Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
785
116.646.098
 
Một số khía cạnh về lối sống cư dân ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Lương Thanh Tân

Trên cái nền chung của văn hóa dân tộc, mỗi vùng, mỗi xứ, mỗi miền với những đặc điểm riêng về điều kiện tự nhiên, sinh thái, tộc người, xã hội lịch sử của mỗi địa phương đã hình thành cho mình một bản sắc riêng trong cuộc sống .

 

Vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích 39.712 km2 (chiếm hơn 12% diện tích đất đai cả nước), dân số gần 17 triệu người (tính đến năm 2003) chiếm 22% dân số cả nước, là vùng đất phù sa mới gồm 13 tỉnh, thành phố: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Soùc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và TP. Cần Thơ. 700km bờ biển và 400km biên giới tiếp giáp với Campuchia, hệ thống sông ngoi và kênh rạch chằng chịt (khoảng 28.000km sông ngòi) toàn vùng là cơ sở cho hệ thống giao thông đường thủy và hình thành các cảng sông, cảng biển quốc tế, đồng thời còn là nguồn tưới tiêu, thau phèn rửa mặn. Hoàn cảnh tự nhiên và thổ nhưôõng của vùng đất này sẽ giúp cho chúng ta hiểu cặn kẽ hơn tính cách, lối sống của người ồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, đây là một yếu tố luôn động, đòi hỏi phải có những nghiên cứu công phu nhằm tìm ra lời giải đáp thích hợp, khoa học. Ở đây, chúng tôi không định khảo sát toàn bộ các vấn đề liên quan đến lối sống của cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, mà chỉ xem xét và bước đầu đưa ra một số thực trạng về lối sống của cư dân và qua đó nêu một số giải pháp nhằm xây dựng lối sống văn hóa của người dân đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.

 

Chúng ta từng biết, lối sống là một phạm trù cơ bản của khoa học xã hội, một vấn đề phong phú, đa dạng và phức tạp. Từ trước đến nay, về lối sống, đã có nhiều nhà nghiên cứu đưa ra những định nghĩa khác nhau, tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau. Theo chúng tôi, ở một khía cạnh nhất định, định nghĩa nêu sau đây là hợp lý hơn cả: “Lối sống là một phạm trù xã hội học, khái quát toàn bộ hoạt động sống của các dân tộc, các giai cấp, các nhóm xã hội, các cá nhân, trong những điều kiện của một hình thái kinh tế- xã hội nhất định và biểu hiện trên các lĩnh vực của đời sống: trong lao động và hưởng thụ; trong quan hệ giữa người với người; trong sinh hoạt tinh thần và văn hóa”(1). Như vậy, lối sống là một hình thức biểu hiện của văn hóa. Phương thức sản xuất là một hình thức hoạt động sinh sống nhất định của con người, là mặt cơ bản của lối sống, thông qua đó mà con người biểu hiện đời sống của mình, biểu hiện bản thân mình. Theo chúng tôi, tìm hiểu lối sống, trước hết, phải bắt đầu từ phương thức sản xuất của con người, ở cả hai mặt: quan hệ với tự nhiên (lực lượng sản xuất) và quan hệ với xã hội (quan hệ sản xuất). Phương thức sản xuất là điều kiện kinh tế - xã hội của lối sống. Phương thức sản xuất như thế nào thì phương thức sống như thế ấy.

 

1. Thực trạng lối sống cư dân đồng bằng sông Cửu Long

 

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất hội cư của nhiều tộc người, trong đó chủ yếu là người Việt (90%), người Khơme (6%), người Hoa (2%), còn lại là người Chăm. Họ cùng chung sống và phát triển các loại hình hoạt động kinh tế. Trong quá trình sinh sống, làm ăn, hành trang mang theo của cư dân là những vốn truyền thống từ làng quê, đất tổ đã thẩm thấu lẫn nhau tạo nên một nét mới để thích nghi, phù hợp với vùng sinh thái tự nhiên và xã hội. Người dân tới vùng đất phương Nam phải gạt bỏ dần những tập tục phong kiến để tiếp thu, thẩm thấu những nét, những sắc thái văn hóa hết sức đa dạng, phong phú và riêng có của văn hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long trong nền văn hóa người Việt.

