Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
662
116.696.121
 
Chuyện người, chuyện ma
Nguyễn Một *

- Ở Tháp Chàm có ma ! Chính mắt tao đã từng trông thấy, bọn mi chớ có dại mà vào đó !

- Con ma nó thế nào hả ông Tám ! - Lũ trẻ chúng tôi nhao nhao tranh nhau hỏi .

Hễ mỗi lần say rượu là ông Tám kể chuyện ma, theo lời ông, thì chính mắt ông đã trông thấy nó, đã sờ vào nó, đã tận mặt thấy con ma đàn bà ấy .

 

Kể xong ông ôm mặt khóc hu hu, quay về phía Tháp Chàm lạy như tế sao. Chúng tôi chạy theo trêu ông cho đến khi ông lăn ra vệ cỏ bên đường ngáy pho pho mới chịu buông tha .

 

Làng tôi, có hai anh em ruột cùng làm nghề thiến heo, thiến bò. Không hiểu ngẫu nhiên thế nào mà hai ông đều có cái tên rất phù hợp với nghề nghiệp: Tám Giái và Chín Cu. Họ sống trong căn nhà ngói ba gian trên gò làng. Mỗi sáng, họ quảy đồ nghề đi làm ăn khắp nơi, chiều về ông nào cũng xách theo hai đùm giái bò to tướng. Đó là thức nhắm ưa thích của ông anh . Họ không có vợ, chỉ có một đứa cháu gái, hai người đều được nó gọi bằng cha . Ông Tám kể chuyện rất hay, ông thường tự hào rằng : “ Biển thước - Hoa Đà mới là tổ sư của nghề ông, chứ không phải của bọn thầy Lang, bọn chúng chỉ nhận bừa Ông giải thích: “ Hồi xưa, bị Tào Tháo bắt giam, Hoa Đà được một cai ngục đối xử rất tốt, biết mình khó thoát chết ông tặng người cai ngục quyển sách thuốc. Cai ngục mang về nhà khoe với vợ, vợ anh ta bảo rằng “Vì cái này Hoa Đà mới chết oan, ông còn tha về nhà làm gì? “ Nói xong bà ta xé nát vứt vào bếp. Người chồng thấy vậy tiếc quá xông vào giật lại được một tờ cuối., trong tờ ấy chỉ cách thiến heo, thiến bò còn lưu truyền đến ngày nay. Chuyện này được ghi lại trong sách Tam Quốc” Nói xong ông ngửa cổ cười đắc thắng trước sự ngơ ngác của mọi người . Còn bọn trẻ chúng tôi được một mẻ cười bể bụng.

*

Tôi và Thắm chơi rất thân. Sau lũy tre làng, nhiều bụi dứa dại và hoa mua nở tím triền sông, chúng tôi bứt lá rọc gai, thắt đồng hồ, thắt nhẫn, rồi vạch bụi lùm, che lá chuối làm nhà, chơi trò “vợ chồng” dĩ nhiên chồng phải có quyền hơn vợ, nên tôi thường bắt nạt Thắm đủ điều. Có hôm tôi bắt chước ông Mười Bò, giả làm người say rượu về gây sự, vừa đi nghiêng ngã, vừa gọi lớn :

- Mụ Mười đâu ra đây tao biểu. Thấy bộ dạng “người lớn” của tôi, Thắm ôm bụng cười rũ rượi.- Nhập vai tôi nạt .

- Sao mụ cười, tao đập nát cái nhà này bây giờ. Thắm càng cười lớn. Như bị ma nhập, tôi đạp tung căn nhà “ tuổi thơ” của chúng tôi và dữ tợn hét lên:

- Cút, hãy cút khỏi cái làng này!

Thắm sững sờ nhìn tôi, bật khóc, bỏ chạy về làng. Tôi cũng sững sờ nhìn theo, không hiểu tại sao tôi lại chơi cái trò chơi kỳ cục như vậy.

