Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
785
116.659.055
 
Tìm lại cội nguồn tổ tiên cội nguồn văn hóa ( Bài hai và hết,)
Hà văn Thùy

Trên đây là những nét lớn, có tính khái quát. Đi vào cụ thể, ta điểm qua vài chứng cứ bằng văn tự như sau:

 

    Theo cuốn sử sớm nhất của Trung Quốc là Sử ký thì chủng tộc Việt Nam bắt nguồn từ nhà Hạ (2205-1770 TCN). Câu Tiễn (505- 465 TCN) vua nước Việt là hậu duệ của vua Hạ Vũ. Nước Sở của Khuất Nguyên cũng là dòng Việt bởi vậy Khuất Nguyên mới ai oán tiếc thương dòng giống Việt trong Sở Từ: Răng đen mình trổ dọc ngang. Xăm mình, cắt tóc ngắn, nhuộm răng đen là đặc điểm của người Việt thời đó.

 

Trước đây, chúng ta mang mặc cảm là đám Tàu lai bị xua đuổi, liều chết chạy về Nam theo bản năng sinh tồn nên vẫn cho mình là kẻ nhập cư trên đất đai người khác, nhất là khi phát hiện ra trong huyết quản đậm phần máu Mongoloid. Trước những nền văn hóa rực rỡ Hòa Bình, Phùng Nguyên của người tiền sử, chúng ta cũng tự hào nhưng là niềm tự hào vay mượn bởi mặc cảm của kẻ khác chủng tộc, không liên hệ gì đến chủ nhân của những nền văn hóa đó!

  

Rồi chúng ta phát hiện ra rằng: tổ tiên ta từ đất nước Việt Nam đã mang gươm (rìu đá) đi mở cõi khai thác mở mang đất nước Trung Hoa, tại đây xuất hiện vị tổ gần hơn là Thần Nông vùng Thái Sơn từng giáo dân nghệ ngũ cốc. Tổ tiên đã mở đất, đã chiến đấu kiên cường với kẻ xâm lấn rồi khi không thể ở lại được đã trở về mái nhà xưa.  Chính những hậu duệ đi xa trở về này do phải tiếp xúc, đối đầu với nền văn minh du mục, với kẻ địch mạnh đã trở nên mạnh mẽ và khôn ngoan hơn. Điều khôn ngoan nhất mà các vua Hùng đem đến cho người Việt phương Nam là tổ chức nhà nước. Chính nhà nước dù còn lỏng lẻo này đã làm thay đổi về chất trong quan hệ của cộng đồng Việt: từ quan hệ bộ tộc chuyển sang quan hệ quốc gia. Quan hệ này giúp các vua Hùng sáng tạo nên văn minh Đông Sơn rực rỡ và có được sức mạnh trong đấu tranh với kẻ thù.

 

Tới đây, tự nhiên nảy sinh câu hỏi: Vì sao trong thời gian hàng vạn năm, số dân Bách Việt tăng nhanh, phạm vi phân bố mở rộng ra mênh mông, trong khi người Mông Cổ số dân tăng không đáng kể và chỉ loanh quanh ở mạn Bắc sông Hoàng Hà? (Bằng chứng xã hội học cũng như di truyền không cho thấy người Mongoloid phương Bắc có mặt ở châu Mỹ).

 

Có thể lý giải điều này bằng 3 nguyên nhân: khí hậu- thổ nhưỡng, phương thức sống và di truyền:

   

1/ Khí hậu lạnh không tạo thuận lợi cho sinh sản. Dân số tăng chậm không đòi hỏi mở rộng vùng phân bố.

   

2/ Phương thức sống du mục nên người Mông sống bám vào đồng cỏ cao nguyên, không có khả năng chinh phục miền đất ẩm thấp mạn Nam sông Hoàng.

  

3/ Người Mông phương Bắc mang gen từ tổ tiên Mongoloid thiên di lên và sống biệt lập nên không kịp hòa huyết với chủng người khác, trong bộ gene tương đối thuần của họ mang khả năng sinh sản thấp. Điều này còn thấy trong chủng Mongoloid hiện nay.

 

Từ đó có thể rút ra kết luận: việc xuống phía Nam hòa huyết với người Bách Việt mang dòng máu Indonesien, Melanesien và trồng lúa nước mở ra vận hội lớn đối với người Hán, chẳng những đã cứu họ thoát khỏi tình trạng sinh sản thấp như người Mông Cổ đồng chủng mà còn cho họ hưởng nền văn minh nông nghiệp phát triển rực rỡ. Chính ba nhân tố này tạo nên dân số đông đúc cùng văn hóa ưu tú của dân tộc Trung Hoa hiện đại. 

 

Như vậy là một cách ngắn gọn, tôi đã trình bày một phần về CỘI NGUỒN TỔ TIÊN.

 Sở dĩ chỉ dám nói một phần vì còn một câu hỏi vô cùng bức xúc chưa được trả lời : NHÀ TRIỆU CÓ VAI TRÒ GÌ TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC VIỆT?

 

Từ khi giành lại quyền tự chủ, các triều đại Việt đều đề cao vai trò lịch sử của Triệu Đà. Nhà Trần phong ông là Khai thiên thế đạo thánh vũ thần triết hoàng đế.(25) Đại Việt sử ký toàn thư ghi: "Họ Triệu nhân lúc nhà Tần suy loạn, giết trưởng lại nhà Tần, chiếm giữ đất Linh Nam xưng đế, đòi ngang với nhà Hán, hưởng nước truyền ngôi 100 năm mới mất, cũng là bậc vua anh hùng." Sử gia Lê Văn Hưu nói: "Thế mới biết, người giỏi trị nước không cứ đất rộng hay hẹp, người Hoa hay Di, chỉ xem ở đức mà thôi. Triệu Vũ đế khai thác đất Việt ta mà tự làm đế trong nước, đối ngang với nhà Hán, gửi thư xưng là "lão phu", mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước ta, công ấy có thể nói là to lắm vậy." Trong An Nam chí lược, Lê Tắc viết: "Triệu Đà làm vua Nam Việt, mới lấy thi lễ giáo hóa nhân dân một ít." Điều này chứng tỏ Triệu Đà là người mang sự học đến nước ta từ trước chứ không phải Sĩ Nhiếp. Đến nhà Lê, trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi viết: Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước. Như vậy, Nguyễn Trãi thừa nhận Triệu Đà là ông vua đầu tiên của nước ta từ thời có sử.

