Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
792
116.658.479
 
Vườn chim Bạc Liêu
Phan Trung Nghĩa

Năm đó tôi tháp tùng với đoàn nhà báo Nhật ra xem vườn chim Bạc Liêu. Các ông khách của cái xứ "Mặt trời mọc" cứ reo lên một cách sung sướng rằng: "Không nơi đâu trên thế giới lại có một vườn chim hoang dã chỉ cách đô thị có 3 km..." Điều sung sướng ấy hẳn là mang góc nhìn toàn cầu hóa về sinh thái sinh cảnh rồi.

 

Tôi thì không có được cái tầm nhìn rộng lớn đó, chỉ là người Bạc Liêu nhìn xứ sở Bạc Liêu, ấy thế mà vẫn bắt gặp một niềm hạnh phúc. Bạc Liêu không xưa lắm, vốn là một vùng đất rừng rậm bao la, đồng xanh mêng mông cánh cò. Thiên nhiên cứ hiển hiện một cách bình yên như "Trời sinh sao để vậy". Thế rồi sự xâm thực bạo lực của con người đã đẳm nát cái hoang sơ của nó. Giờ đây vườn chim Bạc Liêu được giữ lại, một mãng xanh hoang dã được giữ lại. Đó là một thứ đặc trưng của thiên nhiên Bạc liêu. Cho nên chúng ta vào thăm vườn chim Bạc liêu cũng chính là lạc vào miền ký ức của một Bạc Liêu trù phú xưa.

 

Theo sách "Bạc Liêu xưa và nay" của Huỳnh Minh, xuất bản vào thập niên 60 thì vườn chim Bạc Liêu có từ hồi nảo hồi nào không làm sao biết được. Nghĩa là con người phát hiện ra nó khi đặt bàn chân sơ khai lên mãnh đất này. Vườn chim Bạc Liêu ngày xưa to lắm, chúng nằm trong hàng ngàn hécta như bây giờ. Vào thế kỷ thứ 19 người Hoa Kiều theo thương thuyền Hải Nam vào khai phá đất Bạc Liêu đã năng động nhảy vào khai phá vườn chim này. Thời ấy không phải khai thác thịt chim như bây giờ mà sản phẩm như bây giờ mà chủ yếu là lông vũ. Mỗi năm hai lần, vào mùa mưa, người ta huy động hàng trăm dân đinh vào vườn chim rồi dùng đăng tre bao ví xung quanh. Sau đó mỗi một trai đinh cầm một cây xào xông vào đặp cho chim rớt xuống chết và nhổ lông chim. Lông thì lấy còn xác chim thì bỏ lại, sau một lần thu hoạch rừng tanh hôi mấy tháng trời. Lông chim được bán cho thương thuyền Hải Nam xuất qua Tân- Gia- Ba hoặc Hồng Kông...nghe nói để làm chăn và áo lạnh.

 

Thời chiến tranh, chim đã từng làm khốn đốn du kích sở tại. Quân chế độ Sài Gòn cứ nhìn cụm rừng nào mà chim cò bay táo tác là cho nã pháo vào. Chim gióng như một thứ chỉ điểm, du kích phải tốn rất nhiều công sức xua chim đi, thế nhưng chim vẫn về rừng. Mãi đến năm 1977 - 1979 vườn chim Bạc Liêu thực sự lâm vào đại nạn. Đó là cái thuở đất nước gieo neo, nhân dân đói rách. Những bửa cơm độn khoai sắn và bột mì đã làm cho con người mê muội hạt gạo đến ám ảnh. Có một chủ trương từ Trung ương xuống tận ấp là: Tất cả cho cây lúa. Nghĩa là khai hoang, nghĩa là chặt phá hết các loại rừng rậm để trồng lúa. Theo đó những mãng thực vật nguyên sinh của vườn chim bị tàn phá. Đất mặn là thế nhưng sự ám ảnh của hạt lúa đã khiến người ta thành lập một nông trường trồng lúa có quy mô hàng ngàn dân. Để rồi bây giờ chúng ta mới cay đắng nhận ra rằng trồng lúa không có hiệu quả mà một phần lớn diện tích rừng nguyên sinh của vùng ven biển Bạc Liêu đã mất đi. Đến năm 1990 vườn chim chỉ còn lại chưa đầy 30 hécta. Chim cò bay tán loạn. Cũng may, ông Tư Liêm lúc đó là Giám đốc Sở Lâm Nghiệp đệ trình với lãnh đạo tỉnh xin giữ lại một vạt rừng cuối cùng. Lãnh đạo tỉnh nhất trí. Hú hồn, suýt chút nữa người Bạc Liêu đã vuột khỏi tay cái vốn quý của mình. Tôi nói vui với mấy anh quản lý vườn chim: "Mai mốt ông Tư Liêm có qua đời, vườn chim phải cất cái miếu thờ Ông như thờ ông thần đã khai sinh ra vườn chim lần thứ hai". Trong lúc ngà ngà say, ai cũng tán đồng ý ấy.

