Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
815
116.688.106
 
Tìh êu
Lê Anh Hoài
Chương 2

Hồi thứ 5

Tình Từ Thức chỉ một lần duy nhất

Chọn mặt nhà văn nhật ký trao

 

*

Nhóm thanh niên làm báo chí rủ nhau đi ăn tối rồi đi hát karaoke. Quy hát "hãy đến với em dù chỉ một lần nữa thôi" và "cho em một lần, một lần thôi" đầy tâm trạng.

Hậu bèn phụ hoạ vào:

- "cho em một ngày một lần thôi", trông Quy gầy gầy thế này mà khoẻ nhỉ?

- Đúng là đồ dâm ô.

 

Hậu cười, vớ lấy micro hát rất bốc bài “Ngọn lửa cao nguyên” mà đoạn điệp khúc được hát bằng tiếng Quảng Nam, rồi “Ly cà phê Ban Mê” hú hét ầm ĩ... Một lúc lâu sau Quy chỉ ngồi lặng lẽ uống hết ly rượu của Trình. Rồi Quy ngả sát vào vai Trình:

- Anh đưa em về, em đau đầu quá.

- Nhà nghỉ ở gần đây thôi, đi xe máy làm gì... – Hậu đang hát “Tình ca” vội nói luôn qua mic làm cả bọn cười ầm ĩ.

 

Đi qua một ký túc xá, Quy bảo Trình rẽ vào. Trình lặng lẽ làm theo, lặng lẽ cho xe chạy qua những khoảng sân khuất vắng thỉnh thoảng suýt đâm vào những đôi sinh viên đang quấn vào nhau. Trình lại nhớ về Mai, nhớ cái không khí như mật ngọt của mối tình đầu, nhớ cái rạo rực của cái ôm đầu tiên. “Anh T rất vui vì em vẫn còn trinh”. T là đồng hương của Mai, sắc diện theo Trình là “bẩn” dù thực ra T chẳng đến nỗi nào: hồi đó T đã đi làm thu nhập khá, đã có xe xịn để đi. Mai đã mấy lần thông báo với Trình rằng T van xin Mai đoái hoài “anh sẽ là người bạn thân thiết và em cho phép anh được quan tâm đến em thôi. Anh chẳng cần gì”, khi Trình gầm lên thì Mai cười, nụ cười rất xinh vì răng Mai rất đều và trắng: "Như thế là ngừơi đàn ông đàng hoàng và tử tế còn gì nữa. Đàn ông các anh đa số là ích kỷ!"

- Anh có thích ăn ốc không?

- Cũng được.

Trình ghé vào một hàng ốc vỉa hè, hàng chục sinh viên đang ngồi mút mát, nói cười ầm ĩ. Quy ăn ngon lành.

- Hồi xưa, em học trường sư phạm này đấy!

- Thế á. Nhìn Quy người ta không nghĩ đến cô giáo.

- Thế mà ngày xưa em còn đi dạy mấy năm đấy – Quy nhìn Trình rồi mắt như dại đi như những người đa cảm khi nhớ về kỷ niệm.

 

*

... Chỉ còn Trình và Mai trong bóng tối rặng nhãn ven dãy tường đổ. Những đôi tình nhân sinh viên thấp thoáng đây đó cũng đã ra về. Bóng tối ở đây quánh lại, được ướp một mùi hương mơ hồ phảng phất. Từ hai tháng nay, dù Trình rất muốn nhưng Mai không cùng Trình ra chỗ này. Trình không hiểu mình có lỗi gì. Mọi cố gắng của Trình bị Mai vô hiệu theo cách một chiếc lá sen chối từ một giọt nước.

- Từ nay chúng mình không nên gặp nhau nữa.

Trình choáng váng, môi Trình trượt vào má Mai, theo đà nàng thoát ra khỏi vòng tay Trình khéo léo như mèo.

- Em sẽ đi lấy chồng.

Trình không biết mình về ký túc xá bằng cách nào...

 

*

Trình uống rượu thuốc. Rượu xộc lên nhưng không có vị. Chắc là độc. Tâm trạng buồn man mác của Trình qua nhanh, nhìn đám sinh viên Trình thấy vui, chả hiểu các cô các cậu học được gì không. Trình nghĩ mình đã học được rất nhiều ở đại học nhưng kiến thức thì không nhiều. "Kiến thức chúng tôi không thể truyền cho các anh chị như truyền đạm được" – GS Lương nhiều lần nói như thế.

 

Trình đưa Quy về đến nhà trọ, Quy nghĩ thế nào bảo:

- Anh vào chơi một tý đi.

 

Trình cũng nghĩ thế nào đó, bình thường Trình không muốn xâm phạm vào những gì được coi là riêng tư của người khác, nhưng có thể vì giọng nói Quy, hay ánh mắt Quy lúc đó. Nó không có gì dâm đãng, chỉ như trống trải. Nhưng đó là chuyện sau Trình mới nghĩ đến.

