Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
726
116.710.455
 
Trên Cõi Sương Mù
Châu Văn Thuận

1.

Những ngày cuối tháng chạp, trời cao nguyên chỉ còn lướt thướt gió vèo qua những cành cây cao. Ý định trở về căn nhà cũ đã đến từ một ngụm đắng nằm yên trong trí não. Cơn say mời gọi tôi quên hết những ngày tháng dật dờ, khiến lòng mềm đi ngoan ngoãn. Đừng khóc nghe mày. Những tình cảm sẽ làm mày hèn yếu và suốt đời mày chỉ còn là con bạch tuộc sờ soạng bám víu trong đêm tối. Hãy giữ lòng bình thản như đá gỗ. Một sự trở về muộn màng. Cuối đường đi tôi sẽ không còn gặp một khuôn mặt nào nguyên vẹn gần gũi. Căn nhà trên bãi biển nào đó là ngọn hải đăng cho tôi chới với trông tìm một chút hy vọng nhỏ nhoi một nửa phần đời đã cố vùi quên nhưng vẫn còn lãng vảng không dứt. Tôi đã bỏ xa tất cả mọi người, kể cả những khuôn mặt thân yêu nhất, cả chị Huệ, cả Nhàn người tình đầu đem đến cho tôi một thứ cảm xúc mới lạ của ngày tìm ra tình ái. Tôi đã tự rứt mình ra những ràng buộc tưởng như khó thể nào từ khước. Phải bước ra khỏi ngưỡng cửa dầu biết rằng mẹ tôi đã khóc sụt sùi. Hai mươi năm mọc nhánh trong thân thể tôi, tấm thân nhỏ như con chuột ngày sinh ra cha tôi nhìn bằng con mắt tuyệt vọng. Lớn lên tôi nghe ông từng nói: “Tướng mày còn làm nên trò trống gì”. Ngày đó làm sao tôi biết nỗi buồn khổ sẽ xô đẩy đời tôi về những bến bờ xa lạ. Như bây giờ đây, bà chủ trọ nhìn tôi như một con thú cô đơn. Những câu chuyện nhạt nhẽo kéo dài buổi cơm chiều lạnh buốt. Tôi im lặng nuốt xong dĩa rau cải, đưa mắt nhìn ra những mảng nắng hấp hối bên kia ngọn đồi cao.

- Tết này cậu về đâu, hay cứ ở lại đây với già. Thằng Hai tôi ở lính mãi tận Kontum. Nó giống cậu, suốt ngày lầm lì không biết buồn phiền chi mà nửa chừng bỏ học xin đi biệt kích. Đồ con bất hiếu thật cậu à!

 

Tôi ấm ớ trả lời cho qua chuyện. Bữa cơm kéo dài mỏi mệt toàn thân tôi nóng ran muốn ngã lăn tìm giấc ngủ vùi nhưng biết không thể nào chợp mắt. Trí óc tôi chỉ toàn một vùng trắng xóa. Bóng bà già đứng lên dọn dẹp. Tôi lảo đảo dựa mình vào thành cửa sổ nhìn đám sương mù bắt đầu lập lờ trên thung lũng. Bên kia những bóng cây đen thẩm. Một thế giới nào đó thật xa gợi trong hồn tôi nỗi nhớ mập mờ, một hòn đảo mù khơi dạt dào sóng vỗ đầu ghềnh. Ngày tháng mất hút. Tôi quẹt lửa châm điếu thuốc run rẩy ở đầu môi. Tôi đã quyết định trở về như một tên phiêu lưu sau nhiều năm lênh đênh ngoài biển cả, trở về nhìn lại căn nhà dù nơi đó chẳng tìm được dấu vết nào hàn gắn một tình cảm đã mất.

 

 

2.

