Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
779
116.646.718
 
Chữ ký
Phùng Văn Khai

Người đàn ông nhỏ bé bước vào phòng. Gã có thói quen mở cửa phòng khi làm việc, cửa sổ phía sau cũng mở toang cho ánh sáng tha hồ dọi vào đám công văn giấy tờ la liệt trên chiếc bàn lớn. Gã ngẩng nhìn người đàn ông. Người khác có thể sửng sốt nhưng gã thì không. Gã đã nhìn thấy anh từ chiều hôm qua, người đàn ông dị dạng cao chỉ chừng một mét với mái tóc xoăn lòa xòa và cặp mắt lồi quá khổ nhiều lòng trắng có thể gây hoảng hốt cho bất kỳ  ai đột nhiên bắt gặp hoặc ái ngại khi nhìn thấy. Người đàn ông dường như đã quen với những ánh mắt thiếu thiện cảm dành cho mình. Anh khẽ nở một nụ cười trên cặp môi tí hin tiến về phía gã. Gã đứng lên cúi thấp người chìa tay nắm bàn tay ngắn cũn với vẻ mặt niềm nở. Người đàn ông bảo hôm qua tôi vào phòng anh thấy đóng cửa. Anh cho tôi xin chữ ký. Nói rồi anh ta đợi gã ngồi xuống. Gã xoay người tìm chiếc bút. Quái quỷ, chẳng có chiếc bút nào trên đám giấy bừa bộn. Người đàn ông nhanh nhẩu lôi từ chiếc cặp đã sờn to tổ bố ra chiếc bút dúi vào tay gã. Gã lướt ánh mắt lên tập giấy đã chi chít chữ ký khe khẽ lắc đầu như muốn nói chẳng ăn thua gì đâu ông bạn, mọi thứ đã lùi vào quá vãng từ lâu bây giờ đào bới lên làm gì, chỉ lợi lộc những người xúi bẩy. Người đàn ông thấy gã thoáng chần chừ, đôi mắt nhìn như cầu khẩn, nửa như khinh bỉ. Gã hiểu rất nhanh ánh mắt ấy và hỏi chỗ cần phải ký. Gã ký đậm, rõ ràng, đầy đủ ngày giờ và họ tên. Người đàn ông gấp cuốn sổ, thong thả cho vào cặp, cảm ơn quay người bước khỏi căn phòng. Gã rời khỏi ghế, đầu óc rộn lên vóc dáng và ánh mắt người đàn ông. Nhiều tháng nay trên ti vi, người ta đang bàn nhau thực hiện một chương trình kiện cáo. Theo thông báo sơ bộ, phe của những người yếu thế bị bác đơn. Cuộc đời bao giờ chả thế, cứ gì nơi xa xôi. Chuyện kiện cáo xưa nay chưa bao giờ hay ho với gã. Cuộc đời gã toàn thua kiện, hết keo này đến keo khác. Người đàn ông đi bao nhiêu cơ quan, đi bao nhiêu ngày tháng để cuốn sổ dày dặn có bọc da cẩn thận chi chít những chữ kỹ. Có những chữ ký của trẻ con nghuệch ngoạc bằng rất nhiều màu mực khác nhau. Có những chữ ký sắc như dao, hằn xuống mặt giấy sự uất hận vô tả của người cầm bút. Người đàn ông xin chữ ký thường đi bộ, anh ta đã đi khắp nơi trong cái thành phố này, nửa năm nay gã giáp mặt với anh nhiều lần ở các cơ quan, kể cả chốn công quyền. Người ta hoàn toàn có thể kiên nhẫn một việc làm nhàm chán dù chỉ với một tia hy vọng nhỏ. Điều này thì gã quá hiểu. Những tháng ở trong trại giam đã cho gã sự kiên nhẫn vô hạn mà người thường không thể biết được. Gã bị bắt vào một chiều mùa đông. Những người đến giải đi chỉ giải thích rằng gã bị tình nghi vào một đường giây nói sai sự thật trong vụ án lớn. Cả cơ quan ngạc nhiên vì gã vốn là một người hiền lành, an phận, viết lách trung bình và tuyệt đối xa rời những gì mà người ta bảo là chính trị. Sau vài tháng thẩm tra, gã được trả lại cơ quan, người ta không đe nẹt nhưng cũng không xin lỗi gã. Gã sống độc thân, từ miền hẻo lánh lên thành phố làm việc nên cũng chẳng oán thán gì. Mọi người trong cơ quan biết gã vô tội, bị nhầm lẫn. Mọi chuyện cũng chìm vào im lặng. Gã chẳng kêu cầu kiện cáo gì vì biết cũng chẳng ăn thua. Gia đình gã từng lụi bại vì kiện cáo. Nay gã thấy người đàn ông nhỏ bé dị dạng đi làm cái việc ấy gã bỗng thấy chạnh buồn. Gã nghĩ về bước đường phía trước của người đàn ông khẽ thở dài. Gã đi lại trong phòng rồi quay trở lại chiếc bàn làm việc vừa bộn giấy tờ trong lòng vô cùng trống trải.

 

