Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
717
116.676.192
 
MƯỜI BA BẾN NƯỚC : Từ văn chương sang điện ảnh.
Nguyễn Hoàng Đức

Thật lạ lùng và kỳ diệu đến gai lòng khi trôi từ MƯỜI BA BẾN NƯỚC của nhà văn Sương Nguyệt Minh qua tay nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền để trở thành bến nước mười ba trong điện ảnh với tất cả hiệu quả thị giác, với nhân vật bằng xương thịt, cảnh con đò, bến nước, cây đa, cánh đồng mang những mảng màu sáng - tối, những đám mây u uẩn mang tâm trạng dịch chuyển, và sóng dòng sông gợn đến cồn cào…

 

Dù được chuẩn bị trước tâm thế, nhưng tôi vẫn không khỏi bị chìm lút trong bời bời những hình ảnh lớp lớp trôi nổi các dòng đời, thời đại, thân phận đan xen, dịch chuyển, xoáy lốc, quấn quýt nhau; đặc biệt là thân phận của những người phụ nữ trong và sau chiến tranh. Nếu nàng Tô Thị có một bi kịch câm lặng, là nàng đã hoá đá vĩnh viễn sau cuộc chia tay với bạn đời; thì trái lại nhân vật người đàn bà trong MƯỜI BA BẾN NƯỚC vẫn hít thở da diết mòn mỏi trong đợi chờ. Chiến tranh kết thúc, người chồng khoác ba lô trở về vấp phải ngay bi kịch: sự đàm tiếu của dân làng về trinh tiết của cô vợ… chưa hết, chồng còn mang theo một căn bệnh quái ác - nhiễm chất độc màu da cam. Ngày động phòng của đôi uyên ương chỉ chính thức xảy ra trong lần gặp sau bao nhiêu năm tháng đợi chờ chiến tranh khốc liệt và biền biệt… Những tưởng ái ân đã để lại phía sau bao nhiêu chiến trường khốc liệt, bao nhiêu đợi chờ, bao nhiêu khát khao sẽ là điều kiện lý tưởng để đơm hoa kết trái; nào ngờ, đúng lúc mọi người đón chờ niềm vui cô vợ trẻ lần đầu tiên trở thành người mẹ, thì nàng lại sinh ra một bọc quái thai. Nàng đã hét lên, vật vã, và ngất lịm… Nhưng, bi kịch vẫn chưa buông tha nàng, bởi lẽ di chứng chất độc hoá học vẫn còn nằm sâu trong cơ thể Lãng - chồng nàng. Rồi lần thứ hai, thứ ba…nàng vẫn chỉ sinh ra quái thai. Trong lúc thất vọng tột cùng, nàng lao xuống dòng sông để đòi dòng sông - nơi có huyền thoại con thuồng luồng bắt trẻ em, phải trả lại con cho nàng.

 

Nhà văn Sương Nguyệt Minh rất tâm đắc, cũng như đã từng chú mục để xây dựng hình ảnh trung tâm là người phụ nữ mang bi kịch “Vọng phu thời đại mới” này trong truyện ngắn MƯỜI BA BẾN NƯỚC. Lẽ ra tên đầy đủ của nó phải là NGƯỜI ĐÀN BÀ MƯỜI BA BẾN NƯỚC. Điều đó biểu tượng rằng: Lẽ ra cuộc đời người phụ nữ chỉ truân chuyên mười hai bến nước; nhưng người phụ nữ thời chiến tranh gánh di hậu chất độc màu da cam do bom Mỹ để lại còn bị xô dạt, trôi nổi thêm một bến nước nữa - bến thứ mười ba. Bến làm vợ đợi chờ chồng ra trận nơi hòn tên mũi đạn, mòn mỏi trong chiến tranh mà không được làm mẹ. Cái đau đớn, tê tái ở bến mười ba này là người vợ không phải vô sinh để làm gái tân vĩnh viễn, chị vẫn hữu sinh mà không một lần làm mẹ… Những lần sinh nở ra quái thai, quái thai bị trôi sông biệt tích; nhưng người đàn bà còn đó phải gánh lấy nỗi đau danh dự như chính tâm hồn mình bị tật nguyền. Truyện ngắn và phim gặp gỡ nhau, cộng hưởng và thành công ở những trường đoạn này.

