Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.410 tác phẩm
2.747 tác giả
515
116.850.317
 
Bánh ướt tôm chấy của chị Lúa.
Trang Thùy

 

 

     "Ai bánh bèo nậm lọc ướt ít đây!"

     Tiếng rao quen thuộc của chị Lúa vang lên đầu ngõ khiến tôi đang trèo cao tít trên cây bồ quân cũng vội vàng tụt xuống. Tôi mau mắn vơ vội cái chổi tre để gần lu nước quét lấy quét để mấy cọng lá mứt sơ sài rụng trước sân, hành động siêng đột xuất của tôi có lẽ chỉ mạ là người hiểu tôi nhất. Mạ mỉm cười rồi ngừng tay đang sàng bột trầm hương, hướng mặt ra sân gọi lớn: "Ơi bánh bèo!" Chị Lúa "Dạ" lớn rồi nhanh chóng chị quẩy gánh bánh bèo bước vào con ngõ có hàng chè tàu xanh mướt của nhà tôi.

 

     Tuy nhiên với tôi không đợi gì nghe tiếng rao mà chỉ cần nghe mùi hành phi thơm nức mũi toả ra ngào ngạt từ gánh bánh của chị ngay đầu xóm là cuối xóm cái mũi thính của tôi đã bắt mùi rồi. Chị nhẹ nhàng đặt gánh bánh xuống, chiếc đòn gánh mảnh mai và dẻo dai được làm từ cây tre già đã cùng chị đi qua không biết bao nhiêu nẻo đường, bao nhiêu ngày tháng. Đôi triên gióng bằng mây tre cũng bóng lưỡng theo thời gian và những chiếc nĩa bằng tre vót nhọn một đầu cũng bóng đen như vậy.

 

     Gánh bánh của chị Lúa chúng tôi hay gọi chung là bánh bèo nhưng thực ra trong hai đầu gióng của chị có tất cả những món bánh đặc sản của Huế: bèo, nậm, lọc, ướt, ít, đúc. Tuy nhiên, món mà tôi thích nhất và bao giờ cũng xin mạ cho ăn những hai dĩa đó là bánh ướt tôm chấy.

     Để làm món này ngon trước hết khâu chuẩn bị quan trọng nhất đó là pha bột theo tỉ lệ cân đối sao cho chiếc bánh khi đổ ra khuôn vừa dẻo dai lại vừa mềm mại. Đặc biệt muốn khi đổ bánh chiếc bánh không được dính liền nhau và không bị bở để khi cuốn bánh được dễ dàng thì lúc đổ bánh người ta thường tráng một lớp dầu thật mỏng vào bánh và khi khuấy bột. Phần quan trọng thứ hai không thể thiếu đó là phần tôm chấy. Tôm được lựa chọn là những con tôm còn tươi xanh, tôm sông là ngon nhất. Sau khi luộc tôm xong ta bỏ vào chiếc cối, giã nhỏ cho thịt tôm tơi ra. Bấy giờ bắc chảo dầu lên, phi hành thật thơm và bỏ tôm vào, đảo đều tay cho thịt tôm tơi ra, săn lại thì bỏ một ít hành lá xắt nhỏ vào, tắt bếp. Vậy là đã có một phần tôm chấy thơm lừng.

 

     Chị Lúa nhẹ nhàng khéo léo lấy xấp bánh cuốn đặt trên miếng lá chuối sạch sẽ, đoạn chị rãi một ít nhân tôm chấy lên miếng bánh, xong chị khéo léo cuộn tròn chiếc bánh lại. Chiếc bánh cuốn lúc này nhìn rất đẹp, chiếc bánh mỏng manh thanh cảnh trắng trong như dải lụa mềm mại quấn quýt ấp ôm đôi má hồng e ấp thiếu nữ ấy là phần nhuỵ tôm chấy thơm ngon. Từng chiếc bánh lần lượt được chị cuốn và đặt vào trong dĩa, chừng mười cái là xếp đủ một dĩa và chị Lúa không quên rải thêm một phần nhuỵ tôm lên bên ngoài dĩa bánh. Ấy là thói quen? Ấy là để bánh thêm ngon? Riêng tôi mỗi lần nhìn chị làm vậy tôi nghĩ ngoài hai điều trên có lẽ một phần nào xuất phát từ tính cách nhân hậu, rộng rãi của chị Lúa nói chung và người Huế nói riêng, đôi khi không phải lớn lao gì ở những điều đó nhưng chứa đựng cả một tấm lòng nơi những điều bớt, thêm ấy!

