Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
828
116.681.263
 
Ngày tình yêu, Đọc TÌNH YÊU CỔ ĐIỂN của NHÀ VĂN DƯ HOA (TRUNG QUỐC)-- 3.
Triệu Xuân

Mấy người ở lều lúc này liền xúm lại ngã giá với chủ quán. Nghe họ nói hình như đều vừa mắt cô bé. Bọn họ chê thịt người mẹ bạc nhạc. Chủ quán tỏ ra hơi khó chịu, liền hỏi:

- Nhà ăn hay bán cho người khác?

Có hai người đáp để nhà ăn, số còn lại đều nói để bán cho người khác. Chủ quán lại nói:

- Nếu bán cho người khác, thì miếng thịt to một chút vẫn hơn - chủ quán vừa nói vừa chỉ vào người đàn bà. Lại giao thiệp một lúc mới coi như quyết định.

Lúc này người phụ nữ cất tiếng:

- Con tôi trước - tiếng chị ta lạc hẳn đi nghe không rõ.

Chủ quán trả lời một tiếng, liền túm cánh tay em bé lôi vào trong lều. Người phụ nữ lại bảo:

- Xin rủ lòng thương, đâm một nhát cho nó chết đã.

Chủ quán đáp:

- Không được, như thế thịt không tươi.

Em bé bị lôi xềnh xệch vào trong lều, sau đó gã phụ việc nắm chặt người em, đặt cánh tay em lên cái cọc. Hai mắt em liếc ra ngoài nhìn mẹ cho nên không trông thấy chủ quán đã giơ cao chiếc rìu sắc. Người mẹ không nhìn con. Liễu Sinh thấy chủ quán bổ mạnh lưỡi rìu sắc xuống, nghe "phập" một tiếng, xương bị chặt đứt, một dòng máu bắn tung tóe ra chung quanh, bắn cả vào mặt chủ quán nhoe nhoét.

Trong tiếng "phập", em bé rùng mình oằn người đi, sau đó em mới quay lại xem chuyện gì đã xảy ra, Khi nhìn thấy cánh tay mình nằm trên cọc gỗ, em bé bỗng há hốc mồm đờ đẫn. Một lúc sau mới gào lên mấy tiếng, ngã gục người ra đất. Ngã ra đất rồi mới khóc thét lên nức nở, tiếng khóc hết sức chói tai.

Lúc này chủ quán cầm một mảnh vải rách lau mặt, gã giúp việc đưa cánh tay cho người xách làn ở ngoài lều. Người đó bỏ cánh tay vào trong làn, trả tiền rồi đi. Giữa lúc này, người mẹ lao vào trong lều, cầm một con dao sắc nhọn để trên đất, đâm mạnh vào ngực con gái, cô bé kêu hự một tiếng ngột ngạt rồi tắt thở, khi chủ quán phát hiện ra, thì đã muộn. Chủ quán tống cho người đàn bà một quả đấm ngã dúi vào góc lều, lại nhặt cô bé ở đất lên, cùng với gã giúp việc mổ xẻ cô bé ra từng miếng trông đến là tối tăm mặt mũi và đưa cho từng người ở ngoài lều.

 

Liễu Sinh nhìn vào mà hồn xiêu phách lạc, mãi sau mới hoàn hồn. Lúc này cô bé đã bị phanh thây xong, chủ quán vào góc lều lôi xềnh xệch người đàn bà ra. Liễu Sinh không dám tiếp tục nhìn, vội vàng quay người đi, nấp vào ngõ vắng. Nhưng tiếng rìu bổ xuống nặng nề của chủ quán, cùng với tiếng gào dài như xé của người đàn bà cứ đuổi theo, khiến anh run bắn, cho đến lúc anh rảo bước đi ra khỏi ngõ vắng, những tiếng ấy mới coi như mất hẳn. Nhưng anh không sao gạt được cảnh tượng vừa xảy ra, nó cứ chập chờn ở trước mặt một cách thê thảm lạnh lùng. Dù Liễu Sinh đi đến đâu, thảm cảnh ấy cứ bám dai dẳng. Thấy trời sắp tối, anh không dám ngủ đêm ở ngoài trời trong thành, liền hấp ta hấp tấp đi ra ngoài thành. Khi đặt chân trên con đường cái màu vàng, anh mới coi như đã hơi hơi bình tĩnh. Chẳng mấy chốc vầng trăng lạnh lẽo đã treo lơ lửng trên trời, Liễu Sinh cảm thấy hơi se se lạnh.

 

Quá trưa hôm sau, Liễu Sinh đi đến một thôn nhỏ, không quá mười gia đình, đều là mái tranh vách đất nghèo đói. Nhà tranh tuy có ống khói vươn thẳng, nhưng đứng chơ vơ, không hề có sợi khói bếp lan tỏa. Bởi ánh mặt trời chiếu xuống, trên đường cái phủ một lớp bụi, nên Liễu Sinh đi bước nào, bụi đất lại tung lên như khói bước ấy. Trên đường có mấy dấu chân người đi qua để lại, song không có dấu vó ngựa, cũng không có vết chân chó, lợn, cừu và gia súc khác. Có một lối tắt ở cạnh đường cái, dưới chỗ rẽ là một con suối cạn, mọc lưa thưa vài cây cỏ vàng. Một chiếc cầu gỗ tấm nho nhỏ vắt qua suối. Liễu Sinh không đi qua cầu, nên cũng không đi theo con đường mòn kia, anh rẽ vào ngôi nhà tranh ở bên đường.

 

Nhà tranh này là một quán rượu. Trên tủ bày mấy cái đĩa, trong đĩa toàn là miếng thịt lớn, luộc rất trắng. Trong quán có ba người. Chủ quán người gầy nhỏ, hai gã giúp việc lại to khỏe. Tuy đều mặc áo vải, song sạch sẽ gọn gàng, không có mụn vá. Giữa năm mất mùa đói kém, quán rượu này lại sống được như cây mọc ở khe đá, có thể coi là một kỳ tích. Lại trông ba người trong quán, tuy không coi là đỏ da thắm thịt, song không đến nỗi mặt bủng da vàng. Dọc đường đến đây, Liễu Sinh rất ít gặp người nào còn ra dáng vẻ người.

 

Lúc hoàng hôn hôm qua, Liễu Sinh ra khỏi thành, nhờ có ánh trăng, đi miết đến canh ba mới nghỉ chân trong một cái đình xiêu vẹo. Anh cuộn cái túi vải thành một búi, nằm ngủ ở góc đình. Tờ mờ sáng hôm sau lại dậy đi tiếp, bây giờ đang đứng ở ngoài quán rượu này, chỉ thấy người chao đảo, hai mắt quay chong chóng. Hơn một ngày nay không ăn một miếng cơm, không uống một ngụm nước, lại đi ròng rã không dừng, đương nhiên khó mà đi tiếp. Chủ quán lúc này bước ra tươi cười hỏi:

- Quan khách cần gì ạ?

Liễu Sinh bước vào trong quán, ngồi xuống trước bàn, chỉ gọi một bán nước trà và mấy cái bánh tráng. Chủ quán vâng dạ, lát sau bưng ra. Liễu Sinh uống một hơi hết bát nước, sau đó mới từ từ ăn bánh tráng.

Giữa lúc này, một người có dáng nhà buôn đang đi tới, ông ta mặc áo gấm quần thêu, trông oách lắm, theo sau có hai người nhà đều gánh đồ. Nhà buôn vừa ngồi xuống ghế, chủ quán đã bưng ra rượu ngon tốt nhất, rót đầy một chén đẩy đến trước mặt ông ta. Nhà buôn uống một hơi cạn chén, sau đó móc ra khỏi ống tay áo một nắm bạc lẻ để lên bàn, nói:

- Đem thịt ra đây.

Hai gã giúp việc vội vàng bưng ra hai đĩa thịt trăng trắng. Nhà buôn chỉ liếc mắt nhìn, rồi đẩy cho người nhà, lại bảo:

- Ta cần thịt tươi.

Chủ quán vội đáp:

- Thưa vâng, có đấy ạ!

Nói xong cùng hai gã giúp việc đi sang một nhà tranh khác. Liễu Sinh tuy đã ăn xong bánh tráng, song vẫn ngồi yên tại chỗ. Lúc này người đã khỏe, tỉnh táo ra nhiều, nên định tâm ngắm nghía ba người ngồi gần đó. Hai người nhà tuy cũng ngồi, nhưng món thịt tươi ông chủ gọi chưa bưng ra, nên cũng không dám động đến món ăn ở trước mặt. Nhà buôn cứ uống tì tì hết chén nọ đến chén kia, vừa được chốc lát, đã sốt ruột, gọi:

- Sao lâu thế?

