Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
667
116.704.701
 
Nhịp điệu đàn ông,nhịp điệu châu thổ sông Hồng
Đức Uy

Thơ Nguyễn Linh Khiếu là lạ, khó đọc, hình như kén công chúng. Viết về “đám đông”, nhưng không dành cho đa số. Một kiểu thơ lạ, hiếm. Hiếm vì lạ nhưng lạ không nhất thiết hiếm. Nói như vậy chẳng phải học đòi chất “tù mù” của các triết gia để trình bày những cảm nhận về thơ của một người vừa là nhà thơ vừa là tiến sĩ Triết học. Ở anh Triết học biến thành triết lý sống. Mà sống là căng hết cỡ sáu giác quan để cảm và nhận và trừu tượng hoá - kết tinh hoá các chi tiết của đời sống cây, con và người.

 

Với ý nghĩa này, tôi chia xẻ nhận xét tinh tế của Nhà thơ, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn về không gian thơ Nguyễn Linh Khiếu: “... đó là không gian triết học bồng bềnh trong tâm tưởng nhà thơ như thực như ào, không gian tĩnh lặng an nhiên mà vẫn chưa thể nào nguôi những day dứt trần thế”. Song “bến ưu phiền” “miền đói khát” “miền cây say đắm” “xứ sở vị lai” “cõi giới vô cảm”, nếu xét từ khía cạnh kết tinh hoá - chắt lọc khái quát ở bậc cao mà Nhà thơ Đỗ Minh Tuấn thấy trong thơ anh, “càng ngày không gian càng mất đi địa chỉ cụ thể để trở thành những cột mốc tâm linh(1) - như một nét đặc sắc của vũ trụ thơ Nguyễn Linh Khiếu, thì nếu đẩy đến độ tột cùng triệt để, hết cơ sẽ làm cho thơ anh như những hàng chữ hiện trên màn hình xanh lơ của máy vi tính; nói chính xác hơn, thơ của người máy vì khả năng kết hợp các từ với nhau là gần như vô tận ở máy so với người.

 

Thơ Nguyễn Linh Khiếu khó đặt cho nó một cái tên nào chuẩn. Thơ Thiền? Thơ Triết học? Thơ triết lý? Thơ phồn thực?... Tôi nghĩ thơ Nguyễn Linh Khiếu sẽ nhàm chán, khuôn sáo, nếu chỉ với những hình tượng phương Đông - Hán hoá rồi Việt hoá như “rồng thiêng, chim phượng, hồng hạc, rùa vàng”, nếu, lại như Nhà thơ, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn viết “Ngày ngày, nhà thơ đối diện và đối thoại say sưa cùng quá khứ, bạn bầu tâm sự với những con vật kể trên - những loài vật sống vật vờ giữa huyền thoại và thực tế, nửa là sinh vật nửa là ký hiệu...”. Không chỉ một lần “tuổi thơ của thi sĩ hiện lên ám ảnh trong mỏ vàng của chú sáo đen vừa trần thế vừa thánh thiện vừa sâu sắc(2) mà lớp lớp những hình ảnh đan xen, chồng chéo nhau, nhờ kết tinh hoá, khái quát hoá ở cấp độ cao các chất liệu - hình tượng khiến cho thơ Nguyễn Linh Khiếu mới lạ có chất tích hợp của mọi yếu tố và đó là giá trị nổi bật của thơ anh trong hàng ngũ các gương mặt thơ trẻ Việt Nam trong những năm cuối cùng của thế kỷ XX.

 

Tính tích hợp của thơ Nguyễn Linh Khiếu khiến cho hình tượng không thể “đóng gói” trong một đơn vị ngôn ngữ, ngữ nghĩa hay từ vựng, ngữ âm nào. Hãy cảm thụ: “những cánh đồng còn đang ngửa mặt / mặt đất cuộn mình trong giấc ngủ nâu / có ai biết sau mưa tuổi dậy thì của đất” (Những giọt mưa đến sớm. 1983). Và, “những khu vườn đã ấm tổ chim / cành cây trĩu lời trống mái / những dòng sông lững thững đi ra biển / những cánh đồng vạm vỡ tuổi hai mươi” (Tháng tư. 1983). Và, “vẫn cồn cào con nước xuân / thuỷ triều reo ro ro trong máu / thuỷ triều reo ong ong dưới tóc mình” (Mùa xuân con nước. 1989).

