Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
610
116.721.366
 
“Đá nung” ở Đôn Châu
Nắng Xuân

Người ấp La Bang Chùa, xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, ai cũng tấm tắc ngợi khen gia đình anh Thạch Chụm. Có thể nói đây là một tấm gương vượt khó, đi lên từ chính đôi bàn tay cần cù và lòng quyết tâm phấn đấu của một thanh niên người dân tộc ít người ở một xã khó khăn của một huyện thuộc diện nghèo nhất tỉnh Trà Vinh. Ngồi trước mặt tôi là một nông dân có nước da sậm nâu đặc trưng của người Khơ-me Nam bộ và đồng ruộng miền Tây. Mới nhìn, khó đoán ra được tuổi thật của anh. Sau này, qua câu chuyện mới biết anh sinh năm 1953.

 

Sau khi xây dựng gia đình, anh cùng vợ là chị Phạm Thị Tai, phải sống khá chật vật bằng đồng lương giáo viên cấp I (nay là phổ thông cơ sở) ít ỏi. Ra riêng anh chị chỉ có căn nhà tre, năm trăm ngàn đồng vốn dắt lưng và năm công đất lá. Năm 1977, cô công chúa đầu lòng ra đời và đến năm 1980, lại thêm một hoàng tử nữa. Khó khăn lại chồng thêm khó khăn khi nhà có thêm mấy miệng ăn. Chị Tai phải tảo tần mua bán thêm mà cái nghèo vẫn dai dẳng không chịu rời xa. Khi được hỏi, không biết chữ, việc bán buôn có gì trở ngại không, chị cười xởi lởi: ”Dựa vào trí nhớ thôi, chú à. Ai mua gì, bán gì, thiếu đủ nhiêu,… đều nhét hết vô đầu”. Chị cười rất hồn nhiên, nhìn như trẻ hơn hẳn cái tuổi 51 của chị.

 

Đến năm 1983, thầy giáo Thạch Chụm phải nghỉ dạy vì đồng lương trả cho công việc dạy học (vừa tiếng Việt vừa tiếng Khơ-me) của anh không kham nổi với bốn miệng ăn. Dù có trăn trở, song vẫn phải dằn lòng để tính kế sinh nhai. Anh bồi hồi: “Vẫn tự nhủ nghề dạy học là cao quý, vừa mở mang kiến thức, vừa đem lại chữ nghĩa cho bà con mình, vừa thực hiện chủ trương phổ cập giáo dục, góp phần thay đổi bộ mặt vùng nông thôn sâu, nhưng phải sống đã, rồi sau này còn thiếu gì cách đóng góp…“. Anh bỏ lửng giữa câu. Tôi cũng bùi ngùi, không tiện khơi thêm chuyện này.

 

Hai vợ chồng phải vất vả, xoay xở đủ nghề và tìm được sự ổn định tạm thời với nghề mua bán cua. Đồng ra đồng vào làm cuộc sống của anh chị có phần đỡ hơn. Tuy nhiên, công việc này hàng năm chỉ tiến hành được sáu tháng và cũng chỉ đủ chi xài hàng ngày, nên vẫn còn nhiều trở ngại khi phải cần những khoản tiền lớn dùng đột xuất. Thời gian mua bán hầu như khá bận rộn, anh chị không còn thì giờ chăm sóc và lo cho chuyện học hành của con cái. Các cháu cũng phải tốn vài giờ mỗi ngày để phụ giúp thêm cha mẹ. Có lẽ đó cũng là một lý do chính cùng với khó khăn về tài chính mà hai đứa con lớn của anh chị chỉ được học hết lớp 5. Năm 1985, lại một cậu quý tử nữa chào đời. Khó khăn càng nung nấu ý chí quyết tâm làm giàu của anh chị. Bằng sự cần cù, tần tảo và chi xài tiết kiệm, họ đã cố gắng dành dụm, tích luỹ dần để vươn lên.

 

Năm 1993, vùng nông thôn Đôn Châu khởi sắc nhờ chủ trương phát động nuôi tôm. Mô hình nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến đã đưa nhiều hộ nông dân thoát nghèo vươn lên khá và giàu. Đến năm 1995, chính từ tiền tự có, anh chị đã mua được một ha đất nuôi tôm. Hoà vào phong trào chung ở quê hương, được sự hướng dẫn kỹ thuật của các cán bộ khuyến ngư và học hỏi kinh nghiệm của bà con xung quanh anh chị mạnh dạn làm thử. Năm đầu tiên, thắng lợi, tiền thu được từ bán tôm hơn 50 triệu. Tích thiểu thành đa, tới năm 2000, anh chị lại mua thêm được 2 ha đất. Liên tiếp các vụ nuôi sau này, bình quân lợi nhuận đạt 60 triệu đồng/ha. Thắng lợi càng cổ vũ tinh thần họ quyết tâm gắn bó với nghề. Năm 2003, anh chị lại vay vốn ngân hàng 220 triệu đồng để sang 3 ha nữa. Sau hai năm, anh chị đã hoàn vốn vay phần lớn và chỉ còn thiếu lại 80 triệu đồng. Họ đã hạ quyết tâm là sẽ trả hết nợ trong năm nay.  