 

Mãi sau này, tôi mới ám ảnh chuyện ấy, tôi ngờ rằng lời xua đuổi của tôi chính là điềm tiên tri về việc Thắm bỏ làng ra đi. Thắm có đôi mắt đen lay láy, da dẻ trắng phau và hai gò má đỏ ửng, chứ không đen nhẻm như chúng tôi. Thắm luôn khổ sở về chuyện bọn trẻ trong làng đem chuyện nghề nghiệp của hai người cha ra trêu chọc. Chúng giả giọng ông Tám rao: “Heo bò thiến hô ... ông?” Nhiều lần bênh vực cho Thắm, tôi đánh nhau với lũ trẻ đến bươu đầu, sứt trán . Mẹ tôi kể, mẹ Thắm là một người đàn bà rất đẹp, nhưng người làng không ai rõ gốc tích. Chỉ nhớ, dạo còn chiến tranh, cả làng ai cũng lo đào hầm tránh bom, tránh đạn, lo chôn người chết sau mỗi lần pháo kích rớt từ căn cứ An Hòa xuống. Một hôm, ông Tám đi thiến heo bên Ái Nghĩa ba ngày liền, khi về, dẫn theo một người đàn bà.Sau thời gian sống với ông Tám người đàn bà đỏ da thắm thịt. Lúc này mọi người mới nhận ra đó là một người đẹp, đàn bà trong làng không ai sánh kịp. Đàn ông thòm thèm ra mặt, họ nhìn ông Tám với ánh mắt đầy ghen tỵ, Mười bò bảo : “Thằng Tám Giái lẩm rẩm vậy mà ghê!” . Cô ta tìm cách làm thân với người, nhưng người đàn bà chỉ trả lời qua loa rồi lẫn. Họ xì xầm với nhau rằng: “Con ấy là me Mỹ ở thành phố, bị đổ bệnh, nhảy sông tự tử, Gặp ông Tám cứu về” Họ còn khẳng định “Chính mắt Mười bò trông thấy con ấy cặp tay một thằng mũi lỏ ngoài Đà Nẵng .“ Chẳng biết thực hư thế nào? Nhưng thời ấy, ai mà bị chụp cho cái tội “Me Mỹ”, lập tức sẽ bị xóm làng tẩy chay. Họ tạo ra sự “khu biệt” rõ ràng gái nhà lành và gái “Me Mỹ”. Những cô gái dính tới bọn Mỹ dù có xinh đẹp, giàu có cỡ nào, cũng bị coi là “đồ rác rưởi”. Sau vài lần cố gắng làm thân không thành, cô ta trốn biệt trong nhà. Mấy tháng sau, cô sanh ra cho ông Tám một đứa con gái, cô bé đẹp như thiên thần, đôi môi nhỏ xíu đỏ thắm. Ông Tám đặt tên là Thắm, nghĩa là “Thắm tươi, thắm tình, thắm ....” vui miệng ông nói như vậy. Dân làng ai cũng bụm miệng cười, lão Mười Bò mượn rượu bô bô chưởi “Trâu ai, nghé ai mà đẹp làm gì ? Thắm làm gì? Mai mốt nó ỉa đầu mả chứ hay hớn gì mà khoe Tám Giái  ơ ...i ! Ông Tám chỉ cười chứ không thèm đáp trả .

 

Khi Thắm chưa đầy hai tuổi, người đàn bà ấy biến mất một cách kỳ lạ. Vào cái thời điểm mà dân làng xôn xao chuyện quân giải phóng sắp vào miền Nam, rồi tin đồn Chính quyền Sài Gòn sẽ bỏ bom hủy diệt miền Trung, nên chẳng ai để ý chuyện mất còn của một con người vốn đã bị coi là “người ngoài”

 

