Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
790
116.659.552
 
Nhân cách phải là yếu tố hàng đầu của người trí thức
Phan Hoàng

Gần hai thập niên bước vào làng báo, tôi được quen biết và nhận sự cộng tác của nhiều cây bút tự do, trong đó có các ông An Chi, Lê Nguyễn, Trần Phò,… mà tôi rất quí trọng. Họ có hoàn cảnh xuất thân khác nhau. Nghề cầm bút đến với họ tự nhiên và muộn màng. Nhưng họ đều hết sức có trách nhiệm và tâm huyết với từng bài viết từng con chữ. Và trên hết, họ là những trí thức đầy nhân cách, không đánh mất lòng tự trọng của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào. Riêng với Lê Nguyễn, sau những ngày lận đận của một người từng làm việc cho chế độ Sài Gòn cũ, ông đã tự đứng thẳng lên trở thành một cây bút có uy tín trên lĩnh vực dịch thuật và nghiên cứu lịch sử cận đại Việt Nam.

 

* Ông là công chức chế độ cũ, đã từng đi cải tạo bảy năm. Vậy thưa ông, sau khi đoàn tụ với gia đình, ông có gặp nhiều khó khăn trong việc hoà nhập đời sống xã hội?

 

- Tôi trở về năm 1982, và theo một cách nói lúc đó, những người như tôi phải bắt đầu lại bằng con số… âm. Thời đó ai cũng khó khăn, huống chi một “chuẩn công dân” như tôi. Tôi đã làm nhiều việc lương thiện khác nhau để kiếm sống như nuôi vài mươi con gà công nghiệp, đi câu cá, học điện tử. Đến năm 1986, tình cờ được một người bạn đồng môn cũ đưa vào làm việc trong ngành xuất nhập khẩu, tôi thành chuyên viên, để rồi gần năm năm sau với tư cách một phó phòng, tôi xin nghỉ việc, về nhà đóng chuồng nuôi cút. Trong lúc miệt mài trộn cám và hốt phân cút, tôi bỗng tự vấn “sao mình không thử viết báo xem sao?”. Và tôi sống bằng nghề cầm bút từ đó đến giờ.

 

* Với thời gian cải tạo như vậy, ông có thừa điều kiện xuất cảnh sang Mỹ theo diện HO, sao ông không đi? Điều gì khiến ông chọn con đường ở lại đất nước?

 

- Nếu muốn sang Mỹ, tôi đã có thể đi vào những năm 1994- 95. Tuy nhiên, nếu tôi có xuất cảnh lúc đó hay ở lại như bây giờ, tất cả đều không vì chính kiến. Trong cuộc sống tinh thần của tôi, có những thứ quan trọng hơn chính kiến rất nhiều.

 

* Thu nhập bằng viết báo tự do có đủ sống không, thưa ông?

 

- Rất may là trong hơn 18 năm qua, tôi và gia đình chỉ sống với một nguồn thu nhập duy nhất là tiền nhuận bút. Tôi thật sự hạnh phúc về điều này. Một đôi lần tôi được các nhà báo trẻ “chính danh” viết bài gọi tôi và một vài đồng nghiệp khác là “nhà báo không toà soạn” hay “nhà báo không thẻ”, tôi thấy điều này cũng… hay hay.

 

* Những trí thức cùng thời với ông xuất thân ở Sài Gòn trước năm 1975, như Lâm Võ Hoàng, Huỳnh Bửu Sơn, Chánh Trinh, Trần Trọng Thức, Phan Hữu Trinh, Trần Đông A, Văn Tần,… đã ở lại sống và cống hiến cho đất nước sau ngày thống nhất. Một cách khách quan, ông đánh giá thế nào về những đóng góp của họ?