Căn nhà giữa khu vườn nhỏ nằm trên con đường xuống một bãi biển hoang liêu. Hình như tôi đã ra đời một buổi tối mùa đông, sau khi cha tôi từ rừng sâu trở về ở trong một gia đình một người bà con chết đi không người nối dõi. Cha tôi sống âm thầm như cố quên đi những ngày tháng lao lung. Tuổi trẻ ông hy sinh nhiều cho cuộc kháng chiến nhưng lịch sử đã qua đi trên đời ông chỉ còn để lại một chuỗi chán chường như buổi sáng kia thức dậy nhìn bãi biển đầy rác rến bẩn thỉu. Tôi là đứa con trai đầu tiên và cuối cùng, sinh sau chị Huệ một năm. Chỉ khi lớn lên tôi mới hiểu được tâm sự của một người hùng thất chí. Kháng chiến cướp đời sống cha tôi những ngày đẹp đẽ. Tuổi trẻ hy sinh một cách nồng nhiệt nhưng cuối cùng ông đã bị những thằng bạn phản bội khi cuộc chiến đấu thành công. Xương máu đổ ra của bao nhiêu người đều vô nghĩa, khi chung quanh chỉ là những lừa đảo, phản trắc. Cha tôi cũng còn may mắn được nhìn thấy vợ con, nhưng nỗi hận thù vẫn đuổi theo ăn mòn ngày tháng. Chiều chiều, ông ngồi uống rượu đế ở đầu hiên nhà. Mẹ tôi lủi thủi không biết nói gì hơn là kiên nhẫn săn sóc những lần ông say ngủ vùi. Mẹ tôi sai chị Huệ chạy qua nhà hàng xóm xin vôi về ký vào hai bàn chân ông. Tôi lẩn quẩn ở đầu giường, thỉnh thoảng nghe ông lải nhải những câu mơ hồ. Chị Huệ đứng rưng rưng nước mắt ở trong góc nhà. Bóng tối sậm xuống ngoài sân. Mẹ con tôi chẳng thốt một lời chỉ còn nghe tiếng sóng vỗ vào bờ ập ập từ cuối đường vọng lại.

 

Tôi đã sống trong căn nhà bịt bùng những ám ảnh nghèo túng và nỗi buồn phiền của cha tôi đè nặng xuống gia đình. Dầu sao tôi và chị Huệ vẫn còn đi học được ở trường tỉnh. Tuổi học trò thất thễu cùng những ngày lang thang trên bãi cát với chị Huệ. Chiều chiều chúng tôi dẫn nhau xuống biển, ngồi trên bậc cấp của một lâu đài hoang phế, nơi nghỉ mát của một tên quan Tây hồi trước. Chị Huệ thường khe khẽ những câu hát nhè nhẹ mênh mông. Chị hơn tôi một tuổi, thông minh và đẹp nhất trong vùng. Tôi nhiều lúc được chị cho xem những bức thư tình của mấy người con trai gởi đến hay dấu trong cuốn vở, nhưng tôi tin rằng chị chưa hề yêu ai. Tuổi 18 của chị buồn như một bông hoa mùa đông. Tôi thích nhìn mắt chị long lanh những lần chị khóc vì bị mẹ tôi la mắng. Những lần đó, chị thường kéo tôi xuống ven bìa nước thủng thỉnh dạo chơi cho đến lúc trời sẫm tối. Ánh đèn lấp lánh ngoài khơi. Mãi sau này tôi mới khám phá hình ảnh so sánh để diễn tả đôi mắt chị Huệ.

 

Chị Huệ nhìn tôi bằng đôi mắt ngạc nhiên, không ngờ tôi có thể hành động liều lĩnh và hăng hái đến như thế. Tôi muốn nói thật nhiều cho chị Huệ nghe về những tin tức báo chí hằng ngày, về ông Thầy X cũng bị bắt, tôi muốn giải bày cho mọi người thấy rõ ít ra mình cũng phải tham gia làm hậu thuẩn cho những đòi hỏi hợp lý.

 

Sau ngày tôi bị bắt, cha tôi càng lầm lì hơn. Thỉnh thoảng ông hỏi tôi sau này định làm gì, có muốn đi học nữa không. Trường đuổi tôi ra khỏi lớp. Tôi buồn bã nói để tôi tự học ở nhà cuối năm đi thi và kiếm cớ lên cao nguyên tìm việc làm.

 

 

3.

