Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
671
116.698.699
 
Mùi hương hoa bưởi
Nguyễn Một *

“Ta hỏng tú tài, ta đợi ngày đi, đau lòng ta muốn khóc…”(*) Chiếc máy cát sét nhỏ ở đầu giường phát ra lời bài hát quen thuộc, thịnh hành ở miền Nam.

- Anh ơi!

Mái tóc dài đen mượt nhô lên cầu thang. Với tắt tay tắt nhạc, anh nhổm người, dáo dác nhìn xuống bên dưới và hỏi:

- Có chuyện gì vậy em?

- Mẹ em bảo sáng nay mẹ đi chợ, thấy bọn quân cảnh lùng sục dữ lắm anh không được xuống, phải chịu khó nằm vài tuần nữa.

 

Anh níu tay Diễm, cô hất ra, nhăn mặt:

-Quỉ này! Mẹ đang ở nhà dưới kìa, thuốc lá đây, để em xuống phụ mẹ làm cơm.

Anh đón gói Salem từ tay Diễm, đốt một điếu, nhả khói thành những vòng tròn và lơ đểnh nhìn theo làn khói cho đến lúc nó tan thành những sợi mỏng manh. Anh tập tành theo Hoàng hút thuốc lá cả năm nay, lúc đầu hút cho vui, nhưng từ hôm rớt tú tài, nằm trốn quân dịch ở đây anh đâm ra nghiện nặng.

 

Anh nằm trên gác hàng tháng trời, mưa rả rích, buồn! Lớp thanh niên đô thị ở miền Nam, một số ít có cơ hội tham gia cách mạng, còn lại rơi vào trạng thái bế tắc, tuyệt vọng, chờ đợi ngày bọn quân cảnh đến bắt, đẩy ra chiến trường miền Trung khốc liệt, máu lửa, hoặc chốn rừng thiêng nước độc trên Tây Nguyên. Bạn bè của anh ở trong tình trạng “Ta hỏng tú tài, ta đợi ngày đi, đau lòng ta muốn khóc”. Riêng anh, anh nhất định không đi lính, phần vì nhớ lời cha anh đã dặn, một phần anh thấy cuộc chiến tranh này thật phi nghĩa, anh không thể tham gia vào đội quân của những kẻ bị ngoại quốc giật dây như con rối để bắn lại đồng loại của mình.

 

Ngày anh về đây trọ học, Diễm rất mừng, Diễm là con gái của ông bà Tư Dương. Hàng ngày, ông Tư Dương đi làm đến tối mịt mới về, ngoài giờ học mẹ chẳng cho Diễm đi đâu. Dù bằng tuổi nhau nhưng Diễm luôn miệng gọi anh bằng anh, có lẽ màu da cháy nắng làm cho anh già dặn hơn so với bạn bè cùng tuổi. Những mẫu chuyện về quãng đời nhọc nhằn của anh, trên cánh đồng khô cằn sỏi đá miền Trung, không ngờ lại hấp dẫn được Diễm. Anh kể cho Diễm nghe về tuổi thơ của mình, về đồi núi chập chùng với màu tím mênh mang của hoa sim, hoa mua. Những bụi tre kẽo kẹt day dứt dưới những cơn gió nồm và mùi hương quyến rũ của hoa dủ dẻ giục giã tuổi thơ trốn ngũ trưa đi lùng sục các bụi bờ cỏ dại. Những dòng sông trong vắt chảy giữa đôi bờ cát trắng loá, dưới cái nắng mùa hè gay gắt. Những mẫu chuyện thật thà của anh khiến cô bé tròn xoe đôi mắt. Diễm luôn mơ ước được sống những nơi như thế, sống những tháng ngày tuổi thơ như thế. Anh cười thầm: “ Đúng là dại dột, miền Trung, chỉ nghe kể hoặc tình cờ đi qua, thấy thật thơ mộng, nhưng khi sống ở đó mới thấm thía nỗi cơ cực ngàn đời của những người dân.” Rất sớm, mười lăm tuổi, trên đường đi vào miền Nam, anh đã kịp nhận ra lẽ công bằng của tạo hoá, quê hương ở chỗ nào đẹp thì nghèo, thiên tai liên tục. Trong miền Nam không đẹp nhưng đất đai trù phú, cây trái sum sê, rau tốt ngờm ngợp, nhưng bù lại ở ngọn rau miền Nam lại không đậm đà, những cọng hành, cọng ngò rất lớn nhưng ăn lại không thơm .

 

Anh giảng giải chuyện này cho Diễm nghe, cô bé che miệng cười, mắng yêu anh: “ Thôi đi ông cụ non!”

Anh yêu Diễm từ lúc nào nhỉ?