 

Vào nhà trọ của Quy, Quy dở bộ bài ra bói cho Trình:

- Tám cơ này, anh đa tình lắm, nhưng số tám là số của trách nhiệm. Trách nhiệm thì yên tâm nhưng mà tẻ anh ạ.

- Anh tưởng đàn bà thích đàn ông trách nhiệm? - Trình thấy trò này cũng hay hay.

- Khi đã chung sống thôi. Chứ trách nhiệm thì có giá trị gì khi yêu?  Sáu nhép này. Anh chẳng giàu được đâu, anh ạ. Nhưng mà có tiền tiêu, tiêu vặt thôi. Xem công danh của anh nhé. Anh tự rút một con đi.

 

Thái độ của Quy làm Trình cũng thấy việc rút cây bài có vẻ thiêng liêng. Cây bài này lại thể hiện được công danh của mình sao? Mà công danh là cái gì?

- Chín cơ. Tốt đấy anh ạ. Nhưng anh chẳng làm quan chức được đâu. Anh nhiều tình cảm quá. Không làm chính trị được. Mà anh cẩn thận đấy. Phụ nữ thích anh đấy.

 

Trình ngỡ ngàng khi nhìn vào ánh mắt Quy. Nó rực lên, nồng nàn, dài dại. Nó phát tín hiệu (của con cái – Hà thường nói kiểu đó).

 

Hôm đó Trình ngủ lại nhà Quy, chăn gối rất sạch và da thịt của Quy rất mát. Lúc đê mê nhất thì hình như Quy gọi một cái tên. Trình biết không phải tên mình và điều đó lạ thay lại làm anh ta tự tin hơn. Cũng chưa hẳn, có thể là hưng phấn, hoặc cả hai.

 

Mọi chuyện với Trình như diễn ra tại một cõi khác, như Từ Thức gặp tiên, lần đầu tiên Trình biết tình dục có thể thanh và sạch, không hệ luỵ. Không hề giống cảm giác với những cô gái mà Hậu dẫn đến.

 

Sau này, anh ta nhớ lại chuyện này như nhớ lại một giấc mơ: cảm giác rõ ràng nhưng rất mờ các chi tiết, và ngày càng mờ.

 

*

Sáng sớm Trình đã dậy và hơi khó chịu vì không có nước để tắm rửa trong phòng. Quy kéo Trình nằm xuống:

- Anh cố chịu một lúc nữa rồi về nhà mà tắm. Em ở trọ chỗ này, muốn tắm và đi toa-lét phải qua sân, khu phụ chung. Anh đừng nghĩ xa xôi gì cho mệt người, thật sự hôm qua em buồn lắm. May mà có anh, anh đáng yêu lắm. Sau này yêu ai anh đừng hứa hẹn gì nhé. Đàn bà chúng em rất thích hứa hẹn và rất tin những lời hứa hẹn nhưng anh đừng hứa gì cả.

- …

- à này, em thấy anh thích văn chương, có cái này, em định đốt đi nhưng em cho anh. Có khi anh lại viết được một cái gì.

 

Quy lục tủ, lấy ra một cuốn sổ nhàu nát, đưa cho Trình.

Trình có cảm giác Quy như người chị của mình. Như chị Dung? Có nét giống, nhưng Trình không nói rõ ra được.

 

Sau đó chuyện này, cả hai đều chẳng tỏ ra bất cứ một cái gì đặc biệt. Kể cả trong những lần đi ăn uống, hát hò. Hai người còn gặp  nhau và nói chuyện nhiều lần nữa, nhưng làm tình thì chỉ một lần duy nhất như vậy.

 

Thật là:

Yêu em anh hứa rất nhiều

Xa nhau em mới biết điêu ngoa tình

 

Hồi thứ 6:

Đời gian trá nên em đành mất dạy

Chưa thể quên, chàng nhà báo lao tâm

 

*

Trước khi đi làm báo, Quy đã từng làm giáo viên. Giáo viên dạy văn hẳn hoi. 98% các cô bé con sau giấc mơ làm người bán hàng (thời bao cấp gọi là mậu dịch viên) đều mơ làm cô giáo, và cũng 98% mơ là cô giáo dạy văn.

Những trang nhật ký của Quy giao cho Trình viết trong thời kỳ Quy làm nghề ấy.

Trình giữ cẩn thận cuốn sổ nhàu nát này, thỉnh thoảng lại lấy ra đọc vài đoạn.

Ngày…

Làm sao người ta tin: Anh T. - Hiệu phó, trên 50 tuổi, vợ con đàng hoàng và mình. - một cô giáo Văn mới ra trường, chưa một đời chồng, lại yêu nhau. Thế mà đã có người viết thư nặc danh ký "những người thầy chân chính trường P." tố cáo "những quan hệ mờ ám", "những dục vọng thấp hèn", "lối sống tha hoá" vv và vv nhằm vào anh T. Mình lo quá, chỉ vì mình. Tình yêu ơi, tình yêu không có lỗi…

 

Ngày…

... Em mong anh đến, ôm em, kéo em ra khỏi kết cục tuyệt vọng này. Nhưng rồi em càng buồn hơn khi biết rằng nếu anh đến lúc này cũng chẳng có gì thay đổi. Anh sẽ khuyên giải điều hơn lẽ thiệt với vẻ mặt lên lớp, nhưng tình cảm và sự điên rồ của em thì anh chẳng hiểu được gì...

