Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
832
116.686.121
 
Ngày tình yêu, Đọc TÌNH YÊU CỔ ĐIỂN của NHÀ VĂN DƯ HOA (TRUNG QUỐC) -- 2.
Triệu Xuân

TÌNH YÊU CỔ ĐIỂN

 

Liễu Sinh lên kinh đô thi cử, đi trên con đường lớn màu vàng. Anh mặc chiếc áo vải màu xanh, phía dưới có nhiều nếp gấp, đầu đội chiếc mũ nhỏ phai màu, lưng thắt dải lụa xanh, trông chẳng khác một cái cây màu xanh thẫm. Bấy giờ đang là mùa xuân ngước mắt xa trông, chỗ thì đào liễu đua sắc, nơi thì dâu đay bạt ngàn, những mái nhà tranh dậu tre rải rác khắp chốn đan xen vào nhau. Mặt trời chói lọi treo lơ lửng giữa bầu trời cao lồng lộng, muôn vàn tia nắng vàng rực rỡ, ào ào cùng trút xuống, như tơ óng trên khung cửi.

 

Liễu Sinh đi trên đường được nửa ngày, suốt thời gian đó chỉ gặp hai viên quan lại nghênh ngang đi qua, mấy người có dáng dấp con nhà võ vung roi thúc ngựa vun vút lao qua. Bụi đất vó ngựa tung lên che lấp cảnh đẹp trước mặt, tạo nên quang cảnh hỗn loạn rối mù trước mắt Liễu Sinh. Từ đó trở đi, không bao giờ còn gặp ai qua lại trên đường nữa.

 

Mấy hôm trước, lần đầu tiên Liễu Sinh xa nhà bước trên con đường cái màu vàng này, trong lòng anh liền trỗi dậy biết bao nỗi thê lương. Sau khi ra khỏi mái nhà tranh, tiếng thình thịch trên khung cửi của mẹ cứ bám đuổi theo anh, trên lưng anh cứ từng cơn từng cơn đau đớn như thiêu đốt, rồi ánh mắt của bố lúc sắp sửa tắt thở cứ trừng trừng nhìn anh như hiện ra trước mắt. Để làm rạng rỡ tổ tông, anh phải ra đi trên con đường cái màu vàng này. Cảnh sắc mùa xuân muôn tía ngàn hồng khoe sắc bày ra trước mặt như một cuộn tranh vẽ trải dài, song Liễu Sinh nhìn không thấy. Trước mặt anh hình như chỉ có lá rụng cuối thu rơi lả tả, con đường cái màu vàng dưới chân cũng tỏ ra hư vô bé nhỏ.

 

Liễu Sinh không phải công tử con nhà giàu, khi còn sống bố anh chỉ là một nhà nho nghèo thi trượt. Tuy có hoa tay, vẽ được mấy cây hoa cảnh đẹp, nhưng vai không thể gánh, tay không thể xách, nuôi sao nổi cả nhà? Một nhà ba miệng ăn hoàn toàn trông mong vào chiếc khung cửi của mẹ làm việc quần quật suốt ngày đêm, nhờ thế Liễu Sinh mới coi như sống đến bây giờ. Nhưng sau khi lưng mẹ còng xuống đã không bao giờ còn đứng thẳng lên được. Ngay từ lúc còn bé, được bố dạy bảo, Liễu Sinh đã thông thạo văn thơ. Lâu dần anh đã kế thừa bẩm tính của bố, thích đọc sách cấm, cũng có hoa tay, vẽ được mấy bức tranh phong cảnh, song gượng gạo, sáo mòn. Do đó, khi Liễu Sinh bước lên đường tới kinh đô dự thi, thì cảnh khốn quẫn nhiều lần thi trượt của bố lúc đang sống, cứ bám chặt lấy anh.

 

Khi liễu sinh bước ra khỏi mái tranh nghèo, chỉ có mỗi cái túi màu xám xịt khoác trên vai, bên trong không hề có một xu, chỉ có bộ quần áo để thay giặt và giấy mực bút viết. Dọc đường anh gối đất nằm sương, bạ đâu ăn đó, chỉ biết dựa vào bán những tranh chữ, kiếm vài ba đồng nuôi thân. Anh từng gặp hai thiếu niên cũng lên kinh đô thi cử, đều là con nhà giàu quần lụa áo gấm xênh xang, đều có một con ngựa cao to lộc ngộc hung hăng, còn có cả thằng hầu thông minh nhanh nhẩu. Chỉ nhìn quần áo của thằng hầu cắp tráp, anh cũng thấy mình vô cùng tủi hổ. Anh không có thằng hầu cắp tráp, chỉ có cái bóng của mình trên đường cái màu vàng lủi thủi bám theo. Cái túi trên vai khe khẽ đung đưa theo nhịp bước, anh đã nghe thấy tiếng cô đơn nghiên bút chạm vào nhau. Đi được nửa ngày đường, Liễu Sinh vô tình gặp một ngã ba. Lúc này anh vừa đói vừa khát, may mà cạnh đó có con sông. Hai bên bờ sông cỏ thơm xanh xanh, liễu rủ thướt tha. Liễu Sinh đi ra bờ sông, nước sông cũng màu vàng rực bởi ánh nắng chiếu vào, chỉ có màu xanh biếc ở những chỗ liễu rủ che khuất. Anh ngồi xổm, thò hai tay xuống nước, bỗng thấy sảng khoái vô cùng. Thế là vốc nước lên tay, cẩn thận rửa bụi trên mặt, sau đó mới uống ừng ực mấy ngụm ngon lành. Uống xong ngồi lên thảm cỏ. Cỏ thơm lay động, xiên vào ống quần, có cảm giác thân thiết ngưa ngứa buồn buồn. Một con cá màu trắng lượn đi lượn lại một mình trong nước. Cơ thể nó vặn vọ hết sức uyển chuyển mau lẹ. Nhìn con cá lượn, không biết bởi cá cô đơn, hay vì cá xinh đẹp, mà Liễu Sinh chợt thấy buồn buồn.

 

Lâu lắm Liễu Sinh mới đứng lên, trở lại con đường cái màu vàng, đi ra khỏi bóng râm của liễu, Liễu Sinh hơi choáng đầu hoa mắt. Lúc này anh nhìn thấy phía xa xa có một ngôi nhà và bóng cây thấp thoáng, còn có cả bức tường thành lờ mờ. Liễu Sinh rảo bước đến đó.

Đi đến gần, anh nghe thấy tiếng người ồn ào, ở chỗ cổng thành có vô số người vai gánh tay xách. Bước vào thành chợt nhìn thấy, cứ năm bước một nhà gác, mười bước một khuê phòng. Nhà cửa san sát, người đi tấp nập. Liễu Sinh bước vào phố chợ, đàn ông đàn bà đi lại nhộn nhịp, hai bên đường phố nhan nhản quán rượu quán trà. Mấy quán ăn treo thịt dê mỡ màng lủng lẳng, trên quầy từng dãy bát đĩa xếp ngay ngắn, trong đĩa đựng nào là móng giò, nào là vịt ướp rượu, nào là cá tươi. Còn trên quầy ở quán trà thì bày rất nhiều đĩa đựng toàn là bánh nướng, bánh quít, bánh chưng, sắn lát.