Người đàn ông trở về căn phòng của mình vào lúc mười hai giờ. Hôm nay anh xin được hai mươi bảy chữ ký trong đó có sáu người nổi tiếng. Anh tự nhủ trong việc này nổi tiếng cũng chẳng ăn thua, vấn đề ăn nhau ở số lượng. Anh đặt chiếc cặp da cũ lên mặt bàn. Trên bàn có một bức ảnh lớn chụp anh đang nhận phần thưởng của mấy người ngoại quốc. Những người trong tấm ảnh cúi thấp xuống trao tặng thưởng. Khuôn mặt họ hiền từ. Người đàn bà bên phải nép mái đầu vào anh. Phía sau nền phông là hình trăng lưỡi liềm đỏ rực. Anh nhìn thấy phía bên dưới, rất nhiều người đứng ngồi lố nhố, phần lớn là trẻ con. Những khuôn mặt nửa hân hoan nửa buồn rười rượi. Những cánh tay teo tóp, quăn queo không cử động. Có khuôn mặt có ba mắt, có khuôn mặt có nhiều tai nhưng không khuôn mặt nào có râu dù tóc họ đen, có người quăn lòa xòa trên những vầng trán hóp lại hoặc lồi ra. Phía sau là những người đàn ông và những người đàn bà lành lặn, phần lớn là người nước ngoài ăn mặc lịch lãm, luôn tươi cười trìu mến nhìn nhau và nhìn đám người ngồi phía trước. Không khí buổi trao giải thưởng diễn ra trong vô số ánh đèn plat và tiếng máy quay phim xè xè. Không mấy người biết, ở mấy dãy nhà đằng xa kia, trong những chiếc chuồng bằng gỗ như những chiếc cũi khổng lồ, còn vô số những con người, phần lớn là rất trẻ, có người mới vài ba tháng tuổi, có người dăm sáu tuổi, có người ở độ tuổi thiếu niên, thanh niên, có người bắt đầu vào độ tuổi trung niên đang nô đùa trong những chiếc cũi gỗ. Thường họ thiếu hoặc thừa cái gì đó trên cơ thể, những cơ thể rất bẩn, luôn đẩy ra những mùi rất khó chịu. Những ánh đèn plat tiếp tục nhóa lên, tiếng máy quay phim chạy xè xè. Người ta tiếp tục đọc diễn văn. Những bó hoa tươi được chuyển lên trong tiếng vỗ tay rào rào và những khuôn mặt ngơ ngác, ú ớ. Người đàn ông ngập trong hoa và tặng thưởng. Một lúc nữa, khi những chiếc xe bóng loáng êm ru nối đuôi nhau chạy về những khách sạn sang trọng anh mới thấy rệu rã, muốn đổ vật xuống thiếp đi một giấc. Có tiếng người quát làm anh sực tỉnh nhớ đến bổn phận của mình. Người đàn ông đưa đám người ngơ ngác về những chiếc chuồng gỗ to nhỏ, cao thấp khác nhau cho đến sẩm tối mới xong. Khi đêm xuống, chỉ còn một mình trong căn phòng nhỏ với vô số hoa tươi. Người đàn ông lặng lẽ vác từng bó hoa đem về phía chân cột cờ phía trước lặng lẽ để xuống. Sương đậu xuống cánh hoa. Trong đêm, ngàn vạn cánh hoa như những con mắt đen thẫm giương lên không chớp. Trong những chuồng gỗ của khu nhà ánh điện được giảm bớt. Những tiếng cười quái dị, cả tiếng khóc, cả tiếng hát ngọng nghịu thoát ra từ những chiếc chuồng gỗ phảng lên trời đêm. Những đêm nhiều sao, toán người ca hát đến gần sáng, khi mệt lử, nhớt rãi nhỏ ra họ mới thiếp đi, tiếng hát im bặt. Người đàn ông không ngăn những ý thích ấy của đám người. Chính anh cũng đã nhiều lần gào lên, trong hoang mang và hỗn loạn.

 

