Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
832
116.679.742
 
Tôi không mất em
Triệu Xuân

Tôi là người đã gánh chịu nhiều nỗi đau khổ: cha mẹ và các em bị trúng bom, bản thân để lại một bàn chân ở mặt trận. Năm mươi tuổi đời, tôi vẫn cô quạnh... Vậy mà những nỗi đau ấy rồi cũng qua đi. Duy có nỗi đau sau đây đã hành hạ tôi, có lúc tôi muốn chết quách cho rồi.

Em chưa thuộc về tôi một ngày nào. Tôi sửa xe ở đầu hẻm. Nhà em ở cuối hẻm. Con hẻm sâu hun hút và hẹp như một lỗ huyệt. Tôi sửa xe đạp cho em từ khi em học lớp sáu, được má mua cho chiếc xe cà khổ. Đó là niềm vui lớn nhất của em. Hầu như ngày nào xe em cũng phải sửa. Má em bán rau muống rong. Đôi chân của bà và gánh rau đã trước bạ vào khắp ngõ ngách Sài Gòn. Tiền lời của gánh rau muống bà nuôi ông chồng bị liệt nửa người vì tai nạn trong nhà máy, và một đứa con gái. Đó là em.

Tôi không nhớ mình đã mê em từ buổi nào. Chỉ biết rằng năm học lớp chín em đẹp lắm. Vẻ đẹp dậy thì, khôi nguyên đã làm người tôi mềm lại. Một người xế chiều đã chịu quá nhiều đau khổ như tôi, giờ bỗng hóa trẻ, bồng bột. Em trở thành niềm vui lớn của đời tôi.

Người ta có thể đạp xích lô lấy tiền chơi xì ke hoặc ngủ với gái. Tôi không thuộc số đó. Tôi chưa biết yêu là gì, chưa biết thế nào là đàn bà. Vậy mà đúng ngày ba em chết, tôi được ôm em trong tay mình.

Má em đi bán rau muống dạo chưa về. Em hét vang cả con hẻm khi thấy ba lạnh cứng trong xó nhà tối om. Tôi bỏ hết đồ nghề nhào vô. Em báo tin với đất trời rồi ngất lịm. Tôi ẵm em lên giường cùng bà Tư bánh cuốn xức dầu cho em. Tỉnh lại, em nhìn tôi, đôi mắt muốn nói: “Cháu cám ơn chú”, nhưng môi em cứng ngắc khẽ mấp máy. Nước mắt em ứa ra đúng hai giọt, đặc và trong. Hai giọt ngọc đậu mãi ở đuôi đôi mắt đen nhánh. Tôi run run áp bàn tay thô nhám của mình vào hai giọt ngọc ấy. Từ phút đó tới khi tang lễ xong, em không khóc. Người ta bảo: khi đã tới tận cùng nghèo khổ thì không còn nước mắt. Lúc đó, người ta chỉ cười.

Chôn người chết xong, má em ngã bệnh. Nhà không một hạt gạo. Vài người hảo tâm trong hẻm giúp em chút tiền, lon gạo. Tôi dốc cả tài sản để giành được mớ giấy bạc toàn tờ hai trăm nhàu nát cáu bẩn, lén đặt ở đầu bàn thờ ba em.

Em thi đậu lớp mười, nhưng phải bỏ học. Má em qua khỏi nhưng không đi bán rau muống dạo được nữa. Sức bà tận kiệt. Em thế má. Em không gánh mà chở rau trên xe đạp. Cô bé lọ lem của tôi, sản phẩm tuyệt vời của tạo hóa, chìm khuất sau khối rau muống sau xe. Chính tôi đã làm cho em cái giá xếp vừa một trăm bó rau muống. Ngày nào em cũng bán hết rau trước năm giờ chiều. (Má em ngày trước phải mười giờ đêm mới lê gót về tới nhà). Em có duyên bán hàng, tôi biết. Em đẹp lắm! Nhưng buồn. Ít khi nào em vui tươi nhí nhảnh như thuở đi học. Ngồi chờ tôi sửa xe, em lặng người nhìn qua nhà hàng máy lạnh ở bên kia đường và thở dài. Ở đó có tới ba chục cô tiếp viên, khách khứa dập dìu.

Tôi mất ngủ cả tháng nay. Hình ảnh em chế ngự tâm trí tôi. Tôi nhớ hai tay mình đã ôm em như thế nào. Bữa đó tôi thật có tội. Ba em chết, em thì ngất xỉu, mà tôi lại thấy bừng bừng trong người. Trời đánh tôi đi. Làm sao bây giờ? Có ai rơi vào trạng huống của tôi không? Nói với em thì tôi không dám. Tôi không có mật gấu mà uống cho đủ gan. Mắt em ít khi nhìn tôi. Nếu có thì cũng như ánh đèn pha xe hơi quét vào tôi khi nó dừng lại để lui vô bãi đậu của nhà hàng. Vậy mà những khoảnh khắc như thế cũng đủ làm người tôi sốt lên, mềm yếu. Tôi không lấy tiền sửa xe. Em nói: “Nếu chú không nhận, cháu không dám đưa xe chú sửa nữa”. Tôi sợ nhất điều đó nên đành phải nhận. Tôi tính rẻ bằng một nửa, em nói: “Nếu chú tính quá rẻ như vậy, cháu đi sửa chỗ khác”. Tôi lại thua. Mỗi lần em sửa xe, tôi chỉ muốn trái đất ngừng quay để thời gian chậm lại. Tôi khoái được gần em. Không gian quanh tôi lúc đó tưởng như bao bọc bởi hương thơm từ thân thể da thịt em... Tôi không ngủ được. Tôi yêu em. Tôi nhớ. Bốn mươi chín tuổi tôi mới biết: Yêu là chết ở trong lòng một ít.

