Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
755
116.677.111
 
Buôn dưa lê
Trang Thanh

Buổi chiều mất điện, Huế bắt đầu. Nhà mình có một con bé ở quê lên ở nhờ để thi đại học. Các "bác" biết không, mặt tròn, da trắng, (chỉ vào tờ giấy trắng trên bàn), trắng nõn ra thế này này. Thật đấy. ở đây không ai trắng bằng nó, mà lại ở nhà quê (giọng Huế lên âm cao)! Ai đời đi thi đại học mà chả thấy lo lắng hiện lên mặt tí nào, sểnh một tí là chơi với giai. Tối hôm qua, mười một giờ rồi mà còn ngồi đánh tú lơ khơ với mấy đứa bạn của thằng em mình. Mình thấy ngứa mắt quá nhưng lại nghĩ, nó ở nhà mình có mấy ngày, mặc xác nó là xong. Mình nói ra, không khéo bà mẹ chồng lại cho rằng mình ghen ghét gì cháu bà ta, sinh chuyện...

 

Thế là bắt đầu "chuyên đề" buôn dưa lê của một ngày.

Theo thông lệ, hễ cứ ai nhắc đến chuyện mẹ chồng thì những người có chồng lại tranh nhau kể về các bà mẹ chồng vô cùng yêu quý. Ai chưa có chồng thì kể về mẹ chồng của bạn, của chị hàng xóm... Đàn bà con gái ngồi với nhau thì chuyện gỉ chuyện gì, nếu không quần áo phấn son giày dép ốc luộc khế chua thì cũng quay ra nói xấu hàng xóm, đồng nghiệp, "sếp", mẹ chồng, chị chồng, em chồng, cháu chồng, hàng xóm láng tỏi nhà chồng, lân la đến cả chồng. Xấu tất. Đến khi cảm thấy van vãn đề tài thì có thể nói xấu một cô X anh Y bà G ông Z nào đó mà cả bọn đều chưa biết mồm ngang mũi dọc nó ra làm sao. Này này, bà A cặp với ông B, đi buôn cùng ông C, lại léng phéng với ông C. Ông D là bạn của ông C, gặp bà A là ông ả xoắn lấy nhau, cứ như sắt với nam châm. Các bà có biết không? Đánh ghen nhá! Lộn tùng phèo. Cứ thế, mà từ bà A đến cái ông M, N nào đó, có khi bắc cầu đến năm, bảy mối quan hệ chẳng liên can gì đến ai trong số cái bọn đang buôn dưa lê dưa leo, thế mà chuyện vẫn cứ sướng. Thật lạ! Nhưng lần này thì cái cụm từ "chơi với giai" xem ra lại giàu sức gợi hơn. Chuyện các mẹ chồng yêu quý tạm gác đấy đã.

 

Hạnh, một cô gái chưa chồng, khá duyên dáng, vào vai: Hôm nọ em ức chết đi được. Thế này này các chị này. Cả bọn đang nhao nhao chực nói sang chuyện khác. Này, các chị có yên đi không, chuyện này chưa ở đâu xuất bản, không nghe không kể nữa nhé. Mấy cái miệng lập tức im bặt, các con mắt dồn cả về phía Hạnh, chờ đợi. Kể đi.

 