  

Hàng ngàn năm, chính sử Việt Nam ghi nhận vai trò lịch sử lớn lao của nhà Triệu. Đến thế kỷ XVIII, Ngô Thì Sĩ (1726-1780) trong Việt sử tiêu án viết: "Nước ta bị nội thuộc vào nước Tàu từ đời Hán đến Đường, truy nguyên thủ họa chả Triệu Đà thì còn ai nữa? Huống chi Triệu Đà chia nước ta làm quận huyện, duy chỉ biết biên số thổ địa, thu thuế má, cung cấp ngọc bích cho nhà Hán, đầy túi tham của Lục Giả thôi. Đến như việc xướng ra cơ nghiệp đế vương trước tiên, tán tụng Triệu Đà có công to, Lê Văn Hưu sáng lập ra sử chép như thế, Ngô Sĩ Liên theo cách chép hẹp hòi ấy, không biết thay đổi, đến như bài Tổng luận sử của Lê Tung, thơ vịnh sử của Đặng Minh Khiêm thay nhau mà tán tụng, cho Triệu Đà là bậc thánh đế của nước ta. Qua hàng nghìn năm mà không ai cải chính lại vì thế mà tôi phải biện bạch kỹ càng."(26)

  

Cho đến nay, trong giới sử học, việc đánh giá Triệu Đà vẫn có hai luồng ý kiến ngược nhau. Là kẻ ngoại đạo không dám lạm bàn, tôi chỉ xin lục ra một số tư liệu lịch sử hầu bạn đọc tham khảo.

     

Trong Sử ký, Tư Mã Thiên viết: "Vua Nam Việt họ Triệu tên là Đà, người huyện Chân Định, trước làm quan úy. Bấy giờ nhà Tần đã chiếm cả thiên hạ, cướp lấy đất Dương Việt, đặt ra các quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận để đưa những người bị đày đến ở lẫn với người Việt. Như thế đã mười ba năm. Khi nhà Tần bị tiêu diệt, Đà lập tức đánh chiếm lấy cả Quế Lâm, Tượng Quận, tự lập làm Nam Việt Vũ vương. Đà bèn tự tôn làm "Nam Việt Vũ đế", đem quân đánh các ấp ở biên giới quận Trường Sa. Đà nhân đó dùng uy lực uy hiếp biên giới, đem của cải đút lót các nước Mân Việt, Tây Au Lạc để bắt họ lệ thuộc mình. Đất đai của Đà chiều ngang có hơn vạn đặm, Đà bèn đi xe mui lụa màu vàng, cắm cờ tả đạo, mệnh gọi là "chế", chẳng kém gì Trung Quốc." "Đến thời Hiếu Cảnh, Đà vẫn xưng thần, sai người vào chầu. Nhưng trong nước Nam Việt thì vẫn trộm xưng danh hiệu "đế" như cũ; còn khi sai sứ sang thiên tử thì xưng "vương", triều kiến thỉnh mệnh như các chư hầu." (27)

    

Triệu Đà làm vua 70 năm (từ 207 đến 137 TCN), tiếp đó cháu chắt ông truyền 4 đời trị vì 27 năm nữa, đến năm 111 TCN nước Nam Việt vào tay nhà Hán. Nhà Triệu kéo dài được 97 năm. 

    

Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn ghi: "Đem số hộ khẩu chép ở sách Hán chí mà so thì nước ta được ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, hơn 20 huyện, đời Hán số hộ cộng là 143.743 nhà, số khẩu cộng là 981.827 người. Thông tính cả hai tỉnh ấy ( Quảng Đông, Quảng Tây) ở đời Hán số hộ chỉ là 71.805 nhà, khẩu chỉ là 389.672 người. Như thế nước ta ở đời Hán thì số hộ gấp đôi mà số khẩu gần gấp ba."(28).

   

Như vậy, vào năm 220 TCN, nhà Tần chiếm đất của người Việt ở phía Nam sông Dương Tử, và đưa những tội nhân người Hán đến ở chung với người Việt để thực hiện ý đồ lấn đất. Do nhà Tần sụp đổ, thiên hạ đại loạn tạo cơ hội cho Triệu Đà cát cứ. Tuy xưng vương ở Phiên Ngung nhưng số dân của Triệu ít. Trong khi đó ở phía Nam, nước Au Lạc của An Dương vương khá mạnh, số dân gần gấp 3 số dân của Triệu. Bên cạnh Au Lạc còn có các nước Mân Việt, Tây Au Lạc luôn tranh chấp. Nước Au Lạc tuy lớn nhất trong khu vực nhưng cũng quá nhỏ so với nhà nước phương Bắc. Nếu nhà Tần không sụp đổ đúng thời điểm đó, có nhiều khả năng tằm ăn dâu, nhà Tần sẽ thôn tính đất Nam Việt. Một khả năng khác: trong cuộc chinh phạt Nam Việt trị tội Triệu Đà xưng đế, nếu tướng Lâm Lư hầu thắng, nhà Hán chiếm Nam Việt ngay lúc đó, có phần chắc Nam Việt cũng bị đồng hóa như các dòng Bách Việt khác. Khả năng thứ ba: nếu Triệu Đà theo nhà Hán, sau khi thôn tính Au Lạc, sáp nhập Nam Việt vào Hán thì có phần chắc là Nam Việt bị xóa sổ trên bản đồ!