 

 - Trong số những người ấy, có người cùng ngồi với tôi một lớp trong giảng đường đại học; có người ở chung với tôi một tổ, một đội tại trai cải tạo Long Thành (1975); có người tôi chưa được quen biết, nhưng với tôi, họ và không ít “người cũ” khác đều là những người có tài năng, có những đóng góp nhất định cho xã hội. Hầu hết họ la những người có nhân cách. Và theo tôi, nhân cách phải là yếu tố hàng đầu của người trí thức.

 

* Ông là chuyên gia nghiên cứu về lịch sử Việt Nam cận đại, đặc biệt là thời nhà Nguyễn. Gần đây, sau cuộc hội thảo về nhà Nguyễn ở Thanh Hoá cuối năm 2008, đã có nhiều  tranh luận về vấn đề này. Có ý kiến cho rằng một số nhà sử học đang tìm cách “chạy tội” cho nhà Nguyễn bằng bình phong “đổi mới tư duy”, không đồng tình với việc khôi phục hình ảnh cho các “nhân vật phức tạp” ở Nam bộ như Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký,… Quan điểm của ông ra sao?

 

- Những gì xảy ra trong quá khứ cho chúng ta thấy rằng các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử, thường được nhìn dưới nhiều lăng kính khác nhau, song có một thứ lăng kính không bao giờ méo mó hay sai lạc, đó là “lăng kính nhân dân”. Sự tồn tại của lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (Lăng Ông Bà Chiểu), đền thờ Kinh lược sứ Phan Thanh Giản, sau nhiều biến chuyển của thời cuộc, đã nói lên điều đó. Có một thời, chúng ta quá “rạch ròi” trước cái tốt và cái xấu, cái gì chúng ta cho là tốt thì tốt toàn diện, cái gì chúng ta cho là xấu thì xấu triệt để. Nhưng lịch sử không có cái gì tuyệt đối cả.

 

Chúng ta đánh giá nhà Tây Sơn là “toàn diện” nên cái gì đi ngược lại, chống lại quan điểm, sự tồn tại của nhà Tây Sơn thì đều là “phi nghĩa” hết. Nếu bình tâm mà xét, bên cạnh chiến công hiển hách mà người anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ đã lập được trong công cuộc chống ngoại xâm năm 1789, nhà Tây Sơn sau năm 1792 chỉ còn là một bóng mờ của quá khứ, vua Cảnh Thịnh còn quá nhỏ, không tạo được một dấu ấn nào, đại thần lộng quyền làm điều xằng bậy, anh em trong nhà chống lại nhau… Trong tình cảnh đó, sự sụp đổ của nhà Tây Sơn trước lực lượng quân sự hùng mạnh của chúa Nguyễn Ánh là điều dễ hiểu. Cứ nhìn cách cư xử của người dân Bắc hà đối với vua tôi Cảnh Thịnh trong bước khốn cùng (năm 1802) cũng thấy được điều này.

 

Tôi cho rằng chính quan điểm coi nhà Tây Sơn là “toàn diện” đã gián tiếp đưa những người từng góp công lớn trong việc kết thúc triều đại này vào hàng ngũ “phản diện”. Lê Văn Duyệt là một ví dụ tiêu biểu. Khi cư xử với ông như vậy, người ta quên rằng ông không dính dáng gì đến cuộc xâm lược của thực dân Pháp, vì khi đó, ông đã mất gần 30 năm rồi; mảnh đất miền Nam trải dài từ Bình Thuận vào đến Hà Tiên giặc cướp không dám nổi dậy, người dân an cư lạc nghiệp, các lân bang hết sức tôn trọng triều đình Huế, là nhờ có ông. Khi còn nhỏ, đi học gần lăng ông, tôi thường nhìn thấy rất nhiều người Hoa đến đó thắp hương với tất cả niềm thành kính, và tôi ngộ ra rằng lòng biết ơn của con người thật kỳ diệu, nó không phân biệt quốc tịch, giai cấp hay những giá trị phù phiếm nào khác.

