Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.408 tác phẩm
2.747 tác giả
535
116.836.672
 
Cõi Mê
Triệu Xuân
Chương 14

Nội vụ thực ra chẳng có gì phải ầm ĩ! Chẳng qua là sự lẫn lộn, giao thoa, xung khắc giữa danh vị, chức tước và tiền bạc, giữa quyền và lợi, giữa cá nhân với sự nghiệp chung. Ham hố nhiều tất bạc đầu. Giá như Đạt chỉ là một kỹ sư quèn, sáng cắp ô đi tối cắp về thì đâu đến nỗi!

Cha của Đạt là Hoàng, Thứ trưởng kiêm Tổng Giám đốc một Tổng công ty lớn, một trong những người dũng cảm, năng động sáng tạo, góp phần xóa bỏ cơ chế kinh tế tập trung - triệt tiêu sức sáng tạo của nhân dân, không mang lại hiệu quả - góp phần đưa đất nước vào thời kỳ Đổi mới. Vào những năm 1982 đến 1990, Hoàng và Tổng công ty Biển của ông nổi bật như một hình mẫu của cơ chế làm ăn mới. Thời ấy Hoàng còn trong độ tuổi ứng cử lên cấp cao hơn..., ông từng tin chắc mình sẽ trúng cử. Nếu trúng cử, ông sẽ… ông sẽ… Ông viết cả một luận văn trình bày chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam. Văn bản dày một trăm trang A4. Nhiều nhà khoa học kinh tế và khoa học xã hội nhân văn không khỏi ngạc nhiên về sức đọc và tầm suy nghĩ về tương lai quá rộng của ông. Ai cũng ghi nhận tấm lòng ông, tâm huyết của ông. Ấy thế mà cả hai kỳ Đại hội, Hoàng đều bị ra rìa ngay từ đầu vì những lá thư tố cáo. Kỳ trước, thư tố người phó của Hoàng tham nhũng, móc ngoặc với tư bản nước ngoài làm thiệt hại hàng tỷ đồng. Thanh tra xong, rồi khởi tố điều tra… Ngày nào Trương, người phó của Hoàng cũng phải đến trả lời ở số 3 Tôn Đức Thắng. Sau sáu tháng, có lệnh xóa cái lệnh khởi tố kia. Trương vô tội, nhưng Đại hội thì đã thành công rực rỡ rồi, cả nước, cả Tổng Công ty của Hoàng đang triển khai học tập Nghị quyết Đại hội rồi!

Đến kỳ Đại hội sau, Hoàng cũng đạt phiếu cao nhất trong đoàn đại biểu đi dự Đại hội, cũng được giới thiệu ứng cử... Kỳ này thì thư tố cáo không nhắm vô một người, mà chĩa vô Công ty Dịch vụ Kỹ thuật trong Tổng Công ty. Thanh tra xong, tất nhiên là có sai phạm trong quản lý nhưng không phải như thư tố cáo: bán chủ quyền (đất và nhà xưởng đưa vào liên doanh) cho Mỹ để trục lợi cá nhân. Khi có kết luận của thanh tra thì Đại hội vừa kết thúc thắng lợi. Hoàng lại lên bục triển khai việc học tập Nghị quyết! Hai cuộc đua của Hoàng thất bại. Hoàng buồn có lúc rũ người ra, cả cuộc đời ông toàn thất bại: Cứ gần đạt điểm mười, tức là mới điểm chín thì ông lại bị một vố nào đấy, văng ra. Bà Ngọc vợ ông thỏ thẻ:

- Già rồi ông! Ham hố làm chi cho mệt! Ông mà có lên được chức Bộ trưởng thì cũng tới tuổi hưu rồi! Khi đã hưu, chả ai nghĩ ông là Bộ trưởng nữa đâu! Vấn đề là sống sao cho khi mình hưu rồi, bạn bè nó vẫn thương, vẫn tới chơi…

Hoàng nhìn trân trân vào mắt vợ. Đàn bà nghĩ cạn lắm! Hoàng nói oang oang như thói quen của ông nói với vợ con bạn bè cũng như đang nói trước hội trường. Trong người ông, lửa nhiệt tình cứ ngùn ngụt:

- Tôi không ham cái ghế ấy, tôi chỉ muốn không bị kẻ nào ngăn cản khi tôi đưa Tổng Công ty của tôi lên thành một Tập đoàn mạnh, không chỉ trong nước mà là xuyên quốc gia. Chúng nó phá tôi không à! Toàn đồ đểu!

Bà Ngọc là một người vợ hiền, thương chồng con hơn cả bản thân. Bà thẳng thắn nói:

- Năm ngón tay còn có ngón vắn ngón dài. Không có bọn đểu thì làm gì có xã hội như vầy! Thôi, ông à, liệu mà đệ đơn nghỉ hưu đi, ông tới hẹn sáu chục rồi còn gì!

Từ sau cú trượt vỏ chuối này, Hoàng như rơi vào thái cực khác: bất cần chi ráo trọi! Và ông làm đơn xin hưu thật. Nhưng khốn nỗi cấp trên thừa biết là không có ai giỏi hơn ông để thay thế, ít nhất là trong lúc này. Thế là ông vẫn phải làm, vẫn phải căm tức vì có quá nhiều kỳ đà cản mũi trong cái thời buổi... quá độ, tiếng là Đổi mới nhưng còn nguyên hệ thống quản lý kinh tế với những định chế lỗi thời ngày trước…

Đến kỳ Đại hội gần đây nhất, tới lượt Nguyễn Thành Đạt, con trai ông Hoàng, bị oánh bề hội đồng theo như dư luận trong ngành. Đạt cùng lúc phạm vào hai cái cớ cho người ta oánh: Thứ nhất, nghe đâu ông Hoàng giới thiệu Đạt cho Bộ trưởng để đề nghị thăng chức Thứ trưởng, và nghe đâu ông Bộ trưởng, cũng như Ban tổ chức cán bộ đã OK. Thứ hai, trong kỳ bỏ phiếu bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội, Đạt lại trúng phiếu cao nhất!

Thế nhưng việc oánh một người đâu có dễ! Ngay cả chuyện oánh lộn của bọn đá cá lăn dưa chợ Cầu Muối, Cầu Ông Lãnh cũng còn phải tạo cớ kia mà. Vậy mà người ta tìm ra được chứng cớ hẳn hoi: Trong việc thực hiện hai hợp đồng xây dựng ở Viễn Đông Liên Xô, Công ty của Đạt lời hơn hai triệu rưỡi đôla. Nhưng lại có khoản một trăm ngàn đôla để ngoài, không kết toán, ghi là: chi cho đoàn Nga sang làm việc và chi quà cáp! Thế là Đạt toi rồi! Thanh tra có mặt tức thì. Cảnh sát kinh tế đến tức thì, và lệnh khởi tố đọc oang oang. Cách! Còng số tám ngoạm vào tay Đạt! Không có luật sư, cứ lấy cung! Đạt hùng hồn tự bảo vệ mình, lại giống hệt tính khí của bố! Để rồi, sau ba tháng trong tù, Đạt được tha, chẳng xét xử chi cả! Lệnh miễn khởi tố đình chỉ điều tra chỉ ghi vắn tắt: Việc chi 100.000USD là tiền hoa hồng cho bên A, bởi nếu không có thế thì không tranh được Hợp đồng với các công ty sừng sỏ ở nước ngoài như Pháp, Nhật, Đức. Giám đốc Đạt không tham ô tư túi!