Ông Tám “gà trống nuôi con”.  Sau ngày giải phóng, người em ruột là ông Chín Cu lù lù trở về, mang theo mình vô số huyền thoại. Chẳng nghe ông nói gì, cũng không thấy huy chương, huân chương gì cả, nhưng ai cũng đoan chắc ông ta là Chín Cư, người chỉ huy du kích nổi tiếng “xuất quỷ nhập thần” . Người đã từng làm cho bọn Mỹ ngụy kinh hoàng, treo giá cái đầu của ông Mười vạn bạc thời ấy. Chín Cu lầm lì ít nói, bất đắc dĩ mới mở cái miệng, chứ không huyên thiên như ông anh của mình. Có dạo tôi lân la hỏi ông :

- Chú Chín ơi ! Chú có phải là ông Chín Cư không ?

Ông hiền lành vuốt đầu tôi, trả lời :

- Không! Ông là Chín Cu cháu ạ! Không cư kiếc gì cả đâu?

- Sao dân làng bảo như vậy ?

Quả thật có Chín Cư, nhưng ông ấy đã chết rồi!

Ông gằm mạnh chữ “ chết rồi” và đăm đăm nhìn về hướng Núi Chúa, tôi cũng không dám hỏi nữa.

 

Xóm làng ổn định, ông Chín trở lại nghề cha truyền con nối. Ông Chín chăm sóc cho Thắm chu đáo hơn ông anh của mình nhiều. Ông cũng uống rượu, nhưng chưa ai thấy ông say bao giờ .

Chuyện ma ông Tám kể rất ngộ, con ma ông bắt gặp không có nanh đỏ, mỏ vàng cũng không phải là cô gái đẹp có cái lưỡi dài đỏ hỏn mà đó là con ma mặt láng. Ông kể :” Có lần tao đi ngang qua núi Chúa thấy dáng người rất đẹp. Tưởng cô gái nào đi lạc đường, tao lại gần đụng nhẹ vào vai, cô ta quay lại. Trời đất ơi ! Chúng mày có tin không ? Cái khuôn mặt trái xoan nhưng không hề có mắt, mũi miệng gì cả! “ Bọn tôi sợ chết khiếp, khi tưởng tượng ra cái mặt kỳ dị ấy. Kể xong ông Tám lại khóc, lại lạy đến mỏi cả tay rồi ông ngẩng lên ghé sát mặt từng đứa chúng tôi nói lớn : “ Bọn mi không biết đâu, có những con ma là người, có những con người là ma, bọn mi có hiểu không?” Tất nhiên chúng tôi chẳng thể hiểu nổi. Làng tôi ai cũng tin trong Tháp Chàm có ma, bởi nhiều người đi đốn củi về thấy bóng cô gái thấp thoáng trong Tháp Chàm đổ nát . Có điều chưa ai có “diễm phúc” giáp mặt với “con ma” như ông Tám . Những đêm trăng sáng, người ta còn nghe tiếng than khóc, tiếng ru con vẳng ra, rất ai oán . Vì vậy mà ngọn tháp ngày càng hoang tàn, bí hiểm, cỏ mọc rậm rạp, chẳng ai dám đặt chân đến .

 

Chỉ có một người, đêm đêm lẻn vào trong Tháp, không biết để làm gì? Tôi là người đầu tiên phát hiện ra điều ấy. “Con ma” trong Tháp Chàm luôn gây cho tôi sự tò mò, thích thú. Tôi bàn với bọn thằng Bồng, tìm cách thám hiểm một lần cho biết “con ma” nó ra sao? Chúng tôi toàn bọn trẻ chăn trâu gan góc và lì lợm, mẹ tôi thường bảo “Ma quỉ còn chịu thua chúng mày ." Làng này bao nhiêu đồ cúng cô hồn đều bị chúng tôi tém sạch mà có thằng nào bị cái gì đâu?

