Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
756
116.736.387
 
Một lần về quê
Nguyễn Mỹ Nữ

Tường và em gái được sinh ra ở Tokyo, Nhật Bản. Ba Tường người Long Xuyên. Mẹ hay nói ba dân Nam. Mẹ ở miền Trung nhưng là dân Bắc. Cũng mẹ nói như vậy. Và quê hương của gia đình Tường là Việt Nam. Hồi Tường ba tuổi đã nghe ba mẹ nói sẽ về thăm quê, khi Tường lớn hơn một chút. Rồi Tường lớn thêm, lớn thêm và mẹ sinh em bé – em Hường –. Lại phải chờ em Hường lớn thêm, lớn thêm. Mãi đến năm Tường tám tuổi, em Hường năm tuổi mẹ mới cho về.

 

Một tháng trước đó, hai anh em  đã được chuẩn bị rất nhiều. Dù phải sống xa quê nhưng ba mẹ luôn dành thời gian để dạy tiếng Việt cho Tường và Hường nhờ đó vốn tiếng của hai đứa cũng kha khá. Ba chỉ cần kiểm tra lại. Còn mẹ thì dặn dò sao mà dặn dò. Đâu chỉ với hai anh em là người ra đi. Còn cả với ba là người ở lại mới thiệt kỳ chứ! Tính mẹ vốn kỹ lưỡng và chu đáo hồi giờ. Trước lúc ra sân bay, mẹ còn lấy hai tờ giấy trắng ghi  tên, họ của từng đứa và địa chỉ của người thân ở bên nhà, rồi đeo vào cổ cho Tường với Hường. Mẹ nói để lỡ hai đứa có bị thất lạc, người ta biết đường dẫn trả.

 

Cả hai phía nội, ngoại của Tường đều tới sân bay Tân Sơn Nhất đón. Mấy chú thím đưa mẹ con Tường về Long Xuyên ngay. Tường thích nhất là  qua “bắc”, được thấy sông và rất nhiều hoa trên mặt nước. Lần đầu thấy cái hoa này, Tường ngạc nhiên hết sức, vội la lên:

-    Ngó kìa. Ngó kìa. Cái hoa gì mà hay quá vầy chú?

-    Hoa lục bình đó con.

-    Mà sao nó chạy đựơc trên sông vậy?

-    Con phải nói là trôi chứ sao kêu chạy.

-    Dạ. Mà sao hoa nhiều quá vậy. Cả đám, cả đám luôn kìa.

-    Đừng có kêu là đám hoa. Con phải kêu là giề hoa chứ.

 

Tường nói: “Ông nội nằm chết ở đây, phải không mẹ?”. Mẹ Tường lắc đầu: “Con đừng nói vậy. Phải kêu là mộ chứ!”. Tường nói: “Dà. Con đâu biết. Cái này ở Nhật, ba mẹ chưa có bày mà. Chưa có bày cái mộ là sao mà”. Mẹ đồng ý và xin lỗi. Chú thím Bảy của Tường nói mẹ con Tường vui quá. Cái gì cũng nói nho nhỏ. Mà cảm ơn, cảm ơn hoài. Còn xin lỗi với con của mình nữa. Mẹ vui quá! Vui nhất là thấy ai mẹ cũng cúi đầu thật thấp để chào. Mẹ nói: “Ở bên đó quen rồi”. Cả nhà đi thăm mộ ông, xong ghé vô cái vườn  ở gần đó, ngồi chơi. Có một ông già tóc bạc trắng và râu cũng bạc trắng, ở trong nhà đi ra. Mẹ nói đó là bà con của ba. Ông già đó ôm hôn em Hường và xoa cái đầu gần như trọc lóc của Tường rồi gọi hai đứa là con nít xứ Phù Tang. Cái gì ông già cũng nói hôn, hôn…Như là: “Trời nóng quá, phải hôn?”, “Các con nói được tiếng Việt, phải hôn?”, “Ba mấy đứa không có về, phải hôn?”…Nhận ra được thắc mắc đó của Tường, tối về nhà, khi đã lên giường và chỉ có ba mẹ con với nhau, mẹ liền giải thích cho hai anh em hiểu. Tường thấy hay quá cái chữ “hôn” đó. Để về lại Nhật, Tường sẽ nói cho ba biết. Chắc là ba phải rất ngạc nhiên, vì con trai của ba sao mà rành tiếng miền Nam, vùng Long Xuyên quá vậy. Mấy đứa con của chú thím Bảy nói: “Anh Tường hơi hơi…bị quên tiếng Việt, chứ chừng nhớ, nói ngon lành lắm chứ bộ”. Lại lòi ra chữ “ngon lành”. Ba mẹ dạy: “Ăn mới gọi là ngon lành chứ sao nói mà cũng…ngon lành”. Vậy là thắc mắc. Tường đã dạn hơn và mỗi khi gặp chữ nào không rõ là hỏi liền. Bởi vậy mới về quê có mấy bữa mà Tường biết nhiều lắm. Cái này chừng về Nhật, chắc là bác Tâm phải “mất hồn” với cu Tường thôi. Bác Tâm là hàng xóm của gia đình Tường, lại sống cùng một thành phố với mẹ hồi còn ở Việt Nam, nên hai gia đình rất thân nhau. Anh em Tường, Hường quí bác Tâm lắm. Rãnh là qua bên bác chơi và bác luôn nói “mất hồn” mỗi khi Tường nói tiếng Việt giỏi, mà bác thì cứ mất hồn với Tường hoài. Tự vì so với tất cả trẻ con ở vùng Atsugi của Tường thì Tường nói tiếng Việt là số một. Ba mẹ nói đó là điều ba mẹ rất hãnh diện về con. Ba ẳm Tường giơ lên cao, cười to: “Cái này công của mẹ nhiều hơn. Con học giỏi cũng tốt. Ngoan cũng tốt nhưng còn phải nói tiếng Việt giỏi mới được là số một, biết chưa?”.