Ở nhà bên, chủ quán nghe gọi đã lên tiếng:

- Có đây! Có đây!

Liễu Sinh vừa đứng lên, khoác túi vải đang định đi, chợt nghe thấy tiếng kêu xé gan xé ruột ở nhà bên vọng sang. Tiếng kêu đau đớn kéo dài cứ như kiếm sắc chọc thẳng vào ngực Liễu Sinh. Tiếng kêu đột ngột, khiến anh giật nẩy người. Tiếng kêu kéo rất dài, hình như tập trung giọng của cả một đời người cùng phát ra ở mồm, từ trong ngôi nhà tranh hét vọng sang. Liễu Sinh dường như nhìn thấy cả tốc độ mạnh mẽ và nhanh chóng của tiếng hét ấy xuyên qua tường.

 

Sau đó tiếng hét bỗng im bặt, trong giây lát gấp gáp này, Liễu Sinh đã nghe thấy tiếng rìu phập vào xương chan chát. Do đó, mọi thứ nhìn thấy ở chợ bán thịt người trong thành tối hôm qua, lúc này lại hiện ra rõ mồn một.

 

Tiếng kêu lại nổi lên, lúc này tiếng kêu cứ ngắt quãng giống như bị chặt từng đoạn. Liễu Sinh cảm thấy tiếng kêu ngắn như những ngón tay, cứ từng đốt từng đốt bị chặt gọn, văng vun vút bên người anh. Trong tiếng kêu bị ngắt quãng này, Liễu Sinh nghe rõ tiếng rìu chặt xuống. Tiếng rìu và tiếng kêu đan xen lấp vào chỗ trống của nhau, cứ dồn dập hết đợt này đến đợt khác.

 

Liễu Sinh chợt rùng mình nổi gai ốc. Nhưng nhìn ba người ngồi bên cạnh vẫn thản nhiên như không nghe thấy gì, vẫn uống rượu như chẳng có chuyện gì xảy ra. Nhà buôn thỉnh thoảng liếc nhìn sang cánh cửa bên kia, vẫn tỏ vẻ hết sức sốt ruột.

 

Tiếng kêu ở tường bên bắt đầu nhỏ đi, Liễu Sinh đã nhận ra tiếng rên của một người đàn bà. Tiếng rên đã không dữ dội như vừa nãy, nghe ra dường như đã lắng xuống, không giống tiếng rên, mà y như tiếng đàn nạm ngọc đang văng vẳng, lại y như tiếng ngân nga bay tới. Thanh âm ấy giống như nước nhỏ giọt. Ba năm trước, Liễu Sinh đứng lặng dưới cửa sổ lầu thêu lắng nghe cô chủ ngâm nga thơ từ, bây giờ cảnh tượng ấy đã hiện trở lại một cách nhạt nhòa. Liễu Sinh chìm đắm trong cảnh tĩnh lặng. Nhưng chỉ trong nháy mắt cảnh ấy đã biến mất, tiếng kêu ở bên kia tường đúng là tiếng rên. Liễu Sinh không hiểu sao bất chợt cảm thấy đấy là tiếng của cô chủ, anh bỗng run run.

 

Liễu Sinh không biết mình đang bước đến chỗ cánh cửa đó. Lúc đến cửa vừa vặn gặp chủ quán và hai gã giúp việc đang đi ra. một gã xách cái rìu bám đầy máu, một gã khác lại cầm một chân người, chân người còn đang nhỏ máu. Liễu Sinh nghe rõ tiếng giọt máu nhỏ xuống đất trơ lì. Anh nhìn xuống đất, thấy những vết máu lỗ chỗ, mùi tanh xộc vào mũi, chứng tỏ ở đây số người bị giết làm thức ăn đã nhiều lắm.

 

Liễu Sinh đi vào trong nhà, thấy một người đàn bà nằm ngửa ra đất, mái tóc rối bung. Chân còn lại hơi co, một chân khác đã mất, chỗ gãy thịt máu bê bết. Liễu Sinh đến cạnh người đàn bà, ngồi xổm, cẩn thận gạt những sợi tóc che mặt. Người đàn bà có cặp mắt lá răm đang trợn tròn trắng dã, song không hề có chút ánh sáng. Liễu Sinh nhìn kỹ đã nhận ra chính là cô chủ Huệ. Tự dưng anh choáng váng quay cuồng. Nào ngờ ba năm xa cách lại gặp nhau ở đây, mà cô chủ lại bị bán để giết làm thức ăn. Liễu Sinh khóc nức nở, nước mắt tuôn ra như suối. Cô chủ vẫn chưa tắt thở, vẫn đang rên, nhìn rõ sự đau đớn khó chịu nổi trên khuôn mặt méo mó. Chỉ vì tiếng kêu sắp sửa tắt hẳn, nên tiếng cô chủ cuối cùng biến thành tiếng rên rỉ khe khẽ kéo dài như nước chảy lì rì. Tuy cô chủ mở to cặp mắt lá răm, nhưng không nhận ra Liễu Sinh. Hiện ra trong cặp mắt cô chủ chỉ là một người đàn ông xa lạ. Bằng giọng nói yếu ớt còn sót lại, cô đã van xin anh đâm cho cô một nhát dao cho chết hẳn. Mặc cho Liễu Sinh gọi rối rít, cô chủ vẫn không thể nhận ra anh. Giữa lúc không biết làm gì hơn và tim gan như bị dao cắt, Liễu Sinh chợt nhớ đến dúm tóc cô chủ tặng lúc chia tay, liền móc túi vải lấy ra, đưa đến trước mắt cô chủ. Cô chủ chớp mắt một cái, tiếng rên bỗng im bặt. Liễu Sinh đã nhìn thấy mắt cô chủ có giọt lệ rưng rưng, song không trông thấy tay cô đang sờ tìm anh.

 

Cô chủ cất tiếng nói cuối cùng cầu xin Liễu Sinh chuộc lại cái chân bị chặt, để cô được chết đi một cách nguyên vẹn. Cô lại cầu xin anh cho một nhát dao kết liễu cuộc đời cô. Nói xong cô chủ vô cùng thản nhiên nhìn Liễu Sinh, phảng phất như cô đã vừa lòng thỏa mãn. Giữa lúc sắp tắt thở được gặp lại Liễu Sinh, cô cũng không có đòi hỏi gì khác. Liễu Sinh đứng lên, đi ra cửa, sang bếp quán rượu. Lúc này một người đang xẻo thịt trên chân cụt của cô chủ. Chân cô đã bị cắt xẻo nát vụn. Liễu Sinh đẩy người đó ra, móc hết số bạc ở trong túi vứt lên sàn bếp. Đây là số bạc cô chủ tặng ở lầu thêu ba năm về trước còn lại. Khi Liễu Sinh cầm cái chân gẫy, đồng thời cũng nhìn thấy con dao sắc để trên bàn. Cảnh tượng người mẹ đâm một nhát dao giết chết con gái ở chợ bán thịt người trong thành hôm qua lại hiện ra. Liễu Sinh do dự một lát, đã cầm luôn con dao sắc.

 

Liễu Sinh lại đến bên cô chủ, cô chủ không rên nữa, cô lặng lẽ nhìn Liễu Sinh. Đây chính là ánh mắt cô chủ đứng trước cửa sổ trong tưởng tượng của Liễu Sinh. Thấy Liễu Sinh bưng chân về, cô chủ đã há mồm, song không thành tiếng, tiếng cô chủ đã tự chết trước.

 

Liễu Sinh đặt chân vào chỗ gãy của cô chủ, thấy cô chủ hơi mỉm cười. Cô chủ hết nhìn con dao sắc trong tay anh, lại nhìn anh. Liễu Sinh tự nhiên hiểu cô chủ đang chờ đợi cái gì. Cô chủ tuy không rên, song bởi cơn đau đớn khó chịu đã làm cho khuôn mặt cô mỗi lúc một méo mó, Liễu Sinh không thể tiếp tục nhìn tận mắt thảm cảnh này, anh bỗng nhắm mắt lại. Một lúc sau anh mới giơ tay sờ soạng lên ngực cô chủ, sờ vào chỗ trái tim thoi thóp, hình như anh cảm thấy ngón tay đang khẽ động. Lát sau anh nhấc tay ra, tay kia giơ con dao sắc đâm mạnh một nhát, thân thể dưới co dúm lên. Liễu Sinh sững sờ, cảm thấy thân thể cô chủ từ từ thuỗn ra. Khi cơ thể cô chủ thõng hẳn xuống, Liễu Sinh bắt đầu run lẩy bẩy. Lâu lắm, Liễu Sinh mới mở to hai mắt. Cặp mắt cô chủ đã nhắm lại, khuôn mặt cũng hết méo mó, thần sắc cô vô cùng thanh thản ung dung.