 

Một đêm trăng, tôi bắt gặp ông Chín đi từ Tháp Chàm về, người ướt đẫm sương đêm. Đến nhà, ông xì xầm điều gì với anh mình rồi khóc hai ông già lục đục chuẩn bị đồ đạc bỏ vào giỏ lác đi về hướng Tháp . Tôi chạy về thông báo với thằng Bồng, Thằng Tứ, ba đứa bám theo họ. Vượt qua đám lau sây rậm rạp, đến Tháp Chàm , chúng tôi còn nín thở theo dõi. Ông Chín rút trong giỏ ra tấm vải trắng đi vào Tháp, còn ông Tám gom củi khô chất thành đống. Lát sau, ông Chín từ trong Tháp ẵm theo xác một người đàn bà, chúng tôi suýt kêu thành tiếng”Con ma đây sao? “ Ông Chín thận trọng đặt xác người đàn bà trên đống củi, ngọn lửa bùng cháy ...

 

Qua lời kể của chúng tôi, dân làng nhanh chóng phát hiện ra “con ma” chính là mẹ Thắm. Theo lời dân làng thì bà ấy bị bệnh cùi, ông Tám đã mang dấu vào trong Tháp Chàm bấy lâu nay. Cũng chính Mười Bò đi buôn trâu mang về thông tin nóng bỏng “Cô ấy là vợ của ông Chín chứ không phải vợ của ông Tám.  Thời Chín Cu ở trong rừng có quan hệ với cô này và ông bị kỷ luật về tội “hủ hóa” , lão gởi “vợ” cho anh mình chờ ngày sanh nở....”

 

Dĩ nhiên đó chỉ là sự đồn đãi của dân làng, còn hai ông không hề hé răng nửa lời. Tiếng đồn như bệnh dịch, theo chân Mười Bò lan rộng lên tận Trung Phước Dùi Chiêng ...

 

“ Thật thà cũng thể lái trâu...” . Mỗi khi có ai nhắc đến Mười Bò, ông Tám ngâm nga như vậy . Lạ! hai người ghét nhau ra mặt, dù họ là anh em chú bác ruột, lại có nhiều cái giống nhau, cả hai đều ưa say rượu, cả hai đều dính líu đến chuyện trâu bò. Có điều Mười Bò khôn ngoan và thức thời hơn Tám Giái . Hồi trước giải phóng Mười Bò làm ấp trưởng, lúc Chính quyền Sài Gòn dồn dân lập ấp chiến lược. Mười Bò là người tích cực vận động dân làng và xúi họ bán trâu bò, vì mai đây Mỹ đem máy cày về cho mà xài, nhiều người nhẹ dạ nghe theo bán hết “đầu cơ nghiệp” cho lão, sau về trắng tay, muốn đi cày phải đến mua lại với giá cắt cổ. Ông Tám thường bị lão hành lên hành xuống vì cái tội “dính líu tới cộng sản” . Ấy là theo lời mẹ kể, chứ lúc đó tôi còn nằm trong đầu gối của cha tôi. Sau ngày giải phóng Mười Bò tặng cả đàn trâu cho Hợp tác xã để rồi được làm chủ nhiệm hợp tác xã mua bán thì tôi biết . Dạo ấy, mẹ tôi thường sai tôi đi sắp hàng chờ mua hàng, chứ bà ấy ngại gặp Mười Bò, mẹ nói bà sợ" ánh mắt của kẻ lái trâu" . Có lần đến nhà tôi, Mười Bò sỗ sàng vỗ mông mẹ tôi, hô hố cười. Mẹ vớ cái chày giã gạo huơ ngang suýt gãy chân lão, may Mười Bò nhảy lên tránh khỏi. Tôi vỗ tay hoan hô mẹ, Mười Bò lườm gườm gườm nhìn tôi rồi cút thẳng. Đến thời mở cửa Mười Bò trở lại nghề lái buôn trâu từ miền ngược đến miền xuôi. Thời nào lão cũng giàu nhất làng . Dân làng vừa sợ, vừa kính Mười Bò, hầu hết mùa giáp hạt họ đều là con nợ của lão. Cứ uớng rượu vào là lão gây sự đánh vợ. Lũ trẻ chúng tôi rất khoái xem cảnh Mười Bò đánh vợ, bởi mỗi lần đánh vợ lão thường lập đi lập lại một câu có vần điệu thế này “Tao đánh cho mày biết thế nào là phu xướng phụ tuỳ, chồng trên vợ dưới . Tao cưới mày về để kiểm một chút tử con tôn cháu, lục sáu tam ba mà mày cứ như con ngỗng đực thế kia, tao đánh mày cho mày bái lạy quỳ tao cũng khứ đi lai lại !” . Nghe câu ấy hàng trăm lần mà chúng tôi vẫn cứ cười đến chảy nước mắt, nước mũi. Lão đánh vợ lão bằng roi, đánh như thú vui! Dường như vợ lão chịu đòn riết thành ghiền nên chẳng bao giờ thấy bà ta phản ứng . Trong làng có cô gái lỡ thời hay bà góa nào lão cũng cố tình chiếm đoạt mà mãi chẳng thấy ai đẻ cho lão một mụn con. Lão ghét cay, ghét đắng anh em nhà Tám Giái, bởi các nghề “xấu xa” của họ dư ăn, dư để cho nên họ chẳng bao giờ cần đến lão ....

