Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
954
116.656.452
 
máu hồng y
Brian Moore
Chương 1

Lời giới thiệu

 
BRIAN MOORE, người được văn hào Graham Greene xem là một trong những tiểu thuyết gia đương thời mà ông ái mộ, sinh năm 1921 tại Belfast, Bắc Ái nhĩ lan. Cuối Thế Chiến Hai, ông phục vụ trong Bộ Vận tải Quân sự của Anh. Sau chiến tranh, ông làm việc cho Liên Hiệp Quốc ở châu Âu rồi di cư tới Bắc Mỹ năm 1948, làm ký giả và nhập tịch Canada.


Từ năm 1955, ông nổi tiếng trên văn đàn với tác phẩm The Lonely of Judith Hearne — Cơn Hiu Quạnh Của Judith Hearne, một chuyện kể đầy buốt nhói về nỗi cô đơn và sự tan vỡ các ảo tưởng. Hai cuốn tiểu thuyết kế đó, The Luck of Ginger — Vận Số Của Ginger (1975) và The Great Victorian Collection — Bản Sưu Tập Quí Báu Thời Victoria (1975) đều được giải thưởng văn chương của Phủ Toàn Quyền Canada. Các cuốn tiểu thuyết khác của ông như Catholics — Người Công Giáo (1972), The Mangan Inheritance — Quyền Thừa Kế Mong Manh (1979) đều nằm trong danh sách đề cử nhận giải thưởng văn học danh tiếng Booker. Riêng cuốn Máu Hồng Y, tên nguyên tác là The Color of Blood — Màu Của Máu (1987), cùng một lúc được hai giải thưởng, The Sunday Express Book of the Year AwardCanadian Authors Association Literary Award for Fiction.


Ông hiện cùng gia đình sống ở Malibu, California, Hoa kỳ.


Tuy tác giả không nêu tên quốc gia bối cảnh Máu Hồng Y nhưng xét theo tình tiết, có lẽ đó là Tiệp khắc, một nước Trung Âu mà đại đa số dân chúng là người Công giáo.

 

Toronto, Canada                                                                       

N.U

một

Vào khoảng giữa chín giờ và chín giờ rưỡi tối, chiếc xe hơi đưa ông về Nhà Chung chạy vào Quảng trường Tuyên ngôn Ðộc lập. Trời mưa, mưa mùa hạ. Trong quảng trường, các bức tượng, các mái nhà và các đài tưởng nhiệm sủng ướt, trơn mượt; vĩa hè bóng loáng. Ông bấm chiếc đèn pin nhỏ bằng cây bút rọi vào kẹp hồ sơ, không phải để coi lại những điều ông vừa ghi trong cuộc họp mà là để đọc cuốn sách nhỏ của thánh Bernard thành Claivaux.


Bạn có nghĩ rằng con người bẩm sinh với lý trí mà không sống theo lý trí của mình thì, theo cách nào đó, không thua kém gì thú vật? Khi thú vật không tự chế được bằng lý trí thì nó có lý do vì về mặt tự nhiên, nó không được ban cho tặng phẩm ấy. Nhưng con người mà sống như thế thì không gì có thể biện minh được.

Ðôi lúc trong khi đọc thánh Bernard, ông có thể buông rơi thế giới đầy trách vụ của mình để rút vào cõi thinh lặng, nơi Thiên Chúa chờ đợi và phán xét. Nhưng lúc này, cùng với cảm giác đó, ông thấy có một chiếc xe hơi màu đen đang lạng sát vào xe mình. Ông quay mặt ngó. Người lái xe đen là một phụ nữ đầu quấn chiếc khăn lụa màu lục. Trên chiếc ghế bên cạnh cô, một người đàn ông rậm râu hai tay cầm súng lục, giơ lên, nhắm thẳng mặt ông. Trong chớp mắt, Joseph, tài xế của ông, quặt mạnh tay lái, cố ý táng xe mình vô chiếc xe đen. Sức ly tâm làm người ông bật lên, quay tròn và văng ra ngoài. Người ông rơi uỵch xuống vệ đường ẩm ướt. Trong một lúc lâu, ông nằm đau đớn, nửa mê nửa tỉnh, mắt nhìn lên bóng tối trời đêm mịt mùng.