Thế này này, em gọi điện đến chỗ anh Kỳ để hỏi xin báo cho thư viện, một thằng nhãi ranh nào đó giọng còn non choẹt, sau câu "à lố", nó ngọt sớt: Em hỏi ai, có phải anh không? Không phải anh à? Thế em cần giai nào, để anh gọi. Em chưa hiểu nó định nói gì, bảo, cho em gặp anh Kỳ. ồ, anh Kỳ, giai đẹp nhất báo anh, thì ra em chỉ thích giai đẹp phải không em? Anh thì kém anh Kỳ một chút, nhưng mà em ơi ở đời chưa biết mèo nào cắn mỉu nào. Hì hì hì, anh đùa tí thôi, không dám đùa hai tí em phiền em hờn em giận anh chết bỏ đời anh. Thôi để anh gọi anh Kỳ cho. Em hét vào máy: Đồ vô học! Cũng lúc ấy nó gọi to tướng: Kỳ ơi, gái gọi, Kỳ ơi, gái gọi! Em điên quá, mình quát nó vô học thì nó không phải nghe, vì máy nó buông xuống rồi còn đâu, còn mồm nó toang toác "Kỳ ơi, gái gọi..." thì lọt vào tai mình không sót một từ nào. Đến lúc anh Kỳ vừa "a lô", em điên tiết bảo, đồng nghiệp của anh là một thằng mất dạy. Rồi em cúp máy luôn. Em biết mình cũng vô lý. Một lúc sau, anh Kỳ gọi lại cho em, bảo em quê quá. Bọn nhà báo nó tếu thế, nó đùa đấy mà. ở chỗ anh, hễ cứ có phụ nữ gọi đến thì bảo "gái gọi", còn đàn ông gọi đến thì bảo "giai gọi". Chúng nó nhiễm thói "phóng văn sự" tệ nạn xã hội nhức nhối nhan nhản ý mà. Em cứ tiếp xúc với những ngôn từ như vậy, chả mấy chốc mà ra được cuốn từ điển tiếng lóng. Thế mà hôm nọ em lại bảo bên anh có chân sửa morasse nào khuyết, anh xin cho em. Giờ thì có đấy nhưng anh sợ sang đây, nếu em không phải đi mổ tai vì nghe thì chắc chắn cũng bị ung thư vòm họng vì nói. Ngôn từ nhiễm độc lây lan nhanh lắm em à. Thôi, cứ yên tâm với công việc của mình đi, góp nhặt ngôn từ rồi mà in từ điển, đảm bảo bán chạy hơn tôm tươi.

 

Cả đám đàn bà con gái cười lăn cười bò từ lúc câu chuyện của Hạnh mới đến đoạn lưng chừng, đến lúc Hạnh kể xong thì cười như nắc nẻ. Má Hạnh đỏ bừng, trong lúc kể lại vung tay hất tóc làm điệu làm bộ như diễn viên đang nhập kịch. Hạnh ta thán: Sao lúc ấy em ức thế, về sau thì cứ buồn cười mãi.

 

Ôi - chị Vi, cũng "lính phòng không" đã đến độ "băm", bắt đầu khởi động bằng một từ cảm thán. Cái bọn nhà báo, chúng nó ghê lắm. Để chị kể mà nghe. Hôm nọ bạn chị làm báo ở Sài Gòn ra chơi, nó lôi chị cùng đến nhà một lão họa sĩ. Lão ta đã già ơi là già, chả biết vợ con thì ra làm sao. Chị với con bạn đến nhà thì thấy lão có một mình, nhà chất đầy tranh tượng, toàn phụ nữ khỏa thân, nhiều cái trông cũng đẹp ra phết, mà lão ta thì buồn cười ơi là buồn cười. Người thì lùn, bụng thì phệ, chân thì ngắn một mẩu, đầu thì hói, tóc loăn xoăn bạc lơ phơ, hàm răng trên dưới cũng lấp lóe mấy cái bạc vàng, thế mà cứ xưng anh với bọn chị ngọt sớt. Lão bảo, anh thực sự ngưỡng mộ em, nhà báo như em là rất có bản lĩnh. Gần đây có nhiều báo đến đặt vấn đề viết chân dung anh, nhưng anh thấy bọn đó ngô ngọng về nghệ thuật, biết gì mà viết, không khéo chân dung anh nó lại "vẽ nhọ bôi hề" thì anh cần gì. Bôi quết bóp nặn là nghề của anh mà. Nên anh mới gọi cho em. Anh biết một bài báo với em chả được bao đồng nhuận bút, nói ra thì sợ em cho là thiếu tôn trọng em, nhưng anh thật lòng muốn mua vé cho em bay về Sài Gòn. Em cứ ở lại đây ngày mai, ngày kia nữa, chúng ta đến nơi nào đó yên tĩnh để nói chuyện, rồi đi máy bay vèo cái là đến nơi, khỏi bị say tàu xe. Em viết thì anh mới yên tâm được. Cũng là để chúng ta có kỷ niệm với nhau. Bạn chị nó bảo: Thế này chú ạ, cháu tưởng chú gọi cháu đến vì mấy bức tranh chú muốn đặt ở Gallery của bà chị cháu, thì tiện thể ra công tác cháu rẽ vào xem thế nào, chứ chuyện viết lách về nghệ sĩ tạo hình thì cháu cũng ngô ngọng lắm. Thôi, cháu xin phép chú. Mặt ngắn tũn, lão nghệ sĩ kệnh kạng đứng dậy, khùng khuỳnh làm điệu bộ ngửa hai tay lên trời: Anh biết, anh biết ngay là em lại hiểu lầm anh mà. Vậy mà anh cứ tưởng khi em đến đây là chúng ta đã hiểu nhau rồi. Bạn chị bảo: Vâng, trước khi đến cháu hiểu thế này, đến rồi hiểu ra thế nọ, ra về lại hiểu thế kia. Thôi chào chú. Chị bảo nó, mày khiếp thật, đối đáp gì mà cứ thẳng từng tưng, không sợ lão phật ý à? Nó bảo, độ tuần ba lần gặp ba lão như thế, lo phật ý thì xếp bút đi hầu các lão là vừa. Bọn tao quen rồi. Mấy cái lão già ấy, lúc nào cũng tỏ ra chịu chơi để vớt vát cái sĩ diện, chứ hết thời rồi, lủng liểng cả rồi, mất thời gian với các lão làm gì. Khiếp không?