 

Đồng bằng sông Cửu Long có kênh rạch chằng chịt, có khí hậu nhiệt đới gíó mùa, thời tiết khí hậu hiền hòa, ít bão tố, một năm có hai mùa mưa, nắng rõ rệt. Khi những cư dân người Việt đầu tiên đặt chân đến cùng đất này, thì nơi đây còn là những cánh rừng hoang bạt ngàn, với đủ loại thú dữ, bệnh tật và nhiều nguy hiểm, đòi hỏi con người phải có lòng dũng cảm, năng động, sáng tạo, cần cù, chịu khó, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau mới có thể chế ngự và làm chủ được tự nhiên hoang sơ và khắc nghiệt. Chính điều này đã tạo nên cho con người cuộc sống hòa mình với thiên nhiên (có lối sống phóng khoáng tự do). Nơi đây cũng là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, với những thủy hải sản phong phú, phù sa tạo nên những miệt vườn với những trái cây trĩu cành, vùng lúa phì nhiêu ban tặng sự trù phú cho cuộc sống của những cư dân đến từ muôn nơi. Vùng đất mầu mỡ này đã bao dung cho cuộc sống của con người. Con người cũng giang tay đón nhận sự ban phát sự hào phóng thiên nhiên. Chính đất đai, xứ sở đã tạo ra tính cách con người vùng sông nước này: hào phóng. Hào phóng vì thiên nhiên đã ưu đãi cho con người. Họ không phải khó khăn, vất vả cho sự mưu sinh nên mọi thứ cứ mộc mạc, giản dị như cái vốn có của tự nhiên, định hình lối sống phóng khoáng, tự do, hào hiệp, không lo xa, không cần tiết kiệm, không tích cốc, phòng cơ, đôi khi có phần dễ dãi như một tính cách đặc trưng của họ, nhưng đồng thời lại tạo nên lối sống mất căn cơ, không lo xa, thậm chí trở thành thiếu tính kế hoạch trong công việc làm ăn. Đây cũng là tính cách khá đặc biệt của người dân vùng sông nước Cửu Long, được hình thành từ đặc điểm sinh thái của vùng đất này, góp phần cho sự định hướng cũng như phương pháp tư duy, xúc cảm, thẩm mỹ của họ.

 

Các cư dân người Việt, người Khơ me, người Hoa, người Chăm,... đều không phải là người dân bản địa. Những gì ban đầu họ mang theo đến vùng đất này để “mở cõi” là những vốn sống, hành trang văn hóa vật chất và tinh thần trong huyết quản, tiềm thức và để thích ứng với điều kiện tự nhiên của vùng đất mới, cho nên họ đã bao dung lẫn nhau, cùng hòa đồng, thân thiện, làm ăn, sinh sống. Chính vì vậy một tổng thể của các sắc thái văn hóa và tôn giáo cùng tồn tại, cùng chung sống, cùng phát triển trong sự tôn trọng lẫn nhau đã làm nên nét văn hóa đặt trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đó là đa tôn giáo, đa dân tộc.

 

Đó mới là một vài biểu hiện trong quan hệ với tự nhiên, còn trong quan hệ xã hội, người dân chú ý nhiền đến hành vi và việc làm, gần như ít quan tâm lám đến chức tước, địa vị và cũng không có thái độ phân biệt giàu nghèo, sang hèn, nguồn gốc xuất thân. “Tuổi tác và phẩm hạnh là điều mà người Nam Bộ quan tâm và phân biệt đối xử. Hẳn vì thế, mà người ta quen gọi nhau bằng thứ, anh Hai, chị Ba, rất ít khi thêm chức vị trước tên người”(2). Họ đề cao và coi trọng tính chân thật và tính cởi mở, không ưa vòng vo, dông dài, trau chuốt trong giao tiếp. Những cư dân vùng sông nước này từ nhiều nơi hội tụ về đây, họ không chỉ có khai hoang lập nghiệp, lập làng xóm, phum sóc, cày bừa, gieo trồng, gặt hái, chăn nuôi,…. để có cái ăn, cái mặc, cái ở mà còn có những nhu cầu văn hóa tinh thần, tạo niềm tin tăng thêm sức mạnh và ý chí để giúp họ vượt qua những khó khăn thử thách, hiểm nguy mà họ thường gặp trong quá trình lao động và trong cuộc sống hằng ngày .

