Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
826
116.689.378
 
Chat room - thêm một đóng góp mới cho dòng văn học Việt
Nguyễn Khắc Phê

Đọc tập truyện của Minh Thùy, NXB Văn học và Công ty Phương Nam, 2008

 

Những năm gần đây, ngoài các sáng tác của lớp nhà văn ở miền Nam trước 1975 hiện sống ở nước ngoài và phần nhiều in ở nước ngoài (chỉ một số ít được in trong nước như tiểu thuyết “Sông Côn mùa lũ” của Nguyễn Mộng Giác…), có hiện tượng một số người Việt (không phải là “thuyền nhân” di tản) định cư ở nước ngoài sau 1975 để  làm ăn hoặc vì hoàn cảnh gia đình riêng đã trở thành những cây bút rất đáng chú ý. Điều khá đặc biệt - nếu tôi không nhầm - đa số họ là phụ nữ. Nhiều tác phẩm của họ được đăng tải trong nước, được bạn đọc đón nhận một cách trọng thị. Gần đây nhất, là MC. Ammond Nguyen Thi Tu (Nguyễn Thị Tư - từng hoạt động văn nghệ ở Đồng Nai, Quy Nhơn), hiện sống cùng gia đình ở Canađa với các truyện ngắn được giới thiệu khá liên tục trên báo “Văn nghệ” và tạp chí “Nhà văn” (Hội Nhà văn Việt Nam). Được đánh giá cao một cách “chính thống” hơn cả là Đoàn Minh Phượng với tiểu thuyết “Và khi tro bụi” (Giải thưởng văn xuôi duy nhất năm 2007 của Hội Nhà văn Việt Nam); rồi Lê Ngọc Mai, tiến sĩ ngữ văn, nguyên giảng viên văn học Nga Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, hiện sống ở Pháp với “Tìm trong nỗi nhớ” (Giải B cuộc thi tiểu thuyết lần 2 của Hội Nhà văn Việt Nam) và tiểu thuyết “Trên đỉnh dốc” (NXB Hội Nhà văn 2006). Đang là lưu học sinh ở Thượng Hải (Trung Quốc), năm 2006, Vũ Phương Nghi đã có tiểu thuyết “Chuyện lan man đầu thế kỷ” (NXB Lao động) về cuộc đời một “hủ nữ” khá ấn tượng …Chưa nhiều, nhưng các cây bút này đã họp thành một dòng riêng mà tôi tạm gọi là “văn học Việt ngoại nhập.”

 

“Chat room” (NXB Văn học và Công ty sách Phương Nam, 2008), tập truyện ngắn của Minh Thùy là một đóng góp đáng kể vào dòng văn học “ngoại nhập” này. Điều dễ thấy hơn cả là những tác phẩm viết từ nước ngoài của Minh Thùy cũng như của các tác giả có hoàn cảnh tương tự dễ “nhập nội” có lẽ vì bản thân họ ít (hoặc không) gánh chịu những đau đớn và “ân oán” trong hai cuộc chiến tranh; và vì thế truyện của họ không có chuyện “địch-ta” và ít đụng chạm đến vấn đề nhạy cảm là ý thức hệ. (Minh Thùy từng là cựu sinh viên Đại học văn khoa Sài Gòn, phóng viên Ban Kinh tế báo "Tuổi trẻ", hiện định cư ở Đức.) Tác phẩm của họ thường là những câu chuyện tình - tình yêu nam nữ, tình đồng loại - đề tài muôn thuở mà vẫn không nhàm chán của văn chương. Nét khác biệt là những chuyện tình nơi xa xứ diễn ra trong bối cảnh bất đồng ngôn ngữ và văn hoá, vừa như là phép “lạ hóa” để hấp dẫn độc giả, vừa gợi những vấn đề có ý nghĩa nhân bản sâu xa.

 

Mặt khác, những tác giả như Minh Thùy do có điều kiện tiếp xúc thuận tiện với nhiều khuynh hướng nghệ thuật, và quan trọng hơn là sự lựa chọn (hay chấp nhận) cách sống “mở” với thế giới ngay từ lúc ra đi, nên tác phẩm của họ ít nhiều có giọng điệu mới mẻ. Một điều đáng ghi nhận là những “đổi mới” nghệ thuật của họ không “cực đoan” đến mức trình diễn những kiểu sắp đặt câu chữ không mấy người hiểu. Có phải bản tính nữ (mặc dù họ là những cây bút khá tiêu biểu cho trào lưu “âm thịnh” trong làng văn) đã giúp họ giữ được sự chừng mực, không đoạn tuyệt với “truyền thống”. Truyện của Minh Thùy có giọng điệu mới mà vẫn nhuần nhị, cảnh vật hết ở Đức lại sang Mỹ, nhân vật “Tây”,tiếng “Tây” không ít trong truyện nhưng vẫn gần gũi với người đọc trong nước.