 

Lúc này, tất cả những gì đã có giữa chúng mình ùa đến, như một đám người trân trân nhìn em. Lần đầu tiên, em thấy chúng, xa lạ và thù địch nhưng em lại nhìn thật rõ khuôn mặt, cảm thấy từng ý nghĩ của chúng... Giờ đây, em nhìn rõ tình yêu của anh như nhìn rõ từng bộ phận của con cá bị học sinh mổ ra làm dụng cụ học tập mà em đã từng nhìn thấy ở sân trường.

 

Ngày em nhận được lá thư tỏ tình của anh, em như mê đi vì sung sướng. Anh viết: Em là một hình ảnh giúp anh vượt qua những tẻ nhạt đời thường, chỉ cần nhìn thấy em, nghe tiếng em cười là anh thấy yêu đời vì đời còn trong sáng lắm. Anh viết: Dù có cả một vực sâu giữa hoàn cảnh, vị trí xã hội, tuổi tác, dù đã tự ngăn cấm mình đến cả ngàn lần nhưng anh vẫn không thể không nói ra tình cảm của mình... Những vần thơ của anh giờ đây em vẫn nhớ như in:

Em hiện ra giữa buổi chiều anh

Như ảo vọng hiện về từ tuổi trẻ

Và rồi

Tình yêu ơi xin nói một lần

Dẫu tắt lửa, đêm rơi vào lòng vực...

Thì em cảm thấy yêu anh vô hạn, mặc dù ngay từ ngày đầu gặp anh, em đã bị tiếng sét ái tình đánh quỵ...”.

Ngày…

Hôm nay, mình đã nhận quyết định thôi việc. Ông trưởng phòng tổ chức vẻ mặt quan trọng dường như được đúc bằng gang khuyên nhủ: một giáo viên có tai tiếng như cô khó có thể đứng bình thường trên bục giảng, cho dù cô là giáo viên dạy giỏi. Mình định gào lên: Tình yêu không có tội, nhưng chợt tỉnh ra mình lại giương mắt lên nhìn ông trưởng phòng giễu cợt. Trong lúc ấy bỗng mình nhận ra gương mặt anh cũng làm bằng kim loại như mặt ông này, chỉ khác chất liệu của nó sang hơn, có thể có cả đồng và thậm chí vàng.

Có lúc mình định tự tử nhưng bây gìơ thì ý nghĩ điên dại đó đã qua. Mình phải sống!

 

*

Bắt đầu kỳ nghỉ Tết. Học sinh được nghỉ sớm, hiệu trưởng về quê từ hôm trước, giáo viên cũng lần lượt ra về sau khi nhận quà Tết. Sân trường buổi chiều đầy lá xà cừ rụng và yên lặng đến nao lòng.

 

Quy biết T. vẫn ngồi trong phòng giám hiệu, hình như T. có ý muốn bảo Quy điều gì. Ánh mắt anh ấy khác lắm, mùa xuân mọi việc sẽ tốt với cô, hôm nọ đi xem bói bên Bắc Ninh ông thầy bảo thế. Quy giả vờ về nhưng một lúc sau quay lại, vì Quy biết trường chỉ còn anh. Ông bảo vệ sẽ chỉ đến vào chập tối.

Thấy Quy đến, T. ngạc nhiên rồi có vẻ mừng rỡ.

- Em, vẫn chưa về quê à, bố mẹ mong đấy!

- Bố mẹ sau, em nhớ anh!

(Nhật ký của Quy)

….Đáng lẽ, đó sẽ là buổi chiều đẹp nhất cho tình yêu của em nhưng... anh bỗng ngập ngừng cài khuy áo em lại. Vẻ mặt hiệu phó trở lại trên mặt anh và anh nói chúng ta không nên như vậy... ở đây....

 

*

(một bài trong tạp chí phụ nữ)

Những lời nói dối của đàn ông

 

Có nhiều câu nói của phái mày râu nghe ra rất bùi tai và chân thành, nhưng nếu biết xử lý thì đó là những câu nói thuộc loại “mật ngọt chết ruồi”. Các chuyên gia khuyến cáo các bạn gái cần cảnh giác với những “Chú Cuội” thường xuyên sử dụng các mẫu câu sau đây:

 

1 – “Anh sẽ gọi điện thoại cho em nhé”. Nghe câu này, không ít cô gái trót phải lòng chàng tha hồ mà hồi hộp, phấp phỏng đợi chờ chàng gọi đến, nhưng rồi biệt vô âm tín. Do đó, nếu gặp chiêu hoãn binh kiểu này, bạn gái cần khẩn trương quên chàng ta đi, vì theo quy luật tình cảm, chàng trai nào thiết tha với bạn, họ sẽ sốt sắng hẹn chính xác thời gian cuộc gọi hoặc mau mắn đưa cho bạn số máy của chàng ta.