Gã nghĩ nhiều đến người đàn ông. Không biết rồi sự việc sẽ kết thúc ở đâu? Mọi sự rồi sẽ đi đến đâu trong thế giới hỗn mang. Gã biết những chữ ký là niềm vui vô hạn của ông bạn. Gã đã từng đi làm việc này hồi còn là sinh viên. Hồi ấy, người ta đương gom một triệu chữ kỹ ủng hộ một tổ chức hòa bình, một công việc mà sinh viên luôn hăng hái tham gia, kể cả trong đói khát. Sau này khác. Gã ngộ ra rằng, làm được điều gì cứ làm nhưng càng ít tranh luận càng tốt. Người đàn ông kia luôn lặng lẽ. Trình bày với nhau để làm gì. Cái việc đi xin chữ ký ấy ai mà chẳng biết, đài báo ti vi đưa ầm ầm lẽ nào anh chị tiếc một chữ ký. Bản thân gã, đã một lần suýt bị kỷ luật vì đưa lên một vụ việc lẽ ra phải im lặng ở một làng quê vùng lúa. Khi ấy gã là phóng viên tập sự đang rất hăng nghề. Trong một chuyến công tác về vùng quê lúa, gã vớ được một câu chuyện rất đáng thương. Đó là chuyện người đàn bà ở trong chiến trường ra, chị sống ở ngôi chùa bỏ hoang cạnh đình làng. Chị rất đẹp nên cái đình nhanh chóng xôn xao. Hàng đêm, tiếng chó cắn, tiếng người thậm thịch, tiếng trâu bò gõ móng bồm bộp lẫn trong tiếng thở dài thườn thượt. Chị được trả từ bệnh viện tâm thần khi cuộc chiến kết thúc. Từ một người xanh xao, đầu bù tóc rối, luôn im lặng như cái bóng ở góc đình chỉ mấy năm chị lột xác hẳn. Mỡ màng, căng mẩy, mái tóc dài như suối vấn vít, len lỏi bên những rễ đa rễ si buông từ trời xuống. Rất nhiều xe commăngca tìm đến ngôi đình. Đám chức sắc luôn phải tiếp các đồng đội của chị. Chị nói và cười, chị đung đưa, chị ngấm nguẩy trước những đàn ông càng ngày càng đến nhiều với chị. Chị hoạt bát trong sự chào đón của dân làng. Người ta bầu chị vào đội sản xuất, người ta bầu chị vào đội văn nghệ, người ta bầu chị vào ban lãnh đạo hợp tác xã. Họ chỉ còn thiếu rước một ông cán bộ đặt vào ngôi đình sống với chị hoặc rước chị ra khỏi ngôi đình đặt vào một căn nhà ấm cúng của ông cán bộ. Đang phơi phới như thế chị có thai. Chị vẫn hân hoan niềm nở mặc kệ những nghi kỵ, lườm nguýt của mọi người. Chị bỏ đội sản xuất, đương nhiên. Chị bỏ hợp tác xa, đương nhiên. Những ngày ấy chị sống bằng gì chỉ có trời mới biết. Từng ở chiến trường, từng vào sống ra chết, chị sá gì miệng lưỡi thế gian. Bao nhiêu người bỏ xác ở trong ấy mấy ai biết đến họ bây giờ chị sinh ra một con người chị bất chấp tất. Ngôi đình là mái nhà cũng là pháo đài của chị. Tổ chức không dám dây với chị. Chị đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân của mình, người ta đã từng giải thích, động viên và hứa hẹn chị ngày lên đường bây giờ lẽ gì mạt sát người chiến thắng. Những bà lão lưng còng tóc bạc có con trai con gái duy nhất không về tìm đến với chị. Cả những ông lão thương binh sống một mình sau khi cống hiến những đứa con cuối cùng luôn chở che chị. Cái làng cũng lạ, thời ấy mà đã như cái nôi che chở người đàn bà không chồng mà chửa. ở một đất nước bao nhiêu hủ tục cũng có không ít những ốc đảo như thế. Ngày tháng thoi đưa, ngày sinh nở cận kề, những bà lão cắt cử nhau ở bên người con gái của làng, đón chờ tiếng khóc trẻ con, làng này cũng đã lâu không có tiếng trẻ con khóc. Rồi cái gì đến thì cũng đến. Đêm chị sinh, bầu trời u ám. Đêm ấy là một đêm đông, trời tối đen như mực. Những bà lão mắt kém đốt những ngọn đèn dầu vây quanh chị. Mụ đỡ được các bà vời về hôm trước đang loay hoay từ chập tối. Tiếng rên của chị đã bắt đầu nhỏ dần, lịm đi bên những mái đầu bạc. Những chiếc khăn xô lệt xệt ướt át khô quăn, cứng quèo. Đã có những tiếng thở dài cất lên. Mụ đỡ, một người lão luyện nổi tiếng khắp vùng khuôn mặt đanh lại như đang suy nghĩ điều gì ghê gớm. Mụ xắn cao đôi tay áo nâu bạc, bóng mụ đổ lên vách tường trong ánh đèn dầu nhập nhoạng hằn một khối hình thù kỳ quái. Mụ khấn thầm những điều không ai nghe rõ rồi mụ làm động tác gì đó trong ánh đèn đang lụi. Một cục thịt đen thẫm, lầy nhầy, hình thù kỳ dị hiện dần, hiện dần dưới bàn tay. Không nghe thấy tiếng khóc. Những bà lão dớn dác nhìn vào mặt nhau. Cả một đời dài dặc bây giờ họ mới giáp mặt với giây phút này. Khối đen thẫm ngọ nguậy trong tay mụ đỡ. Mụ bàng hoàng kêu trời rồi chới với ngã sấp xuống đám xô chậu máu me. Một cơn gió bấc thổi vụt đến. Ngọn đèn dầu cuối cùng tắt ngóm, im lặng rợn người. Không nghe thấy tiếng mụ đỡ. Không có tiếng khóc cất lên trong đêm. Khi ánh đèn le lói cũng là lúc chị tỉnh dậy. Rồi chị ngất đi khi nhìn thấy hình hài yêu thương chờ đợi của mình. Khối đen thẫm phập phồng, phập phồng. Mụ đỡ sau cơn choáng váng nằm bệt góc nhà không nói không rằng. Những bà lão ngồi sát vào nhau, những sợi tóc trắng lưa thưa bay dạt về một phía. Có ai đó bế hòn máu đặt sát vào chị. Chị nghiêng người ôm nó vào mình. Có ai đó đắp thêm cái mền bông và loay hoay che ngọn đèn dầu. Ngoài kia dòng sông gầy guộc mùa đông đang thở, đang hát khe khẽ những lời chỉ cỏ cây mới hiểu. Là một người thông minh, trong những giọt nước mắt đớn đau, chị hiểu ngay hoàn cảnh của mình. Thuở bé, chị từng được nghe kể về những hoàng hậu, hoàng phi xinh đẹp tuyệt trần được vua sủng ái chỉ sau một đêm sinh ra những đứa trẻ dị dạng, quái thai lập tức ngày hôm sau cả ba họ, chín họ lên đoạn đầu đài. Khi còn ở chiến trường, các chị cũng nghe nói phong thanh về nó nhưng không ngờ nó lại giáng lên đầu mình, ngay trong đêm đông này, ngay khi danh phận của chị đang còn quá nhiều bàn cãi. Rồi ngày mai, sự thật này vỡ ra, những ả lắm điều, những gã ve vãn, những tay đội trưởng sản xuất háo sắc sẽ tung tin đồn nhảm. Có thể lắm, bọn chúng sẽ vu chị phạm huý đình đền lên bị phạt rồi tìm cách tống cổ chị ra khỏi làng, rời khỏi những bà mẹ tóc trắng. Các mẹ một đời lam làm, oan khuất che chắn thế nào được miệng lưỡi bọn chúng. Chị không còn nước mắt để khóc. Chị sợ trời sáng. Những người đàn bà ở xung quanh cũng sợ trời sáng.

