Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
898
116.666.181
 
Một thoáng U Minh
Lê Phú Cường

Xin gửi đến U Minh trọn tấm chân tình của một người con xa xứ.

 

“U Minh bốn bề là tràm

Chẳng biết tháng nào nở hoa

Mà hương thơm dường như suốt mùa…”

 

Con đò năm giờ chiều rời bến U Minh chở theo câu hát ngọt ngào tha thiết, câu hát nhạc nền của đài truyền thanh huyện U Minh .

 

U Minh ngày xưa, ngày nay, ngày mai có bao điều muốn nói và cần phải nói.

Có lẽ trên đất nước Việt nam dài rộng mênh mông này thì U Minh là một nơi được hưởng nhiều ưu ái nhất- Đó là rừng U Minh. Rừng U Minh nổi tiếng trên cả nước và được thế giới biết đến như một trong hai khu rừng ngập nước đặc trưng của thế giới, một ở Brazil và một là đây-U Minh.

 

Địa danh U minh có khi còn nổi tiếng hơn cả địa danh Minh Hải vì nói đến U Minh người ta thường nghĩ đến rừng U Minh Thượng và U Minh Hạ với vô số đặc sản đặc thù của miền Nam như mật ong, tôm càng, rắn, rùa, cua, khô bổi, mắm lóc…Tôi nhớ có lần khi học đại học tại TP. Hồ Chí Minh, có đứa bạn mới quen hỏi quê tôi ở đâu, tôi trả lời Minh Hải thì bị bạn lầm với Thuận Hải  nhưng nói U Minh thì nó biết. Lâu thành quen, ai hỏi tôi quê ở đâu là tôi trả lời U MINH –không cần giải thích gì thêm!

 

Tàu rời U Minh theo sông Cái Tàu về TP HCM. Cà Mau, từ phía tay tôi hiện ra một đàn bướm trắng khổng lồ. Trường THPT U Minh với cảnh tan trường vui không thể tả. Từng đoàn, từng đoàn học sinh toả ra bờ kênh xáng xuống những chiếc vỏ lãi đang chờ sẵn để đưa học sinh về. Tàu chiều cũng ghé rước hơn chục học sinh nhà xa. Họ đó, đàn em của tôi đó, trông thật xinh xắn, trẻ trung và đáng yêu làm sao. Họ là tương lai của U Minh đó. Nhìn họ tôi mừng vui không tả xiết và tôi hy vọng thế hệ mới trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức để đưa U Minh đi lên. Nguồn nhân lực như thế này không thể gọi là thiếu, không cần kêu gọi ở đâu xa, chỉ cần biết đầu tư và có tầm nhìn. Tôi chợt nhớ lại ngày tôi còn đi học ở đây, chỉ mười năm trước thôi, từ xã đến huyện, từ xã đến huyện, trường học chỉ toàn bằng cây, lá. Nóc dột, vách tan hoang, nền sình lầy lội. Ai chưa trải qua thì không thể hình dung và tiền được. Còn bây giờ, một trường tiểu học do Bạn đọc Báo Sài Gòn Giải Phóng tặng, một do Quân Giới Tây Nam Bộ tặng… và một loạt trường được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Học sinh đi học bằng vỏ lãi. Phép màu nào đã tạo dựng nên cơ sở vật chất tươi đẹp như thế? Phải chăng đó lã dấu hiệu của một U Minh địa linh nhân kiệt, một U Minh đi lên từ giáo dục?

 

Tôi không thể không thổ lộ cùng mọi người rằng những năm tháng gần đây, mỗi lần về U Minh- những chiều thứ bảy- càng ngày tôi càng cảm thấy sung sướng và hạnh phúc, niềm hạnh phúc của một đứa con thấy gia đình mình sung túc.