 

2 – “Anh thích cùng em đi dự các lễ cưới”. Điều này hơi “phi lý” trong trường hợp hai người mới nhen nhóm chuyện yêu đương, vì một số đàn ông không thích tham dự các cuộc vui có đông người quen biết bởi nhiều lý do: có thể bạn gái hay trang phục, xe cộ của chàng ta không “đủ đẹp” để “lên mặt” với chúng bạn; hoặc lo ngại mọi người nghĩ rằng bạn gái đi cùng là “vợ chưa cưới” của chàng khiến chàng cảm thấy bị ràng buộc quá mức.

 

3 – “Anh muốn chúng mình là bạn tốt của nhau”. Đây là chiêu “rút lui có trật tự”, nghĩa là chàng ta muốn chia tay nhưng “gài” lại câu nói này để dùng bạn làm “con bài dự trữ” trong trường hợp cuộc tình mới của chàng ta gặp trục trặc. Gặp đàn ông kiểu này, bạn chớ tỏ ra mềm yếu níu kéo làm gì mà hãy thẳng thắn trả lời bạn không cần thứ “tình bạn” ấy trong tương lai.

 

4 – “Nếu em có hẹn gặp với người yêu cũ, anh cũng không trách gì đâu”. Nghe qua có vẻ chàng là người quá rộng lượng, nhưng đó là lời nói không thành thật. Cho dù là người tự tin tới mức nào thì chàng cũng không thể chấp nhận chuyện đó xảy ra. Đây là câu nói “ghen ngầm” mà bạn phải tỉnh táo nhận ra. Nếu bạn quyết tâm gắn bó với chàng thì hãy cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ với người yêu cũ, kẻo lại xôi hỏng bỏng không có ngày.

 

5 – “Người như anh chúa ghét con gái đeo đuổi”. Chắc chắn chàng “nói điêu” rồi. “Mắt con trai”… ai mà tin, đàn ông nào chẳng thích được con gái chiều chuộng. Vì thế khi yêu bạn phải cảnh giác với những bóng hồng khác lượn lờ quanh chàng.

 

*
            Sau đó, có lần đến nhà Nhã, gặp T., Trình quan sát thật kỹ, thật ra cũng chẳng để làm gì, chỉ để thoả trí tò mò thôi. Anh trông quảng giao, duyên dáng đúng kiểu nhà giáo. Anh đối xử với Trình có vẻ thân tình như đã quen từ lâu, tôn trọng nhưng vẫn giữ được thế. Trình kín đáo nhìn thẳng vào mắt anh ta, nhớ đến Quy. Cái Trình muốn thấy là một thoáng buồn, một thoáng tiếc, một thoáng ân hận... đại loại thế, nhưng chẳng thấy gì.

 

Làm như vui miệng, T tự bộc bạch chuyện gia đình. Anh cho biết bằng cách lúc nói chuyện với Nhã, lúc lại nói với Trình. Nối lại các đoạn thì là anh vừa có hai việc, một buồn, một vui: Toà đã giải quyết cho vợ chồng anh ly hôn và con bé nhà anh thì rất ngoan ngoãn học giỏi.

Thật là:

Làm trai cứ nước hai mà nói

Làm gái không biết giữ thiệt thân

 

 

Hồi thứ 7:

Nữ thi sĩ quyết in thi tập

Nam họa gia vì nghệ thuật hy sinh

 

*

Thực lòng Trình không định đến buổi sinh nhật của Trà bởi Trình biết trước sẽ gặp ở đấy những người và việc rất chán. Quả như Trình nghĩ, cuộc sinh nhật có mặt rất đông bạn thơ của Trà. Họ thi nhau đọc thơ bằng vẻ mặt xa vắng và họ chỉ chú ý đến Trình khi biết Trình làm báo. Một nữ sĩ nổi bật trong đám ra ngồi tiếp chuyện Trình sau đó gợi ý đến việc đăng một trang thơ của “hội”. Bọn em sẽ không quên ơn các anh đâu, vả lại hiện nay “hội” đang khởi sắc - Thanh, tên cô ấy, nói ngọt ngào. Trình bỗng nhớ tới câu chuyện của Hậu về những người đến toà soạn để nhờ Hậu đăng bài tranh chấp nhà đất. Trình vội thoái thác rằng Trình vốn không hiểu gì về thơ, Trình chỉ viết những tiểu phẩm về tình yêu, hôn nhân và gia đình. Thanh than phiền rằng nhuận bút thơ thấp quá sau đó khoe đã có giấy phép in một tập thơ nhưng chưa thuê được hoạ sĩ. Trình nhớ đến Đăng và thoả thuận sẽ giới thiệu hoạ sĩ cho Thanh.