 

Liễu Sinh ngồi xổm cạnh cô chủ, thần sắc hoảng hốt, bao nhiêu chuyện đã qua lần lượt kéo đến mù mịt như khói rồi lại tan đi ngay, lúc thì cảnh đẹp của vườn hoa sau nhà rối mắt, khi thì lầu thêu cột xanh ráng mây, cuối cùng là khoảng không mù mịt trống rỗng.

 

Sau đó Liễu Sinh bế cô chủ lên, cái chân gãy rũ trên cánh tay đung đưa. Anh hoàn toàn không cảm thấy gì. Bước khỏi nhà mổ, đi đến quán rượu, cũng không nhìn nhà buôn nọ đang hăm hở ăn thịt chân cô chủ như thế nào. Anh đi ra khỏi quán rượu, bước chân lên con đường cái màu vàng. Ngước mắt trông xa, bốn phía đều là màu vàng bao phủ. Giữa mùa xuân nắng đẹp, lại không nhìn thấy một chút màu xanh thì lấy đâu ra cảnh tươi rói của lầu son gác tía?

 

Liễu Sinh thong thả bước đi, cúi đầu nhìn cô chủ. Cô chủ đúng là có dáng dấp của con người bình thản toại nguyện. Còn Liễu Sinh thì như kẻ mất hồn, không bao giờ còn ôm theo mơ ước. Đi được một đoạn không xa, Liễu Sinh đến cạnh một con sông. Hai bên bờ sông hoang vắng, mấy cây liễu khô héo trông như bộ xương. Lòng sông vẫn còn một ít nước, tuy đục song vẫn đang chảy. Nghe tiếng nước chảy róc rách, Liễu Sinh đặt cô chủ xuống cạnh dòng nước. Anh cũng ngồi xuống, lặng ngắm cô chủ. Trên thân cô chủ có nhiều vết máu và vết bùn. Liễu Sinh liền cởi chiếc áo rách trên người cô, nghe thấy tiếng áo rách soàn soạt. Lát sau thân cô chủ lộ ra trắng nõn. Liễu Sinh lấy nước sông gột rửa sạch vết máu, vết bùn trên người cô. Rửa đến chỗ chân gãy, chân gãy lỗ chỗ mụn và lỗ thủng, trông thảm vô cùng, Liễu Sinh bỗng nhắm mắt lại, cảnh tượng nhìn thấy ở chợ bán thịt người trong thành hôm qua lại hiện ra, anh dịch chân gãy đi.

Lại mở mắt ra, chỗ chân gãy lại lọt vào tròng mắt, vết rìu chặt nhoe nhoét vẫn còn ở đó, giống như đoạn gốc cây chặt nham nhở, da thịt ở chỗ gãy chân cứ lủng lẳng bám cuốn vào nhau chạm đất, rữa ra. Lấy ngón tay sờ vào, chỗ thịt da nham nhở mềm nhũn, song xương gãy thì nhọn hoắt đâm vào ngón tay nhoi nhói ghê rợn. Liễu Sinh chăm chắm nhìn hồi lâu, cảnh nhà đổ tường xiêu lại lần lượt hiện ra.

 

Lâu lâu, vết máu ở ngực lại tứa ra. Liễu Sinh rửa kỹ vết máu, chỗ vết dao sắc thọc qua, thịt da bị lật lên phơi ra chung quanh, ở trong vẫn còn đỏ hon hỏn, chẳng khác gì một bông hoa đào đang nở. Nghĩ đến vết thương mình đâm, Liễu Sinh tự dưng run bắn. Nỗi mong nhớ chồng chất suốt ba năm, rút cuộc hóa thành một nhát đâm, Liễu Sinh không dám tin một sự thật như thế. Sau khi lau sạch thân thể cô chủ, Liễu Sinh lại ngắm nghía kỹ một lần nữa. Cô chủ nằm ngửa trên đất, da cô sạch như băng, trơn như ngọc. Cô chủ tuy đã chết mà như đang sống. Còn Liễu Sinh ngồi bên cạnh lại mù mịt vô tri vô giác, tuy đang sống mà như đã chết.

 

Sau đó Liễu Sinh giở túi vải lấy quần áo thay giặt của mình mặc cho cô chủ. Mặc trên người chiếc áo to rộng thùng thình, trông cô chủ bé cỏn con. Liễu Sinh khóc lóc, nước mắt như mưa. Liễu Sinh đào một cái hố ở bên cạnh, lại bẻ nhiều cành cây khô thả xuống đáy hố và hai bên, sau đó đặt cô chủ vào, rồi phủ kín cành cây lên người cô chủ. Cô chủ được lấp kín, song vẫn thấp thoáng nhìn thấy. Liễu Sinh lấp đất, đắp thành một nấm mộ, rồi tưới một ít nước dưới sông lên mộ. Sau đó anh ngồi xếp bằng ngay ngắn trước mộ, trong đầu trống rỗng. Mãi một lúc vầng trăng lạnh lẽo mọc lên, Liễu Sinh mới bừng tỉnh. Nhìn sáng trăng chiếu lên mộ, hắt lại những tia sáng lốm đốm như đom đóm, Liễu Sinh nghe tiếng nước sông chảy róc rách, thầm nghĩ có lẽ cô chủ cũng nghe thấy, nếu cô chủ cũng nghe thấy sẽ không lẻ loi khó chịu.

 

Nghĩ thế, Liễu Sinh đứng dậy, bước trên con đường cái tràn ngập ánh trăng, đi trong màn đêm vắng lặng. Khi đã xa dần cô chủ, Liễu Sinh cảm thấy bâng khuâng trống trải trong lòng. Anh chỉ nghe thấy tiếng quản bút va vào cái nghiên mài mực kêu lạch cạch cô đơn.

 

Vài năm sau, Liễu Sinh bước trên con đường cái màu vàng lần thứ ba. Tuy anh vẫn khoác cái túi vải, song không phải lên kinh đô dự thi. Từ khi chôn cô chủ mấy năm trước, mặc dù Liễu Sinh vẫn lên kinh đô, song công danh trong lòng anh đã phai nhạt dần và tan biến. Cho nên khi lại không thấy tên mình trên bảng, anh cũng hoàn toàn không tỏ ra hổ thẹn, hết sức bình tĩnh quay về.

 

Mấy năm trước, Liễu Sinh thi trượt trở về, khi lại đến bên sông nơi chôn cất cô chủ, đã không thể nhận ra mộ cô chủ. Bờ sông tự dưng xuất hiện hơn mười ngôi mộ, đều hoang lạnh như nhau. Liễu Sinh đứng mãi ở bờ sông, mới bắt đầu cảm thấy trên đời những người đau lòng đứt ruột đâu chỉ một mình anh. Nghĩ như vậy cũng ít nhiều bớt được nỗi đau trong lòng. Liễu Sinh đã cúi xuống nhổ cỏ đắp đất mới cho từng ngôi mộ bỏ hoang. Lại ngắm nhìn lâu lắm, anh vẫn không xác định rõ đâu là chỗ cô chủ đang yên nghỉ, liền thở dài não ruột bỏ đi.

 

Khi Liễu Sinh đi ăn xin, dọc đường về đến nhà, thì ngôi nhà tranh đã mất biến từ bao giờ rồi. Trước mặt anh chỉ còn một bãi trống. Khung cửi của mẹ cũng không còn. Trước khi ra đi anh đã dự đoán được cảnh này, cho nên anh không hề hoang mang sợ hãi. Anh chỉ nghĩ làm thế nào để sống tiếp. Trong thời gian rất dài từ đó trở đi, Liễu Sinh đã phải đi ăn xin. Khi cảnh đời đã có chuyển đổi, anh mới nhận coi nghĩa địa cho một gia đình giàu có. Sống trong nhà tranh, Liễu Sinh chỉ làm những việc nhẹ nhàng như nhổ cỏ đắp đất cho các ngôi mộ, thời gian còn lại anh ngâm thơ, vẽ tranh. Tuy nghèo túng, song cũng thảnh thơi. Thi thoảng cũng ôn lại một vài chuyện cũ. Giọng nói điệu cười của cô chủ đã trở về sống động. Lần nào như thế, Liễu Sinh cũng hoảng hốt thần hồn, cuối cùng kết thúc bằng tiếng thở dài. Cuộc sống như thế, nhoáng một cái đã vài năm trôi qua.

