấy cơm cho khách. Những trái dừa non còn đơn giản chứ gặp những trái dừa già thì chặt xong một trái và nạo xong xuôi rất vất vả, nên bàn tay bị chai và những ngón tay đôi khi trầy xước chảy máu là chuyện thường.   

     Dưới trời nắng nóng phơi mặt ngoài đường mắt muốn nổ đom đóm, gặp trái dừa già khách nhăn mặt còn đôi tay mình nạo dừa muốn rã rời bả vai, mồ hôi chảy ướt đẫm lưng để kiếm từ ba đến bốn ngàn đồng một trái mới thấy quý đồng tiền như thế nào.

Ấy vậy gặp khách dễ tính thì đỡ, còn nếu gặp khách khó tính không chịu mua trong khi đã chặt lỡ rồi họ vẫn bỏ đi, lúc đó chỉ biết ôm trái dừa mà khóc vì không dễ mời người sau mua, trong khi tiền lãi ba ngàn mà tiền vốn mười lăm ngàn.

 

      Một ngày gặp vài ba khách như vậy là hôm đó chỉ muốn ngồi khóc thôi. Khi đại lý bỏ dừa họ chỉ thả xuống đếm trái lấy tiền, dừa non hay tra mình không có quyền lựa chọn, nhưng hầu hết khách mua ai cũng muốn mua dừa không già, không non lại đòi hỏi phải thật nhiều nước, phải làm sao đây? Đôi khi gặp những trái hư, không có một chút nước, cũng có lúc gặp trái chỉ có một ít nước lúc đó phải chặt thêm một trái để bù vào, vẫn phải tính tiền ngang một trái. Vậy là lỗ vốn, gặp khách không hiểu, không thông cảm còn nhăn nhó bảo "ai mượn bán mà không biết lựa". Dạ thưa, em khá rành nhưng có câu "Ai biết được trong trái dừa", xác suất có khi sai hoặc không có dừa ngon để lựa em biết phải làm sao đây. Nhưng mình bảo khách cứ tự do lựa đi thì họ bảo: "Chị bán thì phải biết lựa chứ!" Còn khi mình lựa, mình thấy như vậy là ngon rồi họ lại bảo rằng "sao già quá, sao non quá!" Thật sự lúc đó nghĩ ước chi có phát minh ra một máy siêu âm để biết trái dừa non hay già và để biết ý muốn của khách ra sao thì hay biết mấy.

 


     "Nghề" bán dừa, bán một mùa, ăn cả năm! Có thật vậy không? Có lẽ đó là một câu nói đùa của khách với hàm ý an ủi, nếu bán dừa có được lợi nhuận cao như thế thì có lẽ "người người bán dừa, nhà nhà bán dừa rồi!" Nhưng đối với một đứa không bằng cấp và không biết làm giàu như tôi thì để cuộc sống trôi qua bình dị hàng ngày như vậy thì cũng tạm chấp nhận được.

     "Biết đủ là đủ!", đời cứ thế mà an yên, chỉ sợ nhất là những cơn mưa bất chợt vài ba ngày. Nếu lấy dừa ít thì chủ xe không chở, còn lấy nhiều mà gặp mưa lạnh cho năm bảy ngày thì ôi thôi rồi, chỉ có nước ôm dừa mà khóc, dừa để chừng bốn ngày bán không hết kịp sẽ bắt đầu hư, vậy là nhìn trời xám xịt ruột gan o bán dừa càng u ám hơn, khách mua dừa trời mưa chỉ thưa thớt nhỏ giọt như cà phê phin. Hu hu, những lúc ấy chỉ muốn giăng một sợi dây ngoài đường để níu chân ai ngang qua cũng đều dừng lại ghé mua dừa cả. Bán chỉ để lấy lại vốn thôi cũng được nữa!

     Nhưng tất cả những điều kể trên đều không cực khổ và đáng sợ bằng việc đối diện với đội trật tự đô thị. Nếu ngồi trong nhà bán thì không ai mua, mà hễ cứ xích ra một chút thì nhẹ là nhắc nhở, nặng thì bị hốt hết lên xe. Các bạn có thể hình dung một người phụ nữ tay ôm chặt những trái dừa, miệng van xin và nước mắt nước mũi tèm lem, ấy là hình ảnh của tôi trong cuộc mưu sinh diễn ra hàng ngày ấy, không chỉ đơn thuần là những hình ảnh thường thấy với áo dài tha thướt, tay cầm phách sang trọng và nghiêm trang những lúc ngồi ca Huế.