 

Trà vừa đọc xong một bài thơ tình bằng giọng đau buồn. Tất cả vỗ tay to, Trà nhìn về phía Trình vẻ giận dữ. Trình giả vờ không biết.

 

*

T đến tìm Trình vào lúc Trình định đi ăn cơm ở nhà ăn ký túc xá.

- Tôi muốn nói chuyện với ông. Quân tử chính đạo, chúng ta là đàn ông.

- Chuyện gì? - Trình lừ lừ nhìn hắn.

T cười gượng gạo:

- Tôi mời ông ra quán.

Trình quay vào phòng, cất cái bát. T quay ra dắt chiếc xe xịn, ngồi lên xe ra ý chờ. Trình khụng khiệng đi qua, hắn vội bươn theo.

 

Trình đã kịp biết được T là con một vị quan chức ở một tỉnh miền Trung - nhưng hắn lại nói giọng Hà Nội chuẩn như phát thanh viên truyền hình vậy. Ra trường là hắn được nhận ngay vào một công ty tếch, mếch gì đó của Nhà nước và đã có nhà riêng ở Thủ Đô. (Trình không đi thu lượm những thông tin kiểu ấy, nhưng tất cả mọi người đều biết những chuyện này thông qua mồm lũ con gái cùng phòng Mai. Cũng như Trình đã không bao giờ hỏi nàng vì sao lại quen T).

 

T khuấy ly cà phê đen bằng hai ngón, nhấp nhấp điếu thuốc, vẻ thạo đời. Những ngón tay của y trắng trẻo. Lúc đó Trình chưa biết hình ảnh những ngón tay ấy sau này sẽ hành hạ tâm trí mình. Những ngón tay trắng trẻo, không dính vào đâu, tự bò đi trên cặp vú ánh lên sắc lân tinh, sắc trăng rặng nhãn vườn đêm ký túc xá...

Trình làm ly rượu ngoại đánh ực:

- Có gì nói đi.

- Mai nói nhiều với tôi về ông

- ... (tại sao nàng lại nói về tôi với hắn? Và sao lại là “nhiều”?).

- Tôi biết hai người rất yêu nhau.

- ... (Biết thế thì cút mẹ mày đi).

T nhìn Trình dò xét, thấy vẻ mặt của Trình, y cụp xuống:

- Nhưng tôi yêu Mai.

Trình ực nốt chỗ rượu, không biết nói gì, thành cái ly thuỷ tinh tức cứng những đầu ngón tay.

- Đây là một cuộc chiến, mà trong chiến tranh, người ta được quyền làm tất cả. T nói. Hắn giật thót vai xuống khi tay Trình cầm cái ly nhích lên vô thức.

Chiếc xe đắt tiền chở người quân tử ra về trên chính đạo. Trình vụt mạnh tay, hàng trăm mảnh thuỷ tinh bay khắp vỉa hè.

 

*

Đăng không phải là hoạ sĩ trình bày minh hoạ chuyên nghiệp. Là con của một gia đình cán bộ bậc trung của tỉnh N. nhưng Đăng lại không chịu về quê để làm cán bộ phong trào kiêm nhân viên tuyên truyền quảng cáo ở nhà máy X, theo sự tạo dựng của bố mẹ. Đăng nhất định ở lại Hà Nội để “sinh hoạt nghệ thuật” và cũng bởi vì “Thủ đô là nơi hội tụ văn hoá”. Việc này làm bố mẹ anh ta phẫn nộ và không gửi tiền nữa, để trừng phạt. Nghề vẽ cần phải có vốn, hoạ phẩm là tiền vì thế Đăng cũng như nhiều hoạ sĩ mới ra trường phải xoay bằng cách đi làm thuê biển quảng cáo. Có lần Trình đã đứng xem Đăng bò ra vỉa hè dán dán trổ trổ những con hổ biểu tượng của một hãng bia. Xong một đợt làm Đăng được trả số tiền mà Trình biết mua được sơn dầu vẽ dè hai tháng, trả nợ tiền nhà một tháng, tiếp tục nợ một tháng và ăn thịt chó bốc ở chợ Ngã Tư với Trình một bữa. Ở Hà Nội Đăng chỉ chơi với mỗi Trình. Sau mỗi đợt kiếm được tiền, Đăng phấn chấn trở lại và ra sức vẽ. Lĩnh nhuận bút, Trình đưa Đăng một ít vì biết bạn đang ăn nợ quán nhưng Đăng không lấy, rủ đi uống rượu thì Đăng đi.

Trình biết nhiều hoạ sĩ có nghề sản xuất tranh bán lô cho gallery để ở đây gạ bán cho Tây. Trình bảo Đăng đi tìm mấy đàn anh ấy làm thuê cho họ ấm bụng hơn. Đăng cáu:

- Mày định khuyên tao đánh đĩ nghệ thuật à.

