Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
351
116.791.837

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Hành trình của một cuốn sách lạ
‘‘Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm’’ vừa xuất bản (322 trang, NXB Hội Nhà văn, Cty văn hoá & truyền thông Nhã Nam) đã gây sự chú ý của bạn đọc và các phương tiện truyền thông đại chúng. Số phận cuốn nhật ký của Đặng Thuỳ Trâm thật đặc biệt.

Từ chiến trường Quảng Ngãi, nó được đưa sang Mỹ và bây giờ bản chụp của nó được trở lại Hà Nội - nơi sinh của chị Trâm và hôm nay đã tới tay bạn đọc. Người có 35 năm gắn bó với cuốn nhật ký này chính là một cựu chiến binh Mỹ - Frederic Whitehurst (ảnh). Chúng tôi xin trích giới thiệu một số đoạn thư của ông gửi cho gia đình liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm qua bản lược dịch của Mai Chi, Kim Châm.

 

Thứ sáu, 29.4.2005

 

Tôi là Frederic Whitehurst. Tôi đã mang trong mình ký ức về chị gái cô - bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm - suốt 35 năm nay. Tôi đã giữ những cuốn nhật ký của chị ấy 35 năm nay. Tôi biết rằng giờ đây gia đình cô đã nhận được bản sao của những cuốn nhật ký và những bức ảnh. Có rất nhiều điều tôi phải nói với cô, với gia đình cô và đặc biệt là với mẹ cô. Một người mẹ cần phải được biết về những năm tháng của con gái mình, một đất nước cần phải biết về một nữ anh hùng như bác sĩ Trâm.

 

Tôi cũng muốn mẹ cô được chạm vào những cuốn nhật ký của con gái bà. Hiện nay những cuốn nhật ký được gửi ở một hồ sơ lưu trữ tại Lubbock, Texas. Tôi gần như đã không còn hy vọng tìm được gia đình cô và muốn chắc chắn rằng trong trường hợp tôi chết, cuốn nhật ký sẽ không bị quẳng đi, bị quên lãng, bị mục nát. Vì thế, tôi đã đem gửi nó tại kho lưu trữ về Việt NamLubbock. Chuyện đó mới tình cờ xảy ra cách đây một tháng.

 

Thứ bảy, 30.4.2005

Hiền và Kim, [1]

 

Tôi nhớ tôi có được cuốn nhật ký cuối của chị vào mùa hè và sau đó, vào tháng 10, khi tôi đi công tác với một đơn vị bộ binh Mỹ và trước một trận đánh, tôi ngồi cạnh một người lính và chúng tôi kể cho nhau nghe những trận đánh mình từng trải qua. Người lính kia tả lại một trận đánh khá lạ lùng, trong trận ấy người ta tìm thấy một cái túi vải bạt trên thi thể một người phụ nữ VN trong rừng rậm. Hồi đó, nhiệm vụ của tôi là thu nhận các tài liệu thu được trên chiến trường, do vậy chiếc túi anh ta tả đó chỉ có thể là chiếc túi đựng những cuốn nhật ký của bác sĩ Trâm.

 

Người lính đó là thượng sĩ Nguyễn Trung Hiếu - là phiên dịch cho đơn vị tôi. Hôm ấy, chúng tôi nhận được rất nhiều tài liệu và sau khi đã tìm kiếm các tài liệu có giá trị quân sự, chúng tôi chất đống lại để đốt. Trong khi tôi đang đốt các tài liệu thì Hiếu chặn tôi lại. Tay Hiếu cầm cuốn sổ nhật ký của chị các bạn và nói: "Fred, đừng đốt cuốn sổ này. Bản thân trong nó đã có lửa rồi".

 

Nhiều đêm sau đó, chúng tôi đã ngồi bên nhau và bắt đầu dịch cuốn nhật ký. Nhưng chẳng được bao lâu, chiến tranh khiến tôi phải gác cuốn nhật ký qua bên. Khoảng một năm sau đó, trong khi tôi dịch thêm một số tài liệu với Hiếu thì anh lại một lần nữa nói với tôi rằng đây là cuốn nhật ký thứ hai của cô bác sĩ. Chị của các bạn là một người vô cùng đặc biệt, khiến ngay cả Nguyễn Trung Hiếu - người đang chiến đấu chống lại chị - cũng vô cùng cảm động trước chủ nghĩa anh hùng của chị và không thể huỷ hoại những dòng chữ của chị.

 

Thứ sáu, 6.5.2005

Em gái Kim,

 

Bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm là một anh hùng đối với toàn thế giới. Đó không phải một lời khoa trương mà hoàn toàn là sự thật. Anh trai tôi Robert và tôi đã nghĩ rằng nếu không tìm được gia đình chị thì chúng tôi sẽ xuất bản một cuốn sách về chị Thuỳ, qua đó, nếu còn sống thì gia đình em sẽ biết về chị.

 

Chúng tôi nghĩ phần đầu của cuốn sách sẽ viết về Thuỳ bằng tiếng Việt và sẽ bao gồm cả những trang nhật ký. Phần giữa cuốn sách sẽ là những bức ảnh gia đình và các chiến sĩ giải phóng ở Đức Phổ - những người đã được Thuỳ che chở chăm sóc, rồi những bức ảnh của người phóng viên Hà Nội đã hy sinh mà tôi đã kể cho em nghe. Phần cuối cuốn sách sẽ là bản tiếng Anh dịch phần thứ nhất sang.

 

Cuốn sách sẽ được dịch ra nhiều thứ tiếng. Thuỳ đã cho chúng ta mọi hy vọng về tương lai. Chị nhận thấy cái đẹp ngay giữa cuộc chiến tranh, điều đó quá đặc biệt, mọi người phải cùng biết tới. Đó là ý tưởng của chúng tôi.

 

Tôi đã nhượng quyền sở hữu của mình đối với hai quyển nhật ký này cho bảo tàng, vì thế tôi không thể quyết định về tương lai của chúng nữa. Nhưng tôi muốn mẹ các bạn phải được sờ thấy những trang giấy và cảm nhận được tình yêu trong hai cuốn sách đó. Tôi sẽ rất vinh dự nếu được mời mẹ các bạn đến để cầm hai cuốn nhật ký, hoặc là Kim hoặc Hiền hoặc Hồ đều được.

 

Từ rất lâu rồi tôi vẫn nghĩ nếu như cuốn sách được xuất bản, hoặc người ta làm phim về nó thì tôi sẽ dùng số tiền bán sách để thiết lập một số giường bệnh ở Hà Nội. Lúc ở Texas tôi nói với mọi người rằng, ý tưởng đó sinh ra từ khi tôi nhìn thấy những đứa trẻ bị đốt cháy ở Quảng Ngãi bao nhiêu năm về trước.

 

Và tôi có thể nhìn thấy bác sĩ Trâm tiếp tục sự nghiệp y tế của mình ngay cả khi chị đã mất, tiếp tục chăm sóc đồng bào mình bằng chính câu chuyện của chị. Tôi biết điều này giống như một chuyện cổ tích, nhưng chuyện cổ tích cũng có thể trở thành sự thật. Anh trai Fred.

 

[1] Kim Trâm và Hiền Trâm là hai em gái của Thuỳ Trâm, ở nhà gọi là Kim và Hiền. Mẹ của ba chị em cũng tên là Trâm.

- Theo LĐ
Tin tức khác