    

Nhìn vào thực tế nước Au Lạc của Thục Phán, ta thấy, Tục Pắn (tên Việt của Thục Phán) là người Ba Thục trốn chạy nhà Tần đến nương nhờ Lạc Việt, đã chiếm ngôi của vua Hùng, lập nên Au Lạc. Ban đầu Tục Pắn bị xem là kẻ thoán đoạt cướp ngôi nên bị người Lạc Việt chống lại (sự tích xây Loa Thành bị đổ). Nhưng rồi sau do chính sách cai trị khôn ngoan, nhất là sau hai lần đánh thắng Triệu Đà, đã được nhân dân tín nhiệm. Về cuối đời do mất cảnh giác nên bị Triệu Đà dùng mưu thôn tính.  Đúng là Triệu Đà dùng thủ đoạn chiếm nước Au Lạc nhưng ý nghĩa của sự kiện lịch sử này cần phải bàn. Thời đó, sự liên kết trong mỗi quốc gia còn lỏng lẻo và biên giới từng quốc gia chưa ổn định, đang trong xu hướng sáp nhập tập trung thành những quốc gia đủ mạnh để tồn tại. Việc thôn tính các nước Sở, Ngô, Việt... để thành nước Tần không phải hành động xâm lược mà là công lớn thống nhất đất nước. Tương tự vậy, việc Triệu Đà chiếm Au Lạc cũng không thể coi là cuộc xâm lược mà là hành động thống nhất những nhóm, những tiểu quốc người Việt lại thành môt nước Việt lớn hơn, ngăn chặn hành động thôn tính của kẻ mạnh ở phương Bắc. Điều quan trọng là họ Triệu đã duy trì được nước Nam Việt thống nhất trong gần một thế kỷ, vừa xây dựng trong hòa bình vừa kiên cường chống ngoại xâm. Chính điều này đã tạo nên và củng cố tinh thần quốc gia của người Việt. Đây là di sản quý báu nhất họ Triệu để lại cho người Việt. Chính gần một thế kỷ tồn tại của quốc gia Nam Việt giúp cho người Lạc Việt không bị người Hán đồng hóa và sau này có dịp lại vùng lên trong khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Nếu không có may mắn một trăm năm Nam Việt ấy, dám chắc người Hán sẽ diệt tiểu quốc của Triệu Đà sau đó thôn tính Au Lạc, tộc Lạc Việt đã bị mất hút trong lịch sử như  những dòng Việt anh em khác!

    

Các sử gia như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên... đã nhìn nhận công bằng và Nguyễn Trãi  đánh giá họ Triệu một cách chuẩn mực. Sử gia Ngô Thì Sĩ khi viết : "Triệu Đà chia nước ta làm quận huyện, duy chỉ biết biên số thổ địa, thu thuế má, cung cấp ngọc bích cho nhà Hán, đầy túi tham của Lục Giả" đã tỏ ra bất cập. So với một quốc gia còn trong tình trạng nguyên thủy với những lạc hầu lạc tướng cai quản từng bộ lạc thì một quốc gia có quận huyện, biên số thổ địa là bước nhảy vọt về tổ chức hành chính, về khoa học quản lý xã hội. Còn nói "thu thuế má cung cấp ngọc bích cho nhà Hán" cũng không đúng. Suốt 70 năm Triệu Đà làm vua, quan hệ Việt Hán khá lỏng lẻo. Biết Triệu xưng đế mà nhà Hán đành chịu, không những thế còn phải lấy lòng bằng cách giữ gìn mồ mả tổ tiên của Triệu, cho thân nhân Triệu làm quan (Sử ký). Trong mối quan hệ như vậy, cống phẩm của Triệu Đà chỉ có nghĩa tượng trưng để xác nhận sự thần phục trên danh nghĩa nên không thể làm đầy túi tham của Lục Giả, không thể so sánh với việc cống người vàng thời Trần-Lê. Rõ ràng, chứng lý đưa ra để kết tội Triệu Đà là không thuyết phục. Nhưng vì sao Ngô Thì Sĩ lại có cái nhìn việc thiếu chuẩn mực như vậy? Chỉ có thể là, với tinh thần dân tộc hẹp hòi, có phần thiển cận, ông không chịu một ông vua người Hán tộc! Trong lịch sử thế giới, một người nước này làm vua nước khác không hiếm. Ngay bên chúng ta, tới cuối thế kỷ XVIII, vua nước Xiêm là một người Trung Quốc tên Trịnh Quốc Anh từng kéo quân sang đánh Hà Tiên. Còn với chúng ta thì đúng Triệu Đà là người Hán nhưng dân Nam Việt lúc đó hầu hết là người Việt, vì vậy không thể phủ nhận việc ông là vị vua đầu tiên của nước Nam Việt, ông vua khai sáng của Việt Nam chúng ta. Mặt khác, vợ ông là Trình Thị người Đường Thâm Giao Chỉ nên con ông, Trọng Thủy ít nhất có nửa phần máu Việt, còn cháu ông là Triệu Hồ có một phần máu Việt, đến Anh Tề, phần máu Việt cao hơn. Họ Triệu chẳng những có công khai sáng Nam Việt mà ngày càng gắn bó bằng tâm hồn bằng máu huyết với Tổ quốc mới của mình!

   

Một câu hỏi cần phải trả lời gấp: Triệu Đà ông là ai? Người Tàu không nhận ông là Tàu vì ông là Nam Việt hiệu úy. Còn với người Việt ông bị coi là giặc Tầu xâm lược!  Vậy ông là ai?!

 

Ruột bỏ ra da ôm lấy từng là nỗi đau của bao người. Mồ cha không khóc lại khóc đống mối từng là bi kịch của không ít gia đình, dòng họ... Nhưng vì những lầm lẫn mà chối bỏ người sáng lập ra quốc gia, chối bỏ cả thời đại quan trọng trong lịch sử lại là nỗi đau nỗi nhục của cả một dân tộc! Đã đến lúc vụ án Triệu Đà-Trọng Thuỷ phải được tính lại.