Ngày học trong trường Đăng giỏi về môn hình hoạ nhưng hiện nay tranh cuả anh ta vẫn chưa thoát được khỏi cái giỏi về môn ấy nên cứ trông là thấy quen quen. Tuy nhiên, nếu Đăng có tiền mở triển lãm và mời báo chí lăng xê thì cũng hơn đứt sáu trong mười hoạ sĩ đang và sẽ có tên tuổi hiện nay.

 

*

Trình nhớ có lần khi kể với Hà về chuyện đã cố gắng rất nhiều mà không “làm gì được” với Mai, Hà bèn cười xoà và nhìn Trình chăm chú. Mãi sau những câu chuyện linh tinh về chuyện ứng xử cơ quan, chuyện tình hình thế giới, anh bèn (làm như?) vui bốc giời kể câu chuyện sau:

 

(Chuyện của Hà)

Sau buổi học xóa mù chữ, chàng rủ nàng ra vệ cỏ bờ đê ngồi hóng mát. Mãi không thấy chàng động tĩnh gì, nàng đâm ra sốt ruột, bèn kiếm cách gợi ý.

- Em đố anh đánh vần được chữ này! - Nàng thỏ thẻ.

- Chữ gì vậy em?

- Chữ "xem"...

- Tưởng gì! Chữ ấy thì dễ ợt! - Chàng hấp tấp ngắt lời rồi cất tiếng ê a - E... mờ... em, xờ... em... xem.

- Đấy, có thế thôi mà cứ để người ta phải nhắc!

Trình ngây ra không hiểu chuyện gì, còn anh Hà, xử sự đúng theo chuẩn mực thông thường của người kể chuyện hài/thằng hề  - luôn tỉnh bơ:

- Mày có hiểu là chuyện này xảy ra vào thơì kỳ chúng ta chống giặc dốt?

- Vâng có thể, hoặc gần đây, ở miền núi.

- Nhưng vẫn là chống giặc dốt.

- …

- Thế mày biết thằng trai trong chuyện nó sẽ thế nào không?

- …

- Trong chuyện thì người ta chỉ để lửng chấm chấm chấm thôi. Nhưng thật ra thì thằng ấy nó như mày bây giờ đấy.

- Nghĩa là…

- Nghĩa là học là một quá trình em ơi, không thể từ bình dân học vụ mà lên ngay đại học được. Nhưng ở đây, học vấn của mày có vấn đề. Mày cũng như bao nhiêu trí thức thời nay học hành tốn bao nhiêu cơm gạo của gia đình và xã hội nhưng không hiểu nổi một câu chuyện dân gian. Chúng mày cứ trên mây trên gió thôi…

- Nhưng có chuyện gì, em chẳng thấy chuyện của anh thú vị ở chỗ nào?

Hà ôm bụng cười lăn lộn:

- Đấy, mày có để ý đến những điều nho nhỏ của cuộc sống đâu (Hà còn chế giễu Trình thêm một lúc nữa nhưng tác giả xét thấy có thể xúc phạm tới những người trí thức chân chính nên không trích dẫn vào đây). Mãi rồi anh mới giải thích cái lắt léo của câu chuyện mà quả thật nếu chỉ nghe kể lướt qua, chứ không phải đọc bằng chữ, thì ối người không nhận ra.

 

*

Ngày cuối thu rộng rãi. Khí lạnh đã len lỏi trong gió và mây trời có màu sắc rất khó ghi nhận. Nữ thi sĩ Thanh mặc áo thun bó sát bộ ngực tròn căng, tà váy bay thướt tha trong gió bám sát Trình đang thực hiện sứ mạng dẫn nữ thi sĩ tới gặp họa sĩ. Vào nhà Đăng đang thuê ở phải gửi xe, qua cầu khỉ rồi lội qua vô số vũng nước trên những con ngõ dọc ngang xuyên vào khu đất vốn là bãi rác mới giải toả.

 

Đăng đang kỳ cạch đóng đinh căng toan giữa sân. Nó mặc một cái vỏ áo lông Đức bẩn thỉu, tóc bù xù, ngồi xổm trông như thằng chữa xe đạp. Thanh có vẻ bối rối nhưng lấy lại được vẻ tự chủ ngay và chào ngọt ngào. Đăng giật mình ngẩng lên mặt đờ ra.

- Em muốn rửa chân cơ - Thanh nói bằng giọng đầy chất thơ. Đăng như bừng tỉnh hấp tấp chạy đi xách nước.

 

Trình và Thanh vào nhà, ngồi bệt trên chiếu. Trong lúc Đăng lúi húi đun nước Thanh đưa mắt sành sỏi nhìn lướt qua căn phòng toàn đồ gỗ tồi tàn, dừng lại lâu lâu chỗ mấy bộ quần áo bẩn lẫn lộn quấn vào nhau trên dây.

