Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
813
116.688.872
 
Giấy trắng
Triệu Xuân
Chương 1

Chương Tám

…..

 

ba

Tháng nào kỹ sư Hải cũng nhận được thư của Lệ Thy. Những lá thư chứa chan tình cảm. Mỗi lần đọc thư, Hải rất xúc động. Lệ Thy viết những lời tâm sự với anh, toát lên nỗi nhớ anh, nhớ nhà máy, nhớ thành phố quê hương. Đọc thư lệ Thy mà Hải cứ ngỡ như đang được nghe chính người yêu của mình tâm sự.

... Anh yêu thương của em! Chàng hoàng tử của em! Giờ này anh đang làm gì? Anh có nhớ em không? Em đang viết thư cho anh từ một căn hộ đầy đủ tiện nghi, cách thủ đô paris gần bảy chục kilômét. Đây là căn hộ ba mua được từ trước khi má và em qua bên này. Khu em ở nằm ven dòng sông Xen, vùng này là ngoại ô, ngày chủ nhật, người Paris đổ về đây đông dễ sợ. Qua bên này, em không thể nào ngủ ngon được. Đêm đêm, em chợt tỉnh giấc và nghe tiếng má khóc ở phòng bên. Ba đi làm từ năm giờ sáng đến mười giờ đêm mới về. Má và em chẳng biết làm gì và ít đi ra ngoài. Nhờ vốn tiếng Pháp ít ỏi, em cũng không đến nỗi ngố mỗi khi giao dịch với người Pháp. Có lẽ tháng tới, em sẽ đi học. Ba đã xin cho em vô học lớp đào tạo kỹ sư chuyên dùng của hãng hóa chất nơi ba phục vụ. theo hệ đào tạo này, sau vài năm em sẽ thi để nhận bằng kỹ sư. Học xong, sẽ về với anh. Được hông?

Đời sống vật chất của người Việt Nam bên này thoạt nhìn bề ngoài thì khá ngon lành. Nhưng nếu biết được họ đã lao động như thế nào, làm những nghề gì thì mới thấy những gì họ đạt được đã phải trả bằng giá quá đắt. Ở sân bay thủ đô, toàn bộ công việc quét dọn, lau chùi là do phụ nữ người Việt Nam đảm nhiệm. Họ làm việc mười tiếng mỗi ngày, kể cả ngày nghỉ. Lương lãnh theo giờ. trên các đường phố Paris, ở các khu cư xá, công việc mà trước kia người Pháp nghèo làm thì nay người Việt Nam thầu hết. Từ đổ rác, quét đường đến lau chùi cửa kính, nạo ống khói, xây cất các công trình phụ, v.v... Mỗi khi gặp nhau, vì giữ thể diện, người Việt Nam nói với nhau những câu chuyện lạc quan về gia cảnh, nghề nghiệp của mình. Họ giấu đi những nỗi cực nhọc của họ. Tuy thế khi tự đối thoại với mình, nhất là những giờ phút mà nỗi nhớ quê hương cồn cào trong dạ, ai cũng khóc.

Đúng là người ta có thể chịu đựng được mọi sự thiếu thốn, nhưng thật khó mà thanh thản được khi phải chịu đựng sự thiếu quê hương.

Em không biết sau này sẽ ra sao, chứ hiện tại thì em khổ tâm lắm. Không gặp sự thiếu thốn vật chất - điều này ở Sài Gòn em cũng chưa hề phải gánh chịu - nhưng sự dằn vặt về mặt tinh thần làm em ốm đi nhiều anh ạ. Không biết nghĩ thì thôi, chứ biết suy tư thì làm sao mà thanh thoát nổi khi sống lạc lõng giữa đất lạ quê người.

Em đã bỏ lại những gì quý nhất để ra đi. Hàng ngày, em lấy những cuốn băng ghi bài hát của quê hương ra nghe. Một hôm, em nghe đến bài “Giận mà thương” em đã òa khóc lên trước mặt ba má. Em đã khóc như một đứa bé, không có cách nào nín được.

Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội,

Người xa người tội lắm người ơi!

Chẳng thà không thấy thời thôi

Thấy rồi mỗi đứa một nơi sao đành...