Anh không khẳng định được, nhưng anh nhớ từ năm đầu tiên của đệ nhị cấp (cấp ba) Diễm theo gia đình đi nghỉ mát ở Đà lạt ba ngày, anh đã quay quắt, anh ra vườn bưởi sau nhà, nơi anh hái hoa bưởi để Diễm nấu nước gội đầu, anh thơ thẩn hết gốc bưởi này đến gốc bưởi kia nhờ mùi hoa bưởi giúp anh vơi đi nỗi nhớ. Có lần anh bị cảm, uống thuốc Tây mãi không hết, anh kể ở quê anh bệnh thế này chỉ cần xông là hết, đó cách chữa bệnh hiệu quả, rẻ tiền. Diễm lẳng lặng ra vườn  hái lá, nấu cho anh nồi xông, Diễm đã bỏ vào trong nồi thật nhiều hoa bưởi. Anh trùm chăn kín để cơ thể ngập trong mùi thơm của lá cây, hoa bưởi, tung chăn lau khô mồ hôi người anh nhẹ nhõm. Diễm cười rạng rỡ

 

Ba năm học trôi qua nhanh, mối tình của anh và Diễm cũng lớn dần theo năm tháng.

 

Rớt tú tài anh phải chui lên gác để trốn quân dịch, những đêm nằm nghe mưa rơi, những cơn mưa ướt đẫm tuổi thơ nhọc nhằn của anh. Những tháng ngày chăn trâu cắt cỏ ấy xa rồi! Thực ra chưa xa lắm, chỉ chừng ba năm thôi, nhưng cuộc sống tù hãm đã làm cho thời gian dài ra vô tận.

 

*

Anh đi vào một đêm mưa lất phất. Trước khi theo cha lên đường anh ra chuồng trâu, áp má để con Bĩnh thè cái lưỡi ấm áp liếm trên gương mặt đen sạm của anh, cha anh nói:

 - Mày phải vào miền Nam trọ học, để sau này mở mày mở mặt với người ta, không học hành đến nơi, đến chốn thì đời mày chẳng khác gì cái đời khốn nạn của tao!

 

Thực ra cha anh cho anh vào miền Nam không chỉ vì tương lai của anh mà còn vì một lẽ khác. Đêm qua, anh Hai của anh về, hai cha con lúc đầu rì rầm, càng nói càng to tiếng. Anh đã lén nghe cuộc đối thoại:

- Cha cho nó theo anh em đi cha, nó học xong đệ tứ (lớp chín) rồi, quê mình đâu còn trường dạy cao hơn cho nó học, chẳng lẽ bắt nó giữ trâu hoài vậy sao?

- Không được, nhà chỉ còn có mình nó, các anh đi cả rồi.

- Nó ở nhà chưa chắc đã còn, nó sẽ bị bắt lính sẽ phải cầm súng chống lại đồng bào của mình, nó sẽ chết!

 -Vậy nó theo các anh nó sống sao, mỗi ngày tôi thấy bọn Mỹ  khui hầm bí mật, ném lựu đạn cay, xả súng bắn chết các anh, khiêng về để sân đình trông phát sợ.

-Chúng nó rất tàn ác, không thể để thằng Út theo chúng nó được!

- Nó không theo Mỹ, cũng không theo các anh, nó không theo ai cả, anh để nó lại lo hương hoả cho chúng tôi, anh đi đi, đừng lôi thôi.

Hôm sau, trong lúc anh đang mở cửa chuồng trâu, ông dậy ra lu múc gáo nước súc miệng òng ọc, nhổ toẹt vào góc sân và nói với anh:

- Mày để trâu đó vào nhà dọn dẹp áo quần tối nay đi theo tao!

Đêm ấy, anh đi, đom đóm lập loè, bờ ruộng trơn trợt, mấp mô, anh bám theo cái dáng cao gầy khắc khổ của người cha. Năm ấy, anh mười lăm tuổi. Sáng nay cha anh bảo với mẹ:

- Đài nói đang tổng động viên người từ mười bảy đến bốn lăm. Vùng một chiến thuật thua nặng. Việt Cộng về làm thịt gọn cả sư đoàn ba bộ binh ngoài Quảng Trị, chiến tranh ác liệt lắm. Theo đằng nào cũng chết như chơi. Thằng Hai, Thằng Bốn theo Cộng Sản, Thằng Ba, thằng Năm theo Quốc  Gia, bốn thằng ấy kể như chết, chỉ còn mỗi thằng Út này thôi ráng giữ nó để sau này mồ mả của tui với bà đỡ quạnh hiu, có bán đàn trâu cũng ráng cho nó học hết tú tài.