 

Mẹ con Tường rời Long Xuyên  để tới thành phố Hồ Chí Minh, rồi ra ngoài Trung với bà ngoại. Hai anh em lên xe, ôm trên mình mỗi đứa một con gà có chút xíu, xin được của ông già tóc bạc, ở khu vườn gần mộ ông nội. Bác Phương, anh của mẹ, thấy thương quá, ghé chợ mua cho một cái lồng. Còn mấy đứa em, con của chú thím, thì lo chuẩn bị thực phẩm cho gà. Sợ gà đói ăn, khát nước Tường và em Hường chăm sóc kỹ lắm. Rồi sợ gà buồn, hai anh em thay phiên nhau nói chuyện với tụi nó. Mẹ phải quay xuống băng sau, nhắc nhở: “Đường về nhà ngoại xa lắm. Hai đứa ngủ đi, kẻo mệt”.

 

Tới nhà. Mẹ ôm bà ngoại khóc quá chừng. Anh em Tường chỉ biết bà ngoại qua hình thôi, giờ mới gặp mà sao bà ngoại nói khó nghe quá. Bà ngoại ở cùng nhà với gia đình bác Phương. Rồi còn gia đình bác Linh là chị của mẹ. Rồi còn vợ chồng dì Mỹ là em của mẹ nữa. Có mẹ con Tường, mọi người về nhà ngoại mỗi ngày.Vui lắm! Bác Phương có anh Chương và chị Vân. BácLinh có tới ba chị và anh cu Ti. Anh cu Ti rất ít nói. Chị Vân thì hiền mà anh Chương lại không. Tường khoe với mấy anh chị “Em có một con gà con trai và một con gà con gái. Hai con gà này em được cho ở Long Xuyên. Bà ngoại giữ ở nhà bếp kìa!”. Nghe Tường nói mấy anh chị cười hoài, làm Tường không biết chuyện gì. Chắc do Tường nói tiếng Việt không có rõ. Để rồi Tường sẽ học thêm nhưng học ai chứ học anh Chương là không có được, vì anh Chương bày Tường toàn chuyện không đúng, khiến em Hường biết, la lên: “Chuyện bậy bạ mà”.