 

Chị đúng thật là "em ở nhà quê mới ra". Mới có thế mà đã cho là khiếp. Trà, một cô gái đầu óc đầy hiểu biết nhưng cũng lắm mâu thuẫn, nhiều lý tưởng mà không hiểu sao lại rất hay bất mãn, nãy giờ chỉ cười và nghe, lúc này đã vào guồng. Chuyện bồ bịch bây giờ, báo chí đã tổng kết đấy thôi, trong 100 người đi đường thì có đến 85 - 90 người có bồ. Đàn ông họ mất gì mà không thả mồi buông câu, như cái lão họa sĩ ấy. Một con bạn em nó bảo, chuyện trai gái thời nay sẽ xảy ra khi có thích hay không thôi, chứ chả quan trọng gì. Em thì nghĩ đàn bà chỉ có bồ khi gặp bất hạnh trong hôn nhân, chứ đàn ông thì, lớn bùi bé mềm, nó mất gì mà nó chả chài con người ta. Nhưng con bạn em lại bảo, mày ơi cái thời người ta phải lòng nhau, bỏ nhà bỏ cửa đi theo người tình qua rồi. Khái niệm đàn bà chỉ lên giường với đàn ông khi thực sự yêu, cần phải xem lại, bởi nó đã trở nên lạc hậu với tất cả. Em với nó tranh luận như cãi nhau một hồi. Nó bảo, mày không bao giờ chừa được thói hiếu thắng. Thôi thì cứ cho là mày đúng, mày lúc nào cũng đúng, như sách viết ấy. Đây, sách đây này, mày đọc đi, rồi hôm nào rỗi chúng ta lại tranh luận.