Đêm phả hơi lạnh buốt trên da mặt. Tôi bước lên con dốc dẫn đến căn nhà trên ngọn đồi. Chắc chị Hiền còn thức. Những bậc cấp mù mờ dưới ánh điện vàng yếu ớt. Tôi chập choạng đưa tay gỏ vào cánh cửa. Tiếng dép kéo trên sàn nhà. Chị Hiền co ro trong chiếc áo len màu đỏ kéo cao khuất cổ đứng nép vào một bên tránh luồng gió ập vào căn phòng. Chị Hiền kéo ghế mời tôi ngồi xuống, chiếc bàn con có chiếc áo len đan bỏ dở. Một bình hoa, mấy bông màu tím sắp héo. Hiền là bạn học cùng lớp với chị Huệ; ở đây tôi có thể biết tin tức về gia đình. Hiền gầy ốm, làm giáo viên tại một quận lỵ xa thành phố. Mỗi ngày chị thức dậy sớm đi đến trường trên chuyến xe đò thứ nhất. Những buổi chiều chị trở về lúc trời bắt đầu đổ lạnh. Tôi thường gặp chị trên con dốc đó. Tà áo lụa vàng lướt thướt trên những bông hoa nhỏ màu tím nở đầy quanh năm. Từ ngày đổi lên đây, Hiền ở với người dì lớn tuổi suốt ngày buôn bán ngoài chợ để trống căn nhà heo hút vắng vẻ. Mấy lần bà nói tôi sang đó ở cho vui. Tôi từ chối vì đêm đêm phải đi dạy học kèm cho mấy đứa nhỏ sợ về muộn.

 

Chị Huệ còn là chiếc cầu trong trí nhớ mỗi lần tôi nghĩ đến người con gái bên nhà. Nhàn có đôi mắt buồn như chất đầy phiền muộn mỗi lần tôi bắt gặp nàng ngồi nói chuyện với chị Huệ. Hai người học hơn tôi một lớp, dẫu vậy cũng chẳng có khoảng cách nào cho đến một hôm tôi hôn lên mắt Nhàn. Nỗi điên khùng nào đã đẩy tôi vào cuộc phiêu lưu. Tôi có lý do để tha thứ cho mình, như tình cờ của định mệnh và Nhàn đã chấp nhận một cách êm đềm. Chị Huệ ngạc nhiên xem như đó chẳng qua là một sự rồ dại. Tình yêu chẳng đưa tôi đi xa hơn những câu chuyện thân mật, những mơ mộng đẹp xa vời. Năm sau, gia đình Nhàn về trong Nam. Kỷ niệm thơ ấu xa dần, tôi chỉ biết âm thầm buồn bã.

 

Những ngày rục rịch biểu tình xuống đường từ mấy tỉnh miền Trung lan vào tỉnh lẻ, cha tôi ngồi uống rượu với một người lạ mặt, trầm ngâm đưa mắt nhìn ra con đường cắt qua trước mặt nhà. Tôi biết cha tôi đang bàn chuyện xoay quanh tin chính trị ở Sàigòn về không khí xáo trộn sắp bùng nổ. Ông rót thêm rượu vào ly nhưng chú Trọng (người lạ mặt) xua tay:

- Thôi anh, tôi còn phải về sớm. Đêm nay tụi nó viết biểu ngữ, mình phải qua đó trông chừng.

Tôi nghe tiếng cha tôi thở dài tiễn chú Trọng ra cổng.

 

Sáng hôm sau tôi thấy chú Trọng trong đám biểu tình. Tôi có mặt trong những người hò hét đả đảo. Chị Huệ hoảng hốt nhìn tôi kéo biểu ngữ vào lớp chị hô hào bãi khóa. Kết quả là tôi bị giam ở tỉnh trong hơn một tuần. Mẹ tôi sợ hãi. Chị Huệ kể cha tôi vẫn bình tĩnh uống rượu với chú Trọng. Một buổi trưa tôi gặp lại chú đón tôi ra khỏi tỉnh đường. Chúng tôi chẳng nói gì với nhau. Chú cười. Rồi từ đó tôi không còn gặp người đàn ông ấy. Có tin chú vào bưng hay bị bắt đưa ra Côn đảo chưa trả về.

