Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
827
116.681.018
 
Sông cạn – Son sắt niềm tin yêu
Triệu Xuân

Ca dao Việt nam có câu: Dù cho sông cạn đá mòn. Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ. Nhà văn Dũng Hà lấy hai chữ Sông cạn làm tựa đề cho cuốn tiểu thuyết mới nhất của mình, phải chăng là nhấn mạnh cái ý khi con người ta đã đặt niềm tin son sắt vào tình yêu, vào chính nghĩa thì cho dù sông cạn, đá mòn, cho dù có phải chết cũng quyết không thay lòng đổi dạ.

 

Sông cạn dựa trên nền tảng câu chuyện có thật về cuộc đời một sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, diễn ra vào giữa những năm Sáu mươi của thế kỷ XX. Nhân vật chính là Phan Thái Trung, một sĩ quan cao cấp. Ông là người thông minh, hiểu biết rộng, giàu lòng nhân ái, một sĩ quan dũng cảm, tài ba, trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Pháp. Thái Trung sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng. Ông được thủ trưởng cao nhất tin cậy, có ý đề bạt, chuẩn bị giao cho trọng trách lớn hơn…, được đồng đội quý trọng, yêu mến. Đúng vào lúc chiến trường cần Thái Trung nhất, và ông cũng nôn nao muốn trực tiếp góp sức mình cho chiến thắng thì đùng một cái, ông bị cách ly với tất cả: gia đình, vợ con, cách ly với đơn vị, với bạn bè, cách ly với mọi nguồn thông tin, cách ly với sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Lý do buộc ông phải cách ly: ông là kẻ phản bội! Bi kịch đến với ông ở chỗ: Người ta muốn ông nhận tội phản bội Tổ quốc, phản bội sự nghiệp của Đảng! Đời nào Thái Trung chịu nhận! Bởi ông thấy mình luôn luôn là một người trung thực, trung nghĩa, trung thành với lý tưởng cao đẹp mà ông nguyện suốt đời dấn thân, cống hiến. Trong suốt một thời gian dài, Thái Trung chỉ có một nhiệm vụ: Viết kiểm điểm thú nhận tội lỗi. Thế nhưng ông không có tội! Hai tuyến nhân vật chính diện: Thái Trung, và phản diện: Chí Thành, được Dũng Hà xây dựng trong bối cảnh của một cuộc viết kiểm điểm, truy vấn, dai dẳng, vô tận, khiến cho những người có thần kinh thép cũng phải rã rời ý chí. Tính cách con người ở hai cực: cao thượng và thấp hèn, chính trực và cơ hội, trung thực và ném đá giấu tay, gắp lửa bỏ tay người, nhân ái và nham hiểm, ác độc… được dịp bộc lộ một cách mãnh liệt. Ông Thái Trung là hiện thân của một chính nhân quân tử, một công dân chân chính. Diễn biến nội tâm của Thái Trung là sự dằng xé, day dứt giữa một bên là niềm tin yêu son sắt vào Đảng, vào Tổ quốc và sự nghiệp của nhân dân mình; một bên là sự thất vọng, phẫn nộ trước những hành vi, thái độ tồi bại của một số người vốn là đồng chí của mình. Là đồng chí, sao anh lại nhẫn tâm bắt tôi phải nhận cái tội mà tôi không hề phạm? Kinh khủng hơn, nhiều bạn bè, kể cả người thân đều lần lượt xa lánh Thái Trung. Đây chính là đòn hiểm: cô lập để tiêu diệt, là đòn chí mạng giáng vào lòng tự trọng của con người! Phần lớn trong số những người xa lánh Thái Trung không phải vì họ tin rằng Thái Trung phản bội, mà chỉ vì họ buộc lòng phải nghĩ như thế, cốt để yên thân! Thế nhưng cuộc đời đâu đến nỗi hoàn toàn đen bạc! Có không ít người âm thầm tìm cách làm sáng tỏ chuyện của Thái Trung, bất chấp bị cô lập và đe dọa. Chí Thành và cấp trên của Thành, trong đó có ông Hồng  Minh, nhân danh bảo vệ Tổ chức, đã quyết khép tội Thái Trung rồi. Mọi sự đã được định đoạt rồi! Chỉ cần Thái Trung nhận tội là xong! Chí Thành đã tìm mọi cách đẩy gia đình Thái Trung vào ngõ cụt vì Thái Trung không chịu nhận tội. Hoàng Diễm, một người phụ nữ Hà Nội thùy mị đoan trang, là người vợ hiền, cùng với Thái Thanh là con gái độc nhất, bị làm khó dễ trong công việc, và không được phép đi thăm Thái Trung. Thái Trung ở đâu, sống thế nào, không ai biết! Thủ trưởng cao nhất của Thái Trung, người rất tin cậy ông, đang có ý định giao cho Thái Trung trọng trách lớn hơn, cũng đành bó tay, cũng đang bị cô lập, không thể giúp gì được. Đây là chuyện của Tổ chức mà! Thái Thanh được người yêu dẫn về nhà ra mắt bố mẹ, khi biết cô là con gái Thái Trung, bố mẹ của người yêu cô buộc hai đứa phải chấm dứt ngay tức khắc mối quan hệ này!