                                                                                                  

 

CỘI NGUỒN VĂN HÓA

 

  Trong khi trình bày vấn đề cội nguồn tổ tiên, tôi đã phần nào nói tới cội nguồn văn hóa. Đấy là những nền văn hóa Sơn Vi, Hòa Bình, Bắc Sơn, Đông Sơn... tổ tiên ta đã làm ra trên đất Việt Nam. Một vấn đề cần làm rõ: trong khoảng thời gian hàng vạn năm sống ở Trung Nguyên, người Việt đã sáng tạo ra những gì? Không làm ra những kỳ tích như Hòa Bình, Bắc Sơn nhưng những người Việt xa quê này không ngừng sáng tạo: thuần hóa gia súc, trồng lúa nước, làm ra đồ gốm, trong đó có cái chõ Tam biên (để đồ xôi) rất đặc trưng rồi đúc trống đồng, đúc Cửu đỉnh. Người Việt ở đây cũng kết thằng tức bện dây làm lưới đánh cá... Cùng với những văn hóa vật thể ấy, trong hàng vạn năm duy trì một xã hội nông nghiệp ổn định, người Việt phương Bắc cũng sáng tạo nên nền văn hóa phi vật thể phong phú. Đó là những kinh nghiệm về thời tiết về cây trồng mà bà Nữ Oa là bậc thầy có tài đội đá vá trời (cách nói hình tượng của việc quan sát nắm vững thời tiết), những kinh nghiệm về đối xử với thiên nhiên, với hàng xóm láng giềng. Từ những vết chân chim in trên phù sa, cha ông ta làm ra chữ viết : chữ kết nút, chữ hình con nòng nọc (chữ Khoa đẩu), chữ hình ngọn lửa (Hỏa tự), dùng mu rùa bói toán... Hoài niệm về thời Nghiêu Thuấn mà có lúc chúng ta cười diễu các cụ say giấc mơ Tàu thì thực ra lại chính là hồi quang của lối sống Việt tận nguồn: thế giới đại đồng, con người hòa thuận với thiên nhiên, sống với nhau nhân ái, dân chủ.

   

Khi tràn xuống Trung Nguyên, người Hán du mục bắt gặp một cuộc sống mới cùng nền văn hóa mới. Khi kẻ xâm lấn tràn tới, thành phần quý tộc tinh hoa của các bộ tộc Việt bỏ chạy về Nam, một bộ phận bất hợp tác thì vào rừng lẩn trốn thành người thiểu số còn đại đa số dân Việt thích ứng với cuộc sống mới. Cuộc săn đuổi và trốn chạy diễn ra dài dài trong lịch sử, kể đến nhiều nghìn năm. Trong thời gian dằng dặc ấy, chữ Việt ban đầu được viết với bộ Mễ (lúa gạo - chỉ dân trồng lúa nước) bị kẻ chiến thắng đổi thành chữ Việt với bộ Tẩu (vượt - chỉ người Việt chạy vượt qua sông Dương Tử). Trong khi đó người Việt ở lại sống chung với quân xâm lược được gọi là Miêu. Do số dân quá ít, khi đối mặt với kẻ chiến bại đông đảo, kẻ chiến thắng Hán tộc đã áp dụng thái độ ứng xử khôn ngoan với tộc người Miêu này. Khác với người Aryen du mục khi chinh phục An Độ đã áp chế người bản địa Dravidiens bằng chế độ nô lệ hà khắc để lại những di họa đến bây giờ, người du mục Hán tộc giữ vai trò lãnh đạo và chuyển sang làm thương nghiệp, công nghiệp còn để cho người Miêu Việt làm công việc nặng nhọc là trồng trọt, chăn nuôi và đi lính. Lúc đầu choáng ngợp trước cuộc sống sung túc và văn hóa khác lạ của dân nông nghiệp, người du mục không chú ý lắm đến các vị thần, đến tín ngưỡng bản địa. Nhưng rất nhanh chóng, cộng đồng dân cư bản địa quá đông đúc đã đồng hóa kẻ xâm lăng, cả về huyết thống cả về văn hóa. Giai cấp lãnh đạo Hán tộc từ bỏ vật tổ truyền thống là con cọp trắng để nhận vật tổ của người Miêu Việt là con rồng làm vật tổ của mình, nhận những ông vua thời Tam hoàng, không chỉ nhân vật chính thống Hoàng đế mà cả Phục Hy, Thần Nông làm tổ.

Tiến một bước nữa, những trí thức Hán tộc kết hợp cùng trí thức Miêu Việt tiến hành ghi chép những điều hay lẽ phải trong cộng đồng nông nghiệp Việt tộc để chế tác kinh điển. Những kinh, thư đã ra đời như vậy. Trong Luận ngữ, Khổng tử nói: "Ngô thuật nhi bất tác" (ta chỉ ghi lại mà không sáng tác). Đó là lời trung thực, nói lên đúng thực chất những gì ngài đã làm. Kinh thi bắt đầu từ sự sưu tầm ghi chép những câu ca tồn tại từ lâu trong dân gian. Về nguồn gốc kinh Dịch, người ta thường nói truyền thuyết con long mã sông Hà dâng đồ, con rùa sông Lạc dâng thư nhưng thực ra đó là những kinh nghiệm bói toán đã có từ lâu trong cộng đồng Việt miền lúa nước sông Hà sông Lạc mà trí thức Hán tộc thâu lượm, nhuận sắc nâng cao lên... Rồi kinh Lễ cũng là sưu tầm chọn lọc những điều lễ nghĩa trong thiên hạ người Việt...Việc này làm nên nền văn minh cổ Trung Hoa. Như vậy, trong văn hóa Trung Hoa, sự đóng góp của Việt tộc nông nghiệp là phần chủ đạo, phần hồn phần cốt. Nhìn về thực chất, bên trong nền văn minh được đóng gói dán nhãn Trung Quốc chế tạo ấy lại là sản phẩm của Việt tộc.

