Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
597
116.826.110

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Kịch bản phim truyện truyền hình thuần Việt : Có quá khó và thiếu?
HTV khi “khai sinh” chương trình Phim Việt cuối tuần đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ khán giả và cả giới truyền thông. Bởi vì, qua chương trình này, phim Việt có mặt nhiều hơn trên sóng; bởi vì, người Việt vẫn rất thích được xem phim Việt. Nhưng khi bộ phim đầu tiên “Vòng xoáy tình yêu” được trình chiếu, khán giả rơi ngay vào sự thất vọng do phim có quá nhiều tình tiết giả tạo, phi lý: người hiền thì hiền đến ngu ngơ, người dữ thì dữ đến trơ trẽn.

Đến bộ phim thứ hai “Ảo ảnh”, phản ứng của khán giả không còn là thất vọng, mà trở nên chán nản, bất bình bởi quá nhiều tiêu cực trong nhiều lĩnh vực của xã hội được gom nhặt vào phim, thành ra nhân vật phải tải nhiều thứ, đối mặt nhiều khó khăn và trở thành một người “bao đồng” đáng thương chứ không phải đáng ca ngợi.

 

Bộ phim thứ ba “Niềm đau chôn giấu” vẫn tiếp tục trong tình trạng như hai phim trước: tình tiết, chi tiết, tâm lý nhân vật nhiều phi lý, gượng ép; xa lạ với lối sống, tập quán của người Việt Nam. Nhân vật chính là Mận – người giúp việc trong một gia đình mà có thể tự tung tự tác, vênh váo, hỗn hào và thủ đoạn trắng trợn vẫn không một ai nhận ra…Hai trong ba kịch bản này được chuyển thể từ kịch bản của Thái Lan nên cũng dễ hiểu tại sao cách cư xử và tâm lý nhân vật không hợp với người Việt Nam.

 

Trước đây, trong bộ phim “Lẵng hoa tình yêu” do TFS sản xuất, do kịch bản cũng được Việt hóa từ kịch bản của Hàn Quốc nên không tránh khỏi một vài điểm, nhân vật không phù hợp mà điển hình là nhân vật Hải, tuy ở rể, ăn không ngồi rồi nhưng chuyên tìm cách phá phách mà gia đình nhà vợ vẫn dễ dàng dung túng, cho qua.

 

Việt Nam đang chuyển mình từng ngày trong mọi lĩnh vực. Có biết bao sự kiện, con người, bao số phận mà các nhà làm phim có thể chuyển tải thành phim với nhiều yếu tố hay, hấp dẫn và thuyết phục. Kịch bản của nước ngoài, dù là nước thuộc châu Á hay Đông Nam Á, dù đã được Việt hóa đến đâu thì phần “xương cốt” vẫn là của người không thể hoàn toàn trở thành ta được.

 

Thời gian vừa qua, một loạt phim truyện truyền hình Việt Nam dài tập, phát sóng trên VTV được khán giả yêu thích và đón nhận nồng nhiệt như “Đường đời”, “Chuyện phố phường” đã chứng tỏ không phải và không thể không có phim hay. Nói như nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn: “Vấn đề không phải là kịch bản phim truyện truyền hình thuần Việt hiện nay là thiếu hay quá khó, mà công việc ấy phải có kế hoạch, đầu tư cụ thể. Hãng phim VFC (Đài Truyền hình Việt Nam) phải sản xuất 200 tập phim/năm; Hãng phim TFS phải sản xuất 150 tập phim/năm nên đều có kế hoạch chủ động từ lâu. Nghĩa là họ phải được chuẩn bị cả về tài lực lẫn nhân lực. Làm phim truyện đâu phải là làm quảng cáo, đâu thể muốn làm là có ngay được”.

 

Ảnh : Phim “Vòng xoáy tình yêu” vay mượn kịch bản từ Thái Lan.

 

Như Hoa - SGGP