Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
897
116.666.817
 
Khách Thương Hồ
Phan Trung Nghĩa

Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) có một tập quán làm ăn hình thành từ thời khẩn hoang :vào khoảng tháng 9 âm lịch người nông dân từ miệt Tiền Giang hay còn gọi là miệt vườn (Cần Thơ, Cửu Long, Tiền Giang, Bến Tre, Long Xuyên...) rảnh rỗi việc mùa màng, rũ nhau năm ba nhân công nhân xuống xuồng ghe xuôi theo con nước lũ về miệt Hậu Giang ( Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá...) để bán hàng bông và gặt lúa mướn, sau đó thì trở về quê khi tết nhứt gần kề. Người Hậu Giang gọi họ là bà con miệt vườn, nhưng những người sính dùng chữ nghĩa thì đặt tên cho những cuộc đời lênh đênh sông nước ấy một cái tên mỹ miều: Khách thương hồ!

 

Quê tôi nằm dọc con sông Bạc Liêu, vì thế mà thuở nhỏ năm nào tôi cũng được tắm mình trong cái không khí rộn ràng của mùa gặt mướn . Thời điểm bắt đầu là khi gió chướng về. Đó là một ngọn gió rất lạ, nó tiềm ẩn những huyền dịu của thiên nhiên. Đầu tiên là những ngọn gió giao mùa, sau đó là gió chướng "sòng" xuất hiện, nó cùng phóng khoáng nó mang tất cả những mát mẻ của đất trời thổi tràn vào đồng ruộng xóm làng và tràn ngập lòng ta. Nó làm không gian dậy lên cái hương lúa mới nồng đợm. Chính vì thế mà lòng ta rạo rực về một mùa màng no ấm đã về, về một cái Tết có áo mới, pháo nổ gần kề. Bổng nghe dưới bến sông có ai hò:"Bớ ghe sau chèo mau tôi đợi, khúc sông này bờ bụi khó qua". Mới hay đã bắt đầu mùa bà con miệt vườn về miệt sông Hậu Giang làm ăn. Trên dòng sông Bạc Liêu trăng tháng mười bàng bạc, từng đoàn ghe xuồng nối đuôi nhau lũ lượt kéo về, tiếng quẩy nước, tiếng khua chèo tiếng hát hò hòa lẫn với tiếng những bầy vạt ăn đêm đánh thức những dòng sông lạnh vắng. Tiếng hò của ai đó cất lên:" Đạo nào vui cho bằng đạo đi buôn, xuống bể lên nguồn gạo chợ nước sông". Khách thương hồ cứ theo dòng nước lũ của Sông Tiền, qua Sông Hậu rồi xuống Ngã Năm, Ngã Bảy để vào Bãy Xàu, Cổ Cò mà về Bạc Liêu, Cà Mau... Những vùng đất miệt Hậu Giang nổi tiếng phèn chua nước mặn với câu ca:"Chèo ghe sợ sấu cắn chưng, xuống sông sợ đĩa, lên rừng sợ ma", nhà cửa thưa thớt, đìu hiu bổng trở nên đông vui nhộn nhịp. Tại các vàm sông như Ngã Năm, Ngã Bảy nơi đầu mối thủy lộ tỏa ra nhiều vùng-các hàng quán bán bánh dừa, bánh tét, cháo gà...mở ra. Khách thương hồ mua rồi bán lại một ít trái cây miệt vườn. Riết rồi hình thành nếp sinh hoạt mua bán ngày một sầm uất, trở thành chợ nổi trên sông đặt biệt của miền Hậu Giang.

 

Còn tại các xóm làng của Bạc Liêu, Cà Mau như xóm tôi chẳng hạn thì ghe xuồng ken dày ở các bến sông, các đầu kinh thủy lợi...đó là một thứ xuồng ghe đủ loại: tam bản, ghe cui, ghe lường...các xuồng ghe đều có mui được trầm từ lá dừa nước. Khi tìm được bến đậu người ta khiêng mui ghe lên bờ để làm một thứ nhà di động mà trú mưa, nắng. Một tốp ghe 5-3 nhân công trai tráng, tốp khác lại là những cặp vợ chồng với con nhỏ nheo nhóc. Họ còn nuôi gà, heo trên những chiếc xuồng ghe nhỏ xíu. Sáng sớm ở đầu các vàm kinh đã thấy ánh lửa bập bùn rồi khói đốt rơm nghi ngút dâng cao. Đó là những người gặt mướn nấu cơm ăn sớm để đi làm sớm. Họ là những thợ gặt chuyên nghiệp với năng suất gấp đôi người địa phương, trời đứng bóng đã thấy gặt xong một công lúa. Và họ luôn đi tiên phong trong kỹ thuật gặt lúa. Chính kỹ thuật cắt lúa thấp bằng lưỡi hái trên ruộng lúa  ngắn ngày ( trái với kỹ thuật thu hoạch lúa của người địa phương đã được người miệt vườn du nhập vào miền Hậu Giang.

