Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
827
116.681.255
 
Món cá chép
Trang Thanh

Hôm nay ngày cuối tháng, cơ quan chưa phát lương. Lý do là nhân viên sơ kết 6 tháng đầu năm chưa xong, chưa rõ định mức đủ thiếu thế nào, còn chờ "sếp" duyệt, và cũng vì tiền trong két còn chỉ đủ một nửa, nếu ai cần thì có thể tạm ứng.

 

Lúc chào tôi ở cổng trường mẫu giáo, bé Bống dặn: "Chiều mẹ mua cá chép về rán cho con ăn nhé, con thích ăn phần bụng cá chép". Tôi hứa: "Con ngoan, nay mẹ lĩnh lương, sẽ mua". Nó bước đi rồi, lại gọi với: "Mẹ ơi, rau bí nữa nhé, ngọn non, con thích rau bí luộc". Tôi gật gật, lại nắm nắm tay vào, giơ ngón cái ra dứ dứ. Mẹ con tôi vẫn quy ước khi đồng tình với nhau điều gì thì cùng giơ ngón tay cái ra. Con tôi ngoe nguẩy bím tóc đi vào lớp.

 

Chiều, mấy đồng nghiệp chụm đầu bàn tán một hồi về cái chuyện định mức với cả tiền lương xong thì ngán ngẩm tản dần ra, rục rịch đi lấy lương tạm ứng. Tôi mải mê với cuốn tuyển truyện ngắn Nga Những truyện cổ tích dành cho người lớn, mãi đến đúng 5h, tan sở, mới đứng dậy. Chạy vội xuống phòng kế toán, may quá, cô thủ quỹ vẫn ngồi đó. Tôi chưa kịp hỏi thì cô bảo: "Chị Lam xuống chậm quá, trong két chỉ còn có hơn một trăm ngàn, thôi để mai". "Nhưng mai là thứ bẩy kia mà". "ừ nhỉ, chán quá, trong túi em cũng chỉ còn mấy chục ngàn..." Kể ra hơn một trăm ngàn thì cũng rất tốt cho tôi lúc này, vì trong túi tôi cũng chỉ còn một ít tiền đủ mua thức ăn cho vài ngày. Nhưng không hiểu sao lại ra mặt tươi tỉnh, tôi bảo: "Thôi, chị lĩnh sau cũng được, cơm chưa ăn thì gạo còn đó, vội gì".

 

Tôi ra về, hơi căng óc nhưng mặt vẫn tươi, ve vẩy quần bò lửng ống loe đi vào chợ. Tiếng chào mời vây lấy tôi từ đầu cổng. "Ngồng cải Lào Cai giòn lắm chị ơi, có mười hai ngàn thôi, làm một cân xào thịt bò đi bà chị". "Tôm tươi sống em, mua đi cho chị, chiều rồi, chị bán rẻ, chín mươi, ăn nhé". "Chị ơi cua mười ngàn ba lạng, em xay, nóng thế này làm bát canh cua mát ruột". "Hôm nọ em cứ hỏi ngao nâu, nay có đây ăn cho chị vài cân, bằng giá ngao trắng". "Madam xinh đẹp ơi, mãi nay mới có một con chạch chấu, chả lãi lờ gì, chị lấy mười đồng" (mười ngàn một lạng).

 

Tôi đứng trước chậu cá sủi tăm, dè dặt: "Em muốn mua cá chép". "ừ đây, chép sông bụng trắng thịt vàng như thịt gà, đảm bảo không có ruột, ăn con cân rưỡi hay hai cân". Chị hàng cá quờ cái rổ vào chậu tôn xúc lên liền hai con chép nhảy choi choi, bắn hết cả nước lên mặt khách. Chiếc Spasy lách đám đông đỗ xịch lại: "Ôi chép ngon thế, luộc ngọt hết ý chị nhỉ, cân cho em con to kia, bao nhiêu một cân?" Chị hàng cá bỏ con chép vào cái túi ni lông sũng nước, cân lên vừa đúng hai cân rưỡi: "Ngon không, tròn 100 ngàn". "To quá bà chị ạ, con khác đi". "Thôi ăn cố đi, con cá ngon thế này, không ăn phí của, cá sông mấy khi mới có". "Nhưng nhà chỉ có ba người. Cho con cân rưỡi thôi".