 

Liễu Sinh cứ lần lượt đi qua, chẳng mấy chốc đã đến trước một ngôi chùa. Chùa này gần đây mới tu sửa, xanh vàng rực rỡ. Đứng trên bậc đá dưới cổng, Liễu Sinh ngó vào bên trong. Một cây bách xanh trăm tuổi đứng hiên ngang, nền lát gạch không một hạt bụi, cột và xà nhà bóng loáng, chỉ không thấy sư sãi. Ngôi chùa cao rộng bề thế trống không. Liễu Sinh nghĩ bụng đêm nay sẽ ngủ ở đây. Nghĩ thế, anh đặt túi khoác ở vai xuống, dở ra lấy giấy bút mực ngồi trên thềm đá, viết mấy câu từ Tống hay hay như kiểu: "Bờ dương liễu gió nổi trăng tàn", lại vẽ mấy bức tranh cây cảnh thân bò, bày bán cho người qua lại. Bỗng chốc trước chùa người chen như nêm, dường như ai ai cũng có tiền, ai ai cũng thích phong nhã. Mới có nửa buổi, Liễu Sinh đã kiếm được vài xâu tiền. Thấy người tan dần, liền thu tiền cất đi cẩn thận, rồi lại nhặt túi thong thả quay về.

 

Những người phục vụ trong quán rượu quán trà hai bên đường tươi cười hớn hở, cũng không chê cười Liễu Sinh áo vải quần thâm, sốt sắng mời chào. Liễu Sinh liền rẽ vào một quán trà gần đó ngồi, gọi một bát nước trà, uống xong thấy bụng cồn cào khó chịu, đang đắn đo suy nghĩ, thì vừa may có một người nhà quê bưng bán nhiều bánh trái. Liễu Sinh liền mua mấy cái, lại gọi một bát nước trà, thư thả vừa ăn vừa uống.

 

Có hai người cưỡi ngựa đi qua cạnh quán trà, một người mặc áo chùng đũi màu xanh ngọc có thêu nhiều bướm nhiều dơi, một người mặc áo chùng đũi xanh ngọc hai lá có thêu vô số chim bay. Sau khi hai người đi qua, lại có ba phụ nữ đi đến. Một người khoác áo choàng Thủy điền, một người mặc quần áo Bát đoàn thêu màu ngọc, một người mặc áo thêu vàng hai màu đũi thiên thanh. Ngọc trai trên đầu óng a óng ánh, vòng đeo trên váy kêu leng keng. Trước mỗi bà đều có một con hầu, tay cầm quạt thơm lụa đen, che ánh nắng cho họ.

 

Liễu Sinh ăn hết bánh đa, đứng lên bước khỏi quán trà, đi dạo trong phố chợ. Xa nhà đã mấy hôm, anh không nói chuyện tử tế với ai. Bây giờ cơn đói trong bụng đã hết, song nỗi cô đơn lại trỗi dậy trong lòng. Nhìn dòng người nhộn nhịp trên phố, song chẳng ai thân quen. Tiếng khung cửi của mẹ lại đuổi theo sau lưng.

           

Trong lúc dạo bước, bất giác đi đến một nơi to rộng, chăm chú nhìn lại mới biết mình đang đứng trước cổng chính của một gia đình lớn. Tòa nhà sâu hun hút trước mặt cao to bề thế, hai con sư tử đá ở trước cửa nhe nanh giơ vuốt. Cánh cổng lớn màu đỏ tươi đóng im ỉm, hết sức uy ghiêm. Nhìn vào bên trong, cây cối um tùm, hiên bay trùng điệp, chim đậu chim bay. Liễu Sinh cứ ngẩn người ngắm nghía mãi rồi mới đi. Anh dạo bước trên lối đi dài ven theo bờ tường vôi. Lối đi này cũng lát gạch xanh loại tốt, không bám một hạt bụi. Cành cây ở trong tường vươn cả ra ngoài. Đi một đoạn ngắn, nhìn thấy cổng bên. Cổng bên tuy kém hơn cổng chính, song cũng toát lên sự uy nghiêm và cánh cổng màu đỏ tươi cũng đóng im ỉm. Liễu Sinh loáng thoáng nghe thấy tiếng vui đùa ở bên trong. Anh dừng lại chốc lát rồi đi tiếp. Đi hết chỗ tường vôi, anh trông thấy một cổng nhỏ ở góc tường. Cổng nhỏ không đóng, một người có dáng dấp người trong nhà hấp tấp đi ra. Liễu Sinh đi đến trước cổng ngó vào, có một vườn hoa nhỏ nhắn xinh xinh. Anh thầm nghĩ đây là vườn hoa sau nhà mà trước kia chỉ nghe nói chứ chưa bao giờ nhìn thấy. Lưỡng lự một lát, Liễu Sinh liền đi vào. Ở trong sơn, thủy, cây, hoa thứ gì cũng có. Những núi đá, tường đá tuy người đắp, song giống y hệt. Ao ở giữa bị lá sen che kín không nhìn thấy nước, một cây cầu đá cong chín khúc áp sát trên lá sen, một các đình nho nhỏ đứng ở cạnh ao, có hai cây phong cực lớn ở hai bên, lá phong rủ xuống nóc đình. Trong đình có thể chứa ba bốn người, trước tường chắn xây bằng đá đặt hai cái đôn bằng sứ, sau bức tường chắn có hàng mấy chục cây trúc xanh, đằng sau trúc xanh có lan can màu đỏ đứt nối từng đoạn, đằng sau lan can làhàng loạt cây hoa. Hoa đào, hoa mận, hoa lê đang nở rộ, hoa hải đường, hoa cúc, hoa lan đang là nụ. Đào mận tươi xanh tranh nhau đua sắc, hoa lê ở giữa lặng lẽ ngắm nhìn.

           

Liễu Sinh vô tình bước đến trước lầu thêu. Lối đi dưới chân đột nhiên kịch đường. Liễu Sinh ngẩng lên nhìn, cửa sổ chấn song lầu thêu mở ra bốn phía, gió từ bên kia lầu thổi hắt sang, Liễu Sinh ngửi thấy mùi thơm sực nức. Lúc này màn đêm từ từ buông xuống, tiếng ngâm nga thư thả bay qua cửa sổ lầu thêu vọng tới. Âm thanh như tiếng đàn xa xa cứ tí tách như từng viên từng viên ngọc trai rơi xuống đĩa, cứ róc ra róc rách như dòng suối êm trôi tít tắp. Cùng với gió vù vù thổi đến, màn đêm từ từ trải rộng. Liễu Sinh chỉ thấy bâng khuâng, say đắm trong âm thanh, cũng không để tâm phân biệt tiếng ngân nga. Màn đêm mỗi lúc một dày, bóng tối trùm kín không gian nhưng Liễu Sinh phớt lờ tất cả, anh cứ ngẩng mặt nhìn như dán mắt vào cửa sổ lầu thêu. Trong tầm nhìn xa xa hình như đã hiện ra một dòng sông như dải ngọc, hai cảnh đẹp xuất hiện ở hai bên cặp mắt, một cảnh là cô gái duyên dáng đi bên dòng sông, một cảnh là liễu rủ thướt tha đung đưa trong gió đêm. Hai cảnh hòa quyện với nhau, khiến Liễu Sinh hoa mắt bối rối.