 

Ý tưởng về nhân tố Việt là chủ đạo trong văn hóa Trung Hoa hơn 30 năm trước đã được học giả Kim Định nhiệt tâm trình bày trong loạt sách Triết lý An Vi  như Việt lý tố nguyên, Dịch kinh linh thể, Cơ cấu Việt Nho... của ông. Do lúc đó chưa biết con đường Bắc tiến của người Hòa Bình nên ông phải chứng minh khá vất vả về sự tồn tại của văn hóa Việt trên địa bàn Trung Nguyên. Khi bổ sung vào ý tưởng của ông phát kiến di truyền học hiện đại là con đường thiên di lên phía Bắc của người Việt cổ thì mọi chuyện trở nên hiển nhiên: người Việt phương Nam từng thiên cư lên, sống hàng vạn năm trên lưu vực Hoàng Hà thì cố nhiên họ là chủ nhân của những địa tầng văn hóa như Ngưỡng Thiều, Long Sơn hiện hữu nơi đó!

  

Những người Việt sống ở Trung Quốc làm nên phần cốt lõi của văn hóa Trung Hoa. Vậy còn người Việt tại miền Ngũ Lĩnh, Giao Chỉ để lại thành tựu riêng gì? Các sách cổ Trung Quốc như Giao Châu ký, Ngô lục địa lý chí, Nam phương thảo mộc trạng... đều ghi chép: "Dân Lạc Việt trồng lúa mà ăn, dùng lá trà làm thức uống."... " Nuôi tằm mà dệt vải..."; "Dùng đất sét đào sâu trong đất, thái mỏng, phơi khô làm thức ăn quý để đi hỏi vợ..."; "Dùng đá màu làm men gốm..."; "Dùng mu rùa mà bói việc tương lai..."; "Họ dùng một khúc tre dài chừng hơn một thước, một đầu có trụ cao làm tay cầm, có dây buộc vào trụ nối lại đàng kia làm đàn gọi là độc huyền cầm..."; "Họ đem tính tình các con vật mà so sánh với người, rồi họ truyền tụng rằng, ngày thứ nhất trời sinh con chuột, ngày thứ hai sinh con trâu, ngày thứ ba sinh con cọp (truyện thần thoại của người Dao, gốc tích của 12 con giáp). Họ biết tìm hiểu các thức ăn nóng mát (thuyết âm dương) để trị bệnh, dùng kim đâm vào da thịt lấy máu để trị bệnh, lấy đá hơ nóng áp vào da thịt để trị bệnh." Khi một môn đệ đi đến đất Việt, xin Đức Khổng tử chỉ dạy, Ngài nói: "Người Bách Việt miền Nam có lối sống, tiếng nói, phong tục, tập quán, thức ăn uống riêng..."; "dân Bách Việt chuyên làm ruộng lúa mà ăn, không như chúng ta trồng kê và lúa mì. Họ uống nước bằng thứ lá cây hái trong rừng gọi là trà." Sách Hậu Hán thư quyển 14 viết "Dân Giao Chỉ biết nhiều nghề thủ công, luyện đúc đồng và sắt..." Sách Cổ kim đồ thư chép: "Mã Viện tâu vua, Giao Chỉ ép mía làm đường phèn: Giao Chỉ có cây mía ngọt. Đem ép lấy nước rồi làm đường phèn." "Giao chỉ làm giấy mật hương: bằng lá và vỏ cây mật hương (cây dó) trồng ở Giao Chỉ, giấy mềm, dai, thơm, ngâm nước không bở không nát."(30)

 

Chúng ta biết, người Hán có gốc từ Mông Cổ du mục nên nhà làm theo hình tròn gọi là lều. Trong khi đó người Việt làm nhà sàn hình chữ nhật bằng tranh tre, có mái cong mà mô hình còn thấy trong mộ táng thuộc Văn hóa Đông Sơn 2000 năm TCN. Khi định cư ở Trung Nguyên, dân Hán đã theo mô thức nhà của người Việt.

   

Khi tìm thấy một số gạch có hoa văn, nhiều học giả Pháp cho đó là hàng nhập về để lát bàn thờ nhưng thực ra đó là gạch lát nền nhà của người Việt thời Lý Trần tìm thấy tại nhà của Hưng Đạo vương ở Vạn Kiếp và nay càng thấy nhiều trong khi khai quật Hoàng thành Thăng Long. Một thí dụ khá khôi hài là hơn 50 năm trước, khi Bảo tàng Istambul Thổ Nhĩ Kỳ trưng bày chiếc bình gốm Hoa Lam cổ (được bảo hiểm 1.000.000 USD) người Tàu và người Nhật đến xem có phải của họ không. Nhưng khi thấy ghi trên bình Thái Hòa bát niên...Bùi Thị Hi bút (niên hiệu Lê Thánh tông) người Tàu bèn nói: "Của một ông thầy Tàu qua rồi làm chơi"(!) Đến khi phát hiện ra lò gốm men lam Chu Đậu (Hải Dương) thế kỷ XV với rất nhiều hiện vật thì các "thầy" đành chào... thua một người đàn bà Việt Nam!

  

Từ nhận thức trên, có thể rút ra hai kết luận:

 

1/ Ít nhất từ 30.000 năm TCN, sau thời kỳ băng hà, người Bách Việt là chủ nhân miền đất ngày nay có tên là Trung Quốc. Cùng với việc biến cải nơi đây thành vùng nông nghiệp lúa nước, người Bách Việt đã xây dựng nền văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo.

 

2/ Nếu văn hóa Việt ở Trung Nguyên đạt được những thành tựu như vậy thì điều chắc chắn là văn hóa Việt tộc ở đất tổ, ở nơi gốc phát tích sẽ rực rỡ hơn. Cho dù bị hủy hoại không ít trong thời kỳ Bắc thuộc, nhất là ảnh hưởng suy đồi của Hán nho, Tống nho nhưng do sức sống nội tại, văn hóa tận nguồn đó vẫn được người dân Việt lưu giữ bảo tồn. Vấn đề của chúng ta là chọn lọc giữa những yếu tố lai tạp để tìm ra tinh hoa văn hóa cội nguồn của dân tộc. Trong việc này, tinh thần Việt nho giúp chúng ta như một định hướng.