Đường dài, đêm dài, bóng tối hun hút trước mặt, những con cá mắc câu quẫy đành đạch dưới ruộng, anh sẽ nhớ lắm hương vị cá lóc thui rơm.

- Ba ơi! Hồi chiều con cắm mấy chục cần câu ở ruộng bà Tư Mía, mai ba nhớ dỡ nha ba.

- ừ!

- Con Bĩnh sắp sinh rồi, ba nhớ đưa vô Bàu Xéo cho nó ăn cỏ mật cật.

- ừ!

Ong lầm lũi đi và trả lời anh bằng những câu ừ hử vô cảm như vậy. Đời ông trải qua bao thăng trầm, biến cố lịch sử. Khổ ải, chai sạn, ông chẳng tin ai, chỉ tin vào đôi tay của mình. Anh Hai thuyết phục ông không được, anh Bốn về:

- Cha có tin rằng ngày chiến thắng sẽ gần kề rồi không?

Ong chầm chậm vấn điếu thuốc rê, đưa lên miệng dùng lưỡi vê tròn, bật quẹt châm lửa, nhả làn khói mù mịt lên trần nhà, thong thả nói:

- Tôi tin chứ, cộng sản các anh giỏi như thế, mà không thắng mới la!

- Ngày ấy, chúng ta sẽ đỡ khổ, cái ăn, cái mặc khỏi phải lo, mọi người sẽ được sung sướng.

Ong nhìn anh Bốn qua làn khói thuốc, chậm rãi:

- Các anh đừng ảo tưởng, thời nào không phải lo cái ăn, cái mặc, hết chiến tranh cái sướng nhất là không có ai chết, chứ tôi từng này tuổi đầu anh đừng hòng loè tôi, chế độ nào tôi cũng sống qua rồi, nhớ hồi chín năm nhà có con gà chết, làm thịt phải giấu trong cối đá, để mâm cơm ở trên, lấm lét nhìn trước ngó sau, mới xịch mâm cơm gắp một miếng, chưa kịp nuốt, thằng Đội Cường xuất hiện, bắt cha tôi, tức ông nội của anh ra đình quì cả buổi. Tôi làm sao quên được cảnh ấy.Đó là của mình làm ra còn chưa được ăn, chứ nói chi …

- Cha cứ nói, chuyện hồi đó sai, chính phủ đã sửa sai rồi cha còn nhắc làm gì?

- Làm sao tôi biết các anh có sai nữa hay không?

Ong đứng dậy, quày xuống nhà dưới gọi vợ:

- Bà ơi, lấy mớ thuốc ký ninh với bao gạo và cá khô gởi cho mấy đứa nó.

 

Anh Bốn lắc đầu, đứng lên khoác súng trên vai vì anh biết đó là dấu hiệu cha anh muốn anh trở vào rừng.

 

Ong nói vậy nhưng ông là người tích cực ủng hộ cho anh em ở trong rừng nhiều nhất làng, những hôm giặc ruồng bố ráo riết, ông đục cán cuốc bỏ thuốc ký ninh vào bên trong mang vào cứ. Cách mạng viết giấy ghi công, ông không nhận, ông nói:

- Tôi gởi cho mấy thằng con trai của tôi, chứ công trạng gì mà các anh ghi công.

Anh chưa tới tuổi để hiểu được chuyện chiến tranh, cho đến khi anh học trung học đệ nhị cấp …

 

*

Anh chia tay mối tình đầu.

Buồn!

Không buồn sao được, khi tất cả châu báu cuộc đời Diễm đã vun quén cho mối tình ấy, cả anh và Diễm đã không đủ can đảm để bước qua ranh giới nặng nề của sự xung đột ý thức hệ đè nặng loài người nhỏ bé hèn mọn. Cuối cùng là một buổi chia ly nặng nề dưới cơn mưa, nước xối xả đổ xuống từ mái hiên nhà thờ, gương mặt Đức mẹ Maria đẫm nước, gương mặt anh và Diễm cũng vậy, chẳng ai biết mình có phải đang khóc hay không, chính anh, anh cũng không biết nước chảy từ gương mặt gầy gò của anh là nước mưa hay nước mắt. Anh đi, bóng đổ dài dưới ánh đèn đường vàng vọt. Diễm vẫn quì bên hiên nhà thờ, ngước đôi mắt thành kính nhìn lên pho tượng Đức Mẹ, nước mưa vẫn xối xả đổ xuống từ mái hiên nhà thờ.  “Tại sao hả anh, tại sao không được, chúng mình yêu nhau mà!” Diễm đã nhìn anh với ánh khẩn cầu, gương mặt nàng xinh đẹp như gương mặt Đức Mẹ Maria trong ngôi giáo đường cổ nơi anh đã đặt nụ hôn đầu tiên lên môi người yêu. Câu nói ấy của Diễm cứ mãi theo anh. “Tại sao không được, chúng mình yêu em mà!” Anh cũng không biết giải thích cho Diễm thế nào nữa.

