Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
611
116.765.744
 
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh và 42 năm ngày mất của nhà văn Lê Văn Trương, Nhà xuất bản Văn học vừa xuất bản bộ sách Lê Văn Trương
Ngô Thanh Hương

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh và 42 năm ngày mất của nhà văn Lê Văn Trương, Nhà xuất bản Văn học vừa xuất bản bộ sách Lê Văn Trương Tác phẩm chọn lọc. Sách do Nhà văn Triệu Xuân sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu; gồm 2 tập gần 2000 trang khổ 16 x 24 Cm, bìa cứng in giấy đẹp, trình bày đẹp.  

 

Nhà văn Lê văn Trương sinh ngày 02-2-1906 (Bính Ngọ) tại Hà Nội, mất lúc 12giờ 30 ngày thứ ba, 13 tháng Giêng năm Giáp Thìn, nhằm ngày 25-2-1964) tại căn nhà 100/67 đường Trần Hưng Đạo, Quận 2, nay là Quận Nhất thành phố Hồ Chí Minh.

 

Sinh thời, Lê Văn Trương viết rất khỏe, đã xuất bản trên một trăm tiểu thuyết có sức lôi cuốn nhiều thế hệ bạn đọc. Sau đây là toàn văn Lời tựa của nhà văn Triệu Xuân in trong bộ sách Lê Văn Trương Tác phẩm chọn lọc.

 

NHÀ VĂN LÊ VĂN TRƯƠNG

NĂM MƯƠI CHÍN NĂM SỐNG VÀ VIẾT

Lời tựa của nhà văn Triệu Xuân

 

Văn xuôi Việt Nam giai đoạn 1930-1945 nổi bật lên hai văn đoàn. Văn đoàn thứ nhất có trên dưới chục người, do nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam sáng lập, mang tên Tự lực văn đoàn. Văn đoàn thứ hai, thực ra chẳng có đoàn nào cả, chỉ có một người, một mình một cõi nghênh ngang, nhưng số lượng tác phẩm xuất bản, số lượng độc giả mê say tìm đọc không thua kém gì văn đoàn thứ nhất, ấy là nhà văn Lê Văn Trương. Trong lịch sử văn học Việt Nam từ năm 1930 đến nay, tài năng xuất chúng không ít, nhưng tôi chưa thấy có nhà văn nào mà số kiếp lại lênh đênh, ly kỳ như ông! Tính từ năm 1934, khi tác phẩm đầu tay: tập truyện ngắn Những cảnh hoang tàn Đế Thiên Đế Thích ra đời, cho đến năm 1945, khi Lê Văn Trương được cụ Hồ Chí Minh bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban đãi vàng Bắc Kỳ, với 12 năm thực sự viết văn, ông đã viết khoảng 120 tác phẩm, trong đó hầu hết đã xuất bản! Trong Nhà văn hiện đại, quyển tư tập thượng, Vũ Ngọc Phan cho rằng từ 1934 cho đến khi tác giả viết về Lê Văn Trương, năm 1942, chỉ tám năm, Lê Văn Trương đã cho xuất bản 52 tiểu thuyết! Tất nhiên, thống kê này chưa thật đầy đủ, bởi Lê Văn Trương có sách in ở rất nhiều báo, tạp chí, tới 21 nhà xuất bản như sau này ông Nguyễn Ngu Í đã công bố. Theo Nguyễn Ngu Í thì tổng số sách đã xuất bản là 96 tác phẩm, sách chưa in là 29 cuốn, chưa kể gần một chục bản thảo trước khi qua đời (tháng 2 năm 1964), Lê Văn Trương bán cho các báo và nhà xuất bản tại Sài Gòn, nhưng biệt tăm biệt tích! Còn theo thống kê mà Lê Văn Trương công bố với báo chí khi còn sống thì tổng số trước tác của ông lên tới 247 cuốn! Giáo sư Hoàng Như Mai viết: "Tổng số sách mà Lê Văn Trương sáng tác, có nhiều cuốn hai ba tập, nếu chồng lên, phải cao hơn hai mét!... Nước Pháp thường giới thiệu một nhà văn của mình là Gioocgiơ Ximơnông, mỗi tuần hoàn thành một cuốn tiểu thuyết. Thời kỳ viết hăng, Lê Văn Trương cũng gần như vậy. Có lẽ cũng cần phải nói rõ thêm, Lê Văn Trương trong bất cứ công việc gì mà ông làm đều coi mình là một chiến sĩ, phải chiến đấu, phải chiến thắng. Viết một bộ tiểu thuyết dài hay một bài báo ngắn, luôn luôn ông nghĩ đang đấu tranh với ai, với cái gì. Ông chỉ cho ngòi bút nghỉ khi đích thân ông không hứng viết hoặc nhà xuất bản không in kịp. Giá trị của một con người được đo bằng sự cống hiến cho xã hội. Giá trị của nhà văn tính ở những tác phẩm làm ra để phục vụ độc giả (phục vụ theo nghĩa đúng). Lê Văn Trương với những kết quả lao động nghệ thuật của mình xứng đáng một chỗ đứng trên văn đàn1".

 

Lê Văn Trương quê gốc tỉnh Hà Đông, sinh năm Bính Ngọ, 02-2-1906, trong một gia đình  túc nho, tại làng Đồng Nhân, nay thuộc khu vực phố Thịnh Yên, quận Hai Bà Trưng, thủ đô Hà Nội. Cha ông đỗ tam trường, mẹ ông cũng là bậc thâm nho, con gái một gia đình khoa cử. Người cha cho con sống khá tự do, nhưng người mẹ dạy dỗ các con khắt khe: "Nếu làm nên vương tướng gì thì làm, bằng không, phải giữ lấy nếp nhà"! Thuở nhỏ, Lê Văn Trương học chữ Hán từ song thân, khi gia đình lên lập nghiệp ở Bắc Giang, ông học Quốc ngữ và tiếng Pháp tại đó. Lê Văn Trương thông minh tuấn tú, học giỏi, thi đậu vào trường Bưởi (Lycée du Protectorat). Năm 1923, Lê Văn Trương vừa mười bẩy tuổi, học năm thứ hai, chứng kiến cảnh viên hiệu trưởng người Pháp lăng nhục một học sinh người Việt là Sale Annamite! (đồ Annam bẩn thỉu), ông liền cùng bạn bè thân hữu tổ chức bãi khóa. Vì thế là bị đuổi học!