 

Từ tập thơ đầu tiên “Chùm mơ tiên cảm” (1991) rồi đến “Mùa thiêng” (1995) và “Hoa linh” (2000) đó là một hành trình thơ vừa nhất quán vừa đột biến về thi pháp. Bắt đầu với bài “Những giọt mưa đến sớm” được viết sớm nhất là tháng 1-1983 đến bài cuối cùng sắp khép lại thế kỷ XX mà “Ban mai Diêm Điền” bản trường ca được viết vào tháng 1-1999 như một sự sơ kết hay tổng kết một quãng đời, một giai đoạn sáng tạo thơ. Thế giới thơ Nguyễn Linh Khiếu ngày càng tích hợp, trầm lắng, lắng đọng, suy tư, bớt hối hả đam mê hơn, ít tưng bừng và hân hoan, sảng khoái hơn. Vì sao, chắc vì nhiều lẽ sau hơn mười năm tha hương lưu lạc tìm kiếm và đã tìm thấy mình trong những áng thơ đã viết và sẽ viết ra về một thời để nhớ, để buồn, để vui, để gửi gắm, để xây miền ký ức và dường như để tạm nghỉ, thư giãn, sơ kết lại, cấu trúc lại tâm hồn, nhịp điệu, tiết tấu của mình.

 

TƯNG BỪNG NHỊP ĐIỆU SINH SÔI

 

Về Nguyễn Linh Khiếu, trong con mắt Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - một thi sĩ trẻ cũng có cội nguồn đồng quê nhưng không có phù sa, thuỷ triều như Nguyễn Linh Khiếu, thì “trông anh (Nguyễn Linh Khiếu) như một cậu học sinh phổ thông trung học. Nhưng đó lại là một nhà thơ, một nhà thơ am hiểu phong thuỷ. Và cao hơn cả là một nhà thơ gắn tâm linh với những bông cúc quỳ và luôn nhìn thấy những mùa động đực của châu thổ sông Hồng, một nhà thơ mà trong những cơn mơ chỉ thấy mình đang cưỡi trâu rống lên trong những ngày cỏ đâm mầm rạo rực, mặc dù Khiếu có viết về hoa hoàng lan về chim phượng(3).

 

Hãy gạt sang bên những chuyện lan, phượng, cúc quỳ, dường như là những hạt sạn trong thơ anh như tôi đã nói ở trên, để thụ hưởng cùng nhà thơ: “nghe tâm hồn mình hồn nhiên háo hức / tưng bừng giai điệu ngôn ngữ / tưng bừng giai điệu gái trai / tưng bừng giai điệu yêu đương chan chứa sôi động / tưng bừng nhịp điệu sinh sôi nảy nở” và: “bỗng nhiên ta hồi sinh tràn trề sinh lực và vô cùng cường tráng / vô cùng dũng mãnh hào hùng / đó là ân đức trời dành cho nhà thơ” (?) (Ban mai Diêm Điền, 1999).

 

Dấu hỏi tôi thêm và cuối mạch thơ trên như một bài toán cần giải những yếu tố cấu thành nên con người và thơ Nguyễn Linh Khiếu. Theo phân tâm học Freud, mọi cái là do / là bởi / là tại Thời thơ ấu của con người mà ra, từ cái thiện đến cái ác, từ tài đến đức. Vì đâu chất tính dục đậm đặc thấm đẫm trong thơ Nguyễn Linh Khiếu? Anh không chỉ là đứa trẻ suy dinh dưỡng như Nguyễn Quang Thiều nhận xét, khám nghiệm mà như tự thuật của chính nhà thơ: “Cô tôi kể, ngày nhỏ tôi được cô cho đi chăn trâu, cùng cưỡi trâu và người làng thường thách đố nhau, tôi là con trai hay con gái. Khi đó, họ thường kéo quần tôi ra để giải đố. Mỗi lần như thế tôi thường khóc thét lên vì sợ người lớn thiến chim của mình như họ thường thiến những con trâu đực một cách không thương tiếc mà tôi thường vừa vô cùng hoảng sợ vừa tò mò xem ở gốc duối trong ngõ nhà mình. Cô tôi nói, khi hai ba tuổi, tôi trắng trẻo, mặt tròn, mắt đen láy, môi đỏ như con gái” (Trâu mộng. 1997).

 

Với tư cách là một nhân cách và thi sĩ, Nguyễn Linh Khiếu sẽ không có một vị thế nào đáng kể trên văn đàn cuối thế kỷ XX nếu anh chỉ ngụp lặn trong những đam mê tính giao. Ngay cả khi nhà thơ “tính dục hoá” cái nhìn của mình, chúng ta cũng thấy những khoảnh khắc thăng hoa - “thời thơ ấu của mình thực sự là một thế giới vô cùng khoáng hoạt, náo nhiệt, lộng lẫy và tưng bừng sinh sôi nảy nở. Đó là một xứ sở đang trưởng thành, nở nang, cường tráng và dồi dào sinh lực” (Tự bạch 2000).