 

Trình vào đề thẳng và ngắn gọn sau đó kết thúc: về phương thức thanh toán các vị thoả thuận với nhau, tôi không biết gì đâu đấy nhé. Thanh trình bày những tư tưởng nội dung nghệ thuật chính và phụ của mình, đi sâu vào nội dung, điểm một tí nghệ thuật rồi lại làm ngược lại. Sau đó đọc thơ. Thấy thế Trình vội bỏ ra xem tranh. Bên cạnh những bức tranh quen quen có một bức mới vẽ phong cảnh trông u ám và sâu lắng hơn thường lệ.

 

Thật là:

Em thì muốn khổ vì thơ

Còn anh họa sĩ chỉ muốn thờ em thôi

Nghệ thuật thì hướng lên trời

Gặp khi kiếm sống thì rơi xuống bùn

 

Hồi thứ 8:

Người nghệ sĩ không màng danh tước

Kẻ trí nhân lo chuyện đi tù

 

*

Hà đang đi vơ vẩn ở hành lang tầng một thì bỗng dưng dòng chữ trên tấm bảng đập vào đôi mắt buồn ngủ của anh.

Ngày... Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Nhà hát... được tổ chức trọng thể ở Hội trường lớn. Tất cả mọi người phải có mặt, nam âu phục, nữ áo dài.

 

Hà cười nhạt: “vẽ”

Nhưng còn một dòng chữ nhỏ hơn ở dưới, với kiểu chữ khác:

Những người có tên sau đây nhất thiết phải có mặt để nhận Huy chương vì sự nghiệp...

Bảy tám cái tên được kê ra, trong đó có tên Hà.

 

Hà hồ nghi nhìn dòng chữ, nhà hát này rất nhiều kẻ rỗi việc hay nghịch. Mảnh giấy được phòng hành chính đánh máy vi tính “Không được tiểu tiện ra ngoài bồn cầu” dán trang trọng trong phòng vệ sinh nam được thêm một dấu chấm than vào vị trí thích hợp để thành “Không! được tiểu tiện ra ngoài bồn cầu”... Lịch công tác ghi lãnh đạo đi tiếp dân thì có đứa lén sửa thành "hiếp dâm". Bởi vậy, chắc có đứa nào láo lếu đã bày trò ghi tên vài người ra đây.

 

Đi ra quán nước, Hà thấy ngay 3-4 người cùng cơ quan đang nhàn tản ngồi đó. H. béo lên tiếng:

- Bác chuẩn bị khao đi chứ, Huy chương chứ có phải chuyện đùa.

- À! Thì ra chú. Bác đã ngờ ngợ chú viết, quả đúng, bác đoán như thần...

- Thì em viết chứ ai. Mới đầu cứ bảo bí mật cho hồi hộp, nhưng sau Giám đốc lo anh em chuồn hết, khi công bố chẳng ai lên nhận Huy chương thì ê mặt. Thế là bắt thằng em ra ghi tên đích danh những người được nhận Huy chương cho chắc.

Thấy mấy người kia cười chẳng ra cười, nói chẳng ra nói, Hà càng nghi tợn:

- Chúng mày chỉ giỏi bày trò. Bác đây “Huân chương không thích đâu, bác chỉ cần thịt trâu dễ chia”.

Nói xong Hà cười khà. Tự thưởng một hớp trà đặc, Hà quay ra tán chuyện với bà già bán nước:

- Từ hồi công an làm chặt, quán bà vắng hẳn nhỉ?!

- Chẳng vắng cũng chẳng đông. Chú tính, cũng chỉ khách mấy đoàn nghệ thuật quanh đây, mấy chú ra ngồi đây chứ ai...

- Em nói thật mà - H béo xen vào - Những lần khác đùa! Em công nhận! Nhưng lần này là thật.

Hà nhìn vẻ mặt H béo, nhìn vẻ mặt mấy người kia. Họ vẫn cười chẳng ra cười, nói chẳng ra nói, nhưng có một cái gì đó khiến Hà nhận ra đây là chuyện thật. Tuy vậy, Hà lại đùa:

- Để các ông các bà ấy trao cho nhau. Ai vô can  (Nhại từ tiếng Anh: I can’t - tôi không thể).

H béo là “thằng em” trong đoàn hay đi bia rượu cùng Hà. Thằng em ấy cuối giờ  thì thụt:

- Bác chẳng hiểu chó gì hết - lẽ ra lần này bác chưa được Huy chương đâu, còn 2 năm nữa mới đủ “cống hiến”. Nhưng nhân tiện xập xí xập ngầu em cứ đưa bác vào danh sách. Cuối cùng lại được. Đây là đợt vét rồi, nhiều thằng muốn mà không được, bác lại cứ dửng dưng?!

Hà bỗng nổi cáu:

- Tao đ. cần. Cái ấy dùng làm gì? Chẳng lẽ khi lên sân khấu tao lại vẫn đeo huy chương à?

