Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
747
116.668.689
 
Sông sao có thể trả lời
Lâm Xuân Vi

(Cảm nhận bài thơ: Thơ nhờ em gửi về Nguyễn Bính của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo)

 

Thơ nhờ em gửi về Nguyễn Bính

 

em giờ quần soọc áo phông

ta như một gã nhà nông cuối mùa

em giờ píc ních sân chùa

ta như sư đá còn ưa xoa đầu

em giờ tưởng tượng sồng nâu

ta đi ra phố mua gàu tát trăng


ước chi em mặc tứ thân

nụ cười che nón ba tầm ghé chơi

ước chi đến hẹn người ơi

con đò lúng liếng mắt cười chìm đâu

ta về hỏi đáy sông sâu

áo phông quần soọc nhà lầu xe hơi


sông sâu không tiếng trả lời

nghe chiều khói sóng một hơi thở buồn

 

Nguyễn Trọng Tạo

 

 

Lời Bình:

 

 

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, người đã hội đủ cả “cầm, kỳ, thi, hoạ”, chỉ riêng thành tựu 2 mặt: cầm - thi, ông cũng đã thừa xứng đáng đứng vào bậc tài danh trong thiên hạ rồi. Nhiều thi phẩm, nhạc phẩm của thi sỹ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo đã đi cùng năm tháng, và sẽ để lại sự xúc động mạnh mẽ trong lòng công chúng hậu thế.

Lần tìm trong Thi viện của trang webste: lucbat.com, đọc chùm thi phẩm của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thật ấn tượng, tôi dừng lại ngẫm ngợi và mạo muội có đôi điều cảm nhận về bài thơ: Thơ nhờ em gửi về Nguyễn Bính.

Tên bài thơ đã là một thông điệp lạ. Ông nhờ em gửi về nhà thơ chân quê nổi tiếng Nguyễn Bính ở thế giới bên kia. Có lẽ, theo Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Ngyuễn Bính là người, dị ứng điển hình với mốt xiêm y cách tân “cúc cài khuy bấm em làm khổ tôi” mới đủ tỉnh táo, khí chất, giúp ông phẩm bình phán xét em, ta thoả đáng. Ông đã thật khôn ngoan khi cậy nhờ tới nhà thơ Nguyễn Bính làm phản biện cho những luận cứ xác đáng của mình.

Sáu câu lục bát khổ đầu làm thành 3 cặp câu: mà ngay trong mỗi cặp đã đặt ra sự so sánh giữa ta, em với những khác biệt đến lạ lùng. Họ hoàn toàn trái ngược nhau cả về sở

 

 

thích lẫn tính cách. Nhà thơ thật tài hoa, chọn những hoàn cảnh điển hình, những vật chứng trạng huống điển hình, để đặt ra sự so sánh gây ấn tượng mạnh mẽ trong biến động tâm trạng người đọc. Ta, em cùng có mặt song hành chung trong một hoàn cảnh, một không gian và thời gian mà sao cứ như 2 người ở 2 thái cực, 2 hành tinh xa lạ vậy. Em thì sắm bộ thời trang cách tân quần soọc áo phông, tràn đầy sinh lực, còn ta như một gã nhà nông thô mộc gày guộc tàn tạ cuối mùa. Em dìu dập trong tràn ngập niềm vui nơi sân chùa là để tìm kiếm cảm giác lạ, là píc ních khám phá, chứ đâu phải sư đá vô hồn lạc lõng như ta. Và cứ thế sự khác biệt được đẩy cao mãi lên, xa mãi ra, cho đến tận cùng sự đối nghịch thì nhà thơ: “ta đi ra phố mua gàu tát trăng”, về đúng cái cõi “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” của mình. Ý thơ bảng lảng, tung tẩy, thật phóng khoáng, hóm hỉnh và độc đáo.

Có lẽ, từ thực tại diễn ra như là mâu thuẫn, như không hợp thời hợp mốt, không thể dung hoà giữa các ý thức hệ, được ông đặt ra để tạo sự chú ý, thu hút người đọc. Những lý do gây nhiều tranh cãi rồi làm ai cũng phải nuối tiếc, cũng ao ước đồng tình với những ý tưởng sâu xa khi nhà thơ đặt ra.