 

Lê Văn Trương tự học trong ba năm và thi đậu vào ngành bưu điện năm 1926. Thời bấy giờ, được làm công chức cho chính quyền thuộc địa lương bổng dư dật lắm. Có nhiều nhà văn, nhà thơ lúc đó làm công chức cho Pháp. Nhưng chính quyền thực dân không buông tha Lê Văn Trương vì thành tích: từng tổ chức bãi khóa chống người Pháp! Thế nên ông bị đẩy sang tận Campuchia, làm việc ở thủ đô Phnôm Pênh được một thời gian, ông lại bị chuyển lên Mongkolboray làm Trưởng bưu cục xứ hoang vu, heo hút. Năm 1927, may mắn mỉm cười với ông: Ông yêu và được một cô gái xinh đẹp, nết na hiền thục, con nhà giàu có đáp lại. Cô là Ngô Thị Hỷ, có cha người Bắc, mẹ người Nam, sang Campuchia làm ăn từ lâu. Bà Hỷ sau này theo ông đi kháng chiến, năm 1948 chết vì đạn lạc của Pháp trong một trận càn quét. Lê Văn Trương rất yêu thương, nhung nhớ và ơn sâu nghĩa nặng người vợ cả và thường xuyên nhắc đến bà trong đời cũng như trong văn.

 

Ba năm sau khi cưới vợ, Lê Văn Trương bỏ nghề bưu điện, cùng vợ về sống ở Lovéa thuộc tỉnh Battambang (Campuchia). Ông dốc vốn làm nghề khẩn hoang lập đồn điền và trúng thầu xây dựng con đường xe lửa nối thủ đô Phnôm Pênh với Battambang. Ngày khai trương tuyến đường ấy, ông là lái buôn đầu tiên thuê nguyên một đoàn tàu mười toa chở toàn bò từ Battambang về thủ đô Campuchia. Từ đó ông hành nghề thầu khoán, xây dựng hầu hết cầu cống quan trọng ở Campuchia.

 

Cuộc khủng hoảng kinh tế 1931-1932 làm Lê Văn Trương lao đao. Các nhà băng của Pháp đòi những khoản nợ ông vay để khai hoang lập đồn điền. Ông dẫn vợ và các con hồi hương. Những ngày mưa dài tới bốn, năm tháng ở đất Cambốt đã nảy sinh trong ông khát vọng viết văn viết báo. Ông tập tọng viết từ đó. Về Hà Nội, ông lao vào viết. Ông Nguyễn Văn Vĩnh chủ bút tờ nhật báo Trung Bắc tân văn mời ông giữ mục Trắng đen. Ông giữ mục này, mỗi ngày tung ra một bài ngăn ngắn, và ngay lập tức cái tên Cô Lý (Lý lẽ của một người, chứ không phải cô gái tên Lý hay họ Lý) khiến làng báo làng văn chú ý. Làm báo một năm, ông tập trung cho việc sáng tác văn học. Giai đoạn này, ông lấy người vợ hai, tên là Đào, vốn là hoa khôi của vũ trường Fantasio, phố Hàng Bông. Bà vợ cả Ngô Thị Hỷ quá yêu chồng, chiều chồng, thương con nên có ghen tuông cũng dằn ở đáy lòng, chấp nhận thực tế! Vừa làm báo, viết văn, đôi khi ông cùng đệ nhị phu nhân đánh quả thuốc phiện ở mạn Bắc Giang, và đã từng làm thầu xây dựng đường sắt Vân Nam, xây dựng đường trong sân bay cho Tưởng Giới Thạch ở Nam Trung Hoa!

 

Sau tập truyện ngắn đầu tay Trước cảnh hoang tàn Đế Thiên Đế Thích được nhà Trung Bắc Tân văn của Nguyễn Văn Vĩnh xuất bản (1934), nhà Tân Dân của ông Vũ Đình Long chú ý đến ông, chèo kéo ông, để rồi biết ông là con gà đẻ trứng vàng, đã vô cùng chiều đãi ông. Lê Văn Trương trở thành thành viên quan trọng hàng đầu của nhà xuất bản Tân Dân, cùng với các nhà văn nổi tiếng như Tản Đà, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Lan Khai, Thanh Châu, Ngọc Giao, Tchya Đái Đức Tuấn, Trần Huyền Trân, Nam Cao, Bùi Hiển, Mạnh Phú Tư, Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, Như Phong, Kim Lân, Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình, v.v… Trên các cơ quan ngôn luận của Tân Dân - nhà xuất bản lớn ở Việt Nam lúc bấy giờ - như Tiểu thuyết thứ Bẩy, Phổ thông bán nguyệt san, Ích hữu, Truyền bá, các tác phẩm của Lê Văn Trương được in liên tục, hết cuốn này tới cuốn khác. Tiểu thuyết thứ Bẩy và Phổ thông bán nguyệt san tiếng là tờ báo, nhưng không hề có thông tin thời sự, xã luận, không làm chức năng báo chí mà chỉ in rặt tiểu thuyết, truyện ngắn! Bạn đọc trông chờ từng số báo của Tân Dân để đón đọc tiểu thuyết tôn vinh nhân vật người hùng của Lê Văn Trương. Từ năm 1935 cho đến năm 1942, tám năm trời này là giai đoạn Lê Văn Trương khởi sắc, thăng hoa nhất, tiếng tăm nổi danh khắp nước. Nhiều người Việt Nam sống và làm việc ở nước ngoài cũng đặt mua định kỳ tác phẩm Lê Văn Trương. Nói như Nguyễn Ngu Í, "đây là thời đại hoàng kim của tiểu thuyết gia Lê Văn Trương".

Rồi ông Vũ Đình Long giao cho Lê Văn Trương làm chủ bút tờ Ích hữu, ra số đầu tiên ngày 25-2-1936. Đây thật sự là một tờ báo, với đủ các mục, có cả mục học chữ Hán, thế nhưng phần quan trọng nhất, ăn khách nhất của tờ Ích hữu vẫn là đăng tiểu thuyết! Gần hai năm sau, Lê Văn Trương ra Ích hữu bộ mới, số đầu tiên xuất bản ngày 8-12-1937, trong Ban biên tập có Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa, Lê Tràng Kiều, Phạm Ngọc Khuê và Nguyễn Đình Lạp. Rất tiếc, báo ra được sáu tháng, bắt đầu được chú ý thì đình bản!

 

