Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
777
116.662.198
 
Góc nào cho guitar thành phố ?
Phan Tử Nho

Tôi căm thù guitar từ bé. Khi ấy anh tôi trốn lính, ông bắt tôi đi học chỉ để đờn cho ông hát những bài chọn lọc sáng chủ nhật hàng tuần trên đài Sài Gòn. Tôi còn nhớ như in, hễ mỗi lần nghe được bài hợp gu, tôi phải chạy mua cho bằng được để về tập cho ông hát. Thật ức! Hai bàn tay bé xíu tuổi mười một mười hai đau buốt, phồng rộp lên, nước mắt ràn rụa như suối. Riêng ông cứ thản nhiên “ Nếu biết em mang kiếp cầm ca, đêm đêm phòng trà…” v.v. và v.v. Tôi cứ hay kiếm cớ ra ngoài đùa chơi để lánh nạn. Không có tôi, ông đành vào buồng tắm hát say sưa. Ngày giải phóng đến, ông tự do, tôi cũng được tự do. Hoan hô bộ đội giải phóng! Cuộc đời bèo bọt trôi nổi, tôi lang thang khắp xứ cùng tiếng guitar đầy duyên nợ. Bất kỳ nơi nào, trưa hè hay đêm khuya vắng, nghe tiếng guitar gỗ là tuổi thơ tôi ùa về ray rức, nước mắt rươm rướm. Tôi  nhớ ông. Tội nghiệp, ông chết trẻ quá!

 

Vừa qua tôi về thành phố thăm bạn, được bạn mời đến quán cà phê “Guitar gỗ” của nhạc sĩ Châu Đăng Khoa trên đường Thích Quảng Đức. Thành thật mà nói, tỉnh lẻ như tôi mà được giáp mặt, nghe nhạc sĩ tên tuổi đàn là diễm phúc vô cùng, có cái để về khoe làng xóm. Chúng tôi đến rất sớm. Quán vắng teo. Không gian chật hẹp trong gam màu nâu đỏ với bài trí đơn sơ cùng với tiếng nhạc “buồn ngủ” của giao hưởng nho nhỏ, tôi hơi thất vọng! Mãi gần 8 giờ tối mới thấy lèo tèo vài người khách đến. Chị Nguyên Phượng, ca sĩ và cũng là đồng chủ quán với Châu Đăng Khoa, tiếp chúng tôi rất nồng nhiệt. Chị báo cho chúng tôi anh đang trên đường về…

 

Và, chúng tôi ngồi bên nhau. Trông anh trẻ hơn tuổi quá 50 của mình. Mái tóc búp bê bồng đen nhánh (không biết có nhuộm không?), bộ ria tỉa mỏng phong cách cổ điển khá điển trai. Giọng anh trầm khàn, nhưng vang. Anh hơi tếu một chút trong cách nói của mình làm thu hút người nghe. Anh kể về nổi khổ mỗi khi thèm ngồi một mình để nghe nhạc mình yêu thích. Anh lang thang khắp phố, đi tìm một góc vắng cho niềm say mê âm nhạc riêng: Nhạc thính phòng không lời, đặc biệt là độc tấu guitar. Anh bảo: “Thật khó mà tìm thấy ở đất Sài Gòn này một góc nhỏ dành cho guitar, dành cho “tín đồ guitar giáo” giao lưu, trao đổi học tập và thưởng thức. Tôi tin rằng công chúng của guitar không ít, kẻ mộ đạo guitar cả nước cũng rất nhiều cho nên tôi mạnh dạn đầu tư.” Chúng tôi ái ngại, hỏi: “Với số lượng ghế khiêm tốn thế này làm sao anh trang trải chi phí hàng ngày, chưa kể đến thu hồi vốn đầu tư?” Anh cười hồn nhiên, lặp lại: “ Văn nghệ mà! Khi chơi có ai tính lãi đâu. Bọn mình cũng đã có công việc làm ăn ổn định riêng rồi. Trước mắt, đó là thỏa mãn niềm yêu thích, say mê guitar của mình và của các bạn bè phương xa. Thứ đến, tạo một điểm giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm của những người chơi guitar với nhau.” Chị Nguyên Phượng thêm: “Nếu đêm nào cũng được khách đông như thế này là hòa vốn”. Quả thật! Mãi chuyện nên không để ý, bấy giờ khách đã kín ghế. Hơn nữa, họ vào rất nhẹ nhàng và chuyện trò rất khẻ. Cái không khí gần như trang nghiêm của một thánh đường. Tôi thầm thấm thía từ anh ví von: “tín đồ guitar”. Anh tiếp nối câu chuyện dỡ dang: “Tôi còn dự định đầu tư thêm để xây dựng một thương hiệu riêng, rất riêng theo phong cách Châu Đăng Khoa nhé. Mỗi bàn sẽ có một bình trà của các nhà thơ ghi bút tích mình bằng thư pháp. Tranh tường phải dính đến âm nhạc do bằng hữu vẽ tặng. Âm nhạc phải cổ điển.v.v. Hiện nay quán của mình được anh em giới thiệu lên mạng rồi. Bạn bè ủng hộ lắm”. Anh còn diễn tả thêm những hoài bảo mà anh chất chứa trong lòng ra chiều say đắm lắm. Câu chuyện luôn bị ngắt quảng vì anh chị phải lên biểu diễn. Tiếng đàn anh nghe đầy uy lực, giòn giã và rõ ngọt. Giọng chị trầm ấm, đẹp. Những ca khúc của anh được chị dàn trải mượt mà, sâu lắng trên tiếng guitar anh đệm nghe cứ như thoang thoảng từ những đêm lửa trại, những trưa hè dưới bóng me ấu thơ của tôi. Nhắm mắt lại, tôi trôi về ký ức xa xôi… “…xin mời anh lên hát ạ”. Tiếng chị Nguyên Phượng nhắc lại làm tôi bừng tỉnh. Nhìn lên chiếc bục cung tròn áp góc lót thảm đỏ, nơi chiếc ghế khách ngồi dựng sẵn cây guitar gỗ, tôi thấy sao thân tình và ấm cúng. Đúng thôi. Trong căn phòng nhỏ, tiếng hát, tiếng guitar hòa quyện đủ nghe như một buổi sinh hoạt bè bạn làm cho người ta gần gũi. Cảm ơn một góc nhỏ thân tình. Cảm ơn anh Châu Đăng Khoa đã tạo một góc nhỏ cho “tín đồ guitar giáo” có nơi trao gởi tấm lòng và chiêm nghiệm. Xin chúc mừng anh và cảm ơn anh, người dám “tử vì đạo”.

                                                                         

29/03/2007

Phan Tử Nho
Số lần đọc: 2877
Ngày đăng: 01.04.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vào giờ mật ngọt* - Dư Thị Hoàn
Vô tâm - Đào Phạm Thùy Trang
Lan man thiên địa: Về Huế 700 và Đồng Khánh 90 tuổi. - Trần Kiêm Ðoàn
Bóng tre trùm mát rượi - Bùi Kim Anh
Tam tấu hoa - Vũ Ngọc Tiến
Mùi hương tết - Tiểu Kiều
Tuần trăng … xế - Trần Kiêm Ðoàn
Lằn ranh cuộc đời… - Đinh Văn Hạnh
Chèng đéc ơi, là ngon ! - Nguyễn Thị Diệp Mai
“Chiếc áo lót của người sung sướng” - Nguyễn Thị Minh Ngọc