 

Dưới sự tác động của Mười Bò, dân làng ghẻ lạnh và xa lánh gia đình Thắm ai cũng sợ lây bệnh cùi. Riêng tôi, tôi chẳng thấy Thắm có vẻ gì là người bị bệnh, thậm chí em còn là cô bé xinh đẹp nhất làng. Mặc cho mẹ ra sức cấm đoán, tôi lẻn qua chơi với Thắm. Thắm phải nghỉ học vì đi đến đâu lũ trẻ chạy dạt đến đó. Tôi vô cùng hối hận vì sự tò mò dại dột của mình, để chuộc lỗi, tôi chiều chuộng Thắm hết mình. Tôi mang cho Thắm cả lon bi ve, tất cả tài sản tuổi thơ của tôi, Thắm nhận cho tôi vui, dù em chẳng biết dùng những viên bi ấy để làm gì .

 

Mẹ tôi quyết định cho tôi lên Thị trấn để học trọ, bà nói “Sức vóc của mày không thể  bám đít trâu mà sống nổi đâu con ạ! Lo mà học” Vậy là tôi phải xa Thắm. Đêm ấy, tôi đến nhà rủ Thắm đi dạo bên bờ sông để chia tay. Im lặng nghe tôi nói, khi tôi dứt lời, Thẳm mĩm cười bảo :

- Em sẽ đi trước anh .

- Em đi đâu?

- Em cũng chưa biết, nhưng nghe cha nói sẽ đến một nơi không bị mọi người xa lánh .

Tôi bần thần cả người, trước sự trầm tĩnh của Thắm. Chợt Thắm quay lại nhìn thẳng vào mắt tôi và nói : “Anh hôn em đi!” Toàn thân tôi run bắn. Năm ấy tôi mười sáu và chợt nhận ra mình đã lớn .....

Hôm sau, ông Chín nổi lửa đốt nhà, chất đồ đạc lên chiếc ghe ngoài bờ sông. Chỉ một mình tôi tiễn họ lên đường. Chúng tôi nhìn nhau, đôi mắt thăm thẳm của Thắm ướt nhòe, long lanh. Con đò rời bến, tôi chạy dọc theo bờ sông hét lớn “Mai mốt anh sẽ đi tìm em”

Khi cái bóng nhỏ nhắn của Thắm khuất trong mịt mờ sông nước, tôi úp mặt xuống bờ cỏ, khóc nức nở, khóc cho đến lúc mặt trời lên cao, hong cạn kiệt những giọt nước mắt đau đớn của tôi .