 

Sự cảm và nhận của nhà thơ vừa có tính chất nhục cảm vừa có tính hiện sinh. Xin đơn cử vài ví dụ trong kho thơ của anh: “sớm mai lên chợ Bưởi mua hai chậu mai chi / người bán nói rằng đó là một cặp cây khăng khít với nhau một đực một cái” (Hoa mai 1998). Hay: “nhà thơ của những lời ca quyến rũ / lú lẫn bởi những chiều cạnh lồi lõm những mấp mô thăm thẳm và những... bỏ bùa... / những người mẫu thời trang ròng ròng xuân sớm ròng ròng thịt da ròng ròng mắt môi ròng ròng hứa hẹn khả thi” (Nhà thơ và người mẫu. 1998). Nếu Nguyễn Linh Khiếu chỉ phả hơi nhục dục vào những thân thể người mẫu, da thịt người trần thôi thì tầm vóc thơ của anh thiếu chất khái quát. Mọi cái, mọi thứ, từ đồ vật đến cây cối, con chuột, con trâu, con người đều bị thi sỹ nhuốm màu nhục cảm - sinh thành, nảy nở ở độ viên mãn tràn trề, ở đỉnh cao estage (cực khoái) của sự tươi mới hầu như không quan tâm đến lúc nào sẽ khô héo, tàn úa, tiêu điều như định mệnh.

 

Trong thơ anh ta thấy cả một mùa động đực của châu thổ sông Hồng chứ đâu phải chỉ của con vật và con người. Tôi khoái nhất bài “Những nàng chuột đồng”, có ngọn nguồn cảm hứng từ tranh dân gian Đông hồ “đám cưới chuột” nhưng Nguyễn Linh Khiếu nâng cấp cái con vật tưởng như hôi hám và có hại kia thành những “hoa hậu của đồng quê linh hồn của những đêm thiêng hội hè đình đám bí hiểm” (Baktin đã có ý ca tụng các đêm hội hóa trang carnaval, không đeo mặt nạ mà bí hiểm vì trai gái sống thực với nhau như thời Ađam và Eva - mô típ này - bí hiểm của hội hè đình đám ít được khám phá và khai thác trong văn chương xứ ta).

 

Những nàng chuột đồng kiêu sa lộng lẫy xiêm y và súng sính nữ trang / bao giờ cũng tươi roi rói láu lỉnh và thoăn thoắt gợi cảm... / các nàng luôn chứng tỏ tràn trề sinh lực bằng sự mắn đẻ mê hoặc của mình” (Những nàng chuột đồng. 1996).

Những chiếc rèm phất lên ngọn cờ hớn hở gọi lứa đôi về phòng ngủ / trong căn phòng đơn sơ của mình / chạy trốn đơn điệu ta vài lần thay rèm cửa / những chiếc rèm bao giờ cũng khôn ngoan và thích hợp  tuy có lúc nó sẽ trở thành tã lót và giẻ lau nhà (Những chiếc rèm. 1995).

 

Các sinh linh của Nguyễn Linh Khiếu hay nói cách khác. nhà thơ hình như “sinh linh hóa” một cách bình đẳng mọi cái, mọi con, mọi vật, và mọi người trong một hợp quần đồng giao vui vẻ và hớn hở. Chất Lão Tử trong thơ anh là ở đây. Chúng nhờ thế mà chẳng bao giờ cô đơn, ngoại trừ bản thân nhà thơ đôi khi thấy mình đơn độc vì bị ám ảnh bởi những miền ký ức nào đó nên cảm thấy khó dấn thân vào đời sống hiện hữu chăng?

 

Mùa động đực của: “châu thổ náo động nhịp điệu truyền giống thiêng liêng / lộng lẫy phù sa căng tròn và hùng dũng như đàn bò cái / trường lên trườn lên tươi roi rói và hổn hển” (Phù sa sông Hồng. 1995). Cái vô thức Libido - sức sản sinh - bản năng tính dục ở Nguyễn Linh Khiếu phải đợi không chỉ một va đập của không khí phóng khoáng hào sảng của dân mở đất Nam Bộ với vô thức lấn biển Thái Bình quê anh mới mở cho thơ anh đi vào hiện đại như Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo tinh ý nhận ra(4), mà cả những bến bờ mới lạ như Chao Phraya và đâu chỉ có Á châu mà anh đã đặt chân tới, như một “thế hệ mới đang hun đúc đang hân hoan dạt dào bờ bến mới” để trở lại cửa sông Hồng nơi đã sản sinh ra một nhà thơ  nhỏ thó mà nặng nặng những phù sa tiên cảm, mùa thiêng, hoa linh tràn trề sinh sôi nảy nở và tăng trưởng...