Người đàn ông bước về phía dãy nhà. Bầu trời xám ngoét ập xuống mặt đất. Những chiếc cũi gỗ khổng lồ phát ra tiếng u ơ. Có cả tiếng cười và tiếng khóc. Người đàn ông ôm một mớ giấy tiến ra sàn xi măng năm sáu mét vuông ngồi bệt xuống. Anh vẫy đồng loại của mình lại gần, miệng nở nụ cười thân thiện dường như có ý muốn bảo các bạn hãy đến chơi trò này hay lắm. Người đàn ông rải những tờ giấy trắng cầm sẵn xuống. Anh mở chiếc cặp da cũ kỹ lôi ra một nắm bút chì đã vót sẵn. Mấy cậu bé chạy đến đầu tiên. Có cậu ba bốn mắt. Có cậu không đi được chỉ bò. Những cô gái ngây độn che miệng cười ngô nghê cũng bắt đầu sán lại. Anh phát bút cho các bạn. Những con mắt có hồn và vô hồn giương lên nhìn anh nhìn xuống đôi bàn tay ngắn cũn. Người đàn ông nói câu gì đó rồi bắt đầu làm việc. Đầu tiên anh ký một chữ to tổ bố tên mình lên tờ giấy. Nét chữ đanh lại, những nét xiên như cái móc, như những dấu hỏi quằn quại trên mặt giấy. Đám người xung quanh ôi a bắt đầu cầm bút nghuệch ngoạc xuống những tờ giấy trắng. Họ bắt đầu những nét bút đầu tiên. Chữ nào cũng mô phỏng những cái móc và những dấu hỏi anh vạch ra. Người đàn ông dường như lúng túng khi thấy đám người xung quanh không nhớ tên mình. Tên tuổi cũng chỉ là trại đặt bằng đánh số để phân biệt người này với người kia. Bè bạn của anh hoàn toàn mù chữ nên công việc ký tên bỗng trở nên gian nan khôn lường. Đành phải bắt đầu từng người. Đành phải bắt đầu từ những động tác sơ khai nhất nhưng cái quan trọng hơn cả là anh phải đặt tên cho từng người. Mỗi chữ ký của họ có giá trị bằng một chục, một trăm, thậm chí hàng ngàn chữ ký của những người khác. Anh nhích đến cậu bé có ba mắt, vẫy cậu lại và đưa ra một tờ giấy. Anh cầm tay cậu vẽ một chữ 0. Số 0 to tướng run run nhìn hai người đàn ông dị dạng. Cậu bé vẽ xong hình tròn nhìn anh cười hấc lên có vẻ khoái. Rồi cậu nhìn xuống dưới và đưa đôi bàn tay hai ngón kẹp bút chì ngoặc luôn một chữ 0 nữa, rồi một chữ 0 nữa. Những chữ 0 như những quả trứng gà sắp nở ra những chú gà con chiêm chiếp. Anh nhìn sang bên cạnh, những tờ giấy trắng đầy chữ nghuệch ngoạc cũng bắt đầu hiện lên vô số những chữ 0. Bầu trời càng xám xịt. Không khí ở trong có vẻ nhộn nhịp hơn khi đám người nghịch một trò chơi mới. Có mấy đứa con gái đần độn sà xuống đám người. Họ vơ những tờ giấy, xem xét và nở những nụ cười. Anh lục tìm bút chì trong cái cặp cũ đưa ra. Những số 0 hằng hà sa số hiện lên. Anh bắt đầu suy nghĩ và viết những chữ khác lên giấy. Những cặp mắt hau háu nhìn vào bàn tay anh. Những tờ giấy lập tức hiện lên những nét run rẩy, loằng ngoằng. Đám giấy ngày càng nhiều vun đầy xung quanh. Chúng bay loạn lên, múa may, phát ra tiếng kêu o a u ư ơ i e ê y j … kỳ dị. Mãi đến gần trưa, anh bảo một cậu có vẻ sáng dạ nhất đến sát bên mình. Lật quyển sổ chi chít chữ ký, anh chỉ xuống một cái tên đã được viết sẵn, có cả họ và tên đệm nói gì đó với cậu. Cậu bé lắng nghe một cách căng thẳng và dường như hiểu ý. Bàn tay hai ngón của cậu run run kẹp cái bút, lần này là chiếc bút bi đỏ trơn nhẫy. Cậu vẽ những chữ đầy khó nhọc nơi bàn tay anh chỉ. Anh thở phào như trút được một gánh nặng, vẻ mặt giãn ra nhìn những nét rối bời trên mặt giấy. Ngày nào cũng thế, khi đám người chán với trò chơi giấy bút cũng là lúc người đàn ông hoàn thành tám mươi tư chữ ký. Có chữ không ai đọc được. Có chữ như những con số la mã kỳ quái bí hiểm. Có chữ là một dãy số 0 không có số 1 đứng đầu. Mặc kệ, người đàn ông gấp cuốn sổ một cách thành kính đi về phía căn phòng có bức ảnh. Anh băng qua khoảng sân có cột cờ. Những bó hoa đêm đã héo rũ từ lâu rơi rụng tơi tả. Lá cờ không gió rũ xuống thảm hại dưới bầu trời xám ngoét.

 

Người đàn bà ôm cái bọc đi về phía bờ sông. Từ chiều, giọt máu không còn ngọ nguậy nữa. Những cụ già cũng trở về làng ôm chặt tấm ngực gầy ho sù sụ, tóc trắng rối bời trên con đường đất nhỏ. Chỉ còn một mình chị. Ngôi đình rộng mênh mông, những hàng cột đen thẫm âm u đứng sắp hàng như theo dõi hành vi của chị. Nước mắt không còn, chị lặng lẽ ngước nhìn ánh sáng yếu ớt dội xuống những rêu mốc trên nóc ngôi đình cổ. Những rễ si buông rối bời vô nghĩa lan tràn trên mặt đất. Chị đã quyết định rồi. Nó phải ngủ ở thềm sông, nơi những bậc đá rêu mốc chứng kiến buổi tối đầu tiên chị trở thành thiếu nữ cách đây hai mươi năm. Hôm ấy cũng một chiều mùa đông nhưng trời ấm và sáng. Khi chị thấy ươn ướt phía dưới và kỳ quặc sợ hãi không hiểu chuyện gì xảy ra vội vàng dắt con trâu cái trở về làng. Đến tối mới hiểu mọi việc. Người mẹ xoa đầu con, thầm thì căn dặn. Chị xấu hổ nép vào mẹ bên ngọn đèn dầu. Bây giờ mẹ chị không còn. Chị không còn ai thân thích trong ngôi làng nhỏ. Chị vừa suy nghĩ vừa ôm cái bọc đi về phía bậc đá. Chị đặt nó xuống, bắt đầu dùng cái xẻng nhỏ khoét từng nhát xuống mặt đất. Những nhát xẻng như kẻ mộng du. Chị cảm thấy cái gì ươn ướt, dấp dính như ngày xưa nhưng không còn muốn suy nghĩ về nó nữa. Chị phải khẩn trương với những động tác dồn dập. Có lúc phải dừng lại để thở. Công việc này quá sức với một người mới sinh như chị. Chị muốn giọt máu phải được ẩn sâu dưới lòng đất. Căn nhà của nó rồi cũng dần dần hiện hình. Bàn tay chị đã làm biết bao căn nhà như vậy ngày còn ở trong rừng. Những ngày như thế, mọi thứ trên đời dường như không còn ý nghĩa gì nữa, kể cả niềm tin thánh thiện và những giấc mơ hoan lạc. Chỉ còn lại sự câm nín vô hồn và u ám bóp nghẹt những đôi vai mảnh rẻ. Những lúc ấy, không hiểu tại sao lại thấy ươn ướt, nhớp nháp nhưng cũng mau chóng quên ngay những thứ bản năng ấy. Căn nhà hiện rõ dần dưới bàn tay chị. Chị quỳ xuống trước cái hố đen thẳm, nhìn sâu xuống dưới ấy. ồ! Ngôi nhà đẹp đẽ biết bao. Con của ta. Con hãy vui đùa ở đây cho thật thoải mái với dòng sông và những bậc đá nghìn năm tuổi. Chị ngẩng nhìn trời. Bầu trời xám và thấp trơ khấc vô hồn như không hiểu điều gì xảy ra ở bên dưới. Chị nhoài người về phía cái bọc, nâng nó lên, ấp nó vào ngực mình. Đôi mắt đã cạn khô của chị nhìn nó. Tất cả bỗng trong veo. Cả những phiến đá. Cả dòng sông. Cả bầu trời xám thấp và căn nhà nhỏ cũng trong suốt. Đứa bé đã ngủ ngoan. Không biết nó đang cười hay đang nghĩ ngợi những điều mà nó không bao giờ hiểu được. Chị xúc từng xẻng đất trang trí căn nhà cho nó. Khi khép lại cánh cửa, một tiếng hét vang lên, loang loáng trên khắp mặt sông. Chị ngã vật xuống bên căn nhà nhỏ. Khi người ta đưa đến bệnh viện thì gần như chị đã lên được thiên đường. Chị gần như mất sạch máu. Trần gian oái oăm đã giữ chị lại theo một cách riêng của nó mà không bác sĩ nào hiểu được. Cũng từ ấy chị rời bỏ ngôi làng.

