Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
786
116.692.496
 
Sông xưa
Nguyễn Một *

Anh thao thức lắng nghe tiếng nói của dòng sông. Không ồn ào, dữ dội, âm thanh của nó cứ rì rầm, kéo dài vang vọng mãi trong hồn anh. Có lẻ hơn hai giờ sáng. nếu ở california giờ này anh đã tất bật ngốn vội phần ăn trưa, để còn leo lên cái pano quảng cáo cao chót vót để hoàn thành nốt những công việc trong ngày.

 

Anh đặt chân đến đây đã ba hôm và cũng ba đêm anh không thể chợp mắt trước hai giờ sáng, phần vì giờ giấc thay đổi đột ngột, phần vì tiếng rì rầm của dòng sông cứ liên tục kéo anh trở lại với những kỷ niệm buồn.

 

Anh nghỉ tại nhà trọ ven sông. Nhà trọ có khoảng mười phòng được xây dựng khi cái thị trần nhỏ bé hình thành ở ngã ba sông. Ngày trở về, anh ngỡ ngàng biết bao với sự thay đổi của quê hương. Những bụi tre được phát quang sạch sẽ, chỉ còn lại dấu tích xơ xác của đám rễ chưa kịp đào, đang cố bám vào đất. Xóm nhà tranh ven sôngđã được thay bằng những căn nhà ngói đỏ. Tất cảđều đổi khác, chỉ có tiếng nói của dòng sông là không hề thay đổi. Anh nhớ rõ như vậy! Bởi ngày xưa, sau khi ngụp lặn thoải mái, bọn trẻ chăn trâu chạy nhảy nô đùa trên bãi cỏ. Anh nằm áp tai vào đất để nghe tiếng của dòng sông. Anh không thể nào quên, nó vẫn rì rầm như ngày xưa...

 

Anh trở mình, mở mắt nhìn lên trần nhà. Dưới ánh đền ngủ màu vàng, những hình ảnh chạm nổi trên trần nhà bằng thạch cao chập chờn di động chợt như hiện lên những hình ảnh quen thuộc đã nhiều lần xuất hiện trong hồi ức của anh về một quá khứ xa xăm...

*

... Người đàn bà thanh mảnh trong bộ bà ba đen nghiêng vành nó lá nhẹ nhàng lướt mái chèo trên mặt sông. Mái tóc óng mượt chảy xuống bờ vai thon thả.

“Mẹ” – Anh khẽ kêu. Tiếng kêu hoà lẫn trong tiếng rì rầm của dòng sông. Chiếc xuồng cập bến.

 

Chú bé đen đủi, rắn chắc từ bến sông nhảy phóc lên xuồng. Chiếc xuồng chòng chành. Thiếu phụ ôm chú bé vào lòng.

Anh lặng người đi. “ Mình ngày xưa, thằng đen của mẹ!”

Đen phụ mẹ chất vào trong cái ngăn nhỏ dưới đáy xuồng, một bao gạo, ít cá khô và những viên thuốc màu vàng đắng nghét mà nó có lần dại dột nếm thử.Thiếu phụ lại chèo xuồng qua sông, trước khi nhảy lên bờ nó ngước cặp mắt ngây thơ hỏi mẹ:

 

Mẹ ơi! Cha con đâu

Mẹ ôm nó vào lòng hất hàm qua bên kia sông:

Cha ở bên đó, con trai à.

Cho con đi thăm cha với

Ngoan nào, mai mốt con lớn mẹ sẽ cho đi.

Thằng bé leo lên bờ, thiếu phụ chèo xuồng qua sông.

Anh nhắm mắt, hai giọt lệ nóng hổi lăn dài trên má. “Mẹ ơi, ngày xưa còn đâu có biết khi mẹ nói như thế cha con đã không còn trên đời” Mãi sau này anh mới biết cha anh không có mặt trên bãi bồi, ông cùng đồng đội mãi mãi nằm lại dưới đáy sông trong một trận đọ súng với kẻ thù từ ngày anh mới mở mắt chào đời...

Anh trở mình, khẽ rên nhỏ trong cổ họng. Tiếng rì rầm của dòng sông lại dội vào hồn anh như một khúc nhạc buồn...

Thằng bé ra bờ sông, lặng nhìn những đám lửa xanh, xẹt qua, xẹt lại dưới đám sương mù. “Ma trơi!” Ông ngoại nó bảo đó là những oan hồn rong chơi trong đêm, nhưng nó không sợ. Ông nó bảo trẻ chăn trâu là những đứa con của vua Thần Nông trên trời nên ma quỷ phải sợ trẻ chăn trâu. Chỉ có bọn nó mới dám bơi ra sông để kéo những bè chuối có cái đầu heo cúng cô hồn thả trôi trên sông.