*

 

Tôi hài lòng với cái kết thúc của hậu của chuyện tình giữa tôi và Thắm, đó là niềm an ủi và cơ hội cho tôi xóa đi mặc cảm tội lỗi theo suốt những tháng năm qua. Nó cũng đem lại cho tôi nguồn hạnh phúc vô biên, nó hoàn toàn khác với những giấc mơ hãi hùng của tôi từ ngày Thắm đi .

Bao nhiêu năm qua tôi luôn canh cánh bên lòng hình ảnh của Thắm và lời hứa của tôi bên bờ sông năm nào .

 

Làng tôi bây giờ đã khác xưa. Họ văn minh hơn và cũng dửng dưng hơn với nhau . Lối sống đô thị đã theo bước chân các cô gái, chàng trai đi làm ăn xa trở về làng. Mười Bò đã hết thời, từ dạo làm ăn thua lỗ vợ bỏ nhà đi, con không có, Mười Bò say rồi rống như bò bị chọc tiết, đến khi hết rống nổi thì chết. Bây giờ, ai có tiền làm nhà thì thuê trả công sòng phẳng, chẳng mất công nhờ vả hàng xóm. Gái lẳng lơ, lấy trai cũng mặc, khôn nhờ dại chịu! May mà cái đám ma, đám cưới vẫn còn giữ được nét sinh hoạt cộng đồng. Tôi cũng chẳng có ý định trở lại làng, kể từ ngày mẹ tôi mất đi. Học xong tôi sẽ đến với Thắm. Năm học thứ hai ở cao đẳng, Đoàn trường tổ chức đi công tác ở làng cùi , tôi gặp Thắm ở đó. Ơn trời, Thắm rất khỏe mạnh, đang làm y tá của làng cùi. Ông Tám, ông Chín tự nguyện ở lại đây để phục vụ cho những người bệnh. Ba cha con có mảnh vườn nho nhỏ và căn nhà khang tranh xinh xắn . Ông Tám ôm tôi cười ha hả:

- Trời đất ơi ! Thằng Xít con mẹ Bông đây à, lớn dữ hả con, vào đây uống rượu với qua.

Thắm vừa dọn đồ nhậu cho cha, vừa khóc. Ông Tám vỗ vào vai tôi .

- Gặp lại mày qua mừng quá, con Thắm vẫn cứ chờ chú mày, nó luôn tin là chú mày sẽ tìm nó .

Tôi vui mừng không thốt lên lời, Ông Chín vẫn như ngày xưa, lặng lẽ uống rượu, lặng lẽ quan sát tôi . Trên bàn thờ, tấm hình thiếu phụ có đôi mắt đẹp như đôi mắt Thắm, đang đăm đăm nhìn chúng tôi. Tôi khẽ rùng mình, nhớ chuyện “con ma” trong Tháp Chàm, và câu nói của ông Tám ngày xưa “Có những con ma là người, có những con ma là ma ...”

Tôi nhìn ông Tám, rồi nhìn người đàn bà trên bàn thờ ”Thế nào là người, thế nào là ma? “ Câu hỏi vang lên trong đầu tôi.

 

Chiều xuống, biển Nam ô chập chờn sương khói! Trên bãi cát vàng, những con người không lành lặn chập chững dìu nhau đi .

Nguyễn Một *
Số lần đọc: 2638
Ngày đăng: 20.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cò.. Cưa... Cứa ! - Lê Xuân Quang
Trưa hè - Đinh Lê Vũ
Nỗi buồn rất lạ - Nguyễn Ngọc Tư
Kẻ vô học - Nguyễn Một *
Xóm phố - Hồ Tĩnh Tâm
Chuyện tình trên đảo Khỉ -1 - Vũ Ngọc Tiến
Chuyện tình trên đảo Khỉ -2 - Vũ Ngọc Tiến
Cá độ - Lê Xuân Quang
Vòng quay của ngựa - Hồ Tĩnh Tâm
Cuống rún thiên thần - Bích Ngân