Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
608
116.672.024
 
Không nói nữa
Phan Tử Nho

Nếu mình biết chắc mình đúng, không cãi nữa.

Nếu mình biết chắc mình sai, lại càng không nên cãi nữa!

 

1.

Từ bé, tôi luôn nghe “Mẹ bảo…”.

Ngược lại, Bố không nói gì ngoài những chuyện tào lao, tiếu lâm và cặn kẽ những bài toán khó ông giải cho chúng tôi. Tôi loáng thoáng nhớ dáng ông gầy, đen nhẻm, bóng loáng mồ hôi bên giếng nước, hì hục kì cọ cho tôi. Sợ nhất là ông xối cả gàu làm chúng tôi ngộp hơi mỗi khi tắm táp. Tôi còn mang máng giọng ru trầm ấm của ông trên chiếc võng sờn gai cho em tôi say giấc trưa. Hai cha con trở đầu nhau, đôi chân bé xíu của em gác lên bụng bố, tiếng kẽo kịt mài mòn lời Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên…mà ông chợt nhớ. Có lẽ chị em chúng tôi khi còn bé cũng thế!?! Buổi trưa oi nồng trong ngôi nhà đất bé tẹo mà ông đã một mình dựng lên, cho tôi cảm giác mát mẻ và sung sướng. Tuổi 9, 10 mà!

 

Từ bé, tôi luôn nghe “Mẹ than…”

Ngược lại, Bố cứ ung dung ôm đàn nghêu ngao cả những khi ông theo nước nho, cà, bắp…Người ông ướt đẫm từ sớm đến trưa, hôi hám thật khó gần bởi mùi thuốc rầy, mùi phân bò, mùi rơm mục…Đúng là ông dơ thật. Ông cứ mút mủi em tôi mà nhổ xoèn xoẹt. Ông không cho lau vì sợ em đau. Mùa mưa bão càng tệ hơn. Mẹ nhắc ông tắm. Ông cười trừ: “Mai còn xịt.” Ông lặng lẽ ôm mùng màn ra vườn nho mà vẫn không quên cây ghi ta cháy lủng lỗ. Mẹ con chúng tôi sinh hoạt trong nhà ấm áp, thản nhiên đùa vui. Tôi nhớ về ông ít quá. Có lẽ vì ông chỉ có mặt lúc dọn cơm, thời gian còn lại là vườn nho, đồng ruộng và chái hiên sau nhà nơi ông ngủ. Không biết chị tôi có nhớ gì thêm về ông không, nhưng tôi nghĩ chắc cũng như tôi, bởi chị lớn hơn tôi có một tuổi. Tuổi 9, 10 mà!

 

Từ bé, tôi luôn nghe “Mẹ trách…”

Ngược lại, Bố cứ lặng lẽ đi, về, say và…ngủ. Ngôi nhà mới các cậu gửi tiền về mua cho rộng lắm. Từ nhà chạy ra cổng muốn đuối hơi. Những con chó Bố mang về hay thích chạy với tôi như thế. Tiếc thật. Mẹ bảo dơ, hôi và lông nó có nhiều vi trùng nên đem vứt hết. Mỗi ngày Bố đưa đón tôi đi học về, tôi vẫn còn thèm những cái vẫy đuôi thân mật của chúng. Tôi còn nhớ chúng hơn mỗi khi Bố Mẹ cãi nhau chuyện treo tranh chỗ này, xếp bàn, tủ chỗ nọ. Tôi thật tình không hiểu vì sao Bố gọi Mẹ là “Tùy bà chủ quyết…” Và, sau đó Bố càng lặng lẽ, ít nói. Tôi nghĩ chắc Bố giận Mẹ. Hai chị tôi cũng an nhiên, vô tư, suốt ngày học thêm, học bớt lo thi cuối cấp, đại học gì gì đó. Mỗi chiều về Bố không say, Bố hay chỉ tôi học đàn và chuyện trò với tôi. Tôi biết, Bố thương tôi nhất nhà chắc vì tôi là con út. Nhưng tôi lại ghét Bố, nhất là hay giành ti vi với Mẹ con tôi để xem bóng đá. Khuya, Bố kéo ti vi vào phòng rồi…ngáy. Mẹ lại phải sang tắt vì sợ tốn điện! Thế là sáng mai chúng tôi được dịp nghe Mẹ càm ràm suốt ngày vì thói hư của Bố. Nói thế thôi, thật ra tôi cũng không biết lúc ấy tôi thương ghét Bố ra sao nữa. Tuổi 9, 10 mà!

