Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
502
116.780.097
 
Review tiểu thuyết “Người đọc”
Nguyễn Phin

 

 

 

Xem ra một người ghiền sách như tôi và cho dù một cuốn best seller được phát hành rộng rãi đi nữa cũng phải có duyên lành mới được đọc chứ đâu phải ào ào đến tay đến mắt độc giả được. Đó là trường hợp tiểu thuyết “Người đọc” của nhà văn Đức Bernhard Schlink ra đời năm 1995, trở thành một hiện tượng chấn động văn đàn thế giới. Cuốn sách ngay sau đó đã được phổ biến với bảy triệu ấn bản và được dịch ra 38 thứ tiếng khác nhau trên toàn thế giới, ấy thế mà mãi đến năm 2021 tôi mới được đọc.

*

Tóm tắt nội dung 

 

Nội dung tiểu thuyết xoay quanh cuộc tình giữa cậu học sinh trung học 15 tuổi Michael và chị bán vé tàu điện Hanna 36 tuổi. Trong tình yêu giữa người phụ nữ trưởng thành và cậu bé mới lớn này luôn diễn ra một nghi thức đặc biệt. Đó là sau khi tắm chung, Micheal thường đọc cho Hanna nghe những tác phẩm văn học nổi tiếng rồi họ làm tình với nhau. Nghi thức này xuất phát từ một thực tế: Hanna là người mù chữ.

Sau một thời gian yêu kỳ lạ và đầy đam mê, Hanna đột nhiên biến mất. Nhiều năm sau, Michael trở thành sinh viên luật. Anh gặp lại Hanna trong một phiên toà, nơi chị bị kết tội đã viết bản cáo trạng tiếp tay cho phát xít Đức giết hại tù nhân Do Thái. Chỉ có Micheal biết rõ Hanna vô tội, đơn giản chỉ vì cô không biết chữ. Micheal đứng trước sự lựa chọn lớn: tiết lộ sự thật để minh oan cho Hanna hoặc im lặng, giữ lại bí mật cho cô. Micheal đã chọn cách thứ hai.

Hanna lĩnh án tù chung thân. Trong những năm tháng đó, Micheal không vào thăm Hanna nhưng anh gửi cho cô những cuốn băng ghi âm các câu chuyện anh đọc như ngày xưa anh vẫn đọc truyện cho cô nghe.

Một ngày, Micheal bất ngờ nhận được những lá thư của Hanna. Cô đã biết viết. Ở trong tù, Hanna đã kiếm sách và đối chiếu với những cuốn băng Micheal gửi để tự học đọc, học viết. Do cải tạo tốt, Hanna được thả sau hơn 10 năm ngồi tù. Micheal đã chuẩn bị mọi điều kiện để Hanna tái hoà nhập với cộng đồng. Nhưng một ngày trước khi được tự do, Hanna đã treo cổ tự vẫn.

*

Mối tình vượt mọi ranh giới

 

Trên tất cả, để lại ấn tượng xúc động nhất trong lòng tôi là mối tình vượt qua mọi ranh giới về tuổi tác, địa vị xã hội lẫn thời gian của Hanna và Michael. Họ đến với nhau ban đầu bằng những ham muốn, tò mò về thể xác nhưng ở lại bên nhau bằng tình thương và sự sẻ chia. Hanna đã dạy Michael làm tình như một kỹ năng cơ bản để trưởng thành bằng kinh nghiệm của một người từng trải. Ngược lại, Michael mang tới những quyển sách, những câu chuyện và lấp đầy thế giới tâm hồn luôn khao khát nhưng bấy lâu thiếu vắng của Hanna.

Đến sau này, khi biết được bí mật của Hanna, Michael vẫn không quên niềm say mê những cuốn sách của cô và vẫn tiếp tục kiên nhẫn đọc lại từng câu chuyện cũ, thu âm lại rồi gửi cho cô trong tù. Nỗi tuyệt vọng trong những năm héo hon của Hanna trong tù dường như được tiếp sức trở lại bởi những cuốn băng chất đầy kỷ niệm.

Cô đã làm được một điều phi thường – tự học để biết chữ, nhưng dường như tất cả đều trở nên quá muộn vào phút chót của cuộc đời. Những bức thư với những nét chữ run rẩy đầu tiên của Hanna gửi tới Michael không được đáp lại. Michael cho đến cuối đời vẫn không đủ dũng cảm đón nhận người phụ nữ năm xưa dù anh không khi nào thôi ám ảnh và mang ơn bà. Hanna cũng tự thấy mình không đủ dũng cảm trở về với cộng đồng từng kết tội mình.