 

Đại bộ phận nông dân đồng bằng sông Cửu Long vốn kế thừa truyền thống một nước có nền văn minh nông nghiệp lúa nước từ rất sớm, với nền tảng kinh tế thuần nông, lạc hậu, phân tán, manh mún đã chi phối nếp nghĩ, nếp sinh hoạt của người dân và tạo nên bản sắc riêng của vùng này. Người dân phần đông chỉ có ý thức về thời vụ, về “mùa” chứ chưa có ý thức rõ rệt về thời gian. Điều này đã tạo nên lối sống lề mề, chậm chạp, không biết tận dụng, không biết quý trọng thời gian. Chẳng hạn trong tiệc tùng, nhậu nhẹt thì “nhậu lai rai”, “nhậu một ngày một đêm thêm bữa nữa”… phải chăng vì vậy đã làm chậm sự năng động, sự phát triển của xã hội ? Mặc dù tiềm năng thế mạnh của cả vùng là rất lớn, song hiện nay đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức: đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn nhiều khó khăn: trình độ dân trí thấp, kết cấu hạ tầng còn yếu kém,… Nhân lực đóng vài trò quyết định trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng tỉ lệ lao động qua đào tạo mới đạt được 10% (bình quân cả nước là 20%) trong khi đó đầu tư giáo dục và đào tạo cho đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Hiệu quả giáo dục các cấp đều thấp: tiểu học 56,68% (cả nước 77,57%), trung học cơ sở là 51% (cả nước 70%), trung học phổ thông là 61,17% (cả nước 78%). Tỉ lệ học sinh học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học mới đạt 31 người /1 vạn dân (thấp nhất cả nước)(3).

 

Ở đồng bằng sông Cửu Long không trải qua cuộc cải cách ruộng đất, phần nhiều người dân có ruộng, có vườn, nên cuộc sống cũng không vất vả, cực nhọc như những cư dân miền Bắc, miền Trung. Có lẽ vì vậy người dân thường có những suy nghĩ giản đơn, ít có sự nhìn xa, trông rộng để có sự đầu tư cho con cái trong tương lai về vấn đề học hành, sự nghiệp, tiến thân. Tâm lý và tính cách tiểu nông trong lối sống của cư dân nơi đây vẫn còn tồn tại khá phổ biến, ý chí làm giàu chưa trở thành mẫu số chung trong nhân sinh quan của người dân, thái độ sống thụ động, lệ thuộc, không cầu tiến vẫn tồn tại khá rõ nét. Những yếu kém và bất cập không chỉ thể hiện sức ì, bảo thủ, tính cục bộ và phân tán của con người trong nhận thức và hành động mà còn chứng tỏ một sự thật là nền kinh tế của vùng sông nước này vẫn còn là nền kinh tế tiểu nông, nghèo nàn, lạc hậu và bộc lộ rõ nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế và tri thức trong quá trình phát triển ở đồng bằng sông Cửu Long . Đây là những trở ngại lớn đối với nhu cầu phát triển bền vững cũng như xây dựng lối sống văn hóa mới cho đồng bằng sông Cửu Long. Khi cả nước đi vào kinh tế thị trường, nguồn nhân lực yêu cầu cần được đào tạo, có chuyên môn, có trình độ cao thì ở đồng bằng sông Cửu Long tỉ lệ người không có việc làm còn cao, số người nghèo còn đông (9,25%) nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

 

Từ những vấn đề khái quát về thực trạng trên, theo chúng tôi, để xây dựng và phát triển bền vững văn hóa, kinh tế, xã hội, trong đó có việc xây dựng lối sống văn hóa mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho nhân dân đồng bằng sông Cửu Long, cần tập trung vào các giải pháp cơ bản và có tính khả thi.

 

2. Một số giải pháp

 

Phải khắc phục được những thực trạng trong hiện tại, từng bước củng cố, xây dựng chiến lượt phát triển con người trên cơ sở xây dựng lối sống văn hóa mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phải coi trọng việc xây dựng lối sống văn hóa cho người dân, coi đây là công việc và trách nhiệm của toàn xã hội, các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị, các gia đình đều phải có ý thức xây dựng lối sống văn hóa mới.

 

Vừa xây dựng phát triển kinh tế, vừa xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc xây dựng lối sống văn hóa là công việc thường xuyên, liên tục, lâu dài, nhằm duy trì cái tốt, cái tiến bộ, loại bỏ dần cái xấu, cái tiêu cực.