 

Những ngày bồng bột sôi nổi qua đi để lại trong tôi một thứ buồn nản lạ lùng. Mẹ tôi khóc:

- Con ốm yếu chỉ nên gắng học hành sau này kiếm việc nuôi lấy thân, chuyện người lớn mặc người ta làm gì đừng chạy theo. Ba mày già đời còn khổ vì nỗi ấy không thấy à.

 

Ngày tôi gặp Hiền bước xuống xe hàng tay xách chiếc vali lớn, trời mưa lâm râm đọng mấy giọt nước long lanh trên mái tóc dài. Nét mặt ngỡ ngàng của một nữ sinh bắt đầu giáp mặt với đời sống khiến tôi bâng khuâng xúc động như hình ảnh một con chim vụng về đập cánh lần đầu để bay đến một vùng trời xa lạ. Tôi mừng rỡ hỏi thăm tin tức gia đình.

 

Từ khi tôi bỏ đi năm ngoái, cha tôi mỗi ngày héo hắt thêm vì những cơn say xé nát thân thể già nua. Ông uống rượu và chửi bới đủ mọi hạng người. Còn cơn đau nào hỗn loạn bằng nỗi dằn vặt triền miên của một người thất chí. Chị Huệ bỏ học đi làm trong một sở Mỹ. Dù tôi tin chị tôi có tâm hồn cao đẹp nhưng thật khổ sở khi nhận ra một thực tế quá phủ phàng đã đến với những người con gái mong cầu miếng cơm manh áo. Cha tôi đã chửi rủa, xua đuổi chị Huệ ra khỏi nhà không biết bao nhiêu lần.

- Tao sống thế nào nỗi. Đồ đĩ thỏa. Nhục quá nỗi nầy thì chết đi con ơi!

Chị Huệ cắn răng khóc lóc, nhưng chính cha tôi đã chết trước khi chị Huệ sinh ra một đứa con trai tóc vàng bầu bỉnh. Hình như ông đã kết liễu đời mình bằng một chai dầu nóng hay ống thuốc nhức đầu hạng nặng. Mẹ tôi khóc hết nước mắt, cuối cùng chỉ còn cách nuôi đứa cháu lai để chị Huệ tiếp tục đi làm nơi khác.

 

Từ lúc gặp Hiền, đời sống lang thang ở đây bỗng có chỗ dừng chân trò chuyện. Những lúc buồn bã tôi sang nhà Hiền ngồi tán gẩu bâng quơ, đưa mắt nhìn theo những mũi len dịu dàng trên tay chị , hay nghe chị kể về người chồng sắp cưới bỗng đâu mất tích trong một cuộc hành quân.

 

Lần này tôi mời chị dạo xuống phố. Trời rét như cắt. Tôi co ro trong chiếc áo len cũ không đủ ấm. Qua một vòng phố, chúng tôi rẽ xuống con đường vắng vẻ. Trong mấy căn nhà vọng ra tiếng ấm áp bản nhạc có lời tha thiết trong đêm khuya. Người-ơi-mau-về-đây, về-bên-bếp-hồng-đang-chờ-ai. Tôi nghe đau nhói ở tim. Con đường im lặng chỉ còn nghe tiếng guốc gỏ nhẹ trên mặt nhựa. Phải chi tôi có một gia đình ấm êm đợi chờ xum họp. Tôi hỏi chị Hiền biết tin tức về anh ấy không, Hiền buồn bã đáp:

- Mất tích thì coi như chết rồi. Hiền hết cả hy vọng. Tín xem có người nào bị bắt mà được thả về đâu?

Tôi nói:

- Cũng như gia đình tôi xem tôi như đã chết. Mà tôi đang hấp hối thật. Một người không còn ước vọng gì nhen nhún trong lòng thì coi như không còn có mặt trên đời. Chị xem còn ai chờ mong tôi đâu.

- Bác gái bệnh nặng quá không còn biết gì. Còn Huệ chắc buồn vô cùng. Đứa con đã lớn. Tại sao Tín không về nhà lúc bác trai mất? Dầu thế nào ông cũng là người sinh ra mình. Tín không biết như vậy là tàn nhẫn sao?