*

Ẩn dụ cho một cuộc đối mặt

 

Tiểu thuyết Người đọc về sau được dựng thành bộ phim cùng tên, là tiếng nói của những người Đức, đi qua chiến tranh và trở thành tội đồ của những cuộc phán xét trong thời bình. Cuộc gặp lại định mệnh giữa Michael và Hanna không chỉ là cuộc hội ngộ của hai người yêu nhau sau nhiều năm xa cách mà còn là ẩn dụ cho cuộc “đối mặt” giữa hai thế hệ mang những số phận khác nhau của lịch sử.

Michael biết Hanna đã phải nhận hết trách nhiệm về một tội ác không chỉ mình cô gây ra nhưng anh cũng không lên tiếng đứng về phía cô. Tham dự phiên tòa từ đầu đến cuối không sót một buổi nào, Michael phát hiện Hanna không thể là người viết bản báo cáo vì nàng bị mù chữ.

Hồi tưởng lại những kỷ niệm trong quá khứ Michael nhận ra một số chi tiết chứng minh giả thuyết của chàng.  Nhưng anh đã không lên tiếng, phải chăng chính là sự mặc cảm với mối tình dị biệt nhiều năm trước, nhưng mặt khác cũng là thái độ lẩn tránh, chối bỏ của thế hệ hôm nay về những tội ác mà cha ông mình gây ra.

Bộ phim đặt ra những vấn đề lớn lao về mối quan hệ giữa hiện tại và quá khứ, giữa cá nhân và cộng đồng thông qua một câu chuyện tình ngang trái, trải dài qua nhiều thập kỷ của nước Đức.

 

*

Thái độ của người phán xét

 

Quá khứ rồi cũng qua đi, tội lỗi rồi cũng bị phán xét, chỉ có những điều day dứt và ám ảnh vẫn còn lại với con người, ngay cả khi họ không còn nữa. Nhân vật Michael đã phải lựa chọn một phương cách đối mặt hòng hoá giải “sự yếu đuối và nỗi xấu hổ” phải chôn giấu. Vẫn là đôi mắt ấy khi ngập tràn trong hạnh phúc với tình yêu, khi tuyệt vọng trống rỗng vì bị bỏ rơi, khi cụp xuống đầy đau đớn và bàng hoàng khi khám phá bí mật của người mình yêu, khi lặng lẽ khóc trước khi ra đi cũng của chính người yêu thương ấy. Đó là cả hệ thống xung đột dữ dội từ sâu thẳm bên trong con người. Tiểu thuyết và bộ phim “Người đọc” hướng đến sự thật và sự hòa giải những mâu thuẫn, xung đột không chỉ giữa mọi người mà còn chính trong mỗi con người.

*

Đức Quốc Xã dưới thời Hitler có nền văn hóa rất cao. Những người phục vụ cho chế độ Đức Quốc Xã gồm cả thành phần trí thức như thẩm phán, luật sư, bác sĩ, giáo sư, và nhiều ngành nghề khác. Họ, có thể, không trực tiếp nhúng tay vào việc thảm sát người Do Thái nhưng vẫn nằm trong guồng máy khổng lồ phục vụ chế độ.  Có những người trực tiếp được hưởng quyền lợi từ sự tàn sát chủng tộc này.  Họ có tội đã thờ ơ với xã hội và nhân loại. Họ đã không phản ứng hay tỏ thái độ, không tham gia ngăn chận một tội ác khủng khiếp. Và những người ở thế hệ thứ hai, là thế hệ thừa hưởng thành quả của thế hệ cha anh, một cách gián tiếp, là những người cũng có phần trách nhiệm.

Thế thì tại sao họ có quyền lên án, khinh bỉ, kết tội thế hệ trước khi họ khám phá ra những người thuộc thế hệ trước. Trong đó có những người họ từng thương yêu và kính trọng, thí dụ như cha và thầy giáo của họ, là những người vi phạm tội ác tàn sát chủng tộc.

*

Đọc xong tác phẩm tôi đã nghiền ngẫm, tin rằng, một người vi phạm tội ác, có thể vì hoàn cảnh đẩy đưa. Người ta có thể rất thông minh nhưng không nhận biết mình làm việc ác. Trường hợp của Hanna, lúc làm nhiệm vụ đội viên SS, trong hoàn cảnh cụ thể là không thể mở cửa nhà thờ để giải thoát cho ba trăm tù nhân, giúp họ thoát chết cháy, bởi vì nàng có nhiệm vụ canh giữ họ. Cô đã không làm thế, bởi cô được huấn luyện để phục vụ một chế độ, một tư tưởng, một ý thức hệ.