Cái việc chi hoa hồng, vào thời điểm ấy là bất hợp pháp bởi đã có công ty Việt Nam nào ra nước ngoài xây dựng công trình cho xứ người bao giờ mà nói là làm theo tập quán quốc tế! Cái chết của Đạt xem ra là cái chết của kẻ cầm đèn chạy trước ô tô, bị xe nó cán. Trong thời gian Đạt bị tạm giam, có một cô gái tóc dài eo nhỏ tuần nào cũng đến thăm nuôi. Đó là Phương Nam.

Đạt bảo:

- Không có tình yêu của em thì có lẽ anh đã không trụ vững, đã chết rũ trong tù vì hận đời, vì uất ức!

Phương Nam ôm lấy gương mặt hốc hác của Đạt vừa ở tù ra, lòng nhói đau. Cô vô cùng oán giận những kẻ gắp lửa bỏ tay người. Một người như cô phỏng làm được gì để những người ngay không chết oan?

Khi ta còn trẻ, ta có cả một trời ưu thế, lòng ta đầy tự tin, nghĩ rằng mình muốn cái gì cũng xong!

Thưa không! Đời nó rắc rối cũng cả một trời! Đôi khi gỡ được mối rối thì xong đời rồi!

Đang ngây ngất trong men nồng tình yêu, Phương Nam quyết tâm đưa Đạt đến dự lễ đại thượng thọ một trăm tuổi tuổi của ông nội.

- Ba má ơi, hôm nay là ngày vui lớn của nhà mình, con xin phép ba má được dẫn bạn trai của con về…

- Thiệt vậy sao, con gái rượu của ba! Ba má mong câu nói đó suốt mấy năm nay! - Niềm vui làm bừng sáng khuôn mặt ông Hòa đã bước vào tuổi thất tuần.

Ông Hòa vừa về hưu được hơn tháng. Người kế vị ông chẳng phải ai xa lạ mà chính là trung tá Bùi Hành, đệ tử trung thành của ông, người đã từng được ông cho máu, cứu sống sau khi bị trọng thương ở mặt trận Buôn Ma Thuột. Do tính chất đặc thù của công việc, đặc biệt là do năng lực và tính mẫn cán của Hòa, cơ quan mời ông làm cố vấn. Bởi thế ông nghỉ hưu mà chẳng khác gì thời còn đi làm, tối ngày đi đây đi đó, họp hành, nghe ngóng, báo cáo trực tiếp với cấp trên hoặc viết báo cáo gửi thượng cấp… Suốt ngày ông chỉ được ít phút trò chuyện với con gái cưng của ông. Biết con mình không may mắn trong đường tình duyên, ông buồn lắm, giống như có một cục lo ở trong lòng! Nay nghe con nói dẫn bạn trai về, ông sướng quá, cảm thấy như trẻ lại vài tuổi. Trong tâm trạng phấn chấn ấy, ông hỏi con, giọng ấm áp, đầy tình thương yêu:

- Vậy cậu ấy con cái nhà ai, gia đình ở đâu?

- Dạ thưa ba má, ảnh tên Nguyễn Thành Đạt, ba ảnh là bác Hoàng, làm việc ở Tổng Công ty Biển!

- Sao? Con vừa nói cái chi?

- Dạ… Anh Đạt…

- Thằng Đạt à? Nó là thằng Đạt à?

- Dạ… Chúng con thương nhau hơn một năm rồi mà ba!

- Con có biết là nó vừa ở tù ra không? Con có biết là nó từng…

- Ba muốn nói ảnh từng có một đời vợ phải không ạ? Thưa ba má, ảnh ly dị lâu rồi. Còn chuyện bị tạm giam, ảnh bị oan chứ không hề phạm tội tham nhũng!

Ông Hòa quắc mắt, gằn giọng:

- Ba cấm con không quan hệ với thằng đó! Nghe rõ chưa?

Phương Nam không ngờ ba cô đùng đùng phản đối! Cứ như là ổng biết tỏng tòng tong lai lịch Đạt từ lâu rồi! Kinh khủng thật. Bấy nay Nam cứ nghĩ cô là con cưng, cô muốn gì ông cũng chiều. Ai dè… Người mà cô lo nhất là má thì má lại thủng thẳng:

- Thì ba cứ cho con gái đưa bạn nó về, ngày vui của gia đình mà ba!

- Không, ba nói không là không! Chớ có dằng dai gai ngạnh chi cho mất thời giờ!

- Ba ơi! Con gái mình nó… hai mươi bảy… cứng tuổi rồi!

Hòa trợn trừng mắt:

- Tôi nói bà nín, đi lo công chuyện đi, khách khứa tới ùn ùn bây giờ! Khi nào rảnh, tôi sẽ nói cho bà nghe vì sao tôi không ưng thằng đó! Thà con tôi ở vậy, không có rể thì tôi chịu chứ dứt khoát không gả cho thằng đó, dứt khoát không kết sui gia với nhà lão Hoàng! Đó là một tập đoàn tham nhũng, bà hiểu hông?

Phương Nam bặm môi cắn chặt răng kìm không cho nước mắt trào ra. Nhìn ánh mắt và sắc diện cha mình, cô hiểu ngay: Ông đã quyết rồi, có năn nỉ cũng vô ích. Không thể vì chuyện của mình mà làm mất vui lễ đại thượng thọ ông nội. Chuyện của cô, tự cô sẽ giải quyết! Bản tánh hiếu thảo trong cô giúp cô lấy lại bình tĩnh để lo cho ngày vui của nội, cũng là ngày đại lễ của cả gia đình.

May mà cô đã xin phép ba má trước khi dẫn Đạt về. Nếu không thì… mắc lỗi với anh, Đạt ơi!

Ông Hòa thương con gái vô cùng nhưng chuyện này ông phải kiên quyết. Ông biết con ông quá tự tin nên không hiểu được tâm trạng của bậc làm cha mẹ! Chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, công lao dưỡng dục chăm bẵm từng ngày từng giờ, cha mẹ nào chả phải mất ăn mất ngủ vì con. Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Cha mẹ nào chẳng ao ước con mình may mắn, phương trưởng, thành đạt. Nhưng con ơi, rồi con sẽ hiểu! Ba sẽ nói cho con nghe tường tận. Ba còn sống thì không đời nào, không đời nào cho con làm dâu nhà ấy.

Ông Hòa rất ghét bọn tiểu nhân. Thế nhưng, có những chuyện khiến ông Hòa, dù không có máu thù vặt, nhưng không bao giờ tha thứ. Điển hình là chuyện ông đi lo việc làm cho thằng Thăng, thằng cháu nội rách giời rơi xuống.