Tiếng hát mê hồn bắt đầu đến gần Liễu Sinh. Chỉ trong giây lát, một người đàn bà như hoa như ngọc hiện ra trong khung cửa sổ. Cô gái hồn nhiên tự tin, cái miệng chúm chím nụ hoa anh đào, tươi cười hớn hở, tiếng hát ngân nga bay ra từ đó. Cặp mắt long lanh, trìu mến nhìn ra vườn hoa dốc bầu tâm sự. Sau đó, trông thấy Liễu Sinh, bất giác giật mình kêu lên một tiếng "a"! Cô gái mặt bỗng đỏ ửng, quay ngoắt người chạy đi. Cái nhìn âu yếm của cô gái vừa vặn chạm vào Liễu Sinh. Duyên nợ ba sinh chưa ai hay biết, song hôm nay Liễu Sinh được nhìn thấy cô gái giấu mình trong lầu thêu kín đáo, có lẽ nào anh không chìm đắm như rơi trong cõi mộng. Tiếng "a" ngạc nhiên vừa rồi, chẳng khác gì dây đàn bị đứt, lời hát ngân nga bỗng tắt ngấm.

           

Tiếp theo là im ắng. Hầu như mọi thứ chung quanh đều tan biến. Lâu lắm, Liễu Sinh mới hoàn hồn. Nhớ lại khung cảnh vừa rồi, đúng là có phần hư vô, như có như không, song hết sức chân thật. Anh lại nhìn lên cửa sổ, cửa sổ trống không, nhưng gió vẫn thổi xuống, mùi thơm vẫn sực nức. Liễu Sinh cảm thấy có hơi ấm, hơi ấm có lẽ đến từ thân hình cô gái vừa rồi, khiến anh có cảm giác cô gái vẫn ở trong lầu thêu. Vậy là hình như anh đã nhìn thấy tận mắt gió thổi vào người cô, thổi tan mùi thơm sực nức và hơi ấm trên người cô, thổi xuống dưới gác. Liễu Sinh giơ tay phải, khẽ khẽ vuốt ve hơi ấm trong gió. Lúc này, một cô gái có dáng dấp con hầu hiện ra trước cửa sổ. Cô nói với Liễu Sinh:

- Mau mau rời khỏi đây!

Tuy trợn mắt chau mày, song thần sắc cô không có vẻ gì là dữ tợn. Liễu Sinh cảm thấy cô chỉ giả vờ tức giận. Đương nhiên anh không bỏ đi, vẫn nhìn thẳng lên cửa sổ. Cô hầu có vẻ lúng túng khó xử, ánh mắt như thế của một người đàn ông quả thật khiến cô bối rối khó chịu. Cô liền rời khỏi cửa sổ. Cửa sổ lại trống không, lúc này trời càng tối, lầu thêu bắt đầu mờ ảo. Liễu Sinh loáng thoáng nghe thấy trên gác có tiếng nói chuyện, hình như có một bà đi vào, tiếng bà nói lanh lảnh, sau đó là tiếng gay gắt của cô hầu, cuối cùng mới là cô chủ. Tiếng cô chủ nhỏ nhẹ như nước nhỏ giọt, song Liễu Sinh vẫn nghe thấy. Bỗng dưng anh mỉm cười, nụ cười gợn lên như sóng nước, bản thân anh không hề nhận biết. Cô hầu lại một lần nữa ra cửa sổ, thúc giục:

- Sao không đi đi hả?

Lúc này màn đêm đã làm mờ nhòa khuôn mặt cô hầu, chỉ còn thấy hai con mắt đen lay láy sáng loáng đang nổi cơn tam bành. Hình như  Liễu Sinh không nghe thấy, anh cứ đứng trơ trơ như khúc gỗ. Làm sao có thể bỏ đi được?

 

Lầu thêu cứ tối dần, lúc này từ cửa sổ đang mở hắt ra tia sáng của ngọn bạch lạp. Ánh sáng tuy hắt ra ngoài cửa sổ, song không rọi xuống đất, chỉ chiếu ngang qua trên đầu Liễu Sinh một gang tay. Nhưng ánh sáng nến lại chiếu bóng cô chủ trong lầu lên cột xà vừa vặn để Liễu Sinh nhìn thấy. Dáng cô chủ cúi đầu im lặng, tuy không được rõ nét, song vô cùng sinh động.

Có vài giọt nước mưa rơi vào mặt Liễu Sinh đang ngẩng lên. Nước mưa rơi đột nhiên, Liễu Sinh hoàn toàn không nhận ra. Một lát sau nước mưa cứ xối xả hắt vào người, anh mới bắt đầu nhận ra, song vẫn không đi.

 

Cô hầu lại xuất hiện ở cửa sổ. Cô nhìn Liễu Sinh một lát, không nói gì, đóng cánh cửa sổ vào. Bóng cô chủ mất hẳn. Ánh sáng nến cũng bị thu lại, bởi cánh cửa che khuất.

 

Nước mưa rơi xiên, song không hắt hẳn vào người Liễu Sinh, chỉ rơi trên chiếc mũ nhỏ đội trên đầu và làm ướt nửa mái tóc của anh. Nước mưa hắt lên người Liễu Sinh rơi xuống theo đường cong. Lúc sau, anh dần dần nghe thấy tiếng tí tách trên người mình. Nhưng anh vẫn ngẩng mặt nhìn ánh sáng nến trên lầu, không có thì lại để ý đến tiếng mưa. Trên giấy dán cửa sổ, ánh nến cứ run rẩy nhảy nhót, tuy không trông thấy bóng cô chủ, song dường như cô chủ càng sống động.

 

Không biết thế nào cánh cửa sổ lại mở ra. Lúc này ở ngoài trời mưa càng nặng hạt. Cô hầu hiện ra trước, sau đó cả cô chủ và đầy tớ ra cửa sổ nhìn Liễu Sinh. Liễu Sinh còn đang mừng quýnh thì hai người trên gác bỏ đi, song không đóng cửa vào. Liễu Sinh nhìn thấy bóng hai người lồng vào nhau trên xà cột trong nhà, rồi tách ra ngay. Chỉ một thoáng, hai người lại đến trước cửa sổ, sau đó một sợi dây thừng từ từ thả xuống, đung đưa trong mưa gió. Liễu Sinh không chú ý gì cả, cứ si mê ngây ngất nhìn cô chủ. Vậy là cô hầu không chịu nín lặng, cất tiếng giục:

- Sao không trèo lên đi!

Liễu Sinh vẫn chưa hiểu ra, thấy vậy cô chủ cũng mở miệng thỏ thẻ:

- Mời công tử lên tránh mưa gió.

Tiếng cô chủ tuy hết sức nhỏ nhẹ, song đã làm tiếng mưa gió ào ào bỗng chốc bị át đi. Liễu Sinh bắt đầu chợt hiểu, nhấc chân đến chỗ dây thừng, nào ngờ chân tay tê cứng, cứ đứng tại chỗ, không sao động đậy được. May mà sau đó ít phút chúng đã trở lại bình thường nên anh có thể bám chặt dây từ từ leo lên. Lên đến cửa sổ, thấy cô chủ đã lui vào, nhờ cô hầu giúp sức, anh đã lật người nhảy vào trong nhà.