 

Tôi muốn Hiền thôi đừng nói nữa. Tôi thương mẹ tôi cũng chẳng oán hờn chị Huệ. Không ai hiểu nỗi khổ tâm phải nhìn sự đổ vở chính giữa những người thân yêu nhất. Đứa con chị Huệ là một chứng tích bi thảm của một gia đình tán tận. Tôi là một đứa con trai duy nhất vô dụng dù có mặt hay không ở đó. Tôi chống trả được gì khi hai bàn tay trắng trơn, không hề đón nhận được chút khích lệ nào để sống.

- Chị Hiền, Tết này tôi sẽ trở về nhà, về một lần cuối cùng nhìn lại khuôn mặt mẹ tôi. Và tôi cũng sắp từ biệt chị luôn rồi đó. Tết xong tôi vào trại nhập ngũ.

 

Sương xuống thật dày, lạnh cóng. Tôi nghe tiếng chi Hiền khịt mũi. Mái tóc tôi ướt đẫm. Hiền kéo áo măng tô lên cao, chiếc khăn voan rơi xuống đất. Tôi lặng im nghĩ đến chị Huệ, đến Nhàn. Nhàn thích khăn voan màu trắng. Dạo đó tôi hứa mua cho Nhàn một chiếc trong buổi chiều ngồi trên tảng đá cao ven bờ nước mơ mộng theo mấy cánh buồm trắng ra khơi. Bây giờ không còn mong gặp Nhàn và chắc nàng cũng đã quên.

 

Đêm thật khuya. Bàn tay chị Hiền vẫn nằm nguyên trong tay tôi từ lúc nào, tưởng như những ngày tôi cùng chị Huệ dẫn nhau đi chơi ngoài bãi xa thật tối mới về nhà. Tôi chẳng dám nhìn trong mắt Hiền. Lòng tôi buồn thảm lạ lùng, thắm thía nỗi cay đắng xót xa nghĩ đến chị Huệ, đến Nhàn những ngày thơ trẻ. Bên tôi có lẽ Hiền đang nghĩ về người đàn ông suýt đến với đời mình; làm sao tôi biết được chị đau khổ đến mức nào. Đời chị là một vết thương non chưa hẳn thành đau đớn. Những ngày dang dở tiếp theo trong niềm đợi chờ vô vọng. Chiến tranh ở đâu đó gần gủi với chị và rồi tôi cũng sắp lăn vào như chính cha tôi đã lao mình trong rừng sâu sống những ngày cùng khổ. Một thế hệ qua rồi, còn chúng tôi vẫn đang thập thò trước những cạm bẫy mới. Những chị Huệ đang lê thê tủi nhục, những thằng người như tôi không còn gì mơ ước ngày mai và chị Hiền sẽ còn chịu đựng, mất mát đến bao giờ.

 

Trên đường trở về nhà, đêm đã gần giới nghiêm. Ở đầu con dốc, chúng tôi đứng lại nhìn xuống thành phố bên kia nhấp nhô mái nhà lẫn trong những vũng ánh sáng của đèn đường phủ mù trắng đục. Lòng tôi mềm xuống nghĩ đến khi phải giã từ cao nguyên và Hiền. Tôi bỗng nghẹn ngào trong cổ họng khi trên vai tôi đượm mùi ấm áp của một hơi thở phập phồng âu yếm…/.

 

Ý Thức số 7 ngày 15 tháng 1 năm 1971

Châu Văn Thuận
Số lần đọc: 1545
Ngày đăng: 20.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiếng Cười Đoàn Viên* - Khuất Đẩu
Sông Núi Trở Màu - Đặng Kim Côn
Những Mảnh Vỡ (22) - Nguyễn Thị Hậu
Mộng Thấy Mình Đã Chết - Phạm Ngọc Lư
Con Chim Đen - Lữ Kiều
Đêm Mù Mộ Địa - Phan Tấn Uẩn
Bờ Nước Đục - Chân Phương
Học trò cũ - Trần Lệ Thường
Tóc thề - Thái Quang Hy
Con vẹt - Huỳnh Văn Úc
Cùng một tác giả
Trên Cõi Sương Mù (truyện ngắn)