Viết tới đây tay em run lên và nước mắt em tuôn ra. Anh ơi! hải của em! Em không viết nổi nữa...

Kỹ sư hải bậm môi, cố nén không để cho nước mắt chảy ra. Tuổi trẻ là tuổi của tình yêu sôi nổi, mãnh liệt. Làm sao mà kìm giữ được nỗi nhớ nhung đã trở nên bức xúc. Từ ngày Lệ Thy ra đi, Hải sút hẳn đi. Bạn bè thông cảm với nỗi buồn của Hải, không ai nỡ trêu chọc anh. Trong những lúc mà nỗi nhớ thương trở nên da diết nhất, có lúc Hải đã oán trách má của lệ Thy. “Bà còn ham chi mà qua bển? Ở Sài Gòn bà đâu có thiếu thứ gì. Bà đã làm khổ con gái bà và dứt đi người yêu dấu nhất của tôi...”. Những lúc ấy, Hải chẳng khác chi anh chàng thất tình.

Nhưng chính công việc đã lấy lại sự thăng bằng trong tâm trí của anh. Sự quan tâm động viên thường xuyên của giám đốc, của anh em trong phân xưởng đã giúp anh đứng vững trước sự mất mát của một người đang yêu và được yêu. Từ ngày Lệ Thy ra đi, hầu như tuần nào giám đốc Thịnh cũng dành thời gian trò chuyện riêng với Hải. Thường thường trong những lúc như thế, Thịnh kể cho Hải nghe những câu chuyện vui, chuyện yêu đương của Thịnh và của những người mà Thịnh biết. Không một lần nào Thịnh nói thẳng với Hải là nên thế này, nên thế nọ. Nhưng bản thân những câu chuyện đời mà giám đốc kể đã giúp cho hải lấy lại niềm tin vào tình yêu của mình. Mặt khác, công việc trong phân xưởng cuốn hút anh. Linh mục Đạt đã chế thành công bộ matric đồng mô cho máy Monophoto. Đây là một kỳ công khiến kỹ sư trưởng của một nhà máy in lớn tại Cộng hòa Dân chủ Đức đến thăm nhà máy rất khâm phục. Máy Monophoto chế tạo tại nước Anh bán khắp thế giới. Ở Liên Xô và Cộng hòa Dân chủ Đức cũng có mua một số máy này. Tuy vậy, hãng chế tạo lại cố ý bán theo mỗi máy có một bộ chữ. Như thế khi bộ chữ này hỏng, khách hàng sẽ phải đặt mua tại hãng. Lúc đó, hãng chế tạo bán với giá cắt cổ cũng phải chịu. Ở Đức và Liên Xô, người ta đã mày mò nhiều công sức mà chưa chế tạo được bộ chữ này. Đó là loại khung chữ kiểu New Times Roman, mỗi khung có tới ba trăm bốn mươi chữ. Nhập mỗi chữ giá hàng chục đô la và rất khó mua! Theo cách cấu tạo của bộ matric nguyên gốc, các kỹ sư Cộng hòa Dân chủ Đức cũng cho chế tạo. Mỗi hạt chữ bằng phim phải cần hai mươi nhát cắt. Phải cắt thật đều, mà không ảnh hưởng tới hạt chữ kế bên. Đó là điều không thể nào làm được. Linh mục Đạt đã mất bốn năm ròng với công trình. Sau nhiều lần thất bại, ông nghĩ ra biện pháp là dùng luôn một mảng phim chụp lại ba trăm bốn mươi hạt chữ gốc. Chụp thì được nhưng chữ in ra không chịu thẳng hàng. Giám đốc Thịnh đã đầu tư thêm cho công trình và luôn luôn động viên ông Đạt. Cuối cùng, bộ matric tự chế tạo đã ra đúng theo mong muốn.

theo sự hướng dẫn của ông Đạt, kỹ sư Hải bắt tay chế tạo các bộ matric chữ Nga, chữ Đức, chữ Campuchia và chữ lào. Những bộ đồng mô này ra đời sẽ giúp cho nhà máy nhận tất cả các đơn đặt hàng của các nước bạn, mở ra giai đoạn in xuất khẩu cho nhà máy, thu ngoại tệ.