 

Khách thương hồ cất lên vọng hò lan dài theo dòng sông:" Ngồi buồn vọc nước giỡn trăng, nước sao trăng dợn biết rằng về đâu". Hát thế là hát cho kẻ mới đi gặt. Đi buôn xuống miền Hậu Giang lần đầu hoặc tình cảnh của dân thương hồ ngày nay, chứ ngày xưa đa phần khách thương hồ đều có bến đậu. Ở làng tôi vào mùa gặt là gần như 100% gia đình trong xóm đều chứa 5-10 người miệt vườn đến trú ngụ. Là người quen cả đó thôi. Năm ngoái họ từ giả về vườn ăn tết thì năm nay họ lại xuống làm ăn. Nhà tôi là bến đậu của cậu Út, người miệt Cửu Long. Ba tôi kể rằng, đời ông già cậu Út cũng đã ở nhà ông nội tôi để đi gặt rồi. Thế cho nên tình cảm gắn bó như bà con ruột rà. cậu Út xuống với mợ Út cùng thằng Cảnh và con Út Mén. Họ đến thì cả gia đình tôi mừng, lũ trẻ sẽ được ăn trái cây miệt vườn và có bạn chơi. Còn người lớn thì lâu ngày gặp lại. Ghe cậu Út năm nào cũng chở một số trái cây gồm: Mít, Xoài, Mận... vừa có cái tặng bà con miền Hậu Giang vừa bán để kiếm một ít lời làm sở phí đi đường. Cũng chẳng biết vì sao ba má tôi lại quý họ như thế. Má tôi bán dùm hàng cho mợ Út, ba tôi thì "dằn" điểm công gặt có giá cao cho cậu Út. Sau một công gặt còn thời gian rảnh, ba tôi dẫn cậu Út đi bắt cá cạn, hay xin một ít cá lóc, cá rô loại nhỏ của láng giềng tát đìa để cậu Út xẻ khô làm mắm mang về quê khi cuối mùa gặt. Lúc đó xóm tôi cứ nhộn nhịp, nhất là về đêm. Má tôi đốt đèn Mang Song sau sàn lãn để làm cá mắm với mợ Út. Còn tôi cùng với thằng Cảnh và Út Mén thì dẫn trâu đạp rơm giữa khoảng trăng rộng, trăng tháng mười vằn vặt, lũ trẻ chúng tôi mặc sức nô đùa. Con Út Mén sợ ma bị chúng tôi nắp trong cổ lúa nhát ma đến khóc xanh mặt. Gọi con Út Mén là thuở 11-12 tuổi, sau này 18 tuổi tôi vụn về gọi nhỏ nó bằng cô Út Lan. Năm đó Út Lan về quê tôi đứng nơi giang đầu dõi mắt thăm thẳm về cuối dòng sông mà ngọng ngệu cất lên câu hò Sông Hậu: "Em về Giồng Dứa Qua Truông, gió đưa bông sậy dạ buồn nhớ ai".

Đời của khách thương hồ là đời lênh đênh sông nước, rài đây mai đó và tha phương cầu thực nên có những niềm sướng khổ rất riêng. Là đời của những kẻ hải hồ lang bạt, mượn bốn phương làm nhà nếm trải nhiều món ngon vật lạ, thuộc làu trăm nẻo xa xôi. Nhưng cũng là đời của những người con cái không được học hành, tay ương hoạn nạn xảy ra thiếu một quê hương đao đáo, thiếu những người thân an ủi, đỡ đầng. Cái cảnh mà thuở nhỏ thường xảy ra ở xóm tôi là dân gặt mướn, tới nơi thì đỗ bờ, không làm mướn được cho nên tết gần kề mà klhông có tiền về xứ. Nhớ đến cái bàn thờ gia tiên lạnh lẽo khói hương, nơi miền Tiền Giang xa xôi mà chạnh lòng, họ đi ngêu ngao rồi hò rằng:"Cúc mọc dưới sông kêu bằng cúc thủy, Sài Gòn xa chợ Mỹ cũng xa, gởi thơ thăm hết mọi nhà, trước là phụ mẫu sau là thăm em".

 

Trước tình cảnh ấy bà con xóm tôi thường xử sự mời họ lên bờ, vô nhà cùng ăn tết cũng bánh trái, cũng nhậu nhẹt thỏa thê ba ngày tết, để an ủi một phần những kiếp đời tha phương.