 

Có tiếng còi xe hơi; ông nghe bước chân tiến tới gần. Từ phía trên ông, một phụ nữ trẻ đang ngó xuống, đầu quấn chiếc khăn lụa màu lục. Mặt cô ứa máu, ghim đầy mảnh kính nhỏ li ti. Ông cố nhỏm dậy, thấy trên đùi cô loang lổ vết đen đặc, chỗ máu ứa ra thấm loang qua váy. “Cô không sao chứ?” ông hỏi, một cách ngớ ngẩn và bối rối. “Cô bị thương ư?”

 

Không trả lời, cô xoay người đi thẳng, bước rất lẹ tuy khập khểnh, nhắm hướng Ðường Trung Tâm Chợ. Dòng xe cộ chạy vào quảng trường bị cuốn hút bởi tai nạn, chậm dần và ngừng hẳn. Ông đứng lên, xâm xoàng. Khi mắt đã thôi mờ mịt, ông thấy có người đàn ông đang ngồi trong một chiếc xe, nhìn ông. “Ngài...” người ấy nói, như thể đang suy tính gọi ông theo danh xưng nào. “Cha không sao chứ... thưa Ðức cha?”

 

Ông lắc đầu, chân bước tới đống đổ nát. Một số người đang cố sức nhấc chiếc xe đen ra khỏi chiếc Mercedes cũ của ông. Trong số đó, có một cảnh sát hô lớn. “Làm một lượt nào! Một...hai... ba...lên!” Với

một tiếng ầm khủng khiếp, hai chiếc xe tách ra khỏi nhau.

 

Ông nhìn xuống đống sắt bên dưới. Ông đã quá quen với sự chết. Nó thuộc phần cuộc sống hằng ngày của ông. Ông biết chính xác lúc nào cái chết đến, lúc nào một linh hồn ra đi. Thân xác của Joseph vỡ nát, một cánh tay buông thỏng trong chiếc áo tài xế, một chân vặn vẹo, bàn chân lật ngược ra đằng sau. Có điều, khuôn mặt Joseph không hề hấn gì. Bộ mặt anh xanh xao và tĩnh lặng, như thể có nhà giải phẩu điêu luyện nào đó đã lấy đi sự tinh anh nằm đằng sau bộ mặt ấy. Khi mở miệng bắt đầu lời cầu kinh thì ông chợt hiểu ra rằng Joseph không tiếp nhận được cái mà anh ấy từng ao ước nhất: sự ủi an của bí tích sau cùng dành cho người lâm tử.

 

Pháo sáng của cảnh sát xoè lên, từng ngọn xen kẽ nhau làm thành một tuyến chắn ngang quảng trường, phát ra lập loè ánh sáng màu da cam dễ sợ khi ông từ thi thể Joseph xoay mình bước về phía người đàn ông kia. Người ta đã lôi anh ta ra khỏi chiếc xe đen gãy nát và đặt nằm giữa vũng sáng đèn pha. Trên hai má đầy râu và mũi đang ứa máu của anh ta lấp lánh những mảnh kiếng vụn li ti. Khi cúi người xuống sát anh ta, ông ngửi ra mùi vodka nồng nặc. “Anh có nghe tôi nói không?” ông hỏi; bộ mặt đờ đẩn ấy quay lại, ngước lên ngó ông. Ðôi mắt trợn trừng, không biết vì căm hận hay vì sợ hãi, miệng hé ra như thể muốn nói. Rồi bộ mặt hấp hối ấy đột ngột quay qua chỗ khác như thể xô đuổi ông. Nhưng lòng thương của Thiên Chúa thì vô biên. Ông quì xuống, làm dấu thánh giá và bắt đầu cầu nguyện. Vài người đứng bên cạnh thấy vậy vội vàng lột mũ mình xuống như một dấu hiệu tôn kính. Trong khi ông cầu nguyện, hai người cứu thương đi vào vũng sáng đèn pha, đặt băng ca xuống rồi ngồi xổm, quan sát người đàn ông rậm râu. Một người nói, “Say rượu”. Người kia đứng lên, nói với người đứng kế bên, “Anh ta chết rồi.”