 

Người đàn ông nhét cuốn sổ vào chiếc cặp cũ kỹ lên đường tiến vào một khu công nghiệp. Hôm nay anh quyết định rời thành phố trên một chuyến xe buýt chật ních. Một thanh niên đứng dậy nhường chỗ cho anh. Người đàn ông ngước nhìn cậu thanh niên khẽ gật đầu cảm ơn. Thoạt nhìn, người ta nhầm anh với một đứa trẻ bảy tám tuổi. Những cô gái tuổi teen đùa nghịch trêu trọc nhau trên suốt lộ trình. Những chiếc áo cũn cỡn co rút mãi lên phơi trọn vẹn vùng rốn và vòng eo mươn mướt nhưng đã sớm sặc mùi ái tình. Khi xe chao lắc, anh còn kịp thấy thấp thoáng những cặp vú chịn cọ vào nhau dâm đãng. Không ai biết anh nghĩ gì nhưng anh biết tỏng các cô bé lười nhác suốt ngày chưng diện đang háo hức sống trong những vòng tay mộng mị của rượu, thuốc và tiền boa thâu đêm suốt sáng. Có cô ngồi ghếch mông vào sát mặt anh và một mùi lạ dậy lên xộc vào khứu giác. Anh nhăn mặt co người nhỏ như con mèo trong chiếc ghế và thầm nghĩ tới những chữ ký sắp tới. Khi thoát khỏi đám gái choai cũng là lúc đầu anh dội lên cơn đau thường trực xuất hiện đã sáu bảy năm nay. Một cảm giác cần phải chạy đua với thời gian dội lên vây hãm phần trí tuệ còn lại. Người gác cổng ăn mặc chỉnh tề ra hiệu cho anh ngồi xuống. Ông ta lướt nhìn đám giấy lộn xộn phán bảo. Phải đợi đến lúc tan ca. Phúc cho nhà anh hôm nay sếp đi vắng. Cả tây cả ta cũng đi ráo. Các vị ấy ở nhà thì khó đấy nhưng cũng chỉ một lần thôi ông nhé. Lần sau bố tha cho con kẻo mất việc. Người đàn ông ngồi im chờ đợi, rồi cái khoảnh khắc ấy cũng đến. Bắt đầu là sự tò mò. Mấy cậu thanh niên đồng phục trắng í ới chỉ chỏ bình phẩm người đàn ông. Anh mở cuốn sổ trình bày những điều đã thuộc lòng của mình. Mấy cậu nhìn tay bảo vệ và khi thấy vẻ mặt phớt đời của hắn mới tiến lại bên cuốn sổ. Người đàn ông xoay cuốn sổ chỉ vào một cái ô. Đám đồng phục bắt đầu ký mà thực ra họ cũng không hiểu gì lắm cái chữ ký của mình. Thời khắc giải lao diễn ra quá nhanh chóng. Số chữ ký thu được không tới bốn mươi thì cánh cửa của những dãy nhà kín mít đã đóng lại nuốt gọn đám người đồng phục. Người gác cổng bảo không ăn thua đâu anh ơi, tôi mách anh một chỗ may ra. ở phía đằng kia kìa. Chưa dứt lời gã đã đẩy anh ra khỏi cánh cửa thép trắng và khép lại bằng một thiết bị cầm tay. Người đàn ông nhìn về phía chỉ dẫn. Đó là một trường Trung học đang im phắc. Anh  bước từng bước ngắn về phía đó. Con đường nhựa phẳng lì vô cảm dưới chân. Lần này một cô giáo điềm đạm lắng nghe anh. Anh nói trôi chảy các ý tưởng của mình và lục tìm cuốn sổ. Cô giáo rót mời người đàn ông một cốc nước. Anh đã đọc được suy nghĩ của người đối diện. Một chút thương hại rộn lên trong niềm kiêu hãnh vặt vãnh của con người thiếu tri thức nhưng luôn muốn ban phát một cái gì đó cho ai đó. Vấn đề trọng đại là những chữ ký. Anh chỉ nghĩ đến những chữ ký nên khẩn trương thu xếp những suy nghĩ đối chọi không cần thiết của mình, hướng cái nhìn nghiêm nghị vào người đối diện. Sau câu chuyện rời rạc, cô giáo nhấc máy điện thoại bàn bạc với một ai đó. Dài dòng. Căng thẳng. Lại dài dòng. Cuối cùng thì số phận của những chữ ký cũng được xác định. Cô dẫn người đàn ông lên tầng hai. Cô nói vắn tắt với người giáo viên già trên bục giảng. Đám học trò trố mắt nhìn anh. Chúng thì thầm với nhau, chỉ chỏ, bình phẩm ồn ã. Người giáo già ra hiệu mời anh đến chiếc bàn phía trước. Anh cũng không phải nói nhiều vì những gì cần cô giáo đã nói. Đám học trò sau phút đùn đẩy bắt đầu ùa đến vây xung quanh cuốn sổ đua nhau phô diễn những chữ ký hồn nhiên của chúng. Không ai biết người giáo viên già lặng lẽ đi xuống cuối lớp lẩm bẩm. Đúng là một lũ điên. Đúng là một lũ dở người. ông mày đây sống ngần này rồi lạ gì những trò bịp bợm, xúi bẩy, lừa lọc. Ký với chả cót. Kiện cáo cái cục cứt. Rồi sẽ chết trong dại dột thôi con ạ. Đột nhiên thầy hơi đỏ mặt khi nghĩ đến những kiện cáo vớ vẩn của mình đến nỗi mãi còm cõi ở vị trí dạy môn phụ hơn ba mươi năm. Anh như thấy được tâm sự cả những bực dọc của vị thầy già nhưng những đứa trẻ và những chữ ký hồn nhiên, nông nổi tràn đầy cuốn sổ mới là điều quan trọng. Những thứ khác, xin lỗi, các vị tự thu xếp với nhau. Khác hẳn lúc trên xe buýt, những hơi thở, mùi thơm phả ra từ những cô bé cậu bé khiến người đàn ông cảm thấy dễ chịu. Anh như mở được một hướng đi cho mình. Cứ thế, cô giáo cần mẫn tươi cười dẫn anh đi khắp các lớp. Đến tối mịt, khi đã ở trong căn phòng của mình. Người đàn ông òa khóc vì hạnh phúc một ngày làm việc hiệu quả ngoài sức tưởng tượng. Hơn bốn trăm chữ ký tươi rói nhảy múa trên từng tờ giấy. Đã khá lâu, trong cơn mơ, những chữ ký không cào cấu đè nghẹt mà mơn man, ấm áp. Trong giấc ngủ, thỉnh thoảng tiếng thét, tiếng khóc, tiếng hú phía dãy chuồng gỗ vẫn dội lên nhưng thưa và như lịm đi.