 

Nhớ lại tết năm ngoái, nghe tin tuyến đường bộ Cà Mau- Thị trấn U Minh đã thông, tôi nhất định phải đi xe máy về U Minh một chuyến cho thoả lòng khao khát và háo hức. Mặc dù chỉ một mình len lỏi trên con đường ven rừng nhưng tôi hạnh phúc quá đỗi. Thế là từ nay mạch máu giao thông về quê hương tôi đã được nối liền. Tôi sung sướng khoe với bạn bè từ  Cà Mau về U Minh chỉ mất một tiếng bằng đường bộ, chỉ bằng một nửa thời gian đi tàu. Tôi cầu mong mạch máu ấy sẽ chảy mãi, chảy mãi dù mưa hay nắng. Hãy nhìn vào giá trị còn tiềm ẩn của chúng mà giữ gìn, tôn tạo như con người giữ gìn một niềm tiền bất diệt vào chính nghĩa. Ai có một lần đi trên con đường như thế với một tâm trạng như thế mới hiểu nổi tại sao người dân đồng bằng sông Cửu Long tấp nập đổ về câu Mỹ Thuận khi thông xe. Đến đây trong cảm giác rạo rực, để xem, để ngắm nhìn một phần đất đai xương thịt của mình thay đổi, để thoả mãn ước vọng ngàn đời từ thuở ông cha.

 

Trong niềm vui chung có niềm vui riêng. Nhớ lại lúc chiều tại nhà dì Sáu gần cầu U Minh, nghe cán bộ quy hoạch chợ U Minh cho biết chợ U Minh sẽ mở rộng trên nền chợ cũ, tôi chợt nhớ lại một quy luật tồn tại bền vững rằng mọi cái đều phải xây dựng trên nền móng của nó, Thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Ba yếu tố đó mọi nhà chiến lược phải nắm khi hành động. Lập chợ U Minh trên nền chợ cũ với vị trí địa lý ngã ba sông nước và bề dày lịch sử, con người như vậy là hợp qui luật. Bên này sông là chợ búa, bến tàu, bên kia sông là khu hành chánh, hai bên nối liền nhau bằng những chiếc cầu. Hương tràm rừng U Minh toả ra ngào ngạt và hơi nước sông cái Tàu làm dịu mát chốn “ngựa xe như nước áo quần như nêm” thì còn gì bằng. Nếu khéo điểm tô thêm vài vườn hoa, công viên dọc bờ sông, những con đường đô thị sạch xanh và kiến trúc đẹp mắt thí không khéo còn trở thành một thị trấn du lịch mà nhiều huyện khác phải thèm thuồng.

 

Miên man trong suy nghĩ, giờ tôi mới để ý đến những người xung quanh.Họ đang nói chuyện qui hoạch chợ U Minh, nói chuyện khu Khí-Điện- Đạm ở Tắc Thủ, chuyện khu du lịch sinh thái rừng và khu du lịch sinh thái vườn Cái Tàu. Một anh chợt bàn với bạn mình về cách truy cập Internet mới 1269 vừa mới đăng trên báo. Tôi chợt giật mình khâm phục người dân mình và lại miên man với ước mơ, hy vọng.

 

Cho tôi được cảm ơn đất và người U Minh đã cho tôi một chuyến trở về bổ ích và có bài viết này.

Lê Phú Cường
Số lần đọc: 2993
Ngày đăng: 26.11.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thực vật đăc trưng ở rừng U Minh - Anh Động
Cồn bãi và sông nước trên đất cù lao xưa - Huy Khanh
Giữ gìn cho muôn đời sau làn điệu dân ca Bến Tre - Lữ Hội
Lễ cổ truyền của bà con Khmer Nam Bộ: Đôn-ta và Hội đua bò Bảy Núi - Khuyết danh
Đất Nam Kỳ - Tiền đề văn hóa mở đạo Cao Đài (Tiếp theo) - Huệ Khải
Nghề gốm ven sông Tiền - Khuyết danh
Nghiên cứu văn hoá dân tộc, một vấn đề thời sự - Khuyết danh
Bình thơ : - Khuyết danh
Hiểu và làm - Thu Nguyệt
Đất Nam Kỳ - Tiền đề văn hóa mở đạo Cao Đài - Huệ Khải