Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
431
116.777.250
 
“Cổng trường chải mái tóc xưa ” Một hoài niệm đẹp!
Trang Thùy

 

 

     Cổng trường chải mái tóc xưa là ấn phẩm nhân dịp kỉ niệm 70 năm ngày thành lập trường Nguyễn Hoàng của nhà thơ Võ Quê.

      Tôi thật sự bồi hồi xúc động khi nhìn ấn phẩm xinh xắn, trang nhã với hình ảnh chủ đạo là ngôi trường Nguyễn Hoàng. Là món quà dành tặng quý Thầy Cô, đồng môn nên nhà thơ Võ Quê rất chăm chút, chú trọng trong cách trình bày mang tính thẩm mỹ. Chứng tỏ ông đối với ngôi trường cũ bằng một sự trân trọng, nâng niu trìu mến.

     Đọc những dòng chữ trong Cổng trường chải mái tóc xưa, tôi cứ nghĩ rằng đây là một cuốn phim tư liệu thật gần gũi, hiển hiện ra trước mắt mình dẫu bài bút kí này được viết nhân dịp Hội trường lần thứ nhất vào năm 2007; và mặc dù tôi với thế hệ thật cách xa và không có một khái niệm gì về ngôi trường Nguyễn Hoàng yêu dấu ngày xưa của ông, tôi vẫn ngỡ như đang rộn ràng cùng ông với những háo hức trong ngày trở về bên mái trường xưa gặp gỡ bạn bè đồng môn và Thầy Cô giáo cũ.

 

     Có lẽ ai cũng từng có một thời hoa niên bên mái trường xưa của mình để khi lớn lên rồi, cuộc đời xô dạt ta với nhiều ngã rẽ, ta đi trên những con đường khác nhau để không còn nữa cùng nhau chụm đầu bên những trang vở, cùng nhau với những trò vui nghịch ngợm, thậm chí là những mối tình học trò e ấp vụng dại. Để rồi khi ngoảnh đi ngoảnh lại, mái tóc đã chuyển màu phai tự lúc nào, để rồi có một lần được sống lại cùng những hồi ức tươi đẹp ấy, bỗng ngỡ như lại trở về những tháng ngày như mới hôm qua. Tay bắt mặt mừng, bổi hổi, bồi hồi, những hỏi han có khi không kịp chờ câu trả lời đã vội sang câu khác. Có bao nhiêu điều muốn nói còn sợ rằng chưa kịp trao nhau, sẽ lại vuột đi mất. Nụ cười, tất nhiên trong ngày hội trường ai cũng thường trực trên môi, nhưng chắc chắn rằng sẽ không ít những giọt nước mắt trong ngày hạnh ngộ.

 

     Đọc bút kí Cổng trường chải mái tóc xưa, đó không chỉ là những miền cảm xúc thật chân thành, tha thiết của nhà thơ dành cho ngôi trường kỉ niệm mà còn là những hồi ức tuổi thơ cơ cực với thùng cà - rem và giọng rao lảnh lót của cậu bé Cười (tên hồi nhỏ của nhà thơ lúc còn ở Quảng Trị). Tôi tưởng tượng một cậu bé với nụ cười răng khểnh khi thì vác một thùng cà - rem, khi thì một bao bố đựng mì ổ trên vai, tiếng rao "Mì nề, ai cà - rem nề!" lảnh lót len lỏi trong những con đường quanh thị xã Quảng Trị, rạp xi - nê Đại Chúng, chùa Sắc Tứ, chùa Tỉnh Hội, nhà thờ La Vang... Hay cậu bé Cười hồn nhiên và chịu thương chịu khó đội trên đầu thúng cơm, bưng cơm giúp mẹ trong chợ Quảng Trị sau mỗi buổi trưa đi học về mà bà con tiểu thương ở đó thương mến và âu yếm gọi đùa thân mật "Ông đội Cười!", chắc do cậu tên Cười và có nụ cười răng khểnh đáng yêu. Cậu bé những lúc rảnh rỗi còn theo những đứa bạn cùng khó đi nhặt những cọng chè người ta bỏ rơi để bòn mót kiếm tiền về giúp mẹ. Cậu bé khát khao được đi học lại lắm sau chuỗi ngày gián đoạn từ Huế dạt theo mẹ ra Quảng Trị, tranh thủ khi người ta nhờ đi thuê truyện giùm đã tranh thủ đọc ké mọi lúc mọi nơi có thể để thỏa niềm say mê đọc sách của mình. Cậu bé đó sau này là nhà thơ Võ Quê, cựu học sinh trường Nguyễn Hoàng - Quảng Trị ngày ấy.

 

     Chắc chắn rằng trí nhớ của nhà thơ rất tốt và kỉ niệm ở ngôi trường thân yêu của mình thật đậm sâu nên ông mới nhớ tên thật nhiều những Thầy Cô giáo cũ của mình đến vậy. Những Cô Mai Thị Hảo, Bùi Ngọc Lan, Phan Ngọc Lan, Cô Táo, Cô Toàn, Cô Nhạn, Cô Lê Thị Tránh, Cô Nhụ Hương, Thầy Nguyễn Đăng Ngọc, Thầy Nguyễn Diên... được ông nhắc lại tên một cách trân trọng, mang đầy sự biết ơn. Thầy Cô, bạn bè giờ người còn người mất, chỉ còn những dòng hồi tưởng thiết tha trong tim người học trò cũ mái đầu đã chớm pha sương.