 

Anh lại nhớ những câu thơ của Hoàng, “ Bỏ em anh đi, đường hai mươi năm, dài bao chia ly…(**)” Ngay từ lần đặt chân vào trường mới, anh quen với Hoàng, trong lúc bạn bè chế nhạo giọng miền Trung cứng ngắc của anh, thì Hoàng xua các bạn và bảo vệ cho anh. Trong lớp mọi người có vẻ nể Hoàng, Diễm ghé tai anh nói nhỏ: “ Cậu ta là một nhà thơ sáng giá nhất của trường” Không chỉ của trường, năm sau Hoàng đã nhanh chóng nổi tiếng cả thị xã, thơ Hoàng được phổ nhạc và được nhiều người yêu thích. Tuy nổi tiếng nhưng Hoàng vẫn là cậu học trò tinh nghịch, có lần sau giờ tan học Hoàng rủ anh ra tắm sông. “Hãy cởi truồng ra, hãy trở về với bản thể của con người, hãy lăn vào dòng sông” Vứt chiếc cặp dưới gốc cây đa cổ thụ, Hoàng gào lên, cởi phăng quần áo và nhảy ùm xuống dòng sông, tràn ngập hứng khởi, cả hai ào xuống, ngụp lặn trong dòng nước mát. Hai gã trai trẻ mới vỡ giọng đang vũng vẫy, bất ngờ hai tà áo dài xuất hiện, cặp ôm nghiêng, tóc dài bay ngược gió, Diễm và cô bạn học cùng lớp đi về phía dòng sông. Hai cô bạn gái thản nhiên ngồi trên bãi cỏ dở bọc me và muối ớt ra ríu rít chuyện trò, hai gã trai tơ lặn một hơi ra giữa sông và ngâm mình trong dòng nước. Cả giờ sau, hai cô gái mới chịu bỏ đi, lên bờ hai chàng trai lạnh run. Anh thì không sao, những tháng ngày chăn trâu, cắt cỏ, băng rừng lội suối đã nung da thịt của anh chắc như pho tượng đồng, chỉ tội Hoàng, cậu ta hắt xì hơi liên tục, nhưng bù lại kỷ niệm đáng nhớ hôm ấy, sau này Hoàng đã cho ra đời một bài thơ cay cú, già dặn, đầy ưu tư ... Hoàng yêu Diễm say đắm, Hoàng làm cho Diễm hàng trăm bài thơ, nhưng Diễm tỏ ra hững hờ, Hoàng rất đau khổ, cậu ta đâm ra hút thuốc và đôi khi uống rượu đến say mèm và lảm nhảm đọc thơ, những bài thơ phiền muộn về tuổi trẻ và tình yêu.

 

Dòng sông đã dạy cho anh sự bao dung, giúp anh trôi đi những phồn tạp, phù phiếm, lòng hận thù mà cuộc đời đã mang lại cho anh. Khi đã yêu nhau, Diễm thường dẫn anh đến một ngôi thờ cổ bên sông, ở đó Diễm đã cầu nguyện. Anh chẳng mấy tin vào tôn giáo, dòng họ anh bao nhiêu đời nay chẳng theo một tôn giáo lớn nào cả, ngay từ nhỏ cha anh đã bài bác chuyện phải thờ cúng một ông Trời nào đó ở bên Tây, bên Tàu, ông chỉ thờ cúng tổ tiên, anh đã được ông giáo dục như thế từ lúc còn lẫm đẫm trong sân nhà từ đường chờ chia xôi thịt trong ngày giỗ tổ.

Ngôi nhà thờ cổ nằm giữa vườn bưởi ngạt ngào hương thơm. Khi Diễm ngước lên pho tượng Đức Mẹ để cầu nguyện, em xinh đẹp một cách lạ lùng, nhìn gương mặt thánh thiện ấy anh lại nghĩ về những chuyện phàm tục. Ý nghĩ trần tục, giữa khung cảnh huyền bí trong ngôi thánh đường làm cho anh thấy mình có lỗi với Diễm.