 

Trong lúc chờ "chị Spasy" mua cá, tôi kín đáo liếc qua liếc lại cả một dãy hàng thuỷ sản, không có con chép nào mổ sẵn cả. Trong chậu toàn cá to, trắm, chép, mè, trôi - đủ - mua thì vẫn phải mổ, lấy vài khúc, nhà chỉ có hai người lớn với một đứa trẻ, không ăn hết cả con.

 

Chiếc Spasy đi rồi, tôi mới thập thững: "Chị có mổ con to này không, em mua". "Mua bao nhiêu?" "Bốn lạng". "Tôi chửa dở hơi mà mổ cả con cá hai cân rưỡi chỉ để bán bốn lạng cho nhà cô. Tối sập xuống rồi tôi mang về muối táng cất nước mắm cốt được à. Thế mà cứ đứng án mãi". Mấy chị hàng lươn, mực, cá thu bên cạnh nhìn tôi thương hại, chẳng buồn mời. Ngượng ngạo đi đến tận cuối dãy, tôi mới thẽn thò hỏi chị cá trắm cá mè, đổi đi cũng chẳng sao, con bé chắc không thể nhận ra: "Chị có mổ cá không, em mua". Chị ta tử tế: "Ăn cả con đi em, không hết thì cứ cho vào ngăn đá, mai ăn, sắp tối rồi, mổ ra chị không bán được, để cả con thì mai nó vẫn sống". Tôi lắc đầu cảm ơn chị. Nhà tôi tiết kiệm điện, không chạy tủ lạnh.

 

Lững thững đi ra khu vực dành cho những người quê mang rau nhà ra bán, cũng có cả hàng cá của những người đi đánh rậm ở Hồ Tây chiều nào cũng ngồi đây, may ra họ có con chép nhỏ thì hay. Nhưng rút cục họ chỉ còn vài lạng cá lành canh nhỏ xíu, cứ mời chào: "Chị ơi mua cho em đi, về pha bột mà chiên, ngon lắm, em bán rẻ cho còn về, nhà em ở tận Văn Giang. Đi chị, mua đi em bán rẻ cho, em cũng để đá, cá chết nhưng còn tươi lắm, vẩy vẫn sáng đây này. Thôi chẳng phải cân kẹo gì cả, em lấy nốt 7 nghìn". Tôi như bị thôi miên, rút tiền ra trả.

 

Quay ra định mua rau bí, trời đã sâm sẩm tối. Mấy hàng rau vẫn hay bán hời ở cổng chợ vẫy cả nón lên trên đầu mà mời. Những chiếc xe ga sành điệu phân khối lớn cứ hết quẹo phải rồi quẹo trái một tí, không ai chịu nhường ai. Chợt có tiếng la thất thanh: "Gọi anh Vạn đi mày ơi, bà ấy mà làm sao thì chúng mình phải vạ, gọi anh Vạn đi mau lên". Tôi cố lách qua những chiếc xe máy phả hơi nóng giãy. Đang lầu bầu vì bánh xe họ quệt vào chiếc quần mồi bẩn hết cả thì tôi lại phải giãy nảy lên vì chạm vào bô chiếc Suzuki. Nghĩ chắc cũng chỉ bỏng qua loa, cũng là tại mình cố lách, chẳng nói làm gì, nhưng chị chủ xe mắt xanh mỏ đỏ váy ngắn chân cong thì lại loe cái môi bóng nhờn lên với tôi: "Đi mới chả đứng, hớn mắt lên cho chết, chật thế này mà cứ cố lách. May mà không đổ cái xe của tôi vào cái bà động kinh này, không thì tôi đền ốm thì chị cũng chẳng yên với tôi đâu".

 

Lúc này tôi mới biết tiếng la "anh Vạn" là để gọi người đàn ông gác chợ ra lôi người mẹ động kinh của anh ta dậy. Bà ta bị động kinh đã hàng chục năm, luẩn quẩn ở chợ, chẳng ra ăn xin nhưng cũng là để dựa hơi người khác kiếm miếng qua ngày, cứ thỉnh thoảng lại lăn đùng ra, chân tay co quắp, miệng nhểu dãi trông hãi lắm. Những lúc ấy chẳng ai dám đụng vào bà ta, sợ phải vạ. Cứ người nọ truyền khẩu cho người kia, gọi bằng được anh Vạn đến lôi mẹ dậy. Mà thực ra bà ta chẳng làm sao. Cái bệnh động kinh vốn thế, thỉnh thoảng lại lăn đùng ra một tí rồi thôi, chỉ trừ khi lên cơn mà ngã xuống nước thì dễ chết đuối. Tôi nhìn bà ta co quắp mà rợn cả da gà, nhưng cũng như tất cả mọi người, chỉ sốt ruột chờ anh Vạn đến.