 

Trong lúc cô hầu thu dây đóng cửa sổ, Liễu Sinh ngắm nghía kỹ cô chủ. Cô chủ đang đứng uy nghi cách anh năm thước, thân thể ngọc ngà, váy áo quý phái, môi son mím chặt. Liễu Sinh ngửi thấy mùi thơm phấn son. Cô chủ ngượng ngùng quay người về phía anh. Lúc này, cô hầu đi đến đứng ở cạnh cô chủ. Liễu Sinh vội vàng chào cô chủ:

- Tiểu sinh họ Liễu tên Sinh.

Cô chủ cũng đáp lại:

- Tiểu nữ tên Huệ.

Liễu Sinh lại chào cô hầu, cô hầu cũng thưa lại.

Chào hỏi xong, Liễu Sinh thấy cả cô chủ lẫn cô hầu cùng che miệng cười. Anh không biết vóc dáng mình nhếch nhác cũng cười theo. Cô hầu nói:

- Anh nghỉ ở đây chốc lát, sau khi tạnh mưa, mau mau đi khỏi đây.

Liễu Sinh không đáp lời, hai mắt nhìn cô chủ. Cô chủ cũng nói:

- Mời công tử mau mau đi thay áo đi nghỉ, kẻo bị cảm lạnh.

Nói xong, hai người đi ra ngoài. Ống tay áo thon nhỏ của cô chủ vung vẩy, cổ tay ngọc ngà buông thõng đi ra. Dáng cô bước đi khiến Liễu Sinh chợt nhớ đến vẻ đẹp của con cá lượn trong nước đã nhìn lúc ban ngày. Cô hầu vén rèm cửa đi ra trước. Cô chủ đi đến trước cửa hơi lưỡng lự một lát, khi vén rèm cửa đi ra vô tình quay nhìn lại một cái. Cô chủ nhìn lại có thể nói hết sức ý vị, Liễu Sinh không khỏi mê mẩn thần hồn.

 

Khá lâu, Liễu Sinh mới biết cô chủ đã đi khỏi, bỗng nhiên trong lòng trống trải không biết thế nào mới phải. Nhìn bốn chung quanh, lầu thêu này đúng như một thư phòng, từng chồng sách xếp ngay ngắn trên giá, một chiếc đàn có nệm ngọc đặt trên cái bàn thấp. Sau đó, Liễu Sinh mới nhìn thấy khung thêu chạm bằng gỗ gụ, khung thêu bị một tấm màn hoa mai che lấp già một nửa. Tự dưng Liễu Sinh thấy lòng xốn xang, toàn thân rạo rực. Anh đi đến trước màn hoa mai, ngửi thấy mùi thơm gỗ bách, cái chăn màu xanh cánh trả y như người đang nằm ngửa, vân hoa lấp loáng, lúc sáng lúc tối trong ánh nến. Cô chủ đã đi, nhưng hơi thở vẫn còn. Trong mùi thơm của bách, Liễu Sinh còn ngửi thấy một thứ hơi thoang thoảng, lúc ẩn lúc hiện, như thật như giả.

 

Liễu Sinh đứng trước giường một lát rồi buông màn hoa mai, trong tay anh vải màn trơn mịn như làn da cô chủ. Cái màn hoa nhẹ nhàng rơi xuống tận đất rồi cong lên. Liễu Sinh lui lại, ngồi lên chiếc đôn sứ, dưới ngọn nến trước bàn, ngắm chiếc giường đã buông màn hoa mai, cái chăn màu xanh cánh trả ở bên trong chỉ lờ mờ, trông như cô chủ đang nằm ngủ. Lúc này, Liễu Sinh đã nghiễm nhiên trở thành anh chồng của cô chủ. Cô chủ đang ngủ ngon lành, còn anh thì chong đèn đọc sách.

 

Liễu Sinh nhìn thấy trên bàn một quyển từ đang mở, liền đọc tiếp từ trang cô chủ vừa đọc. Từng chữ cứ nhảy nhót như tiếng mưa tí tách ngoài cửa sổ. Liễu Sinh ngây ngất trong cảnh tượng hư ảo, lắng nghe tiếng mưa nhỏ giọt ngoài hiên, từ từ nhắm mắt lại trong cảnh đẹp tốt lành lúc đó.

 

Trong mông lung mờ ảo, Liễu Sinh nghe có tiếng ai gọi, giọng nhỏ nhẹ bay bay, từ xa đến gần. Anh mở choàng mắt, đã thấy cô chủ đứng bên cạnh. Lúc này mái tóc đen óng mượt của cô chủ hơi rối, son phấn trên mặt đã phai đi nhiều, tuy vậy dáng dấp càng sống động mê hồn hơn lúc nãy. Lúc đầu Liễu Sinh cứ ngỡ cảnh trong mơ, khi nghe thấy tiếng cô chủ nói, anh mới biết là cảnh thật. Cô chủ bảo:

- Mưa đã tạnh, công tử có thể lên đường.

 

Quả nhiên không còn tiếng mưa ở ngoài cửa sổ, chỉ có tiếng gió thổi lá cây xào xạc. Trông thấy dáng hoảng hốt của Liễu Sinh, cô chủ lại bảo:

- Đó là tiếng lá cây.

Cô chủ đứng ở chỗ tối, ánh nến bị Liễu Sinh che. Trông cô chủ hấp dẫn vô cùng. Liễu Sinh đăm đắm nhìn một lát, bỗng thở dài, đứng dậy, nói:  

- Chia tay hôm nay, chẳng biết bao giờ gặp lại.

 

Nói xong bước đến cửa sổ. Nhưng cô chủ cứ đứng im. Liễu Sinh quay người lại, thấy mắt cô chủ rơm rớm lệ, dáng vẻ hết sức buồn. Liễu Sinh vô tình bước đến, nắm chặt cổ tay ngọc ngà cô chủ đang buông thõng để lên ngực. Cô chủ cúi đầu im lặng, để mặc Liễu Sinh âu yếm vuốt ve. Mãi sau, cô chủ mới hỏi:

- Công tử từ đâu đến? Sẽ đi về đâu?

Liễu Sinh kể hết sự tình, lại nắm chặt tay kia của cô chủ. Lúc này cô chủ mới ngẩng lên ngắm nghía Liễu Sinh. Hai người cầm tay nhìn nhau, thổ lộ tấm lòng sâu kín.

Lúc này ngọn nến vụt tắt, Liễu Sinh tiện tay ôm cô chủ ngọc ngà mềm nhũn, thơm ngát, ấm hôi hổi vào lòng. Cô chủ khẽ thốt lên một tiếng "a", rồi cứ im lặng, song lại run rẩy trong lòng Liễu Sinh. Bấy giờ Liễu Sinh cũng đang mê mẩn hồn vía. Phảng phất như vạn vật đều biến mất, chỉ có hai người hòa quyện vào nhau. Liễu Sinh mặc sức vuốt ve cô chủ, nghe rõ tiếng thở hồi hộp ngắt quãng, cũng chẳng biết tiếng nào của mình, tiếng nào của cô chủ. Một người đàn bà khao khát đàn ông, một người đàn ông khao khát đàn bà, lúc này đang ôm ghì xoắn xuýt làm một, làm sao có thể phân biệt nổi ta mình.