 

Anh trở lại ngôi nhà thờ cổ vào một buổi chiều, sau một cuộc họp căng thẳng trong cơ quan do anh lãnh đạo. Dừng xe, thả bộ dọc bờ sông, nắng chiều trải vàng rực trên sông, dòng sông vẫn vậy, êm đềm, từng trải. Mùi hương hoa bưởi đã dẫn chân anh trở lại ngôi nhà thờ cổ, anh giật bắn người khi nhìn thấy cô gái đang quỳ trước tượng Đức Mẹ, gương mặt ấy, đôi mắt ấy, hai mươi lăm năm trước đã gợi lên trong lòng gã trai trẻ biết bao ước vọng. Anh nhớ Diễm. Ngày ấy, anh cũng không hiểu sao Diễm, cô hoa khôi của trường Trung học, nhà giàu, học giỏi, bao nhiêu chàng trai đeo đuổi, trong số đó có cả người nổi tiếng như Hoàng, lại có thể yêu anh, chàng trai nghèo khổ xa xứ, ăn nhờ ở đậu trong nhà cô. Mỗi lần ngồi với nhau bên bờ sông, anh đặt câu hỏi, Diễm nghiêng đầu khẽ hát: “Đừng bao giờ anh hỏi vì sao ta yêu nhau, vì sao tay anh nóng, vì sao môi em lạnh, vì sao thân anh rung, vì sao chân không vững…”(Khúc Thuỵ Du)

Khi anh đã thành đạt trong cuộc sống, xung quanh anh bao nhiêu cô mắt nâu môi trầm, họ sung sướng phát điên khi được ngồi trên chiếc xe hơi bóng loáng của anh, của một vị giám đốc trẻ. Anh đã cùng họ qua những đêm hoan lạc điên cuồng trong các khách sạn sang trọng và sau đó là nỗi chán chường, ân hận, dày vò khi thoảng nghe mùi hương hoa bưởi, đó là mùi hương trên mái tóc của Diễm ngày xưa.

 

“Tại sao hả anh, tại sao không được, chúng mình yêu em mà!”

Lời khẩn cầu của Diễm cứ mãi đeo đuổi ám ảnh suốt đời anh.

 

*

Anh rời làng quê vào buổi tối trời mưa lất phất, cha con anh ra đến Quốc lộ thì trời hừng sáng, ông gởi anh trên chiếc xe GMC của quân đội Sài Gòn do ông thượng sĩ già bạn của cha điều khiển, để vào miền Nam trọ học. Đoàn xe gập ghềnh qua con đường dài đầy ổ gà. Đồi núi miền Trung chập chùng mọc đầy hoa tím, những ngôi nhà tranh lè tè trên đồng cát, hiu hắt ánh sáng đèn dầu, vun vút lao qua trước mặt. Đoàn xe chở hàng lậu cho một ông tướng vùng ba, có tư dinh ở một tỉnh phía Nam. Ong thượng sĩ già vui tính, luôn cười. Ong chỉ ngoài năm mươi mà hàm răng rụng gần hết, ông nói:

- Qua rụng răng không phải vì già mà vì bị nổ bánh xe, lúc Qua bơm bánh xe, nó nổ tung và mâm xe lấy đi hàm răng của Qua, nhưng như thế cũng được, sau này già đỡ phải nhổ. Ở quê của Qua, già mà còn răng là một điều sỉ nhục.

-Sao thế hả bác? – Anh hỏi

- Vì người ta tin rằng nếu còn răng thì sẽ ăn hết đức của con cháu.

Ong đang nói bỗng thắng gấp, chiếc xe chúi về phía trước.

- Bình tĩnh, không có gì, đã đến chỗ, Qua muốn gởi ít đồ cho mấy người bạn

Xe dừng, ông leo ra sau xe ném mấy bao tải vào đám cỏ rậm bên đường, rồi lên xe đi tiếp, anh biết ông làm gì, vì việc để lại những bao tải như thế ở trong rừng cha anh vẫn thường làm.

Anh vẫn vơ suy nghĩ về cha anh, về ông thượng sĩ già, rõ ràng những người này không phải là những người cách mạng như anh Hai và anh Bốn của anh, nhưng ai cũng âm thầm ủng hộ, anh không thể hiểu được họ, không thể nào hiểu nỗi. Trước lúc lên xe cha anh còn dặn dò:

- Mày vào trong đó ráng lo học hành, đừng học đòi làm chính trị, đó không phải là chuyện của mầy, không cộng sản, quốc gia gì cả nghe chưa? Mày cũng cần phải nhớ là tìm mọi cách để sống mà thờ cúng tổ tiên.

 

Ong luôn nói chuyện với anh bằng giọng lạnh lùng như vậy, mà không phải riêng anh, tất cả những đứa con trai trong nhà đều được ông nói với nói với kiểu cách như vậy, ông chỉ tỏ ra dịu dàng một chút với mẹ anh.