 

Tiết thanh minh năm nay đã đến, nhà chủ tổ chức một đoàn người ngựa có đến hơn mười nam nữ gồm nhà chủ, con hầu ăn diện sặc sỡ nô nức kéo ra nghĩa địa tảo mộ đốt hương. Đồ cúng tươi rói bày ra tại chỗ. Bỗng chốc trước mộ hương khói nghi ngút, tiếng khóc nỉ non. Là người sống trong cuộc, Liễu Sinh bỗng chốc cũng nước mắt rưng rưng. Không phải Liễu Sinh khóc vì người trong mộ, mà là do xúc cảnh sinh tình. Thầm nghĩ tuy tiết thanh minh, nhưng không thể đi tảo mộ cho bố mẹ để tỏ lòng hiếu thảo. Tiếp theo lại nghĩ đến ngôi mộ đơn côi của cô chủ, càng thấy cay đắng xót xa. Nghĩ bụng, bố mẹ còn được bên nhau yên nghỉ dưới suối vàng, còn cô chủ thì lầm lũi một thân một phận lẻ loi, há chẳng càng thê thảm hay sao?

 

Sáng sớm hôm sau, Liễu Sinh lẳng lặng bỏ đi. Anh đi tảo mộ cho bố mẹ trước, sau đó bước lên con đường cái màu vàng, đi đến bờ sông nơi cô chủ yên nghỉ. Liễu Sinh đã đi bộ vài ngày, dọc đường toàn là cảnh xuân tươi đẹp. Lầu son gác tía lại tưng bừng nhộn nhịp nhà nọ tiếp nối nhà kia. Ngước lên nhìn chỗ này đào liễu khoe sắc, chỗ kia dâu đay bạt ngàn. Những mái nhà tranh dậu tre thấp thoáng giữa cây xanh trúc biếc, còn có cả dòng nước nhỏ chảy dài dưới khe suối. Cảnh tượng hoang tàn ngày xưa đã biến mất, Liễu Sinh đi giữa cảnh này phảng phất như trở lại thời gian tốt đẹp lần đầu tiên đi trên con đường cái màu vàng. Cảnh hoang tàn thuở xưa đã lùi xa, cảnh phồn vinh ngày nào đã trở lại, hiện rõ mồn một trước tầm nhìn của Liễu Sinh. Nhưng cảnh hoang tàn và phồn vinh cứ thay nhau xuất hiện trong trái tim Liễu Sinh, khiến anh cảm thấy con đường cái màu vàng dưới chân lúc hư ảo, lúc không thực. Ngước mắt trông xa, tuy cảnh đẹp tươi rói, tưng bừng hớn hở, nhưng cảnh hoang tàn ngày nào vẫn chưa mất hẳn, cứ rập rình ở bên đường và trên cánh đồng như một bóng đen dưới nắng mặt trời. Liễu Sinh thầm nghĩ, cảnh phồn vinh này liệu có thể kéo dài được bao lâu?

 

Dọc đường đi Liễu Sinh gặp mấy cậu ấm nhà giàu lên kinh đô dự thi, mới chợt nhớ đến lại gặp mùa thi cử hàng năm. Nhẩm tính mình lần đầu lên kinh đô thi tuyển đã là việc trôi qua thấp thoáng hơn mười năm trước. Lại nghĩ đến vô số chuyện quanh co khúc khuỷu trong những năm qua, bất giác thốt lên sự đời đột biến quả là vô tình vô nghĩa. Mấy cậu ấm nhà giàu kia đứa nào cũng tỏ ra hết sức ngông nghênh đắc ý. Liễu Sinh bỗng dưng thở dài, nghĩ bụng chuyện đời biến hóa vô cùng như thế, công danh coi là cái gì? Cây khô hai bên đường đã từng băm chém chi chít bây giờ cành lá lại sum sê. Mấy người nhà quê nằm giả vờ ngủ dưới bóng râm. Cảnh nhàn rỗi này chứng tỏ lẽ đời hưng thịnh. Trên bãi cỏ non xanh, gió thổi dập dờn, những con bò con dê nằm, hoặc đi lại một cách biếng nhác. Liễu Sinh cứ đi như thế, bất giác đến chỗ ngã ba, dòng sông bên cạnh lại một lần nữa hiện ra trước mắt.

 

Đây chính là con sông đã từng để lại dấu vết trong lần đầu tiên lên kinh đô. Cỏ xanh ở bờ sông trải qua tai họa diệt chủng, bây giờ lại mọc xanh rờn. Còn cây liễu rủ dài thướt tha đã từng giống bộ xương người, thì bây giờ đang đung đưa trong gió. Liễu Sinh đi vào trong, cỏ xanh mượt mà dài dài đâm vào ống quần, như cuốn níu bước chân. Đến bờ sông nhìn dòng nước trong xanh tận đáy, có mấy chiếc lá xanh trôi trên mặt nước. Một con cá màu trắng đang bơi đi bơi lại gần chỗ Liễu Sinh tư thế uốn lượn của con cá đẹp đẽ vô cùng. Phong cảnh ở đây chẳng khác nào hơn mười năm trước khiến Liễu Sinh sung sướng cảm động. Nhìn vẻ đẹp tung tăng uốn lượn của con cá, làm sao lại không nhớ đến vẻ đẹp uyển chuyển của cô chủ đi lại trong lầu thêu? Nhớ tới cảnh hoang vu lạnh lẽo ở đây mấy năm trước, Liễu Sinh càng xúc động muôn phần. Cây cối cỏ xanh, dòng sông con cá, đều có sự thịnh vượng sau nạn cướp giật, song chỉ có cô chủ vẫn nằm trong ngôi mộ lẻ loi, không bao giờ sống lại, không bao giờ được hưởng lại đời sống giàu sang phú quý ngày nào.

 

Liễu Sinh đứng rất lâu bên bờ sông, sau đó mới buồn rầu ra đi. Ra đến đường cái đã thấp thoáng nhìn thấy thành phố, liền rảo bước đi lên. Đến trước cổng thành, Liễu Sinh đã nghe thấy người ngựa đi lại tấp nập nhộn nhịp, xem ra thành phố đã trở lại cảnh phồn hoa sầm uất trước kia. Liễu Sinh đi vào trong thành, dạo bước trên phố chợ, vẫn là năm bước một nhà gác, mười bước một khuê phòng, được trang trí lại rực rỡ, trông bề thế lộng lẫy vô cùng, hoàn toàn không còn cảnh tượng nhem nhuốc tường lở, sơn tróc, mạng nhện chăng kín. Hai bên đường phố quán rượu quán trà mọc lên san sát. Rèm xanh quán rượu treo cao, lò than quán trà đỏ lửa, còn có cả hàng quán bán mì bán phở, bán bánh trôi, đoán chữ xem bói. Những xâu thịt bò thịt dê mỡ màng lại treo trên quầy rượu, trên tủ trà cũng bày mấy loại bánh điểm tâm. Lại nhìn người đi lại trên phố, phần đông da dẻ hồng hào, tươi cười hớn hở. Mấy bà lớn vàng đeo rủng rỉnh, đều có cô hầu xinh xắn bám sát, dạo chơi trên phố chợ. Một số cậu ấm nhà giàu cưỡi ngựa ngộc nghệch cũng chen trong đám đông. Dọc đường đi, người bán rượu, trẻ con chào hàng ở hai bên đường, sốt sắng mời chào rối rít. Cảnh tượng này hoàn toàn là cảnh trí của hơn mười năm trước. Liễu Sinh lơ mơ cảm thấy hình như trở về quang cảnh ngày xưa, chưa từng trải qua hơn mười năm gian truân khổ ải vừa rồi.