 

Trong tình thế bị cách ly với tất cả, không hề được đọc báo nghe đài, luôn luôn bị truy vấn tấn công vào trí não, luôn luôn bị thúc ép nhận tội, dù cho có gan lớn đến mấy, bản lĩnh cao cường đến mấy, Thái Trung tránh sao khỏi những giây phút yếu lòng. Đã hai lần ông toan tự tử. Ông muốn lấy cái chết để chứng minh mình là người trung thành, chính trực.

 

May mắn lớn nhất của Thái Trung là vợ và con ông luôn luôn tin tưởng rằng ông bị oan! Bà Hoàng Diễm nhất mực tin tưởng người chồng mà mình vô cùng yêu thương, thán phục, chung thủy sắt son với chồng. Bà nhận một đứa con nuôi về chăm sóc vì sau mấy lần có chửa ngoài dạ con, phải bỏ, nay khó lòng sinh nở. Bà dồn tất cả niềm yêu thương cho con gái và con nuôi, âm thầm chịu đựng tất cả để chờ ngày chồng bà được minh oan, trở về.

 

Thế rồi… nhờ tư duy tỉnh táo, khoa học, là nhờ tấm lòng tin yêu, trân trọng con người của ông Ân mà nỗi oan của Thái Trung được giải. Chí Thành không còn được tác yêu tác quái nữa, không thể ngậm máu phun người nữa! Đúng vào lúc ông Ân cho phép bà Diễm đến thăm chồng thì Thái Trung vừa uống hết số thuốc ngủ tích cóp từ lâu để quyết chết vì quá tuyệt vọng! Thái Trung đã được cứu sống. Những người chân chính như ông phải sống chứ! Đất nước Hòa bình Thống nhất, Thái Trung được cử về tỉnh quê hương ông làm chuyên viên nông nghiệp. Ông tận tụy với công việc cho đến ngày về hưu!

 

Hồng Minh, cấp trên của Chí Thành, người luôn tin, nghe Chí Thành trong vụ Thái Trung, chết đột ngột sau cơn đau tim. Đám tang Hồng Minh rất lớn! Thái  Trung đến viếng và gặp lại biết bao đồng chí, đồng đội, bạn thân. Ai cũng chia sẻ với Thái Trung về những năm tháng oan ức, và vô cùng mừng vui khi thấy Thái Trung không bị suy sụp. Thái Trung nghĩ rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi là nhờ biết bao người hy sinh. Những năm oan ức vừa qua của mình cũng như là một sự hy sinh… Vợ chồng ông về hưu, nuôi lợn, nuôi gà và sống những ngày còn lại trong niềm vui tuổi già thấy con cháu anh em hiếu học, hiếu hòa, hiếu đễ.

