Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
779
116.644.840
 
Mưa nửa đêm
Kim Quyên

Vừa mở cổng, cơn mưa ập đến, chị vội quơ mớ quần áo đã khô trên sào chạy nhanh vào. Tra chiếc chìa khoá vào cánh cửa sắt rồi đẩy, tiếng rít khô khốc của cánh cửa khiến chị khựng lại, sực nhớ đã lâu không ai bôi dầu lên hai đầu bánh xe, hèn gì nó nặng, kêu ken két  đến buốt óc.

 

Hơi lạnh rờn rợn ùa vào sống lưng khi chị bước vào nhà. Ngôi nhà vắng tanh làm nổi rõ tiếng mưa rơi lanh canh trên mái tôn, tiếng nước rào rào mỗi khi gió quật tàn cây cóc. Chị chợt sợ hãi, gió mạnh quá khiến cành cóc de qua nhà có thể gãy và rơi trên mái nhà. Hơi ẩm xông ra từ căn phòng ngủ khiến chị rùng mình.

 

- Mina! Mina! Chị cuống quýt vừa gọi vừa nhìn vào gầm giường, chân ghế.

 

- Mina! Mina à!…Meo…meo…Chị gọi liên hồi.

 

Con mèo đang núp trong góc tủ vọt ra cạ cạ cái đầu nhỏ xíu có đốm vằn như lông cọp con vào chân chị.

 

- À! Mầy đây rồi ! Còn con Mina đâu? Chị ôm nó vào lòng, bốn chân lạnh ngắt, miệng gừ gừ đáp lời, đôi mắt trong xanh giương ra nhìn chị, rồi như hiểu được nổi lòng của chủ, nó cạ chiếc mõm đỏ xinh xắn lên cánh tay chị. Chị vuốt đám lông mịn như nhung trên đầu nó, mắng yêu:

 

- Mầy ở nhà mà không biết con Mina ở đâu sao? Tệ thiệt. Mina! Mina à!…

 

Chị ra sau nhà bếp, nhà củi cũng không thấy bóng dáng nó, chị lo thắt tim. Hay là… trong lúc không có chị kẻ gian đã vào đây bắt, vì từ khi có nó lũ trộm vặt và đám “ xì ke vườn” không lấy cắp đồ đạc nhà chị được. Có thể lắm. Chị phải đi tìm nó, nếu không đêm nay ai canh giữ nhà, ai sẽ kề cận bên chị ngoài con mèo tam thể gừ gừ suốt đêm bên đàn chuột nhắt.

 

Bỏ con tam thể lên bàn, chị vội mặc áo mưa, khoá cửa, bước ra cổng.

 

Trời nhá nhem tối, chị đi dọc theo con hẻm nhỏ trơn trợt, vắng bóng người. Lối xóm đã lên đèn, mấy chú chó sủa oang oang khi thấy bóng người.

 

- Chị Lệ ơi! Chị Lệ!

 

Chị nghiêng ngó nhìn vào khu vườn nhãn, nhìn qua dãy nhà bếp của người hàng xóm. Gia đình họ đang ngồi ăn cơm quanh chiếc bàn, họ mãi vui vẻ chuyện trò không nghe tiếng gọi. Chị cố cất cao giọng hơn:

 

-  Chị Lệ ơi! Có con Mina tôi ở đó không chị?

 

Người đàn bà bước ra, nụ cười còn nở trên môi, sốt sắng hỏi:

 

- Gì vậy Thu? Trời mưa mà đi đâu vậy?

 

- Kiếm con chó. Nó có qua nhà chị không?

 

- Không. Hôm qua chị thấy nó giỡn với con chó cái đằng nhà bà Sáu, đâu lại đó coi. Ở đây chó đực không hà. Ối! Nó đi kiếm vợ chớ có đi đâu mà lo. Người đàn bà cười giòn dã.

 

Chị tất tả đến nhà bà Sáu. Nhác thấy chủ, con Mina com cóp cái đuôi, nép sát vào hàng rào me keo, giấu mình trong đám lá um tùm.