- o"o -

Công việc đầu tiên của ngày đầu tiên sau khi ông Hòa nghỉ hưu là đi lo việc làm cho thằng Thăng. Nó đã mười chín rồi. Từ ngày bà Lịch chạy cho nó ra khỏi trại cải tạo, ông giận bà, tuyên bố ly thân. Hòa nghĩ: Rờm thật! Tuổi bà ấy thì chẳng ly thân cũng có bao giờ bả đòi hỏi ông trả bài! Chẳng qua chỉ mất thêm tiền sắm một cái giường khác! Thằng Thăng ra trại, ăn chơi phá phách còn bạo liệt hơn trước. Phải kiếm việc làm cho nó mới mong nó tu tỉnh. Thế là ông Hòa mò đến Tổng Công ty Biển, xin gặp Thứ trưởng kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Hoàng.

Tổng Công ty Biển là một trong những doanh nghiệp tiên phong xóa bỏ cơ chế quản lý hành chính bao cấp, thực hiện thành công cơ chế Tự cân đối, tự trang trải, tạo thành mô hình sống, cả thực tiễn và lý thuyết, góp phần để Chính phủ xem xét, chuyển hẳn nền kinh tế cả nước vận hành theo cơ chế kinh tế thị trường. Tổng Công ty Biển đang là một tập đoàn kinh tế hùng mạnh.

Hòa lật trang quảng cáo một tờ báo, có ngay số điện thoại cần gọi. Ông quay số, xin gặp Tổng Giám đốc Hoàng. Ngay lập tức ông được hướng dẫn gọi qua số máy của thư ký. Thư ký của Hoàng có giọng rất thanh và ngọt hỏi mục đích cuộc gặp để báo cáo với sếp. Sau khi nghe trả lời, thư ký của Hoàng nói là với mục đích ấy thì phải làm việc với Trưởng phòng Tổ chức cán bộ. Tổng Giám đốc bận cả tuần này và tuần tới. Lịch đã xếp kín hết thời gian rồi!

Môi trường, phong thái làm việc của ông Hòa khác hẳn môi trường, phong thái làm việc của một doanh nghiệp tầm cỡ như Tổng Công ty Biển. Câu trả lời của thư ký của Hoàng khiến Hòa giận! Đáng đời ông, ăn chơi nhảy múa cho lắm, bây chừ ngày đầu tiên làm dân thường đã thất bại! Chả trách bà Lịch những năm qua thường cảm rảm càm ràm rằng ông chỉ giỏi việc nhà binh chứ việc nhà mình thì chả thấy được cái gì! Trước tình cảnh của thằng giặc non, ông Hòa vô cùng lo, vô cùng giận và vô cùng thương nó. Cứ ngó nó là hình ảnh thằng con trai Trung Thành thông minh, giàu ý chí, nghị lực, hết mực yêu thương cha mẹ và các em… lại hiện về. Hòa nén giận, mang hồ sơ xin việc sang gặp Trưởng phòng Tổ chức. Trưởng phòng Tổ chức nhận hồ sơ từ tay ông Hòa, vẻ lơ đễnh đặt nó xuống mặt bàn, không thèm mở ra coi:

- Rất tiếc là Tổng Công ty chúng tôi không có nhu cầu tuyển nhân viên!

- Đồng chí thông cảm, tôi là…

Hòa đang tính giới thiệu rõ thân thế của mình, hy vọng tìm được sự cảm thông, giúp đỡ thì viên trưởng phòng xua tay:

- Tôi biết rồi! Bác đã điện thoại xin gặp Tổng Giám đốc từ sáng nay rồi mà!

Ông Hòa kiên nhẫn nói tiếp, viên trưởng phòng kiên nhẫn ngồi nghe… Sau mười lăm phút nghe, viên trưởng phòng nói đúng cái câu đã bật ra trước đó mười lăm phút:

- Rất tiếc là Tổng Công ty chúng tôi không có nhu cầu tuyển nhân viên!

Hai Sài Gòn cau mày, toan xổ ra sự giận dữ, nhưng lại kiên nhẫn nở một nụ cười thật đẹp. Hai khóe mép của Hòa hơi vỉnh lên, cái miệng rộng nhờ thế rất có duyên khi nói và rất đẹp khi cười, giống hệt cụ Nguyễn. Hai hàm răng đều và trắng, Hòa đã uống cả chục đồi trà, đồi cà phê, hút hàng chục mẫu thuốc lá rồi mà răng vẫn trắng bóng! Tài thế! Nụ cười ấy đã khiến hàng trăm cô gái tự nguyện biến thành con thiêu thân lao vào vòng tay của ông, khao khát được ông kềm kẹp, đè nén đến tơi bời trong lửa tình.

- Vậy xin đồng chí giúp tôi, cứ nhận tập hồ sơ này, tôi sẽ tìm gặp đồng chí Hoàng để thưa chuyện…

- Được, bác để đó!

- Đồng chí có thể cho tôi… số điện thoại nhà riêng của đồng chí Hoàng?

- Ồ không, Tổng Giám đốc của chúng tôi không giải quyết công việc cơ quan tại nhà! Bác cứ liên hệ với thư ký Tổng Giám đốc cho tiện.

Trưởng phòng Tổ chức mặt lạnh băng, dòm đồng hồ, ngỏ ý kết thúc câu chuyện.

Hai ngày sau, thông qua một người bạn, vốn là lính của ông, từng được ông cứu mạng khi bị thương, hiện là ủy viên Thường vụ Thành ủy, Hai Sài Gòn có số máy điện thoại nhà riêng của Hoàng. Tối, ăn cơm xong, ông gọi cho Hoàng. Vợ Hoàng trả lời: Ông nhà tôi đi công tác nước ngoài từ trưa nay rồi! Hỏi: Khi nào về? Trả lời: Sau mười ngày!

Thương cháu, muốn thằng Thăng có cơ hội hồi tâm để sống đàng hoàng, Hai Sài Gòn đích thân đến Tổng Công ty Biển, không phải tam cố thảo lư 1 mà là năm lần, may mà trụ sở nó gần nhà ông, nhưng không nước non gì! Hết gọi cho cô thư ký lại chờ đến tối gọi về nhà, đại tá Hòa vẫn chịu bó tay, không gặp được Hoàng. Trong một tháng ấy, thực tế ông Hoàng chỉ ở thành phố có mấy ngày, còn lại, ông phải đi đàm phán ở Hoa Kỳ cho một dự án lớn, vốn đầu tư lên tới nửa tỷ đôla. Hoàng bận rộn thật sự!

Chỉ còn cách viết thư cho ông Hoàng. Nhận được thư, Hoàng phê vào lề: Chuyển phòng Tổ chức xem xét tuyển dụng khi có nhu cầu.

Thế là toi công ông Hai Sài Gòn. Chả bao giờ ông nhận được câu trả lời. Hòa bầm gan tím ruột vì hận.

