Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
817
116.633.232
 
Cánh đồng bất tận cuộc đời bất tận
Hà văn Thùy

Đọc Cánh đồng bất tận rồi đọc Những quả mìn ý tưởng phát nổ* tôi càng thấy cái mông lung khôn cùng của văn chương. Viết văn đã khó mà đọc văn nào có dễ gì ! Quả là Văn chương tự cổ vô bằng cớ ! Nhưng chính cái không bằng cớ này nhiều khi làm nên vẻ hấp dẫn của văn chương... Tuy vậy, trong vô số điểm rơi của con lắc trên mặt phẳng cũng có một điểm chia đôi mặt phẳng ấy. Trong hàng trăm cách giải mã một cuốn sách, người ta cũng nhận ra cách lý giải khả dĩ hơn. Điều này phụ thuộc vào sự học, vào bề dầy văn hóa với sự từng trải của từng người… Phải hai mươi năm cùng với sự lưu đày, Hàn Dũ mới biết được thế nào là  Minh nguyệt sơn đầu khiếu !

  

Tôi mạo muội thử đưa ra cách cảm của mình.

   

Không thể hiểu Cánh đồng bất tận nếu không hiểu miền Tây Nam Bộ. Nhưng miền Tây Nam Bộ là gì ? Trước hết, là đất lưu đầy, là nơi các chúa Nguyễn đày ải tội đồ. Tiếp đó là nơi đến của những kẻ cùng đinh trốn xâu lậu thuế. Rồi những người ham làm giàu, không nề mạo hiểm muốn thử vận may trên vùng đất mới… Anh hùng nghĩa khí có nhưng cũng không ít những kẻ bần cùng cố thây chung đụng trong xã hội không luật pháp. Dần dần, cùng năm tháng, những nhóm dân vỡ đất lập ấp sống quần tụ thành làng xã. Những dòng họ cùng những vùng đất cố cựu hình thành, là căn cốt của nền văn minh Nam Bộ. Tuy vậy vẫn có những người vì không chịu sự đè nén của chức sắc làng xã, hoặc vì làm bậy không thể sống cùng bà con xóm ấp, đã đạp nhà, đá nhà bỏ xứ lên xuồng dông đến nơi vô định… Có thời, vì cái nhìn giai cấp lệch lạc, văn chương đã một chiều ngợi ca chất giang hồ ấy. Thấy rõ là vô lý nhưng tôi ngậm miệng, vì nhiều lẽ mà một trong đó bởi mình là dân Bắc Kỳ ! Nhưng rồi, một ngày nào đó giữa U Minh, có một người U Minh nhất, ông Mười Đởm, đại tá công an, anh hùng lưc lượng vũ trang, giám thị trưởng trai giam Kênh 7, nói với tôi: "Mấy anh ngoải cứ hay ca ngợi một chiều dân U Minh trọng nghĩa khinh tài. Cái đó có nhưng không đủ, còn chất lưu manh phản trắc U Minh nữa ! Cái chất của những người trốn xâu lậu thuế khi xưa. Phần lớn dân U Minh sông bám vô rừng. Có những dòng họ từ đời ông đến đời cháu nối nhau ăn cắp rừng. Họ không ngán làm xấu vì ít bị ràng buộc về dòng tộc. Khi thấy không ở được, họ đạp nhà rồi dông xuồng ra đi. Dưới góc độ tội phạm học, tình trạng như vậy là rất khó khăn. Dân U Minh còn dốt nữa. Xem khắp xứ có được mấy mặt kỹ sư bác sĩ ? Tôi thách cả xứ này ai có được tay nghề thợ mộc như tôi ? Bây giờ ư ? Họ không thèm đi làm mướn nữa. Đàn bà tụ nhau đánh bài, còn đàn ông gây sòng nhậu rượu đế cóc ổi rồi vào ăn cắp của rừng hoặc ngồi chờ cứu trợ… Nói cho đúng cả tốt cả xấu mới mong cải tạo được dân trí U Minh."

 

Cho đến thiên niên kỷ thứ 3 này, miền Tây vẫn chưa hết những kiếp lưu dân. Mùa lũ năm 1978, giữa mênh mông nước Tứ giác Long Xuyên, nhìn những gia đình với cặp vợ chồng, hai ba đứa trẻ, con chó phèn, mấy tay lưới bén, vài chục bẫy chuột, cái đinh ba cùng chiếc xuồng cũ kỹ lang thang trên mặt nước, tôi như nhìn thấy nhỡn tiền những nhân vật của Sơn Nam mấy chục năm trước. Còn hôm nay, không thiếu những gia đình vì hoạn nạn, vì đề đóm, vì siêng ăn biếng làm… cầm cố mảnh đất cuối cùng cách mạng cấp cho để bước vào cuộc đời lang bạt. Cái gia đình du cư theo bầy vịt được mô tả trong Cánh đồng bất tận chỉ là một trong nhiều kiếp sống lưu đày. Họ tiếp tục sống trong tự nhiên hoang dã, sống bên ngoài xã hội của loài người văn minh, ngoài pháp luật. Chính trong điều kiện sống như vậy, trong huyết quản họ hình như vẫn chảy dòng máu lưu dân xưa.