 

Em Hường suốt ngày chọc hai con gà, làm nó mệt nên bị đau mất rồi. Con gà hết uống nước, hết ăn được. Tường với Hường cứ ngồi bên cạnh, không dám đi đâu. Sợ đi thì nó chết mất. Vậy mà nó cũng chết. Hai con gà chờ ban đêm, hai anh em Tường ngủ say, mới chết. Bà ngoại dậy sớm, thấy, vội gọi bác Phương. Bác Phương sợ hai đứa buồn, nên đi chôn liền. Nghe chuyện, Tường lên cầu thang ngồi im lặng. Em Hường cũng tới ngồi kế bên, không nói gì. Anh Chương chọc: “Mấy đứa con nít Việt kiều này sao mà chán. Gà chết mà cũng khóc”. Mẹ vội giải thích: “Ở bên đó người ta rất yêu súc vật. Các em con cũngvậy. Hai đứa nó đang buồn. Con nên để cho tụi nó yên”. Ngồi chán ở cầu thang, hai anh em lên phòng nằm. Bỏ cả ăn sáng dù mọi người trong nhà an ủi, năn nỉ. Chỉ có mẹ là không nói gì. Mẹ biết tính hai đứa rồi. Hồi trước ba có nuôi một con mèo và được hai đứa quí lắm. Sau con mèo bị ốm. Đi bác sĩ hoài không có bớt. Một bữa Tường và Hường đi học về, ba mẹ đã đợi sẵn ở cổng và nhỏ nhẹ cho biết: “Con Miu Miu đã bỏ chúng ta rồi. Các con đừng buồn nhiều nghe”. Hai đứa vứt cặp sách, khóc oà, chạy vội lên phòng và ở lì trong đó. Bỏ cả bữa ăn tối. Rồi suốt một tháng trời sau đó, hai đứa vẫn chưa trở lại bình thường. Giờ lại tới hai con gà.

 

Hôm sau chú Hưng, là chồng của dì Mỹ lại rủ hai đứa đi chơi. Chú chở hai đứa đi lòng vòng phố rồi tới một cái quán ngồi uống nước. Mọi lần đi như vậy là hai đứa thích lắm và hỏi lung tung. Tự thấy cái gì cũng khác bên Nhật nên tò mò muốn biết. Vậy mà lần này hai đứa ngồi im, không nói gì. Thắc mắc, chú Hưng hỏi và em Hường trả lời trong nghẹn ngào:

-  Tự vì…một con gà con gái với một con gà con trai của tụi  cháu chết rồi.

-    Chết rồi sao?

-    Dạ! Nó bị ốm mấy bữa rồi mà cũng có cho uống thuốc nhưng…

-   … không chữa được. Đúng không? Chú chia buồn với hai đứa. Chú rất thông cảm. Chú mong hai đứa buồn thêm một ngày hôm nay nữa thôi. Vì…

-    Vì sao hả chú?

-   Vì mọi người trong nhà rất quan tâm đến hai cháu. Rất thương hai đứa, nhất là bà ngoại. Hai đứa buồn bỏ ăn. Bà ngoại cũng buồn theo. Ăn cơm rất ít, mà các cháu biết không? Mấy bữa nay có mẹ con cháu về, ngoại rất mừng vậy mà bây giờ vì con gà nó chết, tụi cháu làm ngoại mất vui. Ngoại buồn, ngoại ăn cơm ít rồi ngoại sẽ ốm. Tụi cháu cũng còn ở Việt Nam đâu được bao ngày nữa. Ngoại già lắm rồi. Biết đâu lần tới các cháu về ngoại đã không còn. Vậy sao…!!!

 

Nghe chú Hưng nói tới đó, anh em Tường chớp chớp mắt muốn khóc và đòi chú chở về với ngoại ngay. Đến nhà, hai đứa nắm tay nhau chạy tới trước ngoại, giành nhau nói, khiến ngoại đâu có hiểu gì. Mẹ phải bắt cả hai im lặng. Tường là anh nói trước, rồi em Hường sẽ nói sau. Cảm đông quá, Tường nói ngập ngừng: “Con gà nó chết là tự vì nó ốm quá. Tụi con không buồn nữa đâu. Bà ngoại ăn ba chén cơm nghe. Bà ngoại ăn nhiều vô không có bịnh như con gà thì làm sao!”. Chờ Tường nói dứt câu là em Hường nói ngay: “Mà tụi con cũng không có kêu là con gà con gái, con gà con trai nữa đâu. Kêu vậy là chuyện bậy bạ rồi. Chú Hưng bày kêu là: gà mái với lại gà cồ”. Cả nhà im để nghe em Hường nói và sau đó là cười. Chỉ có một mình ngoại khóc. Như bữa mẹ con Tường mới về. Ngoại khóc? Nhưng chắc không phải là buồn đâu vì trưa đó ngoại không còn ăn ít cơm nữa. Cũng trưa đó lúc ba mẹ con lên gường nằm nghĩ, mẹ nói: “Bữa nay ngoại ăn được nhiều nhờ hai con đã vui như trước. Quên chuyện con gà đi nghe”. Cả hai anh em đều “dạ” và ôm mẹ ngủ liền. Nhà ngoại ở gần biển. Ngày nào anh em Tường cũng theo mấy anh chị đi tắm. Thích lắm. Ở Nhật có khi cả năm gia đình Tường chưa được đi biển nữa kìa. Tự vì biển ở xa. Tắm biển ăn ngon và ngủ nhiều.