 

2.

Tôi nhớ thuở ấy Bố không nói gì.

Ngược lại, Mẹ hay bảo: “Các con cứ nhìn Bố mà xem. Cán bộ nhà nước chỉ biết ăn nhậu, mèo mỡ gà đồng, đục khoét của dân…Đó, trên ti vi cứ nhan nhản” Quả thật, trên ti vi cứ nhan nhản phim bồ bịch lăng nhăng, tham ô, tù tội. Tôi ít khi xem vì bận ôn thi lại đại học, nên cũng không biết Bố tôi có như thế không. Thỉnh thoảng Mẹ lại bảo: “Đây nè, có tiền đút giấu xài riêng, cho gái ăn chứ giấu trong túi làm gì. Trong khi cả nhà ăn mắm, còn Bố ăn nhậu phủ phê.” Tội nghiệp Mẹ. Bà lo toan đủ thứ với đồng lương còm cỏi của Bố. Bữa ăn nào cũng chỉ với một món nấu cho cả ngày. Sang lắm thêm món kho hoặc chiên. Hôm nào Mẹ nấu đậu miếng là Bố lơ cơm. Bố thích cá, Mẹ biết nhưng bảo ăn đậu tốt cho sức khỏe. Tôi nhớ khi đó Bố nài nỉ Mẹ mua cá khô, hoặc mì tôm cho Bố. Lúc ấy Mẹ bảo: “Ăn thịt thà ngoài đường ngán rồi chứ gì?” Bố lại buông đũa đi nằm. Mẹ ngồi khóc. Bữa cơm hóa đám ma! Tôi ghét Bố. Bố chỉ biết sống cho riêng mình. Tôi càng thương Mẹ, càng tin những điều Mẹ thường bảo. Tối nào ngủ với Mẹ chúng tôi cũng phải xoa bóp cho. Và, cái điệp khúc của Mẹ cũng rền rỉ: “Có bao giờ Bố nghĩ cho Mẹ đâu, đau nhức vậy chứ ông không hề…Khốn nạn. Lũ đàn ông chỉ biết thỏa mãn thú tính chứ chưa hề nghĩ đến cái khổ của phụ nữ.” Tuổi 18, 20 nên tôi cũng lờ mờ hiểu ý Mẹ. Thương Mẹ quá. Đôi khi thức dậy, tôi đã thấy mặt Bố lầm lỳ, vẻ giận dỗi. Mẹ bảo: “Đấy, không đáp ứng được nên mặt chầm dầm như bãi cứt bò ấy”. Tôi ngạc nhiên không hiểu. Mẹ cười cười bảo: “Mẹ bảo Bố tắm đi, tối Mẹ qua ngủ. Mẹ không qua nên Bố thế đó”. Tôi cũng tức cười. Tuổi 18, 20 mà!

 

Tôi nhớ thuở ấy Bố cứ lầm lì.