 

Vậy thơ Nguyễn Linh Khiếu là thơ gì? Thơ phồn thực chăng? Không. Gọi như thế là mới nắm bắt được một nét đặc sắt nhất của thơ anh. Vả lại tôi không thích cái từ “phồn thực” chẳng những vì nó có gốc Hán mà như một nhãn mác dán vào hàng hóa cao cấp khó có thể bóc ra. THƠ TÍCH HỢP may ra bao trùm gần hết cái thế giới thơ Nguyễn Linh Khiếu. Có thế giới Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, v.v.. là bởi họ đã định hình và trụ vững trong và ngoài các đường biên được vẽ bởi các nhân vật, các giọng điệu, các tiết tấu, các cấu trúc ngôn ngữ riêng không lẫn với người khác. Vì một lẽ nữa, ở thơ Nguyễn Linh Khiếu mọi cái đều được THIÊNG hóa mà không thần thánh hóa, tôn giáo hóa, thần bí hóa. Thế tục hóa cái trần thế, đời thường mà không làm nó dung tục hóa, tầm thường hóa, dâm hóa...

 

Trong thơ Nguyễn Linh Khiếu mọi cái tóm lại được phả một sự sống - animal - libido biến thành các thực thể sống và yêu. Yêu nhau không chỉ là nhìn ngắm nhau mà để ân ái với nhau theo đủ mọi nghĩa với đủ mọi đối tượng của thơ anh. Không phải chỉ có sự phồn thực mà là sự sinh sôi, nảy nở, sinh đẻ, giao hòa. Như đã nói ở trên, các nhân vật - sinh linh của nhà thơ đều hân hoan, ham sống, ham yêu, không ngẫm về sự cứu rỗi, tàn phai. Chính vì vậy cái nhìn của thi sĩ là cái nhìn đắm đuối - nhục cảm đối lập với cái nhìn vô cảm hiện sinh của J. Satre với những nhân vật lúc nào cũng buồn nôn, mệt nhọc và chán trường. Hãy so sánh hình tượng - chi tiết cái rễ xoan tây. Rôcăngtanh - nhân vật của “ Buồn nôn” thấy cái rễ xoan tây to, bò lan trên mặt đất như một con rắn và thấy nó lỳ lầm, phi lý, làm chàng buồn nôn, nhầy nhụa, tuy bản thân nó là “vô tư”. Nguyễn Linh Khiếu lại có cái nhìn khác hẳn, tuy cũng hiện sinh, giả định trong cùng tình huống, thì cái rễ xoan tây kia sẽ tượng trưng cho sức sống mãnh liệt và xoắn xuýt yêu đương nhau dưới chân ta, như những cây đước, cây tràm ở rừng phương Nam hiện lên trong thơ anh...

 

Có người đến chất tâm linh - chất thiền của thơ Nguyễn Linh Khiếu, với các nghĩa khác nhau, riêng tôi thấy Nguyễn Linh Khiếu thiền bằng cách hóa thân vào các sinh linh để chiêm ngưỡng hưởng thụ cùng chúng hoặc đứng một mình chiêm ngưỡng vui hưởng các thú chơi, niềm hân hoan của mọi sự sinh sôi với những khoảnh khắc thăng hoa thật là thiền: “đang chầm chậm khuất dần hoàng hôn sành sứ / ngời sáng hoa văn và gốm và rực rỡ ròng ròng men chảy trong mưa” (Sành sứ. 1997)

 

Dù có: “ròng ròng men chảy trong mưa / ròng ròng thịt da ròng ròng mắt môi ròng ròng hứa hẹn khả thi” thì Nguyễn Linh Khiếu vẫn nhất quán, vẫn thiền trơ trơ vì anh “đồng nghĩa với tung tăng cá tôm hào thuận, với lũ cào cào châu chấu, còng còng nhút nhát, lũ giun đất, lũ lươn trạch, với bầy sáo đen mỏ vàng và loài cây bình địa mộc muôn thủa xum xuê vạm vỡ muôn thủa mướt xanh tươi tốt muôn thủa cây cao bóng cả ngang tàng khoán hoạt và trường sinh”. Nếu so sánh Nguyễn Linh Khiếu với Nguyễn Quang Thiều ta thấy tuy là đồng thời, đồng nghiệp nhưng rất khác nhau, đó là cội rễ và âm hưởng thơ: ven sông và ven biển - đã sinh thành hai khoé nhìn và phát lộ hai giọng điệu thơ khác biệt: đắm đuối - nhục cảm - cộng cảm của Nguyễn Linh Khiếu và đau đớn - chia sẻ - suy tư của Nguyễn Quang Thiều.