 

- Mina! Mina! Chị kêu lên mừng rỡ khi thoáng thấy bóng nó.

 

- Mina! Mina! Chị gọi dồn dập. Về con! Về với tao!

 

Nghe tiếng gọi khẩn thiết của chị nó ló đầu ra chỗ lỗ hàng rào, nhìn chị giây lát rồi vọt ra ngoài, phóng về nhà.

 

Con chó chạy tuôn ra phía sau nhà bếp tìm tô cơm . Chị lật đật múc thức ăn đổ vào tô của nó.  Chú chàng nhai nghiến ngấu mớ cơm nguội, chiếc đuôi tung tẩy ngoắc liên hồi. Chị  vuốt bộ lông màu xám tro, tra vấn:

 

- Mầy có bồ rồi phải không?

 

Đôi mắt con chó như hai hột nhãn màu nâu nhìn chị hiền lành, gương mặt rạng rỡ, chiếc mũi đen ươn ướt phập phồng, cái lưỡi dài, đỏ hồng liếm lấy, liếm để hai bên mép. Thấy nó vui, chị cũng vui lây:

 

- Cha mầy! Đi theo bồ thì đi, tối phải về giữ nhà cho mẹ. Anh chị mầy đi học xa rồi, chỉ còn mình mầy đó con.

 

Chị bới thêm cho nó chén cơm nữa, cười âu yếm:

 

- Lo theo bồ quên ăn phải không con ? Ăn rồi ở nhà ngủ canh bọn trộm, mai hãy đến nó nghe không.

 

Ăn xong, con Mina đến chỗ thau nước dành cho nó, uống một bụng rồi ra phía trước nằm. Có con chó chị thấy yên lòng đôi chút, vội lo tắm táp rồi nấu gói mì tôm cho buổi ăn tối.

 

Vừa ăn vừa xem TV, kênh nào cũng chán ngắt. Kênh hát toàn nhạc thất tình, kênh thì cải lương khóc lóc rũ rượi, kênh nhạc Bốn phương hình ảnh chớp tắt ma quái đến nhức đầu. Không có vở kịch nào vui, không có bài hát nào tươi khỏe để khoả lấp dùm chị nỗi buồn.

 

Ăn xong, dọn dẹp chén dĩa, khoá chặt các cánh cửa trong ngoài, mưa vẫn còn lâm thâm trên mái nhà. Con Mina đã nằm yên vào chỗ của nó, trên cái bao bố tời dưới chân ghế đá, thỉnh thoảng sủa ăng ẳng khi thấy điều gì đó khả nghi. Trước khi đóng cánh cửa sắt, chị vỗ vỗ đầu nó:

 

- Nằm yên đây canh chừng. Sáng mai hãy lại đằng con bồ nghe chưa?

 

Nó liếm tay chị, ngúc ngoắc cái đuôi, nhẩy chồm chồm, miệng kêu ư ử.

 

- Mẹ đi ngủ đây. Nhớ canh nhà nghe con !

                                                           

Tiếng mưa quất rầm rầm trên mái tôn  khiến chị choàng tỉnh. Cành cóc vặn vẹo nghe rợn người. Hình như nó sắp gãy thì phải. Chị bật đèn, bước ra cửa sổ, gọi khẽ:

 

- Mina! Mina!…

 

Hé cánh cửa sổ, chỉ còn miếng manh bố ở đó. Nó lại đi rồi.

 

Ngồi lọt thỏm vào chiếc ghế bành trong phòng khách, nước mắt ứa ra từ đôi mắt đã có dấu chân chim, gương mặt xanh xao buồn rượi càng khiến chị giống cô gái liêu trai trong sách chí dị cũ xưa nào đó.

