Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
747
116.708.107
 
Làng tôi mang cái tên nhức buốt
Trần Nhương

Trích thư của Nhà Văn Trần Nhương : Tùy bút tôi gửi các anh là viết về chính cái làng tôi sinh ra, bây giờ gọi là làng Ung thư, chỉ cách núi Tổ Đền Hùng có dăm cây số.SCL

 

Làng Việt bao đời nay đã làm nên nỗi nhớ cho các thế hệ con dân dù họ có đi góc bể chân mây nào. Cái tên làng nói lên cốt cách, hồn cốt của nó chẳng cần mỹ tự mà vẫn nhập tâm vĩnh cửu cả ngàn đời. Một làng Hoa, một làng Cốm, một làng Vòng, một làng Sốm, một làng Canh, một làng Diễn…vẫn cho ta một cảm giác đầm ấm, chân thật và thương mến hơn nhiều những tên Minh Khai, Tân Tiến, Quyết Thắng, Hoà Bình…Chẳng biết tự bao giờ người ta vứt cái tên cũ chân quê để đặt cho làng xã những cái tên lạnh tanh, vô hồn như một khẩu hiệu xuông.

 

May thay làng tôi vẫn là làng Sỏi. Trong kháng chiến chống Pháp vì sáp nhập với làng Chu Hoá nên tên xã là Cao Thắng. Rồi sau này làng nào lại về làng ấy thì tên Thạch Sơn ( huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ ) trở về cho đến tận bây giờ. Thạch Sơn là núi đá, làng tôi đá chen đá nhưng là đá cuội, có hòn to như cái thúng nằm lổn nhổn trong vườn, nằm sâu trong đất. Những con đường làng thì dọn đá to sang hai bên, chỉ còn sỏi nhỏ như lối đi trong công viên bây giờ. Sáng sáng bước chân người, bước chân trâu ra đồng làm cho những con đường sỏi vang lên những âm thanh khúc khích như tiếng cười con trẻ .

 

Cái tên làng Sỏi đã vào câu hát dân gian không biết tự khi nào, chỉ biết khi tôi biết nói thì bố tôi đã dạy : Thạch Sơn nhiều đá Thạch Sơn sỏi / Xuân Lũng lắm ổi Xuân Lũng ương. Hai đặc điểm của hai làng làm nên hai cốt cách, chơi chữ dân gian mà tao nhã, khá chỉnh như một câu đối. Làng tôi cũng “ sỏi “ thật. Hồi giặc Cờ đen đánh vào làng, các bậc bô lão, trai tráng trong làng rải sỏi cuội ra đường. Bọn giặc đi xà cạp, đi giày giẫm lên sỏi trượt chân ngã bổ nhoài , thế là từ các bụi rậm dân làng ùa ra tóm gọn. Sau này khi quân Pháp ngay cạnh nách ở Trung Hà, Hưng Hoá mà làng tôi vẫn bám trụ, vẫn là vùng tự do. Cách một cánh đồng là làng Xuân Lũng. Đúng là lắm ổi thật, nhưng ương là tư chất, bản ngã của nơi ấy. Xuân Lũng là đất học, quan nghè, quan phủ, thày giáo rất nhiều không thể dễ bảo như người vô học. Bây giờ Xuân Lũng là làng đứng đầu Phú Thọ về số người có học vị, học hàm. Riêng nhà văn - đồng nghiệp của tôi- cũng có tới 4 người, đó là Trung Đức, Nguyễn Thái Vận, Minh Thông, Nguyễn Văn Toại.Làng Sỏi chỉ có tôi và Phạm Tiến Duật là hội viên Hội Nhà văn.

 

Làng Sỏi của tôi xưa kia là một làng trù phú, giầu có và nền nếp kỷ cương. Đình làng tôi to nhất vùng, toạ lạc trên đồi nhìn xuống một đầm sen bát ngát. Trước đình một cây gạo to , cứ tháng ba về hoa đỏ lập loè như ngàn nén hương dâng lên Thành hoàng linh thiêng. Chùa làng tôi có hai ông Hộ pháp to đến nỗi đến bây giờ tôi chưa thấy ngôi chùa nào có được. Làng là một quả đồi to quay về phía Đền Hùng. Từ giữa làng các con đường thoai thoải dẫn ra sáu cổng làng xây bằng đá ong hoặc gạch bề thế và uy nghi chẳng kém dinh thự đất Hà thành. Nhưng rồi chiến tranh và con người đã biến làng tôi sơ xác, chẳng còn giữ lại được một dấu tích gì đáng kể. Bê tông hâm nóng cộng với khói bụi công nghiệp đã làm nên sự oi bức tức thở.