*

Câu chuyện Trà kể mới đến đó, tưởng như có thể kết thúc cái đề tài tình yêu luôn hấp dẫn mọi người mọi lúc mọi nơi. Nhưng sự thực thì Trà không thể là "trọng tài" trong chuyện này. Lâu nay, trong các cuộc tranh luận ở cơ quan X, vấn đề chính trị, thời sự, tham ô, hối lộ gì rồi cũng chốt lại được. Ví như chuyện quan chức A ngành thể thao hiếp dâm trẻ vị thành niên. Chuyện quan chức B ngành xây dựng rút ruột công trình nhà nước hàng trăm tỉ đồng... Trong bọn không ai có khả năng chốt thì cũng có báo chốt, truyền hình chốt, ông này ông kia chốt, như thế, như thế, như thế, rồi thì án cũng phải tuyên, phạm nhân không bị tử hình không được tha thì cũng phải vào tù. Nghĩa là mọi sự rồi cũng đến hồi phân giải, rõ ràng lắm, còn minh bạch hay không thì chưa dám chắc. Và nếu có vụ khác thì các bà các chị lại tiếp tục buôn lê để "tham gia cùng các cơ quan chức năng" giải quyết vụ khác, đương nhiên. Chỉ cái chuyện buôn lê về tình yêu, yêu hay không yêu, yêu thật yêu giả, yêu đến chết đi chăng nữa, thì rồi ra kết cục thế nào, cũng vẫn còn mỗi người mỗi ý. Cuộc tranh luận hôm đó càng về cuối càng cứ nở bung và nóng bỏng như ngô trên chảo rang. Ai cũng có cái lý của mình, cơ chừng không có dấu chấm hết. Cho đến khi kim đồng hồ đã chỉ 17h, tức là cái giờ mà mọi người dù say mê công việc đến mấy cũng đành gác lại để ra về, lo đi chợ, lo đón con nhỏ, hoặc bắt đầu một cuộc hẹn hò lãng mạn nào đó... ấy vậy mà các chị vẫn mồm chữ O mắt chữ A tay chữ Z, ý chừng còn hăng lắm. Nhưng rồi chị Vi bỗng nhìn đồng hồ mà kêu lên: Thôi thôi, hôm nay bàn thế là đủ rồi. "Chuyến lê" của chúng ta tạm dừng ở ga xép này đã nhé. Mấy cái miệng xinh xắn chợt ngưng bụm. Nhưng chính chị Vi lại chưa ngưng. Chị bỗng trở nên nghiêm giọng dõng dạc: Những chị chưa chồng nghe tôi giãi bày một chút, chỉ còn 5 phút nữa cho các chị quyết định hộ tôi xem, tối nay tôi có nên đi chơi với một người mới quen hay không. Chẳng hiểu sao, cứ nghe cái gã này nói đến câu thứ ba thôi là tôi đã thấy hoang mang thế nào ấy. Đi chứ chị, sao lại không. 30 mùa lá vàng rơi rồi, mình không lừa nó thì thôi chứ lại sợ nó lừa mình à. Mà có thằng nào nó lừa cho, có khi lại “trúng số độc đắc” đấy chị ạ. Em cũng phải về thôi, còn đón con, Huế tiếp. Và em sẽ quyết không nói một câu nào xem tối nay thằng chồng em có làm lành với em trước không, rồi, mai em kể cho mà nghe. Dạo này, gã nhiều cái vô lý lắm.

 

Tất cả rục rịch ra về. Chị Vi mặt đỏ gay, không biết vì hồi hộp trước cuộc hẹn hay cái khí nóng bốc lên do tranh luận. Bước ra đến cửa phòng rồi, lại quay vào, chị bảo: Còn cái Hạnh cái Trà cái Mai nữa, có thằng nào nó tán thì cứ hẹn hò với nó đi, tuổi còn trẻ, đừng hoang mang sớm như chị làm gì. Hạnh, Mai, Trà cười ngoác miệng: "Bác" nói chí phải. Bọn em phải yêu chứ. Yêu để còn có chuyện mà kể. Thôi về đi. Chúc cuối tuần hạnh phúc!

*

Thế rồi, mới đầu giờ sáng thứ 2, từ cầu thang cơ quan X đã vang lên tiếng gọi lanh lảnh: Chị Vi ơi, Huế ơi, Mai ơi, ra đây, đây, đây kia mà!

 

Và chuyến tàu buôn lê lại khởi hành.

Nhiều người, sau khi nghe tôi kể câu chuyện này, vẫn cứ thắc mắc rằng, chuyện ở đâu ra mà các mẹ các chị các bạn ở cơ quan X nói lắm thế? Tôi lại phải xin thưa rằng, nhiều lắm, kể ra thì có cả đời không hết chứ nào đâu đã phải một ngày. Cứ hết chuyện lại sinh chuyện. Cứ ngồi với nhau là có chuyện. Ngày nay chuyện ngày mai lại chuyện. Sáng nói dở một tí đợi trưa nói nốt. Thôi còn chuyện quan trọng nhất để đến chiều. à, còn chuyện này nữa định hỏi, nhưng mà thôi, để dành đến mai. Còn chuyện này thì phải bí mật. ừ, phải thật bí mật đấy.