 

Cả hai nhấc thi hài lên đặt vào băng ca. Ông nhìn lần nữa bộ mặt rậm râu, đầy vết bầm tím ấy. Anh ta là ai? Tại sao anh ta muốn giết tôi? Joseph đã cứu mạng tôi. Ôi, Joseph.

 

Một nhân viên cứu thương bước tới, túm lấy ông, xoay người ông về ánh đèn pha, khám ông như một bà mẹ khám con mình. “Thưa Ðức cha, ngài thấy thế nào? Ngài bị thương chỗ nào?”

 

“Không, không,” ông nói, “Tôi không sao cả. Nhưng còn một người nữa bị thương. Một phụ nữ.”


“Phụ nữ?” Người cứu thương quay sang những người đứng gần đó, tìm kiếm. Một người đàn ông mặc “măng tô” bước vào vũng đèn pha loang loáng, người nổi bật đầy vẻ trịnh trọng như một diễn viên trong vũng tròn ánh sáng trên sân khấu. Người ấy nói, “Chỉ liên can có ba người, hai người chết và Ðức cha đây thôi.”

 

“Ðức giáo chủ,” có tiếng nói phát ra từ trong bóng tối. “Ông gọi ngài là Ðức giáo chủ. Ngài là Hồng y giáo chủ.”

 

Ai nói đó? Có phải người đó thuộc đám người mặc “măng tô” của An ninh Nội chính có nhiệm vụ theo dõi ông không? Dĩ nhiên là họ phải thấy rõ cảnh hai chiếc xe táng vào nhau, thấy người phụ nữ trẻ, thấy hết mọi sự. Họ là những người ngồi trong chiếc xe Lada xanh, lúc này họ ở đâu?

 

Quay về phía bóng tối đằng sau các ngọn đèn pha, ông hỏi, “Có ai trong các ông ở đây không?”


Không ai trả lời. Người cứu thương khám ông thêm lần nữa, nắm cánh tay ông. “Có phải Ðức Hồng y đang chóng mặt?” người cứu thương hỏi. “Lẹ lên. Chúng tôi chở ngài đi bằng xe cứu thương.”

 

Trong xe cứu thương, người ta đặt thi hài Joseph ở giá phía dưới. Băng ca có thi hài người đàn ông rậm râu kêu ken két khi người ta chuồi nó vào giá bên trên. Ông ngồi giữa lòng xe, bên cạnh xác Joseph. Nhiều bộ mặt ngó ông đăm đăm khi người cứu thương kéo sập cửa xe. Xe cứu thương chuyển bánh, tiếng còi hụ rúc lên dẹp đường, rồi tiếng còi im bặt khi xe lao qua những dãy phố vắng tanh, ướt đẫm nước mưa. Ông cầu nguyện cho linh hồn Joseph an nghỉ. Lạy Chúa, xin cho anh ấy được nghỉ ngơi đời đời và cho ánh sáng bất diệt chiếu sáng trên anh ấy. Ôi Joseph, bàn tay anh ấy nham nhám như gỗ, đang gấp thẳng nếp chiếc dải quấn lưng màu đỏ thẩm làm ở La mã, rồi kính cẩn đặt lên trên đó chiếc mũ vuông cũng màu đỏ thẩm. Tôi, con của một người giữ ngựa, ngày đầu tiên làm hồng y đã được chỉ giáo bởi Joseph, một nông dân xuất thân từ tỉnh Kripke. “Thưa Ðức Hồng y giáo chủ, một Hồng y thì phải để cho dân chúng nhận ra mình đúng là Hồng y, Ðức Hồng y tiền nhiệm đã nói như vậy. Ngài ấy còn nói chiếc áo choàng màu đỏ mà Hồng y mang là để tưởng nhớ máu của Ðức Kitô đã đổ ra cho chúng ta. Vậy thưa Ðức Hồng y, xin cha hãy mặc nó trong danh dự. Bây giờ cha cứ để con giúp quấn dải vải đó cho.” Joseph, ôi, Joseph.