Ngược lại, Mẹ hay than: “Nhà này mà không có Mẹ coi như nhà ma.” Quả thật, nhà tôi vắng khách dần. Trước đây nhà đông khách lắm, đa số là khách của Bố. Khi ấy nhà rộn tiếng đàn hát, tiếng đọc thơ, tiếng cười tiếu lâm của các chú. Sau đó là lời than vãn của Mẹ trong khi dọn dẹp. Tôi thấy tội Mẹ quá. Vì Bố mà Mẹ vất vả. Từ đó nhà tôi chỉ có bạn của Mẹ và bạn học của chúng tôi. Những khi nhà Bác Hai có giỗ, Mẹ không cho chúng tôi theo Bố. Mẹ bảo lên đó ăn uống dơ dáy về nhiễm bệnh. Những năm sau, Mẹ cúng ở nhà mà Bố vẫn cứ lên nhà Nội, chỉ còn mấy mẹ con ăn với nhau. Rõ ràng là Bố chẳng quan tâm gì đến gia đình. Năm ấy tôi đỗ vào Đại học, Mẹ càng lo. Mẹ than: “Không biết lấy tiền đâu mà cho con, chị Hai đi bán cà phê thuê cho người ta cũng chẳng được bao nhiêu. Khổ ghê!”. Thế nhưng tôi vẫn đủ tiền trang trải chi phí vào trường. Mẹ bảo nhờ các Cậu bên Mỹ gửi cho, mỗi tháng 50 đô, khuyên tôi cứ an tâm học hành. Tôi càng thương Mẹ hơn. Vì tôi mà Mẹ phải cầu lụy xin xỏ. Mỗi khi hè về thăm nhà, Mẹ hay than với chúng tôi về Bố. Nào là: “Bố chẳng được tích sự gì. Nếu không có các Cậu chắc cả nhà chết đói.”; nào là: “Nhìn người ta có chồng sao mà tốt phước, còn Bố con, lương chẳng đủ lo bản thân.”; nào là: “Nhạc nhúng chẳng ai hát cho, tên tuổi gì mà chường mặt lên ti vi. Đói mà không lo, cứ đua đòi danh hảo…”. Nhiều, nhiều lắm. Tôi nhớ không hết, chỉ biết rằng Bố tôi tệ lắm. Nhiều khi tôi nghĩ sao Mẹ không bỏ Bố sớm để chúng tôi sinh ra đời phải tiếc nuối? Không hiểu khi xưa Mẹ yêu Bố, Bố có như thế không? Hay là Mẹ bị Bố mê hoặc bằng đàn ca sáo thổi? Eo ôi, tôi sợ yêu lắm! Lo mà tránh cho xa mấy thằng văn nghệ văn gừng. Tuổi 18, 20 mà!

 

Tôi nhớ ngày ấy Bố cáu kỉnh nhưng không nói tiếng nào.

Ngược lại, Mẹ hay trách: “Bố là người ích kỷ, vô trách nhiệm với gia đình, không biết chăm sóc vợ con, chẳng hề quan tâm đến sở thích của người khác…” Cũng đúng thôi. Ngày Bà Nội mất, Mẹ không cho hai chị về sợ tốn kém, say xe. Mẹ rất lo cho sức khỏe của chúng tôi thế mà Bố lại giận. Mẹ xin xả tang trước cho chúng tôi để khỏi nặng vía mà Bố cũng giận. Hôm giỗ 49 ngày của Nội, Mẹ bận đi học khiêu vũ với bạn Mẹ, Bố càng giận hung. Đã vậy, ngày giỗ 100 ngày của Nội, Bố tự xin xả tang cho mẹ mà không hề có mặt Mẹ. Bố ngang ngược với Mẹ quá. Tội Mẹ. Hôm Mẹ cắt mí mắt về, Bố càng nặng nề suốt mấy tháng liền. Bố ích kỷ lắm lắm. Khi tôi đi học và Bố đi làm, nhà chỉ còn mỗi mình Mẹ lủi thủi ra vào quét dọn, cơm nước, tôi biết Mẹ buồn lắm. Càng buồn hơn mỗi khi Bố đi công tác xa, đi nhậu nhẹt bỏ cơm. Bố chẳng hề nghĩ đến Mẹ chút nào. Bố không nói, không rằng, cứ lầm lũi đi về, người hôi mùi rượu. Mẹ bực bội quát mắng, đập chén bát. Bố cũng lớn tiếng bảo: “Cô đập lên đầu tôi đây nè. Tôi nhậu không quậy, sao cô quậy thế?”. Tôi sợ khiếp, vội vã dọn dẹp mảnh vỡ. Sợ Mẹ thật! Bố lại lặng lẽ đi nằm. Đúng như Mẹ thường trách: “Bố như người khách trọ”. Trước đây Bố thường điện về báo. Bấy giờ thì không. Bố đi đi, về về thất thường. Mẹ không thèm nấu cơm cho Bố nữa… Ngày tôi đi thi đại học, Mẹ lo cho tôi từng cái quần cái áo, thuốc men. Bố thản nhiên ngồi nhìn, đợi đưa Mẹ con tôi lên tàu. Bố chẳng lo lắng gì cho tôi cả. Mẹ bảo thế! Còn tôi chẳng để ý gì, chỉ háo hức một chuyến đi xa. Tuổi 18, 20 mà!

 

3.