 

Bên ngoài vọng vào tiếng trống sang canh mới làm cho cô chủ chợt tỉnh. Cô gỡ tay ôm của Liễu Sinh, im lặng một lát, rồi giục:

- Đã sang canh tư, xin công tử mau mau rời khỏi đây.

Liễu Sinh ngồi im trong bóng tối, lâu lắm mới trả lời một tiếng sau đó sờ tìm cái túi của mình, rồi lại đứng rất lâu.

Cô chủ lại giục:

- Công tử đi đi!

Tiếng cô chủ vô cùng buồn bã, Liễu Sinh nghe thấy cả tiếng khóc sụt sịt, bỗng dưng anh cũng rơi lệ. Anh lại sờ tìm cô chủ, hai người ôm chặt lấy nhau hồi lâu. Sau đó Liễu Sinh đi đến cửa sổ. Lúc đến trước cửa sổ, anh nghe thấy tiếng cô chủ nhắc:

- Công tử dừng lại đã.

Liễu Sinh quay người lại, thấy cái bóng lờ mờ của cô chủ di động trong buồng, sau đó lại nghe tiếng kéo cắt sần sật. Lát sau, cô chủ đi đến chỗ anh, đặt vào tay anh một gói đồ, Liễu Sinh cảm thấy vật trong tay nằng nặng, cũng không dở ra xem vật gì, cứ thế bỏ vào túi vải. Sau đó anh leo ra ngoài cửa sổ, bám dây thừng tụt xuống.

Khi xuống đến đất, anh ngẩng lên nhìn, thì chỉ còn thấy cái bóng của cô chủ đứng trước cửa sổ. Cô chủ nói:

- Công tử nhớ kỹ, dù đỗ dù không, cũng nhanh nhanh mà về.

Nói xong, cô chủ đóng cửa sổ, Liễu Sinh ngẩng mặt nhìn một lát rồi đi. Cửa sau vẫn mở, Liễu Sinh ra khỏi nhà. Vài giọt mưa còn rớt lại hắt lên mặt anh, lạnh ngăn ngắt. Sau đó nghe thấy tiếng ngựa hí, trong màn đêm tĩnh mịch, tiếng ngựa hí rõ mồn một. Liễu Sinh đi trên đường phố vắng ngắt, không thấy bóng dáng của một ai, chỉ thấy xa xa có người gác đêm đánh trống canh xách đèn lồng đi lại. Chẳng bao lâu Liễu Sinh đã bước lên đường cái lớn màu vàng. Lâu lắm, mới tờ mờ sáng. Liễu Sinh không dừng bước, nhìn cây cối và nhà tranh gần xa bắt đầu rõ dần, yên tâm bước trên đường cái. Khi mặt trời mọc, anh đã đi xa lầu thêu của cô chủ. Bây giờ anh mới giở túi ra, lấy gói quà cô chủ tặng. Mở gói, anh nhìn thấy một dúm tóc đen nhánh và hai thỏi bạc mịn màng, chúng được gói trong một chiếc khăn mùi soa thêu đôi chim uyên ương. Trong tim anh bỗng trỗi lên tình cảm dạt dào khoan khoái. Vậy là anh gói lại cho vào túi xách, tiếng cô chủ dặn dò lúc chia tay cứ văng vẳng bên tai:

- Đi nhanh nhanh mà về.

Liễu Sinh rảo bước đi lên phía trước.

 

Mấy tháng sau, Liễu Sinh thi trượt trở về, anh ngần ngừ bước trên con đường cái màu vàng. Tuy lúc nào cũng muốn gặp lại cô chủ, song không thể tránh khỏi nỗi nhục thi trượt. Anh cứ đi lại dừng, lúc nhanh lúc chậm. Khi lên kinh đô không khí mùa xuân nhộn nhịp tưng bừng, bây giờ trở về sắc thu se lạnh. Ngước mắt nhìn xa, trời xanh nhàn nhạt, mây nhởn nhơ bay, mênh mông bát ngát, thành phố dần dần hiện ra trước mặt, Liễu Sinh càng thêm bối rối, ngổn ngang trăm mối tơ vò. Bên đường có một dòng sông, anh liền bước ra mép nước, bóng anh trong nước không phải áo gấm quần thêu, mà là áo vải quần thâm lụt cụt. Nghĩ bụng lúc lên kinh đô ăn mặc thế này, khi trở về vẫn giữ nguyên như thế. Thời vụ có thể thay đổi, song anh không thể áo gấm về làng, còn mặt mũi nào gặp lại cô chủ.

 

Liễu Sinh vừa đi vừa đắn đo suy nghĩ, vô tình đã đến cổng thành. Tiếng ồn ào huyên náo ùa ra cổng thành, cảnh tượng phồn vinh trong thành hiện ra rõ mồn một. Liễu Sinh đi đến phố chợ đông đúc, bỗng đứng sững lại. Tuy đi xa vài tháng, song bộ mặt phố chợ vẫn y nguyên, hoàn toàn không chịu ảnh hưởng thay đổi của mùa vụ. Đứng ở giữa phố, Liễu Sinh nhớ lại một lần nữa khung cảnh gặp cô chủ ở lầu thêu mấy tháng trước, dường như là chuyện chơi bời ít ai biết đến trong hư ảo. Nhưng lời tiễn biệt của cô chủ thì hoàn toàn có thật. Giọng cô chủ thủ thỉ bên tai:

- Cho dù đậu dù trượt, vẫn mong công tử đi nhanh nhanh mà về.

Lúc này lòng anh chộn rộn, không đắn đo lưỡng lự nữa, anh rảo bước đi lên. Cảnh tượng cô chủ đứng trước cửa sổ ngóng trông ra xa, cứ hiện lên sống động trong từng bước đi gấp gáp. Bởi vì ánh mắt chờ đợi quá lâu mà trở nên hờn giận, trong tưởng tượng của Liễu Sinh đang chứa chan nước mắt. Cảnh tượng gặp lại là ủ ê, chán chường, im lặng, và cũng có thể là tươi cười hớn hở. Chắc chắn một lần nữa anh lại được bám thừng leo lên lầu thêu ấy.

Nhưng Liễu Sinh đi đến trước tòa nhà to rộng sâu hun hút sang trọng, thì một cảnh tượng đổ nát tan hoang bày ra trước mắt. Lầu thêu của cô chủ không còn, làm sao cô chủ còn có thể đứng ở trước cửa sổ? Đứng trước cảnh hoang vắng, Liễu Sinh bỗng choáng váng. Tất cả những gì ở trước mặt diễn ra quá bất ngờ, không thể nào lường trước. Nhớ lại cảnh vinh hoa phú quý nhìn tận mắt ở đây lần đầu vài tháng trước, nay chỉ còn là một đống đổ nát, gỗ mục đá vỡ, cỏ mọc xanh um, cảnh tượng hoang tàn, con sư tử đá hung dữ ngày nào cũng không biết biến đi đâu, Liễu Sinh cứ ngỡ mình đang ngủ mê.