 

Những năm càng gần đây thì vườn chim càng gặp "Thiên thời địa lợi" nghĩa là xã hội ngày nột nhận thức sâu sắc hơn vấn đề môi trường sinh thái. Đó là vấn đề bức xúc và mang tính thời đại. Dân trong vùng đã bắt đầu nhìn nhận vườn chim như là một khu bảo tồn cần bảo vệ vì lợi ích của mọi người. Năm 1986, sân chim Bạc Liêu được nhà nước thống kê đưa vào danh sách các khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam. Từ đó nhằm thực hiện chương trình hành động quốc gia đề đa dạng sinh học, tập chung bảo vệ các loài và nơi cư trú của loài chim nước...nên vườn chim Bạc Liêu trở thành vùng bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn và phát triển hệ chim nước tự nhiên và đảm bảo tính đa dạng sinh học. Từ đó các cơ quan khoa học của Trung ương và tỉnh đã nhảy vào nghiên cứu để bảo vệ vườn chim Bạc Liêu trên cơ sở khoa học. Qua đợt khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường và tính đa dạng sinh học đất ngặp nước ở sân chim Bạc Liêu, Viện sinh học nhiệt đới đã kết luận: Sân chim Bạc Liêu có mức đa dạng sinh học rất cao, có điều kiện thuận lợi để bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học đất ngặp nước ở bán đảo Cà Mau, trở thành một cơ sở để tham quan du lịch sinh thái rất tốt, giáo dục bảo vệ tài nguyện không chỉ cho địa phương mà cho cả nước và khách quốc tế.

 

Từ đó vườn chim Bạc Liêu được đầu tư thích đáng hơn cho việc cải tạo và bảo vệ, như đào mới và khai thông kênh mương, xây dựng khu nhà làm việc của ban quản lý, trồng cây gây rừng , đào kênh bảo vệ, tăng cường kiểm tra canh gác ngày đêm. Đặc biệt là từ khi tỉnh Bạc Liêu tái lập, khu bảo tồn thiên nhiên này càng được quan tâm đúng mức. Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường đã kết hợp với các tổ chức, các ngành gấp rút thực hiện các dự án về quy hoạch bảo tồn và phát triển tính đa dạng sinh học ở sân chim Bạc Liêu.

 

Các hoạt động nêu trên đã thực sự tác động tốt đến sân chim. Kết quả nghiên cứu mới đây của nhóm nghiên cứu do giáo sư Hàng Đức Đạt dẫn đầu đã ước lượng vườn chim hiện nay có khoản 40.000 con chim có 18 loài chim. So với năm 1992 số lượng đã tăng gấp 4 lần. Hiện vườn chim có 18 loài chim lớn, tính từ 300 gram trở lên và 19 loài chim nhỏ, có những loài chim quý hiếm như " Điên điển, Cò ruồi, Giang sen, Diệc Sunatra (đây là loài chim di trú từ INDONESIA sang).

 

Hiện nay vườn chim Bạc Liêu là một trong những khu vực đươc nghi vào danh mục các vùng đất ngặp nước Châu Á , có tầm ý nghĩa quốc gia cũng như quốc tế. Đồng thời đã được đưa vào hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia.

 

Tỉnh Bạc Liêu xem đó là một lợi thế của tỉnh nên đã xây dựng nhiều nghị quyết, chương trình hành động xem vườn chim là một trong ba điểm du lịch sinh thái quan trọng nhất của tỉnh (vườn chim- vườn nhãn- biển). Chính từ đó mà qui hoạch mới ra đời kéo theo các giải pháp là cầu, lộ nối liền sân chim với đô thị Bạc Liêu, tạo tiền đề cho du lịch phát triển.