 

Và độc giả có biết không? Mỗi khi hai từ "bí mật" được phát ra là y như rằng có hai người trong đám đông bỗng nháy mắt với nhau một cái rồi kéo nhau ra góc khuất: Chuyện này chỉ có chị và em biết với nhau thôi đấy. Khéo vẽ. Có bí mật hơn chuyện ngoại tình không? Hỏi thì hỏi ngay bây giờ đi, người ta còn có hứng mà trả lời, để đến ngày mai là người ta thay đổi ý kiến, không trả lời nữa đấy. Kinh thật, bây giờ lại mặc cả với nhau nữa! Nhưng mà đừng có nhảy dựng lên đấy nhé. Ghé sát tai vào đây, em bảo. "Sếp" nhà mình với... có chuyện rồi! Thế á? Thật không thể tin được. Miệng lưỡi thiên hạ thì liệu có đúng không, mà em đã nói chắc như đinh đóng cột? Chắc chứ sao lại không. Chuyến này thì biết đâu, cháy nhà, chuột con lại vớ được mèo già. Thế sự đến là điên đảo. Hôm trước em còn nghe nói, ông ta ly thân với vợ đã nửa năm nay. Chắc cũng chả cua nem quế cả thôi. Chuyện mới đến đó, vẫn còn úp úp mở mở, chưa hiểu đầu cua tai nheo nó ra làm sao, thì cái mặt chị Vi bỗng trầm ngâm: ừ, nếu “sếp” nhà mình có sa vào chuyện ấy, thì cũng thường tình như thiên hạ người ta, và cũng là khỏi lạc hậu so với thời đại thôi, chứ gì mà em cho nó quan trọng hóa vấn đề lên. Chị thật lòng nói thế đấy à? Hả chị? Sao bỗng nhiên chị lại tỏ ra thấm thía nhân tình thế thái đến thế! Chứ lại không à? Em nhớ giữ mồm giữ miệng không lại chết cả lũ đấy! Chị buôn gì thì buôn, chứ tư cách người khác là chị không có buôn đâu.

 

Nói thế, nhưng đến lúc túi khoác vai đầu đội mũ tay dắt xe chân bước miệng chào để ra về rồi, vẫn cứ níu nhau lại. Này, em ngạc nhiên vì chị đấy. Chuyện lúc sáng em kể thế mà chị không có ý kiến gì, lại tỏ ra cảm thông thì em lạ chị đấy. Em đã tưởng chị phải nhảy lên sung sướng vì vớ được đề tài béo bở kia. Chị lại sợ tai vách mạch rừng à? Rõ hèn! ừm... Chẳng hèn mọn gì đâu. Có điều, sự đời nó vậy. Để mai chị nói cho mà nghe. Không, để mai thì hết tính thời sự. Ô hay cái cô này, cô cũng đến lúc không tin tưởng chị nữa à? ở đây ai đã nhập cuộc buôn hàng chuyến rồi thì nhất định phải vào guồng chứ. Bây giờ không phải là dưa lê nữa, mà còn dưa hấu dưa bở dưa leo lẫn cả dưa hành. Tôi và cô, chúng ta muốn giãy ra sao được.

 

Thế rồi đến sáng ngày mai... Cơ quan X, những gì được coi là bí mật giữa hai người phụ nữ của buổi chiều hôm qua, được phát tán đi khắp mọi ngóc ngách tâm hồn các bà các cô. Tất cả đều lên cơn "phải gió"...

Trang Thanh
Số lần đọc: 2185
Ngày đăng: 24.07.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Độc huyền - Nguyễn Đình Bổn
Cánh chim lưu lạc - Đổ Thị Hồng Vân
Phố mới - Nguyễn Thị Thu Hiền
Vợ nhặt - Kim Lân
Nhan sắc - Nguyễn Lệ Uyên
Nhật ký 7 ngày - Trang Thanh
Chuyện từ thời chiến - Nguyên Quân
Dây tóc tiên - Trần Lệ Thường
Tình Cỏ Lau - Nguyễn Nguyên An
Chị… - Hiếu Minh
Cùng một tác giả
Long lanh mắt bão (truyện ngắn)
Anh ở đâu? (truyện ngắn)
Xóm Đông (truyện ngắn)
Tuyệt tự (truyện ngắn)
Bão (truyện ngắn)
Nhật ký 7 ngày (truyện ngắn)
Buôn dưa lê (truyện ngắn)
Món cá chép (truyện ngắn)