*

Tôi mất 20 phút để mua được mớ cá lành canh, mất 10 phút nữa để từ chỗ cá lành canh ra đến cái hàng rau bí quen mua. Đã tối nhọ mặt người. Rổ rau bí nhặt sẵn còn lồng khồng một ít, chủ yếu là cuộng, ít lá già và hoàn toàn không còn ngọn non. Chị bán rau rả lả: "Mua đi chị bán rẻ nốt cho, nghìn một lạng". Tôi nhướng mắt một cái, ra ý chê, chị vội ngăn: "ấy đừng bớt nhá, chị em giờ này mua cho nhau là tốt rồi". Tôi cầm rau xởi xởi lên: "Toàn cuộng, chán lắm, mà một nghìn thì đắt". Chị hàng rau bỗng nổi giọng chanh chua: "Thế á, giờ này còn ngọn thì ba nghìn một lạng không mua nổi nhá, vẽ chuyện, ít tiền thì thà cứ bảo một câu. Nào mấy người tránh ra cho người ta bán hàng!" 

 

Tôi nhìn mấy hàng xung quanh, chẳng có tí rau bí nào sất, bụng nghĩ chân bước phải quay vào trong, đành mua của mấy hàng rau sạch vậy chứ biết làm thế nào, đã không có cá chép... Nhưng vừa quay gót thì chình ình trước mặt lại là một đám đông, xe máy bấm còi bim bim, tiếng người nói nhốn nháo, cứ thế đã trôi qua dăm bảy phút. Tôi cố lách một chút thì lọt thỏm ngay vào giữa đám, lùi cũng dở mà tiến cũng không được. Có người chửi tục: "Mẹ kiếp! Chợ gì mà chợ chán đời, ngày nào cũng tắc, mà chỉ tại mấy con mẹ ăn mày lăn đùng ngã ngửa, không cách nào dẹp được hay sao?" Rồi lại có tiếng "gọi anh Vạn, gọi anh Vạn". Tôi nghĩ đến mẹ anh ta, không lẽ bà lại lên cơn? Nhưng không phải. Khi một vài chiếc xe máy bên phải lách được lên, thì bên trái phải đứng yên tại chỗ. Lúc vài chiếc xe máy bên trái được từ từ lao đi, thì bên phải lại yên vị. Tôi theo dòng xe chạy gằn lên. Thì ra là bà ức ăn mày. Bà ta quấn lên người những miếng vải cũ rách tơi tả, chân bó mo nang, ngày nào cũng lê lết trên nền đất, hai tay dang hai bên, vừa co quắp vừa run lên bần bật, còn đầu thì vừa lắc vừa vật bên phải bên trái như lên cơn phát phiền, giọng nói lại đứt hơi từng tiếng như muốn dứt từng khúc ruột người nghe, thảm lắm, ai đi qua cũng thương tình, cho vài đồng tiền lẻ. Ngày nào cái cổng chợ cũng vì bà ta mà tắc nghẽn. Có điều mọi ngày tôi đi chợ sớm hơn, mua bán xong mới thấy bà ta từ ngoài đường lết vào.