 

Chị nhìn lên tấm ảnh gia đình đã vàng úa. Hai vợ chồng kề bên hai đứa con, gương mặt anh đầy vẻ sung mãn, tự tin, gương mặt chị trẻ trung, hân hoan, nụ cười tươi tắn với hàm răng trắng đều,  đó là gương mặt của những ngày xuân  tươi, tràn đầy hạnh phúc. Bây giờ, con đi học xa, anh đã về với người khác, chị ngồi đây một mình, ăn ngủ một mình, buồn vui cũng một mình. Tại sao? Câu hỏi thốt ra từ lồng ngực, nghèn nghẹn ở cổ khiến cho tiếng khóc tức tưởi không thành tiếng.

 

Chị nhìn khắp lượt căn nhà. Ngay chỗ cửa sổ, nơi con Mina nằm, con chị hàng đêm ngồi học bài, tiếng chúng cười giỡn vô tư như còn văng vẳng đâu đây.

 

Chiếc bàn tròn trong nhà bếp, trước kia là nơi ăn uống của gia đình. Có những buổi chiều, sau giờ làm việc, về tới nhà, tắm rữa xong, anh và hai đứa con phụ dọn thức ăn nóng sốt chị vừa nấu ra bàn.

 

Vừa ăn, mỗi người kể lại việc làm, việc học của mình trong ngày, chị lắng nghe và bao giờ cũng góp vào một câu nhận xét xác đáng hoặc một lời đùa hóm hỉnh nào đó, tiếng cười nổ ra dòn tan, ánh mắt anh nhìn chị long lanh, âu yếm.

 

Thế rồi thời gian sau nầy, càng ngày càng  thưa dần những bữa cơm gia đình. Đứa con gái lớn lên thành phố vào đại học. Thằng con nhỏ lo luyện thi chuyển cấp, học một ngày hai, ba ca, có khi nó ăn dọc đường cho kịp giờ đi học. Chồng chị bận nhiều việc quan trọng ở cơ quan, ít khi ăn cơm nhà, có khi vắng mặt hàng tuần lễ, lúc về thường nồng nặc mùi rượu, bước đi không vững, giọng nói nhão nhoẹt, người phát ra mùi chua nồng pha lẫn mùi nước hoa đắt tiền.

 

Thăm dò tin tức về anh, bạn bè không ai rõ. Hỏi thủ trưởng cơ quan, ông bảo chồng chị vẫn công tác bình thường, không có biểu hiện gì xấu ở cơ quan. Vả lại, ông chỉ quản lý cán bộ trong giờ làm việc, còn đời tư từng người ông không kham nổi. Trao đổi thẳng với anh thì anh nói không có chuyện gì, vẫn một lòng yêu thương vợ con, do việc cơ quan nhiều biến động nên phải bê bối việc nhà vậy thôi.

 

Chị cố vịn vào những lý do khách quan, vẫn xốc vác lo toan việc chung, việc riêng, ngày hết lòng với công việc giảng dạy, đêm chong đèn dạy con học đến khuya.

 

Một hôm, khi các con đã ngủ, nằm  cạnh anh, chị nói:

 

- Anh không thể đi đêm đi ngày và say sưa mãi thế nầy, việc cơ quan xong thì về với gia đình. Một mình em làm sao lo liệu quán xuyến nổi,em rất cần sự giúp đở của anh.

 

Anh quay mặt  vào vách, giọng lè nhè:

 

- Tôi bận nhiều việc, làm sao phụ cô được. Cô muốn tôi ở nhà phục vụ cô à? Việc cơ quan là hệ trọng, chuyện lặt vặt trong gia đình, phụ nữ phải có trách nhiệm gánh vác, đừng đổ trút cho tôi.

 

- Việc gì quan trọng đến nổi phải bỏ bê gia đình. Em sẽ tới cơ quan hỏi xem công việc của anh ở đó như thế nào.

 

- Đố cô dám đến. Chỗ làm việc của tôi, thằng nào con nào tới quấy rầy là chết, không sống nổi đâu..hà..hà… không sống nổi  đâu…

 

- Anh có bí mật gì mà không cho em tới ?