 

Trong chốc lát, Liễu Sinh đã đến trước ngôi chùa. Lại nhìn thấy ngôi chùa vàng son lộng lẫy. Cửa chùa đang mở, Liễu Sinh nhìn cây bách xanh trăm năm ở bên trong uy nghi rợp bóng, nền lát gạch sạch bóng không một hạt bụi, cột xà nhẵn thín bóng nhoáng, cũng y hệt hơn mười năm trước, không còn nhận ra cảnh đổ nát xiêu vẹo của những năm mất mùa đói kém lan tràn. Cảnh cỏ tạp um tùm, mạng nhện chăng đầy chỉ còn là hình ảnh láng máng đâu đó trong trí nhớ Liễu Sinh. Liễu Sinh giở túi vải, lấy giấy mực, diễn lại trò cũ, vẽ mấy tranh chữ, vài bức tranh hoa, sau đó dán lên tường, bán cho người qua lại. Chỉ một lúc nhiều người xúm lại. Tuy xem nhiều mua ít, nhưng chẳng bao lâu đã bán hết số tranh đó thu được vài xâu tiền. Liễu Sinh vui vẻ thỏa mãn, cho vào túi vải, thong thả bước đi.

 

Vô tình bước đến tòa nhà cao rộng sâu hun hút về sau trở thành đống gạch vụn, bước lại gần, Liễu Sinh chợt giật mình ngạc nhiên. Không còn thấy một đống đổ nát vách đổ tường xiêu, bãi trống cũng không còn. Một tòa nhà cao rộng hết sức bề thế bày ra trước mắt. Liễu Sinh cứ ngẩn tò te ra mà nhìn, nghi nghi cảnh này chẳng qua chỉ là hư ảo. Nhưng ngắm nghía kỹ, ngôi nhà cao rộng đang sờ sờ trước mặt, hơn nữa càng thực tế hơn, chiếc cổng lớn sơn đỏ đóng kín, bên trong hiên bay lồng vào nhau trùng điệp, chim đậu chim bay, cây xanh tuy chưa rợp trời, song cũng to khỏe. Lại thấy hai con sư tử đá trước cửa đều có dáng hung dữ. Liễu Sinh bước tới sờ tay vào một con sư tử đá, cảm thấy lạnh giá mà chắc bền. Bây giờ anh mới xác nhận cảnh vật trước mặt là thực. Anh đi dọc theo lối dài ngoài tường vây, đi được một đoạn, thì nhìn thấy một cổng bên, cánh cổng đóng kín, song nghe rõ tiếng người vui đùa ở bên trong. Liễu Sinh đứng nhìn một lúc, lại đi.

 

Một lát nữa, anh đến ngoài cửa sau, cửa đang mở, vẫn mở như hơn mười năm trước, chỉ không có người nhà đi ra. Từ cửa sau, Liễu Sinh đi vào vườn hoa sau nhà, chỉ thấy toàn lâu đài thủy tạ, đình nghỉ mát, nhà trên mặt nước, núi giả tường chắn đá, cái nào cũng xinh xắn đẹp đẽ. Hai ao ở giữa đều bị lá sen che một nửa. Chỗ nối hai ao có một chiếc cầu cong cong. Trên cầu là một đình nghỉ mát, cạnh ao cũng có một cái đình hóng mát, hai bên là hai cây phong rất to. Bố trí vườn hoa sau nhà hơi khác hơn mười năm trước. Nhưng cây phong chính là cây phong đã nhìn thấy hơn mười năm trước. Qua mấy lần tai nạn, dáng vóc cây phong vẫn như xưa. Lại nhìn đình nghỉ mát, trong đình có bốn đôn sứ, có một tấm đá xây ở đằng sau, phía sau tấm đá chắn có hàng trăm cây trúc biếc, sau vườn trúc biếc là lan can màu đỏ tươi, sau lan can là vô số cây hoa, hoa đào, hoa mận, hoa lê đang nở rộ, còn hoa hải đường, hoa lan, hoa cúc thì đang có nụ.

 

Liễu Sinh dừng chân, ngẩng đầu nhìn, lại vẫn là lầu thêu, lại ngó chung quanh hai bên trái phải, vẫn y hệt lầu thêu anh trông thấy lần đầu lên kinh đô thi tuyển. Lầu thêu có cửa sổ mở ra bốn phía, gió từ đằng kia thổi sang đi qua nhà gác thổi vào mặt Liễu Sinh. Liễu Sinh ngửi thấy mùi thơm sực nức, bỗng thấy bâng khuâng như bay lên, chìm đắm trong cảnh đẹp lúc gặp cô chủ ở lầu thêu. Hoàn toàn không cảm thấy đây là chuyện đã qua, phảng phất như đang trong hiện tại. Liễu Sinh cảm thấy tiếng ngân nga của cô chủ đang vọng tới. Nghĩ như vậy quả nhiên nghe thấy âm thanh kỳ diệu bay khỏi cửa sổ, lan ra bốn phía, sau đó rơi xuống lay phay như mưa bụi. Âm thanh ấy nhỏ giọt tí tách như viên ngọc trai rơi xuống đĩa, như dòng sông róc rách mỏng manh chảy dài. Nghe thật kỹ mới nhận ra không phải tiếng ngân nga, mà là tiếng đàn nạm ngọc. Nhưng tiếng đàn nạm ngọc này lại giống y hệt tiếng ngân nga của cô chủ. Liễu Sinh lắng nghe thật kỹ, đã hòa nhập vào một cách vô tri vô giác. Nỗi cay đắng truân chuyên hơn mười năm trước đã hóa thành khói bụi bay mất, Liễu Sinh lại một lần nữa đứng lặng dưới lầu thêu, có cảm giác như lần đầu trải qua cảnh đẹp nên thơ này. Tuy anh đã loáng thoáng đoán ra trình tự sẽ xuất hiện tiếp đó, nhưng điều ấy không đánh thức anh dậy, anh đã hòa quyện hai chặng đường ngày xưa và bây giờ làm một.

 

Khi Liễu Sinh ước đoán cô hầu sẽ xuất hiện ở cửa sổ, thì quả nhiên một cô gái có dáng dấp người hầu xuất hiện ở cửa sổ. Cô ta trợn mắt chau mày, nói:

- Mau mau đi khỏi đây!

Liễu Sinh bỗng dưng tủm tỉm cười. Cảnh tượng trước mắt y như đã dự kiến. Cô hầu nói xong cũng quay vào. Liễu Sinh biết lát nữa cô ta lại trợn mắt chau mày xuất hiện trước cửa sổ.

Tiếng đàn nạm ngọc chưa dứt, nên tiếng ngân nga của cô chủ vẫn tiếp tục, âm thanh ấy lúc du dương khi chậm rãi. Phải chăng cô chủ đang bị nỗi tương tư dằn vặt?

Cô hầu lại đến trước cửa sổ:

- Sao không đi đi hả?

Liễu Sinh vẫn tủm tỉm cười. Nụ cười của Liễu Sinh khiến cô hầu không dám đứng lâu ở cửa sổ. Sau khi cô hầu vào, tiếng đàn nạm ngọc bỗng tắt ngấm. Sau đó Liễu Sinh nghe thấy tiếng đi lại trên lầu thêu. Tiếng nặng hơn có lẽ là của cô hầu, còn tiếng nhẹ hơn chắc là của cô chủ đang đi lại.

 

Liễu Sinh cảm thấy sắc trời đã bắt đầu tối dần, có lẽ chỉ trong chốc lát màn đêm sẽ buông xuống, mưa cũng sẽ đến. Mưa một khi đã rào rào lộp độp, thì cửa sổ trên lầu sẽ đóng vào. Ánh sáng nến xuyên qua giấy cửa sổ hắt xuống lờ mờ. Trong cơn mưa gió, cửa sổ kia lại mở, cả cô chủ lẫn cô hầu xuất hiện ở cửa sổ. Sau đó một sợi dây thừng vằn mình thả xuống, thế là Liễu Sinh leo lên, gặp cô chủ trong lầu thêu. Khi cô chủ đi ra nhà ngoài trông xinh đẹp như một con cá màu trắng, không bao lâu, cô chủ lại đến cạnh anh, hai người cầm tay nhìn nhau muốn ngàn lời lại hóa thành im lặng. Sau đó Liễu Sinh lại bám dây leo xuống, đi khỏi lầu thêu, bước trên đường cái. Vài tháng sau, Liễu Sinh thi trượt trở về, lại đến chỗ này, song đã là một đống đổ nát hoang tàn.