Em đi bán rau về, cùng em có thêm một cô gái chắc là bạn cũ, mặc váy jean ngắn, bó sát hông phô cặp giò dài, da xanh, nét mặt đầy son phấn. Đêm ấy đi chơi với bạn. Hôm sau, em bảo tôi gỡ bỏ bộ đồ gá chở rau ở sau xe. Tôi linh tính một chuyện chẳng lành. Tôi làm việc đó mà nghe máu trong người như bị hâm nóng. “Em không đi bán rau nữa sao?”. Em mỉm cười. Tôi cảm thấy như vậy chứ đâu dám nhìn mặt em. Em nói: “Cực quá chú à. Cháu kiếm việc khác”. Giọng em đầy tủi hờn. Em nhìn qua bên đường. Mới 9 giờ sáng, nhà hàng vắng khách. Các cô tiếp viên ăn mặc hở hang bắc ghế ngồi trước cửa. Họ hệt những món đồ bày trong tủ kính các tiệm bách hóa. Lâu lâu từ bên ấy lại vọng qua những tràng cười ré lên. Em nhìn và mắt em sầm lại.

Em đạp xe đi làm như đi công chuyện. Nhưng tôi biết, em chỉ đi tới đầu đường rồi quay lại. Như một tên ăn trộm, em len lét dắt xe vô cửa sau nhà hàng. Qua khe hở của ri-đô sau cửa kính, tôi căng mắt hồi hộp chờ. Em đứng trước bà chủ. Bà chủ nhìn em xăm xoi, em đi tới đi lui quay trái quay phải. Bà chủ gật gù. Họ trao đổi với nhau vài câu, em cúi đầu đi ra. Em lên xe đạp. Tôi thấy em loạng choạng. Gần mười giờ đêm em về. Lúc đi ngang, em cố tránh mặt tôi.

Tôi theo em như một con chó bám theo chủ, đồng thời như một thám tử bám theo đối tượng. Em xuống xe xích lô, bước vô cửa sau của nhà hàng khách sạn nổi tiếng với việc dắt mối gái cho khách ngoài quốc. Ấy là tôi đọc báo nên biết vậy. Tôi như rơi từ đỉnh núi xuống đáy vực. Tôi mất em. Cảm giác hẫng hụt khiến tôi đứng chôn chân giữa đường. Chiếc Dreame II thắng két bên gót tôi. Hai cậu choai choai đồng thanh rủa: Thằng già ngu. Muốn ăn đất hả? Tôi bỏ ngoài tai. Tôi muốn tông cửa nhà hàng, lao vô níu kéo em: “Về với anh. Anh sẽ nuôi em sung sướng. Nhục lắm em ơi. Đừng bán cái trong ngần vô giá của cuộc đời. “Ê thằng cha kia, tính chôm đồ hả. Cút”. Hai gã bảo vệ sấn xổ xua đuổi tôi đi khỏi cửa nhà hàng. Tôi lủi thủi chạy đi như con chó bị bỏ rơi.

Suốt mấy đêm liền em không về. Không đêm nào em ngủ nhà. Sáng nào cũng 9 giờ mới thấy em. Em đi chợ nấu cơm cho má, dọn dẹp giặt ủi. Mười hai giờ em lại đi. Tôi vô nhà thăm má. Chiếc xe đạp đầy bụi bặm vứt trong xó bếp. Tôi xót xa. Ước gì ngày nào cũng được sửa xe cho em.

Càng ngày em càng đẹp hơn. Áo quần cũng đẹp hơn cô bé lọ lem rau muống dạo ngày nào. Tôi mon men tới nhà hàng. Lần nào cũng bị xua đuổi. Phải có vài trăm ngàn trong túi mới dám bước chân qua cửa kính. Tôi đào đâu ra vài trăm ngàn?

Không ngủ, không thiết ăn. Tôi chết mất. Tôi mang số tiền dành dụm được, vuốt cho phẳng mép, đếm mãi được chín chục ngàn lẻ ba đồng. Tôi lén đặt xuống giường em cùng mảnh giấy: “Anh yêu em. Hãy vì chính cuộc đời em mà từ bỏ cái chốn bẩn thỉu ấy. Đó là nghề hạ cấp, nhơ nhuốc. Về với anh nghe em”.

Hôm sau, đi ngang chỗ tôi, vẫn ngồi trên xích lô, em trả tôi số tiền và mảnh giấy. Mặt lạnh băng, em nói: “Chú hãy lo cho cuộc đời chính mình thì tốt hơn”.