 

Người đàn bà truân chuyên qua MƯỜI BA BẾN NƯỚC bã bời, khốn khổ khốn nạn dường như vận vào truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh chưa hết lại vận vào phim. Có dăm ba nơi thấy tác phẩm văn học “có tích mới dịch nên trò” liền muốn ôm lấy để làm phim…Trôi và tuột nhiều lần, rồi rút cục, nhà thơ - nhà biên kịch Nguyễn Anh Nông (bạn thân nhà văn Sương Nguyệt Minh) đã “vồ” được để chuyển thành kịch bản. Tưởng rằng nhà thơ “nhũn nhẹo” trong ngôn ngữ kịch bản; ấy vậy mà Nguyễn Anh Nông, sau đó là Đặng Thái Huyền đã cùng nhau lựa chọn và thể hiện bằng những ngôn ngữ rất nhiều phẩm chất đối thoại: đối chọi lúc chan chát, lúc dịu dàng chan chứa tình cảm… thể hiện nội dung xung đột, gây ám ảnh và tạo ấn tượng sâu sắc…

 

Nhưng, cái truân chuyên đáng lạ hơn hết có lẽ là cái duyên của truyện ngắn và phim. Nhân vật trung tâm là đàn bà lại được chuyển thể điện ảnh qua tay bà đỡ là một người con gái trẻ trung, xinh đẹp sinh năm 1980. Đúng là đàn bà dễ có mấy tay? Người ta thường nói rằng, phụ nữ vẽ phụ nữ nuy (nude) chẳng bao giờ đẹp cả; bởi một lẽ giản đơn: chị em không thể nghịch tính để yêu quý, chiêm ngắm những đường cong thuộc giới của mình. Và nhà văn Sương Nguyệt Minh lúc chuyện trò vui vẻ cũng kể lại: “Biết cô gái đạo diễn “trẻ ranh” làm phim MƯỜI BA BẾN NƯỚC, mình đã kêu lên trong lòng rằng: “Trời đất ơi! Đứa con đẹp khó đẻ của mình sẽ được đỡ lên phim bằng cách nào?” MƯỜI BA BẾN NƯỚC là một truyện ngắn hiện đại viết bằng bút pháp Hiện thực - Huyền ảo vừa dữ dội, ám ảnh vừa lung linh, trữ tình được Giải thưởng Báo Văn Nghệ, có dung lượng lớn như một tiểu thuyết cỡ nhỏ, chuyển thể điện ảnh là một thách đố không dễ của biên kịch và đạo diễn.

 

Nữ đạo diễn trẻ Đặng Thái Huyền nói rằng, chị làm phim chịu hai áp lực lớn: Một là, kinh phí hạn chế nên không thể làm theo ý mình. Hai là, MƯỜI BA BẾN NƯỚC là truyện ngắn về chiến tranh quá hay, đã đi vào lòng bạn đọc, nó có đời sống riêng, có vị trí riêng trong văn học đương đại suốt 5 năm qua. Làm không hay thì ngượng với đồng nghiệp, với các nhà văn, với bạn đọc và khán giả.

 

Dù rất kỹ lưỡng và khó tính khi tiếp nhận văn chương nghệ thuật, Sương Nguyệt Minh cũng công nhận rằng: “Phim của nữ đạo diễn trẻ Đặng Thái Huyền chủ yếu khai thác câu chuyện số phận người đàn bà Việt Nam trong và sau chiến tranh, gắn với tình yêu và những mất mát nghiệt ngã, bằng cái nhìn nhân văn sâu sắc. Phim không hề có đại bác, xe tăng, bom đạn, máu chảy, người chết, khói lửa chiến tranh…mà vẫn ra phim về chiến tranh. Thành công của phim truyện MƯỜI BA BẾN NƯỚC của nữ đạo diễn trẻ Đặng Thái Huyền như một thông điệp gián tiếp khẳng định: Những tác giả sinh ra khi chiến tranh đã kết thúc, chưa một ngày ra trận vẫn có thể viết, vẫn có thể làm phim hay về chiến tranh, nếu như có tài năng và tâm huyết với đề tài Chiến tranh và Người lính”.