Thời trang ưa chuộng với em thuở nhà thơ Nguễn Bính là “Nào đâu cái áo tứ thân/ Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen” Và rồi ông không ngần ngại, dõng dạc tuyên bố “Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh”. Nhà thơ Nguyễn trọng tạo cũng như nhà thơ Nguyễn Bính đều là những thi sỹ thuộc bậc nhất đa tình và nặng tình. Có lẽ khác với Nguyễn Bính,  Nguyễn Trọng Tạo là người luôn chủ trương cổ xúy cho mọi sự đổi mới cách tân, vì vậy chắc ông không hoài cổ, không muốn lớp trẻ phải quay lại ăn vận áo tứ thân, đội nón ba tầm như điều ông nói. Đó chỉ là cách nói, là thủ pháp để nhà thơ đề cập tới một vấn đề lớn lao quan thiết hơn. Điều nhà thơ nuối tiếc ước ao là cái tình người thuở đó. Ông muốn duyên em, tình em cứ chân thành nồng hậu, ấm áp, tinh tế tốt đẹp như xưa. Như thuở nụ cười e ấp che nón ba tầm, con mắt lúng liếng, làm chìm đắm nghiêng ngả hút hồn bao thi nhân tài tử. Cái thuở đến hẹn lại lên, duyên tình như mộng “Con đò lúng liếng mắt cười chìm đâu”?  mới làm nhà thơ ước ao khao khát, tiếc nuối ngẩn ngơ.

Bài thơ có 2 nhân vật trữ tình emta, nhưng chỉ có ta xuất hiện và độc thoại từ đầu tới cuối. Điều trăn trở, nỗi lo lắng mong muốn của ta liệu rồi có được, lòng nhân hậu nhân văn cần như cơm ăn nước uống, có trở thành suy nghĩ và hành động, trong nét ứng xử thường nhật giữa con người với con người? biết hỏi ai? Hỏi em, em xa lạ thế, nên đành hỏi “Áo phông quân soọc nhà lầu xe hơi” . Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã quá sắc sảo khi dẫn bài thơ tới trạng huống này. Áo phông quần soọc nhà lầu xe hơi là mốt thời thượng, là nhu cầu thiết yếu cho con người của thời hiện đại văn minh thật, nhưng nó vẫn chỉ là vô tri vô giác, không trả lời ông được. Đó mới là điều nhà thơ hướng tới, mong muốn mọi người chia sẻ cùng ông.

Vật chất dù quan trọng đến mấy, nay thời đại đang ở trình độ số hoá, đa hệ…rồi gì gì đi nữa, cũng không thể thay thế tâm hồn con người, vi diệu, có vị thế độc tôn.

Mười hai câu thơ của sự tìm tòi lý giải, khai mở phát triển tứ thơ thật độc đáo, rồi nhà thơ kết lại bằng cặp câu mơ hồ, hàm xúc để độc giả mặc sức liên tưởng:

sông sâu không tiếng trả lời

nghe chiều khói sóng một hơi thở buồn

Thi sỹ hỏi để mà hỏi thế thôi, bởi như ngạn ngữ Tung Hoa có câu, đại ý, sông núi dễ thay, lòng người khó đổi, thì làm sao sông nói được lòng người giàu phức hợp cho ông.

 

 

Trong sâu thẳm rung cảm và thâm hậu ý tưởng của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, người vốn đa sầu đa cảm, thì dòng sông dù im lặng bất lực, chỉ phả trên mặt nước khói sóng mơ hồ, cũng đủ gieo vào hồn ông những nỗi buồn ngổn ngang cõi thế. Không buồn sao được, dù cuộc sống hiện đại đã thoả mãn với biết bao nhu cầu để nâng cao chất lượng. Nhưng nó cũng để lại những khuyết tật trầm trọng làm căn cỗi tâm hồn con người. Đó mới là điêù nhức nhối đang được đặt ra cho những tư duy của thượng tầng kiến trúc trong việc xác định đường lối, thiết chế, nhằm chấn hưng văn hoá, xây dựng phẩm cách cao đẹp của con người.

 

Bài thơ khép lại trong miên man buồn, một nỗi buồn nhân bản, với khao khát làm giàu có, làm phong phú tâm hồn con người.

 

Ninh Bình, ngày 26 - 4 - 2010

Lâm Xuân Vi
Số lần đọc: 2308
Ngày đăng: 06.05.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trước khi viết về văn hoá đọc, hãy nên đọc. - Phong Lan
Đọc Tập Thơ Chép Tay của Nhà Thơ Nguyễn Như Mây - Mang Viên Long
Một mảnh rời - Chân Phương
Những điều giản di - Bùi Công Thuấn
Phản-sến, và… như là thông điệp phi thông điệp - Inrasara
Bao nhiêu là trăn trở chưa thể lý giải được… - Từ Sơn
Lâm Anh, dòng thơ của kẻ bị lưu đày (*) - Nguyễn Lệ Uyên
Những hồi ức buồn - Khuất Đẩu
Võ Văn Trực với những câu thơ cháy đến tận cùng buồn vui - Thái Doãn Hiểu
Một bài thơ ứa máu - Phan Bá Ất