Tôi ngộp thở. Tôi uống rượu. Chưa bao giờ tôi bậy bạ như vầy. Thời trẻ tôi không hề uống rượu. Rồi tôi đi tìm gái. Một cô ở lề đường vườn hoa Tao Đàn lôi tôi vô con hẻm dài hun hút và một căn phòng tối đen. Tôi chợt nhớ đến con hẻm nhà em. Bóng đèn đỏ quạch bật lên, cô gái hối thúc. Tôi đứng chết trân. Trên cái giường dơ dáy là một thân thể xám ngoét như miếng thịt trâu ế. Tôi buồn nôn. Tôi đặt xuống giường vài tờ bạc rồi bỏ chạy. Một ngày nào đó, chính em, cô bé lọ lem của tôi sẽ tàn tạ, rệu rã như thế này. Nghĩ tới đó, như có dao cắt ruột tôi. Không một nỗi đau nào tôi đã trải qua có thể sánh bằng nỗi đau này.

Tôi rời xa đầu hẻm với hy vọng quên đi nỗi đau ấy. Trời ạ, tôi không quên được. Tôi kiếm được một vị trí khá thuận lợi: ngã tư giao lộ lớn. Tại đây, khách sửa xe rất sộp. Họ không bao giờ nhận lại tiền thối. Tôi nhìn bất cứ cô gái nào cũng nhớ tới em. Không ai đẹp như em. Vừa nhớ, tôi vừa khinh rẻ em. Tôi thù em. Em đã tự vùi dập sản phẩm tuyệt vời của trời đất. Già rồi, quá date rồi. Tôi đành chôn chặt mối tình. Tôi sống như loài thảo mộc không ham muốn chi nữa.

Tối hôm đó tôi ế khủng khiếp. Gần mười giờ thì may quá, có một chiếc cub 81 xẹp bánh sau. Cô gái đẩy xe tấp lên lề, chưa kịp dựng xe đã reo lên: “Chú Hai, chú làm ở đây sao? Hai năm qua cháu kiếm chú Hai muốn chết mà hổng ra” - “Em kiếm tôi?” - “Dạ” - “Để làm gì?” - “Để sửa xe”.

Tôi khùng lên vì giận. Chợt em nắm lấy bàn tay thô nhám của tôi, bàn tay êm mượt như nhung nắm lấy bàn tay đầy dầu mỡ của tôi, giọng ngọt ngào: “Chú Hai đừng giận cháu nghe. Má cháu mất rồi”. Tôi không nói gì cho đến khi em nổ máy xe và tạm biệt tôi. Em đi rồi tôi mới tỉnh táo và bình tâm lại. “Hai năm qua cháu kiếm chú Hai muốn chết mà hổng ra”. Ủa, em vẫn không quên tôi?

Tôi về thăm con hẻm cũ. Bà Tư bánh cuốn kể: “Con nhỏ thiệt là giỏi. Đâu phải nó làm gái. Nó xin vô rửa chén cho nhà hàng. Vừa đi làm, nó vừa học tiếng Anh. Nó thi đậu chứng chỉ C rồi nghe. Một công ty vừa nhận nó vô làm phiên dịch. Tết này nó lên xe hoa. Nghe đâu chú rể là kỹ sư. Con nhỏ thiệt giỏi hết biết. Được người được nết...”.

Tết này em lên xe hoa. Nghĩa là tôi không mất em. Cuộc đời này không mất em. Em về nhà chồng... Nhưng lạ chưa, tôi không thấy ruột đau như cắt nữa. Tôi thanh thản về với giao lộ đông khách sửa xe của tôi. Ơn trời, biết đâu tôi sẽ lại gặp một người khách sửa xe như em.

 

Xuân Nhâm Thân, 1992.

Rút từ tác phẩm: Triệu Xuân – Truyện, Ký chọn lọc.

- In lần đầu tiên báo Đại Đoàn kết, Số Xuân Nhâm Thân 1992 (Số 9: tháng 1 năm 1992)

Triệu Xuân
Số lần đọc: 3356
Ngày đăng: 03.05.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sự trở về của con mèo đen - Hồ Tĩnh Tâm
Ba ngày - Đinh Lê Vũ
DướI chân cầu Tà Xăng - Trần Lệ Thường
Thấp thoáng Trương chi - Nguyễn Văn Ninh
Những chiếc lông cò - Bích Ngân
Ngụ ngôn sông nước - Liêm Trinh
Em tôi, ngày về - Đinh Lê Vũ
Thằng bé chết - Hồ Tĩnh Tâm
Ăn chay - Nguyễn Nguyên An
Ruồi có thể ăn được . - Nguyễn Hiếu
Cùng một tác giả
Cõi Mê (truyện dài)
Nỗi đau (truyện ngắn)
Trả giá (truyện dài)
Bụi đời (truyện dài)
Sóng lừng (truyện dài)
Tôi không mất em (truyện ngắn)
Khát vọng (truyện ngắn)
Giấy trắng (truyện dài)