Hải viết thư báo tin vui cho Lệ Thy. Mỗi biến chuyển dù nhỏ nhất của nhà máy, anh đều tâm sự với người yêu. Trong những đoạn nói về nhà máy, Hải viết với lòng tự hào chính đáng, vì ở đó có sự góp sức của anh. lá thư này Hải kể chuyện với người yêu:

... Gió đã nổi lên rồi, em yêu của anh! Một nhà báo đã đến với nhà máy mình, một nhà báo nữ em ạ. Cô ấy đã đăng bài báo nảy lửa, phê phán kịch liệt phương pháp thanh tra và hết sức ủng hộ nhà máy. Mọi việc rồi sẽ rõ ràng. Gió đã nổi lên rồi! Những gì ngăn cản nhà máy ta sẽ bị cuốn đi. Cách làm ăn mới của nhà máy mình sẽ được cả nước ủng hộ cho mà coi. em biết không, khi bài báo được sắp chữ, và nhất là khi báo đã in xong, nhà máy mình giống như ngày hội. Chú Thịnh cho đọc qua hệ thống truyền thanh toàn văn bài báo. Nhiều người trước kia ngần ngại, hoang mang, nay đã vững tâm lại, tin tưởng tuyệt đối vào giám đốc...

Cả thành phố đang chuyển mình với những bước đi táo bạo. Hôm rồi anh nằm mơ thấy em về với anh. Em có mơ như vậy bao giờ không? Không hiểu sao mà anh rất tin rằng đến một ngày nào đó em sẽ về với anh. Nữ hoàng của anh! Anh tin điều đó em ạ...

*

*           *      

Mười lăm giờ, tại phòng giám đốc Thịnh. Lan ngồi một mình ở xa lông chăm chú đọc cuốn sổ ghi chép của chị. Đây là lần đầu tiên chị đề nghị làm việc riêng với giám đốc nhà máy. Bản kết luận do chị viết sau quá trình thanh tra bằng phương pháp riêng của chị, cần phải được thông báo với giám đốc Thịnh, trước khi trình lên trên. Chị muốn như thế.

Từ sau ngày bị cách chức phó đoàn thanh tra, chị không gặp anh ruột của mình là Học nữa. Có lẽ anh ấy không thèm gặp mình. Thái độ của anh ấy trong lần gặp trước đã cho biết anh ủng hộ ai rồi. lan buồn rầu nhớ lại thời kỳ còn ở hà Nội, có lần chính Lan đã chứng kiến cuộc tranh luận gay gắt giữa Thịnh và Học tại nhà Lan. Lúc đó, cả Thịnh lẫn anh ruột của chị đều là phó giám đốc nhà máy. Họ mâu thuẫn với nhau rất gay gắt xung quanh việc báo cáo hoàn thành kế hoạch. Lan nhớ mãi câu nói của Thịnh hôm đó: “Nếu làm theo ý anh, báo cáo với cấp trên là nhà máy ta hoàn thành vượt mức kế hoạch, có nghĩa là chúng ta lừa dối cấp trên, tự lừa dối mình. Không gì hèn hạ hơn việc đó...”.

Thế rồi bất chấp sự phản đối của Thịnh, Học đã làm báo cáo với cấp trên - tất nhiên với bản thuyết trình khá tỉ mỉ - là nhà máy đã hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước - đó là năm thứ tám. Nhà máy được đề nghị tặng Huân chương Lao động. tất nhiên, Thịnh đã không làm ngơ. Anh đã viết bản phúc trình yêu cầu Hội đồng thi đua của Bộ cứ đề nghị tặng Huân chương lao động cho nhà máy, vì nhà máy xứng đáng được nhận phần thưởng cao quý đó. Nhưng Thịnh cũng báo cáo rõ là năm nay nhà máy không hoàn thành vượt mức kế hoạch. Con số mà Học báo cáo thực ra là con số đã điều chỉnh hai lần. Lý do không hoàn thành kế hoạch năm nay là lý do chủ quan; nhà máy không chủ động nhận vật tư, sửa chữa thiết bị ngay từ quý tư của năm trước, thành thử cả quý một của năm nay không sản xuất được, vì thiếu vật tư, thiết bị hư hỏng. Quý tư, vắt giò lên cổ, làm suốt ba ca cũng không xuể nữa.