 

Đống đổ nát hoang tàn đột nhiên xuất hiện, khiến Liễu Sinh kinh hoàng. Giữa lúc ấy một xô nước lạnh từ trên lầu thêu hất túi bụi lên người Liễu Sinh, anh chợt bừng tỉnh. Nhìn bốn chung quanh, ánh sáng rực rỡ mới biết cảnh tượng vừa rồi chỉ là giấc mơ ban ngày. Còn xô nước lạnh thì hoàn toàn có thật. Toàn thân Liễu Sinh nước chảy ròng ròng, lại nhìn lên cửa sổ lầu thêu, không thấy có bóng người, song nghe được tiếng cười khe khẽ và tiếng nói thì thầm ở bên trong. Lát sau cô hầu đến chỗ cửa sổ, quát nạt:

- Không xéo đi, sẽ gọi người đến cho mà xem.

Cảnh đẹp lúc nãy đã biến thành làn khói trắng bay đi, tự dưng Liễu Sinh thấy buồn, lầu thêu như cũ, song cô chủ đã thay, anh thở dài một tiếng quay người đi. Đi ra ngoài tòa nhà, quay đầu nhìn lại, mới biết nơi đây không phải tòa nhà to rộng sâu hun hút ngày xưa. Trong lúc đi đường, Liễu Sinh lấy nhúm tóc cô chủ tặng lúc chia tay đang để trong túi vải ra ngắm nghía kỹ, nhiều kỷ niệm tốt đẹp của cô chủ khi còn sống cứ lần lượt hiện ra trước mặt. Liễu Sinh bất giác nước mắt ròng ròng.

 

Sau khi Liễu Sinh ra khỏi thành, lại đi một vài ngày. Hôm nay đến bờ sông an táng cô chủ. Nhìn cảnh vật bên sông xanh tươi mơn mởn, có những hoa nhỏ năm màu lắc lư ở giữa. Trên mặt sông soi bóng những hàng liễu rủ xanh biếc đang gợn sóng. Thấm thoắt đã mấy năm trôi qua, cảnh hoang vắng ngày nào cũng tan biến trong phút chốc. Liễu Sinh đứng lặng ở bờ sông, một khuôn mặt già nua hiện lên trong nước. Cảnh tượng phồn vinh một khi sa sút, còn có thể phục hồi trở lại, nhưng tuổi xuân đã đi là đi mãi không bao giờ trở lại. Cảnh đẹp và thời gian quý báu đã từng rực rỡ ngày nào cũng đi mãi không bao giờ trở lại. Bây giờ hồi tưởng lại như bông hoa đàn vừa nở đã tàn. Liễu Sinh nhìn bốn chung quanh, thấy hơn chục ngôi mộ, đều mới được đắp đất gần đây, tro than giấy tiền vẫn còn trước mộ, còn để lại vết tích thắp hương tảo mộ tiết thanh minh. Nhưng ngôi nào mới là mộ cô chủ? Liễu Sinh thong thả bước, quan sát kỹ càng, song không thể nhận ra. Nhưng đi thêm vài bước trông thấy một ngôi mộ hoang. Ngôi mộ ấy chỉ sè sè một nắm đất, sắp sửa bị san phẳng, còn coi như chưa bị cỏ tạp hoa dại phủ kín. Trước mộ không có tro giấy tiền. Vừa nhìn thấy nấm mộ ấy, Liễu Sinh đã chột dạ, một tình cảm khó nói chợt trỗi dậy trong lồng ngực. Ngôi mộ hoang không ai tảo mộ thắp hương này chắc là nơi yên nghỉ của cô chủ.

 

Một khi nhận ra ngôi mộ của cô chủ, thì giọng nói nụ cười của cô chủ cũng thoát khỏi ký ức xa xăm, trở về bên cạnh Liễu Sinh, từ từ lên khỏi mặt nước vô cùng rõ nét. Khi Liễu Sinh nhìn kỹ, lại thấy một con cá màu trắng, con cá lặn xuống chỗ sâu, rồi mất hút.

Liễu Sinh ngồi xuống nhổ từng cây cỏ tạp và hoa dại trên mộ cô chủ. Sau đó lấy tay bới đất ở cạnh đường đắp lên mộ. Liễu Sinh cứ hì hục làm cho tới lúc màn đêm buông xuống mới dừng tay. Nhìn lại nấm mộ đã cao hẳn lên, Liễu Sinh lại lấy nước sông vẩy từng giọt, từng giọt lên mộ, mỗi giọt nước nhỏ xuống lại hắt lên những hạt bụi li ti. Thấy trời đã tối, Liễu Sinh tỏ ra lưỡng lự không biết nên ngủ đêm lại đây, hay là lên đường. Đắn đo hồi lâu, anh quyết định ngủ ở đây một đêm, chờ sáng sớm hôm sau sẽ đi, nghĩ đến cuộc đời này chỉ được gặp cô chủ có hai lần vội vội vàng vàng, bây giờ lại hấp ta hấp tấp ra đi, Liễu Sinh có phần không đành lòng. Cho nên ở lại đây nghỉ với cô chủ một đêm cũng là để trọn tình vẹn nghĩa với nhau.

 

Đêm vô cùng yên tĩnh, chỉ nghe tiếng gió thổi lá cây nhè nhẹ, giống như tiếng mưa mau hạt, lại nghe thấy nước chảy, thoang thoảng như tiếng đàn nạm ngọc, lại như tiếng ngân nga. Hai thứ âm thanh cứ thế đan xen khiến Liễu Sinh sống lại những giờ phút đẹp đẽ cùng cô chủ ở lầu thêu năm nào. Liễu Sinh ngồi cạnh mộ cô chủ, lơ mơ nghe thấy có tiếng động khẽ trong mộ, tiếng ấy dường như là tiếng cô chủ đi lại trong lầu thêu. Suốt đêm Liễu Sinh không chợp mắt, cứ mơ mơ màng màng, chìm đắm trong những cuộc mơ tưởng gặp lại cô chủ. Cho đến khi tang tảng sáng. Liễu Sinh mới hoàn hồn. Tuy chỉ là một đêm mơ tưởng hư vô, song Liễu Sinh hết sức lưu luyến. Mơ tưởng không có thật này nếu đi theo anh suốt cuộc đời cũng là chuyện hay, vô cùng tốt đẹp.

Lát sau, trời sáng hẳn. Liễu Sinh cảm thấy nên ra đi. Anh nhìn bốn chung quanh, cỏ lên mơn mởn, liễu rủ thướt tha, lại nhìn mộ cô chủ thấy ánh nắng mặt trời chiếu vào óng a óng ánh. Cô chủ ở dưới đó chắc cũng dễ chịu, chỉ có phần hiu quạnh. Nghĩ rồi, Liễu Sinh bước lên con đường cái màu vàng.

 

Đi trên đường, Liễu Sinh hoàn toàn không nhìn thấy cảnh tưng bừng oanh hót yến lượn đua vui trên đồng ruộng, chỉ thấy con đường kéo dài xa tít tắp. Đi được một đoạn, bỗng tự hỏi: Bây giờ đi về đâu?

 

Nếu trở lại nghề cũ, trông coi nghĩa địa, thì đúng là Liễu Sinh không muốn, vì toàn là những ngôi mộ của người khác, còn mộ của bố mẹ và cô chủ thì ghẻ lạnh. Mà tìm việc khác, cũng không có ý nghĩa. Nghĩ vậy, Liễu Sinh bỗng dưng đứng lại. Đắn đo một lúc lâu, cuối cùng anh đi đến quyết định quay trở về bên cạnh cô chủ. Anh nghĩ, bố mẹ được yên nghỉ bên nhau, chỉ có cô chủ trơ trọi một thân một mình, chẳng thà trông coi mộ cô chủ những năm tháng còn lại của cuộc đời vẫn hay hơn nhiều so với việc coi mồ của người khác.

 

Liễu Sinh trở lại bên mộ cô chủ. Quyết định như thế, Liễu Sinh hết sức yên tâm. Thế là anh bẻ cành cây dựng một gian nhà nhỏ bên đường. Nhìn xa xa có vài gia đình, Liễu Sinh tới đó mua một cái nồi, định đun một ít nước trà bán cho người đi đường, cũng là để kiếm sống. Khi mọi việc sắp xếp đâu vào đấy thì màn đêm bắt đầu buông xuống, Liễu Sinh cũng mệt bã người, anh uống mấy ngụm nước sông và ăn mấy cái bánh tráng, sau đó ngồi trong lùm cây bên sông nhìn dòng nước chảy.

Vầng trăng lạnh từ từ mọc lên treo lơ lửng trên trời. Ánh trăng soi trên dòng sông lấp loáng. Ngay đến cỏ xanh và liễu rủ bên bờ cũng óng ánh, khiến Liễu Sinh hết sức ngạc nhiên. Dưới ánh trăng cũng có cảnh lạ lùng như vậy sao!