 

Tôi nghĩ rằng có lẽ cũng do quan điểm “toàn diện” trên, mà có một thời, các chúa Nguyễn cũng được xếp vào hàng ngũ những kẻ “phản động nhất trong lịch sử” và không ít người nhất định cho rằng triều Nguyễn để mất nước là do đã bế quan toả cảng (đến nay vấn đề này vẫn còn tranh cãi) và cấm đạo, cứ làm như thể nếu không có hai chính sách đó thì thực dân Pháp sẽ khoanh tay ngồi yên để chúng ta duy trì sự độc lập dài dài vậy. Sự chú tâm vào một quan điểm bảo thủ duy nhất khiến đôi lúc chúng ta quên đi một yếu tố quá rõ ràng là hành động của thực dân Pháp nằm trong khuôn khổ một kế hoạch tranh giành thuộc địa gay gắt với thực dân Anh tại châu Á lúc bấy giờ; và vào giữa thế kỷ XVIII, nghĩa là khoảng 100 năm trước ngày Pháp chiếm Việt Nam, theo đề xuất của một lái buôn Pháp là Pierre Poivre, Chính phủ Pháp từng cử người (Bá tước d’Estaing) mang quân đánh úp Phú Xuân của ta (cuộc hành trình bị bỏ dở nửa chừng tại eo biển Malacca vì những nguyên nhân khách quan).

 

Cuối cùng, chỉ xin nhớ một điều là năm 1558, khi Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hoá thì giang sơn của ta chỉ mới đến Bình Định ngày nay, nếu các chúa Nguyễn không có những chính sách nội trị và ngoại giao sáng suốt, nếu đất nước không có những con người tài năng và tâm huyết như Nguyễn Hữu Cảnh, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thoại… thì chúng ta không thể có được dải giang sơn kéo dài đến tận mũi Cà Mau như bây giờ. Chỉ cần quên đi điều này, chúng ta đã biến mình thành những kẻ vô ơn đối với người đi trước rồi.

 

* Ông nhìn nhận ra sao về sinh hoạt sử học của chúng ta hiện nay? Ở góc độ của một người nghiên cứu, ông hài lòng và chưa hài lòng về những điều gì?

 

- Tôi thật sự vui mừng trước những đổi mới về mặt quan điểm, nhận thức, của các nhà lãnh đạo văn hoá đối với nhiều vấn đề “nhạy cảm” trong lịch sử, tất cả nhằm mang lại tính khách quan lịch sử, sự công bằng cho từng phận người trong guồng máy xã hội thời phong kiến. Tôi kính trọng nhà sử học Dương Trung Quốc, với tư cách tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, ông đã góp phần không nhỏ trong việc đưa nhiều nhân vật lịch sử trở về với vị trí đích thực của họ, làm sáng tỏ nhiều sự kiện lịch sử còn bị che khuất dưới những lớp mây mù định kiến… Những cuộc hội thảo về vua Gia Long, về các nhân vật lịch sử Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký… và gần dây nhất là cuộc hội thảo qui mô về thời kỳ cầm quyền của các chúa Nguyễn là những minh chứng về sự đổi mới một số quan điểm, nhận thức về những thời kỳ lịch sử đã qua.

Gần đây có những nhà nghiên cứu nước ngoài viết, thậm chí làm luận án tiến sĩ về lịch sử Việt Nam, nhất là lịch sử Đàng Trong, đấy là một tín hiệu vui cho người làm công việc nghiên cứu sử. Tôi đặc biệt đánh giá cao luận án tiến sĩ của Li Tana Xứ Đàng Trong- Lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỷ XVII- XVIII, một tác phẩm sử học nghiêm túc, hết sức phong phú về mặt tư liệu, đáng để cho giới nghiên cứu sử Việt Nam nhìn lại mình.

