Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
696
116.783.399

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Một cựu binh làm thơ,viết nhạc
Năm 2004, Nhà xuất bản Thanh Niên xuất bản tập thơ Chiều của Lê Quân, một cựu chiến binh. Sau khi rời quân ngũ, Lê Quân vẫn đam mê làm thơ, viết văn, viết nhạc như thời còn trên ghế nhà trường cũng như thời ở chiến trường giữa đạn bom ác liệt. Gần năm chục bài thơ trữ tình trong tập Chiều

ít nhiều đã để lại ấn tượng trong lòng những người yêu thơ. Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc bài thơ Gió sông Hồng in trong tập này thành ca khúc Hà Nội gió sông Hồng mà Nhà xuất bản Văn học vừa đưa vào Tuyển tập Thơ hay phổ nhạc.

Tháng 10-2005, Lê Quân lại trình làng Album nhạc mang tên Lá nửa chiều gồm mười sáu ca khúc do các ca sĩ Thanh Lam, Ngọc Anh, Kasim Hoàng Vũ, Minh Quân, Tấn Minh, Quang Minh, Bông Mai, Thu Thủy, nhóm nhạc AC & M và 5 dòng kẻ thể hiện.

Giữa lúc ai cũng dễ dàng xuất bản thơ và nhạc, giữa biển  thơ và rừng album nhạc, nghe 16 ca khúc trong album Lá nửa chiều (DVD, VAFACO FILM PRODUCTIONS) của Lê Quân, những người khó tính nhất cũng phải suy nghĩ. Thế ra, vẫn có những sản phẩm đích thực của văn hóa tinh thần, không phụ lòng người xem, người nghe, người đọc.  Nhạc Lê Quân có tìm tòi, tiếp thu, chưng cất cái đẹp của nhạc dân gian, dân tộc, đến những âm hưởng của pop, rốc, kể cả hip hop. Lê Quân luôn muốn đi theo cách riêng của mình: ấy là ca từ trước hết phải là thơ và trong thơ đã có nhạc. Phần âm nhạc, cốt chắp cánh cho thơ đi vào lòng người. Có thể dễ dàng cảm nhận ra điều ấy, bởi vì lời của 16 ca khúc trong Lá nửa chiều thực chất là 16 bài thơ!

Nhiều ca khúc trong album này bộc lộ cảm xúc sâu lắng, mãnh liệt của Lê Quân với quê hương, với bạn bè, với đất nước. Đó là Thị trấn Ninh Giang, nơi Quân cất tiếng chào đời,  trên bến dưới thuyền, có bến đò Tranh, có triền đê sông Luộc, có hoa quả, tôm cá ngon nhất xứ. Đó là Hà Nội, nơi anh học hành và lớn lên trước khi trở thành người chiến sĩ  xông ra mặt trận. Đó là Sài Gòn, nơi anh lập nghiệp kể từ sau ngày đất nước hòa bình, rời quân ngũ. Sinh hoạt đô thị, văn minh đô thị ở Sài Gòn;  nét đẹp thâm trầm cổ kính và lãng mạn giữa lòng Hà Nội được Quân thể hiện tế nhị và sinh động trong các ca khúc: Hà Nội chiều ven hồ, Lá nửa chiều, Thành phố chiều nắng hạ, Ngõ nhỏ ngày xưa, Ngẫu khúc chiều… Ở những ca khúc này, ca sĩ hát rất đạt, đạo diễn tỉa tót từng chi tiết, những khung hình đẹp, sang trọng, phối âm phối khí chỉn chu… Vậy mà lạ thay, tôi cứ thấy có cái gì na ná như đã từng thấy, từng nghe ở đẩu ở đâu rồi!

Tôi thích những bài tác giả để lại dấu ấn. Phải là những ca khúc thật Lê Quân, riêng một cõi như Phố huyện của tôi, Lâu lắm rồi… Ai chả có một quê hương để thương để nhớ. Phố huyện nhỏ xinh của Quân đã trở thành biểu tượng của anh về tình yêu và khát vọng. Anh viết: Phố huyện của tôi. Phố huyện nhỏ thôi. Vừa loanh quanh đã hết phố rồi. Một bến đò Tranh dăm hàng quán cũ, một phiên chợ nhỏ một mùa đong gió. Có em tôi, học trò trường huyện đi về. Bông cỏ  may níu bước em chân đê. Chiều đi vội bông cải vàng đọng nắng. Em đi xa phố huyện buồn thưa vắng. Chiều giăng lên một mảnh trăng gầy! Phố huyện nhỏ ơi! Phố huyện nhỏ ơi! Chưa đi xa đã nhớ phố huyện rồi. Ngày nào đó em xa vắng! Phố huyện chờ em, nhớ em. Phố huyện đợi em về! Con người, nao lòng nhất là phút chia ly. Ca khúc Lê Quân giàu chất thơ, hay là thơ Lê Quân giàu âm nhạc, điều đó dễ nhận ra qua bài Mai anh đi rồi. Tứ  thơ đẹp và buồn, tình cảm nhẹ nhàng mà sao quá da diết. Tác giả lặng lẽ nói, không cần bình luận, chi tiết thật tế vi, nhạy cảm lắm mới viết được: Mai anh đi rồi! Em buồn không? Mà sao thấy nắng chiều mênh mông... Tiếng thở dài em trên phố đông! Chính vì nặng lòng với quê hương, với người thân cho nên khi chia ly, buồn thương lắm, và cả cuộc đời sau đó, chỉ mong được về lại chốn cũ. Nghe Tấn Minh hát bài Lâu lắm rồi, tôi nghĩ đó là mong ước không chỉ của riêng Lê Quân mà là của phần đông những người phải tha hương. Thực ra, trên cõi đời này, ai cũng phải tha hương, dù chỉ một đôi lần, hoặc là vĩnh viễn. Nguồn cội của việc phải tha hương thì khác nhau, nhưng tâm trạng, cõi lòng xa quê thì lại giống nhau đến kỳ lạ. Nỗi nhớ nhung quê hương, đất nước, người thân yêu chính là nguồn cảm hứng cho các nhà văn, nhà thơ sáng tác nên bao tác phẩm giá trị. Nhà văn Vũ Bằng với tác phẩm Thương nhớ mười hai là một minh chứng cho điều vừa nói. Trong Lâu lắm rồi, lời ca như bật thốt lên từ đáy lòng: Lâu lắm rồi! Đã lâu lắm rồi! Tôi muốn về quê. Để ăn con cá con cua đồng làng tôi. Để ăn rau bí rau lang vườn nhà tôi. Nhớ em! Ngắm trăng! Và em, Em áo nâu non. Mắt đen hạt nhãn xoe tròn nhìn tôi. Lâu lắm rồi - mơ về quê xưa. Ăn bát canh cua mẹ nấu. Thương em dịu ngọt tròn trăng. Mồ hôi thấm ướt lưng ong. Bắp chân em tròn, gánh nước trăng theo. Lâu lắm rồi! Đã lâu lắm rồi! Tôi còn long đong! Điệp khúc tôi còn long đong như  một nốt nhấn sâu và day dứt vào trái tim ta, khi mà xa mẹ, xa quê hương thì cuộc đời chỉ là một chuỗi long đong! Ai chả thế!

 

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20-10-2005

Triệu Xuân - SCL
Tin tức khác