 

Nằm trong căn phòng nhỏ chị không tài nào ngủ được. Đã mấy tuần chị không sao quen những tiếng cười, tiếng khóc, tiếng hú ban đêm vọng ra từ dãy chuồng gỗ. Những lúc ấy chị nghĩ đến giọt máu của mình. Giọt máu bên thềm sông thiêm thiếp ngủ trong căn nhà nhỏ chị cất cho nó bây giờ cỏ chắc đã mọc xanh. Chị định bụng một lúc nào sẽ về thăm căn nhà ấy. Công việc ở đây cũng dần quen nhưng tiếng khóc và tiếng hú không sao quen được. Ban ngày tiếng cười nhiều hơn nhưng đêm đêm thì khác. Tại sao đêm xuống tiếng khóc và tiếng hú lại rộ lên như vậy. Điều này chị không giải thích được, cũng không ai giải thích với chị. Người đàn ông ngày ngày đi thu thập chữ ký là người có thâm niên ở đây lâu nhất cũng không giải thích với chị. Chị cựa mình rồi xoay mình úp mặt vào tường lặng lẽ khóc. Buổi chiều, khi xúc cho thằng bé ba mắt ăn, nhìn cái cười ngơ ngác của nó và con mắt ở giữa trán lồi lên như cái nồi úp ngược luôn giật giật chị đã không cầm được nước mắt. Nó may mắn hay giọt máu của chị may mắn hơn cũng không biết nữa. Cũng không có ai trả lời câu hỏi này. Mọi người tất bật và bận rộn trong công việc của mình. Kể cả những công việc rồi sẽ không đi đến đâu. Những tiếng vọng bên ngoài mãi xoáy vào đầu óc chị. Những ngày ở khu rừng, cũng là những âm thanh thê thiếp như thế sau mỗi đợt bom. Những âm thanh dội vào những cõi lòng im lặng, loang lổ, ứa máu. Khi lau dọn những cái chuồng gỗ, chị mân mê cọ rửa từng kẽ chấn song, từng viên gạch nhớt rãi một cách cần mẫn và xa xót. Ngôi nhà của con chị, bốn bề ánh sáng bên dòng sông ca hát thầm thì. Những bậc đá lặng im nhìn cỏ mượt ấm áp, vấn vít. Cũng chả ai quan tâm đến căn nhà nhỏ ấy ngoài chị, những bậc đá và dòng sông. Ngôi đình ngày càng cũ kỹ âm u. Những hàng cột đen thẫm dường như luôn thở dài một mình trong bóng tối. Từ ngày chị bỏ làng, những bà mẹ tóc bạc dần dần theo nhau về với dòng sông. Cũng không mấy người còn nhớ đến câu chuyện về chị. Kể cả những kẻ lắm điều, những tên vu vạ, những ông đội trưởng háo sắc cũng dần già đi và luôn im lặng. Nó không ồn ã như cái ngày người ta tổ chức tiễn các chị vào những khu rừng. Con người vốn thích nghi điều kiện sống rất nhanh sao chị mãi không quên được hình hài giọt máu. Chị tình nguyện đến đây, ở lại đây, làm công việc này vì giọt máu của chị. ở đây không ai biết điều đó. Những đứa trẻ ở trong các chuồng gỗ càng không biết điều đó, không biết những va đập hàng ngày là những mũi khoan khoan vào lòng chị. Chị sẽ chịu đựng được điều này trong bao lâu. Cái gì phía trước đang chờ đón. Bao giờ thì công việc của người đàn ông đi xin chữ ký kết thúc. Bao giờ thì câu chuyện về những sinh linh trong các chuồng gỗ kết thúc. Có lẽ chẳng bao giờ kết thúc vì thỉnh thoảng họ vẫn gom ở đâu về những sinh linh mới. Chúng ngô nghê cười, khóc, hú hét, ỉa đái dầm dề ngay sau khi những chiếc xe đen bóng sang trọng chở đầy hoa tươi và tiếng vỗ tay chạy hút về thành phố, nơi có những khách sạn sang trọng. Đám người ấy làm tình với nhau? Chị biết thế từ bản năng hồi sinh mạnh mẽ của mình. Hôm trước, người đàn ông ngoại quốc cùng mấy tùy tùng sau khi giao hai sinh linh cho chị đã nhìn chị rất lạ. Chị đỏ bừng mặt trước cái nhìn sỗ sàng. Ông ta xì xồ điều gì đó và nháy mắt cười. Chị bỗng thấy đằng sau tiếng cười ấy là khoảng không đang vỡ ra mênh mông, mời gọi và khó cưỡng. Chị linh cảm khác thường về cái khoảng mênh mông ấy. Nó xa xôi nhưng dẫn dụ và mời gọi dai dẳng. Chị cựa mình, xoay người hướng về phía những tiếng hú, tiếng khóc. Ngoài trời khuya, nơi sân cột cờ, những bông hoa đám người đem đến ban chiều héo rũ. Trên cao, lá cờ không gió chảy thõng xuống như một dải phướn.