Một chấm đen xuất hiện dưới ánh trăng, rồi lớn dần ra. Mẹ đã về! Chiếc xuồng cập bến, những người đàn ông mang súng xuất hiện, gã đi đầu hất hàm hỏi:

Ê cô em đi tiếp tế cho Việt cộng về hả?

Dạ đâu có trung uý, em cố hái thêm ít dâu, tằm đang ăn rỗi.

Coi chừng về sau giờ giới nghiêm chết oan đó nghe cưng!

Mẹ vẫn cứ đi về trên chiếc xuồng con vào mỗi buổi chiều khi bãi dâu bên bồi ngập nắng vàng. Đen lại ra bến sông chờ mẹ cho đến khi làng xóm lên đèn. Nó nghiêng tai trên cỏ để nghe dòng sông kể chuyện.

Mùa lũ đến, dòng sông đỏ ngầu. Nó nghe rõ tiếng kêu ùng ục trong lòng sông. Đó là dòng máu của con rồng đất đang trào ra trong lòng con nước. Ông ngoại nó kể: “ Ngày xưa, trên thượng nguồn của dòng sông có một con rồng đất, trăm năm há miệng một lần. Cứ mỗi lần như thế, xứ sở này lại sản sinh ra một nhân tài. vì lo sợ nhân tài sẽ lãnh đạo đồng bào đứng lên lật đổ ách đô hộ, kẻ thù đã dùng pháp thuật để chặt đầu con rồng. Con rồng bị chém vào khoảng tháng mười, cho nên cứ vào mùa này, nước sông lại đỏ ngầu màu máu. Nhưng kẻ thù đã tính lầm! Con rồng chết đi không những nhân tài không bị mất mà lại sinh ra nhiều hơn. Bởi những nơi có máu rồng chảy qua là địa linh, mà “địa linh sinh nhân kiệt”. Ông ngoại nó kết luận như vậy. Tiếng ùng ục trong lòng sông, khẳng định với nó điều ông ngoại nó kể.

Một cơn gió nhẹ thổi qua rèm cửa. ánh sáng vàng vọt của bóng đèn ngủ chập chờn. Anh mở trừng mắt nhìn lên trần nhà, hình ảnh ông già có mái tóc bạc trắng như cước hiện ra mĩm cười. Anh khẽ thốt lên: “ Ông ngoại!”

 

Những câu chuyện của ông về ruộng đồng, núi rừng, về quê hương suối dài sông rộng đã trở thành hành trang cho anh suốt quãng đời lưu lạc. Cứ mỗi lần nhớ quê, anh lại nhớ dòng sông và nhớ những câu chuyện của ông. Nhiều đêm ở xứ người, anh mơ thấy dòng nước gầm thét tung bọt đỏ ngầu, đè rạp ngàn dâu bên bãi bồi. Anh sống với ông từ nhỏ. Ngày ấy, cứ mỗi chiều ông cỏng anh ra sông để kể cho anh nghe những câu chuyện về dòng sông. Ông thương anh nhất trong số những đứa cháu cùa ông. hai đứa em con cậu anh cũng ở với ông. Từ ngày người ta vớt anh lên từ dòng sông, ông dành hết cả thương yêu cho anh

Tội nghiệp nó mồ côi!

Ông thường than thở với những người hàng xóm như vậy, mỗi khi nói về anh.

Ngày ấy, anh là đứa trẻ ham chơi, nào có hiểu được lòng thương yêu vô bờ bến ấy của ông. Vì quá thương yêu anh, nên mỗi lần bị bệnh ông luôn gọi tên anh, ngay cả trong giấc mơ.

 

Đen ơi! Rót cho ông ly nước.

Đen ơi, thắp cho mẹ con cây hương.

Đen ơi!

Nhiều lúc đang chơi với lũ trẻ, bị ông gọi, anh đâm bực mình ganh tỵ với mấy đứa em con cậu. Anh đã gắt với ông:

Sao ông không gọi tụi nó, gọi con hoài.

Anh vùng vằng đi rót nước, khi ly nước đến tay ông nhiều lúc chỉ còn một nữa. Ông chỉ im lặng nhìn anh, buồn bả chịu đựng sự hổn hào của anh.

Dạo ấy chiến tranh diễn ra rất ác liệt ở miền Đức Dục. Cậu anh bay từ Sài gòn về dẫn gia đình đi. Không thuyết phục được ông, cậu anh đã dắt anh đi  cùng với mấy đứa em con cậu. Đưa con cháu ra bến đò, đứng trên bờ ông gạt nước mắt nhìn theo. Bóng ông xiêu xiêu trong nắng chiều vàng vọt. niềm vui được đi xa đã làm anh vô tình vối những giọt nước mắt già nua của ông. Đến khi lân tàu, giữa cái ồn ào của hành khách, cảm thấy mình lạc lỏng, anh mới oà khóc vì nhớ ông.