Sau chuyện đó, đi đâu Hai Sài Gòn cũng thăm dò, tìm hiểu về Tổng Công ty biển. Chả bao lâu, ông rành sáu câu về nội tình của doanh nghiệp, cho dù ông chưa hề biết mặt mũi Thứ trưởng Hoàng. Đúng là Trời định. Mãi về sau này ông mới biết rằng nhà ông và nhà Hoàng ở cùng một phường, hai nhà đâu lưng lại nhau, cửa chính hướng ra hai con đường lớn của trung tâm quận Nhất! Nhưng lúc đó thì biết làm quái gì nữa!

Cũng từ đó, không hiểu xuất phát từ động cơ nào, ông quan tâm đến đời tư của Hoàng, vợ con Hoàng, gốc gác gia đình Hoàng… Càng ngày, một cách tự nhiên, ông rất quan tâm đến những sơ hở của cha con Hoàng. Chính ông cũng không hiểu tại sao mà mình sinh ra ham muốn ấy!

 

 

 

Ba: Đại tá về hưu

 

Mỗi người về hưu đều buồn theo một cách khác nhau!

Năm 1993, sáu mươi tám tuổi, sức lực còn tràn trề nhưng chờ mỏi đợi mòn không thấy cái lon thiếu tướng đâu, Hai Sài Gòn đành ngậm một khối tủi hờn xin về hưu. Thật là toi công phấn đấu!

Hai Sài Gòn đã nhịn nhục đủ thứ tính từ ngày được phong quân hàm đại tá: nhịn… em út, nhịn nói. Ông đã tu dưỡng đạo đức cách mạng thật sự. Không một cô gái nào quyến rũ được ông nữa! Nói thiệt lòng, trong công việc hàng ngày, đám đàn em thường mời Hòa đi nhậu, gọi là đi thâm nhập thực tế để có kinh nghiệm, đủ bản lãnh trong cuộc chiến đấu chống bọn tham nhũng, thấy gái tơ cứ xoắn lấy, ông thèm phát cuồng. Một đôi lần, ông cũng chặc lưỡi để làm đại một cái! Tất nhiên, những cú xé rào như rứa, ông đều căn dặn đàn em phải rất cẩn trọng không để lộ! Nghề mình gây ân oán nhiều, sơ hở là chết tươi, ô nhục cả gia đình, giòng họ! Thời buổi này bọn tham nhũng sẵn sàng vu oan giá họa, sẵn sàng gài bẫy hại nhau kia mà! Mừng là đệ tử của Hòa rất giỏi trong chuyện này!

Từ ngày Sài Gòn nở rộ dịch vụ bia gác tay, karaôkê có tiếp viên kiêm ca sỹ… Hòa thấy khỏe! Ông ít ăn cơm nhà, ngày nào bà Lịch cũng nhận được cú điện thoại trước bữa ăn tối: Anh bận họp, bận tiếp khách, đang làm việc căng lắm… Cứ ăn cơm đi, khỏi chờ!

Nhưng không phải ông Hòa chỉ thư giãn bằng mấy em tiếp viên, cave. Ông là dân sành điệu trong tình trường mà. Ở đời, hào hoa đa tình quá cũng khổ! Nhiều em cứ lao vào Hòa mà em nào cũng ngon mới mệt chớ! Bản tánh thương chị em, Hai Sài Gòn đâu nỡ từ chối, tội nghiệp chết! Nhưng ông ra điều kiện, tất nhiên là phải giao kèo đàng hoàng: Em mê anh, anh mê em thì ta chiều nhau. Xong việc là dông, không có thì thụt lê nhê chi nữa! Nói cho cùng, ông cũng lớn tuổi rồi, ông muốn giữ thanh danh mình, gia đình mình, nhất là ông nghĩ đến con, đến cháu, tu tâm tích đức cho con cho cháu. Ông đã bao giờ sống bạt mạng đâu! Rồi đến chuyện phát ngôn, ông cũng kiềm chế nhiều, không phải cứ muốn bày tỏ quan điểm, chính kiến là xổ ra. Ông hiểu ra rồi: Những thằng bạn cùng trang lứa với ông, chúng nó leo cao, thăng nhanh không phải vì tài cán chi đâu. Chúng nó dốt vô cùng nhưng lại lên vèo vèo chỉ vì biết nín nhịn. Thảo nào các cụ dạy: Một điều nhịn chín điều lành!

Ô trời, thấm thoắt mà mười lăm năm đại tá rồi! Té ra cái sự nhịn yêu nhịn nói của ông là công cốc sao? Dẹp, mơ tưởng chi cho mau già, đến chết là hết sạch bách! Tướng cũng như anh binh nhì, ra đất ráo trọi! Thế là Hòa đệ đơn xin hưu. Vả lại, cái công việc đang làm xem ra ân oán quá nhiều, ông không muốn lút sâu mãi trong đó. Từ ngày được biệt phái sang đảm đương chức ấy, ông chẳng thể ngủ ngon được dù chỉ một đêm. Tham nhũng là bệnh của người có quyền có chức. Dân thì làm sao tham nhũng! Như thế chống tham nhũng là chống ngay trong... bộ máy Nhà nước, nghĩa là toàn đánh vào đồng chí, thường là có quyền, có trách nhiệm cao! Tránh sao khỏi ân oán về sau!

Đơn xin nghỉ của Hòa chưa được giải quyết! Trên bảo muốn nghỉ, Hòa phải đào tạo hoặc giới thiệu người kế cận. Nghĩa là ông còn phải làm việc thêm một thời gian nữa! Chứng tỏ cấp trên vẫn tín nhiệm Hòa.

Vậy mà tại sao cấp trên lại ki bo cái lon thiếu tướng với ông? Kỳ quá, chịu, Hòa không hiểu nổi! Ông làm đến cuối năm 1994 thì lại đệ đơn xin hưu. Thôi, âu cũng là cái số. Khí chất anh Hai Nam Bộ khiến ông quyết định xin nghỉ bằng mọi giá.

Nộp đơn rồi, tự dưng ông lâm bệnh, chứng bệnh kỳ cục, nó làm ông một trận kinh hồn! Từ thuở bé đến giờ, chưa bao giờ ông phải đi bệnh viện ngoại trừ một lần phải phẫu thuật cắt ruột dư bị bục tại Khe Sanh tháng giêng năm 1969, và năm lần bị thương. Cả sáu lần nằm bệnh viện thời chiến tranh, ông đều được các nữ y sỹ và bác sỹ chăm sóc hết lòng; đáp lại, họ đều nhận được từ ông những giây phút thần tiên… Những người đàn bà đã đi qua đời ông, ông không thể nhớ hết. Ngay cả cô bác sỹ xinh đẹp người Hà Nội đã cắt ruột dư cho ông tại Khe Sanh, người đã tự nguyện dâng cái trinh trắng mỹ miều cho ông, ông cũng không biết giờ này ở đâu, chồng con thế nào! Đôi khi ông tự sỉ vả mình: Phải chăng mi phóng túng quá xá nên Trời phạt mi, bắt con gái mi phải trắc trở tình duyên, nếu không thì cũng ế chồng?!