 

Nơi khu chuồng gỗ, những ánh điện xanh lét chập chờn hắt xuống đám người nằm ngang dọc, hỗn độn. Thỉnh thoảng, tiếng ú ớ, tiếng cười khành khạch, tiếng hú u u tắc nghẹn, tiếng ngáy ằng ặc lịm tắt rồi lại bùng lên miên man. Trong đám người, mấy cậu bé nghịch ngợm ban ngày nằm chết rấp nhớt rãi chảy tràn xuống những chiếc gối bẩn cáu két quăng quật lung tung. Từng chiếc chuồng gỗ thấp quen thuộc như những chiếc quan tài mở lắp với các cậu bé là ngôi nhà nhỏ với vô vàn yêu thương, ấm áp cũng là chỗ trú ngụ cuối cùng. Ban ngày chúng chơi trò trốn tìm với căn nhà. Cũng có khi, vì một lý do gì đó, bị những người giáo dưỡng ở đây quát mắng, chúng lập tức trốn chạy vào mỗi khoang của mình, rúc rúc, ẩn sâu vào trong lòng chiếc quan tài tội nghiệp và lập tức những người giáo dưỡng mỉm cười dỗ dành chúng. Đã thành thói quen. Đã thành phản xạ. Mỗi khi không ưng ý điều gì, chúng lại rúc vào nơi mà người ta phải đến dỗ dành ấy. Cũng có đứa mãi mãi không ra khỏi hay trở vào đó nữa. Chúng ngủ một giấc dài không bao giờ dậy mà những người bạn xung quanh không thể hiểu nổi. Những chiếc áo blu trắng đến đưa sinh linh ngủ say ấy vào một chiếc hòm gỗ có phủ vải đỏ rồi đưa đi đâu mà những người bạn ở đây không biết. Những người bạn quên rất nhanh và tiếp tục đón những người khác đến. Họ hòa nhập với nhau rất nhanh, đến mức bất thường ở thế giới thông thường. Đêm nay cậu bé ba mắt vẫn nằm đó nhưng linh hồn thì đã thoát đi từ chập tối. Buổi chiều, khi người giáo dưỡng mắng mỏ cậu đã trốn chạy về nơi trú ngụ của mình. Người giáo dưỡng dỗ dành thế nào cậu cũng không nhúc nhích. Rồi những bận rộn khác cuốn người giáo dưỡng với những công việc của mình, bỏ quên cậu bé. Cậu nằm im tự nhủ từ bây giờ sẽ không bao giờ ra khỏi đây nữa, không bao giờ rời xa căn nhà nhỏ ấm áp của mình. Cậu thiếp đi, trong mơ cậu thấy một mặt trời đỏ rực. Những chữ o méo mó nguệch ngoạc trên tờ giấy trắng kết tinh thành mặt trời đỏ, nhiều mặt trời đỏ chạy tít mù xung quanh cậu. Cậu bỗng thấy mình mọc ra đôi cánh chao lượn bên những mặt trời. Cậu thấy mình cháy lên, bắt đầu từ đôi cánh râm ran khua múa, chuyển dần vào ba con mắt nhấp nháy, nhấp nháy. Ba con mắt của cậu bây giờ là ba mặt trời đỏ rực. Cứ thế, đám mặt trời dắt nhau, vừa chao lượn vừa trôi là là trên mặt biển. ở dưới, những con sóng nhỏ reo vui chúc mừng đám mặt trời. Mặt biển rộng vô cùng vô tận như một tấm gương khổng lồ phản chiếu màu sắc rực rỡ. Chiếc chuồng gỗ trở lên vô cùng rộng lớn, nó chứa cả mặt biển, cả những mặt trời đang chao lượn. Cậu bé vô cùng thích thú với những trò chơi mới. Cậu không nhìn thấy gì nữa ngoài mặt trời và mặt biển. Không có những người bạn. Không có người giáo dưỡng. Không có những bó hoa chật hẹp, những chữ ký méo mó, những khuôn mặt lạnh, ấm, mỉm cười hoặc nhăn nhó. Những thứ ấy, bây giờ đối với cậu vĩnh viễn không còn. Chỉ còn lại những mặt trời và mặt biển vĩnh hằng.