  

    Tới đây, một vấn đề cần làm rõ là đánh giá vai trò người Hán đối với sự phát triển của khu vực.

      Vượt sông Hoàng Hà xuống phía Nam, tiếp thu mảnh đất rộng mênh mông, phì nhiêu với cư dân đông đúc và nông nghiệp, đồ đá đồ đồng phát triển, Hán tộc trong vai trò lãnh đão đã thực thi một chính sách khôn ngoan là nương theo nền nếp của người Việt, tổ chức xã hội cộng đồng dân chủ mà sau này lịch sử gọi là thời hoàng kim. Đặc điểm cơ bản của thời kỳ này là con người sống thân ái với nhau và hài hòa với thiên nhiên . Do nghề nông phát triển, lương thực dồi dào, xã hội có sự phân công ra nhiều ngành nghề khác nhau: nông, công, thương.  Sau đó tầng lớp sĩ ra đời và ngày càng có vai trò lớn hơn trong xã hội. Chữ viết Hỏa tự, chữ Khoa đẩu của người Việt dần được thay thế và chữ vuông tượng hình ra đời. Từ đây, những kinh nghiệm trong dân gian được tổng kết thành kinh điển, trước hết là kinh Thi rồi kinh Dịch... Sự việc như vậy điễn ra trong vòng 1500 năm TCN. Trên cở văn hóa Việt bản địa, người Hán đã bổ sung vào đó tinh túy của Hán tộc để đưa văn minh Trung Quốc lên thời kỳ phát triển rực rỡ. Văn hóa Trung Hoa là đứa con lai tốt đẹp giữa văn hóa Việt nông nghiệp và Hán du mục. Học giả W.G. Solheim II đã nhận xét:

 

"Đông Nam Á còn tiếp tục là một khu vực tiên tiến ở Viễn Đông cho đến khi Trung Quốc thay thế xung lực này vào nửa đầu thiên niên kỷ thứ 2 TCN, tức khoảng 1500 năm TCN."(bđd)

 

   Theo tôi, đấy là nhận xét thỏa đáng.

  

Chúng ta, người Lạc Việt, chủng người Bách Việt duy nhất do sự may mắn của số phận thoát khỏi qúa trình Hán hóa, có được cương thổ riêng, giữ được tiếng nói và huyết thống riêng. Trong khi tự hào về những thành tựu vĩ đại của tổ tiên trong quá khứ thì chúng ta cũng cảm ơn người Hán biết tôn trọng văn hóa của Bách Việt bản địa đồng thờ phát triển lên tầm cao mới. Nhờ đó nhiều yếu tố Việt của văn hóa tiền sử được bảo tồn, nâng cao, là thành quả văn hóa mà hai dân tộc chung hưởng hôm nay.

 

Biết được cội nguồn tổ tiên và cội nguồn văn hóa, chúng ta nắm được chiếc chìa khóa thần giải đáp rất nhiều vấn đề văn hóa nhân sinh từng làm đau đầu nhiều thế hệ Việt. Câu ca dao Công cha... nói trên là một ví dụ. Do thời gian quá lâu, người Việt không thể nhớ tổ gốc cũng như đất gốc phát tích của mình là Bắc Bộ Việt Nam mà chỉ có thể nhớ trong hoài niệm vị tổ xa là Toại Nhân làm ra lửa, sau đó là Phục Hy, Thần Nông và núi Thái sông Nguồn trở thành hoài niệm ám ảnh trong tâm linh những thế hệ Việt chạy về Nam... Cũng vậy, ta cắt nghĩa vì sao trên đất nước ta lại có nhiều địa danh "Tàu"?  Chính bởi vì khi khai phá lưu vực Hoàng Hà, cha ông chúng ta đã đặt cho đất ấy những tên như Hà Đông, Hà Tây, Hà Nam, Hà Nội... Khi trở về Nam, các vị  nhớ tới đất cũ mà đặt tên cho những nơi vừa khai phá. Không phải vay mượn mà cha ông ta lấy lại bản quyền của mình. Không chỉ thế, đó còn là tình cảm là tâm linh tưởng nhớ cội nguồn! Cũng từ cái chìa khóa thần ấy, ta dễ dàng giải thích vì sao người Việt luôn chống Tàu nhưng lại học hỏi và tôn trọng văn hóa Trung Hoa? Bởi lẽ cha ông ta minh triết: biết phân biệt giặc Tàu xâm lược với "văn hóa Tàu" vốn là văn hóa gốc của mình!

 

MỘT CÁCH ỨNG XỬ VĂN HÓA

 

 Sau hàng ngàn năm lội ngược thời gian tìm cội nguồn tổ tiên, cội nguồn văn hóa dân tộc, có lẽ hôm nay nhờ thành tựu mới của khoa học nhân loại, chúng ta đã có lời đáp rõ ràng, thuyết phục. Với nhận thức mới về nguồn cội thiết tưởng chúng ta cần có lối ứng xử văn hóa mới :

  

1/ Chúng ta có quyền tự hào chính đáng về tổ tiên đã làm nên những nền văn hóa rực rỡ trên đất Việt. Tổ tiên ta cũng là chủ nhân ông thứ nhất khai phá đất nước Trung Hoa và sáng tạo nên văn minh Việt tộc trên vùng đất mênh mông này. Người Việt có chủ quyền chính đáng với nền văn minh gốc Việt ấy.

 

 

2/ Về mặt huyết thống, từ bản đồ gene con người, chúng ta thấy mình càng gần gũi với các tộc người anh em sống trên đất nước. Không chỉ cùng tổ tiên với người Kinh mà các tộc người anh em lại là hậu duệ của tổ tiên bám trụ lâu dài trên đất nước và sáng tạo những nền văn hóa mà hôm nay chúng ta tự hào. Đối với các tộc người anh em chúng ta cần một thái độ biết ơn và trân trọng. Đối với người Hán trên lục địa Trung Hoa, ta thấy họ cũng là bà con của ta vì trong mỗi người ít nhiều đều có một phần dòng máu của tổ tiên ta từ thuở xa xưa.