 

Ong dự đoán không sai, sau này trong lúc anh chuẩn bị thi tú tài toàn phần, ông thượng sĩ già ghé thăm, đã kể cho anh nghe, bốn người anh của anh đã tử trận. Bi kịch ở chỗ là cả bốn anh em đều chết trong một trận đọ súng, giữa hai phe với nhau trước ngày giải phóng vài tháng. Cha anh ráo hoảnh mang xác của bốn đứa con về. Đó là đám ma lạ lùng nhất từ trước đến nay ở quê anh, bốn cái hòm giăng hàng ngang trước nhà, hai cái được đắp bằng cờ đỏ sao vàng, hai cái được đắp bằng cờ vàng ba sọc đỏ. Dân làng xúm lại xem như hát bội. Gã đồn trưởng Bảo An dẫn quân đến yêu cầu ông dẹp cờ đỏ sao vàng, không được làm đám ma cho cộng sản. Ong không nói không rằng, vào nhà vác lưỡi mác bóng loáng ra cắm phập trước sân, đôi mắt lạnh lẽo chiếu thẳng vào gã sĩ quan, hắn lấm lét nhìn quanh và lủi thủi bỏ đi. Đám ma của gia đình anh trở thành giai thoại mãi cho đến sau ngày giải phóng.

 

Kể xong chuyện, ông thượng sĩ già cười ha hả kết luận:

- Dòng họ của mày toàn người gàn, gàn di truyền, hồi đó cụ nội nhà mày đi  tân gia nhà lão chánh tổng, trước mặt các quan Tây, cụ bắt ghế leo lên cạnh bàn thờ của gã chánh tổng, mở gói quà của mình ra, haha mày biết trong đó là cái gì không? Trước cặp mắt ngạc nhiên của hàng trăm quan khách và đôi mắt nảy lửa của lão chánh tổng, cụ nội mày từ từ lấy lá cờ tam tài ( cờ Pháp) ra treo lên trên bàn thờ của tổ tiên nhà lão chánh tổng, theo phản xạ, các quan Tây đưa tay chào, ha ha lão chánh tổng tức nổ đom đóm nhưng cũng phải chào theo. Đợi mọi người chào xong cụ mới thong thả leo xuống, haha.

 

Dù cha anh nói, việc tiếp tế của ông là phục vụ cho mấy thằng con, nhưng khi các anh của anh hy sinh ông vẫn mang gạo muối và thuốc ký ninh vào rừng cho đến ngày giải phòng.

 

*

Theo lời uỷ thác của cha anh, ông thượng sĩ già gởi anh trọ học trong nhà của ông Tư Dương,  một người quen của ông thượng sĩ, ông Tư Dương làm công chức, gia đình khá giả nhưng hiếm muộn, nhà chỉ một cô con gái, nhà ông theo đạo thiên Chúa. Diễm có gương mặt xinh đẹp hệt gương mặt Đức Mẹ, mũi cao thanh tú, đôi mắt đen láy, sâu thẳm. Anh học cùng lớp với Diễm, Diễm thánh thiện, trong trắng và thuần khiết như bông hoa bưởi của quê em vậy, mái tóc đen mượt lúc nào cũng thoang thoảng hương hoa bưởi. Diễm rất sùng đạo. Ong Tư Dương sống biệt lập trong nhà như một kẻ ngoại đạo, hàng ngày ông xách cặp đi làm, ban đêm ông vào phòng riêng của mình, không bao giờ anh thấy ông đọc kinh cầu nguyện hay đi lễ nhà thờ.

 

Chủ nhật hàng tuần anh đèo Diễm trên xe đạp vào nhà thờ cổ trong làng bưởi để Diễm cầu nguyện và cũng tại đây anh đã đặt nụ hôn đầu tiên lên đôi môi trinh nữ của em. Anh còn nhớ  sau nụ hôn vụng về ấy Diễm đã hốt hoảng quỳ đọc một lúc năm mươi kinh kính mừng. Anh cũng quỳ bên Diễm, nhưng không phải anh cầu nguyện, nhìn bộ ngực con gái phập phồng sau tà áo dài trắng,  tuổi trẻ hừng hực và dại dột khiến anh nghĩ về một chuyện khác. Rớt tú tài, bị quân cảnh truy lùng gắt gao, anh phải thu mình trên gác, đêm đêm nghe tiếng mưa rơi và lời kinh cầu nguyện buồn bả của Diễm. Có những đêm, trong nền của những lời kinh nguyện cầu anh thấy rõ hình ảnh của người đàn ông đầu đội mũ gai, máu rỉ ra trên gương mặt tiều tuỵ buồn rầu nhìn anh. Anh nhớ câu thơ Hoàng thường hay đọc, mỗi khi anh và Hoàng đến chơi ở nhà thờ : “ Chuông nhà thờ đổ mệt, tượng Chúa gầy hơn xưa, Chúa bây giờ có lẻ, rơi xuống trần gian mưa…”.(*)

 

Sau ngày đất nước giải phóng mọi người đổ ra đường reo hò chào đón đoàn quân cách mạng, anh và Diễm nắm tay nhau cuốn theo đoàn người trên đường phố. Vài tuần sau, cha Diễm được mời lên trình diện chính quyền cách mạng vì ông là quan chức trong cơ quan quan trọng của nguỵ quyền Sài Gòn, ông phải đi  học tập cải tạo.