 

Tôi còn nhớ vào những năm 1957, 1958 gì đó nhà máy Suppe phốt phát Lâm Thao được Liên xô giúp đỡ xây dựng trên đất làng tôi và làng Cao Mại. Lũ nhóc con chúng tôi vui lắm, ô tô, máy xúc nườm nượp cày tung những nương sắn xanh rờn để lấy mặt bằng. Lũ chăn trâu chúng tôi chỉ tiếc mất cái ao mà hàng ngày chúng tôi lăn ngụp. Các bạn có thể tưởng tượng được không, một cái ao bên cạnh nương sắn trên đồi mà không bao giờ cạn. Về mùa hè làn nước trên bề mặt nóng ran, nhưng chỉ cần lặn xuống 50 phân nước là lạnh như chui vào tủ đá. Trên cánh đồng làng tôi một con đường sắt chườn ườn, cái lưng cong quay về phía làng tôi. Hàng ngày tầu chở apatít từ Lào Cai đến ga Tiên Kiên rồi ngoặt qua làng tôi vào nhà máy. Tiếng bánh sắt nghiến trên đường ray gây nên làn sóng đất rùng rùng như địa chấn. Ông nội tôi vốn có hiểu biết về phong thuỷ, lúc ấy đã gần chín mươi tuổi nói với lũ con cháu chúng tôi : Con đường sắt nó cong lưng vào mặt làng ta thế kia thì làng ta có khi suy vi các con ạ “. Tôi còn bé chả biết mô tê gì, chỉ vui sướng với bao nhiêu máy móc, hàng quán và nhất là những đêm chiếu bóng ngoài bãi công nhân.

 

Rồi mười năm sau, mười lăm năm sau, làng Sỏi quê tôi như một người có bệnh rụng tóc. Vườn cọ, cây cổ thụ, rừng rậm dần dần bị chặt, bị chết. Làng trơ ra lộ thiên mái ngói, mái tranh dưới nắng. Ống khói nhà máy Súppe ngun ngút phả ra rồi được gió đẩy tạt vào làng, lá cây bị táp như có lửa đốt. Nhìn tầu lá chuối trắng bệch vắt kiệt diệp lục vẫn bám vào thân cây nuối tiếc những ngày non tơ, mà đau thắt lòng. Đầm sen như một lẵng hoa của làng ngày nào bây giờ đã cạn, sen chết khô, xỉ than, xỉ quặng lấp gần kín đầm. Dòng nước thải từ nhà máy theo dòng mương chảy qua cánh đồng Nhà Căng, Cầu Lối vàng quạch, nhuộm những ngọn cỏ tong teo một lớp sáp vàng vàng như gỉ sắt. Chắng còn một sinh vật nào sống được kể cả những con cung quăng, nhện nước. Vào những ngày ẩm trời hay mưa phùn là những ngày kinh hãi của dân làng. Khói nhà máy không bốc được lên cao, tạt xuống len lỏi vào từng nhà, vào từng lá phổi mỗi người gây lên ngạt thở. Anh trai tôi mới ngoài 60 mươi đã toi tóp như cụ già 80, ho sù sụ. Thế rồi chỉ mới được 65 tuổi trời anh tôi đã đi xa mãi mãi. Ngày ấy bác sỹ Lộc – thày thuốc làng – chưa kịp thống kê và gia đình chúng tôi cũng không xét nghiệm nên không biết anh tôi có bị ung thư không. Nhưng có điều chắc chắn cái làn khói độc ác kia đã kéo anh tôi đi quá sớm. Vào những năm 80 lãnh đạo xã học tập ở đâu mà tổ chức lại sản xuất, đưa ra chủ trương dồn dân từ những quả đồi ngoài làng (cách xa nhà máy) về ở trong làng đẻ lấy đất trồng sắn. Thế là đưa dân từ vùng ít độc hại về ở nơi nhiều độc hại. Anh cả tôi một thày thuốc ưu tú, viện phó Viện Y học cổ truyền quân đội nhiều lần nói với lãnh đạo xã là nên đưa dân ra các quả đồi, càng xa nhà máy càng tốt. Nhưng không ai nghe. Và quả đồi xa nhà máy nhất lại dành cho nghĩa trang !