Trận bệnh dai dẳng khiến ông nằm liệt trong Quân y viện 175 tròn một tháng. Miệng không muốn ăn, mắt thèm ngủ mà không ngủ nổi. Mặt mày xơ xác như vườn trầu chết khô vì hạn kéo dài, Hòa sút gần chục ký! Thế là sao? Chẳng lẽ lại bị AIDS? Không đời nào! Về chuyện ấy, ông vốn không ăn tạp, đã chuộng sự thơm tho sạch sẽ lại vô cùng cẩn trọng… Cả tá bác sỹ hội chẩn, không tìm ra bệnh. Rồi họ khuyên ông nên đi dưỡng sức ở miền biển. Thế là ông đi. Mới ra biển được một tuần, ông khỏe hẳn. Thì ra ông mắc căn bệnh buồn… phải về hưu. Ông buồn mà sinh bệnh. Buồn vì không được thăng quân hàm. Nếu được lên tướng, không bao giờ ông phải hưu. Nghĩa là cứ làm việc đến khi nào không làm được nữa thì mới nghỉ! Bên cạnh đó, biết bao chính sách từ nhà, đất, đến xe ôtô riêng, đi nước ngoài, khi chết, ma chay cũng hơn người! Còn bổng lộc thì khỏi nói, bao la!

Không xin được cho thằng nghịch tặc vào chỗ đó thì xin chỗ khác. Ông Hòa đi gõ cửa cánh nhà binh của ông vậy. May mắn quá sá! Đúng là quân ta với nhau có khác. Giám đốc nhà máy Z007 nghe giọng ông qua điện thoại, la rầm trời:

- Ủa, anh Hai Sài Gòn hả! Trời đất! Khỏe hông anh Hai? Ghé em nhậu chơi. Ờ, ờ em nghe rồi, hiểu rồi, chuyện xíu xìu xiu ấy mà, nhằm nhò gì! Năm trước anh Hai giúp em một bàn quá đẹp, em còn chưa nghĩ ra cách trả ơn anh Hai. Nay anh Hai cứ ẵm thằng nhỏ tới, em lo hớt, chu đáo, phải, lo hớt, anh Hai à!

Bất đắc dĩ lắm lắm Hai Sài Gòn mới nhờ vả trong quân đội, vì ông không muốn mang tiếng một lần nữa. Hồi cái thằng rách giời rơi xuống mới mười sáu tuổi, nó đua xe cán chết người ta, ông đã phải nhờ đến phái nhà binh của ông rồi. Vụ ấy tai tiếng dữ! Ông ân hận. Cái vụ thiếu tướng trật lất có lẽ một phần bởi chuyện đó. Còn thằng Tươm, giám đốc Z007 nhắc tới ơn huệ năm trước, quả thật ông nào có nhớ. Nhiệm vụ của ông là phải phân định rõ trắng đen, công tội. Thằng Tươm bị tố cáo trốn thuế hơn một tỷ đồng, bán xe tăng theo giá chỉ bằng một phần ba giá sắt vụn mà nhà máy thép đang thu mua, chia đất công cho mình và cho con cháu, giòng họ để bán kiếm chênh lệch… Sự vụ lẽ ra phải đưa ra Tòa án Quân khu. Vậy mà ông Hòa đã cứu Tươm thoát nạn. Số thuế hơn một tỷ đồng chưa nộp là có thật, nhưng không phải Z007 cố ý trốn, mà đang xin miễn. Năm chiếc xe tăng của Mỹ bị ta tiêu diệt rải rác trong rừng Tây Nguyên, tốn bao nhiêu tiền mới kéo về Sài Gòn, để tại nhà máy suốt mười hai năm trời, để làm gì? Nó thật sự là sắt vụn kia mà. Còn bán nó, phải bán theo giá thỏa thuận chứ làm sao mà bảo đắt rẻ! Còn chuyện đất đai, những người được cấp toàn là sỹ quan từ thiếu úy trở lên. Họ là họ hàng bà con với Tươm, nhưng nếu không phải Tươm thì ai làm giám đốc họ cũng được cấp kia mà! Rách chuyện! Đúng là ghen ăn tức ở mới thế!

Thực ra, trong số mười tám người nhà của Tươm được cấp đất, chỉ có một nửa là sỹ quan hiện hành, còn lại là những thanh niên đang học ở đại học quân sự! Nhưng trước sau gì họ cũng về phục vụ quân đội. Cái lý là ở đó.

Thằng Thăng được nhận vào phòng vật tư - vận tải của nhà máy. Nói nôm na nó khuân vác những thứ cần bốc dỡ trên xe ôtô tải xuống nhập vô kho, và ngược lại, từ kho bốc lên ôtô tải. Việc này cần sức khỏe và sự chịu khổ. Sức khỏe thì nó không thiếu, chỉ thiếu sự chịu cực. Vả lại, nó không thể nào quen với hình ảnh nó là một gã cửu vạn! Nó là con liệt sỹ, là cháu nội của ông đại tá lừng danh một thời, là cháu nội của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng chứ có phải cục c…t đâu mà rẻ rúng nó đến vậy! Đã đến nước này, nó sẽ cho mọi người vài vố tức ói máu chơi!

Tuần lễ đầu tiên, nó làm rớt một thùng hàng vào mui chiếc Mercedes đời mới toanh, chạy chưa hết kỳ rôđa, của một khách hàng đang thương thảo với Giám đốc Tươm hợp đồng sản xuất máy đảo nước cho vuông tôm. Thùng hàng ấy nặng tới năm chục ký, bao bì là gỗ có đai sắt, cho nên cái sự bẹp mui xe khá là sâu, có tút kiểu nào thì cũng như cô gái đa tình bị bỏng axít phải cắt da mông lên vá mặt. Tuần thứ hai, người ta phát hiện nó với thủ kho Hái, cháu ruột của Giám đốc Tươm, mới được chú đưa từ Thanh Hóa vào, đang đóng phim con heo ở trong kho chứa thảm len. Giám đốc Tươm hay tin nổi trận lôi đình, bợp cho con Hái ba bợp hộc máu mũi. Nó cắn răng không khóc! Hái sinh ra ở một làng quê nghèo bên bờ sông Chu, nhà luôn đói mà vóc dáng nó lại mỏng mày hay hạt, ngon lành như người mẫu! Nó học hết lớp bảy trường làng thì bỏ học theo bà cô đi buôn chuyến trên tuyến xe khách Thanh Hóa - Hà Nội. Đến khi đủ tuổi, nó được tuyển vào làm công nhân nhà máy thuốc lá. Từ ngày tập tễnh theo bà cô đi buôn, nó rất khoái ăn diện. Đã biết bao lần, nhìn mấy cô gái từ vũ trường Hà Nội bước ra, nó thèm rỏ rãi! Lương công nhân làm sao cung ứng đủ khát khao của nó. Thành ra nó phải đi làm… thêm ở mấy quán bia ôm. Sau vài đêm đi làm thêm, Hái mệt bã, vào nhà máy trễ giờ lia chia, thế là bị kỷ luật. Nó cóc cần, mới mười tám cái xuân xanh, nó giã từ không chút luyến tiếc việc khuân vác lá thuốc để trở thành cave chuyên nghiệp. Nó bỏ việc khuân vác lá thuốc được một tuần thì gia đình mới hay tin. Thầy bu nó viết thư cầu cứu ông anh cả. Tươm đón cháu vào vừa đúng lúc ông thủ kho lâm bệnh ung thư phải nghỉ. Thế là nó vồ được chân thủ kho ngon lành. Ngày đầu gặp mặt thằng Thăng, con mắt Hái đã đong đưa lúng liếng rồi. Quả như lời đồn: Gái Thanh Hóa khóa lô can! Ngày thứ hai, thằng Thăng nháy mắt ra hiệu, bắt được tín hiệu ấy, nó nán lại sau giờ làm việc buổi chiều. Thế là, sau vài phút thăm dò đưa đẩy, hai đứa lao vào hùng hục quần thảo nhau trên tấm thảm len trong nhà kho.