 

Hiện vườn chim Bạc Liêu được thanh niên Bạc Liêu xem là một địa diểm lý thú trong chuyến đi chơi cuối tuần. Sau một tuần vùi mài kinh sử họ đã dẫn người yêu về miền đầy "chim muôn cây cỏ" này nói lời tình tứ. Nên thơ quá chứ nhỉ. Không chỉ có bạn trẻ mà vườn chim ngày càng dặp dìu người lớn tuổi. Những cơ quan, tổ chức có khách khứa ở xa về thăm là mang rượu, mang đồ nhắm rồi kéo nhau ra vườn chim để bà khú. Họ bảo nhậu như thế thì lý thú lắm và khách sẽ nhớ thật lâu.

 

Ngay như tôi đây ngày càng lớn tuổi lại cảm thấy cái nhu cầu hòa nhập với thiên nhiên càng cao hơn. Đô thị dân trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì đầy đủ nhiều thứ thế nhưng tầm mắt bị che chắn bởi nhà cao tầng hít vào luồng phổi cái không khí nóng bức của khí đốt, tai bị tra tấn bằng thứ âm thanh dử dằn của xe cộ và nhạc giật gân được phát ra từ loại máy hiện đại có công suất vài ngàn wát. Và vây quanh là những căng thẳng mối quan hệ bon chen ...Thế là thể chất và cả tâm hồn anh ta chợt thèm khát cái không gian huyền diệu - nơi có rừng xanh ngăn ngắt và tràn trề tiếng chim. (Bởi thế sự cân bằng sinh thái trong đời sống con người cũng thật sự quan trọng). Những lúc như thế tôi thường thong dong vào vườn chim bằng thái độ của một con người trở về với thiên nhiên. Có lẽ chính thái độ đó đã giúp cho tôi có được cái cảm giác : Lọt vào vườn chim là như lọt vào cái thế giới khác. Đó là thế giới có thể làm dịu mát tâm hồn với rừng xanh bạt ngàn, bóng râm mát mẽ và không khí thì ngập ngụa ô xi tràn đầy buồng phổi. Rừng ở đây là một thảm rừng ngập nước hệ sinh thái rừng ngập mặn quý hiếm của thế giới. Tầng cao của rừng là Trà Là (chiếm 50%) , Giá (30%) còn lại là Cóc, Lâm Vồ. Thảm thực vật thấp là cỏ và các loài giây leo. Kết quả nghiên cứu của Viện Sinh học nhiệt đới thuộc phân viện nghiên cứu sinh thái tài nguyên môi trường đã thống kê được 104 loài thực vật thuộc 50 giống, 46 bộ.

 

Vào rừng là những con đường quanh co, đầy dây leo bịt bùng. Thỉnh thoảng bắt gặp những con Chồn Rái chạy xèn xẹt, rồi rắn, ếch, rùa, kỳ đà...bà lễnh nghễnh. Rừng dần dần trở lại trạng thái nguyên sinh nên các loài động vật dưới chân rừng cũng ngày một nhiều thêm. Người ta đã điều tra được rằng vườn cchim Bạc Liêu có 7 loài ếch nhái, 8 loài bò sát và 10 loài thú nhỏ...Có lần đi chung với Thái Minh Diễn, Giám đốc vườn chim Bạc Liêu tôi hỏi: "Chồn, rắn...ăn trứng chim và chim non như thế là đã có mưu thuẩn trong phát triển rồi?" Diển bảo:"Không" đấy là một hệ sinh thái cân bằng" Có sanh thì có diệt. Đó là quy luật tồn tại và phát triển của tạo quá" . Tôi lẩm bẩm: "Ông trời tài hoa thật ; thì ra một bài học về sự vận động của vũ trụ nằm tại vườn chim Bạc Liêu.