 

“Nuôi con tôm còn khó hơn nuôi con!” Tôi suýt bật cười vì cách nhìn nhận mộc mạc của anh. “Phải thức khuya, dậy sớm và phải hết lòng với nó, nó mới không phụ mình”. Anh chậm rãi kể cho tôi nghe về những công việc mà bây giờ đã ăn sâu vào trí nhớ không những hàng ngày mà cả trong giấc ngủ của anh: “Thời gian sên vét và chuẩn bị ao chiếm gần trọn tháng. Phải diệt khuẩn, rải vôi, thuốc cá, rồi gây màu nước và tạt thuốc ngừa phát sáng trước khi thả giống. Mỗi hécta diện tích nuôi tôm thì cần 40 bao vôi (mỗi bao 25 kg), 20 lít Premix, 10 kg thuốc cá và 5 lit thuốc ngừa phát sáng. Mua ở dịch vụ thú y cũng gần đây. Nông dân chúng tôi không rành rẽ gì, chẳng qua chịu học hỏi và mài thôi. Tốn kém chẳng là bao! Còn công thì cha con tôi đều tự làm”. Dừng lại, rít sâu một hơi thuốc hê-rô rồi anh lại tiếp tục: “Đi mua giống cũng phải chọn kỹ càng. Ở trong xã cũng có, nhưng tôi thích mua ở Ngũ Lạc hơn. Giống phải đạt post 15 sắp lên. Chọn con giống dài đòn, màu trong, kích cỡ đồng, đẹp và linh hoạt. Khuấy tay trong thau nước, thấy chúng hơi trầm mình và có nhiều con lội ngược dòng thì mới hài lòng. Khi đi bắt giống còn phải mang theo nước từ đìa của mình mang lại trại để chủ trại bỏ tôm của họ vô. Đem về nhà sau 24 tiếng, thấy tôm đạt rồi mình mới lại trại đếm tôm. Tất nhiên, sự quen biết và uy tín của chủ trại tôm là điều mà bà con chúng tôi quan tâm trước nhứt”. Tôi ngứa nghề nên cũng giới thiệu thêm để anh tham khảo vài cách khác mà đồng nghiệp tôi tổng kết được từ nghiên cứu khoa học và thực tế như thử nồng độ mặn, thử formol,...

 

Câu chuyện của chúng tôi phải tạm dừng vì đã đến giờ ăn trưa. Nửa giờ sau khi cùng chị Dạ Minh trở lại, chúng tôi chỉ gặp được ba người con của anh là cậu con trai thứ, cô con gái cùng chàng rể (cậu này làm công an trên huyện vừa về chơi). Hỏi thăm, mới hay anh chị tranh thủ đi kiếm lá thuốc. Chừng 10 phút sau, nghe có tiếng xe máy. Tôi nhìn ra thì thấy vợ chồng chủ nhà chở nhau về tới với bó lá trên tay. Thì ra đã bốn tháng nay, anh bị một khối u trong ruột hành hạ. Không dám mổ vì “còn yêu đời lắm” (câu này là sau đó anh mới nói với tôi). Sau khi điều trị thuốc Tây hơn một tháng mà không thuyên giảm, anh quyết định theo trị bệnh ở một ông Thầy thuốc Nam. Vì là chỗ thân tình, nên ổng bắt mạch và chỉ cây thuốc để anh chị tự kiếm về phơi, sắc uống. Anh còn nói ông Thầy còn trị được rất nhiều bệnh nan y khác như trĩ, tiểu đường... Nghe anh nói thì rất khả quan.

 

Chị Tai nhanh nhẹn vào trong và trở ra với mấy ly trà đá trên tay. Chúng tôi vừa uống trà vừa bình thản tiếp tục câu chuyện. “Trong quá trình nuôi, yếu tố môi trường nước là cực kỳ quan trọng. Ngoài những yếu tố chỉ thị như nhiệt độ, nồng độ pH, độ mặn... thì phải theo dõi màu nước, độ trong. Khi thấy nước bợn, rong tảo nhiều dơ thì phải xử lý. Từ lúc tôm 1 tháng tuổi, phải thường xuyên kiểm tra khả năng tiêu thụ thức ăn của tôm thông qua một dụng cụ mà giới nuôi tôm gọi là sàng. Khi bắt đầu mùa mưa thì phải bón thêm vôi (tạt và rải mé bờ). Tôm được khoảng 2 tháng tuổi là lúc phải quan tâm đặc biệt hơn vì lúc ấy tôm rất dễ bị bệnh. Cũng hên mà từ đầu tới giờ, chỉ mới có một vụ năm 2000 là tôm bị bệnh đốm trắng, phải xả bỏ toàn bộ và nghỉ một tháng trước khi bắt đầu một vụ sản xuất mới. Vụ sau thì không sao!”. Mặc dù là dân lâu năm trong nghề thủy sản, nhưng tôi cũng không tránh khỏi cảm giác ngạc nhiên pha lẫn cảm phục sự rành rẽ của người nông dân mới tốt nghiệp lớp 8/12 này.