 

Xe cứu thương lại rúc còi hụ, báo cho biết nó đã về tới và đang chạy vào sân. Ông biết rõ chỗ này: trước đây là Bệnh Viện Thánh Giá , nay đổi thành Bệnh Viện Trung Ương Thống Chế Konev. Nhân viên cứu thương đặt ông ngồi vào xe đẩy rồi đẩy ông qua các cánh cửa loại tự động bật ra khi xe đi tới. Trong hành lang bệnh viện sáng chói và nồng nặc mùi thuốc sát trùng, một số nhân viên y tế đang đứng chờ. Chắc có ai đó điện thoại báo trước ông sắp tới nơi. Một bác sĩ lớn tuổi bận y phục trắng bước ra, cung kính cúi đầu chào và hôn lên chiếc nhẫn tông truyền trên bàn tay ông đang để yên trên thành xe lăn. Rồi họ đẩy ông vô một phòng nhỏ, khám bệnh và cho ông ngồi trên chiếc bàn cao bằng thép. “Xin Ðức giáo chủ vui lòng cởi áo khoác và áo sơ mi. Có y công ở đây giúp cho.”

 

Ông làm theo lời. Người y công cắt ngược từ lai ống quần rách của ông lên, để lộ ra một vết rách chạy dọc bắp chân. Ông hỏi liệu họ có sẵn lòng điện thoại cho Nhà Chung, bảo cha Malik hay cha Finder đưa xe tới đây không. Một bác sĩ trẻ tuổi đang bắt đầu rửa sạch vết thương nơi bắp chân ông, nhìn lên, nói việc đó có người làm rồi. Lúc ấy, ông hiểu ra là chính những người mặc áo “măng tô” đã điện thoại tới đây trước. Vị bác sĩ già khám lồng ngực ông, bôi thuốc sát trùng và dán miếng băng dính vào chỗ thịt rách hoác miệng dễ sợ ở phía dưới xương vai của ông. Kế đó, mắt vị bác sĩ có ánh lấp lánh, rạng lên, chiếu thẳng vô ông. “Chỉ hơi chấn động vì va chạm mạnh. Thế thôi. Thưa Ðức giáo chủ, cha thật may mắn lạ lùng.”

 

“Có phải tên lái chiếc xe kia say rượu?” người bác sĩ trẻ vừa ngước mắt ngó ông vừa hỏi.

 

“Vậy sao?” ông nhìn người bác sĩ trẻ, nhưng nét mặt anh ta hồn nhiên vô tư lự.

 

“Ăn nhậu là cội nguồn tàn mạt của xứ sở này,” vị bác sĩ già nói. “Nó là lời nguyền rủa dân tộc chúng ta.”

 

Rồi vị bác sĩ già ra lệnh y công đưa ông tới phòng quang tuyến X. “Chỉ để cho chắc ăn.” Y công mặc cho ông chiếc áo khoác trắng, lại đặt ông ngồi vào xe đẩy. Khi xe lăn bánh dọc hành lang, một phụ nữ đẩy đà đi theo, tay cầm kẹp hồ sơ. Bà ta nói, “Xin ông thông cảm. Chúng tôi cần một số chi tiết. Ông tên thánh và họ gì?”

 

“Bem,” ông nói. “Stephan Bem”.

 

“Mấy tuổi?”

 

“Năm mươi lăm.”

 

“Nơi sinh.”

 

“Tại đây. Trong thành phố này.”

 

Trong khi nói, ông thấy cha Finder, linh mục chánh văn phòng giáo phận, mập mạp, xanh mét, đang từ phía đằng kia hành lang lật đật chạy tới phía ông. “Thưa Ðức Hồng y giáo chủ, cha thế nào rồi?”

 

“Tôi không sao cả,” ông nói. “Nhưng Joseph chết rồi. Người ta đã mang xác anh ấy tới đây. Xin cha tìm hiểu xem người ta tính làm gì với thi hài.”