Điều đó đã được công nhận vì đó là sự thật. Học bị Bộ phê bình rất nặng về tội báo cáo gian dối. Cho đến bây giờ, Lan mới hiểu ra thực chất của vấn đề: Vì sao Học lại mâu thuẫn với Thịnh gay gắt đến như vậy. hẳn là chuyện  đó không phải chỉ xảy ra có một lần.

Lan vẫn kiên nhẫn ngồi chờ. Thịnh từ văn phòng Tổng giám đốc Xí nghiệp Liên hiệp điện thoại về xin lỗi chị vì mắc làm việc với ông Chính, mong chị chờ cho một giờ nữa.

Trong khi Lan ngồi chờ ở phòng Thịnh thì một người khách đặc biệt đã vào thăm các phân xưởng của nhà máy. Ông dừng lại hỏi chuyện anh em thợ in đang đứng máy. Ông nghe ba Bình, Hai Bảng kể về tình hình sản xuất ở phân xưởng. Ông dễ gần gũi đến mức những người nói chuyện với ông không cảm thấy ngại ngùng, e dè gì hết. Phó giám đốc Hảo đi họp ở Sở. Lộc đi lên khu khai thác lồ ồ. Phó giám đốc Lê Phát đang ở trong phòng nhưng không hay biết gì về sự có mặt của người khách này. Ở phân xưởng chế bản, ông khách được ông Đạt và kỹ sư Hải trình bày quá trình nghiên cứu chế tạo thử nghiệm bộ matric cho máy Monophoto. Ông dừng lại ở khâu phơi bản kẽm. Ông nhắc anh em công nhân đang làm việc:

- Đây là gốc của bản in. Bản gốc đẹp thì bản in mới đẹp. Nhà máy trả lương theo sản phẩm để khuyến khích các đồng chí tăng năng suất lao động, nhưng phải đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật. Tôi rất hài lòng về các tờ báo và sách được in tại đây. Nhưng ở một số nhà máy khác, chất lượng kém lắm.

Ông hỏi một người lớn tuổi nhất, ông già Cúc, đang đứng máy in chạy giấy cuộn:

- Anh bao nhiêu rồi?

- Tôi ấy à, sáu mươi lăm rồi!

- Anh làm nghề in lâu mau?

- Từ hồi mười lăm tuổi kia. Lúc đó, tôi in nhật trình cho mấy thằng Tây. Tiếng Pháp không hà!

- Anh đang hưởng lương bao nhiêu?

- Bậc cao nhất. Lương sản phẩm thì cứ có giấy nhiều là hưởng nhiều. Từ ngày có màn làm bột giấy đến giờ cũng đỡ. Có tháng tôi lãnh ngót ngàn đồng. Còn trước kia, lúc chưa có làm bột giấy ấy à, đã có lúc tôi nản, tính bỏ đi mần chỗ khác rồi đó.

- Anh được mấy cháu rồi?

- Có hai đứa con trai bị bắt lính, chết trận cả rồi. Còn đứa con gái, nó ngồi ở phòng thường trực đó.

- À. Cháu gái ngoan lắm.

- Nó giống má nó cái nết na. - Người thợ in già không giấu vẻ tự hào - Bà nhà tôi ở nhà lo việc nhà. Từ ngày con gái vô nhà máy, bả nhớ nó lắm. Mắc cười, sáng đi chiều về mà bả cứ làm như đi Mỹ không bằng.

Mọi người xung quanh cười vui vì câu chuyện của người thợ già. Bí thư Thành ủy cùng cười rất to. Ông hỏi tiếp:

- Anh thấy làm việc bây giờ ra sao?

- So với trước kia à?

- Ừ.

- Vật dụng thiếu nhiều quá. Giấy thì không có. Mực cũng hiếm. Phụ tùng máy móc hư hỏng cả mà không có đồ thay. Xem ra làm giám đốc bây giờ khó hơn ông chủ ngày trước.

- Thế còn làm thợ?

- Điều tôi thấy đã nhất là nó thoải mái cái tinh thần. Bây giờ làm thợ không bị ai khi rẻ, không bị o ép, không sợ mất sở làm.