 

Tôi cũng đã không dưới dăm lần cho tiền vào cái nón rách ấy, nghĩ thương bà ta tật nguyền, tội nghiệp. Nhưng hôm nay tôi đang bực muốn chết, mãi chưa thoát ra khỏi cái đám ngốn ngáo lộn xộn này. Bà ta phát hiện ra tôi, nhìn như van lạy, hai bàn tay co quắp chấp chới khiến tôi lúng túng. Chợt chị hàng rau củ quả từ trong quầy nhảy xộc ra, tay chống nạnh: "Bà có im đi mà đứng dậy cho người ta đi không? Ngày nào cũng án ngữ, tắc nghẽn hàng giờ, không bán được hàng thì quật mả bố bà lên mà chôn rau thối à! Tôi bảo bà có đứng lên không tôi vứt mẹ bà ra cống đấy". Mọi người đang căng thẳng vì mãi không đi được, bỗng tỏ ra bất bình ghê gớm khi người phụ nữ chỉ đáng tuổi con bà ức dám xúc phạm người tật nguyền. Nhưng tất cả bỗng phải giật thót tim khi bà ức vụt đứng lên, một tay giơ chiếc nạng gỗ, tay kia chỉ mặt chị hàng rau củ quả tay bo: "Mả mẹ nhà mày, mỗi người một nghề, cơm tao tao ăn, việc tao tao làm, mả bố mày tao không động chạm!" "Đấy nhá các bác các chị thấy nhá. Bà ta mà không đứng bật lên như cái lò xo để chửi vào mặt tôi thì mọi người lại nghĩ tôi ác nhá. Bà ta còn khoẻ bằng mấy mẹ tôi ở nhà, mà ngày nào cũng bò lê bò càng kêu van. Từ giờ thì bà vừa vừa chứ. Bà nỉ non thì cảm động thế mà bà vừa cất cái giọng tác yêu tác quái lên, tôi mặc quần bò mà muốn rách mẹ nó cả quần!" Bà ức giơ cái nạng gỗ lên, ý chừng định phang cho chị hàng rau một nhát, thì anh Vạn xộc tới giằng ngay lấy: "Đ. mẹ! Tôi đã nói bà bao nhiêu lần rồi, làm ăn gì thì làm cũng đừng để lối đi bị tắc, bà muốn tôi đuổi cổ bà ra khỏi đây phải không!" Bà ức lu loa: "Thằng mất dạy, quân ăn cắp nằm tù thối thây, mày lại dám xúc phạm bà kia à, hả quân ăn cắp nằm tù thối thây. Còn mẹ mày nữa đấy! Không có đất này bà đi làm ăn đất khác, thì mẹ con nhà mày không còn đường mà đẽo vào xương tuỷ bà, mày có giỏi thì khênh bà đi!"

 

Anh Vạn bị chạm nọc, đỏ mặt tía tai chẳng nói được câu nào. Nghe nói anh vốn là tội phạm trộm cắp, bị bắt đi tù ba năm, lúc mãn hạn, không có công ăn việc làm, thỉnh thoảng lại giở thói côn đồ với bà con hàng phố. Chính quyền địa phương đã "thu phục nhân tâm" bằng cách cho anh một chân gác chợ, khỏi "nhàn cư vi bất thiện". Bà ức giả lê giả lết ăn xin, nghe nói thỉnh thoảng cũng phải dúi cho anh Vạn mươi đồng mua đĩa lòng lợn nhắm rượu mới yên. Nay đã vạch mặt nhau cả, thì "lành làm gáo vỡ làm muôi", bà ức cứ chửi cho hả dạ, đằng nào thì bà cũng phải đi nơi khác "làm ăn". Anh Vạn biết điều, lủi mất.

 

Tôi về đến nhà thì trời đã tối trẫm. Con gái đứng ngóng trước cổng: "A, cá chép, mẹ đã về!"

Trang Thanh
Số lần đọc: 2166
Ngày đăng: 29.07.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngày của tuổi hai mươi - Nguyễn Đình Bổn
Củ ấu và qủa... bồ hòn - Lê Xuân Quang
Mưa mặt nạ - Nhật Chiêu
Buôn dưa lê - Trang Thanh
Độc huyền - Nguyễn Đình Bổn
Cánh chim lưu lạc - Đổ Thị Hồng Vân
Phố mới - Nguyễn Thị Thu Hiền
Vợ nhặt - Kim Lân
Nhan sắc - Nguyễn Lệ Uyên
Nhật ký 7 ngày - Trang Thanh
Cùng một tác giả
Long lanh mắt bão (truyện ngắn)
Anh ở đâu? (truyện ngắn)
Xóm Đông (truyện ngắn)
Tuyệt tự (truyện ngắn)
Bão (truyện ngắn)
Nhật ký 7 ngày (truyện ngắn)
Buôn dưa lê (truyện ngắn)
Món cá chép (truyện ngắn)