Tưởng nó chừa thói dâm đãng sau mấy cái bạt tai của ông bác, ai dè ba ngày sau, người ta lại thấy nó quỳ trước chân thằng Thăng, thằng Thăng đứng dạng háng, cái quần jean tụt xuống quá đầu gối. Con Hái úp mặt vào chỗ ấy của thằng con trai mà…! Giám đốc Tươm điên tiết! Đến cuối tuần thứ ba thì thằng Thăng đánh gãy be sườn của binh nhất Thỉ. Thỉ đang đi tuần thì nghe có tiếng rên rỉ ở trong toa lét. Binh nhất quát hỏi nhưng không thấy tiếng trả lời, bèn xô cửa vào. Lúc đó Thỉ thấy Hái đang chống tay vào bồn cầu, mông chổng lên cho thằng Thăng khoan vào cái ấy. Đang đê mê trên miền cực lạc mà bị phá thối, thằng Thăng lao vào dạy cho binh nhất Thỉ bài học vì tội xía vào công việc của người khác. Tất nhiên là Thỉ đánh trả. Thế là choảng nhau to.

Những năm mới về ở với ông bà nội, học tiểu học, thằng Thăng còn lành lắm. Thấy thế, cố nội nó, tức cụ Nguyễn bèn truyền cho nó mấy thế võ. Đến khi ra đàn đúm ở sân tennis Tri Âm, thằng Thăng học thêm được mấy chiêu Taekwondo. Binh nhất Thỉ đánh không lại, bị thằng Thăng tung độc chiêu vào be sườn, gục xuống. Lúc đó Hái đang co rúm người ở góc toa lét. Nó nhìn thấy sự dũng mãnh của người yêu của nó. Nó đang đói, rất đói tình! Đối thủ của người yêu gục xuống, máu mồm ộc ra vậy mà cái cột buồm của người yêu vẫn cứng đanh. Thằng Thăng cảm được ánh mắt của con Hái. Nó nhào tới, tiếp tục cuộc hành trình dang dở! Khi cả hai đạt tới tột đỉnh, chúng rửa ráy và rút êm. Binh nhất Thỉ tỉnh lại, rên la rầm trời, nhưng khu nhà văn phòng vắng tanh vắng ngắt. Thỉ cố lết ra ngoài kêu cứu.

Binh nhất Thỉ nhập viện, thằng Thăng bị buộc thôi việc, còn bà Lịch và ông Hòa phải đến bệnh viện năn nỉ để được người lính nghèo Cung Tích Thỉ nhận khoản bồi thường…

- o"o -

Sài Gòn đang trong cơn sốt nhà đất, nhiều người tay trắng bỗng chốc trở thành triệu phú! Đúng là trời cho. Sốt nhà đất muôn năm!

Trước khi rời đơn vị pháo binh về làm quan thanh tra, đại tá Hòa được cấp một lô đất ở đường Ba Tháng Hai, vốn là khu đất quân sự cũ. Lô đất mặt tiền rộng mười mét, sâu ba chục mét, tiêu chuẩn sỹ quan hai thời kháng chiến mà! Ba Hòa đang chưa biết làm gì, thì đệ tử của ông gạ:

- Thủ trưởng bán cả, em trả hai triệu một mét vuông, vị chi sáu trăm triệu đồng, tức một trăm hai chục cây vàng.

Ông Hòa trợn tròn mắt nhìn đệ tử. Trời đất! Hơn một trăm cây vàng, từ trên trời khi không rớt vô túi! A! Thì ra Trời có mắt, thương phận mình lận đận, cả đời đi làm cách mạng, mong mãi cái lon thiếu tướng không được, bèn ban cho một đống vàng! Không phải hai cây như hồi đi tập kết vợ dúi cho, mà là một trăm hai chục cây! Thời ấy, con gái miền Bắc ở nông thôn quá nghèo đói, dấy lên thành một cao trào lấy chồng miền Nam tập kết, là vì anh cán bộ hay bộ đội miền Nam nào khi ra Bắc cũng lận trong người chí ít vài chỉ đến vài cây, tay mang đồng hồ Thụy Sỹ, ngón tay đeo nhẫn vàng chóe, răng nhiều chàng cũng bịt vàng khi cười lóa cả mắt, quần áo toàn vải xịn. Chỉ riêng những thứ đó đã khiến con gái lao vào như ruồi nhào vô hũ mật, huống hồ Hòa còn bô trai, lại có học, giỏi tiếng Tây! Tất cả những thứ đó cộng với số đào hoa đã đầy đọa Hòa lâm vào hết cuộc tình này đến cuộc tình khác. Gọi là cuộc tình cho nó oách chứ thực ra con gái nhà quê thật thà lắm! Người ta dâng cho anh, ngủ với anh là thật lòng. Nếu anh cưới người ta là nhất, bằng không cũng chẳng sao. Tự nguyện mà! Những năm đó Hòa đi làm công tác cải cách ruộng đất ở miệt Kiến An, rồi Hải Phòng. Chỗ nào anh cũng hào phóng ban phát nụ cười đẹp và sinh lực mạnh như cọp. Có đến hơn trăm chứ bỡn! Trời cũng hổng nhớ nổi! Đến sau này, khi gặp Hải Yến thì trong người Hai Sài Gòn không còn một chỉ. Chiếc nhẫn cưới cũng bay, còn độc cái nòng pháo bên dưới và hàm răng trắng bên trên! Không hề chi. Yến yêu Hòa đâu phải vì vàng, mà vì mê cái tinh thần trong trẻo và sức lực dũng mãnh của Hòa! Ấy là lời cô ấy thốt ra lúc sung sướng trong vòng tay Hòa trên đê Yên Phụ…

Ngôi nhà ở Hàm Nghi quá rộng, miếng đất vừa được cấp không bán thì để làm gì. Thế là Hòa bàn với vợ, bà Lịch nói:

- Thủng thẳng rồi tính. Làm chi vội vàng quá sá vậy? Để em hỏi cháu Tâm đã. Nó đang là đại gia ở Sài Gòn về bất động sản đó!