 

Nỗi oan của Thái Trung đã được giải, nhưng tuổi thanh xuân của ông, nhiệt huyết của ông với dân với nước, tài năng của ông… thì kể như bị nghiền nát, bị vô hiệu hóa ngay từ khi bị cách ly! Gia đình ông phải ly tán và chịu biết bao lời thị phi! Câu chuyện về nỗi oan ức của một sĩ quan quân đội được Dũng Hà kể lại bằng giọng chân thật, bao dung, không hề gợn chút hậm hực, hằn thù.

 

Thiếu tướng, nhà văn Dũng Hà không được đào tạo chính quy để viết văn. Ông trưởng thành từ binh nghiệp, từ người lính đến sĩ quan cấp sư đoàn. Chàng trai Thái Bình này sinh năm 1929, từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1959, ông có một truyện ngắn được giải thưởng của tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ đó nhờ đam mê, ông tự học mà viết văn. Thời kỳ làm việc ở Bộ tư lệnh đặc công, ông viết tiểu thuyết Sao mai (1974, 1980, 1987, 2005) là một trong những tiểu thuyết thành công của văn học thời chống Mĩ. Sau năm 1975, Dũng Hà là Trưởng ban ký sự lịch sử quân sự, rồi Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội (1982-1993); quân hàm Thiếu tướng. Sau Sao mai, Dũng Hà lần lượt xuất bản các tác phẩm: Mảnh đất yêu thương, tiểu thuyết 1978; Đường dài, tiểu thuyết 1987; Quãng đời xưa in bóng, tiểu thuyết, 1990; Cây số 42, truyện ngắn, 1995. Và nay là Sông cạn. Đọc Sông cạn dễ nhận ra cách viết của Dũng Hà ít thay đổi. Ông vẫn trung thành với lối viết tiểu thuyết truyền thống, thuật chuyện thông qua hành động và đối thoại của nhân vật. Ông có khiếu quan sát nhưng nếu muốn cho trang văn sinh động hơn, hấp dẫn hơn thì cần phải nâng cao năng lực miêu tả, đi sâu vào nội tâm nhân vật sắc sảo hơn, tinh  tế hơn. Mặt khác, tiết tấu trong Sông cạn cũng như trong các tiểu thuyết trước của Dũng Hà là chậm, cho dù viết về đề tài chiến đấu hay là trong bối cảnh đất nước có chiến tranh. Thời đại ngày nay, viết tiểu thuyết mà tạo được tiết tấu nhanh, giàu kịch tính thì mới thu hút được người đọc. Mặt mạnh nhất của Dũng Hà là vốn sống trong quân đội, từ người lính cho tới sĩ quan, Dũng Hà thuộc như chính cuộc đời mình. Thế giới của các gia đình quân nhân ở Hà Nội cũng như ở nông thôn là mảng hiện thực được miêu tả sinh động trong tiểu thuyết của Dũng Hà. Đọc văn Dũng Hà, ta thấy như được sống trong cái ấm áp của tình người, niềm tin yêu tha thiết và sự nhớ mong, khắc khoải, trông chờ… Trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, đó chính là âm hưởng chủ đạo trong tình cảm người lính cũng như gia đình họ. Khắc họa số phận của một con người, một gia đình như Thái Trung, Dũng Hà gắn kết với số phận của đất nước, tinh thần của dân tộc. Qua Sông cạn, tác giả nói được một vấn đề vô cùng quan trọng đối với tổ chức Đảng: Đảng muốn trong sạch, vững mạnh thì trước tiên phải có dân chủ ngay trong Đảng! Ý kiến của những người có năng lực, những đảng viên chân chính, cần phải được trân trọng lắng nghe. Những kẻ cơ hội, nịnh bợ, ném đá giấu tay, thọc gậy bánh xe… cần phải vạch mặt và thanh trừng để cho Đảng không bị tha hóa. Từ Đại hội VII đến nay, Đảng cộng sản Việt Nam rất chú trọng đến vấn đề dân chủ; Đảng từng ra Nghị quyết về dân chủ trong Đảng và dân chủ ở cơ sở. Dân chủ trong Đảng phải được xác lập, trở thành nền tảng cho mọi hoạt động của Đảng. Đọc Sông cạn, đọc một câu chuyện buồn, oan ức mà lạ thay, ta không thấy thất vọng vì những mảng màu u tối của một thời kỳ đã qua. Cái hay của Dũng Hà khi viết về nỗi oan sai là ở đó!