Năm 1940, bà Ngô Thị Hỷ sanh con gái út, đặt tên là Lê Thị Giáng Vân. Ái nữ Giáng Vân được cha mẹ vô cùng cưng chiều. Cho đến lúc này, Lê Văn Trương có năm con: bốn trai và gái út. Đây là giai đoạn gia đình nhà văn sống vương giả, bà cả một dinh, bà hai một dinh. Riêng bà hai, Lê Văn Trương lập một trang trại ở Láng, giao cho trông nom để chuyên thù tiếp bạn văn. Hàng chục nhà văn trở thành thực khách thường xuyên của gia đình này. Có lúc, tại trang trại Láng, gần hai chục người đến đây tá túc, ăn uống và sáng tác, chỉ đến khi chủ nhân hết tiền thì mới lánh đi một thời gian để rồi lại hội ngộ ngay sau khi Lê Văn Trương nhận tiền nhuận bút tác phẩm mới. Mỗi khi Lê Văn Trương nhận tiền nhuận bút, ông rủ rê đàn em đi ăn nhậu, tom chát (hát cô đầu), chơi tổ tôm, và hút hít cho đến kỳ sạch bách số tiền nhuận bút mới thôi! Có một điểm tương đồng giữa Lê Văn Trương và Vũ Bằng. Vào thời kỳ cực thịnh tại Hà Nội, nhà văn Vũ Bằng cũng hào hiệp cưu mang, giúp đỡ từ cơm áo, tài chính, đến gợi ý, hướng dẫn về văn nghiệp cho rất nhiều nhà văn mới vào nghề. Lê Văn Trương cũng thế, tuy thích khoa trương hơn, ồn ào hơn Vũ Bằng, nhưng bản chất hào hiệp, quý trọng nhân tài, trọng nghĩa khí, coi thường danh vọng và tiền bạc ở Lê Văn Trương đã khắc sâu trong óc trong tim hàng chục nhà văn. Con người đã bộc lộ ý chí bất khuất trước cường quyền, sớm dấn thân vào kiếp giang hồ ngay từ năm mười chín tuổi, bôn ba khắp Đông Dương, sang tận Thái Lan, từng buôn lậu, chủ thầu xây dựng cho Tưởng Giới Thạch ở Trung Hoa, con người với trái tim nhạy cảm, được giáo dưỡng theo truyền thống Nho gia, hấp thụ nhanh chóng văn hóa văn minh Tây phương, hẳn không phải bình thường! Ông, tự nhiên nhi nhiên, trở thành Mạnh Thường Quân trong làng văn làng báo. Một Lê Văn Trương cao lớn nghĩa hiệp, một Lê Văn Trương trong đời thường thì ồn ã, thích phô trương, chơi ngông, thích nói tục; trong văn chương thì hơi cường điệu, thái quá tính cách nhân vật, con người ấy hẳn không coi khuôn phép sáo mòn, cổ hủ là gì! Được biết sau khi sống với người vợ hai, ông còn yêu và được yêu bởi cô gái đẹp mỹ miều mới mười bẩy tuổi. Người này được bà vợ cả quý mến. Bà cả cùng bà hai đi cưới bà ba về cho chồng! Thế nhưng Lê Văn Trương - rất không giống ai - không bao giờ chịu có con với bất cứ người đàn bà nào ngoài bà vợ cả! Chính ông đã khuyên nhủ người con gái, người đàn bà thứ ba, gắn bó với ông vài năm ấy, đi lấy chồng. Bà này, sau vô Sài Gòn, lập gia đình và có con cháu phương trưởng. Trong đám tang Lê Văn Trương, bà xuất hiện và không giấu giếm tình yêu mãnh liệt với nhà văn!

 

Văn chương của họ Lê với lý tưởng người hùng trọng Danh dự và Tổ quốc xuất hiện vào thời đoạn năm năm sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái bị dìm trong máu, những chiến sỹ Quốc dân Đảng bị thực dân Pháp chặt đầu. Phong trào Cộng sản đang còn trứng nước đã bị Pháp đàn áp dã man khi nổ ra Xô Viết Nghệ Tĩnh. Thanh niên Việt Nam, nhất là giới trí thức và hàng triệu người dân thành thị ngơ ngác không biết chọn con đường nào để sống và hy vọng, ước mong. Văn chương Tự lực văn đoàn như gấm như hoa, đài các, in đậm dấu vết của tầng lớp trưởng giả trong xã hội, đã thu hút một phần công chúng văn học. Số còn lại, gặp tiểu thuyết Lê Văn Trương như nắng hạn gặp mưa rào! Những tiểu thuyết và truyện vừa: Cô Tư Thung, Trường đời, Trận đời, Tôi là mẹ, Một lương tâm trong gió lốc, Bốn bức tường máu, Những đồng tiền xiết máu, Người anh cả, Một người, Một người cha, Một trái tim, Cánh sen trong bùn, Cô giáo tỉnh lỵ, Kiếp hoa rơi, Lịch sử một tan vỡ, Một tội ác, Một linh hồn đàn bà, Anh và tôi, Trong ao tù trưởng giả, Tiếng gọi của lòng, Anh Vẹo, Ông hoàng một đêm, Người vợ lý tưởng, Người vợ hoàn toàn, Đứa con hạnh phúc, Đứa cháu đồng bạc, Chồng chúng ta, v.v… đã trở thành cái phao cứu sinh cho biết bao tâm hồn con người vịn vào giữa cuộc đời đầy giông bão.

 

Chiến tranh thế giới thứ hai vào giai đoạn liệt, giao thương Bắc Nam bị nghẽn, văn hóa đọc tạm thời lắng xuống, người ta mải lo toan làm sao cho an toàn tính mạng và kiếm sống, yên ổn gia đình… Bởi thế, số lượng báo, sách phát hành giảm nhanh chóng. Từ năm 1943, Lê Văn Trương viết ít và in ít hẳn so với trước đó một năm. Rồi cách mạng Tháng Tám bùng lên, cùng với nhiều nhà văn nhà thơ nhiệt tâm với dân tộc, Lê Văn Trương hưởng ứng lời kêu gọi của Việt Minh, đi theo Việt Minh. Được sự gợi ý, hướng dẫn của ông Trần Huy Liệu và ông Trần Văn Giàu, Lê Văn Trương ra tờ báo Việt Nam hồn, giương cao ngọn cờ yêu nước, căm thù giặc ngọai xâm. Đúng vào lúc tờ Việt Nam hồn có đông bạn đọc, Lê Văn Trương lâm bệnh nặng, phải giao cho người bạn quản lý, tờ báo không khá lên được, phải đóng cửa.

 