- Cái gì? Thằng Tâm nhà mình mà đại gia sao?

Trời đất thánh thần ơi! Ông cứ như trên trời rớt xuống vậy. Tối ngày đọc báo, đọc sách, hội họp, kiểm điểm, học Nghị quyết… mà chẳng hiểu thời cuộc ra sao!

Nguyễn Hùng Tâm là con út, là trai duy nhất của Nguyễn Kỳ Khoa, em ruột ông Hòa. Nó ngang tàng, ham chơi, tính tình thẳng băng ruột ngựa, hào phóng, khi cần thì cái miệng dẻo quẹo như một nhà ngoại giao nhưng thường thì nó nói năng bặm trợn, ngoa ngoắt, bỗ bã đậm chất anh hai Nam Bộ. Kỳ Khoa ở với ông bà ngoại từ sau khi má chết. Ông ngoại vốn là y sỹ của nhà thương Sài Gòn. Khoa học giỏi, được học bổng đi Paris học bác sỹ. Năm 1958 Khoa về nước, làm việc ở Quân y viện Cộng Hòa. Kỳ Khoa lấy vợ, con gái một viên tướng. Năm Bảy mươi sáu, Khoa đi học tập cải tạo năm năm thì mãn hạn. Tám năm sau, hai vợ chồng cùng đứa con gái vừa tốt nghiệp đại học, đi định cư ở Hoa Kỳ theo diện H.O. Riêng thằng con trai Hùng Tâm ngang ngạnh không chịu xuất ngoại:

- Ba má dây với chế độ cũ nên ghét chế độ mới, hoặc không được chế độ mới tin dùng, thì cứ đi. Còn con, việc gì con phải đi đâu! Sài Gòn là quê hương bản quán của con! Ba má chẳng dạy con từ nhỏ là phải biết yêu quê hương, đất nước, yêu dân tộc, yêu cha mẹ ông bà đó sao! Cả nhà đi hết thì ai chăm ông nội? Bác Ba Hòa còn trong quân ngũ, chị Nam, cháu Thăng thì lo học hành, chỉ còn mỗi bác Lịch phục dịch cả nhà! Con không đi đâu hết. Chỗ của con là Sài Gòn, dù nó có bị cộng sản đưa về thời kỳ đồ đá thì con vẫn đeo bám thành phố này…

Ba má Tâm nghe con trai nói ngượng chín mặt. Ông Khoa cúi gằm tránh ánh mắt soi mói rỉa rói của con, còn bà Thái Hằng thì năn nỉ:

- Con có bạn gái phải không? Má biết. Má không phản đối con. Con dẫn về cho má coi, rồi làm lễ hỏi. Con cứ sang Hoa Kỳ rồi ba má sẽ làm thủ tục bảo lãnh cho vợ con!

- Cả khiêng má ơi, làm sao đám hỏi với cả chục cô, cô nào cũng đạt điểm chín, mười, làm sao má bảo lãnh hết bồ của con! Mới mười tám tuổi, vợ con chi cho mệt! - Chợt Tâm hạ giọng, Tâm rất thương cha mẹ, nhất là má - Má! Con không đi vì không thể xa Sài Gòn. Không biết vì sao nữa! Một tháng nay, cứ nghĩ đến chuyện nay mai mình rời xa căn nhà trên đường Nguyễn Du thơ mộng này, rời bỏ thành phố này sang Mỹ làm dân ngụ cư là con mất ngủ, ăn cũng không ngon nữa! Hỏi vì sao thì con không trả lời nổi. Nhưng dường như Sài Gòn đã hút chặt đời con rồi!

Tâm ở một mình trong ngôi nhà ba má để lại, gần nhà ông nội. Sáng nào nó cũng ghé thăm ông nội, mua phở cho ông nội ăn. Ham chơi, biếng học, thi cử rớt lên rớt xuống, năm Chín mươi mốt, Tâm hai mươi lăm tuổi mới học xong đại học. Tâm không đi làm Nhà nước, cứ ở nhà đi đây đi đó. Ông Hòa, bà Lịch và cả cụ Nguyễn không ai biết rằng đó chính là thời gian Tâm lục lạo mua bán nhà, đất. Mua một căn nhà hai chục cây, vài ngày sau bán đi có lời gấp đôi. Mua một căn nhà bẹp trên đường Võ Thị Sáu, ủi đi, san thành bình địa, đang tính xây cất thì có người đến ấn vào tay số tiền gấp ba số vốn! Có lần Tâm mới trả một phần tiền cho chủ để nhận nhà, hẹn năm ngày sau trả nốt thì ngay sáng hôm sau, có người đến trả gấp đôi giá tiền Tâm mua. Ông bà Khoa viết thư bảo gửi vé máy bay về cho Tâm qua Mỹ chơi. Tâm không chịu, bảo nếu cho tiền thì gửi về để thêm vào mua xe xịn. Với số tiền năm ngàn đôla, anh không mua xe xịn mà mua đất. Rồi đất đẻ ra tiền… Năm Chín mươi ba, khi bà Lịch đem chuyện miếng đất được cấp ra hỏi Tâm thì Tâm đã có tài sản trị giá hàng triệu đôla rồi!

- Hai bác nói sao? Mặt tiền Ba Tháng Hai mà một trăm hai chục cây? Nó lừa hai bác rồi! Cả đời đi theo cách mạng, có cái lon thiếu tướng trầy trật mãi không được, nay họ cho bác Ba miếng đất bằng cái lưỡi mèo để an ủi, vậy mà có thằng tính ăn quỵt, tính phỗng tay trên của bác sao? Hỗn! Ăn bẩn, ăn dơ là đồ chó!... - Tâm kìm lại kịp thời khi thấy ông Hòa nhìn mình vẻ khó chịu - Nếu hai bác đồng ý, cháu sẽ xây lên trên lô đất đó hai căn nhà đúc ba lầu, chung tường, giống hệt nhau. Xây xong, bác một căn, cháu một căn. Chi phí xây dựng coi như tiền cháu mua một nửa lô đất. Ngoài ra, cháu còn đưa cho hai bác hai chục cây nữa để xài cho vui!

- Nghĩa là… - Ông Hòa đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ông tính nói gì nhưng lại không biết nói gì. Lãnh vực này với ông xa lạ quá. Ông mù tịt. Thấy mặt chồng cứ nghệt ra, bà Lịch lên tiếng:

- Nghĩa là cháu mua chỉ một nửa lô đất mà cũng hơn giá người ta trả?