 

Hoàng cùng gia đình chạy ra nước ngoài trong làn sóng tản cư năm 1975. Còn anh với lý lịch của gia đình có công với cách mạng và hai người  anh là liệt sĩ, anh được đưa đi Liên Xô để đào tạo.

 

Buổi tối trước khi lên đường về quê làm thủ tục đi du học, anh và Diễm đưa nhau ra bên bờ sông. Diễm gục đầu trên vai anh khóc nức nở,  anh nhẹ nhàng đặt nụ hôn trên đôi mắt đẫm lệ của em. Diễm run lên ngã vào lòng anh, cô hôn như mưa trên mặt, trên môi, anh chìm ngập trong mùi hương hoa bưởi từ mái tóc của em, từ cơ thể trinh nguyên… Anh choàng tỉnh quỳ sụp trước mặt Diễm, như bao gã đàn ông khốn nạn khác anh xin lỗi, anh van lạy, anh đấm ngực. Dưới ánh trăng thượng tuần lung linh trên mặt sông, đôi mắt Diễm lóng lánh, ngời sáng hạnh phúc, cô ôm đầu anh vào lòng, vuốt mái tóc rễ tre của anh, dỗ dành như em bé: “Anh có lỗi gì đâu, em sẽ không bao giờ hối hận, em rất mãn nguyện khi anh là người đàn ông đầu tiên của em”

 

Dòng sông rì rầm chứng kiến lời thề non hẹn biển của anh, nào là khi thành tài anh sẽ trở về cưới Diễm, anh sẽ không phụ em, anh sẽ.. Anh nói rất nhiều, nói để trấn áp sự xúc động làm toàn thân anh run lên hoảng loạn, trước  tình yêu lớn lao mà Diễm dành cho anh…            

Diễm đã chờ anh bao nhiêu năm trời và kết quả là buổi chia tay nặng nề dưới mái hiên nhà thờ cổ. Diễm đã cùng Hoàng ra nước ngoài sinh sống, cô chấp nhận lấy Hoàng, một phần là cảm động trước tấm chân tình anh dành cho cô bấy lâu nay. Trong lúc gia đình cô lâm vào cảnh túng bấn, Hoàng đã gởi hàng về giúp đỡ, mẹ con cô sống và thăm nuôi cha. Hoàng vẫn đều đặn gởi về cho Diễm nhưng bài thơ say đắm. Hoàng trở về Việt Nam và nhanh chóng đáp ứng nguyện vọng của cha cô là sẽ bảo lãnh cả gia đình xuất cảnh.  Diễm lấy Hoàng vừa để trả ơn vừa để trốn chạy cuộc tình kéo dài suốt mươi năm qua.

 

Anh tốt nghiệp ở Liên Xô về, cũng là lúc cha Diễm hoàn thành thời gian cải tạo. Anh trở về chốn cũ tìm Diễm, Diễm đã mừng đến ngất xỉu trên tay mẹ khi anh bước vào nhà. Cha Diễm nhìn anh bằng ánh mắt vô cảm.

 

Buổi tối, ông mời anh lên nhà trên và lạnh lùng nói:

- Xin anh tha cho con gái tôi, anh là cách mạng gộc, còn con tôi là gia đình nguỵ quyền, khó kết hợp lắm, tôi đang làm thủ tục xuất cảnh. Anh không nghĩ đến tương lai của anh sao, anh học ở Nga về, anh  là Đảng viên, đất nước này đang cần những người như anh, còn chúng tôi là đồ bỏ. Con Diễm có sá gì.

Anh ngập ngừng:

- Nhưng…nhưng chúng con yêu nhau.

- Chẳng qua ngày xưa anh chị còn trẻ con nên… nhưng thôi, cho dù anh yêu con Diễm thì anh có nghĩ rằng anh cưới nó, tổ chức anh có cho phép hay không? Anh có dám huỷ bỏ tiền đồ của anh vì con Diễm không? Đó là chưa kể muốn cưới con gái tôi anh sẽ phải theo đạo, dòng họ anh có đồng ý không?

 

Anh hoàn toàn sụp đổ trước thực tế phũ phàng mà ông Dương đưa ra, quả là anh chưa nghĩ đến điều này.

 

Anh cúi đầu và Diễm ngất xỉu lần thứ hai trong tay của mẹ.