 

- Tới hỏi vớ va vớ vẩn cho người ta đánh giá tôi hả? Tôi lãnh đạo một cơ quan lớn, cô quên rồi à? Lãnh đạo cả trăm cả vạn con người ta vẫn êm ru, chỉ có một bà vợ mà lãnh đạo không được. Nhậu nhẹt là một phần công việc của cơ quan. Thời buổi kinh tế thị trường, không giao tiếp làm sao chỉ đạo được. Đàn ông tối ngày cứ ro ró ở nhà là tốt sao?

 

- Em không yêu cầu anh chuyện lớn lao, chỉ nhắc anh nhớ là anh còn có gia đình.

 

Anh cười gằn:

 

- Cô không nhắc tôi cũng nhớ, nhưng bây giờ cô đủ sức đảm đương rồi, còn phải lo gì nữa. Ngày xưa ở trong rừng, không có gia đình kế bên, người ta mới làm nên việc lớn, bây giờ mở miệng ra là gia đình, gia đình, tính đem hai chữ đó ra hù tôi chắc?

 

Chị bước xuống khỏi giường, đi ra nhà sau, leo lên võng. Anh trăng vằng vặc tỏa chiếu xuống dòng sông, gợi cho chị nỗi buồn mênh mang sâu thẳm. Đời chị đã đến chỗ ngoặc của nhánh sông rồi, muốn dừng lại nơi êm đềm cũng không được, rồi đây không biết đời chị sẽ trôi dạt về đâu?

 

Mãi đến một ngày không chịu nổi cảnh bất thường triền miên, chị đề nghị anh ra ở riêng khu tập thể cơ quan. Anh đồng ý ngay, anh bảo cái gia đình nầy không mang lại cho anh niềm vui nữa.

 

Tình cờ một lần, chị định bước vào tiệm kim hoàn để mua đôi khoen tai cho con gái nhân ngày sinh nhật của nó, nhưng chị chợt nhìn thấy anh đang đứng với cô gái trẻ đẹp ở đó, đôi mắt anh âu yếm khi đeo chiếc nhẫn vào tay cô. Vậy là chị đã rõ. Chị muốn bước tới để chạm mặt anh nhưng chị không đủ sức. Vả lại, chị biết rõ tánh anh, khi đã muốn làm điều gì thì không ai cản ngăn được. Chị lảo đảo quay lưng, thẫn thờ bước trên con đường tấp nập người qua lại. Dẫu mang máng biết anh đã thay đổi tình cảm vợ chồng, nhưng khi đối mặt với sự thật chị mới thấy hết nỗi đau của mình.

 

Không thể thố lộ cùng ai chuyện nhà. Bà mẹ già gần đất xa trời, nói ra bà không giải quyết được gì lại làm nặng thêm cơn bệnh tim. Có con bạn thân đã lấy chồng xa . Hơn nữa, ngày xưa nó  ngăn cản quyết liệt khi chị quyết định lấy anh. Nó bảo cặp mắt và chiếc miệng của anh là tướng của người bội bạc. Đàn ông nói chuyện hàm răng khít rịt, đôi mắt ít khi nhìn thẳng người trước mặt, giọng điệu thì đầy vẻ gia trưởng, chói tai. Nó còn nhận xét nhiều điều khác nữa, chị không nhớ hết.

 

Lúc quen anh, chị không nghĩ đến điều đó. Chị cho là chuyện nhỏ, chị có thể cải tạo được. Đã là con người, ai mà không có khuyết điểm nầy nọ. Chuyện duyên nợ là chuyện phước phần, may nhờ rủi chịu, biết bến nào êm mà cắm sào. Dù sao, chị cũng đã kén chọn đến gần ba mươi tuổi, bước tới tuổi ba mươi coi như qua buổi chợ chiều .

 

Chị tự hỏi, không biết do mệnh bạc  hay vì mình thiếu  tài, thiếu sắc mà không xây dựng nổi một mái ấm gia đình, hay là xã hội còn quá ít  đàn ông xứng đáng để chị yêu thương?