- Nếu có ai hỏi anh mong muốn điều gì, anh nói sao?

- Nguyện vọng à? Anh cứ hỏi giám đốc Thịnh ấy. Có lần giám đốc Thịnh đã nói với tôi về hướng đi sắp tới của nhà máy. Tôi nghe mà sướng trong dạ. Nếu hỏi nguyện vọng thì tôi chỉ mong cho cái hướng đi mà giám đốc nói, trở thành sự thực.

Bí thư Thành ủy quay qua hỏi anh em đứng xung quanh:

- Còn các đồng chí, các đồng chí thế nào?

- Dạ cũng vậy ạ! - Mọi người cùng trả lời.

Rời phân xưởng in, Bí thư Thành ủy đến phòng giám đốc. Không có Thịnh ở nhà. Lan rất ngạc nhiên khi nhận ra bí thư:

- Ủa... Đồng chí Bí thư Thành ủy! Xin chào đồng chí.

- Chào đồng chí! - Bí thư Thành ủy cười, vui vẻ bắt tay Lan - Đồng chí là...

- Thưa đồng chí, tôi là lan, nhân viên đoàn thanh tra đang làm việc ở đây ạ.

- Các đồng chí thanh tra ở đây lâu mau rồi?

- Dạ, gần ba tháng rồi!

- Ba tháng? - Bí thư Thành ủy kêu lên - Ba tháng rồi! thế đã phát hiện ra vấn đề gì nào?

- Thưa đồng chí! Nếu đồng chí hỏi kết quả của việc thanh tra thì xin hỏi trưởng đoàn...

- Còn cô? - Bí thư Thành ủy ngắt lời - Cô không nắm được sao?

- Dạ, trái lại, tôi hiểu được nhiều vấn đề. Rất tiếc là những kết luận của tôi lại trái ngược hoàn toàn với kết luận của đoàn thanh tra.

- Ủa? Cô nói sao? Thế ra cô tiến hành thanh tra riêng rẽ à?

- Cũng là bất đắc dĩ thôi. Mời anh chịu khó đọc. Tôi đã viết mọi điều ghi nhận vào đây rồi ạ.

Bí thư Thành ủy nhận tập giấy đánh máy từ tay Lan, ông ngồi xuống ghế và bắt đầu đọc. Năm phút, mười phút, rồi nửa giờ trôi qua. Chiếc đồng hồ treo trên tường điểm năm tiếng chuông. Lan lặng lẽ ngồi trên ghế hồi hộp theo dõi. Một lát, chị nhẹ nhàng rót một tách trà đặt cạnh chiếc cặp da mỏng của Bí thư Thành ủy. Ông vẫn chăm chú đọc không hề lộ một biểu hiện nào trên nét mặt. Đọc xong mười trang đánh máy, ông đọc lại những đoạn đáng lưu ý một lần rồi hai lần. Đặt xếp giấy trên bàn, ông nhìn Lan, mắt sáng lên hiền hậu:

- Cô cho tôi giữ luôn bản này được chứ?

- Dạ, được ạ.

- Cho tôi tò mò một chút nhá. Trước khi ra công tác, cô Lan học ở đâu nhỉ?

- Dạ, ở trường kinh tế kế hoạch Hà Nội.

- Cô ra trường mấy năm rồi?

- Đúng chục năm ạ.

- Cô quê ở Hà Nội?

- Sao đồng chí biết ạ?

- Nghe giọng cô nói, tôi đoán ra thôi mà, ngọt ngào, dễ thương…

- Dạ, anh Tám quá khen!

- Cô có mấy cháu rồi?

- Dạ, hai ạ. Một trai, một gái.

- Tôi vừa đọc tác phẩm của cô. Có lẽ nên gọi như thế, Lan ạ. Và tôi rất cảm ơn cô. - Bí thư Thành ủy nhìn Lan với ánh mắt trìu mến - Cô đã đề xuất nhiều ý kiến rất hay, rất quý giá trong tác phẩm này.

- Điều đó không phải do tôi sáng tạo đâu ạ!

- Sao? Thế của ai?