Sau ngày giải phóng khá lâu, lúc định cư ở Mỹ, anh mới được tin ông mất. Hình dung cảnh ông mất đi trong túp lều nhỏ xiêu vẹo bên sông, anh đã khóc suốt mấy ngày đêm. Những lỗi lầm của anh với ông ngày xưa liên tục ám ảnh anh một cách nặng nề. Anh ước gì được sống lại những năm thơ ấu bên ông, để chuộc lại lỗi lầm. mấy đứa em con cậu cứ cười nhạo cái “thứ tình cảm yếu đuối” của anh. Họ bảo cái tình cảm ấy không phù hợp với lối sống phương Tây. Có khi họ nói cũng đúng. Suốt bao năm trời, anh lận đận với việc kiếm sống. Thật vậy, dù sau này có bằng hoạ sĩ trong tay, anh cũng chẳng kịp được chỗ làm cho đàng hoàng, đành nhận chân vẽ quảng cáo ngoài trời, suốt ngày leo trèo với mấy thằng Mễ da đỏ.

 

Cố gắng dành dụm cả chục năm, anh mới đủ tiền về Việt Nam một chuyến. Quê anh giờ đã khác xưa, nhưng dòng sông và hình ảnh của những người thân vẫn vậy. Tất cả hình ấy, không hề thay đổi trong anh. Anh còn nhớ rõ từng lời ông nói với cậu anh ngày ông tiễn con, cháu lên đường:” Tôi sinh ra và lớn lên nhờ mảnh đất này. Nếu có chết, tôi sẽ gởi nắm xương tàn lại cho quê cha đất tổ. Anh và các cháu hãy đi đi, bom đạn vô tình, tôi ở lại với con gái tôi. Dòng sông này là ngôi mộ lạnh lẽo của nó. Đêm đêm tôi còn phải đốt nhang và trò chuyện với nó. Anh và các cháu đi mạnh giỏi, đừng lo cho tôi” Anh nhắm mắt, hình ảnh về cái chết của mẹ anh, đứa con gái yêu quý của ông hiện về...

*

Chiều nhạt nắng, bãi dâu bên bồi, chuyển sang màu xanh thẫm. Thằng Đen ra bên bờ sông chờ mẹ cho đến khi mặt trăng nhô lên sau luỹ làng, toả dịu dàng xuống mặt sông. Theo thói quen nó nằm trên bãi cỏ để lắng nghe dòng sông.

....Tạch...t...ạch ....tạch..đùng. Một loạt đạn bắn ra từ trên đồn bốn lăm. thằng Đen bật dậy. trên dòng sông dưới ánh trăng, chiếc xuống quay vài vòng rồi trôi theo dòng nước. Trước lúc ngã xuống sông, thiếu phụ chới với đưa hai tay về phía bờ, trên ngực một dòng máu vọt thành vòi.

Mẹ!

Thằng Đen hét len và lao xuống sông.

Ông lão đánh cá đã vớt lên một cái xác trắng bệch. Người ta không hiểu tại sao nó có thể sống được? Ông lão kể cho mọi người nghe rằng: “ Tôi thấy rõ một người đàn bà  đưa thằng bé vào cạnh xuồng câu của tôi rồi từ từ chìm xuống, để lại dòng máu đỏ nhờ nhờ trên mặt sông”

*

Anh trở mình lẫm bẩm: “ Gần hai mươi năm lưu lạc xứ người!” Anh nghiêng tai lắng nghe dòng sông rì rầm, nhưng lần này anh nghe rõdòng sông bảo anh, màu đỏ của nó không phải máu của con rồng đất huyền thoại.

Như một kẻ mộng du, anh bật dậy khoác áo mở cửa rời nhà trọ và đi về phía dòng sông

Nguyễn Một *
Số lần đọc: 2414
Ngày đăng: 02.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Qua sông - Trần Lệ Thường
Mùa xuân đầu tiên - Lê Hoài Lương
2 truyện dịch trong cuốn " Người Trung Quốc xấu xa" - Nữ Lang Trung
Con ngựa - Hồ Tĩnh Tâm
Pho tượng tình yêu - Nguyễn Một
Giọt nắng - Bích Ngân
Đêm hoang - Đông La
Trò chuyện với Cáo-1 - Nguyễn Trần Thiên Lộc
Trò chuyện với Cáo-2 - Nguyễn Trần Thiên Lộc
Trò chuyện với Cáo-3 - Nguyễn Trần Thiên Lộc