 

Nước mắt  rơi lả chả, tiếng khóc thê thiết của chị hòa trong tiếng mưa đang rú rít điên cuồng trên mái nhà.                                     

 

Tiếng chó sủa ăng ẵng khiến chị giật mình. Trời đã sáng. Con Mina thấy chủ, nó nhảy chồm chồm trứơc cổng, chị lật đật bước ra mở cửa cho nó. Nó chạy tọt vào cùng với cô bồ mới.

 

- Mầy chết với tao! Tối nay tao cột mầy lại, đi với bồ sáng đêm nay phải không?

 

Mina lo nô đùa với bạn, không để ý lời chị. Nó có vẽ tươi tắn lanh lợi hơn ngày thường. Thôi thì mày được hạnh phúc tao mừng, hạnh phúc quí lắm con ạ.Đối với mẹ, điều ấy là ngoài tầm tay , là ảo ảnh rồi.

 

- Mina! Chị gọi giật. Ở nhà coi nhà. Không được đi đâu nghe chưa? Đáng lẽ tao xích chân mầy nhưng có cô bồ ở đây tao tha . Ở nhà mà nô đùa với nó.

 

Chị khóa cổng,  bước ra  con đường còn ướt đẩm nước mưa đêm qua.                                                          

 

- Thần kinh của cô lúc nào cũng căng thẳng như  vậy à?

 

Vị bác sĩ đặt ống nghe lên ngực chị, dịu dàng hỏi. Bàn tay nóng ấm của  ông ấn lên cổ tay chị theo dõi. Nhìn bãng ký hiệu của điện tâm đồ, ông lắc đầu:

 

- Tim có vấn đề , đập chậm và rối loạn. Cô có lo âu việc gì không? Trông thần sắc có vẻ suy nhược lắm.

 

Chị ứa nước mắt. Trái tim thắt lại vì câu hỏi ân cần. Đã lâu, không có ai hiểu rõ sức khoẻ và trạng thái tinh thần suy sụp của chị thấu đáo như ông.  Ông khuyên:

 

- Cô đừng lo lắng nhiều. Không được nóng tính đâu đấy. Suy nhược thần kinh, rối loạn nhịp tim, không có gì to tát , chỉ cần tịnh dưỡng một thời gian là khỏi. Cô làm nghề gì?

 

- Dạ dạy học.

 

- Còn làm nghề gì khác không?

 

- Dạ làm vườn.

 

- Tốt. Phải điều hòa hoạt động giữa trí óc với chân tay cô nhé. Thôi được, tôi ghi toa, cô nên uống đúng liều. Nhớ ngủ đủ giờ, liên kết với tập thể dục, tuần sau trở lại .

       

Bước ra khỏi phòng mạch, chị thả bộ dài theo con phố rộng có hàng me đang thay lá bên đường. Bầu trời cao vợi, trong ngần khiến chị không muốn về nhà vội.

 

Lang thang tới đầu chợ Thạnh Trị, chị gặp hai vợ chồng ông lão đạp xích lô quen thuộc đang nấu cơm bên gốc cây trứng cá. Thấy chị, ông mừng rối rít :

 

- Cô Hai khỏe hả cô Hai?

 

- Dạ khoẻ. Chú ở đây à?

 

- Dà. Thì hồi nào giờ vợ chồng tôi sống quanh quẩn ở đây, có nhà cửa gì đâu, dân lang bạt kỳ hồ mà cô.

 

- Lúc nầy chú chạy xe khá không?

 

- Có bao nhiêu nuôi bả hết, bả bị tim nặng đó cô ơi?

 

- Thiếm Tư trị bệnh ở đâu vậy thiếm?

 

- Tôi chở bả đi đủ hết. Ông nói hớt thay lời vợ. Đang trị ông bác sĩ Tâm ở đường Hùng Vương đó cô, ông nầy học bên Pháp lận, ổng trị giỏi mà không tốn tiền nhiều.