 

Tất nhiên, Sương Nguyệt Minh có thể vừa lòng với câu chuyện số phận người đàn bà trong và sau chiến tranh được chuyển tải lên phim bằng phương pháp hiện thực nghiêm ngặt sâu sắc. Nhưng, tôi biết ông không thoả mãn với phim khi các yếu tố huyền ảo đậm chất dân gian ở truyện ngắn bị lược bỏ tối đa. Khát vọng của ông từ truyện ngắn lên phim phải là một phim truyện nhựa hoành tráng vừa hiện thực vừa huyền ảo, vừa khốc liệt dữ dội ám ảnh vừa lung linh trữ tình. Biết làm sao được, “lực bất tòng tâm” khi kinh phí làm phim rất hạn chế. Ngay cái việc phục dựng lại không gian nghệ thuật cho các nhân vật sống cách đây 40 năm cũng là điều khó khăn tưởng chừng  như không vượt qua. Cái bến đò có cây đa trong truyện ngắn, những người làm phim đi tìm khắp đồng bằng bắc bộ không giống, không thấy, chỗ có thì bến đã kè đá, dây điện cao thế giăng mù mịt, đến con đò gỗ cũng không. Tôi nghĩ: Nếu quay cảnh huyền ảo một vạn cái bè chuối vây quanh thuyền không cho cô Sao sang sông thì phải mua và chặt cả một rừng chuối hột. “Cái khó bó cái khôn”, mong muốn thì lớn nhưng không phải lúc nào cũng làm được..

 

Riêng tôi, lâu nay vẫn thường ác cảm với phim Việt Nam theo kiểu “phở mậu dịch, kịch ti vi”; vậy mà sau khi chăm chú xem bộ phim MƯỜI BA BẾN NƯỚC, tôi đã giật mình, thấy đáng nể một đạo diễn trẻ Đặng Thái Huyền  - phái đào tơ liễu, lại có thể chuyển một truyện ngắn hay đã quen thuộc với bạn đọc lên phim thành công như vậy. Trước hết, đó là một thái độ làm phim hết sức nghiêm túc, kỹ lưỡng đến mức kính cẩn của đạo diễn, diễn viên và ê kíp làm phim. Tất cả các cảnh đều được dàn dựng một cách thật chú mục, chứ không phải lối diễn cho qua, ăn đấu làm khoán theo kiểu tem phiếu mậu dịch cho xong; mà thấy rõ mọi người đều giành trọn tâm huyết cho nghệ thuật. Có thể nếu là hoạ sĩ thì Đặng Thái Huyền vẽ chân dung các người mẫu nữ cũng không đẹp; nhưng trong vai trò đạo diễn, chị đã đồng hành cùng thân phận cũng như vai diễn chức năng của nhân vật. Chị mang nỗi thông cảm, sự hiểu biết, niềm chia sẻ, cả việc giơ vai gánh lấy không phải với thái độ người bên ngoài mà là ý nghĩ và tấm lòng đồng hành của người cùng đi đường từ thẳm sâu giới tính cũng như bản thể của mình.

 

Sự nhiệt huyết, mối đồng cảm rất lớn mà giới nghệ thuật vẫn gọi là ensemble - tức là hoà hợp - hoà thanh - hay hoà điệu đan lồng vào các nhân vật như thể nước không tách dời sóng và ngược lại. Điều đó đã truyền cảm và tạo hiệu quả dây chuyền cho các diễn viên và ê kíp làm phim. Nữ đạo diễn kể: Bộ phim toàn cảnh sông nước và nó vận - ứng ngay vào việc làm phim diễn ra đúng lúc Hà Nội và các vùng phụ cận chìm trong biển nước lịch sử năm 2008.

 

Nhân vật cô Sao (vợ anh bộ đội Lãng) do nghệ sĩ Hoàng Lan (Đoàn kịch Công An) đóng, từ lâu không nhận vai diễn vì chưa có vai mình ưng ý. Vậy mà, khi đọc truyện ngắn và kịch bản phim MƯỜI BA BẾN NƯỚC xong, chị rất thích, dù đang bị viêm phổi chị cũng đồng ý nhận vai diễn, và vào vai người phụ nữ cứ phải lội bì bõm, lặn ngụp dưới nước lạnh của mùa đông. Vai Sao quả là thành công! Thành công vì đã vượt qua độ khó của nó. Trên vai Sao là một tấn bi kịch vón lại những đau khổ gieo từ những đám mây màu da cam ở chiến trường đổ xuống. Bờ sông quê hương êm ả, nơi nhú lên một ngôi nhà thôn dã, tưởng như không cách gì gánh nổi bi kịch “hậu vọng phu thời đại mới”.