- Dạ, đó là những đề xuất của thực tế ạ. Thực tế của nhà máy Hy Vọng. Những suy nghĩ, cách làm của lãnh đạo nhà máy đặt ra những đòi hỏi cấp bách mà tôi nghĩ rằng cấp trên cần đáp ứng. Tôi muốn nói rằng bất cứ ai, trước thực tế sinh động như ở đây, cũng phải tự coi lại trách nhiệm của mình trước cuộc sống... Xưa nay, Đảng ta luôn luôn hô hào phải đưa nghị quyết Đảng vào cuộc sống. Đúng ra, tôi nghĩ trước hết, phải đưa cuộc sống vào nghị quyết Đảng!

Vốn là người tự tin, quyết đoán, Bí thư Thành ủy hiểu rằng cái mô hình ông đang tìm thì nay đã tìm ra, ông cần phải có biện pháp ủng hộ Hy Vọng. Nhìn vào đôi mắt đẹp của Lan, nghe cô nói, ông đáp lời:

- Đúng thế! Cô đã nhắc tôi thật đúng lúc!

- Xin lỗi, tôi không có ý...

- Không việc gì phải xin lỗi. Cô không có lỗi. Lỗi là ở tôi, ở những người lãnh đạo như tôi. Chúng tôi đã không nắm bắt được phần sôi động nhất của thực tế, không kịp thời đáp ứng những đòi hỏi của thực tế. Khi đọc phóng sự điều tra của cô Thúy Mai trên mặt báo, tôi mới biết rằng ở thành phố mình có một nhà máy Hy Vọng đang bị ngăn cản bước tiến, có một phó giám đốc Lộc bị vô cớ bắt giam, có một giám đốc Thịnh đang bị người ta tìm cách cô lập, bôi nhọ. Trước những nhân tố mới như Quốc doanh đánh cá Cờ Đỏ, Nhà máy dệt Mồng Một Tháng Năm, chúng tôi có đề xuất với Trung ương những thay đổi về cơ chế quản lý. Lẽ ra chúng tôi phải tích cực đề xuất hơn bằng việc phản ánh những thực tế sống động của các xí nghiệp, bằng việc nuôi dưỡng nhân tố mới. Nhưng… May là vẫn chưa muộn, bây giờ làm vẫn chưa muộn, đúng không cô Lan?

- Dạ. Tôi tin như vậy.

Bí thư Thành ủy nhìn đồng hồ:

- Rất tiếc là tôi phải về, tối nay có cuộc họp ở Ủy ban. Nếu anh Thịnh về, nhờ cô nói lại là tôi mời anh Thịnh sáng mai, chín giờ lên làm việc chỗ tôi.

- Dạ.

- Chào cô. Thế nào chúng ta cũng còn gặp nhau!

Lan tiễn Bí thư Thành ủy ra cửa. Kỹ sư Hải, Ba Bình, Hai bảng, ông Đạt và năm sáu anh em công nhân khác cùng ra cửa nhà máy tiễn ông. Ông tươi cười bắt tay từ biệt mọi người:

- Thế nào chúng ta cũng còn gặp nhau dài dài phải không các anh chị em!

- Mong bí thư đến với chúng tôi!

Một lát sau mới thấy xe tới đón ông. Thì ra khi tới đây, ông đã xuống xe từ xa, lặng lẽ đi bộ vào mà không ai hay.

 

Chương : 1  
Triệu Xuân
Số lần đọc: 4692
Ngày đăng: 16.04.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Khói mây Yên Tử (Truyện Trần Thủ Độ) - Vũ Ngọc Tiến
Ba nhà cải cách- Tiểu thuyết lịch sử - Vũ Ngọc Tiến
Dầu máu - Vĩnh Trà
Gia phả dòng họ Đinh - Dương Ðình Hùng
Những đàn ông và những đàn bà - Nguyễn Đức Thiện
Ðồng quê phỏng sự - Phi Vân
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Cùng một tác giả
Cõi Mê (truyện dài)
Nỗi đau (truyện ngắn)
Trả giá (truyện dài)
Bụi đời (truyện dài)
Sóng lừng (truyện dài)
Tôi không mất em (truyện ngắn)
Khát vọng (truyện ngắn)
Giấy trắng (truyện dài)