 

- Cháu cũng mới khám chỗ ông ấy ra đây, chưa kịp đi mua thuốc nữa.

 

- Vậy hả? Cô đi mua không? Tôi chở đi ,  chở miễn phí, đừng lo.

 

- Thiếm chưa ăn cơm mà.

 

- Ôi cái bà đó. Hồi nãy mua dây tơ hồng nấu với rùa cho ăn rồi. Toàn đồ bổ hạng nặng không nghe cô, bởi vậy nên không có tiền mua nhà. Có bao nhiêu ăn với uống thuốc sạch sẽ, không cần nhà cửa làm chi, che tạm cái chòi vậy thôi.. hà..hà…

 

Chị bước lên xích lô, ông lão nói huyên thiên về chứng bệnh của vợ, về vị bác sĩ điều trị cho vợ ông. Sáu mươi lăm tuổi với chiếc xích lô cà tàng, ông vẫn còn khỏe để lao động kiếm tiền lo thuốc thang cho bà. Giọng nói của ông chứa chan sự trìu mến với người vợ đau yếu. Chùi mồ hôi trên trán, ông  cười:

 

- Cô trị chỗ ông Tâm là đúng thuốc, đúng thầy rồi đó, ổng chuyên khoa tim mạch lâu đời rồi. Ông nầy nhân từ lắm, giúp vợ chồng tôi rất nhiều, không có ổng vợ tôi chết lâu  rồi. Người tốt tướng, ăn học như vậy mà chung tình đáo để, đất nầy khó tìm người như ổng lắm  đó cô.

 

- Có thiệt vậy không ? 

 

- Thiệt một trăm phần trăm. Ổng có cô vợ dễ thương lắm, bị tai nạn giao thông chết cách đây năm năm, vậy mà ở vậy tới giờ, không thấy vợ con gì nữa.

 

- Không cưới vợ chắc cũng có người yêu chớ chú? Chị tò mò hỏi.

 

- Không hiểu rõ vụ đó nhưng tính nết ông nầy đàng hoàng, ổng tâm lý và lịch sự vô cùng. Ai ưng ổng tốt phước lắm đó.

 

- Đàn ông vẫn còn người tốt sao chú?

 

- Sao cô hỏi kỳ vậy? Ông lão khoa tay, trợn mắt. Đàn ông tốt vẫn còn nhiều chớ. Người như cô phải gặp đàn ông tốt, nhưng chuyện duyên nợ không biết đâu mà lường cô ơi. Như tui với bả gặp nhau ở đầu đường xó chợ mà thương nhau tới già. Nói thiệt, bả mà đi rồi chắc tui cũng theo ông theo bà luôn. Nói xin lỗi, con chim còn có đôi có bạn, con người sống côi cút một mình làm sao sống nổi cô ơi, khổ sở lắm. Ừ! Mà sao dạo nầy thấy cô xuống sắc quá,  ngày xưa cô cũng đẹp quá chớ có thua ai. Cô nói thiệt đi, việc nhà có gì không cô?

 

- Dạ không, vẫn bình thường chú à, tại bị bệnh vậy thôi.  Chú cho cháu xuống chỗ nầy, gởi tiền chú đây.

 

- Không, không, tôi đã nói chở dùm mà. Lâu lâu mới gặp được cô, có bao nhiêu mà cô ngại, ráng trị bệnh đừng coi thường, nhất là bệnh tâm khó trị lắm . Chuyện gì thì chuyện, phải lạc quan mới vượt qua được.

 

Ông lão ái ngại nhìn chị. Ông quay đầu xe rồi hối hả đạp  đi.

 

- Cô thở đều đi ! Có ngủ được không ?

 

- Dạ đỡ hơn trước. Đêm ngủ được bốn tiếng, lúc trước khoảng hai tiếng thôi.

 

- Tốt. Ăn uống điều độ vào. Cần nhất là phải vệ sinh tinh thần, việc gì đến sẽ đến, việc gì đi sẽ đi, đời như dòng nước vậy thôi, lo âu thái quá cũng không giải quyết được  gì. Cô vẫn đi dạy à?