Thành phố có khác. Không như ở tỉnh lẻ, ở đây người ta dạy khiêu vũ dưỡng sinh đẹp hơn nhiều. Ai cũng ăn mặc đẹp, thơm tho, giao tiếp lịch thiệp. Tôi được nhiều người ái mộ, săn đón, kèm cặp hướng dẫn. Tất nhiên, tôi biết họ háo sắc. Và, tôi không bỏ qua cơ hội sử dụng lợi thế của mình. Giao tiếp với họ qua những cuộc vui, tôi thầm thán phục họ bội phần. Đôi khi tôi chợt nhớ về anh. Tội nghiệp. Ở quê lạc hậu, bảo thủ. Với anh, xăm môi, mày, cắt mí, sơn móng tay… là đĩ thỏa. Anh không thích cả việc tôi nhổ lông mày theo ý các con. Anh càng bất mãn ra mặt mỗi khi tôi xịt nước hoa vào quần áo anh. Chán ngắt. Nhìn đám đàn ông hấp dẫn ở đây thấy anh thấp kém quá, quê mùa quá. Cái hình ảnh gã quê mùa, say xỉn be bét cứ lớn dần trong tôi. Đồng thời, sự khao khát tự do cũng lớn dần lên. Tôi còn nhớ dạo tham gia sinh hoạt câu lạc bộ Phụ nữ Văn hóa ở quê, người ta thường đề cập đến vấn đề bạo hành trong gia đình. Trong đó, sự im lặng cũng là một hành vi ngược đãi, bạo hành. Tôi thường bảo với các con tôi về điều này và nỗi khao khát của tôi.

 

4.

Hai tháng sau nàng về cùng cô con gái lớn. Trông nàng thật mi nhon, trẻ trung. Anh hỏi: - “Sao bây giờ mới về?”

Nàng thản nhiên: - “Em bận tham gia câu lạc bộ khiêu vũ dưỡng sinh. Với lại, phải lo cơm nước cho các con.”

- “Chúng lớn rồi. Lâu nay chúng tự lo được, có sao đâu!”

- “Sao anh ích kỷ thế!”

Anh không nói gì lại lặng lẽ đi làm.

- “A lô! Anh đó hả. Anh về gấp, em có chuyện muốn nói.”

- “Chờ trưa về ăn cơm nói luôn!”

- “Không được. Em cần giải quyết ngay.”

Anh vội vã phóng xe về trong tâm trạng lạ lẫm, thắc mắc, hồ nghi.

- “Nói đi! Chuyện gì thế?” Anh nhìn nàng dò xét.

- “Phân chia tài sản và chia tay!” Nàng tỉnh bơ nhìn anh.

- “Năm năm nữa đi. Con mới vào đại học, chờ con học xong đã!” Anh đề nghị như đang mặc cả một hợp đồng mua bán nào đó. Nàng dứt khoát không chịu. Mặt anh tái tím lại, ngực đau nhói. Trút được một hơi thở dài nặng trĩu, anh đứng lên lấy xe bỏ đi.

 

5.

Ngày nhận được quyết định của tòa án gửi vào, chúng tôi góp tiền lại làm một bữa thịnh soạn mừng Mẹ được giải phóng. Chúng tôi vui lắm vì đã giúp Mẹ được tự do. Phải. Phụ nữ hiện đại phải đấu tranh tự giải phóng mình, không thể khuất phục trước mọi hành vi bạo hành, chấp nhận cảnh chồng chúa vợ tôi.

 

Ngày tòa gọi anh lên ký nhận quyết định ly hôn, anh như người mất trọng lực. Căn nhà trống vắng như mọi khi sao bỗng dưng thênh thang lạ. Anh gục đầu xuống bàn làm ly rượu đổ lênh láng. Điếu thuốc cháy dở gặp nước bỗng xèo lên tắt ngấm. Sợi khói muộn màng cuối cùng cũng là đà tan trong tiếng nức nở của anh: “Ta đã được lệnh ân xá…Ta đã được ân xá…”

 

Phan Rang, 13/8/2007

Phan Tử Nho
Số lần đọc: 2352
Ngày đăng: 16.08.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những viên gạch nhà Văn miếu - Dương Ðình Hùng
Định mệnh trong ngôi nhà xưa . - Dương Ðình Hùng
Mùi Tôm Bạc Đất - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Người Thầy của những tuyên ngôn - Đặng Thân
Hoành - Hồ Tĩnh Tâm
Hội chợ - Phan thị Vàng Anh
Kịch câm - Phan thị Vàng Anh
Một nửa sự thật - Phạm thị Ngọc Liên
Thật Mặt - Trọng Huân
Đôi mắt - Trần hữu Lục