 

     Thêm một điều thứ ba tối ư quan trọng để quyết định món bánh ướt tôm chấy có đạt yêu cầu hay không đó là phần nước mắm. Nước mắm chấm bánh ướt phải chế biến sao cho có vị ngọt mặn thanh vừa phải, tuyệt đối không được mặn như nước chấm bánh lọc để khi ăn người ăn có thể chấm nguyên cả chiếc bánh cuốn vào chén nước mắm mà không bị mặn chai lưỡi. Cách pha nước mắm bánh ướt tôm chấy đúng điệu là sử dụng nước tôm sau khi luộc ra hoà cùng với nước mắm và thêm một ít đường. Lúc đó nước mắm sẽ có một vị riêng biệt không lẫn vào đâu được. Lại có một điều không thể bỏ qua khi làm nước chấm bánh ta dùng chiếc muỗng để xắm ớt tỏi tươi rồi mới đổ nước mắm vào, nặn thêm tí chanh lúc đó sẽ có một bát nước chấm thanh ngọt sóng sánh ớt tỏi dậy mùi thơm nức mũi. Tuy nghe như đơn giản vậy nhưng theo kinh nghiệm của những bà nội trợ xưa như mạ và mệ tôi thì tay xắm ớt tỏi cũng tuỳ vào mỗi người nữa đó, có người không có tay xắm ớt tỏi thì sẽ không được thơm nhiều, và ớt tỏi muốn ngon thì phải xắm bằng muỗng chứ không phải cứ xắt mỏng nhỏ là được. Vậy mới thấy cái sự cầu kì chăm chút trong từng món ăn của người Huế kĩ càng đến thế nào. Riêng chị Lúa thì ôi chao cái tay xắm ớt răng mà thơm kiểu chi lạ. Để mỗi lần muốn ăn món bánh ướt tôm chấy tôi không chỉ muốn ăn bằng miệng mà còn một cái thú nữa là ngắm đôi bàn tay thon thả của chị khéo léo thoăn thoắt, nhịp nhàng đưa những ngón tay cuốn bánh, dằm ớt và chiếc miệng duyên ơi là duyên của chị luôn mỉm cười, nhẹ nhàng mà đon đả.

 

     Giữa khoảng xế chiều lúc cơm trưa đã vơi cơm tối chưa tới thì gánh bánh bèo của chị Lúa là một món ăn xen bữa thật tuyệt vời. Nhưng rồi một thời gian tôi không còn thấy chị đi bán nữa và nghe đâu chị đã đi lấy chồng rồi. Từ đó xóm làng tôi vắng tiếng rao bánh của chị, tôi không còn được hít hà mùi thơm nức mũi từ gánh bánh của chị nữa. Nhiều lúc mãi chơi sực nghe bụng cồn cào, tôi lại thèm dĩa bánh ướt tôm chấy của chị đến nao lòng, cả tiếng rao ngọt lịm của chị cùng mùi thơm phức toả ra từ gánh bánh sao mà quyến rũ cho tôi nhớ đến thế.

     Trải qua biết bao năm tháng, vật đổi sao dời, từ một cô bé ham ăn ham chơi nay đã là mẹ của hai con trai lớn hơn tôi những ngày thơ dại ấy nhưng sao kí ức về những chiếc bánh ướt tôm chấy cứ mãi ngọt ngào trong giấc mơ tôi. Tôi đã ăn rất nhiều những món ngon vật lạ từ rất nhiều nơi nhưng sao mùi thơm của chén nước mắm chanh tỏi ngọt vị, hình dáng mảnh mai của dĩa bánh ướt tôm chấy của chị Lúa cứ mãi làm tôi nặng lòng nhớ về. Nơi đó có tuổi thơ tôi nằm cuộn tròn, êm đềm trong chiếc bánh ướt tôm chấy tôi thương.


 

 

 

Trang Thùy
Số lần đọc: 905
Ngày đăng: 14.09.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nỗi lòng của Cha - Lê Hứa Huyền Trân
Một thoáng đôi bờ xứ Nghệ - Phan Anh
Chinh chiến - William Lê
Hồn nhiên hoa móng tay - Trang Thùy
Huế, mưa kí ức - Vũ Dy
Luyện văn – luyện tư cách - Lê Ký Thương
Cô bé bán ruốc - Võ Quê
Quyển sách - Trần Hạ Vi
Tản mạn về khổ đau và vượt thoát khổ đau - Phạm Nga
Xóm bông ơi, Thược dược ơi, còn không ? - Trang Thùy
Cùng một tác giả
Mùa nấm mối (truyện ngắn)
Mít vườn nhà (truyện ngắn)
Ngày mùa (tạp văn)