 

- Dạ.

 

- Giỏi. Cố tìm niềm vui trong công việc cô nhé. Nhịp tim vẫn chậm nhưng đều hơn. Cô có thích ca hát không? Nếu thích thì đi karaoké với bạn bè hay học hát ở một nơi nào đó. Hát và cười là hai phương pháp thư giãn tốt nhất. Nên cười nhiều hơn khóc. Cười có lợi nhiều . Người Việt Nam ta hay cười, cô không nhớ sao? Đây này! Tôi tăng cường thuốc bồi dưỡng hệ thần kinh nhưng cô phải tự vận động lên. Trị bệnh nên kết hợp giữa bác sĩ và bệnh nhân, không phải để mặc bác sĩ trị liệu còn bệnh  nhân thì không cố gắng gì cả. Trị như vậy biết chừng nào hết bệnh?

 

- Dạ, lúc nầy sáng tôi có tập thể dục, tối ngủ sớm hơn.

 

- Thế đấy! Cần phải chăm chút cho sức khoẻ, nhất là ở độ tuổi bốn mươi trở lên. Cứ giữ đều như thế cô nhé. Bệnh đã đỡ rồi đấy, cứ theo toa uống cho hết thuốc, không cần phải khám lại, chủ yếu là phải giữ cho tinh thần được yên ổn.

 

- Nhưng… thưa bác sĩ! Nếu bệnh tái lại, cứ theo toa thuốc cũ uống được không?

 

- Hà..hà.. Cô lại lo lắng thái quá rồi. Không hề gì đâu. Có việc cô cứ đến, tôi ở phòng mạch suốt đây mà. À! Cô chờ tôi chút xíu, tôi đưa cho hộp thuốc loại mới, công hiệu lắm.

 

Chị ngầm quan sát ông. Người cao to, miệng rộng hay cười để lộ hàm răng vẫn còn đều đặn đôi mắt sáng ánh lên sự lạc quan yêu đời khiến cho gương mặt chưa thấy sự già nua của người vào khoảng lục tuần.

 

Vị bác sĩ  đưa cho chị hộp thuốc, dặn dò cẩn thận. Ánh mắt ông nhìn chị với tia nhìn dịu dàng, thân thiết.

 

Mãi những ngày sau, không hiểu sao lòng chị vẫn bồi hồi mỗi khi nhớ đến vị bác sĩ . Trái tim chị lại run rẩy với những khát vọng yêu thương thầm kín . Tự lúc nào, chị đã bớt sợ tiếng mưa rơi lanh canh trên mái tôn lúc nửa khuya trong căn nhà vắng lạnh  .

Kim Quyên
Số lần đọc: 2713
Ngày đăng: 28.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tai ngược - Phạm Lưu Vũ
Người của mỗi người - Dạ Ngân
Người duy nhất - Dạ Ngân
Điểm tựa trắng - Lê Đình Trường
Muỗi đói - Lê Đình Trường
Mũi lấn - Anh Động
Hoa hồng tỉ muội - Trầm Hương
Hoa So Đũa - Trầm Hương
Quỉ khóc - Thanh Giang
Viết từ ấn tượng vỡ vụn - Lê Đình Trường
Cùng một tác giả
Mùa dưa gang (truyện ngắn)
Mưa nửa đêm (truyện ngắn)
Bông (truyện ngắn)
Đám cưới vùng sâu (truyện ngắn)
Hàng xóm (truyện ngắn)
Lá rụng (truyện ngắn)
Nắm tro (truyện ngắn)
Nghiệp văn (truyện ngắn)
Người ấy (truyện ngắn)
Người dưng khác xứ (truyện ngắn)
Sóng ngầm (truyện ngắn)
Vợ chồng già (truyện ngắn)
Sen (thơ)
Cúc (thơ)
Hồng (thơ)
Mai (thơ)
Đi Biển (truyện ngắn)