Tháng 12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ, Lê Văn Trương được Hồ Chủ tịch bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban đãi vàng Bắc Kỳ, cơ quan đặt ở Chợ Bến tỉnh Hòa Bình. Ông đã cùng đồng đội lăn lộn khắp vùng rừng núi Tây Bắc, Việt Bắc, Khu Bốn để tìm vàng làm kinh tài mua vũ khí thuốc men cho chính phủ kháng chiến. Rồi Lê Văn Trương vào quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm 1953, vì lâm trọng bệnh, ông phải về Hà Nội chữa trị. Về Hà Nội, ông chữa bệnh rồi cộng tác với tờ báo Mới ở Sài Gòn của Phạm Văn Tươi và Lê Văn Siêu. Trong thời gian này, Lê Văn Trương cho xuất bản chín, mười cuốn tiểu thuyết mới viết, trong đó có Cô em họ và Người của mùa xuân. Tháng Sáu 1954, trước khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Lê Văn Trương vô Sài Gòn, tiếp tục làm báo, viết văn và tái bản một số tác phẩm. Ông vô Sài Gòn một mình, ở chung với Lê Văn Siêu tại tòa soạn báo Phương Đông. Khi hai miền Bắc Nam bị chia cắt, vợ ông mới vô theo, ở đường Arras, nay là Cống Quỳnh. Đầu năm 1956, họ mới mua căn nhà trong hẻm 100/67 Trần Hưng Đạo. Thời gian đầu, Lê VănTrương còn rủng rỉnh tiền bạc. Ông sắm xe hơi, thuê một phòng trong khách sạn Nations đường Nguyễn Huệ để đến đó viết văn. Ông cũng theo đuổi nghề thầu khoán, nhưng thất bại. Thế rồi, không hiểu số phận xui khiến ra sao, ông vô làm cho Nha chiến tranh tâm lý của chính quyền Ngô Đình Diệm được vài tháng, rồi nghỉ. Kế đó, ông làm việc cho Đài phát thanh Sài Gòn, cũng chưa đầy nửa năm thì bị sa thải vì chính quyền Sài Gòn nghi ông dính líu đến vụ đảo chính Ngô Đình Diệm. Vài tháng sau khi nghỉ việc ở đài phát thanh Sài Gòn, ông ốm nặng, sống trong nghèo túng, không tiền thuốc thang, không tiền vô bệnh viện. Hàng ngày, ông lê bước trên từng hè phố Sài Gòn, một tay chống can, một tay ôm bản thảo đi bán hết tòa soạn báo này tới nhà xuất bản khác, nhưng vô hiệu! Thật đáng thương cho một nhà văn vang bóng một thời, từng nghênh ngang một cõi, từng cưu mang biết bao nhà văn nhà báo, nay mắc bệnh phổi cùng nhiều thứ bệnh khác vô phương, cứu chữa, phải sống trong nghèo túng. Bà vợ hai quê Nam Định được bạn bè giúp cho ít vốn mua gạo về bán lẻ ở chợ đắp đổi qua ngày… Đường cùng, ông kêu bán nhà. Nhà chưa bán được mà ông sắp trút hơi thở tàn. Căn nhà ông mua ở số 100/67 đường Trần Hưng Đạo, phường Bùi Viện, khóm 8, Liên gia 9, Quận Nhì (nay là Quận Nhất thành phố Hồ Chí Minh), vốn là đất chú Hỏa (tư sản người Hoa, sở hữu rất nhiều nhà đất tại Sài Gòn Chợ Lớn). Sau, là đất công. Vậy mà, thương thay, trên bìa của tờ khai gia đình (sổ đăng ký hộ khẩu), ông nắn nót viết lên dòng chữ: Nhà, Đất của tôi! Trong tờ khai gia đình, chỉ có tên hai người: 1- Lê Văn Trương, 2-2-1905, Hà Nội, nhân viên đài phát thanh Quốc gia. 2- Nguyễn Thị Đào, 1919, Nam Định, buôn bán. Thuật lại chuyện này, nhà văn Nguyễn Ngu Í xót xa viết: "Đất của tôi, trong khi đất chẳng phải của mình. Anh đã viết trong hồi trí chưa tỉnh nên của người lầm tưởng của mình? Hay vì buồn thấy mình trọn đời luân lạc, chẳng biết nhắm mắt ngày nào, mà chẳng có lấy một tấc đất trong tay, đành dối mình bằng bút mực?".

*

Nhà văn Nguyễn Ngu Í viết: Tôi may mắn gặp được một trong những người con nuôi của anh, tên là Phú, đã sống bên anh trong những ngày cuối cùngvà đã đưa anh vào nhà thương.

- Cậu cháu đau nặng từ 28 Tết (thứ ba, 11-2-1964)- Phú kể- Vì già có, vì ăn uống thiếu thốn có, lại còn mắc bệnh ho nữa. Nhưng cậu cháu lại không nằm nhà để tĩnh dưỡng, lại cố đi thăm các nhà báo quen đã giao bản thảo để mượn ít tiền tiêu Tết, nhưng chẳng gặp ai, trở về nhà, kiệt sức.

- Cháu có nhớ cậu thăm những ai và tên những bản thảo gởi cho họ không?

- Cậu cháu tìm đến chú Mặc Thu, chú Nguyễn Vỹ và ông Nguyễn Văn Ba. Còn tên tác phẩm, con chỉ nhớ có một cuốn: Vĩ nhân trong đêm gởi chú Mặc Thu.

Chị Trương (bà hai) tiếp lời:

- Nhà em đau nặng từ 28 Tết, nhưng em đã rất lo từ trên hai tháng trước. Em nhớ nhà em không làm ở đài phát thanh Quốc gia được chừng một tháng thì xảy ra cuộc đảo chánh mồng 1 tháng 11. Trước đó mấy ngày, vào buổi trưa, một đứa con nuôi của nhà em hốt hoảng chạy về cho em hay, nhà em té xỉu trước rạp hát bóng Đại Nam, em chạy ra đưa nhà em về. Nhà em đau nặng từ đấy. Đến mồng 9 Tết, anh chị Đinh Hùng đến thăm. Thấy nhà em suy yếu quá, anh Đinh Hùng hỏi có bằng lòng cho anh em đăng lên báo nhờ bạn bè giúp để vào nằm nhà thương không. Nhà em bằng lòng.

Phú tiếp: Bệnh tình cậu cháu càng nguy kịch, chưn thì sưng lên, nhiều lúc sảng mê. Mợ cháu quyết định bán nhà để có tiền đưa cậu vào bệnh viện. Ngày 22-2 tây, có anh Sa Giang Trần Tuấn Kiệt thay mặt chú Nguyễn Vỹ đến thăm, thấy tình cảnh ấy, nói với cháu cứ sửa soạn lần đi, ảnh về nói với chú Nguyễn Vỹ đưa tiền để đưa cậu cháu vô nhà thương. Ảnh vừa đi thì có người đến đặt cọc mười ngàn đồng để mua nhà.

Chị Trương xen vô:

- Lúc ấy em không có ơ nhà. Nhà em mới lấy tiền ấy bảo cháu Phú đưa vào nhà thương Đô Thành. Nằm trên giường bệnh rồi, nhà em lấy mười ngàn bạc rải ra chung quanh và trên mình. Chính lúc đó anh TrầnTuấn Kiệt đến trao năm trăm bạc của chú Nguyễn Vỹ.

Người con nuôi nói tiếp:

- Nằm nhà thương mà cậu con bỏ đi ra ngoài thường lắm. Bác sĩ bảo Đô Thành là nhà thương cứu cấp, mà cậu cháu thì bị lao, nên đưa vô nhà thương Chợ Rẫy. Trưa ngày 25-2, cậu cháu thấy mình khó sống, bảo đưa về nhà gấp. Về nhà độ nửa giờ cậu cháu mất.

Nguyễn Ngu Í kết luận: Và anh đã chết âm thầm, với tuổi già, với bịnh tật, với túng thiếu, với dày vò, trong căn nhà hẹp.

 

Khi nhà thơ Đinh Hùng viết lời kêu gọi bạn hữu góp tiền giúp Lê Văn Trương, đăng báo Người Việt Tự do, ngày 27-2-1964 báo mới phát hành thì 12 giờ 30 trưa ngày 25-2 (tức ngày 13 tháng Giêng năm Giáp Thìn, 1964), nhà văn đã trút hơi thở tàn, ngày 26 khâm liệm và mai táng tại nghĩa địa Phú Thọ Hòa rồi! 

