Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
705
116.702.517
 
Đêm liêu trai Thượng Hải
Xuân Sách

Chúng tôi về tới khách sạn đã chín giờ tối. Một ngày tham quan làm việc căng thẳng, lại dự buổi tiệc chiêu đãi có rượu  nặng, thấy thấm mệt. Đặt  lưng lên tấm nệm, lồng đôi chân vào dưới lớp chăn mỏng, tôi chỉ muốn ngủ. Nhìn sang giường bên, Trọng cũng thế. Hắn còn trẻ, dễ ngủ. Bỗng trọng ngồi bật dậy:”Đi chứ anh”.”Đi đâu”. “Lang thang đêm thượng hải, có gì đó ám ảnh tôi không thể nằm yên”. “Nàng thơ họ Dương chăng?”. “Sao anh biết?”. “Tôi lạ gì cái giống thi sĩ các anh nữa”. “Anh nhận xét về nàng như thế nào?”. Có gì đó không bình thường.

 

Tấm thân mảnh mai trong chiếc áo dài đen xẻ  tà kiểu thượng hải cao vóng lên như cây trúc, nước da trắng đến xanh tái. Cặp mắt lúc tinh anh sắc lẹm, lúc ngây dại xa vắng…”. “Còn bài thơ cô ấy đọc?”. “Qua phiên dịch tất nhiên không đầy đủ, lạ đấy, nhiều hình tượng độc đáo, nhưng ẩn phía sau có cái gì đó rắc rối đa đoan. Giọng đọc cũng đặc biệt, thường người Trung Quốc đọc hay nhấn mạnh những âm tiết cuối, còn cô ấy lại đọc rất nhẹ, giống như giọng cac nữ sĩ việt nam chúng ta”. Trọng cười:”Hóa ra ông anh cũng chẳng vô tình chút nào”.”Thì cũng học đòi cái thói đa tình của ông chứ sao”.

-          Thế thì chúng ta lên đường, tôi sẽ kể cho anh nghe tiểu sử đầy ly kỳ, bí ẩn của nàng. Nói rồi trọng ấn phím máy điện thoại. Tôi gọi ông lương phiên dịch cùng đi, ông này cũng nghệ sĩ lắm.

Lát sau ba chúng tôi đã ra khỏi khách sạn. Từ phòng lạnh bước ra ngoài thấy thoáng đãng ấm áp. Chúng tôi lên chiếc tắcxi màu đỏ đợi sẵn và xe lăn bánh.

 

Trọng và tôi ngồi hàng ghế sau ngăn với người phiên dịch và lái xe bằng tấm kính bảo vệ. Chúng tôi hạ cửa để hưởng khí trời. Xe chạy theo một đường phố cổ vắng vẻ. Hai bên đường là hàng cây ngô đồng với tán lá xanh non. Dân ở đây quen gọi là cây ngô đồng pháp, vì khu này ngày trước thuộc tô giới nước pháp.

-          Hơn hai mươi năm trước, Trọng bắt đầu kể, cô gái họ Dương mới hai mươi tuổi về Thượng Hải học đại học. Cô trọ ở nhà một bà già độc thân khu ngoại ô thành phố. Cô gái đẹp, học giỏi nhưng sống lặng lẽ kín đáo, ít giao du bè bạn. Ngoài giờ học cô về trọ cùng bà chủ nhà nấu nướng, ngoài ra cô chăm sóc bụi trúc ngà ở góc sân. Bàn học của cô đặt sau khung cửa sổ nhìn ra bụi trúc. Một buổi chiều có ông già đi qua. Ông già tóc bạc phơ nhưng còn rất tráng kiện, da mặt đỏ au. Ông dừng trước cửa sổ và hỏi thăm cô gái về bà chủ nhà.

-          Thưa ông, bà chủ đi chợ cũng sắp về.

-          Cô có thể cho tôi vào nhà đợi bà chủ được không?

-          Xin mời ông vào.

Cô gái pha trà mời khách rồi ngồi vào bàn học của mình. Ông già nói giọng nhỏ nhưng đầy nội lực:

-          Cô có điều gì phiền muộn phải không?

-          Dạ không – cô gái bối rối trả lời.

-          Chuyện nhỏ thôi nhưng đang làm cô lo lắng, đấy là chiếc vòng ngọc thạch cô đeo ở cổ tay bị rạn nứt.

Cô gái lo sợ thật sự. Chiếc vòng kỷ vật mẹ cô trao cho cô trước khi bà qua đời, không hiểu vì sao gần đây bị rạn nứt nhiều chỗ.