 

Từng bước xóa bỏ kinh tế tiểu nông, với một chính sách nông nghiệp có tầm nhìn dài hạn. Sớm nhận rõ được giới hạn của nguồn tài nguyên đất đai, lẫn nguồn lao động của người tiểu nông. Cần một chu trình chuyển tiếp sang một nền kinh tế nông nghiệp hàng hóa, gắn với thương nghiệp, công nghiệp chế biến và với công nghiệp hóa; biến nông nghiệp độc canh thành đa canh, từ đó giảm dần sức ì vốn có trong tư chất, tính cách của người tiểu nông vùng đồng bằng sông Cửu Long, khắc phục tính vụ mùa trong việc sử dụng nguồn lao động, tư liệu sản xuất, tiền vốn.

 

Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp mạnh hơn nữa, trước hết là cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giảm bớt diện tích đất lúa kém hiệu quả để có thêm đất phát triển các cây, các con khác có giá trị kinh tế cao, gắn thị trường, dịch vụ với nông sản nhà nông tạo ra. Cần có chính sách mở cho từng vùng, tỉnh, tạo lợi thế cạnh tranh. Mô hình bốn nhà (nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học, nhà băng) sớm đi vào cuộc sống một cách cụ thể và hiệu quả hơn.

 

Xây dưng môi trường văn hóa lành mạnh nhằm nâng cao tính văn hóa trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân, làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống và hoạt động xã hội.

 

Tổ chức các hoạt động sinh hoạt vui chơi giải trí lành mạnh, khôi phục các lễ hội dân gian.

 

Kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa của các dân tộc trong vùng, sự đa dạng, phong phú của văn hóa tộc người. Phát triển văn hóa vùng gắn liền với giao lưu văn hóa quốc gia, quốc tế, tiếp thu những tinh hoa văn hóa của các vùng trong nước và văn hóa nhân loại để làm đẹp thêm cho văn hóa vùng, đồng thời đề cao bản lĩnh văn hóa vùng, đấu tranh chống những ảnh hưởng và những thâm nhập của những văn hóa độc hại, tăng cường phát huy những di sản văn hóa của đồng bằng sông Cửu Long, góp phần vào kho tàng văn hóa chung của dân tộc và trên thế giới.

 

Tăng cường vai trò của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân đối với việc xây dựng lối sống lành mạnh cho người dân…

 

Trên đây là một số nét thực trạng và giải pháp cơ bản nhằm xây dựng lối sống văn hóa cho cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để đạt kết quả cao, một mặt các giải pháp cần được tiến hành đồng bộ, thường xuyên, lâu dài; mặt khác, phải có sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện của các cấp lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Thiết nghĩ, làm được như vậy lối sống văn hóa của cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngày càng phát triển, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa hiện nay.

______________

 

1. Trần Văn Bính (chủ biên), Giáo trình lý luận văn hóa và đường lối văn hóa của Đảng, Nxb Chính trịquốc gia, Hà Nội, 2000, tr.190.

 

2. Phan An, Nguyễn Thị Nhung, Người Nam Bộ trước và trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa, trong sách: Những thành tựu khoa học xã hội và nhân văn ở các tỉnh phía Nam trong thời kỳ đổi mới, Nxb Khoa học xã hội, 2003, tr.936.

 

3. Hội thảo khoa học: Vì sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long quyển 3, TP. Cần Thơ, 11-2004.

 

www.vanhoanghethuat.org.vn

Lương Thanh Tân
Số lần đọc: 10165
Ngày đăng: 16.02.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người Cơtu Bản Nal đón Tết - Phan Thị Xuân Bốn
Việt mượn Hán hay Hán mượn Việt ? - Hà văn Thùy
Thử tìm lại cội nguồn NGƯỜI VIỆT - Hà văn Thùy
Từ sự hủy diệt của văn minh ÓC EO nhìn về ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG - Hà văn Thùy
Tìm lại cội nguồn tổ tiên cội nguồn văn hóa ( Bài hai và hết,) - Hà văn Thùy
Quan điểm NHÂN HỌC - Emily A. Schultz và Robert H. Lavenda
Nhân học văn hóa,một và nhiều - Nicolas Journet
Những quan điểm lý thuyết trong nhân học về vấn đề dân tộc - Phan Ngọc Chiến
Những khía cạnh học thuật trong vấn đề xác định thành phần dân tộc tại Việt Nam - Phan Ngọc Chiến
Nghề ăn ong trong rừng U Minh - Nguyễn Trọng Tín