 

Lúc này Liễu Sinh chợt ngửi thấy mùi thơm khang khác, có lẽ gió đã đem theo mùi thơm khác lạ này đến, mà đến từ đằng sau lưng anh. Liễu Sinh quay lại nhìn, thì vô cùng ngạc nhiên. Trong gian nhà nhỏ bên đường có ánh nến đang cháy lập lòe. Liễu Sinh bất chợt đứng dậy đi về phía gian nhà nhỏ. Đi đến trước cửa nhìn thấy bên trong có một người đàn bà đang ngồi trên chiếu đọc sách dưới đèn. Bên cạnh người đàn bà là cái túi vải của Liễu Sinh, đã bị mở ra, có lẽ quyển sách được lấy từ trong túi vải. Người đàn bà ngẩng lên, trông thấy Liễu Sinh đứng ở trước cửa, vội vã đứng lên chào:

- Công tử đã về đấy ư!

Liễu Sinh nhìn kỹ, bỗng sững sờ. Người đàn bà trong nhà không phải là ai khác, mà chính là cô chủ Huệ. Cô chủ đứng đó, dáng người mảnh dẻ, chiếc váy áo thêu màu trắng muốt quét đất, màu trắng của bộ váy áo lại không phải thứ màu trắng thông thường, hình như giống màu của ánh trăng.

 

Thấy Liễu Sinh sững sờ, cô chủ mỉm cười, nụ cười như làn sóng gợn lăn tăn. Cô chủ giục:

- Sao công tử không bước vào nhà đi?

Bấy giờ Liễu Sinh mới bước vào, nhưng vẫn ngẩn người ngạc nhiên. Cô chủ liền nói:

- Tiểu nữ đến bất ngờ quá, xin công tử đừng trách.

Liễu Sinh lại nhìn cô chủ. Cô chủ búi tóc dựng ngược, nét mặt tươi như hoa đào, mắt đen lay láy, cái miệng nho nhỏ anh đào chúm chím, khiến Liễu Sinh mê mẩn tâm thần, song vẫn đầy lòng nghi ngờ, liền hỏi:

- Đây là người hay là ma?

Vừa nghe hỏi thế, cặp mắt cô chủ đã rưng rưng. Cô đáp:

- Cứ tưởng công tử đã vứt bỏ em từ đời nảo đời nào, không ngờ công tử vẫn luôn luôn quý mến giữ gìn. - Nói xong cô chủ nước mắt như mưa.

Vô cùng xúc động, nao nao trong lòng, Liễu Sinh vội vàng bước tới, nắm chặt bàn tay nhỏ nhắn của cô chủ. Bàn tay ấy vô cùng giá lạnh. Hai người cầm tay nhau nước mắt mờ nhòa.

Cô chủ vung ống tay áo dài một cái, ngọn nến vụt tắt. Đang đà, cô chủ ngả luôn vào lòng Liễu Sinh. Anh cảm thấy toàn thân cô chủ lạnh giá, cứ run bần bật. Anh nghe rõ tiếng khóc nức nở của cô chủ. Giọng cô ngắt quãng, cô kể lể những chuyện đã qua, sau khi Liễu Sinh ra đi, ngày nào cô cũng đứng trước cửa sổ ngóng trông. Liễu Sinh lúc này như đắm say, như ngây ngất, trở về với quá khứ tốt đẹp hơn mười năm trước, tiếp theo cả hai cùng ngã ra đất.

 

Sau đó Liễu Sinh ngủ say li bì, khi anh tỉnh dậy, trời đã sáng hẳn. Lại nhìn bên cạnh, không thấy cô chủ đâu, nhưng trên ổ rơm, cô chủ đã để lại một chỗ nằm lõm xuống, chỗ lõm ấy đang tỏa ra mùi thơm khác lạ. Liễu Sinh nhặt mấy sợi tóc còn vương lên, sợi tóc mềm mại hơi xoăn xoăn, sau đó lại lấy dúm tóc cô chủ tặng ngày xưa ra, để chung vào nhau hầu như y hệt, chỉ có điều mấy sợi tóc cô chủ để vương trên chiếu loáng thoáng có màu xanh óng ả.

 

Liễu Sinh đi ra ngoài nhà, nhìn dòng sông nhuốm đỏ dưới nắng ban mai, cây cối và cỏ non hai bên bờ sông cũng lốm đốm đỏ. Liễu Sinh đi đến bên mộ cô chủ, đất mới trên mộ hơi ẩm ướt, sương đêm còn đọng chưa tan hết. Nhìn kỹ ngôi mộ, không hề có chút gì khác lạ. Liễu Sinh cảm thấy rất lạ, nhớ lại cảnh tượng đêm qua, hoàn toàn là chuyện có thật, không hề có chút nào giả tạo. Huống hồ vừa rồi thức giấc cũng đã nhìn thấy dấu cô chủ để lại trong đêm. Liễu Sinh ngồi xuống cạnh mộ, thò tay nắm một vốc đất, cảm thấy ấm áp vô cùng. Cô chủ đang nằm yên dưới này ư? Anh có phần ngờ vực. Phải chăng cô chủ đã bỏ mộ mà đi, trở lại sống trên đời. Nghĩ thế, Liễu Sinh ngờ rằng trước mắt chỉ là một ngôi mộ rỗng không. Anh ngồi bên nấm mộ lâu lắm, càng nhớ lại cảnh đêm qua, càng cảm thấy trước mặt là một ngôi mộ trống rỗng. Cuối cùng không sao nhịn nổi, anh muốn bới tung lên xem rút cuộc là thế nào. Vậy là hai tay anh cào đất. Từng lớp, từng lớp đất được cào bới lên. Gần tới cô chủ, Liễu Sinh thấy cành cây phủ kín, người cô chủ đã mục nát từ bao dở bao giờ, nằm trong vụn như bùn đất. Cả cái áo vải mặc trên người cô chủ cũng hóa thành đất bùn. Liễu Sinh khe khẽ gạt chúng đi, cô chủ lộ ra trần như nhộng. Hai mắt cô chủ nhắm lại, khuôn mặt mới xinh đẹp hấp dẫn làm sao. Cô chủ đã mọc lớp thịt da mới, cho nên toàn thân có màu cánh sen nhàn nhạt. Cho dù một chân đã bị gãy, cũng đã lành lại nguyên vẹn, còn vết dao đâm ở ngực, thì không thấy đâu. Tuy cô chủ nằm trong mộ, nhưng mái tóc hết sức gọn gàng, y như vừa mới được chải tử tế. Mái tóc ấy loáng thoáng ánh lên chút màu xanh, Liễu Sinh ngửi thấy mùi thơm khác lạ sực nức.

 

Cảnh tượng trước mặt khiến trong lòng Liễu Sinh vang lên rộn ràng tiếng suối trong đang chảy. Anh biết chẳng bao lâu nữa cô chủ sẽ sống lại trên đời, do đó khi anh ngắm nghía kỹ cô chủ lần nữa, phảng phất như cô đang ngủ ngon, phảng phất như chưa từng có chuyện cô bị bán cho cửa hàng giết thịt người làm thức ăn. Chẳng qua cô chủ đang ngủ yên, chốc nữa sẽ thức giấc. Liễu Sinh ngắm nghía lâu lắm, rồi mới phủ đất lên. Sau đó Liễu Sinh vẫn cứ ngồi cạnh mộ, dường như e sợ cô chủ rời mộ đi xa, anh không dám rời một bước. Anh lại nhớ tới cảnh tượng tốt đẹp lần đầu tiên gặp cô chủ ở lầu thêu, lại tưởng tượng ra nhiều viễn cảnh tốt đẹp sau khi gặp lại cô chủ. Liễu Sinh chìm đắm trong hư vô mỏng manh không nghe tiếng nước chảy róc rách bên cạnh, không nhìn người qua lại trên đường. Mọi thứ trên đời tiêu tan hết, chỉ có cô chủ đang nhẹ nhàng lướt tới.

 

Liễu Sinh cứ ngồi đờ đẫn, hoàn toàn không có cảm giác thời gian đang trôi đi, ngay đến màn đêm lại buông xuống, anh cũng không hề biết. Trăng lạnh đã lên cao, ánh trăng lặng lẽ rót xuống. Bốn bề vắng lặng lấp loáng. Gió đêm vù vù thổi đến, vừa ướt vừa lạnh. Liễu Sinh vẫn không nhận ra trời đã tối, cứ mải mê cầm tay cô chủ nhìn nhau trong cảnh hư vô tưởng tượng.

