Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
570
116.787.043

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Đồng bằng sông Cửu Long : Quá ít "sân chơi văn hoá" cho giới trẻ nông thôn
Buổi tối, thanh niên sống ở địa bàn nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long đi đâu, làm gì? Quá ít "sân chơi văn hoá", vậy là nếu không vào quán càphê, coi tivi thì rủ nhau gầy sòng... nhậu và không hiếm chuyện quậy phá...

Tại nhiều địa phương ở ĐBSCL hiện đã hình thành hệ thống nhà văn hoá (NVH) xã - phường. Thế nhưng, NVH cấp cơ sở còn bộc lộ khá nhiều hạn chế; mà nguyên nhân chính là thiếu kinh phí (5-10 triệu đồng/năm/NVH) và thiếu cán bộ nghiệp vụ đủ năng lực để nâng cao chất lượng hoạt động. Vì vậy, dù nhiều NVH có khá đầy đủ các phòng chức năng, song không đủ sức hấp dẫn thu hút giới trẻ.

Chẳng hạn như ở huyện Bình Minh (Vĩnh Long), 6/7 xã đã có NVH, song chỉ hoạt động cầm chừng; có thời gian dài gần như không hoạt động. Sau một thời gian phát triển rôm rả, hiện nhiều câu lạc bộ (CLB) "Hát với nhau" ở các tỉnh đã tự "xoá sổ". Tình trạng này đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương như Bạc Liêu, Vĩnh Long... Tỉ lệ các điểm bưu điện văn hoá xã có kết nối Internet trong toàn vùng tuy ngày càng tăng, nhưng mỗi điểm chỉ có một máy tính và chỉ mở cửa ban ngày...

 

Vậy là, buổi tối, thanh niên vùng nông thôn thường rủ gầy sòng nhậu hoặc ra quán càphê tán gẫu.

Phải chăng từ sự hụt hẫng trong đời sống văn hoá cùng với việc tiếp nhận "văn hoá bạo lực" qua nguồn phim video ngoài luồng, gần đây đã hình thành cách hành xử bạo lực ở một bộ phận thanh thiếu niên vùng nông thôn ĐBSCL?

 

Tại một số xã thuộc huyện Trà Ôn (Vĩnh Long), ngay từ năm 2004 đã xuất hiện các nhóm thanh thiếu niên tụ tập thành nhóm với kiểu hành xử đầy tính chất côn đồ: Ở xã Trà Côn, xảy ra chuyện mâu thuẫn sau một chầu nhậu, đánh nhau đến chết người; ở xã Thới Hoà xuất hiện nhóm chặn đường "xin đểu"; rồi lại có chuyện một nhóm thanh thiếu niên ở xã Nhơn Bình sử dụng hung khí thanh toán nhau với nhóm khác ở xã giáp ranh Tường Lộc (huyện Tam Bình)...

 

Tình trạng đó còn diễn ra ở một số địa phương thuộc Đồng Tháp, Tiền Giang, Bạc Liêu...; đối tượng có cả học sinh.

 

Hẳn sẽ không ít người giật mình khi biết số vụ tự tử bằng thuốc trừ sâu (TTS) ở các địa phương khu vực ĐBSCL. Chỉ ở một huyện thôi mà mỗi năm số vụ lên tới cả trăm: Tại huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) 2 năm 2002 - 2003 có đến trên 250 người tự giải quyết cái sự chán đời bằng TTS.

 

Ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang), chỉ trong 3 tháng (2 tháng 11-12.2004 và tháng 1.2005) xảy ra 75 trường hợp ngộ độc TTS... Theo tổng hợp của Sở Y tế Đồng Tháp, mỗi năm số vụ tự tử bằng TTS ở đất lúa này xấp xỉ con số ngàn (năm 2002: 1.130 trường hợp, 18 người chết).

 

Kết quả phân tích của ngành chuyên môn cho thấy hầu hết số người tự tử thuộc giới trẻ. Nhìn "bề nổi", tất cả các vụ tự tử đều có nguyên nhân cụ thể như: Đi uống rượu, đi chơi về khuya bị cha mẹ la rầy; không thuộc bài bị cô giáo phê bình; bị gia đình nghi lấy cắp tiền; giận chồng (hoặc vợ)...

Thực tế cho thấy có những điểm đáng lưu ý: Phần lớn các trường hợp tự tử ở thanh niên nông thôn đều diễn ra sau khi đối tượng đã có uống rượu.

 

Điều đó phần nào cho thấy: Phải chăng, ở nông thôn quanh năm suốt tháng bám ruộng bám vườn, rất ít được hưởng thụ các nhu cầu về lĩnh vực văn hoá nên lớp trẻ miệt đồng thiếu hẳn kiến thức, "chất xúc tác" để định hướng lấy lối sống.

 

Ảnh : Sinh hoạt cộng đồng - "sân chơi"cần thiết cho thanh thiếu niên vùng nông thôn.

 

Lê Như Giang - LDO
Tin tức khác