 

Tôi thích vào vườn chim vào khoảng 5 giờ chiều. Tôi leo lên tháp canh cao bằng ngọn rừng rồi đứng mơ màng ngắm cảnh. Đó là lúc chim đi ăn xa về tổ. Từ hướng biển đông tím rịm sắc chiều, từ cánh đồng Bạc Liêu vàng rượm lúa chín...những đàn chim lũ lượt bay về tổ. Chúng bay thật trật tự, tách biệt giữa sắc lông và chủng loại. Có đội hình thì như mũi tên lao về phía trước, đội hình khác thì mang hình trái tim, lại có đội hình lưa thưa tãn mạn. Màu trắng tinh kia là của nhóm cò Ngàng, màu đen như dầu hắc nọ là của bọn Còng Cọc. Chúng quần đảo đen đặc trên ngọn rừng như che kín bầu trời. Rừng bỗng dậy ào ào như có bão với đủ loại âm thanh : Tiếng gió rít, tiếng cánh vỗ, tiếng cây lá rùng mình, tiếng chim mẹ gọi con. Gợi cho ta nhớ câu hát đưa nôi ngày bé:

           

Chim bay về núi tối rồi

Chị em lo liệu bắt nồi nấu cơm.

 

Đây cũng chính là lúc chim mẹ sau một ngày đi ăn xa về lo liệu "cơm nước" cho đàn con. Tại các tổ chim nằm trên ngọn cây, những con cò mẹ màu trắng toát đang rỉa những con cá ra làm nhiều khúc rồi cho lũ cò con đang ăn vẫy cánh chờ đợi. Theo tập tính sinh học thì cò là gióng đi ăn rất xa, vậy mà không biết nó mang thức ăn về và nuôi con cách nào mà đàn con của nó bao giờ cũng mập ú. Thật là đáng kính trọng. Lại nhớ về một câu ca xưa:

 

Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non.

 

Cò đã tặng cho nhân gian cái hình ảnh tầng tảo của người mẹ. Vào vườn chim ta bắt gặp những niềm gợi cảm xúc động như thế.

 

Vì chổ thân tình của Ban quản lý vườn chim nên khi đời sống thị dân có những chuyện buồn là tôi xin nghĩ đêm tại vườn cò. Thương thì các anh bố trí cho tôi ngủ ở chòi canh giữa rừng, trên bộ vạc tre dậy mùi ẩm mốc. Đêm ở rừng không có sự tĩnh mịch, chỉ có tiếng réo rắc của giai điệu thiên nhiên. Khi có tiếng lá rừng xào xạc và tiếng vỗ cánh là tôi biết đã đến giờ lũ Vạc đi ăn. Vạc ăn đêm mà. Chúng bay lên không trung rồi cất lên tiếng kêu của Vạc thật lạ, nó như xé toạt đêm trường và cấy vào lòng người một nổi cảm nhớ mông lung. Nó rung lên cảm xúc sâu thẩm của sợi đây liện hệ giữa thiên nhiên và con người. Đêm vào sâu, tĩnh mịt. Tôi nghe rõ tiếng mưa thu rắc nhẹ trên cành lá. Tiếng xào xạc của gió chướng chớm mùa mơn man rừng chồi...Tất cả hòa quyện thành tiếng rừng, thành hơi thở của thiên nhiên ... nghe êm ái và hiền dịu vô cùng. Sáng bãnh mắt ra đã nghe tiếng chim hót líu lo trong nắng xóm quê hương. Tôi thấy mình như người khác, như vừa được tẩy trần, bụi rậm trôi tuột hết, chỉ còn lại một tâm hồn trong veo và thanh thản lạ thường.

 

Tôi bước ra khỏi vườn chim và lần nào cũng lẩm bẩm: Thiên nhiên quả là kỳ lạ trong đời sống con người.

Phan Trung Nghĩa
Số lần đọc: 2888
Ngày đăng: 09.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Huế, đi giữa mùa hoa - Võ Quê
Về Đồng ăn tôm sú - Phan Trung Nghĩa
Miền sóng vỗ không nguôi - Hồ Tĩnh Tâm
Khách Thương Hồ - Phan Trung Nghĩa
Mùa tát đìa - Phan Trung Nghĩa
Bến đợi - Bùi Nhất Chi
Xứ lụa một thời - Nguyên Tùng
Ba Khía Cà Mau - Phan Trung Nghĩa
Nổi buồn mang tên Slâcrich - Phương Tử Nghi
Chiếc guốc xinh xinh và những kỷ niệm ở rừng của tôi - Nguyễn Minh*