-          Cô đừng ngại, tôi sẽ giúp cô làm cho nó nguyên lành trở lại. Bây giờ cô ngồi yên nhắm mắt khoảng mười phút.

Như một mệnh lệnh không thể cưỡng lại cô gái nhắm mắt.Cô cảm thấy một luồng khí lạnh phóng về phía mình, lúc đầu là một cảm giác ấm áp và dần dần trôi vào khoảng không. Cô thấy mình đứng trước một ngôi nhà cạnh dòng sông chảy cuồn cuộn. Từ phía xa bóng một người đàn ông đội nón sơn đang săm săm đi về phía cô. Khi người đó đến gần, dưới vành nón cô nhìn thấy một khuôn mặt dữ dằn, cặp mắt sắc lạnh nhìn xoáy vào cô. Cô sợ hãi định kêu lên thì giọng nói của ông già:”Mở mắt ra” đã làm cô tỉnh lại. Anh mắt hiền từ của ông già đã làm cô yên tĩnh.

-          Cô hãy nhìn cái vòng ngọc ở cổ tay cô.

Cái vòng đã lành lặn như cũ, ánh lên màu xanh trong, cô gái sung sướng như được gặp lại mẹ mình. Cô kể cho ông già nghe về những gì nhìn thấy vừa rồi.

-          Thưa ông, cháu không biết nói gì để cảm ơn ông.

Ông già đứng dậy khoát tay.

-          Bây giờ tôi đi, ngày mai cũng giờ này tôi trở lại, cô sẽ kể cho tôi những gì cô thấy trong giấc mơ đêm nay.

-          Thưa ông, mời ông nán lại một lát, bà chủ chắc sắp về.

Ông già thoăn thoắt bước đi, cô gái không kịp đưa tiễn, ngồi bất động nhìn ra khóm trúc, tay mân mê chiếc vòng ngọc thạch.

Chiều hôm sau ông già trở lại, cô gái kể cho ông nghe những gì cô thấy trong giấc mơ. Cũng giống hôm qua, một ngôi nhà, một dòng sông cuồn cuộn chảy, chỉ có khác là người đàn ông kỳ dị kia đã quay lưng đi về phía xa.

-          Thế là yên ổn rồi cháu ạ, ông già nói, cháu có thể yên tâm học hành và quên những chuyện gì đã xảy ra.

-          Thưa ông cháu muốn biết rõ mọi chuyện, không thì làm sao mà quên được.

-          Ta biết cháu sẽ hỏi điều đó. Đơn giản thôi, cái kẻ mà cháu nhìn thấy chính hắn có ý định hại cháu.

-          Cháu có thù oán gì với hắn?

-          Không. Cái tên quí phái ấy có một lời nguyền bí ẩn là phải sát hại một người con gái còn trinh trắng. Và bây giờ thì cháu đã thoát khỏi tay hắn, cháu hoàn toàn yên tâm.

-          Hắn sẽ giết chết một người con gái khác thay cháu?

-          Cháu hỏi hơi nhiều đấy, đừng quan tâm đến hắn nữa. Ta với cháu có duyên tiền định, có thể còn gặp lại. Bây giờ ta đi.

Từ đó cô gái bị ám ảnh bởi vì nghĩ có một người con gái vô tội bị chết thay cô. Cô nghĩ mình không thể vô tâm hưởng hạnh phúc bình thường, cô quyết định không lấy chồng.

 

Bây giờ cô dạy học, ngoài bốn mươi tuổi vẫn sống độc thân trong một căn nhà ở ngoại ô thành phố, lặng le, kín đáo và trở thành thi sĩ, như anh nhận xét, những câu thơ bối rối và đa đoan…

-          Ông ứng tác gia một câu chuyện thật ly kỳ và hấp dẫn. Tôi nói với trọng.

Chạm tự ái, trọng sẵng giọng:

-          Anh không biết gì hết. Một người ngồi cạnh tôi trong bàn tiệc, một anh chàng thẳng thắn và cởi mở, sau khi nghe nàng đọc thơ, và có ngà ngà hơi men của rượu”khổng phu gia tửu” đã kể cho tôi nghe đầy xúc động, anh có thể kiểm chứng qua anh phiên dịch kia. Với lại tin hay không tùy anh, nhưng điều này anh phải công nhận rằng có nhan nhản những chuyện thật trăm phần trăm mà nghe cứ tưởng chuyện bịa.