- Dạ phải! Cháu xây lên để bán kiếm lời lớn hơn! Thời buổi này không gì lời nhanh bằng mua bán nhà đất. Đây là cơ hội vàng, mấy thập kỷ mới có một lần sốt đất! Cơn sốt đất đai thường diễn ra sau những thay đổi lớn về chính trị, thời cuộc biến động. Không nắm bắt cơ hội này thì muôn đời nghèo khó! Hai bác biết không, có nhiều ông giám đốc lấy vốn lưu động của doanh nghiệp mua đất. Có ông liều mạng hơn, vay vốn ngân hàng để hiện đại hóa dây chuyền công nghệ, phát triển sản xuất, bịp bợm cỡ tay tổ! Thực ra là để mua đất. Họ chỉ cần một hai tuần là quay vòng vốn, thu lời gấp ba gấp bốn lần. Có phi vụ lời gấp chục lần. Siêu lợi nhuận đó, thưa hai bác! Cháu biết và quen khoảng ba chục ông đày tớ của dân, mỗi người đang có năm sáu hécta đất và nhiều biệt thự, nhà phố! Quá sá kinh khủng! Thời chế độ cũ, chả thấy ai bạo phát lẹ như mấy ông đày tớ của dân bây giờ! Hai bác biết không, căn nhà ông nội và hai bác đang ở, ngay hôm nay nếu bán đi, sẽ không dưới một ngàn cây. Nhưng tháng sau mới bán thì hai ngàn cây không chừng!

Ông Hòa trừng mắt:

- Này, tôi cấm anh nói đến chuyện mua bán căn nhà này!

- Dạ, cháu ví dụ thôi mà. Đời nào có chuyện bán! Nếu hai bác có bán thì cháu cũng không để nó rơi vào tay người khác. Cháu đề nghị hai bác lưu giữ ngôi nhà này mãi mãi, đến muôn đời. Cháu thành tâm mong như thế!

Hai vợ chồng Ba Hòa nghĩ rồi bàn, bàn rồi nghĩ, hai ngày hai đêm sau mới quyết: đồng ý để cháu Tâm xây nhà trên lô đất được cấp, bác một căn, cháu một căn. Xây xong, Tâm mời hai bác lên coi nhà mới. Ông bà Hòa Lịch hết lời khen ngợi cháu mình. Tâm chả nói chả rằng, xì ngay ra lời đề nghị mới:

- Thưa hai bác, chả mấy nữa là đến ngày ông nội tròn trăm tuổi. Đây là đại hồng phúc của gia đình ta. Cháu xin hai bác một điều: cho phép cháu được nâng cấp ngôi nhà ở Hàm Nghi cho đẹp hơn, kiên cố hơn. Nếu cháu nhớ không lầm thì ông nội nói rằng ngôi nhà ấy xây từ trước năm 1895, nghĩa là hơn tuổi nội! Nó cần phải được xây thành tòa nhà đúc, ít nhất phải ba lầu!

- Tiền đâu cháu? Lương hưu của bác chỉ đủ bác uống bia. Mọi chi tiêu trong nhà vẫn trông vào cái tiệm tạp hóa của bác Lịch. - Ba Hòa nhìn Tâm, nhìn vợ, giọng ấm áp, thân thiết, ánh mắt ông lấp lánh niềm vui.

Ba bác cháu đang đứng trên sân thượng ngôi nhà mới. Ông Hòa nhìn về phía công viên Kỳ Hòa, nơi đó xưa kia là Đại đồn Kỳ Hòa. Ông nội của Hòa đã chiến đấu bảo vệ Đại đồn. Cha Hòa đặt tên cho con là Kỳ Hòa là để nhớ đến sự kiện lịch sử ấy.

Thấy hai bác mình đang vui, Tâm nói:

- Cháu xin nói ngay: Căn nhà mới này của bác là toàn quyền bác sử dụng. Riêng căn của cháu, cháu sẽ gọi bán. Chắc chắn sẽ lời rất lớn. Toàn bộ số tiền lời đó, cháu xin phép được góp vào việc làm mới nhà Hàm Nghi, đón lễ đại thượng thọ trăm tuổi ông nội. Hai bác đồng ý thì cho cháu biết ý kiến!

Vợ chồng ông Hòa đồng ý làm mới căn nhà cổ. Nhưng cụ Nguyễn thì không! Ngôi nhà này đã trở thành máu thịt của cụ. Ông Hòa kiên trì thuyết phục. Lễ đại thượng thọ một trăm tuổi của cụ Nguyễn đang tới gần. Cuối cùng, cụ Nguyễn xiêu lòng vì nể con, vì ngôi nhà cổ đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của nó - đó là lời ông Hòa thuyết phục cha mình! - nó đã quá ọp ẹp, cái gác cây1 không biết sập lúc nào!

Mãi đến đầu năm Chín mươi tư, được phép của cha, Hòa quyết định giao cho cháu Tâm đứng ra xây dựng nhà Hàm Nghi.

Khi xin được việc cho thằng Thăng thì nhà Hàm Nghi xây xong. Tuyệt đẹp! Hiện đại và vô cùng tiện nghi. Gia đình ông Hòa từ căn nhà ở Ba Tháng Hai dọn về ngôi nhà mới xây gồm một phòng khách, sáu phòng ngủ, đầy đủ tiện nghi như khách sạn quốc tế, một phòng dành cho việc thờ cúng Tổ tiên, ngoài ra còn hầm làm ga ra, nhà bếp… Nhà sâu ba chục mét, được thiết kế giếng trời ở một phần ba phía cuối cho nên đầy gió và ánh sáng!

Hòa cứ đi ra đi vô ngắm vuốt, lòng rưng rưng. Ngồi xuống sàn hành lang ngửa mặt nhìn mặt trời đang lên từ phía sông Sài Gòn, ông nói với vợ:

- Tôi chịu bọn trẻ bây giờ. Chúng nó giỏi quá, đầu óc tân tiến quá! Mới ngày nào thằng Tâm còn lêu lổng, ham chơi, mà nay chững chạc quá trời! Ước gì thằng Thăng được một góc thằng Tâm! Nó nói là làm, làm việc gì cũng tính đến cái tối ưu, hoàn hảo! Bà nghĩ coi, ngôi nhà cổ lợp ngói ống với cái gác cây kiểu chú Hỏa hơn một trăm năm trước, nay biến thành ngôi nhà đúc kiên cố, kiểu dáng hiện đại, một trệt ba lầu... Nào, đưa rượu Hennessy con gái Phương Nam mới mua ra đây, tôi với bà mang lên mời cha nghe!

Chương : 1    12    14   15    16   
Triệu Xuân
Số lần đọc: 1944
Ngày đăng: 03.07.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một thời in dấu - Trần Đồng Minh
Dương Từ Hà Mậu - Nguyễn Đình Chiểu
Phố Hoa Phai - Mường Mán
Chuyện tình - Erich Segal
Bụi đời - Triệu Xuân
Vây giữa đời người - Hồ Tĩnh Tâm
Đất rừng phương nam - Đoàn Giỏi
Sông Hàm Luông - Thanh Giang
Nắng quái - Trầm Hương
Tâm sự tướng lưu vong - Hoành Linh Ðổ Mậu
Cùng một tác giả
Cõi Mê (truyện dài)
Nỗi đau (truyện ngắn)
Trả giá (truyện dài)
Bụi đời (truyện dài)
Sóng lừng (truyện dài)
Tôi không mất em (truyện ngắn)
Khát vọng (truyện ngắn)
Giấy trắng (truyện dài)