     Như các bạn cũng đã biết những trang viết của tôi đều bắt nguồn từ vỉa hè nơi tôi bán dừa, tranh thủ những lúc rảnh rỗi tôi cầm máy điện thoại và bấm, ấy vậy nên không tránh khỏi những lúc mải bấm khi ngẩng lên đã thấy bốn năm anh áo xanh mặt mày hầm hầm, những cô bán cá mặt mày hớt hãi xanh lét vơ vội mấy rỗ cá tôm vươn vãi tung toé, tiếng dĩa cân rớt lẻng xẽng, chị bán rau vội vàng mặc kệ rỗ rau trái mướp đang tươi xanh mơn mởn thu vội vào giấu sau cây mân, chị bán thịt heo luống cuống suýt vấp ngã, tiếng í ới báo cho nhau: "Xe "hốt" đến!

     Thú thật xưa nay tôi chỉ nghe những tên xe như xe tăng, xe cứu thương, xe cứu hoả, xe khách... chứ chưa bao giờ biết "xe hốt" là loại xe gì. Chỉ khi ra bôn ba giữa chợ đời tấp nập tôi mới biết có một chiếc xe với tên gọi thật đúng vai trò của nó. Cách gọi hồn nhiên của tầng lớp lao động buôn thúng bán bưng, của dân nghèo mới ngộ nghĩnh làm sao, nhưng sao tôi nghe một nỗi mặn chát đắng cay cứ chực trào ra trên từng gương mặt đen sạm, hớt hãi của o, của chị, và cả của tôi.

     Những con cá vương vãi lấm lem đất cát, những trái dừa tội nghiệp của tôi vẫn hàng ngày cố vươn mình, nơm nớp lẫn bon chen giữa cuộc mưu sinh đầy bất trắc và cuộc sống vẫn cứ phải tiếp diễn mà không thể biết trước được mai ngày trời mưa hay nắng, bình yên hay hỗn loạn đến đi khi nào.

     Nhưng, dường như ông trời không nỡ vùi dập ai tất cả dẫu những giọt mồ hôi và nước mắt vẫn thi thoảng lặng lẽ trong nghẹn ngào. Bên cạnh những lời lẽ trịch thượng của những người mua muốn xứng đáng với đồng tiền bát gạo họ bỏ ra, vẫn có rất nhiều những vị khách giàu lòng nhân ái, họ ái ngại và đôi khi còn thừa một vài ngàn: "Đừng thối tiền lại nữa em!" mỗi khi họ thấy tôi chặt một trái dừa mà phải chặt bù thêm trái khác. Hay có những cuộc gặp gỡ bất ngờ đầy thú vị của những vị khách: "Chị đọc báo biết em nên chị tìm gặp em và mua sách của em!". Thỉnh thoảng có mấy bịch chè khách đem tới nói mua dừa em về nấu chè chừ đem thành phẩm tới tặng em đây. Hoặc những bó hoa, những tờ báo, những chiếc bánh sắn, củ khoai lang được trao tay ân cần ngay hàng dừa với bộn bề công việc, chỉ ân cần vài câu hỏi thăm ngắn ngủi nhưng chứa đựng những thương yêu mọi người dành cho để vơi đi bao khó khăn hiện tại.

     Những giọt mồ hôi, những giọt nước mắt và những nụ cười đã thấm đẫm ngay tại hàng dừa này mỗi ngày, mỗi giờ. Và tôi, o bán dừa vẫn miệt mài cần mẫn hàng ngày bấm phím viết lên những dòng tri ân cuộc đời, để thêm tha thiết yêu thương từng khoảnh khắc trôi qua. Cuộc đời ơi, ta trân quý biết bao hai chữ "làm người". Cho dù số phận có bắt ta mãi mãi làm phận người "bán buôn vỉa hè" cũng nguyện xin sống để ngẩng cao đầu. Ai đó đã từng nói rằng: "Mình không chọn nghề mà nghề chọn ta!" Thôi thì bán dừa cũng xem như là một nghề vậy, miễn đồng tiền mình làm ra thấm đầy mồ hôi nước mắt nhưng không bẩn là được, phải không?  

 

 

Huế 12.5.2020

*


 

 

Trang Thùy
Số lần đọc: 873
Ngày đăng: 26.05.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người bạn Hà Nội - Minh Tứ
Nửa miền thương nhớ (thương tặng Quảng Nam) - Lê Hứa Huyền Trân
Dọc đường văn nghệ (phần 46) Thị trấn Hoa Vàng – Quê Hương Thứ 2 của nhà thơ Hoàng Ngọc Châu - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (phần 45) Huỳnh Ngọc Thương – Lãng tử bên đồi Tây nhớ đồi Đông - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (Phần 44) Nhà văn Thùy An – Kiếp Tằm nên phải nhả tơ - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ ( phần 43) Ninh Giang Thu Cúc – Người chị đồng hương của tôi - Trần Dzạ Lữ
Chuyện anh Hai miền Tây - Minh Tứ
Chim về với nước - Trương Văn Dân
Về một chuyến đi - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Trắng đêm cùng tiếng sóng - Nguyễn Tiến Nên
Cùng một tác giả
Mùa nấm mối (truyện ngắn)
Mít vườn nhà (truyện ngắn)
Ngày mùa (tạp văn)