 

Ngày ở Hà Nội, Lê Văn Trương rất mê tổ tôm. Vô Sài Gòn, ông rất thích nuôi mèo. Trong căn nhà nhỏ tồi tàn ở hẻm 100 Trần Hưng Đạo, ông nuôi tới ba chục con mèo. Khi ông chết, mấy chục con mèo kêu la thảm thiết rồi phủ phục liếm chân, tay ông. Tang lễ xong, bà Trương dọn nhà về bên Khánh Hội, nhưng đêm đêm người ta vẫn nghe thấy tiếng hàng chục con mèo về gào lên thảm thiết ở quanh căn nhà trong hẻm nay đã về tay chủ mới!

 

Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, các con của nhà văn Lê Văn Trương từ Hà Nội vô sống tại Sài Gòn đã cải táng và dời mộ cha về an táng tại Gò Dưa, thuộc quận 12 thành phố Hồ Chí Minh. Ngày xây ngôi mộ hoàn tất, Giáo sư nhà giáo nhân dân Trần Văn Giàu, Giáo sư Hoàng Như mai và nhiều bạn bè thân thiết đã đến viếng Lê Văn Trương. Những tưởng nhà văn sẽ được yên giấc ngàn thu từ đây. Nào ngờ, khu đất mà ái nữ của ông, kỹ sư nông nghiệp Lê Thị Giáng Vân (nay đã nghỉ hưu) mua, lại nằm trong khu vực giải tỏa để an toàn lưới điện 500 KV. Thế là, số kiếp lênh đênh, lận đận của nhà văn Lê Văn Trương, một lần nữa tiếp tục bám riết lấy ông. Ông mất đã bốn mươi mốt năm tròn mà nay lại phải đi tìm nơi an nghỉ mới! Chữ đất của tôi mà ông viết nắn nót trên bìa tờ khai gia đình xem ra vẫn mãi mãi chỉ là ước ao, chưa thành hiện thực!

*

Trong bài báo in trên tờ Tia Sáng, ngày 30-10-1953, Lê Văn Trương viết về một tác phẩm của Triều Đẩu, có đoạn: "Nếu ngòi bút phải là một cái máy ảnh, nếu nghệ sĩ chỉ là thằng hề chạy theo mà nhai lại cuộc đời cho chúng ta xem, thì đời không cần nghệ sĩ. Chúng ta đòi hỏi ở nghệ sĩ một cái gì hơn thế, chúng ta đòi hỏi ở nghệ sĩ những gì nó không hẳn là sự thật, mà nó đúng hơn sự thật. Chúng ta đòi hỏi ở nghệ sĩ những điển hình của sự sống không phai nhạt đối với thời gian".

 

Phương pháp tư tưởng của Lê Văn Trương về điển hình hóa trong văn học đã thể hiện rất rõ qua mấy dòng này.

 

Thế còn Người hùng, Triết lý sức mạnh? Nhà xuất bản Hương Sơn ở số 97 phố Hàng Bông Hà Nội, năm 1938 đã in bài diễn thuyết của Lê Văn Trương, tại Hội Trí Tri, ngày 10 tháng Giêng năm 1938 nhan đề Một phương châm xử thế hay Triết lý sức mạnh. (Bài diễn thuyết này khi in thành sách đã bị kiểm duyệt cắt bỏ khá nhiều khiến Lê Văn Trương vô cùng tức giận, phải văng tục - cái tật cố hữu của ông- nhiều lần)! Trong đó, Lê Văn Trương trình bày năm vấn đề: Triết lý sức mạnh, Quan niệm về người hùng (homme fort), Triết lý sức mạnh đem ứng dụng cho cá nhân, Triết lý sức mạnh đem ứng dụng cho quốc gia và cuối cùng là Những ảnh hưởng, lợi ích của triết lý sức mạnh trong thực tế. Khi Lê Văn Trương tung ra triết lý sức mạnh, không ít người thời ấy, nhất là những đồng nghiệp ở các tờ báo, nhà xuất bản cạnh tranh trên thị trường chữ nghĩa với ông hết lời đả kích, cho rằng ông copy học thuyết của Nietzsch. Họ cho rằng người hùng của ông chỉ là kẻ đạo đức giả, chỉ là con nít ranh! Tại buổi thuyết trình này, Lê Văn Trương giãi bày: "Tôi không học cái triết lý ấy ở các sách, mà chính là tôi đã thâu thập được nó ở trên trường đời cạnh tranh, trong bao nhiêu năm luân lạc, trong bao nhiêu năm phấn đấu, trong bao nhiêu năm đau khổ". Ông nhấn mạnh: "Triết lý sức mạnh bắt nguồn ngay ở sự sống. Nó đột khởi lên một cách rõ rệt ở những cuộc tranh đấu". Lê Văn Trương cho đời là một cuộc tranh đấu không ngừng… tất cả cuộc đời là hiện thân của triết lý sức mạnh… Đường rừng cũng như đường đời, những con đường vinh quang, rộng rãi chỉ để giành cho giống khỏe. Tư duy như thế cho nên ông không ngừng cổ vũ cho việc rèn luyện sức khỏe, bản thân ông từ lúc lạc phách gia nhập chốn giang hồ đã học võ nghệ, tập bắn súng, cưỡi ngựa (Lê Văn Trương bắn súng bằng cả hai tay rất giỏi, phóng phi tiêu ở mọi tư thế đều vào hồng tâm)… để có đủ điều kiện dấn thân chấp nhận luật tranh đấu của loài người. Ông viết: "luật tranh đấu làm cho giống người ngày một tinh xảo, trái đất ngày một đẹp đẽ, sự sống ngày một nhiều sinh thú và ý nghĩa". Ông là người thiết tha yêu nước, vô cùng tự hào với truyền thống dân tộc. Khi nói đến lịch sử vẻ vang của đất nước, ông nhấn mạnh đến vai trò của sức mạnh nòi giống: "Trong lịch sử ta có hai chiến công oanh liệt tỏ cái sức mạnh xung thiên của giống nòi. Đó là khi Trần Hưng Đạo đánh bại quân Nguyên, và Nguyễn Quang Trung đánh bại quân Thanh". Coi Triết lý sức mạnh như là phương châm sống, phương châm xử thế, cắt nghĩa nguyên nhân mà dân tộc ta luôn luôn chiến thắng quân xâm lược phương Bắc, Lê Văn Trương kêu gọi mọi người noi gương cha ông đồng tâm, đoàn kết: "Thấu triệt triết lý sức mạnh, ông cha ta thắt chặt giải đồng tâm lại, tập trung tất cả sinh lực của giống nòi lại, rồi hùa nhau cùng hy sinh để mạnh, mạnh để đối ngoại, ông cha ta đã biết đối đầu với sự thực tàn nhẫn bằng một ý nghĩ tàn nhẫn: Một là còn với sự đắc thắng oanh liệt, hai là ngã một cách vinh dự". Ông hô hào mọi người, nhất là thanh niên phải đặt Danh dự và Tổ quốc lên trên hết! Ông kết luận: "Thêm một người thờ Triết lý sức mạnh tức là thêm một chiến sĩ dũng cảm trong đội quân tranh đấu cho phú cường của đất nước"!