 

Liễu Sinh đứng tần ngần hồi lâu ở cổng chính ngày nào, rồi mới đi men theo đống đổ nát. Đi được một đoạn anh dừng lại, thầm nghĩ đây là chỗ cửa bên, chỗ cửa bên đương nhiên cũng hoang vắng. Anh lại tiếp tục đi, đến chỗ vườn hoa đằng sau ngày trước, một nửa bức tường đổ đứng một mình trơ trọi, một nửa cánh cổng xiêu vẹo, cái cổng sau vẫn còn loáng thoáng nhận ra được. Liễu Sinh bước lên đống đổ nát gập gềnh đi vào trong, nhìn thật kỹ chỗ nào là cầu đá chín khúc, đâu là ao sen hoa che kín mặt nước, đâu là đình hóng mát có lan can đỏ, đâu là bãi trúc xanh, đâu là đào mận đua sắc. Mọi vật ngày trước đã tan biến, chỉ còn hai cây phong to, nhưng thân cây cũng bị băm chém lỗ chỗ. Lá phong ngày nào còn vàng ruộm, bước sang mùa thu, lại bị nhiễm sương muối, bây giờ đã đỏ ối như máu chói mắt vô cùng. Mấy chiếc lá rụng rơi lả tả, lúc đang sum sê chỉ riêng cây phong này cũng tạo nên cảnh mê hồn.

 

Cuối cùng, Liễu Sinh đã đến trước lầu thêu ngày nào, chỉ thấy mấy đống ngói vỡ, vài cây gỗ mục, có những cỏ tạp và hoa dại ở giữa. Cây đào cây hạnh tươi tốt ngày nào bây giờ ở đâu? Chỉ có mấy bông hoa dại màu trắng mọc cẩu thả trong khe ngói vụn. Liễu Sinh ngẩng lên nhìn, không gian trống rỗng, nhưng khung cảnh leo thừng lên lầu thêu ngày trước lại thấp thoáng hiện ra giữa khoảng trời trống trải. Rõ ràng là ôn lại, song cũng rõ mồn một, phảng phất như đang trong cuộc. Song Liễu Sinh ôn lại chẳng kéo dài được đến cùng, mà đến câu anh nói: "Chia tay hôm nay chẳng biết bao giờ gặp lại", bỗng dưng chấm dứt. Lầu thêu biến mất trong nháy mắt, trở lại khoảng không gian trống vắng. Liễu Sinh hiểu ra, nghiền ngẫm câu nói đó, không ngờ lời mình nói đã linh nghiệm. Lúc này trời sắp tối, Liễu Sinh còn đứng thêm một lát, mới quay người đi. Anh quay lại lối cũ, đi ra cửa sau như mấy tháng trước. Sau đó đi sang một bên đống đổ nát, ôn lại lần cuối cùng cảnh phồn vinh một thời.

 

Khi Liễu Sinh đến phố chợ đã là lúc lên đèn. Đèn lồng treo kín các quán rượu quán trà hai bên đường phố, sáng như ban ngày. Dòng người vẫn nhộn nhịp đi lại trên phố, không ai xách đèn lồng. Liễu Sinh hỏi thăm những người bán rượu, bán trà, bán mì phở, hủ tiếu xem cô chủ đi đâu, nhưng không ai biết. Trong lúc tần ngần ngơ ngác, thì một thằng nhỏ đi ở chỉ vào một người bảo Liễu Sinh:

- Chắc nguời đó biết.

Liễu Sinh nhìn theo, thấy một người ngồi bệt ở ngoài quầy rượu, đầu bù tóc rối, quần áo nhem nhuốc. Thằng nhỏ bảo Liễu Sinh, ông ấy là quản gia của tòa nhà cao sang đó. Liễu Sinh vội vàng bước đến. Người quản gia hai mắt vẫn mở, song đờ đẫn, thấy Liễu Sinh đi qua, liền giơ bàn tay dính đầy cáu bẩn ra xin. Liễu Sinh móc trong túi vải mấy xu đặt vào lòng bàn tay ông. Quản gia nhận tiền hớn hở đứng lên đập đồng xu lên quầy, mua một bát rượu, uống một hơi cạn. Sau đó lại ẻo lả ngồi chênh chếch tựa vào quầy. Liễu Sinh hỏi thăm ông cô chủ đi đâu. Nghe xong ông nhắm hai mắt:

- Ôi, vinh hoa phú quý ngày nào!

Ông cứ lặp đi lặp lại câu nói đó. Liễu Sinh hỏi thêm lần nữa, người quản gia mở mắt, lại xòe hai tay cáu bẩn. Liễu Sinh lại cho mấy xu, ông vẫn mua rượu uống như cũ, trả lời Liễu Sinh vẫn là câu: "Ôi, vinh hoa phú quý ngày nào". Liễu Sinh thở dài. Anh biết có hỏi cũng không được gì, liền quay người đi. Anh đi vài chục bước trên phố, sau đó vô tình rẽ vào một ngõ vắng, trong ngõ có chỗ treo đèn lồng bán nước trà. Bây giờ anh mới thấy mình vừa đói vừa khát, liền bước vào ngồi trên một chiếc ghế dài, gọi bát nước trà, uống từ từ từng hớp. Trong nồi bên cạnh đang đun nước sôi. Trên bàn trà đang cắm mấy bông hoa tươi. Liễu Sinh nhận ra ba loại hoa cúc, hoa hải đường và hoa lan. Tự dưng anh nhớ tới cảnh bước vào vườn hoa sau nhà mấy tháng trước. Lúc ấy ba thứ hoa đào, hạnh, lê đua nở, còn hoa cúc, hải đường và lan đang ngậm nụ. Ai ngờ bây giờ chúng nở rộ ở đây.

 

Ba năm sau, Liễu Sinh lại lên kinh đô dự thi. Anh vẫn đi trên con đường cái màu vàng. Tuy vẫn là mùa xuân nắng ấm, nhưng cảnh vật chung quanh khác hẳn lần trước, đã không thấy đào mận khoe sắc, cũng không thấy dâu đay bạt ngàn. Ngước mắt trông lên, cây cối khô héo, đất vàng thẳng cánh cò bay, dậu tre xiêu vẹo, nhà tranh rùng rùng chực đổ trong gió chẳng khác gì phong cảnh hoang lạnh tháng chạp rét buốt. Dọc đường đi, Liễu Sinh gặp toàn những người ăn xin quần áo rách rưới.

 

Trong năm mất mùa đói kém, Liễu Sinh vẫn lên kinh ứng thí. Khi anh rời khỏi nhà tranh, tiếng nặng nề trên khung cửi của mẹ không còn đuổi theo sau nữa. Mẹ anh đã yên ngủ dưới chín suối. Những ngày sau khi mẹ chết, anh đã sống nhờ hai thỏi bạc trắng cô chủ tặng ba năm trước. Nếu lần này lại thi trượt, anh không bao giờ còn cơ hội làm rạng rỡ tổ tiên dòng họ. Khi bước lên con đường cái màu vàng, anh bỗng quay đầu nhìn lại, cỏ tranh trên mái nhà tốc bay lả tả trong gió. Vậy là số phận mái nhà tranh khi anh đi thi về, đã được dự báo từ giờ phút này, nó sẽ mất tăm mất tích như tiếng kêu thình thịch nặng nề trên khung cửi của mẹ.