Thử hỏi, liệu cô có thể nhận biết, và nếu biết thì cô có dám làm khác với những luật lệ qui định mà người ta phải tuân theo hay không. Chính thế, tại phiên tòa Hana đã đặt câu hỏi với chánh án rằng, rơi vào trường hợp đó, ông sẽ làm gì, và vị này cũng như cả cử tọa đã ngập ngừng không trả lời được.

*

Đằng sau tác phẩm

 

Sau khi đọc và xem bộ phim “Người đọc”, dường như tôi cảm được điều tác giả Bernhard Schlink muốn gởi gắm. Đã hơn bảy mươi năm sau cuộc tàn sát chủng tộc Do Thái, những tên tội phạm cao cấp bị đem ra xét xử từ năm 45 và 46 ở tòa án Nuremberg. Cuối thập niên 50 cho đến thập niên 60 các tội phạm có chức vụ thấp hơn cũng lần lượt bị đưa ra ánh sáng. Trong đầu tôi bât lên nhiều câu hỏi, ai thật sự là người có tội, họ có thật sự đáng bị xử tội không, ai là người có quyền lên án, bản án có xứng đáng với tội ác hay không.

Cái mà người ta ngỡ là công lý có thật sự là công lý hay không, và công lý có được áp dụng một cách bình đẳng cho tất cả mọi người hay không. Đã thương xót thì không thể thực hiện công lý. Đã kết tội thì không hoàn toàn yêu thương. Nếu cha mẹ mình vi phạm tội ác to lớn như thế thì yêu thương người có tội cũng là có tội?

*

 

*

Có một đoạn văn trong tác phẩm, với tôi thật là độc chiêu, rất ấn tượng, tôi khoái nên ghi lại dưới đây và tự đặt tên là

MÙI PHỤ NỮ

 

Ngày xưa tôi đặc biệt yêu mùi cô. Mùi cô lúc nào cũng mới: mới tắm, hay mới thay quần áo, hay mới toát mồ hôi, hay mới được yêu. Thỉnh thoảng cô dùng nước hoa, tôi không biết loại gì, và hương thơm ấy còn tươi mới hơn tất cả các mùi khác.  Ẩn trong những hương thơm tươi mới ấy còn có một hương vị khác nữa, một hương vị nặng, trầm và gắt.

Tôi hay đánh hơi trên cô như một con thú tọc mạch, bắt đầu từ cổ và vai là nơi tỏa mùi mới tắm, hít sâu giữa cặp vú có mùi mồ hôi mới, trộn lẫn với hương vị trầm nặng ấy gần như tinh khôi, giữa hai đùi thoảng thêm mùi quả chín làm tôi rạo rực, tôi cũng hít hà ống chân và bàn chân cô, đến đùi thì lạc mất hương vị kia, ở khoeo chân lại có mùi mồ hôi mới, và bàn chân mang mùi xà phòng, mùi da hay mùi của mỏi mệt.

Lưng và tay cô không có hương vị riêng, chẳng có mùi gì, nhưng vẫn đượm mùi cô - mùi mực in trên vé, mùi kim loại của kìm bấm, mùi hành hay cá, mùi mỡ rán, bột giặt hay hơi nóng của bàn ủi.

 

Khi cô vừa rửa tay xong thì chẳng nhận ra những mùi ấy. Song xà phòng chỉ phủ lên chúng, và một chốc sau chúng lại hiện ra, thoang thoảng, tan lẫn trong hương vị duy nhất của ngày làm việc, của ngày làm việc đã kết thúc, của buổi tối, của đường về nhà và của căn nhà ấm cúng.

 

 

Nguyễn Phin
Số lần đọc: 437
Ngày đăng: 02.06.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thơ Vũ Trọng Quang: Soi thấy mình, bọn văn-nghệ-trẻ-trai mình ngày xưa Sài Gòn… - Phạm Nga
Thơ Đoàn Quân… - Đặng Ngọc Như
Về tuyển thơ Tình Người - Hoàng Thị Bích Hà
Vài suy nghĩ khi đọc “Ăn Mày Dĩ Vãng” - Vũ Thị Hương Mai
Vào “Lặng lẽ vườn thơ” – khám phá một hồn thơ nở muộn - Hoàng Thị Bích Hà
Mảnh đất ít người nhiều ma - Nguyễn Anh Tuấn
Trò chuyện với thiên thần của Trương Văn Dân - Nguyễn Viện
Tình xanh hoài không thôi, dẫu mai này… - Võ Quê
Câu chuyện mê đắm đuôi cá đuối: Thế khó…của sách viết về Ba - Lê Anh Thu
Trò chuyện với thiên thần " và khuôn mặt của Big Tech , Big Pharma và của Bankster" - Hoàng Giang