 

Nói đến tác phẩm văn học của Lê Văn Trương, có không ít người phê phán gay gắt: ông viết ẩu, câu cú dây cà ra dây muống, thích trực ngôn, luận thuyết dài dòng… Những người chê bai đều xuất phát từ việc phê phán cái Triết lý sức mạnh của họ Lê. Thật bất hạnh cho Lê Văn Trương, cái mà ông đề cao lên thành triết lý thì chính ông đã tự coi là, và chỉ là, một phương châm xử thế! Vậy mà người đời hết chê ông ảnh hưởng Nietzsch lại bảo ông vơ lấy phân tâm học của Freud! Người ta phỉ báng ông bởi cái mà ông gọi là triết lý ấy không có cơ sở triết học và nhân vật văn chương của ông chỉ là những minh họa tồi cho cái lý thuyết chắp vá kia mà thôi!

 

May thay, không phải ai cũng phủ nhận Lê Văn Trương! Ngay từ năm 1940, trước Vũ Ngọc Phan hai năm, Lan Khai đã viết một cuốn sách nhan đề: Lê Văn Trương, mớ tài liệu cho văn học sử Việt Nam, Nxb Minh Phương ấn hành tại Hà Nội. Sau này, tại Sài Gòn, Nguyễn Vỹ viết chân dung Lê Văn Trương trong tập Văn Thi sĩ tiền chiến, in rải rác trên tạp chí Phổ thông của Nguyễn Vỹ, ông Nguyễn Hùng Trương, chủ Nhà sách Khai Trí in thành sách năm 1970. Cả Lan Khai lẫn Nguyễn Vỹ đều đánh giá cao tài năng, phẩm cách và thẳng thắn nói rõ những hạn chế, những thói tật của Lê Văn Trương. Một tác phẩm văn học ra đời, khen chê là chuyện bình thường. Thế nhưng công chúng yêu văn học và bản thân tác giả bao giờ cũng mong có được sự khen chê một cách khoa học và công tâm. Sinh thời, Lê Văn Trương không mấy quan tâm đến những lời chê bai mình. Ông sống như mình muốn, thích làm, thích viết những gì mình khoái. Văn ông chính là con người ông, chân thực, không giả tạo. Đây là ngoại hình nhà văn: "Ngoài ba mươi tuổi, tầm vóc cao nhớn, dáng đi lừ lừ như con cá trắm lội, với một màu da bánh mật, gương mặt rắn câng, một cái trán hẹp1 của người thiết thực, đôi mắt sâu gườm gườm và những cái nhìn nhanh như chớp. Miệng không rộng, môi trên hơi vểnh lên nổi một chiếc răng cửa khểnh"... "Bất cứ lúc nào và ở đâu ông nói nhiều hơn ai hết… Không nói, Lê Văn Trương rất có thể chỉ là một mớ tro tàn". (Lan Khai, sách đã dẫn). Nguyễn Vỹ viết: "Lê Văn Trương chửi thề toang toác chẳng sợ ai cười… chuyên môn nói tục nói phét, chỉ được cái thành thật không làm hại ai cả"! Lan Khai cho rằng lý thuyết của Lê Văn Trương là "một cuộc cách mạng tinh thần dựa trên thiên hướng và ánh sáng của Khổng học". Về điểm này, Lan Khai quả là người thấu hiểu Lê Văn Trương. Hầu như tư tưởng của hầu hết những tác phẩm văn học quan trọng của Lê Văn Trương đều thấm đẫm lòng nhân ái, bừng sáng nhân nghĩa lễ trí tín. Những nhânvật chính trong Người anh cả, Tôi là mẹ, Trường đời, Trận đời, Một người… đều sống, hành động theo thiên hướng và ánh sáng của Khổng học. Cắt nghĩa tại sao Lê Văn Trương đã một mình nghênh ngang, văn chương "dây cà ra dây muống" mà chinh phục được quá nhiều bạn đọc thời ấy, Lan Khai viết: "Ông đã đem tới cho tâm hồn quần chúng xứ này một sự bồng bột mới sau khi nó đã bị những vết thương đẫm máu làm tê tái và đã bị xâm chiếm bởi cái trống rỗng sau một sự cười cợt kéo dài quá cái hạn định hợp với lẽ phải… Ông đã tỏ ra săn sóc đến cái phần hồn của quần chúng hơn tất cả các văn sĩ hiện tại, săn sóc một cách đôn đốc, hăng hái, mê say". Lan Khai có lý khi cho rằng Lê Văn Trương chinh phục bạn đọc bắt đầu bằng việc tự thể hiện những khao khát trong tâm hồn mình đi tới thể hiện cái khát khao của muôn người. Một nhà văn, bất cứ ở thời đại nào, đất nước nào, nếu làm được như thế, thành công là tất yếu!

 

Những nhân vật như Linh trong Một người, Trọng Khang trong Trường đời, Vĩnh trong Tôi là mẹ… là những mẫu người sống theo tam bất: Bần tiện bất năng di, phú quý bất năng dâm, uy vũ bất năng khuất. Họ coi thường tiền tài danh vọng mà chỉ trọng danh dự, vượt lên tất cả để sống cho ra một con người. Nhà văn Nguyễn Ngu Í thuật lại lời của Triều Đẩu: "Non ba mươi năm trước tôi là một quan phán bất đắc dĩ. Anh còn lạ gì cái cảnh thiệt thòi, lắm khi tủi nhục của người công chức thời thuộc Pháp ở Nam hay ở Bắc gì cũng thế. Giữa lúc ấy, tôi đọc tiểu thuyết Một người của Lê Văn Trương. Linh, viên tham tá trẻ tuổi con nhà giàu, vì đôi lỗi lầm nhỏ, bị viên sếp người Pháp mắng nặng lời và tát tai. Linh xấu hổ xông lại toan làm dữ, thì viên sếp hồi tâm xuống nước, rồi dọa: Tôi sẽ cách chức anh! Linh đáp ngay: Tôi không cần! Ngay từ bây giờ, tôi sẽ từ giã cái địa ngục mà người ta coi tôi như chó lợn này. Cha dọa dẫm, mẹ năn nỉ, Linh nhứt định thôi việc, nhận sống đời thiếu thốn gian lao của một người trai trọng danh dự… Cái phản ứng quyết liệt và khí phách của Linh đã gây một niềm hào hứng đặc biệt trong giới anh em công chức trẻ lúc bấy giờ. Chúng tôi coi Linh như người lý tưởng và coi tác giả Một người là thần tượng" (Sống và viết với… sách đã dẫn). Nhà văn Ngọc Giao viết: "Số lượng tác phẩm khổng lồ của Lê Văn Trương, trước khi in, tôi đều đọc bản thảo, thật tình, chưa hề bắt gặp một truyện nào thiếu đạo đức, vắng cái hào khí của con người đất Việt1". Sau khi chồng qua đời, bà Trương kể với Nguyễn Ngu Í: "Cách đây khoảng bẩy tháng, có một ông cụ ở Pháp về, tìm đến tận nhà, hết lời ngợi khen và cảm ơn nhà em: Nhờ quyển Sợ sống của nhà em mà con trai cụ ấy nên người. Thấy nhà hư, cụ biếu năm ngàn đồng để sửa chữa, thỉnh thoảng đem xe hơi đến rước nhà em đi chơi. Nhà em rất sung sướng khi thấy tác phẩm của mình có ảnh hưởng xây dựng như thế".