 

“Chat room” gồm 11 truyện ngắn - trong đó “Chuông gọi hồn” đúng ra là một “truyện vừa” với dung lượng trên 50 trang chữ nhỏ, không gian và thời gian trong truyện trải dài từ “Xóm Nhà Đèn” (Sài Gòn) thời chưa có Mỹ đến thành phố Marseille (Pháp) khi người Việt di tản đã thành cộng đồng bám rễ xứ người. Đây cũng là truyện duy nhất có dư âm chiến tranh với những “sở Mỹ”, quán bar, hàng PX (quân dụng Mỹ) và đô la đã làm biến dạng “Xóm Nhà Đèn”, biến dạng nhiều số phận, khiến Lê Văn Cu - một thanh niên đang sống trong dòng tu gần với Chúa đã đập chết một tên lính Mỹ vào lúc “chuông nhà thờ rộn rã ngân vang”… Tuy vậy, tên Mỹ không xuất hiện trong vai “kẻ địch”(hắn bất ngờ đến nhà Cu, cưỡng hiếp người chị của Cu…), mà chỉ là nhân chứng cuối cùng của cả một chuỗi con người tha hóa vì dục vọng mà đau đớn thay kẻ đầu tiên khiến Cu đau đời lại chính là cha của mình, một kẻ đã bỏ mặc đứa con mang cái tên tạm bợ làm trò cười cho bạn bè. Vì thế, về sau, tuy sống ở xứ người, tiếng chuông nhà thờ vẫn ám ảnh khiến y sống biệt lập trong một căn hầm như nhà mồ và sau khi y treo cổ tự tử, người vợ hờ khám phá căn hầm bị điện giật chết khi muốn ngắt mạch điện tạo nên tiếng chuông quái đản thường vọng ra từ “nấm mồ” sống này. Những truyện còn lại trong tập “nhẹ nhàng” hơn, cũng có nhân vật tìm được hạnh phúc (như cô Oanh gặp được anh chàng người Đức từng sống chung với sinh viên Việt Nam, thuộc cả thơ Bút Tre “Anh đi công tác Pley.Ku dài dằng dặc biết ngày nào ra”…- Truyện “Hơi bị…yêu em”), nhiều trang văn rất tươi trẻ, nhưng bao trùm lên tất cả - nói đúng hơn là đọng lại sau những câu chuyện tình nơi xa xứ vẫn là nỗi buồn. Thì tìm vợ tìm chồng mà chỉ để có “Thẻ xanh” hay “Đi bước nữa” (Tựa đề hai truyện trong tập) chỉ để được bảo lãnh hay nhập quốc tịch “Tây” thì làm sao có hạnh phúc thực sự? Ngay cả truyện “Chat Room” vui vẻ giữa mấy người bạn, kết cục cũng là sự thất vọng: Cô Phượng vượt hành trình dài tìm gặp được bạn “Chat” thì té ra đó là một ông già lao công làm việc ở bệnh viện

!

 

Ngẫm ra, phải sống xa quê hương là điều bất hạnh đeo đẳng con người ta suốt cả cuộc đời, cho dù cuộc sống sung túc. Và hình như ở đâu cũng thế, thời nào cũng thế, những số phận bất hạnh chính là đất “dụng võ” của nhà văn…

 

(Bài đã đăng trên "Tuổi trẻ cuối tuần” số 42, ngày 26/10/2008)-Bản của Tác giả

 

Nguyễn Khắc Phê
Số lần đọc: 2712
Ngày đăng: 07.11.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dòng sông độ lượng –tiếng lòng người miền đông - Sương Nguyệt Minh
Những nhận định về sự nghiệp thơ văn của Miên Thẩm Tùng Thiện Vương - Lê Ngọc Trác
Lời tự tình từ nơi chốn Không Là Gió Mây - Trần Quốc
Lê Khánh Mai không chỉ là giọng biển - Phạm Đình Ân
Gió Bấc Trẻ Nhỏ Đóa Hồng Và Dế (*) :Khúc hát nao lòng - Nguyễn Lệ Uyên
Không đáng để ồn ào - Hà văn Thùy
Đọc “Bởi từ lâu chúng ta không thể ngủ” : Không có Tôi - Nguyễn Chí Hoan
Những câu thơ mới trong một khu vườn lạ - La văn Tuân
Dấu ấn hậu hiện đại trong Cánh đồng bất tận - Hoàng Đăng Khoa
Sách giáo khoa ngữ văn 12, trời ơi ! - Bùi Công Thuấn
Cùng một tác giả
40 năm ấy … (chân dung)