 

Tiểu thuyết Sông cạn lẽ ra đã được xuất bản từ vài năm trước. Nhưng vì một lý do “rất kỳ, rất ngộ nghĩnh”, sách không được in! Mãi đến tháng 7-2006, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân mới quyết định xuất bản. Trong làng viết tiểu thuyết Việt Nam hiện nay, có một số nhà văn đã viết xong tác phẩm từ lâu, tác phẩm được viết với rất nhiều tâm huyết; nhưng viết xong, hoặc là chưa (không) được in, hoặc là tác giả chủ động đút vào tủ khóa lại, chờ… xuất bản sau! Việc xuất bản những tác phẩm như Sông cạn của Dũng Hà, là vô cùng ích lợi. Tôi đã được tác giả gửi cho bản thảo Sông cạn từ cuối năm 2004. Nay đọc bản in, tôi thấy thật tiếc khi mà có nhiều trang văn được viết rất tâm huyết đã không còn trong bản in! Thời kỳ đầu những năm Sáu mươi đến ngày hòa bình 1975, hiện thực đất nước và thế giới có nhiều biến động phức tạp. Cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn vô cùng gian khổ, quyết liệt, đòi hỏi tập trung toàn bộ sức mạnh ý chí, nhân tài vật lực của toàn dân tộc cho chiến thắng. Thế giới hồi ấy diễn ra cuộc chiến tranh lạnh giữa hai ý thức hệ, các nước lớn tìm mọi cách tranh giành ảnh hưởng, nắm đầu, chi phối các nước nhỏ… Trong bối cảnh ấy, mọi chuyện đáng tiếc đều có thể xảy ra! Đọc Sông cạn, tôi cảm nhận được niềm tin yêu son sắt của tác giả đồng thời cũng day dứt chia sẻ với tác giả về chuyện: Phải làm sao, làm như thế nào để đất nước ta thật sự Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; để cho những chuyện buồn trong quá khứ không bao giờ tái diễn. Dù cho sông cạn đá mòn. Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ!

 

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 03-2-2007
Triệu Xuân
Số lần đọc: 3652
Ngày đăng: 11.02.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trầm tích(*) huyền thoại về một người Mẹ - Phạm Lưu Vũ
Diện mạo THƠ ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG qua cuộc thi 2006 - Lê Xuân
Thái Vũ : người đi tìm cái đẹp trong trang sử dân tộc - Nguyễn Khắc Phê
Họa sĩ Bửu Chỉ và một bức tranh chưa đặt tên - Nguyễn Khắc Phê
Lê Văn Thảo – Người “Nói thơ ” bằng văn xuôi của Nam Bộ - Hoài Anh
Ngày xuân đọc lại “Xứ Trầm hương”(1) của Quách Tấn - Nguyễn Man Nhiên
Trao đổi cùng nhà thơ Anh Chi : Điều đáng buồn lại là… - Nguyễn Tý
Thơ Đỗ Nam Cao – Mùi rơm ngun ngút cháy - Hoài Anh
Khi cuộc đời ta gắn liền cùng đất nước - Nắng Xuân
Đọc tập truyện “Người leo dừa” của Vũ Hồng: Tiếng reo đằm thắm tình người - Lê Xuân
Cùng một tác giả
Cõi Mê (truyện dài)
Nỗi đau (truyện ngắn)
Trả giá (truyện dài)
Bụi đời (truyện dài)
Sóng lừng (truyện dài)
Tôi không mất em (truyện ngắn)
Khát vọng (truyện ngắn)
Giấy trắng (truyện dài)