     Chuỗi hồi ức cùng trường xưa đan xen cùng thế vận của đất nước, của những ngày chiến tranh khốc liệt. Giọng văn của ông bỗng chùng xuống khi nhắc lại những ngày tháng buồn đau nhưng không kém phần hào hùng của một thời bom đạn: "Lớp học tôi thỉnh thoảng vắng một người và có lẽ những lớp học khác nữa trong trường cũng vậy. Lớp học tôi thường thì thầm với nhau khi có người bỏ học lên xanh. Những khoảng trống trên bàn học thành những dấu hỏi buồn. Nhức nhối."... “Thuở bằng hữu lên xanh thương người ở lại/ Xuống đường. Hào khí tiếng loa vang/ Quảng Trị rung lên mấy mùa tranh đấu/ Em bên anh. Sát cánh Nguyễn Hoàng...."

 

     Trong mạch hồi tưởng của nhà thơ, vẫn còn đây những mối tình học đường trong sáng ngày nào. Những mối tình ngây thơ vụng dại không phải lứa đôi nào cũng cùng nắm tay nhau cập bến bờ hạnh phúc. Vì những lý do nọ kia, hoặc ví rằng đôi khi có những lý do vô cùng ngô nghê, vụng dại để rồi tình yêu không thể đơm hoa kết trái, nhưng trước ngày hội trường ai cũng như mở lòng, chỉ còn lại những gì đẹp nhất, thân ái trao nhau những nụ cười, lại tay bắt mặt mừng, lại "mi, tau" hồn nhiên dù đã có dâu rể, trở thành ông bà nội ngoại. Nhưng thật vui thay nhà thơ Võ Quê không quên đưa vào bút kí hình ảnh có những mối tình nên duyên đôi lứa từ đó, bây giờ đang nắm tay nhau cùng trở về thăm lại mái trường xưa. Hình ảnh nhà thơ Võ Quê đưa vào đẹp quá! Đẹp đến nao lòng, đẹp như hình ảnh những cựu nữ sinh dưới tàng cây trước cổng trường cầm lược chải mái tóc dài. Chao ơi, sao mà đẹp, mà thơ: "Cổng trường chải mái tóc xưa. Mi tau cùng ngẩn cùng ngơ ... Nguyễn Hoàng”.  

 

     Hình ảnh hiện tại cũng là hình ảnh của quá khứ đan xen vào nhau, tiếp nối những thế hệ tóc xanh hôm nay, với màu áo trắng tinh khôi muôn thuở. Tiếc thay cảnh cũ, trường xưa còn đây nhưng tên trường giờ đã thay đổi, hỏi lòng ai không nuối tiếc, không muốn níu giữ những gì quý giá của ngày hôm qua. Không ai nói ra nhưng chắc rằng ai cũng muốn cái tên Nguyễn Hoàng gắn liền với mái trường thân thuộc. Đó là nguyện vọng thiết tha và cũng rất chính đáng của bao thế hệ học trò trường Nguyễn Hoàng trong đó có nhà thơ Võ Quê.

     Vui trong ngày hạnh ngộ, nhưng không quên các nghĩa cử uống nước nhớ nguồn, nhà thơ Võ Quê đã lưu tâm ghi lại những hoạt động của cựu học sinh Nguyễn Hoàng nhằm xây dựng trường, hướng đến một thành phố Quảng Trị thân yêu giàu đẹp, phồn vinh trong tương lai.

     Với một tình yêu tha thiết, những hồi ức tươi đẹp ngày xanh từ thành cổ Quảng Trị luôn sống mãi, bút kí Cổng trường chải mái tóc xưa là tiếng lòng, là tâm nguyện của nhà thơ với mong muốn gắn kết bao thế hệ học trò trường Nguyễn Hoàng xưa; dù bôn ba chân trời góc bể, sinh sống trong hay ngoài nước, thành đạt hay sống đời bình dị vẫn không vì những ngoại cảnh đó mà thiếu đi sự đoàn kết, trên tinh thần tôn trọng chí hướng của nhau. Chỉ còn lại những hồi ức thật đẹp, thật hồn nhiên trong sáng dưới mái trường Nguyễn Hoàng như thuở nào.

     Xin cám ơn tác giả của ấn phẩm gây xúc động trong tôi, đưa tôi cùng trở về những bồi hồi cảm xúc dưới mái trường thân yêu một thuở mà có lẽ ai cũng đã có một lần nhớ nhung bồi hồi, xao xuyến: "Năm tháng đi tình yêu vẫn ở. Mai cho dù tóc trắng với ngàn lau!"

 

- Ảnh bìa Cổng trường chải mái tóc xưa

 

 

Trang Thùy
Số lần đọc: 440
Ngày đăng: 19.09.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một công trình quý về “văn học vấn” trên Nam Phong tạp chí - Nguyễn Anh Tuấn
“Dấu chấm than quay ngang” kết nối bạn bè tứ xứ - Võ Quê
Zulu DC với bên đời có nhau. - Trương Văn Dân
“Về miền cảm xúc” chân thật những trang đời - Trang Thùy
Đóa sen thiêng tỏa hương đạo hạnh thơm đời - Võ Quê
Trót nặng tình với Huế - Trang Thùy
77 ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh “Khúc ru trầm” thơ nhạc Hòa Thanh - Võ Quê
Đêm Ukraine - Nguyễn Đức Tùng
Từ mấy “chân dung tự họa” của thi sĩ Hoàng Cầm… - Nguyễn Anh Tuấn
Phiêu bồng về “Ngày ấy Kon Tum” - Đào Duy An
Cùng một tác giả
Mùa nấm mối (truyện ngắn)
Mít vườn nhà (truyện ngắn)
Ngày mùa (tạp văn)