Tôi ân hận chưa biết nói sao thì xe dừng lại. Lương xuống xe và nói:

-          Nếu hai anh không phản đối thì bây giờ chúng ta đi xe điện ngầm ra bờ sông Hoàng Phố.

Tôi tán thành ngay và quàng vai trọng đỡ hắn xuống xe như một cử chỉ thân thiện cố ý.

 

Chúng tôi xuống xe điện ngầm theo chiếc cầu thang cuốn. Một phút sau tàu đến, vừa bước vào toa xe tôi để ý ngay tới người đàn bà dong dỏng cao mặc áo dài đen xẻ ta đứng trước mặt. Không ai khác đó chính là nhà thơ họ Dương. Cô quay lại chào chúng tôi không hề ngạc nhiên, cứ như đã hẹn gặp nhau từ trước. Đó là ý nghĩ của tôi sau khi đã được nghe trọng kể về cô. Trọng vui lắm và kéo người phiên dịch đến nói chuyện với Dương. Trong toa tàu ồn ào không biết họ nói với nhau những gì. Sau ba lòng ga, chúng tôi chia tay, còn cô đi tiếp hết đường xe điện. Khi nắm bàn tay cô gái chào từ giã tôi cảm thấy bàn tay mình hơi bị tê tê như có những mũi kim nhè nhẹ châm vào. Chúng tôi lên bờ sông, gió thổi mạnh, sóng sông Hoàng Phố lấp lánh ánh đèn màu vàng thau.

 

Chúng tôi vào quán bar Hoàng Giang ngay cạnh bờ sông. Quán vắng khách, có vài cặp nam nữ đang ngồi uống trà. Quán bán rượu theo cân lạng. Cô gái bán quán mũm mĩm như quả táo, mặc áo cánh cộc màu hồng nhạt và chiếc váy ngắn đỏ màu sẫm đặt trước mặt ba tên lưu đãng một suất một lạng rượu. Thứ rượu trong sánh cất bằng loại gạo nếp đặc biệt nặng 52 độ. Nhấp ngụm rượu thơm ngát và ấm vào tới bụng. Tôi nhìn qua cửa kính sang bên kia sông, phía tây thành phố.

 

Bên ấy đang xây dựng một thượng hải mới với vô số cao ốc năm sáu mươi tầng. Và cao vút lên là tháp truyền hình”Đông Phương Minh Châu”, ngọn tháp cao hàng thứ ba thế giới. Anh điện rực rỡ chạy suốt ngọn tháp như một chòm sao in vào nền trời đêm đen thẳm đúng như tên của nó: ngọc sáng phương đông.

Uống hết lạng rượu, trọng đột ngột nói:

-          Sao chúng ta không đi theo cô Dương đến thăm nhà cô ấy nhỉ?

Lương nói:

-          Thưa nhà thơ, cuộc phưu lưu nào cũng có giới hạn.

-          Nhưng chúng ta đã tới giới hạn đâu, tôi đề nghị chúng ta lên tắcxi đi tiếp, anh lương nhớ địa chỉ của cô ấy chứ?

Người phiên dịch tỏ vẻ ngần ngại:

-          Thì như anh đã biết, cô ấy chỉ nói một cách mơ hồ, một ngôi nhà nhỏ xóm ngoại ô, phía tay trái.

Trọng tiếp:

-          Trước nhà có bụi trúc, đó là dấu hiệu dễ tìm. Chúng ta đi thôi, một cuộc dạo chơi có ngại gì đâu.

Chúng tôi chiều ý trọng và ra khỏi quán gọi tắcxi. Lương nói thêm:

-          Tôi ở Bắc kinh, không thuộc Thượng Hải lắm, nếu lạc đường các anh đừng trách.

Chiếc tắcxi màu đỏ lại lao vun vút ra phía ngoại ô. Đường vắng, ánh đèn thưa thớt, tôi nhìn vào dòng chữ đỏ của tắcxi báo hiệu số tiền cứ nhích dần lên, tôi thấy sốt ruột còn trọng thì lim dim mắt, hắn ngủ chăng.

 

 Chiếc xe giảm tốc độ và dừng lại. Trọng mở mắt và nói”Chúng ta đến nơi rồi”.

Phiên dịch lương chỉ tay về phía trái:

-      Chỉ có cái xóm này, nếu không phải thì xin mời các anh trở về khách sạn.Chúng tôi rẽ vào con đường nhỏ rải xỉ than hướng tới cái xóm có vài ánh đèn màu xanh dịu hắt ra ngoài.