 

*

Đêm Trình nằm đọc một cuốn sách về một người tù, nghĩ trời nghĩ bể, tự nhiên nghĩ đến chuyện nếu mình đi tù thì sao. Có người đàn bà nào chờ mình không. Mai? Chẳng bao giờ nàng là vợ Trình nữa! Quy? thật ra nàng chỉ như một viễn ảnh không gắn với những gì cụ thể. Còn Thanh, ngay cả khi đã là vợ, nếu trong thời kỳ say đắm nhất, chắc nàng chỉ có thể chờ được khoảng 1 năm, sau đó cặp bồ, cặp đến khoảng năm thứ 3 thì bỏ Trình lại trong tù! Trà thì chắc sẽ đợi, nếu cả hai đã hẹn ước chắc chắn.

 

Hậu có lần nói về một người đàn bà rằng: không có giá trị gì, nếu có vứt giữa ngã tư cũng không ai nhặt. Trình đã quên hôm đó Hậu nói về ai, nhưng dường như thang giá trị của Hậu dựa trên mức độ thèm muốn người đàn bà ấy của cộng đồng? Và mức độ sẵn sàng làm mọi chuyện cho mọi người đàn ông?

 

*

Biết được chuyện Trình dẫn Thanh "đi lo in tập thơ", Trà cau có nói:

- Đàn ông giỏi thật đấy, ai cũng tán được, người ta bảo không thể tin được các ông là đúng...

- ... ơ

- Nhưng các ông cũng là một lũ khờ, con đĩ nào cũng có thể dắt mũi được.

Trình thấy vẻ mặt Trà rất hay bởi vì trông rất thật chứ không như lúc nói chuyện với Trình về thơ hay về những nhân vật trong “Cuốn theo chiều gió”, “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” hay “Chuyện tình Paris” và vô số phim Hàn Quốc khác. Anh ta bèn im lặng chẳng thanh minh gì.

 

Giữ một lúc nặng nề rồi Trà thở dài một cái:

- Anh có biết cái Thanh nó là đứa thế nào không?

Trình vội bảo:

- Này, anh không cần biết, em đừng...

- Anh có biết thế nào là một tài năng quan hệ không? Thế nào là danh tiếng nhờ năng suất không? Thế nào là giải thưởng cứu bồ không?...

Trà chuẩn bị kể những cái mà chỉ phụ nữ biết với nhau thì Trình cắt ngang:

- Nhưng bọn em thân nhau cơ mà?

Trà nhìn Trình vẻ nghi ngờ và đe nẹt, Trình không nói gì nữa.

 

*

(Một bài ngắn đăng trên tạp chí phụ nữ)

Cách nhận biết một tình yêu đích thực

1. Bạn cảm thấy dễ chịu. Một mối quan hệ tốt khiến bạn thấy hài lòng về chính mình.

2. Bạn mong ước được ở bên người ta. Bạn không cần phải có thêm người khác để tránh cảnh có riêng 2 người.

3. Bạn tôn trọng người đó. Bạn thấy chính mình luôn ca tụng người ta. Nếu bạn chỉ nói về bản thân thì tức là bạn không hề chú tâm đến mối quan hệ của mình.

4. Bạn hứng thú với những gì anh ấy nghĩ. Bạn hỏi ý kiến người ta về mọi vấn đề quan trọng đối với bạn. Dù anh ấy có đồng ý hay không đồng ý với bạn thì đều không sao.

5. Bạn chấp nhận mọi điều kỳ quặc ở người ta. Ai cũng có những tật riêng. Kể cả bạn. Nếu những điều bất thường đó có thể chấp nhận được thì bạn đang ở một tình trạng tốt.

6. Bạn có thể vượt qua những trục trặc trong mối quan hệ. Những người ở trong mối quan hệ đích thực sẽ nhận thấy mỗi lần bất hoà là cơ hội để họ hiểu thêm về nhau.

7. Bạn cảm thấy an toàn. Bạn không lo ngại mất người yêu.

8. Bạn không so sánh người đó với bất cứ ai. Luôn luôn có người đẹp hơn, thông minh hơn và khoẻ mạnh hơn người đó, nhưng bạn không quan tâm bởi bạn chỉ muốn chính người đó mà thôi.

 

Thật là:

Người quân tử chẳng tỏ được lòng son

Trong tình yêu đàn bà thường sở hữu

Chương : 1    2   3    9    12    14   
Lê Anh Hoài
Số lần đọc: 1709
Ngày đăng: 25.07.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cõi Mê - Triệu Xuân
Một thời in dấu - Trần Đồng Minh
Dương Từ Hà Mậu - Nguyễn Đình Chiểu
Phố Hoa Phai - Mường Mán
Cùng một tác giả
Tìh êu (truyện dài)
(thơ)
Lời (thơ)
Thẩm tranh (tuyển truyện)
Khóc (thơ)
Bộ râu (tuyển truyện)
Viên đạn lạc (truyện ngắn)
Lưỡng lự * (truyện ngắn)
Lãnh đạo cười (truyện ngắn)
Tìh êu (kịch)