 

Tuy có hơi khác với Nguyễn Bính nhà thơ chân quê đã thốt lên một câu rubi “Hôm qua em đi tỉnh về / Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” gợi cho người đọc cảm giác thi sĩ chỉ hơi tiếc cái chất đồng quê, Nguyễn Linh Khiếu lại hầu như có ác cảm hay không thích ứng được văn minh đô thị, khi sắp bước sang thế kỷ XXI ta vẫn đọc thấy ở “Ban mai Diêm Điền” của anh những vần thơ phản đô thị. Khó có thể nói nay mai nhà thơ này có thể chuyển gam, phá cách chuyển từ nhịp điệu châu thổ sang nhịp điệu phố phường được hay không?

 

Thực là khó có thể dự báo sang thế kỷ XXI, vũ trụ thơ Nguyễn Linh Khiếu có thay hình đổi dạng hay không, thì dù thế nào chất hoài cổ của phần lớn các nhà thơ và các nhà văn hình như ở độ tuổi trên dưới 40 do chất quê - tiểu nông vẫn còn ám ảnh họ. Nguyễn Linh Khiếu không ngoài số này, ngay cả khi anh chiêm ngưỡng một vùng thị trấn quê hương với “những chóp nhà mới khô sơn ngô nghê tội nghiệp / sự giầu có của những phú ông phố huyện đang nô nức trưng bày / ta lắng nghe nhịp điệu mái phố ô hợp láo nháo như thể phường chèo / ta lắng nghe nhịp điệu phố phường đang hoắng lên” (Ban mai Diêm Điền. 1999). Câu trả lời dành cho bản thân tác giả là: “vì đâu ta cứ cay cay sống mũi khi bắt gặp bóng hình tồi tội những biểu tượng ăn chơi phố huyện”.

 

Và, đến đây tôi lại tin rằng Nguyễn Linh Khiếu sẽ khác đi trong thiên niên kỷ mới nếu anh thôi không tự bạch: “ta là kẻ hành hương về cội rễ của mình / chẳng lỗi lầm gì vẫn mê mải tìm về cõi hài hoà” (Sáo đen mỏ vàng. 1993), bởi vì Trời đất đã thay đổi, không đối xứng, hài hoà như hai câu đối treo ở cửa ngôi đền xưa nữa? Sự hài hoà ở cấp độ cao hơn, có phải thế chăng, hỡi thi nhân phì nhiêu không khi sinh nở?!./.

 

 



(1) Đỗ Minh Tuấn: Ngày văn học lên ngôi, Nxb Văn học, Hà Nội, tr 351

(2) Đỗ Minh Tuấn: Ngày văn học lên ngôi, Nxb Văn học, Hà Nội, tr 359

 

(3) Nguyễn Quang Thiều: Năm chân dung âm bản. Văn nghệ trẻ số 2/1997

(4) Nguyễn Trọng Tạo: Văn chương và cảm nhận, Nxb Văn hoá thông tin, 1998, tr 105-107

Đức Uy
Số lần đọc: 2022
Ngày đăng: 08.08.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Thế à ! ” - Trần Kiêm Ðoàn
Đôi Điều Về Tập Sách Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại - Phạm Đình Trọng
Dịu dàng nhìn quanh : *Đọc Tập thơ “Cơn ngạt thở tình cờ” Tác giả Trần Lê Sơn Ý - Trần Hữu Dũng
Sống lại một Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại - Nguyễn Đức Thiện
Thế Lữ: Nhớ Rừng và… Lời Tâm Sự của Chúa sơn lâm ! - Lê Xuân Quang
Suy nghĩ về câu nói của nhà nho Nguyễn Tư Giản - Triệu Từ Truyền
“Người và Đất Tiền Giang ” – Mảnh đất của nhiều nhân tài. - Hoàng Lan Hạ
Lyotard với tâm thức và tình cảnh hậu-hiệnđại-1 - Bùi Văn Nam Sơn
Lyotard với tâm thức và tình cảnh hậu-hiệnđại-2 - Bùi Văn Nam Sơn
Ngụ ngôn hậu hiện đại : Đọc Luận ngữ tân thư của Phạm Lưu Vũ, Giấy Vụn xuất bản, Sài Gòn, tháng 07.2007. - Inrasara