 

Tôi hỏi về khả năng nâng mật độ và đầu tư thêm các yếu tố kỹ thuật để tăng qui mô và năng suất nuôi thì anh lắc đầu. ”Năm 2001, chúng tôi cũng có thử đầu tư nuôi công nghiệp hai vụ trên diện tích 20 công. Kết quả cũng đạt, khoảng 80 triệu đồng. Không cao! Vả lại, bây giờ so sánh giữa 2 ha bán thâm canh và diện tích nuôi quảng canh cải tiến còn lại mà tôi đang tiến hành, cũng thấy chưa mang lại hiệu quả. Năng suất của mô hình bán thâm canh là 800 kg/ha, còn ở mô hình quảng canh cải tiến là 700 kg/ha, trong khi mật độ thả là gấp đôi, chưa tính tới những khoản chi phí tăng thêm khác. Có lẽ còn nhiều yếu tố kỹ thuật mà trình độ mình chưa với tới”. Chỉ tay vào dàn quạt nước để sau nhà, anh thành thật: “Lúc trước, ham quá, mua, bây giờ không xài tới còn xếp xó đó, không nỡ bán rẻ vì trước đây mua mắc quá,… Uổng!”.

 

Cứ thế vừa làm vừa học hỏi, dần dà không những cả anh, cả chị và các cháu lớn đều trở thành những người nuôi tôm lành nghề. “Trời không nỡ phụ người có lòng”, các vụ tiếp theo, công việc nuôi tôm của gia đình anh chị hầu như luôn được suôn sẻ. Ngôi nhà tường khang trang và 6 ha đất nuôi tôm đều có được từ thành quả lao động cực nhọc của họ. Cháu trai út đã tốt nghiệp phổ thông trung học, không phải dở dang việc học hành như anh và chị của cháu. Hiện nay, cả 3 cháu đều đã dựng vợ, gả chồng yên ấm. Anh chị đã có cháu nội để chăm sóc, yêu thương. Anh cũng đã thực hiện lời hứa thầm sẽ đóng góp vào công tác xã hội đúng như trăn trở mà anh kể lại ở phần đầu khi mới gặp tôi. Sau 5 năm làm Trưởng ban Tư pháp xã, vì lý do sức khỏe, anh vừa mới chuyển qua làm Chủ tịch hội Người cao tuổi.

 

Trời chiều lác đác mây trôi. Gió từ đồng nội thổi về mát rượi. Thời gian gặp gỡ, trao đổi với anh chị không nhiều, nhưng nhìn vẻ mặt lạc quan, hạnh phúc và sự hiếu khách trên khuôn mặt họ, tôi biết rằng họ đã và sẽ làm được hơn những gì họ đã nói ra. Tôi cứ liên tưởng đến ý nghĩa sâu xa ở cái tên rất đẹp do cha mẹ đặt cho anh rồi cười, nghĩ thầm: “Đá nung“ hẳn sẽ vững vàng qua mọi trắc trở, bệnh tật và thời gian. Tôi mong muốn và chắc chắn sẽ có dịp về thăm lại gia đình anh để chứng kiến sự trưởng thành trong lao động của những người nông dân mới, chứng kiến sự đổi thay của miền nông thôn sâu Trà Cú ngày mai.

 

Trà Vinh, ngày 18 tháng 03 năm 2006

Nắng Xuân
Số lần đọc: 2395
Ngày đăng: 14.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thế là đã chạm được bàn chân trần lên đất Kỳ Anh - Hồ Tĩnh Tâm
Một ngày ở Côn Đảo - Nguyễn Đức Thiện
Kho báu của người nghèo - Ngọc Hiệp
Bình Thuận biển xanh và thảo nguyên cũng xanh - Nguyễn Đức Thiện
Đoá bạch lan trong mây trắng - Nguyễn Thanh Mừng
Mùa Xuân Về Thăm Quê Hương Nhà Thơ Nguyễn Khuyến - Nguyễn Mộng Giao
Sâu lắng Ban Mê - Nguyễn Đức Thiện
Bà chúa vỉa hè - Võ Ðắc Danh
Cleopatra- Nữ Hoàng bác học - Hoàng Xuân Phương
Via Appia- Con đường làm nên đế chế - Hoàng Xuân Phương