 

Lớn lên tôi cứ thắt mắc mãi không biết vì sao và từ bao giờ mà có tập quán làm ăn của khách thương hồ, và vì sao dân miệt Hậu Giang như má tôi lại đùm bọc, thương yêu bà con miệt vườn như tình ruột thịt? (Nó giống như một mối duyên tiền định giữa miệt Tiền Giang và Hậu Giang mà khách thương hồ là kiếp thôi đưa chuyên chở những tình cảm ấy). Phải mãi sau này nghe những người lớn tuổi kể và tìm hiểu đôi chút lịch sử khai phá Nam bộ tôi mới sáng mắt ra.

 

Người từ miệt Tiền Giang đỗ về Hậu Giang làm ăn thì đã có quá trình hàng ba trăm năm nay rồi nhưng có ba làn sóng di dân lớn. Làn sóng thứ nhất là khi giặc Pháp chiếm ba tỉnh Nam Kỳ. Thành quả xây dựng nền văn minh miệt vườn qua một trăm năm của miệt Tiền Giang bị tàn phá nặng nề. Nguyễn Đình Chiểu viết: "Bến nghé, Cửa Tiền tan bọt nước, Đồng Nai trăng ngói nhướm màu mây".

 

Những làng quê trù phú, những ruộng vườn thành khoảnh...bị gót giầy xâm lược giậm nát. Dân miệt Tiền Giang phải bồng bế nhau lên những chiếc ghe cui, ghe bầu về miệt Hậu Giang chạy loạn. Làn sóng thứ hai là cơn bão năm Thìn và sau đó là nạn càu càu tàn phá hoa màu vào đầu thế kỷ 20 đã đẩy dân miệt Tiền Giang vào nạn đói khổ và họ cũng lại bồng chống nhau về miệt Hậu Giang.

 

Làn sóng sau cùng là hạn hán năm 1978-1979 làm cho vùng Gò Công, Bến Tre, Cửu Long mùa màng bị thất bát nặng nề liên tiếp 2-3 năm. Thế là họ cũng lại bồng bế nhau về miền Hậu Giang chạy đói. Chính người viết bài này đã chứng kiến cảnh di dân thứ ba này. Trên sông Bạc Liêu năm đó cứ dày đặc ghe xuồng, bất kể đêm lẫn ngày. Số lượng đông đúc đến cỡ phải liệt vào cấp "binh đoàn". Các xóm làng vùng Hậu Giang tràn ngập dân Tiền Giang. Họ đến nhận làm mướn bất kể nghề nghiệp gì. Người có một chút của cải thì chở tủ, bàn, đồng hồ, ghe, xuồng xuống đổi gạo, đổi khoai. Thậm chí người ta đổi một cô gái để lấy vài táo gạo. Chính vì thế mà xứ Bạc Liêu bây giờ có rất nhiều nàng dâu miệt Tiền Giang được gả về vào cái dịp "khốn khổ khốn nạn" ấy. Ông nội tôi vốn cũng là dân Tiền Giang lưu lạc về đây, thuở sinh tiền, trong những buổi độc ẩm, ông khề khà giải thích cái lý do vì sau khi có hoạn nạn mà người dân miệt Tiền Giang hay về Hậu Giang: Là vì ở đó đất rộng người thưa, dồi dào sản vật, rất dễ kiếm sống. Vào nửa đầu thế kỷ 20 trở về trước, nếp nhà của người Hậu Giang là những căn nhà gỗ dầu ba căn, trước nhà bao giờ cũng có 2-3 bộ ngựa gỏ dầy 1 tấc, dùng để tiếp khách. Khách đến nhà bất luận thân sợ lạ đều được gia chủ têm trầu mời dùng, cơm rượu ngày 3 bữa. Đã thế còn có chỉ chỗ đất tốt cho khai phá, cho mượn trâu để cày bừa. Việc chứa khách trong nhà 2-3 năm là chuyện bình thường, trở thành tập quán sinh hoạt của người Hậu Giang ngày xưa. Tất nhiên tính cách phóng khoáng, hào hiệp ấy vốn có căn nguyên của nó. Vùng Hậu Giang xưa ruộng đồng cò bay thẳng cánh, tôm cá trên sông rạch hằng hà, việc chứa khách trong nhà bao lâu không có ý nghĩa vật chất.

 

Giữa người mới đến khẩn hoang, lập nghiệp không có mâu thuẫn với quyền lợi của người cũ, mà ngược lại còn hỗ trợ nhau làm ăn. Ví như cấy một công ruộng thì chim chuột cắn phá hết, nhưng cấy 100 công thì sự phá hoại phân tán thiệt hại cho mỗi gia đình không đáng kể. Xóm làng càng đông thì thú rừng và bọn trộm cướp không dám bén mãng. Chính vì thế mà hình thành tập quán hiếu khách, lối sống phóng khoáng hào hiệp đặc biệt của người Hậu Giang.