Trọng vào gõ cửa lần thứ nhất, thứ hai, rồi thứ ba cánh cửa vẫn đóng. Nhưng khi trọng cầm cánh cửa xoay nhẹ một vòng thì cánh cửa bật mở. Lương cười, chắc hẳn vì cái trò trẻ con của nhà thơ người lớn này . anh bước vào phòng và lớn tiếng:”Chào chủ nhân, chúng tôi là khách không mời đã đến đây”.

 

Nhưng vắng lặng, cánh cửa gỗ thông vào phòng trong đóng kín. Cái bàn và bốn chiếc ghế ghỗ màu đen bóng kê ở giữa phòng, trên bàn đặt ba cốc trà còn nóng bỏng. Chúng tôi ngồi xuống ghế và chờ đợi chủ nhân từ phòng trong sẽ bước ra. Tôi nhìn quanh căn phòng, trước cửa sổ đặt bàn làm việc, trên bàn là một lọ hoa nhỏ, một bông hồng nhung vừa mới nở. Bên cạnh bàn là cái giá xếp đầy sách. Trên tường phía trái treo bức tranh thủy mặc, vẽ một khóm trúc và một con chim lẻ loi. Bên phải là tờ giấy khổ rộng hình như vừa mới dán lên, viết đầy chữ. Tôi nhờ lương đọc, đó chính là bài thơ mà Dương vừa đọc

 

Trong bữa tiệc buổi tối. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là căn nhà của nàng thơ. Không khí vẫn vắng lặng, bên ngoài gió thổi xào xạc trong khóm trúc và lất phất mưa. Tôi cảm thấy mơ hồ một điều gì đó không yên ổn trong lòng, liền đứng lên ra khép cánh cửa. Tôi nhớ tới ông Bồ Tùng Linh. Có lẽ thời đó khi ông viết những truyện thần linh ma quái trong tập sách Liêu trai chí dị, cũng trong khung cảnh  tương tự như đêm nay, trong căn phòng này.

 

Tôi nhận ra những câu chuyện nửa hư nửa thực, nửa người nửa ma trong tập sách ấy, nằm trong ý đồ sáng tạo của ông, nhằm khuấy động khoảng tâm linh sâu thẳm của con người. Nhằm giúp họ gạt bỏ những nhàm chán xô bồ trong cuộc sống thông tục để trở về với những dung động mong manh hư ảo, giúp con người biết sống một cách có trách nhiệm hơn.

 

Thời gian vẫn lặng lẽ trôi qua theo nhịp gõ đều đặn của chiếc đồng hồ treo trên tường. Đã 12 giờ rưỡi, đã bước sang ngày mới. Không còn hy vọng chờ đợi điều gì nữa, lương nói với trọng:”Cuộc phưu lưu như vậy đã đến giới hạn, chúng ta về thôi, nếu không sẽ gặp rắc rối”.

 

Chúng tôi viết lại mấy chữ cảm ơn chủ nhân, uống trà thơm, rồi ra về. Cánh cửa khép lại phía sau, khi đi qua khóm trúc trọng bứt một chiếc lá có thấm những hạt mưa. Chợt nghe một tiếng động hỏ, chúng tôi đều quay đầu lại . Cánh cửa hé mở, chủ nhân đứng dậy, vẫn chiếc áo dài đen, khuôn mặt trắng. Cô giơ tay vẫy như đưa tiễn và nói:”Tạm biệt, xin tạm biệt các anh, hãy tha lỗi cho tôi”. Tôi và trọng đều sửng sốt, nhà thơ họ Dương nói tiếng việt với âm sắc rất chuẩn đầy biểu cảm. Rồi cánh cửa đóng lại đèn trong nhà cũng tắt.

 

Chúng tôi lặng lẽ như những chiếc bóng đi ra đường cái gọi tắcxi. Chiếc xe lao vun vút trên đường phố vắng. Những hạt mưa lấp loáng trên tán lá xanh non run rẩy của hàng cây ngô đồng./.

Xuân Sách
Số lần đọc: 2854
Ngày đăng: 11.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người mua danh dự - Đào Phạm Thùy Trang
Thần sông - Bích Ngân
Ngọn Đèn Tỏ Mãi - Nguyễn Nguyên An
Chuyện tình mùa đông hay Anh không thể xa em - Lê Anh Hoài
Người thầy của em. - Đặng Thân
Ngậm ngùi gió cát - Hà Khánh Phuong
Giai điệu - Hồ Tĩnh Tâm
Thằng Tài đậu đại học - Bích Ngân
Anh Rễ - Đào Phạm Thùy Trang
Tình Dỏm Làm Sao Quên - Đoàn Thạch Biền