Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
347
116.803.890

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Vở kịch “Mỹ nhân và anh hùng”:Làm mới đề tài lịch sử
Có lẽ không có giai đoạn lịch sử nào lại được sân khấu khai thác nhiều như giai đoạn chuyển giao quyền lực từ triều Lý sang triều Trần. Những nhân vật lớn như Trần Thủ Độ, Trần Anh Tông… đặc biệt là Lý Chiêu Hoàng đã hơn một lần trở thành nhân vật chính, được người đời nay nhìn lại và đánh giá dưới nhiều góc cạnh khác nhau.

Với chèo từng có "Trần Anh Tông", cải lương có "Mệnh đế vương", "Dấu ấn giao thời", "Độc thoại đêm"…, kịch nói có "Rừng trúc", "Cột trụ chống trời", tuồng có "Lịch sử hãy phán xét" và nay Nhà hát kịch Việt Nam lại chọn lựa kịch bản "Mỹ nhân và anh hùng" (tác giả Chu Thơm) để dàn dựng mang đi Hội diễn Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc.

Với số lượng khá nhiều các tác phẩm đã đi vào khai thác giai đoạn này, có thể thấy, thật khó cho người sau có thể tìm thấy cái mới mẻ hơn so với những gì người đi trước đã làm. Tác giả Chu Thơm đã chọn cách kể chuyện "dài hơi" khi không chỉ khai thác một lát cắt của thời điểm giao thời mà đi trọn cuộc đời của vị mỹ nữ anh hùng, cuộc đời đầy những bi kịch hết "nhường ngôi rồi lại nhường chồng này". Kể làm sao để người xem không thuộc nhiều sử có thể hiểu nhưng lại không gây nhàm chán với những người am hiểu lịch sử quả không dễ dàng trong thời gian bị giới hạn trên dưới hai tiếng đồng hồ với quá nhiều tâm trạng, nhiều sự biến trong cuộc đời nhân vật. Nhưng ê-kíp đạo diễn và tác giả đã làm tốt điều đó khi tác giả khéo léo đưa vào hai quan chép sử trẻ và già, được hai diễn viên Xuân Bắc và Quốc Khánh tung hứng rất dí dỏm, hòa quyện với những lời bình rất duyên. Có lẽ đây là hai nhân vật gây được cảm tình nhất của người xem bởi họ đã hoàn thành rất tốt vai diễn, gắn kết được vai trò dẫn chuyện và khắc họa được tính cách nhân vật cũng như nêu được một phần những bi kịch của các sử gia thời phong kiến.

Nhưng thành công của các nhân vật phụ này lại khiến người xem thấy chạnh lòng với những diễn viên đảm nhiệm vai diễn chính. Từng được ghi dấu khá sắc nét vẻ sang trọng, lịch lãm của Lý Chiêu Hoàng (Lê Khanh thủ vai), công chúng một cách vô thức đã đòi hỏi những diễn viên trẻ như Hoàng Lan, Thanh Giang, Quỳnh Hoa (mỗi đêm diễn là một người đảm trách) thể hiện được bản sắc riêng của mình và ghi được ấn tượng với khán giả trong hình tượng nhân vật này quả không dễ. Vẻ tươi mới, trẻ trung rất phù hợp trong giai đoạn đầu của cuộc đời Lý Chiêu Hoàng lại trở thành nhược điểm khi các nữ diễn viên trẻ đến với những lời thoại nặng ký, đòi hỏi sự sâu sắc, giàu sức thuyết phục hơn ở phần sau. Ngược lại, đối trọng với một Lý Chiêu Hoàng là Trần Thủ Độ mà suốt cuộc đời vị nữ hoàng này thù ghét. Nguyên nhân của mối thù này quá nhiều, quá dễ thấy. Vì Trần Thủ Độ đã giết cha, lấy mẹ, là nguyên nhân trực tiếp của mọi bi kịch trong đời khi buộc Lý Chiêu Hoàng đi hết từ bi kịch này đến bi kịch khác, những bi kịch lớn, quá sức chịu đựng với cuộc đời một con người. Vậy nhưng Trần Minh thủ vai diễn này lại không đủ nặng ký cả từ hình vóc đến tài diễn, khiến cho con người gian hùng, một tay gây dựng và lật đổ triều đại, được coi như vị anh hùng tạo ra được thời thế, được mô tả như một cột trụ chống trời, tiêu tốn bao bút mực, tâm lực của người đương thời cũng như hậu thế, bỗng chốc có phần nhỏ bé, thảm hại. Hay bên cạnh một Lý Chiêu Hoàng trẻ trung, tươi mới, thì một Trần Cảnh (Trung Anh đóng) quá lớn tuổi đã gây phản cảm nhất định ở cảnh lãng mạn được dày công đầu tư của đạo diễn. Chỉ đến cuối kịch, cách diễn tiết chế, có chiều sâu của Trung Anh mới thực sự ngấm và được người xem yêu mến. Đạo diễn Lê Hùng đã xử lý màn kịch có đông nhân vật rất tốt và việc ông để dàn nhạc dân gian ngồi chơi ngay trên sàn diễn mang hơi hướng sân khấu dân gian lại ăn nhập với kịch nói có đề tài lịch sử khiến hiệu quả sân khấu tăng lên.

Tuy người xem vẫn chưa thấy "đã" với những gì được trình diễn. Xử lý bục bệ có phần còn nặng nề, có đoạn chưa hợp lý như cảnh âu yếm giữa Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng ở phần đầu tại sao lại ở dưới thấp trong khi có hẳn hai bục được trải vải rất đẹp. Đó còn chưa kể đến việc đưa nhiều ngôn ngữ của ngày hôm nay đã phá đi tính lịch sử của thời gian kịch, mất cái trau chuốt trong lời thoại và gây sự gai gợn không đáng có…

Nhưng nhìn tổng quát, những điều đó là dễ chấp nhận trong bối cảnh dàn dựng sân khấu như hiện nay. Sự chăm chú theo dõi suốt hơn hai giờ đồng hồ và những tràng pháo tay của khán giả không dứt đã khiến vở diễn xứng đáng nhận được tấm huy chương vàng trong hội diễn.

Một hình ảnh trong vở Mỹ nhân và anh hùng

 

Ngọc Bảo - HNM