 

Nhân vật Lãng đi lính về, (do diễn viên Việt Thắng ở Đoàn kịch Công An đóng) là một nhân vật mang theo bản lề xoay chuyển. Anh không phải là người lính quen theo khúc khải hoàn ca nữa, mà để lại khói lửa sau lưng anh đã kịp xoay mình bước vào căn phòng hạnh phúc lứa đôi, để phải đối diện với chính bi kịch. Và từ đó, anh nhận diện sự chấp nhận, thể tất và bao dung…

 

Nhân vật Tào do nghệ sỹ ưu tú Trung Hiếu ở Nhà hát kịch Việt Nam đóng, bằng tài năng, anh đã thể hiện tính đa nhân cách của nhân vật. Tào sống chân thành, yêu thương Sao tha thiết. Trước khi ra chiến trường, lẻn về quê thăm người yêu một lần và bị bắt, bị hiểu lầm là đào ngũ…; lại vô tình bị giải qua mắt người yêu trong ngày rước dâu, Sao về nhà chồng. Một mối tình không thành nhưng bất diệt; nhưng hơn thế, Tào còn mang nỗi đau của chân lý: một người đàn ông dám làm, mà không cam chịu. Và Tào cứ thấp thỏm mãi đi tìm dịp gặp Sao, mong nói cho Sao một lần hiểu. Tào quá yêu mà mù quáng, hành động sai chứ không phải hèn nhát.

 

Bộ phim mở đầu bằng bước đi chuyển tiếp của hài kịch, mong thay đổi bi kịch chụp lấy cuộc đời Sao. Sau ba bốn lần đẻ quái thai, Sao đã tự nguyện cưới vợ cho chồng, rồi bỏ đi về nhà mẹ đẻ… Trong lúc Tào đang quây quần bên cạnh, để xây hạnh phúc nơi mối tình chưa bao giờ thoả - sắp được thoả; Sao nghe tin cô vợ mới của Lãng cũng lại đẻ quái thai, đã bỏ đi. Một tiếng gọi giống như bổn phận, như lương tâm kêu lên trong lòng Sao, cô liền gạt đi tất cả, sang sông trở lại với chồng cũ. Người chở Sao sang sông quay về lại chính là Tào - một người chờ bao nhiêu năm, và một chú rể hụt ngay trong tầm tay…

 

Ngoài nhân vật ra, bộ phim còn rất chú trọng đến chuyển cảnh và bài trí ánh sáng… làm thành một tổng phổ: khung cảnh, ánh sáng và diễn xuất.

 

Tất cả hiệu quả đó nổi lên nhờ bàn tay của nữ đạo diễn trẻ Đặng Thái Huyền rất nhiều. Chúc mừng Đặng Thái Huyền, chúc mừng nhà thơ – nhà biên kịch Nguyễn Anh Nông cùng các diễn viên, ê kíp làm phim đã thực hiện bộ phim MƯỜI BA BẾN NƯỚC thành công, nhảy vọt về nghệ thuật và lao động nghệ thuật nghiêm túc. Tất nhiên, còn phải kể đến truyện ngắn thật hay với bút pháp hiện thực - huyền ảo có nhiều tích, nhiều trò của nhà văn Sương Nguyệt Minh, thêm một lần nữa phô mình trên màn ảnh.

 

Hà Nội, 21.04.2009

Nguyễn Hoàng Đức
Số lần đọc: 5868
Ngày đăng: 08.07.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguồn gốc của tên gọi Nghệ thuật thứ bảy. - Vũ Quang Chính
Cũng một đời nghệ sĩ - Hoàng Nguyên Nhuận
ĐIỂM PHIM: Đàn Bà Trên Đời - Phim Truyền hình Hàn Quốc. - Lê Xuân Quang
ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM: Nên Xã Hội Hóa hay Tư Nhân Hóa? - Lê Xuân Quang
Oan oan tương báo ! - Lê Xuân Quang
Xem phim Hàn Quốc - nghĩ về phim mình! - Lê Xuân Quang
Từ tác phẩm văn học đến màn ảnh: những cộng hưởng muộn màng - Việt Quê
Dự án phim lịch sử Thái Tổ Lý Công Uẩn 200 tỷ - miếng bánh chia phần?! - Võ Thâm
Cuộc đấu sinh tử - Lê Xuân Quang
Xem vở Bàn tay của trời: Tránh trời sao khỏi nắng (*) - Ngô Thị Kim Cúc