Có thể dẫn ra - từ những tài liệu sưu tầm được về Lê Văn Trương - rất nhiều những ý kiến của các nhà văn, nhà báo và của bạn đọc ca ngợi Lê Văn Trương cùng tác phẩm của ông.

 

Vũ Ngọc Phan mặc dù phê phán gay gắt, khắt khe, bắt bẻ từng câu từng chữ hơi cứng nhắc, máy móc, thậm chí đánh giá không công bằng về Lê Văn Trương; vẫn phải dành tới 41 (bốn mươi mốt) trang in cho họ Lê (Trong khi chỉ mười trang cho Nhất Linh). Có những tìm tòi, cách tân trong khi viết như kể chuyện với tiết tấu nhanh, dùng thủ pháp điện ảnh trong tiểu thuyết, dùng những hình ảnh, tu từ hơi quá lên một chút, hơi cường điệu quá mức để thể hiện tính cách nhân vật… đều bị Vũ Ngọc Phan chê bai, phủ nhận. Tất nhiên cụ Vũ có cái lý của mình, bởi những năm 1934-1942, kỹ thuật viết tiểu thuyết ở ta như thế nào, loại tiểu thuyết đăng báo được sản xuất như thế nào, thị trường chữ nghĩa cạnh tranh như thế nào… phải đặt tác phẩm của họ Lê vào bối cảnh đó chúng ta mới hiểu vì sao Vũ Ngọc Phan không ưa văn của Lê Văn Trương. Ngày nay đọc lại Vũ Ngọc Phan, chúng ta thấy những khuôn mẫu, tiêu chí về văn chương, về tiểu thuyết mà Vũ Ngọc Phan đòi hỏi tác giả của người hùng phải đạt tới, xem ra khá là áp đặt, thiếu sức thuyết phục đối với phong cách Lê Văn Trương! Kết thúc bốn mươi mốt trang về Lê Văn Trương, vào lúc Lê Văn Trương nổi danh nhất, hưng thịnh nhất, Vũ Ngọc Phan đánh giá văn nghiệp Lê Văn Trương bằng một câu: "Văn ông chỉ là một thứ văn hoạt, thứ văn dễ hiểu cho người trung lưu trí thức, không có gì đặc sắc"!

 

Quá nhiều những lời đồn đại về Lê Văn Trương, đơn giản là vì ông quá nổi tiếng. Có những lời thêu dệt vì quá yêu, nhưng không thiếu gì những lời dèm pha ác ý. Thị trường chữ nghĩa thời đó đương nhiên là có sự cạnh tranh ác liệt. Cái sự nói xấu nhau tránh sao khỏi! Nhưng cứ đọc khoảng ba chục cuốn chất lượng nhất trong số hơn một trăm cuốn đã in, còn tới ngày nay, thì không thể nào phủ nhận được rằng Lê Văn Trương là người viết nhiều nhất trong số các nhà văn Việt Nam, rằng ông thực sự là một tài năng, là người có nhân cách và lòng nghĩa hiệp. Về mặt lao động, ông xứng đáng được ghi vào sách kỷ lục: Nhà văn Việt Nam lao động văn chương năng suất cao nhất!

 

Sinh thời, ông làm việc hùng hục như trâu cày suốt ngày đêm, tất nhiên trừ những lúc đi tom chát hay tổ tôm. Ông đọc rất nhiều sách Đông Tây kim cổ, sống hết mình, chiêm nghiệm cuộc đời với trái tim mẫn cảm. Tuy thế, khi trò chuyện với bạn bè, ông ít khoe kiến thức. Ông có tác phong viết văn rất khoa học: Suy nghĩ kỹ trong đầu, nghĩ cho chín, thật chín rồi tự gọt rũa, cũng ở trong đầu, cho đến khi nào ông hài lòng thì mới ngồi vào bàn viết. Ông chuyên viết bằng tay. Từ năm 1934 cho đến năm 1964 là ba chục năm, nhưng kỳ thực thời gian thực sự sáng tác văn học chỉ có hơn hai chục năm mà ông đã xuất bản được 200 cuốn, (và gần bốn chục cuốn chưa in - như Lê Văn Trương đã công bố khi trả lời phỏng vấn của Nguyễn Ngu Í), viết bằng tay, không dùng máy chữ, thì quả là một kỳ tích!

 

Tiểu thuyết của một thời, sách viết cho một số tầng lớp người như thị dân, trung lưu, trí thức đọc, người của một thời, văn chương giải trí cho một thời… Đó là những câu người ta thường nói về Lê Văn Trương. Nhưng không vì thế mà những giá trị chân chính, những đóng góp thật sự và quý giá của Lê Văn Trương cho văn học Việt Nam bị mai một, lu mờ. Giáo sư Nhà giáo Nhân dân Trần Văn Giàu kể rằng ông và bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, nhà sử học Trần Huy Liệu là bạn thân với Lê Văn Trương, đọc khá nhiều sách của nhà văn. Ông Trần Huy Liệu, Bộ trưởng Bộ Thông tin Tuyên truyền thời ấy rất tin cậy, quý mến Lê Văn Trương, đã hướng dẫn Lê Văn Trương ra tờ báo Việt Nam hồn, một tờ báo tiến bộ ủng hộ Việt Minh, chống Pháp. Ông Trần Huy Liệu từng tặng nhà văn một khẩu Browning để Lê Văn Trương phòng thân. Khi việc khai thác mỏ vàng Chợ Bến bị đình lại, Lê Văn Trương gia nhập quân đội, cùng với con trai trưởng Mạc Lân ở Tiểu ban Văn nghệ Phòng chính trị Liên khu Ba. Ông trân trọng những người viết trẻ, thường xuyên hướng dẫn nghề nghiệp cho họ, khuyên họ muốn viết tốt phải sống thật! Lê Văn Trương chiến đấu vô cùng dũng cảm. Theo nhà văn Yên Thao kể1, sau một trận chiến đấu, ông đã được đọc lá thư của người đại đội trưởng chứng nhận: "Nhà văn Lê Văn Trương là một người văn võ toàn tài. Khi chiến đấu, chiến sĩ bắn súng máy bị thương, Lê Văn Trương đã lao tới sử dụng súng máy thành thạo, tiếp tục tiêu diệt giặc. Tôi rất cảm phục ông…".