 

Đến bây giờ, hơn bốn mươi năm trôi qua làng Sỏi quê tôi đã ngấm độc. Các đoàn khoa học của Bộ Tài nguyên-Môi trường đã làm nhiều xét nghiệm cho thấy từ con cá, lá rau đều nhiễm độc với mức độ cao hơn quy định. Mà có khi ngay cả những hòn cuội cũng không tránh khỏi chất độc.

 

Điều đáng buồn là từ nhiêu năm trước các đoàn khoa học với những giáo sư danh tiếng về làng tôi đo đếm, xét nghiệm rồi trở về Hà Nội mà không có một tiếng nói nào cảnh báo. Tôi nhớ không nhầm thì Đài truyền hình Việt Nam cũng đã về quay, hình như là anh Trần Bình Minh ( khi ấy anh chưa là Phó TBT ) đã đưa ra một số số liệu báo động về ô nhiễm môi trường quê tôi. Nhưng lạ lùng là không ai động tĩnh gì, kể cả nhà máy liền kề hàng ngày xả khói vào làng tôi. Tất cả vô can. Đất nước mình lạ thế, vì lợi ích cục bộ họ có thể coi thường sinh mạng con dân. Người nhà nên thế nào cũng được đóng cửa bảo nhau, còn thằng Mỹ nó rải chất độc màu da cam thì phải kiện cho nó sặc gạch ! Chỉ đến năm 2005, tức là sau hơn 40 năm nhờ con số thống kê của bác sỹ làng cho thấy có tới hơn 100 người chết về bệnh ung thư thì các nhà báo mới giúp dân kêu lên khẩn thiết. Cũng may, nhờ vậy mà làng tôi mới được các ngành liên quan đổ về tìm cách cứu giúp. Thủ tướng chỉ thị phải cấp nước sạch cho dân nhưng còn chờ xem bao giờ dòng nước mới bò về làng.

 

Không biết nhà báo nào rút tít gọi làng Sỏi ( xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ ) quê tôi là làng ung thư để bây giờ cả nước gọi làng tôi bằng cái tên sa sót ấy. Dân làng tôi đi bán rau, bán gạo, bán thịt đều bị dân quanh vùng không mua, họ quay đi còn buông một câu rợn người : “ Không mua thứ ấy của làng ung thư !”

 

Tôi định cư ở Hà Nội nhưng làng Sỏi vẫn luôn luôn xanh mát trong lòng mình. Làng Sỏi như dòng sông chở nặng phù sa làm nên mùa vàng cho những đứa con xa. Làng Sỏi ngày xưa ở đâu rồi để bây giờ một làng Sỏi khô khốc, trắng phơ như người già trước tuổi. Làng Sỏi với những căn bệnh ung thư quái ác đã cướp đi bao sinh mệnh và còn bao nhiêu người còn đang ủ bệnh ! Làng Sỏi của tôi không chia ra nhập lại mà cái tên vang lên một thời : Thạch Sơn lắm đá Thạch sơn Sỏi đã được thay bằng cái tên đau sót Làng Ung thư. Tôi cầu mong cái tên làng oan nghiệt kia sẽ không ai gọi nữa để cái tên dân dã yêu thương làng Sỏi lại về.

 

Bất chợt tôi cứ nghĩ tới câu nói của ông nội tôi ngày nào. Tuy có vẻ mê tín nhưng hình như cũng là linh cảm, tiên tri. Có lẽ ngày ấy cụ tôi đã chỉ mặt vạch tên “ kẻ thù “ của làng còn đang giấu mặt.

                                                                                      

5-3-2006

Trần Nhương
Số lần đọc: 3176
Ngày đăng: 02.07.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nốt thăng - Nguyễn Huỳnh Sa
Con cà con kê - Hồ Tĩnh Tâm
Những cơn mơ xuyên Việt - Lê Vĩnh Tài
Ngày xưa viết báo học trò - Nguyễn Thanh Mừng
Ai xui con sáo - Phan Thành Minh
Hoài Ân,tấc đất ngọn rau.... - Nguyễn Thanh Mừng
Dấu ấn khoai lang - Võ Ðắc Danh
Đông tay thi vỗ ...không kêu - Lê Duy
Phố bàng - Hoàng Hùng Hà
Học... Nghỉ hè - Lê Duy