 

Buổi sáng, chị hốt hoảng chạy lên căn phòng nhỏ phía chân cột cờ. Nhìn vẻ mặt hốt hoảng của chị, người đàn ông buông cuốn sổ xuống mặt bàn ngước nhìn như dò hỏi điều gì đã xảy ra. Chị hấp tấp thông báo về cái chết của cậu bé trong chuồng gỗ. Sáng nay, như thường lệ, chị đánh thức mọi người vào bữa sáng thấy thiếu cậu. Chị bước về cái chuồng gỗ, căn nhà nhỏ của cậu. Cậu bé nằm sấp không nhúc nhích. Chị dỗ dành cũng không động đậy, không tỏ ra bất cứ một vẻ gì trước những lời ấm áp của chị. Chị cúi xuống, đặt tay lên lưng  vỗ vỗ. Trời ơi! Người cậu lạnh toát và rất cứng, khác mọi khi, hễ ban tay chị đặt xuống thể nào những tấm thân nhỏ bé cũng xoay ngang dọc hoặc nhổm lên như biết lỗi. Sau phút bàng hoàng, chị xoay cậu bé lại. Ba con mắt đã khép chặt vĩnh viễn không một phép màu nào thay đổi được. Hai bàn tay thiếu ngón khép hờ như chiếc xẻng nhỏ xinh ép dọc thi thể lạnh như đá. Những gương mặt xung quanh ngơ ngác cười, họ lục tục di chuyển về phía bàn ăn, nơi có những khẩu phần định sẵn và ngồi xuống, lặng lẽ thản nhiên như không có gì xảy ra. Những giọt nước mắt nhỏ xuống vầng trán có ba con mắt đã khép chặt. Chị khẽ khàng phủ chiếc khăn mùi xoa mà chị luôn đem theo trong người lên gương mặt cậu bé rồi đứng chạy đi báo với người đàn ông. Khá bình tĩnh, anh thông báo đã linh cảm điều này và nói với chị ở đây thường xảy ra những việc như vậy. Có không ít lúc, người ta không kiểm soát được quân số mất đi hoặc đâu đó đem đến. Mọi cái chết ở đây được hiểu như một giải thoát, thậm chí một ước mơ của chính họ. Họ được lên niết bàn, được lên thiên đường hay đơn giản là một thế giới khác tốt đẹp hơn. ở đây ai cũng tin như thế. Công việc còn lại của họ thật đơn giản. Vừa nói anh vừa lục tìm cuốn sổ nhỏ hơn ghi chép lại sự việc vừa xảy ra. Cuốn sổ này thỉnh thoảng mới được dùng đến và chưa bao giờ anh thống kê hay kiểm tra số lượng sự việc trong cuốn sổ ấy. Anh viết lên đó những dòng chữ ngay ngắn rồi theo chị xuống khu chuồng gỗ. Anh biết rất chính xác vị trí nằm, căn nhà nhỏ của cậu bé mà anh vẫn cho rằng rất thông minh. Anh cũng biết cuộc sống ngắn ngủi của cậu kéo dài đến hôm nay đã là một thắng lợi, một ngạc nhiên của rất nhiều người. Sự siêu thoát của cậu cũng như bao nhiêu người khác ở đây thực ra không làm anh day dứt bằng tiến độ chậm chạp của những dòng chữ ký mà người ta đang giao cho anh thực hiện. Anh đến bên cậu bé, lật chiếc khăn nhìn cậu rồi ra hiệu cho chị đem một tấm vải trắng dài quấn nhiều vòng thi thể. Những tấm vải trắng dài thượt, kích cỡ đồng nhất trắng dợn lên như cái tổ kén cuộn từng vòng, từng vòng đều tăm tắp. Người ta đem đến một cái hòm gỗ nhỏ có khắc vài chữ số trên một phù hiệu đồng. Anh bế cậu bé đặt vào trong ấy. Chiếc hòm gỗ thơm phức giống như một căn nhà nhỏ, căn nhà không giồng bất kỳ một căn nhà nào trên mặt đất nhưng dưới lòng đất thì chúng lại khá giống nhau. Chị đem đến một ít vải trắng và mấy thứ đồ lặt vặt theo một tiêu chuẩn định sẵn. Anh thuần thục đan cài, gói gém đồ đạc cho cậu bé. Kiểm tra lại một lần cuối, anh nhìn lướt một lượt toàn thi thể giờ đã im lìm không một biểu hiện và ra hiệu cho chị đến gần. Họ lầm rầm điều gì rất nhỏ. Chị quỳ hẳn xuống, tóc phủ loà xoà nên khuôn mặt người xấu số. Giây lâu, khi đứng dậy cũng là lúc anh đặt chiếc nắp gỗ lên trên và bắt đầu nện từng nhát búa xuống chiếc hòm gỗ. Gỗ mềm. Đinh bén. Những động tác thuần thục. Thời gian trôi bình thản. Xong xuôi, anh phủ lên đó một tấm vải đỏ có ngôi sao nổi cũng là lúc nhóm người ăn xong xúm đến xem chỉ chỏ, sự việc từng diễn ra nhiều lần đến mức đã trở thành quen thuộc không còn gây ngạc nhiên hay hưng thú với những người ở đây. Họ mau chóng tản về những chiếc chuồng gỗ với những trò chơi khác. Chưa bao giờ anh giải thích với họ điều vừa xảy ra. Xong việc, anh ra hiệu mời chị lên phòng mình. Dường như anh muốn nói với chị điều gì đó.

 

Mấy hôm sau, mọi người phát hiện người đàn ông dị dạng đã chết. Anh nằm co quắp trên giường, tay ôm cuốn sổ chi chít những chữ ký. Có chữ không ai đọc được. Khi biết chuyện ấy, những người liên quan đều thở dài vì vụ kiện đã kết thúc tồi hướng bất lợi. Khi chôn cất người đàn ông dị dạng, tất cả đồng loại ở trong những chuồng gỗ đều rơi nước mắt. Cuốn sổ chi chit chữ ký ứa ra những giọt nước đỏ như máu. Sau đám ma, không ai nhìn thấy cuốn sổ đâu nữa./.

 

Phùng Văn Khai
Số lần đọc: 2328
Ngày đăng: 27.07.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mảnh vườn tạp - Nguyễn An Cư
Lão Hạp - Huỳnh Văn Úc
Truyện ngắn ngắn – 20 - Đỗ Ngọc Thạch
Người đàn ông có đeo bảng số ở cổ chân - Nguyễn Đông Phương
Ngôi nhà chữ đinh - Khôi Vũ
Ao buồn - Lê Văn Thiện
Nết - Lê Khánh Mai
Truyện ngăn ngắn-4 - Mang Viên Long
Truyện ngắn ngắn – 19 - Đỗ Ngọc Thạch
Đêm nhạc jazz - Nguyễn Hồng Nhung