 

Theo nhà văn Yên Thao, Lê Văn Trương viết báo, viết truyện về bộ đội, về nhân dân kháng chiến. Thế nhưng… tác phẩm của ông không được sử dụng. Tiểu thuyết Sứ mệnh lịch sử, các phóng sự: Tôi làm phóng viên, B 12… viết ra phải xếp xó! Tiểu ban Văn nghệ tổ chức đọc duyệt tập thể, có cả một hai nhà văn từ Trung ương dự. Lê Văn Trương bị phê phán là tự nhiên chủ nghĩa, thậm chí còn những lời bất nhã, chụp mũ khác! Một người có cá tính và tên tuổi như ông, đi kháng chiến, đâu thể nào đòi hỏi ngay ông phải có lập trường quan điểm của giai cấp vô sản, đâu thể nào đòi hỏi ngay lập tức về những trang viết phải hướng vào công nông binh! Ông đau lắm! Ông đi theo Việt Minh, theo cụ Hồ, bỏ lại tất cả, bỏ đời sống vương giả ở Hà Nội, ông đến với kháng chiến bằng cả tấm lòng, đưa cả vợ con theo, sẵn sàng hiến dâng sinh mạng cho Tổ quốc! Thế mà ông không được tin dùng! Chán nản, thất vọng, tác giả của tiểu thuyết người hùng vốn là người có trái tim đa cảm và mềm yếu! Ông giã từ những cuộc họp hành, kiểm điểm, phê phán… về sống với các con ở Đầm Đa. Đúng lúc đó, ông bị một cái nhọt ở giữa sống lưng, nó nhanh chóng bung ra bằng miệng bát (hậu bối). Ở chiến khu, làm sao mua được thuốc kháng sinh như Pênêxilin, Xtreptômixin… Thế là ông phải về Hà Nội, chấp nhận mang tiếng là dinh tê về thành. Bất đắc dĩ ông phải về, còn vợ con, ông cấm vợ con không được về sống ở vùng tề! Số phận đưa đẩy, giữa năm 1954, ông vào Sài Gòn làm báo, làm thầu khoán, để rồi… ra đi trong túng thiếu, cô độc. Thời hoàng kim ở Hà Nội, ông cưu mang hàng mấy chục bạn viết. Đám tang ông, ngoài người vợ hai, người con nuôi, vài người trong họ, chỉ có một vài bạn viết văn, làm báo. Mấy đoàn hát ở gần nhà ông cho mượn xe đưa đám và một số nghệ sĩ đến viếng, tiễn ông đến nghĩa địa Phú Thọ Hòa. Sân khấu cuộc đời ông, tấn trò đời mà ông thủ diễn sau năm mươi chín năm vinh quang và cay đắng đã hạ màn. Trong cảnh hạ màn tang thương ấy, chỉ có tiếng ba chục con mèo mà ông yêu thương gào khóc vĩnh biệt nhà văn!

 

Tôi được đọc tiểu thuyết của Lê Văn Trương lần đầu tiên năm 1970, khi đang học khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thời ấy, tác phẩm Lê Văn Trương không được giảng dạy trong nhà trường. Ở đại học, chúng tôi chỉ được học phớt qua về ông với những lời phê phán là chính. Tôi được một ông thầy quý mến, cho mượn khá nhiều sách, có cả những sách in ở Sài Gòn gửi qua đường Paris về nước như Vòng tay học trò, có cả những bản dịch tác phẩm văn học hiện sinh Pháp mà bấy giờ chưa được xuất bản như Buồn nôn, Trong khi chờ Gôđô, Nữ danh ca đầu hói, Những chiếc ghế... Trong số sách mà tôi được Giáo sư cho đọc, có mấy cuốn của Lê Văn Trương. Tôi đọc một mạch, một ngày một đêm hết ba cuốn. Sau, tôi tìm đọc Lê Văn Trương tại Thư viện Trung ương, cũng nhờ Giáo sư giới thiệu nên được đặc cách làm thẻ đọc hạn chế, tức sách cấm! Bây giờ thì không còn chuyện cấm đọc Lê Văn Trương nữa. Ít người được đọc cho nên ai nói gì về văn chương của họ Lê tôi cũng chỉ biết nghe. Khi được đọc rồi, tôi mới hiểu, thì ra con người và tác phẩm Lê Văn Trương (cùng với nhiều nhà văn khác) không hoàn toàn  như những điều đã được nghe, được học! Năm 1993, khi hợp tác với NXB Văn hóa Thông tin in cuốn Bốn mươi năm nói láo của Vũ Bằng (sau khi phát hành một tuần thì bị ngưng phát hành!), tôi đã nghĩ tới chuyện rồi đây phải lần lượt xuất bản các tác phẩm của Vũ Bằng, Lê Văn Trương và những nhà văn anh tài khác. Tác phẩm của họ là tài sản vô giá của dân tộc. Số phận của các nhà văn ấy vô cùng cay đắng, lênh đênh, lận đận. Hậu thế cần hiểu rõ những giá trị đích thực để lớp bụi thời gian không thể làm lu mờ những gì là tinh hoa của đời sống tinh thần người Việt Nam.

 

Lê Văn Trương - Tác phẩm chọn lọc gồm hai tập, ra đời vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh (02-2-1906) và 42 năm ngày mất của nhà văn (Ngày 13 tháng Giêng năm Giáp Thìn nhằm ngày 25-2-1964). Hoàn thành bộ sách này, tôi vô cùng cám ơn chị Lê Thị Giáng Vân, kỹ sư nông nghiệp, con gái út của nhà văn Lê Văn Trương; chân thành cám ơn các giáo sư văn học, sử học, các nhà văn, nhà báo, các bạn đồng nghiệp đã tận tình cung cấp tư liệu, giúp đỡ tôi trong suốt quá trình làm sách. 

Ngô Thanh Hương
Số lần đọc: 3561
Ngày đăng: 11.02.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyễn Ngọc Tư, chuyện mới nghe qua - Huỳnh Kim
Nhà văn Lý Lan trả lời phỏng vấn SCL : “Tôi đang giàu có niềm hạnh phúc” - Huỳnh Kim
Tìm đọc Truyện ngắn Bích Ngân do NXB Văn Nghệ ấn hành : Thế giới truyện ngắn Bích Ngân - Huỳnh Phan Anh
Phụ nữ Huế : Những nghệ sĩ tài hoa trong lĩnh vực văn hóa ẩm thực - Nguyễn Hữu Thông
Nguyễn Tấn On : Những bước đi tới từ " Hồn Quê " - Vũ Trọng Quang
Tôi đọc Cánh đồng bất tận - Lê Anh Thu
Nhà thơ Kiên Giang : hoa trắng thôi cài trên áo tím - Trần Hữu Dũng
Tâm và tâm thức thiên tài - Triệu Từ Truyền
Đi tới... - Vũ Trọng Quang
Truy Phong "MỘT THẾ KỶ- MẤY VẦN THƠ" – Bài thơ chấn động dư luận một thời. - Trần Hữu Dũng