 

Có một câu ca Nam Bộ mà khi mới gặp khiến tôi ngỡ ngàng: Ra đường gặp vịt cũng lùa, gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu. Phải chăng đó là sự vô tâm nông nổi của con người sống giữa thiên nhiên hoang dã ? Phải chăng đó là những nét của tính cách lưu dân mà khoa dân tộc học còn phải bỏ nhiều công sức tìm hiểu. Nhưng có một điều chắc chắn là với năm tháng, cùng gạo trắng cá tươi Nam Bộ nuôi tôi, tôi bắt đầu thuộc cái chất người Nam Bộ ấy.

  

Hình như tôi đã gặp đâu đó những con người mang tính cách của người cha trong Cánh đồng bất tận. Những người hồn hậu, thiện lương, thương nguyên con, yêu hết mình vì thế không chịu nổi bất cứ sự bội phản nào. Khi bị phản bội, chất cực đoan ẩn sâu trong máu lồng lên như nòi ngựa hoang khiến anh  ta bất chấp tất cả, kể cả làm xấu làm ác. Người cha trong truyện, so với nhiều trường hợp khác, còn tỏ ra khá lương thiện. Ông ta chỉ trả thù lũ đàn bà phản bội. Cách trả thù của ông ta cũng rất Nam Bộ. Vị thông thái nào đó nói: "Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn."  Trong truyện là bữa tiệc ê hề những chi tiết không ai bịa đặt nổi, thể hiện cách ứng xử của người cha, từ cách ông ta trở về khi nghe tin vợ trốn đến cách ông ta lừa tình, cách trả tiền sòng phẳng

 

… Tất cả là riêng của ông ta và của riêng Nam Bộ. Nếu thành công lớn nhất của văn học là dựng được nhân vật thì rõ ràng là ở đây, người cha in được dấu ấn riêng của mình trong lòng người đọc. Ta cũng thấy rằng, tuy còn trẻ nhưng Ngọc Tư đã cứng tay đẩy nhân vật này tới sát ván số phận: Sau khi đứa con trai bỏ đi, ông ta thân tàn lực kiệt chỉ còn lại con vịt mù và đau đớn bất lực nhìn con gái bị bề hội đồng !

  

Nhưng có lẽ chị là nhân vật đậm đà hơn cả. Tác giả Lê Anh Hoài cho rằng Nguyễn Ngọc Tư cũng cổ xúy cho tình dục qua nhân vật này. Tôi nghĩ nói vậy thì oan cho tác giả và cũng oan cho nhân vật. Tuy tác giả không nói nhưng ta có thể đoán ra chị vốn sinh trong gia đình nông dân nghèo. Nếu chịu cực, sống tằn tiện và may mắn có người chồng tốt, chị sẽ yên phận như rất nhiều Má Tư, Dì Bảy ta từng gặp. Nhưng vì đua đòi ăn diện, chị cũng như người mẹ trong truyện, bị lừa tình rồi ra thành phố hay sang Campuchia bán thân. Sau bao chìm nổi thì lá rụng về cội, trở lại xứ dựng quán bán hàng… Để hiện sinh, để sống được, chị làm tất cả: thiện lương đoan chính đấy mà điếm đàng cũng ngay đấy ! Được người cha cứu thoát trận đòn hội chợ, chị hy vọng tìm được bến cắm đậu con xuồng lênh đênh của mình. Trong cái lều vịt mà chị tấp vào một cách bất ngờ, chị thể hiện những bản năng đáng quý của người phụ nữ, của người vợ với hy vọng vào hạnh phúc mới. Chính điều này khiến chị chấp nhận mọi chuyện, mà việc lấy thân mình giải cứu đàn vịt là giọt cuối cùng làm tràn ly nước. Đấy là một phép thử khắc nghiệt. Sau phép thử ấy, việc chị bỏ đi là phải lẽ.  Có một câu thơ trong Truyện Kiều gần với chị: Thân lươn bao quản lấm đầu! Một con người quá lấm láp trong hoàn cảnh nghiệt ngã như vậy không thể sống khác: ít suy nghĩ thôi, vô tư đi, miễn sao sống được đã ! Mà sống là gì ? Ăn không thật quan trọng nhưng phải mặc đẹp và làm tình. Đấy chính là bổn tính phồn thực của người Việt từ xa xưa mà ta gặp lại nơi miền hoang dã. Ra đường gặp vịt cũng lùa… Hình như thân phận chị cũng còn được gói trong câu ca định mệnh đó ! Người mẹ trong truyện là một vợ nhặt nhưng rồi vì ham cái màu hường màu tía phù phiếm của mảnh lụa mà theo trai. Ai dám bảo đảm rằng nhân vật chị sẽ không đi theo cái bóng nào khác nếu được người cha cưu mang ? Cũng ai dám bảo rằng người mẹ không bị lừa tình một lần nữa để trở thành con người cầu bất cầu bơ như chị ? Chính vì vậy, hành động lừa tình của người cha không phải không có nguyên cớ sâu xa ! Bi kịch ở đây là những con người nông nổi, ham hưởng thụ, mang cặp mắt ngưỡng thiên, luôn nhìn lên cao, không biết tự bằng lòng với những gì đang có ! Nhưng biết làm sao được, đó cũng là hậu quả tất yếu của lối sống lưu dân phiêu bạt từ xa xưa. Có một điều, tôi trộm nghĩ, không biết nói ra có tiện không, là với cộng đồng dân cư trong Cánh đồng bất tận hình như không có khái niệm hoàn lương ! Làm điếm mệt rồi nghỉ. Khi thất cơ lơ vận, làm điếm tiếp ! Cộng đồng có thể xì xèo bàn tán nhưng ngoài mặt không hề khinh khi. Có lẽ chính vì vậy, người ta mới sống được ?