 

Hôm sau, anh đưa Diễm đến nhà thờ cổ, nơi ngày xưa hai đứa thường đi lễ. Trời mưa, hôm ấy, mưa mù mịt, mưa giăng kín cả thành phố và dòng sông, anh đi trong mưa, đi như trốn chạy.

Anh nhận công tác ở Thành phố lớn, cách nơi ở của Diễm chừng nữa giờ đi xe, nhưng suốt thời gian dài anh không đủ can đảm trở lại vùng đất có quá nhiều kỷ niệm về mối tình đầu tiên của anh.

 

Ba năm sau, anh nhận được bức thư khẩn cầu của Diễm, Diễm muốn anh có mặt trong ngày cưới của cô, anh mới lặng lẽ trở lại ngôi nhà thờ cổ, anh quỳ trong đám đông để nhìn Diễm cùng bạn anh, nhà thơ Hoàng khoác tay nhau đến trước bàn thánh làm lễ hôn phối

 

 “Con có tình nguyện nhận người đàn ông này làm chồng không?” Trước khi trả lời câu hỏi của vị linh mục già nua, cũ kỹ như ngôi thánh đường ông đang cai quản, Diễm đã đưa mắt nhìn anh và thì thầm: “thưa có” Đôi mắt dỗi hờn trách móc, anh khẽ rùng mình khi nhớ đôi mắt khẩn cầu của em trong chiều mưa dưới chân bức tượng của Đức mẹ Maria

 

“Tại sao hả anh, tại sao không được, chúng mình yêu em mà!”

Đôi mắt ấy ảm ảnh cuộc đời anh như một định mệnh khắc nghiệt, tàn nhẫn.

Với tấm bằng tiến sĩ trong tay, đường công danh của anh thăng tiến vùn vụt, anh đã leo lên hết chức vụ này đến chức vụ khác. Anh trở về quê tiếp nhận ngôi vị trưởng tộc của dòng họ từ tay cha anh, cha anh mãn nguyện nhắm mắt trước sự thành đạt của đứa con trai duy nhất trong dòng họ còn sót lại sau chiến tranh. Những bả vinh hoa của quyền thế, sự giàu sang không làm anh quên được đôi mắt của Diễm trong ngôi thánh đường ngày xưa.

 

Chưa cô gái nào có thể làm cho anh quên đôi mắt ấy.

 

*

Một buổi chiều cuối năm, tại quán cà phê Bờ Sông, người đàn ông tóc hoa râm gọi ly cà phê đen, hàng chục năm qua, chiều nào ông cũng đến trên chiếc xe hơi sang trọng và ngồi cho đến lúc mặt trời khuất bóng sau những vườn cây bên kia sông. Nơi đây còn giữ được chút không gian xanh giữa thành phố ngợp hơi người này. Nhấp ngụm cà phê, ông dán mắt vào mẫu tin nhỏ trên tờ báo chuyên đăng tin đó đây: “Nhà thơ Diễm Hoàng,  đã tự sát tại ngôi nhà thờ nhỏ ở miền Tây nước Mỹ.Nguồn tin ban đầu cho biết ông tuyệt vọng và bế tắc, khi vợ ông từ bỏ ông để trở về Việt Nam….”

 

Trong quán cà phê, giọng ca buồn của nam ca sĩ hải ngoại loãng vào tiếng sóng từ dòng sông: “Người từ trăm năm về qua sông rộng, ta ngoắc mòn tay…Người từ trăm năm về như dao nhọn, dao vết ngọt đâm, ta chết trầm ngâm, người từ trăm năm…”(*) Dường như bài hát này được phổ từ thơ của Hoàng.

 

Lơ đãng nhìn ánh nắng vàng trải dài trên mặt sông, người đàn ông khẽ thở dài.

Thoảng thoảng quanh chỗ ông ngồi bỗng có mùi hương hoa bưởi.

 

Trảng Dài ngày 6.11. 2003

 

Chú thích:

 (*) Thơ Nguyễn Tất Nhiên

- (**) Thơ Quang Dũng

Nguyễn Một *
Số lần đọc: 2697
Ngày đăng: 25.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trầm - Trần Lệ Thường
Thần Tài gõ cửa - Hư Thân
Bên kia khung cửa sổ - Nie Thanh Mai
Gà chọi - Phạm Minh Hoàng
Những Cánh Bướm Phượng - Đinh Lê Vũ
Trước mặt là dòng sông - Nguyễn Một *
Hẹn hò trong thinh không - Trần Lệ Thường
Áo mưa trong suốt - Nie Thanh Mai
Con Trai Miền Gió Cát - Nguyễn Nguyên An
Những thời gian hoang phế - Lê Hoài Lương