 

Mấy ngày đi trên đường, Liễu Sinh đã không gặp những quan lớn kẻ sang cưỡi ngựa, cũng chẳng thấy công tử nhà giàu lên kinh thi cử. Con đường màu vàng dưới chân gập gà gập gềnh, lỗ chỗ ổ gà, mệt mỏi vươn dài trong năm đói. Anh từng nhìn thấy một người ngồi trên đất, gặm gốc cây vừa đào lên, mồm dính đầy bùn. Từ trên chiếc áo không còn che kín thân thể của người này, Liễu Sinh đã loáng thoáng nhận ra là thứ lụa thêu cực tốt. Kẻ giàu sang ai cũng rơi vào cảnh này, người nghèo khổ cũng không thể hình dung nổi, Liễu Sinh xúc động vô cùng.

 

Cây cối suốt dọc đường đều bị răng người cắn đầy vết, có những cây còn găm mấy cái răng, chắc là gặm mạnh quá để lại răng trên cây. Còn xác và xương người ngổn ngang hai bên đường, cứ đi độ một dặm lại nhìn thấy hai ba xác chết không còn nguyên vẹn. Những xác chết đều trần truồng, có cả già trẻ trai gái, quần áo rách rưới trên người đều bị lột mất.

 

Dọc đường đi, đâu đâu cũng là màu vàng, chỉ có một lần nhìn thấy một vạt cỏ non màu xanh nho nhỏ, nhưng có đến chục người đang chổng mông vội vã gặm cỏ sần sật sần sật, trông xa rất giống một bầy dê, đàn bò. Liễu Sinh không dám nhìn tiếp, vội vàng quay đầu đi. Nhưng sau khi quay đầu, lại nhìn thấy một cảnh khác, một người sắp chết đang nuốt một dúm bùn, bùn chưa nuốt trôi, người đã lăn kềnh ra chết. Liễu Sinh đi qua cạnh người chết, cảm giác hai chân nhẹ tênh tênh, thật không biết mình đang đi trên đường cái giữa trần gian hay lối mòn cõi âm phủ?

 

Hôm nay, Liễu Sinh đi đến chỗ ngã ba, dừng chân ngắm nghía, dần dần đã nhận ra nơi này. Nhìn lại một lượt, nơi đây đã thay đổi hoàn toàn. Cỏ thơm mượt mà và liễu rủ ba năm về trước, bây giờ không hề còn dấu vết. Cỏ đã bị nhổ cả gốc, cảnh tượng chục người chổng mông gặm cỏ nhìn thấy hôm qua, cũng đã từng xảy ra ở đây. Còn cây liễu thị trọc lốc, tuy sống mà như chết. Con sông vẫn còn đấy. Liễu Sinh bước ra bờ sông, thấy dòng nước cũng khô cạn dần, chỗ nào nước còn đọng lại thì đục ngầu ngầu. Liễu Sinh đứng ở bờ sông, mọi cảnh vật nhìn thấy ở đây ba năm trước dần dần hiện ra. Nơi đây từng có con cá màu trắng bơi đi bơi lại trong nước, thân cá uốn lượn đẹp vô cùng. Vậy là cảnh tượng nhìn thấy cô chủ từ lầu thêu đi ra nhà ngoài cũng hiện ra rõ mồn một. Tuy đã cách xa ba năm, nhưng quang cảnh ngày nào phảng phất như đang ở trước mặt nhưng lại biến mất trong nháy mắt, trước mặt chỉ là một dòng sông sắp khô cạn. Trong vũng nước đục ngầu, làm sao trông thấy dáng nét uốn lượn của con cá màu trắng? Mà cô chủ lúc này ở đâu? Còn sống hay đã chết? Liễu Sinh ngẩng mặt nhìn, mù mịt tận chân mây.

 

Khi Liễu Sinh lại bước chân trên con đường cái màu vàng, đã có thể nhìn thấy thành phố, càng đi càng gần, chuyện cũ cứ hiện dần trong trí nhớ. Bóng dáng cô chủ cứ lởn vởn như gần như xa, dường như bám theo từng bước. Còn tòa nhà cao to chiều sâu hun hút và cảnh đổ nát hoang tàn thì cứ đan xen xuất hiện, có lúc lại chồng lên nhau.

 

Chỉ mới đến bên thành, Liễu Sinh đã ngửi thấy không khí lụn bại trong thành, cổng thành vắng tanh vắng ngắt, hoàn toàn không thấy cảnh những người nhà quê quảy thúng, xách làn đi ra đi vào, cũng không thấy bóng dáng công tử nhà giàu nhởn nhơ rong chơi. Trong thành cũng không có tiếng người ồn ào, chỉ có những người gầy guộc mặt xanh da vàng đi lẻ tẻ một mình. Cho dù có nghe thấy một số tiếng nói, cũng thều thào hết hơi. Tuy vẫn năm bước một nhà gác, mười bước một khuê phòng, song tường nhà gác và khuê phòng đã bong sơn tróc bột vàng lỗ chỗ từ bao giở bao giờ, để lộ từng mảng nham nhở ở bên trong. Liễu Sinh đi trên phố chợ không còn thấy những quý cậu quý cô đi du lịch, mà chỉ có những nhà nho nghèo áo vải, nét mặt ủ ê như mất vía, quán rượu quán trà ngày xưa  san sát kín phố đầy đường, nay chỉ còn lèo tèo vài chỗ, phần lớn đều đã đóng cửa, người đi nhà trống. Bụi đất bám đầy khung cửa và chấn song cửa sổ. Mấy cửa hàng may mắn còn lại cũng không có thịt cừu thịt dê mỡ màng mà treo, cũng chẳng có bánh quất bánh chưng mà bán. Thằng hầu và người bán rượu nom ai cũng có khuôn mặt đờ đẫn, ngây ngô, không tươi tỉnh lên nổi. Trên quầy rượu vẫn là những đĩa bát để như xưa, nhưng không bày thành hàng, mà úp vào nhau. Trong bát đĩa trống không chẳng có thứ gì. Càng không thấy người nhà quê bê bánh đa bánh đúc đến bán.