 

Còn đúng một tuần nữa Tường về Nhật, thì Tường với anh Chương mới thật sự là hiểu nhau và hoà thuận, chứ trước đó…bất bình hoài. Do Tường thấy anh Chương sao quá phung phí và ngày nào anh Chương cũng có chuyện để mà phung phí. Ra khỏi phòng không chịu tắt đèn, mở vòi nước để chảy luôn, bật T.V không có ai  coi cũng để vậy, vở còn giấy trắng không để chép bài mà lấy xếp máy bay… Ở bên Nhật như vậy là không được đâu. Tường với bé Hường được nhà trường dạy cho sự tiết kiệm. Tiết kiệm những thứ của mình rồi tiết kiệm cho gia đình, cho khu phố, cho mọi người. Cái gì cũng tiết kiệm thì mới đúng. Vậy mà nghe Tường nhắc, anh Chương gây, nói: “Việt kiều gì mà keo!”. Nhưng Tường đâu có keo. Tường cho anh Chương mượn đồ chơi đem từ bên Nhật về. Ăn cái gì Tường cũng chia cho anh Chương vậy là Tường cãi. Và ngày nào hai anh em cũng gây nhau về chuyện này. Hễ Tường mở miệng là anh Chương nói ngay cái câu này: “Thôi! Lại chuyện cũ. Nói hoài. Tui Việt Nam đó. Rồi tui phung phí đó. Có sao không? Còn mấy người ở Nhật về. Mấy người giỏi thì mấy người tiết kiệm chứ sao!”. Tức chết đi được! Sau Tường thấy mình cãi đâu được gì, còn làm cho anh Chương sinh bất mãn. Tình cảm anh em không có hay. Bà ngoại với vợ chồng bác Phương biết sẽ la anh Chương, tội! Vậy là Tường tự động tắt vòi nước, tắt quạt, tắt T.V… khi anh Chương không có chịu làm. Lúc đầu thấy Tường làm dùm, anh Chương không có cảm ơn còn chọc Tường nữa. Kêu Tường là “lính”, “đệ tử”… nhưng sau anh Chương hết chọc và sau nữa tự anh Chương làm mấy việc đó. Tường đâu hay mọi người trong nhà đều rõ hết chuyện này và theo dõi hai đứa. Khi anh Chương đã tự biết tiết kiệm, bác Phương mới kêu hai đứa lại và khen giỏi. Tường thì giỏi thuyết phục anh mà anh thì giỏi chuyện biết nghe lời em. Tốt lắm! Vậy là hai anh em…đoàn kết.

 

Rời nhà ngoại, trở về Nhật với ba. Tường và Hường đã biết kêu con chó cái, con chó đực, heo nái, heo sề, con bò và con nghé… chứ không phải như trước đây chỉ biết phân biệt súc vật là con trai với lại con gái. Không những nói tiếng Việt giỏi hơn mà hai anh em còn học được bao nhiêu là chuyện hay trong lần đầu về quê. Được đi tắm biển mỗi ngày. Được sống trong tình thương của những người thân yêu. Đựơc gần gũi với anh Chương và nhất là đã bày cho anh ấy biết tiết kiệm./.

Nguyễn Mỹ Nữ
Số lần đọc: 1999
Ngày đăng: 31.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sphinx* - Minh Thuỳ
Một ngày không bình yên - Nguyễn Lệ Uyên
Một chuyến xa nhà - Lê Mai
Giàn hoa cát đằng - Mang Viên Long
Chù Mìn Phủ và tôi - Vũ Ngọc Tiến
Một mình trong cơn khát - Phạm Thanh Phúc
Vách đá - Ngô Nguyên Nghiễm
Chim sẻ đã bay đi - Nguyễn Mỹ Nữ
Đêm không có mặt trời - Sâm Thương
Về làng - Minh Tứ