 

3/ Hàng ngàn năm nay người Việt giữ cái nhìn kỳ thị dị chủng dị văn với những nước láng giềng như Lào, Miên, Thái Lan và nhất là những nước hải đảo Đông Nam Á. Đấy là sai lầm mang tính lịch sử vì chúng ta chưa nhận ra được cội nguồn gốc gác của mình. Nay, với những phát hiện mới của khoa học, chúng ta nhận lại các dân tộc Đông Nam Á là anh em bà con cùng nguồn cội với mình. Đấy chính là những bộ tộc Bách Việt sau thời kỳ khai phá đất Trung Hoa đã trở lại xứ sở xuất phát của mình xây dựng nên nhà nước ở Đông Nam Á. Việc Việt Nam gia nhập gia đình Đông Nam Á là bước đi đúng hướng để sửa chữa sai lầm trong quá khứ. Từ nay chúng ta có thêm nhận thức mới: Đông Nam Á với chúng ta không chỉ là khối liên minh chính trị kinh tế mà còn là cộng đồng có chung nguồn cội sâu xa về di truyền và văn hóa. Việt Nam sẽ phát triển và ổn định trong mối quan hệ bền vững với các nước anh em trong khu vực. Không những thế, người Việt ta cũng đồng bào với người New Guinea, thổ dân châu Uc cùng các tộc người bản địa châu Mỹ. Phải chăng câu tứ hải giai huynh đệ từ xa xưa đã bao hàm nội dung nhân bản này?

 

   3/ Hàng ngàn năm bên cạnh một cường quốc khổng lồ với nền văn hóa vĩ đại, cha ông ta luôn mang mặc cảm một quốc gia nhược tiểu, một dân tộc không có văn hóa gốc. Với nhận thức mới về nguồn cội, chúng ta tự giải phóng khỏi sự cầm tù của mặc cảm truyền kiếp đó, lấy lại niềm tự hào chính đáng: Dân tộc Lạc Việt là người duy nhất trong hệ Bách Việt còn tồn tại và kế tục sự nghiệp của một cha ông vĩ đại. Chính cha ông ta là người chủ đạo sáng tạo nên nền văn hóa rực rỡ mang tên văn minh Trung Hoa. Với nhận thức mới về cội nguồn, chúng ta mạnh dạn nhận lại văn minh Trung Hoa là của mình. Đấy là của chung mà cha ông ta ít nhất có phần hùn 51%. Việc sử dụng văn minh Trung Hoa trước đây vẫn bị coi là vọng ngoại là vay mượn thì từ nay ta sử dụng với tư cách chủ nhân có tác quyền hợp pháp.

 

4/ Từ nhận thức về cội nguồn tổ tiên, cội nguồn văn hóa, chúng ta xác định bản sắc văn hóa Việt nam: là truyền thống sống hòa đồng với thiên nhiên, tương thân tương ái với đồng loại, là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín... Có nghĩa là những yếu tố tốt đẹp nhất của Nho giáo-phần tinh hoa của văn hóa Việt tộc được tổng kết trong những kinh điển Nho giáo thời kỳ đầu. Học giả Kim Định gọi phần văn hóa Việt tộc này là Việt nho. Tôi cho rằng đó là tên gọi xác đáng cần được tiếp thu. Việt nho là văn hóa Việt khi chưa bị tầng lớp thống trị Hán tộc làm cho tha hóa trở thành Hán nho và Tống nho - công cụ đàn áp nhân dân, thủ tiêu dân chủ. Trong khi Nho giáo Trung Hoa bị suy đồi thì những yếu tố Việt nho vẫn tồn tại trong cộng đồng người Việt Nam như một truyền thống văn hóa tốt đẹp. Đáng tiếc là do nhận thức chưa đúng về nguồn cội nên chúng ta ngộ nhận cho tất cả đều là của Tàu nên chối bỏ. Cần khẳng định đó là văn hóa đặc hữu của người Việt và lấy làm tiêu chí để gạn bỏ yếu tố Hán và Tống nho bị xảm vào văn hóa Việt do chủ trương đồng hóa của kẻ xâm lược phương Bắc.

  

5/ Cho dù hôm nay đang đối mặt với những khó khăn chồng chất nhưng từ cội nguồn tổ tiên cội nguồn văn hóa chúng ta có lý do để tin tưởng rằng dân tộc ta sẽ có một tương lai sáng lạn. Việc của chúng ta là mỗi người trong khả năng của mình ngay từ bây giờ ra sức xây dựng tương lai đó!

   

Tôi hình dung ra, có thể cái tương lai phía trước chúng ta chính là thời Nghiêu Thuấn: con người thân thiện với thiên nhiên, sống với nhau hòa đồng thân ái, dân chủ, trên cơ sở nhân, nghĩa, lễ, trí, tín... Phải chăng chính đó là lý tưởng phương Đông mà phương Tây đương tìm đến?

*   

Lời cảm ơn: Người viết chân thành cảm ơn các tác giả có sách tham khảo trong bài viết này. Đặc biệt cảm ơn những tác giả người Việt ở nước ngoài: Ts Nguyễn Thị Thanh, GsTs. Nguyễn Văn Tuấn, các ông Cung Đình Thanh, Nguyễn Đức Hiệp, Nguyễn Quang Trọng. Ong Hoài Thanh báo Đại chúng cung cấp những tư liệu quý. Cảm ơn bạn tôi, Đỗ Thái Nguyên và Gs Ranjan Deka gửi cho bài viết mới nhất. Chính trí tuệ và thịnh tình của các vị đã soi sáng và động viên tôi hoàn thành bài viết. Một lần nữa xin chân thành cảm ơn.