 

Liễu Sinh vừa đi vừa nhớ lại cảnh sầm uất ngày trước, cứ tưởng đang trong cõi mộng. Sự đời như khói, chớp mắt một cái đã không còn. Bất giác bước đến trước ngôi chùa. Nhìn lại ngôi chùa vàng son rực rỡ ngày nào, bây giờ dáng dấp xiêu vẹo như kẻ mất hồn, bậc đá trước cửa chỗ còn chỗ mất, ngập ngụa như lối lên núi. Cây bách trăm năm trong chùa thì cành bẻ thân băm, cột nhà xà nhà tróc lở lốm đốm trông thấy rỗ mọt bên trong, nền chùa lát gạch cỏ mọc um tùm. Liễu Sinh đứng một lát, bỏ túi vải, lấy ra mấy tờ tranh chữ đã viết sẵn dán lên tường chùa. Tuy có vài người qua lại, song ai cũng ủ rũ mặt mày, còn hơi đâu đến học đòi phong nhã? Liễu Sinh đứng chờ lâu lâu, nhìn phong cảnh vắng tanh vắng ngắt, thầm nghĩ sẽ không có ai đến mua, bèn thu cuộn tranh chữ cho vào túi vải. Dọc đường đi lần này, không bán được tờ tranh chữ nào, thường phải chịu đói nhịn khát. Số bạc cô chủ tặng ngày nào chẳng còn bao nhiêu, Liễu Sinh đâu dám tiêu bừa. Liễu Sinh rời ngôi chùa, lại đi trên phố chợ, lại nhớ cảnh phồn hoa ngày trước, lại thấy cám cảnh vô hạn. Nỗi cám cảnh này bắt nguồn từ lầu thêu của cô chủ và tòa nhà to rộng có chiều sâu hun hút lồng lộng kia. Nhìn cảnh sa sút như vậy của thành phố, lại nghĩ đến cảnh đổ nát của lầu thêu, Liễu Sinh không chỉ một mực thương nhớ cô chủ, mà bắt đầu than thở cho sự biến đổi to lớn chỉ trong phút chốc của sự đời.

 

Cứ miên man suy nghĩ như vậy, Liễu Sinh đã đến trước một bãi đổ nát hoang tàn. Ba năm qua, chỗ này bây giờ chỉ là một bãi hoang vu, ngay đến một giếng vỡ tường đổ cũng không còn. Không sao nhận ra nổi lầu thêu của cô chủ, cả một bãi hoang chỉ còn lưa thưa vài khóm cỏ tạp, khó tìm được một cây gỗ mục, một viên ngói vỡ. Nếu không có hai cây phong dáng như bộ xương phơi ra đó, có lẽ Liễu Sinh khó lòng nhận ra nơi này. Phảng phất như nơi này đã bỏ hoang cả trăm năm nay, chưa từng bao giờ có tòa nhà bề thế sang trọng, chưa từng có cây xanh mượt mà và hoa tươi cỏ lạ, chưa từng có lầu thêu và vườn hoa sau nhà, cũng như chưa từng có cô chủ tên Huệ. Mã Liễu Sinh cũng như chưa từng đặt chân đến nơi này, cho dù ba năm trước đã từng đi qua.

 

Liễu Sinh đứng hồi lâu mới quay người đi. Khi rời khỏi nơi đây cảm thấy người hơi nhẹ nhõm, nỗi nhớ nhung da diết cô chủ cũng bất giác vơi đi khá nhiều. Khi đi đã rất xa, nỗi nhớ ấy dường như đã tan biến, dường như anh chưa bao giờ sống trong cảnh tượng mê hồn ấy.

 

Liễu Sinh không trở lại phố chợ mà rẽ vào một ngõ vắng. Đi giữa ngõ, hai bên nhà căng đầy mạng nhện, vắng tanh vắng ngắt không một bóng người. Lúc này Liễu Sinh không muốn đi vào phố chợ cùng nhiều người khác mà anh chỉ muốn đi một mình, cho nên ngõ vắng này rất hợp ý anh.

 

Đi hết ngõ vắng, Liễu Sinh đến một bãi trống, chỉ có mấy chục nấm mồ, chỉ lùm lùm cao hơn mặt đất tí chút, có lẽ bao năm nay không ai ngó tới. Lại trông thấy gần đó một túp lều tranh, trong lều có hai người mang dáng dấp thợ lò mổ, ở ngoài lều cũng có vài người. Liễu Sinh còn chưa biết chỗ này là chợ bán thịt người, liền ghé vào. Bởi mất mùa không có thóc gạo hoa màu, vỏ cây rễ cỏ hết dần, liền lấy thịt người làm đồ ăn, cho nên đã mọc ra một vài chợ mua bán thịt người.

 

Hai người trong lều đang mài lưỡi rìu trên hòn đá mài, vài người đứng ngoài xách làn quảy thúng hình như đợi đã lâu, làn và thúng trống không, Liễu Sinh bước đến cạnh, nhìn thấy gần đó có ba người đang đi đến, một người đàn ông ăn mặc rách rưới đi trước, theo sau là một phụ nữ và đứa con ăn vận rách rưới. Gã đàn ông đi vào lều, trong hai người ở lều có một người dáng dấp chủ quán liền đứng lên. Gã đàn ông cũng im lặng, chỉ giơ ngón tay chỉ chỉ chỏ chỏ vào người đàn bà và em bé ở ngoài lều. Chủ quán liếc mắt nhìn, rồi giơ ba ngón tay với gã đàn ông. Gã đàn ông cũng không mặc cả, cầm ba xâu tiền ra khỏi lều đi thẳng. Liễu Sinh nghe thấy đứa con gái gọi một tiếng "bố", song gã kia không quay đầu, cứ lao đi vun vút, chỉ trong nháy mắt đã mất hút.

Lại trông thấy chủ quán và thợ giúp việc cùng đi ra khỏi lều, xé toạc hết quần áo vốn rách bươm của người phụ nữ, thân chị ta trần truồng, bụng chị ta hơi sưng, còn những chỗ khác thì gầy như que củi. Bị rứt hết quần áo, chị ta cũng mặc kệ, chỉ xiêu người đi một cái, sau đó quay đầu nhìn đứa con gái đứng bên cạnh. Hai người kia lại dứt bỏ quần áo của em bé, em bé giãy giụa một cái, song ngẩng mặt nhìn mẹ rồi đứng im. Trông em trạc mười tuổi, tuy gầy guộc, nhưng còn béo hơn mẹ.

 

Triệu Xuân
Số lần đọc: 3268
Ngày đăng: 14.02.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những đọan viết ngắn... - Triệu Từ Truyền
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh và 42 năm ngày mất của nhà văn Lê Văn Trương, Nhà xuất bản Văn học vừa xuất bản bộ sách Lê Văn Trương - Ngô Thanh Hương
Đọc " KỶ VẬT CHO EM " của LINH PHƯƠNG * - Vũ Trọng Quang
Nguyễn Ngọc Tư, chuyện mới nghe qua - Huỳnh Kim
Nhà văn Lý Lan trả lời phỏng vấn SCL : “Tôi đang giàu có niềm hạnh phúc” - Huỳnh Kim
Tìm đọc Truyện ngắn Bích Ngân do NXB Văn Nghệ ấn hành : Thế giới truyện ngắn Bích Ngân - Huỳnh Phan Anh
Phụ nữ Huế : Những nghệ sĩ tài hoa trong lĩnh vực văn hóa ẩm thực - Nguyễn Hữu Thông
Nguyễn Tấn On : Những bước đi tới từ " Hồn Quê " - Vũ Trọng Quang
Tôi đọc Cánh đồng bất tận - Lê Anh Thu
Nhà thơ Kiên Giang : hoa trắng thôi cài trên áo tím - Trần Hữu Dũng
Cùng một tác giả
Cõi Mê (truyện dài)
Nỗi đau (truyện ngắn)
Trả giá (truyện dài)
Bụi đời (truyện dài)
Sóng lừng (truyện dài)
Tôi không mất em (truyện ngắn)
Khát vọng (truyện ngắn)
Giấy trắng (truyện dài)