   

Tác giả Lê Anh Hoài dẫn mặc cảm Ơđip ra để nói hành động của người con trai không hợp lý. Tôi cho rằng không phải vậy. Nhân vật Điền không thể thù hận đến giết cha vì cậu ta là chú bé hoang dã, chữ cả nhà gom lại không đầy lá mít, không biết đến những tiểu thuyết hay phim bạo lực. Mặc khác, cậu ta không có lý do để làm vậy. Cha không phải người tranh đoạt tình nhân của cậu.  Cậu ta thù ghét cha vì cha không yêu người đàn bà đã hút hồn cậu. Lý do đó không đủ làm nên bi kịch Ơđip. Còn việc cậu gồng mình lãnh đạm với tình dục thì đó hoàn toàn chỉ là phản ứng của đứa trẻ thiếu kinh nghiệm. Nhưng đó là sự nén khí của nồi hơi : Không sớm thì muộn sẽ phát nổ. Cậu trốn theo người đàn bà là một giải thoát.

  

Khác với Lê Anh Hoài, tôi cho rằng, trong bối cảnh của câu truyện, nhân vật Tôi khá bình thản trước tai họa giáng xuống mình là hợp lý. Một cô gái không nhà cửa, không nơi nương tựa trong cái gia đình tứ cố vô thân sống giữa nơi hoang dã như vậy hẳn đã chứng kiến bao số phận bị dập vùi. Cái tàn bạo của cuộc đời đến với cô từ từ theo năm tháng và cuối cùng cô lãnh nó như hậu quả hiển nhiên, như tai họa được báo trước. Với cộng đồng người trong truyện, chữ trinh dường như là khái niệm xa xỉ ! Mọi nỗi đau thuộc về tinh thần, danh dự chỉ có ý nghĩa trong sự so sánh nào đó. Trong một biển cả những kẻ vô danh khốn cùng thì nỗi đau bị hãm của cô gái là vô nghĩa, cũng giống như trò chơi ác trong hành động đổ keo dán sắt vào cửa mình đàn bà. Nếu lúc này mà nhân vật Tôi cương lên đau đớn phẫn nộ thì mới là sến giống như thằng Tây bị bắn trước khi chết vùng dậy hát sáu câu… Cuộc sống vẫn ở trước mặt, vẫn phải hy vọng, kể cả cái hy vọng hão huyền hát thành Lý Ngựa ô : Anh đưa nàng về dinh! Không còn hy vọng thì làm sao sống nổi. Nguyễn Ngọc Tư nhân ái không nỡ tước đi của nhân vật mình cái duy nhất họ có thể có là hy vọng !