 

Ông nội tôi kể đời làm khách thương hồ của ông cực mà vui lắm. Trong những đêm trăng thanh gió mát đậu ở các vàm sông đợi nước, khách thương hồ cất lên những điệu hò tự sự về cuộc đời tha phương cầu thực của mình. Cảm được nổi lòng ấy, trên bờ có ai đó ra bờ sông hò đáp lại. Sau đó thì các ghe xuồng đậu lại một nhiều thêm, trên bờ sông, người trong xóm làng heo hút kéo ra đông hơn, hình thành hai phường hò đối đáp nhau. Sau những trận "Hò chiến" như thế có khi khách hồ tìm được bến đau rồi nên nghĩa vợ chồng, nên tình thủ túc.Quá trình di chuyển của khách thương hồ từ miệt Tiền Giang về Hậu Giang là quá trình hai "miệt" "cấy người" vào nhau. Ông nội bảo khi gặt mướn cho nhà ông cố tôi, thấy ông nội tôi giỏi giắn mà thật thà thì ông cố tôi kêu vào ở rể. Khi ông nội tôi ra riêng, trở thành địa chủ manh (ruộng nhỏ, manh mún) năm nào cũng đón bà con ở quê Tiền Giang về nhà ở để gặt mướn. Trong nhóm người đó có má tôi sau nầy. Người Hậu Giang cũng chẳng chê người Tiền Giang nà họ hò rằng: "Mẹ mong gả thiết về vườn, ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh." Theo câu hát đó cô Út tôi được gả theo dượng Út về miệt Tiền Giang.

 

Chính vì thế mà giữa miệt Tiền Giang và Hậu Giang hồi đầu chỉ có mối quan hệ làm ăn, dần có thêm mối quan hệ máu mủ. Người ta đi làm ăn cũng là để thăm nôm nhau rồi nghiễm nhiên biến thành khách thương hồ!

 

Khi tôi kết thúc bài viết này cũng là lúc gió bất rao ngọn, tại các vàm sông, các đầu kênh thủy lợi của Bạc Lợi khách thương hồ đang tất bật khiêng mui nghe xuống để hồi cố thổ cho kịp đón tết. Giờ đây kinh tế của miệt Tiền Giang vẫn phát triển nhưng không biết vì sau vẫn còn nhiều kiếp đời trôi nổi tha phương cầu thực?

 

Giải thích cho ý nghĩ này của tôi, một ông lão bới tóc củ tỏi, mặc áo Cao Đài, người Tiền Giang bảo: "Kinh tế gia đình của Qua bây giờ không cần phải đi làm mướn. Nhưng hễ tới mùa gió chướng là cái máu lang bạt kỳ hồ nó nổi lên, nôn nao xuống xuồng rong rũi về miền Hậu Giang. Gặt mướn là cái cớ để đi chơi, để thăm người cũ, chốn cũ ấy mà". Nghe ông lão nhắc cái máu lang bạt kỳ hồ tôi mới nhớ, dân Châu Thổ sông Cửu Long chằng chịt sông ngòi chúng tôi bảy đến tám tuổi đã nhảy ùm xuống sông, áp lòng ngực chồm lên ngọn sống gọi là giỡn sóng, nào có hay đâu chính lúc ấy cái hồn sông nước đã nhập vào hồn người, làm nên cái máu lang bạt trên sông nước của con người. Những kiếp đời khách thương hồ ra đời từ dòng máu ấy, nó nối liền hai miệt Tiền Giang và Hậu Giang mến yêu. Nó làm nên cái thẳm sâu của nền văn minh sông nước Nam bộ.

Phan Trung Nghĩa
Số lần đọc: 2913
Ngày đăng: 01.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bến đợi - Bùi Nhất Chi
Xứ lụa một thời - Nguyên Tùng
Ba Khía Cà Mau - Phan Trung Nghĩa
Nổi buồn mang tên Slâcrich - Phương Tử Nghi
Chiếc guốc xinh xinh và những kỷ niệm ở rừng của tôi - Nguyễn Minh*
Chuyện cũ - Võ Ðắc Danh
Nghề hạ bạc - Phan Lữ Hoàng Hà
Vẫn trên vùng đất cũ - Nguyên Tùng
Đua ghe Ngo trên sông Cái Lớn - Nguyễn Thị Diệp Mai
Chái bếp nhà quê - Phan Trung Nghĩa