Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
598
116.826.318

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Trường Nguyễn Bính và “Chân quê thi hội”
Huyện Vụ Bản xưa có tên là Thiên Bản. Thiên là trời; Bản là gốc, là nền. Mảnh đất này có gì ghê gớm mà được coi là gốc, là nền của trời? Hồi còn sống thì giáo sư Trần Quốc Vượng lý giải: Thiên Bản ở đây còn có ý nói là nơi hội tụ linh khí của trời đất.

Vụ Bản là huyện nhỏ và nghèo so với các huyện khác của tỉnh Nam Định, nhưng lại là mảnh đất  thời nào cũng sinh ra những anh hùng, hào kiệt và những doanh nhân. Đây là đất bà Chúa Liễu Hạnh đã chọn để hóa thánh (rất có thể cái tên Thiên Bản có liên quan đến truyền thuyết này).

 

Là nơi sinh ra và dung dưỡng tài năng của trạng nguyên Lương Thế Vinh. Thời hiện đại, Vụ Bản có 4 người được giải thưởng Hồ Chí Minh, trong đó Khoa học tự nhiên 1: Bùi Huy Đáp; Khoa học Xã hội và Văn học Nghệ thuật 3: Văn Cao, Trần Huy Liệu, Nguyễn Bính. Giải thưởng Nhà nước chỉ tính riêng Văn học Nghệ thuật đã có các nhà văn Vũ Cao, Vũ Tú Nam, Văn Ký…Các nhà chính trị nổi tiếng thì có: Nguyễn Cơ Thạch, Song Hào, Nguyễn Đức Thuận…

 

Vụ Bản trước đây có 2 trường THPT, một trường mang tên nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ (trường này có từ thời nhà thơ Bế Kiến Quốc còn đi học), một trường mang tên nhà khoa học Lương Thế Vinh.

 

Gần đây do rất nhiều nỗ lực từ phía lãnh đạo tỉnh, huyện và ngành Giáo dục - Đào tạo, ngôi trường THPT thứ ba đã ra đời mang tên thi sĩ Nguyễn Bính. Ngôi trường ngự trên đất xã Hiển Khánh, một vùng nông thôn đặc chân quê như trong thơ Nguyễn Bính.

Trên tầng 3, nơi gần tum cầu thang có đặt một bàn thờ Nguyễn Bính. Ở nơi bàn thờ ấy treo một tấm ảnh nhà thơ mà đôi mắt ông như đang nói với thầy trò một điều gì đó.

Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thái Hòa cho biết thì trường mới “xuất xưởng” được một lứa học sinh đầu tiên nhưng tỷ lệ đỗ đại học, cao đẳng đã khá cao. Hẳn là có sự thừa hưởng khí thiêng của thi ca và danh tiếng Nguyễn Bính.

 

Và gần đây tập san “Hương quê”, số đầu tiên của trường ra mắt. Trong đó đã có những truyện ngắn, bài thơ mang dự báo tốt lành. Tập san “Hương quê” là  cuộc thử sức, một diễn đàn tập hợp đội ngũ cầm bút dẫn đến việc thành lập “Chân quê thi hội”.

 

Sự xuất hiện “Chân quê thi hội” là sáng kiến của Nguyễn Bính Hồng Cầu, trưởng nữ của nhà thơ Nguyễn Bính cùng với một số bạn thơ ở thành phố Hồ Chí Minh. Họ lập “Chân quê thi hội”  tại TPHCM trước rồi lần lượt 16 tỉnh, thành phố đã có chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của thi đàn này. Cho đến ngày13/10/2005, “Chân quê thi hội” được ra mắt tại ngôi trường mang tên nhà thơ ở quê hương ông.

 

“Chân quê thi hội” ở đây bao gồm các thầy cô giáo dạy văn; các thầy cô giáo dạy các môn khác nhưng yêu văn học, thích sưu tầm tư liệu về Nguyễn Bính; các em học sinh có năng khiếu sáng tác thơ văn. Họ có nhiệm vụ sưu tầm, lưu giữ, bình giải, giới thiệu thơ Nguyễn Bính đến với công chúng. Họ sáng tác văn học. Họ hâm nóng không khí văn chương, kích thích niềm say mê  học văn. Họ quyết tâm xây dựng trường THPT Nguyễn Bính thành cái nôi dung dưỡng những năng khiếu văn chương.

 

Riêng tôi - người viết bài này- rất vui và xúc động khi được mời tham dự buổi lễ ra mắt “Chân quê thi hội” tại ngôi trường này. Anh Nguyễn Phương Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản cũng có mặt, anh tỏ ra rất tâm huyết với “Chân quê thi hội”.

Trong buổi lễ này đáng chú ý là lời tâm sự của bà Nguyễn Thị Liên, em ruột nhà thơ Nguyễn Bính, nói về những kỷ niệm với anh trai mình. Nguyễn Bính Hồng Cầu thì tâm sự những điều rất đáng quan tâm về thân thế và sự nghiệp của người cha.

Cùng về với Nguyễn Bính Hồng Cầu có các bạn văn từ thành phố Hồ Chí Minh như Bích Ngân, Dạ Thảo, Hương Thu, Nguyễn Thị Kim Thoa. Thầy hiệu phó Nguyễn Đức Văn được giao chủ nhiệm “Chân quê thi hội”, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Lệ Thanh, trưởng bộ môn văn của trường; thầy Lê Văn Cự, Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Văn Thụ cũng có những ý kiến rất hay về xu hướng hoạt động của “Chân quê thi hội”.

Các em học sinh trình bày những thi phẩm đặc sắc của Nguyễn Bính; hát những bài hát phổ thơ Nguyễn Bính và những bài hát của các tác giả khác đậm đặc chất đồng quê.

 

Chúng ta đang sống  trong một thời kỳ bão hòa thông tin. Chất thơ trong tâm hồn con người  dường như đang có chiều hướng phôi pha. Tuy thế, đến một cái tuổi nào đó cuộc sống xô bồ, căng thẳng của công nghiệp và thành thị khiến người ta mệt mỏi, có khi không còn tự biết mình  là ai, thì người ta lại tự tìm về cái gốc chân quê như tìm về lời ru thuở ban đầu của người mẹ làm điểm tựa tinh thần để sống tiếp.

Hy vọng “Chân quê thi hội” ra đời mang được một ý nghĩa nhỏ ấy.

 

(Nam Định, cuối tháng 10 năm 2005)

Lê Hoài Nam - TPO