 

Điều tôi vẫn luôn băn khoăn là vấn đề sử liệu, tức cái “nguyên liệu đầu vào” của nhà nghiên cứu. Các bút ký, hồi ký của các thương nhân, giáo sĩ nước ngoài viết về xã hội Việt Nam những thế kỷ XVII- XVIII- XIX là những sử liệu quý đến nay chưa khai thác được bao nhiêu. Dù sao thì với vốn ngoại ngữ hiện nay và điều kiện sử dụng phương tiện internet, các thế hệ sau có thể tiếp tục khai thác chúng… Vấn đề đáng lo ngại là kho tài liệu Hán Nôm do cha ông để lại còn nhiều, mà chúng ta chưa khai thác (dịch, giới thiệu) được bao nhiêu, điều kiện bảo quản lại còn nhiều hạn chế, sợ rằng chỉ một vài thế hệ nữa, những tài sản tinh thần quý giá đó sẽ mục nát với thời gian.

 

* Ngoài nghiên cứu, dịch thuật ông còn viết truyện, làm thơ. Ông có thể đọc một bài thơ tâm đắc của mình tặng bạn đọc Đương thời?

 

- Tôi làm thơ như một cách ghi lại những cảm xúc nhất thời. Có khi viết rồi quẳng đó, lâu lâu tình cờ gặp lại, tưởng như mình chưa từng viết như thế bao giờ. Xin kính tặng quý độc giả chút cảm xúc trong những năm đi câu cá kiếm sống (1983-1984):

 

Nắng mưa dầu dãi phong trần,

Ngày cơm lưng bụng xách cần đi rong.

Tri âm cỏ nội hoa đồng,

Đời như chiếc lá giữa dòng trôi xuôi.

(Theo Đương thời 4)

 

Lê Nguyễn tên thật Lê Văn Cẩn sinh ra và gắn bó cả đời mình ở Sài Gòn- TP.HCM. Ông là cây bút quen thuộc trên các tạp chí Kiến thức ngày nay, Thế giới mới, Tài hoa trẻ, tuần báo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần… Đối với Người đương thời rồi Đương thời, ông cũng là cộng tác viên thân thiết ngay từ thuở ban đầu.

 

Lê Nguyễn còn là tác giả của các tác phẩm: Thành cổ Sài Gòn và các vấn đề về triều Nguyễn (NXB Trẻ 1998, tái bản 2006), Xã hội Đại Việt theo bút ký của người nước ngoài (NXB Văn nghệ TP.HCM 2005), Xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc (NXB Văn hoá thông tin 2005). Gần đây, ông cộng tác với tổ hợp giáo dục PACE, biên soạn quyển Akio Morita và Sony (NXB Trẻ 2007) và dịch tác phẩm Vận hành toàn cầu hoá của nhà kinh tế học Joseph E. Stiglitz (NXB Trẻ 2008).

 

Phan Hoàng
Số lần đọc: 2544
Ngày đăng: 16.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đối thoại hậu hiện đại 2 - Inrasara
Nhà phê bình Đặng Tiến: “Thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm đối tượng” - Đặng Tiến
NHÀ NGHIÊN CỨU HÀ VĂN THÙY .Như một kẻ lưu lạc, tôi đi tìm cội nguồn - Hà văn Thùy
Nhà phê bình văn học Đặng Tiến: Gửi độc giả niềm tin và tình yêu Việt Nam - Đặng Tiến
Nhà sưu tập Lê Thái Sơn: Việt Nam làm gì có thị trường mà cạnh tranh? - Lê Thái Sơn
Sáng tạo thì phải bứt phá, phải liều - Lê Anh Hoài
Nhân chuyện cậu bé 10 tuổi ở Mỹ xin được phỏng vấn Obama, PGS-TS Phạm Duy Nghĩa: Việt Nam cũng có thể có một Damo Weaver, nhưng… - Trần Ngọc Kha
Phỏng vấn TIẾN SĨ TRẦN KIÊM ĐOÀN :về ý nghĩa ngày Tết ở xứ người. - Trần Kiêm Ðoàn
Đặng Thân: Viết - Đặng Thân
Một bài thơ - hai cách hiểu: Vấn đề là ở trình độ đọc - Trần Quang Đạo
Cùng một tác giả