 

Bỗng dưng Liễu Sinh ngửi thấy mùi thơm khác lạ sực nức, mùi thơm khác lạ đã khiến anh bừng tỉnh. Nhìn bốn chung quanh mới biết trời đã tối đen. Lại nhìn gian nhà nhỏ cạnh đường, trong nhà đang lập lòe nến. Trong đêm trăng, ánh sáng nến mờ nhòa leo lét. Liễu Sinh vừa mừng vừa ngạc nhiên, vội vàng đứng lên chạy về nhà. Nhưng bước vào trong nhà lại không thấy cô chủ khêu đèn đọc sách. Đang nghi nghi hoặc hoặc, Liễu Sinh nghe thấy có tiếng ở đằng sau, quay người lại, đã nhìn thấy cô chủ đang đứng ở trước cửa. Cô chủ vẫn dáng dấp như tối hôm qua, người mặc sáng trăng, toàn thân lấp lóa liên tục, chỉ có thần sắc cô chủ không giống đêm qua, tỏ ra vô cùng buồn thương. Thấy Liễu Sinh quay lại, cô chủ liền nói:

- Tiểu nữ vốn sắp sửa sống trở lại, chỉ tại bị công tử phát hiện, nên việc không thành.

Nói xong, cô chủ nước mắt ròng ròng ra đi./.

 

 

CẢM NHẬN CỦA BẠN ĐỌC VỀ TÁC PHẨM SỐNG

 

Ngay sau khi tác phẩm Sống được Nhà xuất bản Văn học phát hành tháng 11-2002, bạn đọc đã đón nhận tác phẩm rất nhiệt thành. Sách được bán hết trong thời gian rất ngắn. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, xuất hiện nhiều bài báo viết về Sống. Nhân lần tái bản 2005, chúng tôi xin giới thiệu một số cảm nhận của bạn đọc về Sống của Dư Hoa.

 

LỆ RƠI TRÊN "SỐNG"

Phan Thanh Lệ Hằng

Báo Tuổi trẻ Chủ nhật, 30.3.2003

 

Sống là một quyển sách mỏng (196 trang) của NXB Văn học, tác giả Dư Hoa, dịch giả Vũ Công Hoan. Quyển truyện vừa, văn học hiện đại Trung Quốc này lôi cuốn đến độ đã đọc không dừng được. Qua hai lần kể chuyện của tác giả và nhân vật chính của Sống, bằng một giọng văn chân phương, hình thành câu chuyện về cuộc đời một con người, từ thuở ấu thơ đến ngày xế bóng,băng qua muôn ngàn đau khổ, ngày vui chỉ thoáng chốc trôi qua.

 

Cuộc đời ấy mang đầy dấu ấn của dòng xoáy lịch sử, đầy biến động của một Trung Hoa cận đại. Lịch sử một đất nước biến đổi nhanh chóng và dữ dội, đương nhiên sẽ lôi cuốn theo số phận của mọi cuộc đời, mọi sinh linh bé bỏng. Dư Hoa đã cắt lát gửi cho người đọc một mảng duy nhất của lão già Phú Quí trong muôn triệu kiếp đời. Chỉ bấy nhiêu thôi mà tôi không cầm được nước mắt bao lần; khi xếp quyển sách mỏng manh lại rồi, lòng thương cảm vẫn khôn nguôi. Nơi bìa ruộng mênh mông kia, chân trời hoàng hôn với ráng chiều đỏ quạch, có nụ cười tê tái của ông già Phú Quí, đang đánh bạn với con trâu già: "… lưng ông già đen thủi đen thui như lưng trâu. Hai cái mạng sống già nua lật từng luống đất của thửa ruộng khô cứng lên, kêu sần sật…". Nụ cười ấy đã nén biết bao tang thương, để cuối đời còn thương được một con trâu già. Phải từng căng cuộc đời ra với sống, chết với khổ đau thì mới để ý được chứng tật của con trâu già, mà kết bạn. Tình bạn của hai kiếp người - trâu này ý vị lắm, thương nhau lắm mà cũng phải đối sách với nhau nhiều trò, trên một mảnh ruộng đầy vị mặn của mồ hôi và máu.

 

Cấu trúc của truyện là: 40 năm trước, khi Dư Hoa gặp lão già Phú Quí, lão kể cho tác giả nghe câu chuyện của chính mình. Câu chuyện của một công tử đã sớm tha hóa trong nhung lụa. Hành trình tha hóa của công tử Phú Quí thật kinh khủng trong một đất nước Trung Hoa thập niên 20 thế kỷ trước. Khi trác táng ở thanh lâu, ra dạo phố, công tử Phú Quí phải đi bằng ngựa người, cưỡi trên lưng các cô gái lầu xanh, diễu phố phường và trêu người bố vợ mới thỏa dạ vui thích… Người thanh niên tha hóa đáng sợ như thế đã trở về với nhân cách một lão nông tử tế, biết thương người, thương vợ, thương con, thương rể tật nguyền, thương cháu ngoại, thương làng xóm, sau khi đã được khổ đau nhào nặn.

 

Không một trường học nào có thể hoán cải được con người như Phú Quí, ngoài trường khổ đau. Thật thế, lão già Phú Quí sống dù lắm đắng cay còn sót lại trong cuộc đời, bên con trâu già trong chuỗi ngày xế bóng, nhưng nhân cách làm người thật sáng trong. Qua Sống, ta cảm nhận được nhiều thông điệp về lẽ sống của cuộc đời. Nhiều tầng ý nghĩa chứa trong một quyển sách mỏng: hành trình thiên nan, vạn nan của sự hình thành cái cao đẹp; trả lời cho nỗi băn khoăn đi tìm căn nguyên, cội nguồn của sự sống. Những tầng sâu ý nghĩa của tác phẩm được trình bày qua sự bộc lộ tính cách, văn hóa Trung Hoa dưới nhiều góc độ khác nhau. Nhà văn đã cúi xuống nỗi đau khổ và viết lên thành con chữ nỗi thống khổ ấy để gửi đến bạn đọc. Thế mà đọc xong, lòng ta lại cảm thấy yêu thương cuộc sống quanh ta hơn, yêu thương con người hơn. Lắng đọng lại lòng ta một mối buồn thương cao đẹp lắm.

 

Đọc Sống ta nhớ ngay sức chịu đựng của người tù khổ sai Papillon, nhớ đến bức tranh vân cẩu của Hồng Lâu Mộng; và qua màn sương mỏng buổi chiều tà, hình ảnh nụ cười mếu máo của lão già với bàn tay xua xua, trên đôi chân loạng choạng trên mặt ruộng nẻ khô, cứ ám ảnh như buộc ta yêu thương cõi đời này hơn nữa.

 

P.T.L.H

Triệu Xuân
Số lần đọc: 3239
Ngày đăng: 14.02.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những đọan viết ngắn... - Triệu Từ Truyền
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh và 42 năm ngày mất của nhà văn Lê Văn Trương, Nhà xuất bản Văn học vừa xuất bản bộ sách Lê Văn Trương - Ngô Thanh Hương
Đọc " KỶ VẬT CHO EM " của LINH PHƯƠNG * - Vũ Trọng Quang
Nguyễn Ngọc Tư, chuyện mới nghe qua - Huỳnh Kim
Nhà văn Lý Lan trả lời phỏng vấn SCL : “Tôi đang giàu có niềm hạnh phúc” - Huỳnh Kim
Tìm đọc Truyện ngắn Bích Ngân do NXB Văn Nghệ ấn hành : Thế giới truyện ngắn Bích Ngân - Huỳnh Phan Anh
Phụ nữ Huế : Những nghệ sĩ tài hoa trong lĩnh vực văn hóa ẩm thực - Nguyễn Hữu Thông
Nguyễn Tấn On : Những bước đi tới từ " Hồn Quê " - Vũ Trọng Quang
Tôi đọc Cánh đồng bất tận - Lê Anh Thu
Nhà thơ Kiên Giang : hoa trắng thôi cài trên áo tím - Trần Hữu Dũng
Cùng một tác giả
Cõi Mê (truyện dài)
Nỗi đau (truyện ngắn)
Trả giá (truyện dài)
Bụi đời (truyện dài)
Sóng lừng (truyện dài)
Tôi không mất em (truyện ngắn)
Khát vọng (truyện ngắn)
Giấy trắng (truyện dài)