    

Về bút pháp, Nguyễn Ngoc Tư không gài ý tưởng như những quả mìn để bẫy người đọc. Cô chỉ kể những chuyện thực, với con người, tình tiết thực bằng ngôn ngữ riêng U Minh. Nhưng do chọn lọc nắm bắt được những chi tiết điển hình trong hoàn cảnh điển hình, văn chương của cô đạt tới sức khái quát sâu xa. Hay cũng có thể nói, ý tưởng đã được nhào trộn với chi tiết tài tình đến độ ta không còn nhận ra sự sắp đặt mà chỉ thấy con người hiện sinh trong cuộc sống vốn có của mình.

    

Trong ý nghĩa nào đó thì Cánh đồng bất tận cũng chính là cuộc đời bất tận nơi cùng trời cuối đất. Đấy là cái rốn của đói nghèo tăm tối. Còn nhớ trong một bút ký tôi đã viết: " Hàng trăm năm nay các đô thị đã khai thác U Minh theo lối bóc lột thuộc địa… Một ngày nào đó, để trả thù, hàng vạn người dân U Minh sẽ mang áo rách nón bàng kéo về thành phố trong cuộc thị uy của những kiếp đọa đầy. Lúc đó đám thị dân liệu có yên ổn mà hưởng thụ ? "  Hình như cái ngày định mệnh ấy đang đến. Đất nước khởi sắc nhưng chưa bao giờ cái vực sâu giữa giầu sang tột cùng và nghèo đói tột cùng lại hiện lên ghê gớm như bây giờ ! Thiên nhiên hoang sơ không còn, người lưu dân hiện đại như những con thú rừng bị mất hết đất sống càng sa vào hoàn cảnh cùng cực. Bi kịch của người dân U Minh hôm nay cũng là  bi kịch của đồng bào thiểu số Tây Nguyên, Tây Bắc, những người bị đẩy ra ngoài lề trong cuộc chuyển mình khởi sắc của đất nước.

  

Có người cho rằng kết thúc của câu chuyện là môtip giáo điều theo kiểu hiện thực có cánh. Suy nghĩ đó không phải vô lý vì kiểu cách như vậy từ lâu đã thành ma quỷ ám vào mỗi trang văn. Nhưng ở đây kết thúc như vậy  là hợp lý. Có người cho rằng, Ngọc Tư nói xấu chế độ. Cố nhiên trước đây ít năm, truyện của cô không thể trình làng. Nhưng rõ ràng Ngọc Tư chỉ phản ánh một mảng hiện thực cuộc sống từng bị khuất lấp. Không phải lỗi của ai cả mà đấy là thân phận của một vùng đất và những con người. Cách mạng đã làm nhiều nhưng đổi được đời những con người này là một việc dường như quá sức ! Tả cuộc sống dưới đáy nhưng mỗi nhân vật đều ẩn chứa ít nhiều nhân tính gợi nơi ta lòng thương cảm. Đó chính là cái chất nhân ái trong văn Ngọc Tư. Đưa ra ánh sáng thực trạng như vậy khiến cho trái tim chúng ta không thể vô cảm mà biết đau, đó là công lớn của nhà văn trẻ.  Người xưa nói văn chở đạo. Trong cái xuồng ba lá nho nhỏ của Nguyễn Ngọc Tư, dung lượng đạo khá đầy. Với tôi, Cánh đồng bầt tận là một kiệt tác.

 

Sài Gòn, Xuân Nhâm Tuất.

 

* Lê Anh Hoài . Talawas 10.1.2006

Hà văn Thùy
Số lần đọc: 6475
Ngày đăng: 23.01.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thơ đồng bằng sông cửu long - Hà văn Thùy
Con nhền nhện bị vướng trong tấm lưới của mình - Hà văn Thùy
Trần Hữu Dũng: Gã Nam Bộ làm thơ - Từ Nguyên Thạch
Giang hồ muôn nẻo đều linh : Đọc thơ Linh Phương. - Phạm Lưu Vũ
Trang Văn hóa Văn nghệ của các báo Chính trị Xã hội : CẦN DÀNH VỊ TRÍ TRANG TRỌNG CHO VĂN HỌC - Triệu Xuân
“Chân dung ảo ” khi thơ nhìn nghiêng - Hoàng Công Tâm
Nhân đọc seri tiểu thuyết của Nguyễn Huy Thiêp :Thưa chuyện đàn anh (1) - Lê Anh Thu
Thưa chuyện đàn anh (2) - Lê Anh Thu
TẾ HANH: Từ QUÊ HƯƠNG đến... Nhớ Con Sông Quê Hương... - Lê Xuân Quang
Đi tìm VẺ ĐẸP của CA DAO DÂN CA - Hồ Tĩnh Tâm
Cùng một tác giả
Xứ ra ghe (truyện ngắn)
Nước Mắt Bỏng (truyện ngắn)