Cuối năm Giáp Thân 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

   1. Ts Nguyễn Thị Thanh- Việt Nam trung tâm nông nghiệp lúa nước và công nghiệp đá xưa nhất thế giới - Việtcatholic 30.9. 2001.

    2. Vương Đồng Linh: Trung quốc dân tộc học & Chu Cốc Thành: Trung Quốc thông sử. Dẫn theo Kim Định: Cơ cấu Việt Nho. SG 1973 tr.244-245.

    3.  Kim Định: Việt lý tố nguyên (An Tiêm SG.1970.tr. 16)

    4. Kim Định: Việt lý tố nguyên tr. 24

    5. Nguyễn Đình Khoa: Nhân chủng học Đông Nam Á (ĐH&THCN.H.1983 tr 106)

    6. J.Y. Chu & đồng nghiệp: Genetic relationship of population in China. Proc. Natl. Acad. Sci.USA 1998 số 95 tr. 11763-11768.

   7. Bing Su & đồng nghiệp: Y-chromosome evidence for a northward migration of modern human into Eastern Asia during the last Ice Age. American Jurnal of Human Genetics 1999;65;1718-1724. Nhiễm sắc thể Y chỉ có ở con đực, bền vững và chứa nhiều thông tin di truyền hơn mtDNA. Qua Y-chromosome có thể truy tìm " dấu vết di cư" của nhóm dân, từ đó ước đoán được tuổi của tổ tiên. Mức độ biến thiên đa hình thái (polymorphic variation) là chỉ tiêu di truyền quan trọng đánh giá độ đa dạng sinh học của nhóm dân: tổ tiên có mức đa dạng sinh học lớn hơn con cháu.

8. W. Kim & đồng nghiệp : Y-chromosomal DNA variation in East Asia populations and its potential for inferring the peopling of Korea. Jurnal of Human Genetic.2000. số 45 Tr. 76-83.

9. S.W. Ballinger& đồng nghiệp: Southeast Asian mitochondrial DNA Analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migration. Genetic 1992 số 130 Tr.139-45

10. Jin Li: Ngày 29.9.1998 Li Jin thông báo một tin chấn động giới khoa học tại Washinton: " Công trình của chúng tôi cho thấy con người hiện đại trước hết đã đến Đông Nam Á sau đó đi lên Bắc Trung Hoa." "Từ Trung Đông men theo bờ An Độ Dương, ngang qua An Độ đến Đông Nam Á. Sau đó họ đi lên Bắc Trung Hoa, Siberia và cuối cùng là châu Mỹ." ["Our work shows that modern humans first came to Southeast Asia and then move late to Northern China." "...from Middle East, following the Indian Ocean coatline across India to Southeast Asia. Later, they moved northern China, Siberia and eventually the Americas"(Los Angeles Times  29.9.1998)].

11. Peter Savolainen, Ya ping Zhang... Genetic Evidence for an East Asia origin of Dometic Dogs. Science Nov 22 2002;

  - Jenifer A. leonard, Robert k. Wayne ... Ancient DNA Eviden for old world origin of new world Dogs. Science Nov 22 2002. (Dẫn theo Nguyễn Văn Tuấn: Năm Mùi nói chuyện dê. Giao Điểm Xuân 2003)

 12. Stephen Oppenheimer: Eden in the East: the Drowned Continent of Southeast Asia- Nxb Phoenix London 1998. Là bác sĩ nhi khoa sống 20 năm trên các đảo ngoài khơi Đông Nam Á, ông rất yêu vùng này, để công nghiên cứu và có những phát hiện quan trọng về lịch sử, văn hóa, dân tộc học... Công trình của ông được đánh giá cao.

13. Vũ Hữu San Vịnh Bắc Việt tái bản 2004. Tripod.com

14 Encyclope'dia d'Archeologie.

15&16 Nguyễn Thị Thanh bđd.

19. C. Sauer: Agricultural Origins and Dispersals. Newyork 1952     

20. W.G Solheim II: Southeast Asia and the West-Đông Nam Á và phương Tây- Science 157

21. Wilheim G. Solheim H. Ph. D: New light on Forgotten Past. National Geographic Vol 1339 n 3 tháng 3 năm 1971. 

22 Nguyễn Đăng Thục: 4000 năm văn hiến. Hoadam.net

23 Bowen, Hui Li, Daru Lu & đồng nghiệp: Genetic evidence supports demic diffusion of Han culture. Nature /vol 431/ 16 September 2004

24. Kim Định: Việt lý tố nguyên  tr 62-63

25 . Đại Việt sử ký toàn thư.

26. Ngô Thì Sỹ. Việt sử tiêu án. Văn sử tái bản năn 1991. Bản điện tử Lê Bắc tr 10..

27. Sử ký Tư Mã Thiên Nxb Văn học H.1988 tr.743.

28. Phủ Biên tạp lục Nxb KHXH. H. 1977 tr 31

29 . Nguyễn Thị Thanh bđd.    

 

Hà văn Thùy
Số lần đọc: 6738
Ngày đăng: 29.12.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quan điểm NHÂN HỌC - Emily A. Schultz và Robert H. Lavenda
Nhân học văn hóa,một và nhiều - Nicolas Journet
Những quan điểm lý thuyết trong nhân học về vấn đề dân tộc - Phan Ngọc Chiến
Những khía cạnh học thuật trong vấn đề xác định thành phần dân tộc tại Việt Nam - Phan Ngọc Chiến
Nghề ăn ong trong rừng U Minh - Nguyễn Trọng Tín
Về một hướng nghiên cứu văn hóa Việt Nam - Hồ Liên
Tâm hồn Việt trong mâm cỗ ngày xuân - Khuyết danh
Bàn thiên Nam bộ - Nguyễn Văn Hoa
Chợ Vàm Cống xưa - Bình Tam Lê
Tính cách con người Nam bộ qua trang văn của các tác giả ĐBSCL - Thu Trang
Cùng một tác giả
Xứ ra ghe (truyện ngắn)
Nước Mắt Bỏng (truyện ngắn)