 

Họ đẩy ông vô phòng quang tuyến X, cho ông nằm trên một tấm thép lạnh. “Hít vô thật sâu rồi nén hơi lại.” Ông nghe tiếng kêu vo vo và tiếng máy chụp bấm clic. “Thở ra được rồi.” Người lái xe kia say rượu ư? Có lẽ người đàn ông rậm râu say rượu, nhưng anh ta đâu phải là người lái xe. Lái xe là người phụ nữ quấn chiếc khăn màu lục, kẻ sau đó bước tới xem tôi đã chết chưa.

 

“Xong rồi. Ông mặc quần áo vào được rồi.”

 

Trong khi ông gài nút áo sơ mi thì một y tá gầy gò, hớt hãi bước vào. “Thưa Ðức giáo chủ, liệu chúng

con có giúp được gì cho ngài không? Cha dùng trà nhé?”

 

Bằng vào chiếc thánh giá trên bộ đồng phục bệnh viện, ông nhận ra bà ấy là nữ tu. “Vâng, cám ơn chị.”


“Chắc cha không nhớ ra con,” bà nói. “Chị Em Dòng Mến Thánh Giá. Con có được hầu chuyện với cha

vào dịp lễ Hăm lăm năm Linh mục của cha năm ngoái.”

 

“Vâng,” ông nói. “Vâng, tại Chernoya. Mùa xuân năm ngoái.”

 

Bà ứa nước mắt. “Tạ ơn Chúa, cha tai qua nạn khỏi, thưa Ðức giáo chủ. Xứ sở này cần cha biết mấy.”
Ðột nhiên bà bước tới sát ông, nâng bàn tay ông, nhún đầu gối mình xuống và cúi hôn lên nhẫn. Người chuyên viên kỹ thuật quang tuyến vừa từ sau bức màn bảo hộ bước ra, dừng lại, đưa mắt ngó như thể anh ta vừa chứng kiến một hành động dâm ô đồi trụy. “Ngày nay, có quá nhiều người có xe hơi,” anh ta vừa nói vừa cởi chiếc tạp dề nặng nề bằng chì của mình, treo lên mắc áo. “Những người chẳng làm được tích sự gì cho đất nước.” Ông nhận ra là với câu nói đó, người chuyên viên quang tuyến đặc biệt nhắm vào ông. Phát biểu đó là lời tuyên xưng đức tin. Người rọi quang tuyến ấy không tin vào Thiên Chúa mà tin vào Ðảng.

 

Khi họ đẩy xe ông ra khỏi khu quang tuyến X thì cha Finder đang cùng vị bác sĩ già chờ ở hành lang. Cha Finder là người tốt nhưng thường hốt hoảng quá đáng. Người ta không thể thổ lộ hoặc thảo luận với cha về một số vấn đề nhất định như với cha Kris Malik.

 

“Con có cho cha một số thuốc ngủ,” người bác sĩ già nói. “Con cũng có nói với cha Finder là phải để cha nghỉ ngơi trong vài ngày sắp tới.”

 

“Bác sĩ ạ, tôi không bao giờ dùng thuốc ngủ. Và trong mấy ngày tới, tôi có việc quan trọng phải làm.”

 

“Dĩ nhiên là tùy cha,” người bác sĩ nói. “Nhưng cha bị té nặng lắm. Cha thoát được mà chỉ bị thương nhẹ

như thế thì quả thật phép lạ.”



 

 

 

 

 

 

 

Chương : 1   2    3    4    5    6    7    8    9    10    11    12    13    14    15    16    17    18    19    20    21    22   
Brian Moore
Số lần đọc: 1624
Ngày đăng: 21.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về Từ Cõi Chết 3: Tai Nạn - Elie Wiesel
Về Từ Cõi Chết 2: Rạng Sáng - Elie Wiesel
Casanova ở Bolzano - Márai Sándor
Về từ cõi chết - Elie Wiesel
Mắt xanh mỏ đỏ - Gào
Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời - Imre Kertész
Quỷ Trần Gian - Thái Bi
Đi tìm thượng đế - Trường Thanh
Vì ta cần nhau ! - Đổ Quỳnh Anh
Biết đâu địa ngục thiên đường - Nguyễn Khắc Phê
Cùng một tác giả
máu hồng y (truyện dài)