Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
851
116.667.565
 
5 năm - Một chặng đường văn học nghệ thuật
Thu Trang

Năm năm, khoảng thời gian không ngắn nhưng cũng chẳng thể gọi là dài cho một chặng đường phát triển văn học nghệ thuật. Có thể ví đó như cột mốc tạm dừng trên hành trình dài không ngơi nghỉ của hoạt động sáng tạo. Nhìn lại với sự chiêm nghiệm, điểm qua những ghi nhận mang tính đánh giá, so sánh để thấy những điểm nổi bật, những đổi mới trong hoạt động VHNT tỉnh nhà 5 năm qua. Với những nỗ lực, với sự đồng tâm cộng hưởng của tất cả hội viên, những người làm công tác quản lý, đã tạo nên một diện mạo tương đối mới mẻ cho hoạt động VHNT 5 năm qua.

 

Nhìn chung, trên các lãnh vực văn học, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc và ngay phân hội múa mới thành lập, đều có sự cách tân trong hoạt động của tổ chức cũng như sự tìm tòi sáng tạo của từng cá nhân nghệ sĩ tạo nên sự phong phú đa dạng cho diễn đàn chung.

 

SÁNG TẠO, ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC PHÂN HỘI

 

Trước tiên là hoạt động của phân hội Văn, một phân hội được xem là chủ lực của hội với số hội viên khá đông (40 hội viên, chưa kể 30 thành viên của CLB Sáng tác Văn học trẻ), gồm nhiều thành phần xã hội, nhiều lứa tuổi…  Phân hội Văn học bao gồm các ngành sáng tác: Văn, thơ, lý luận phê bình; riêng bộ môn văn bao gồm: tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, phóng sự… Do sự đa dạng, phong phú về thành phần, thể loại, hoạt động của phân hội cũng đa diện, đi vào chiều sâu.

 

Nhiệm kỳ qua, bên cạnh công tác củng cố tổ chức, xuất bản; giới thiệu tác phẩm, phân hội rất chú trọng đến việc mở các trại sáng tác. Đều đặn trong 5 năm, các trại sáng tác văn học trẻ (2002), trại viết phóng sự ngắn hạn (2003), trại sáng tác truyện ngắn (2004), trại thơ (2006) đã lần lượt được tổ chức. Tham dự trại, các tác giả đã gặp gỡ, trao đổi, bàn bạc về những vấn đề lý luận liên quan đến đặc trưng các thể loại, phong cách nghệ thuật và kinh nghiệm sáng tác của các nhà thơ, nhà văn, đồng thời, cũng là dịp để các tác giả tự đánh giá về phong cách nghệ thuật của mình và khám phá, tạo dựng, định hình một phong cách nghệ thuật mới. Ngoài việc tổ chức trại, phân hội còn gửi hội viên tham gia các trại sáng tác văn học của trung ương, khu vực và các ngành. Các trại sáng tác văn học do Ủy ban toàn quốc các hội VHNT VN tổ chức, trại sáng tác VHNT của Bộ VHTT, trại sáng tác tiểu thuyết và hồi ký về lực lượng vũ trang của nhà xuất bản QĐND…

 

Qua trại, nhiều sáng tác được hoàn chỉnh, nâng cao chất lượng, là nguồn tác phẩm chủ lực cho tạp chí Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, và các đầu sách văn học do Hội xuất bản trong 5 năm.

 

Một điểm nổi bật trong hoạt động của phân hội là tổ chức, tham dự các diễn đàn, hội thảo để các cây bút lý luận phê bình, các tác giả và những người yêu văn học cùng góp tiếng nói, cùng trao đổi những vấn đề liên quan đến ngôn ngữ, đề tài và hình tượng văn học, việc định danh một vùng đất văn học, hướng đi của văn học hiện đại. Hội thảo 30 năm thơ Tiền Giang, Bàn tròn thơ, văn xuôi ĐBSCL… ở những không gian, thời gian khác nhau đã tạo nên không khí sôi động, thúc đẩy sự phát triển, làm phong phú thêm đời sống văn học tỉnh nhà.

 

Cùng với việc mở hội thảo, phân hội cũng đã tổ chức nhiều đêm thơ giới thiệu tác giả tác phẩm. Đêm giao lưu và giới thiệu Tuyển tập Thơ Trẻ được tổ chức tại trường CĐSP thật sự gây ấn tượng với sự tham gia đông đảo các cây bút trẻ và độc giả trẻ. Các đêm thơ Nguyên tiêu tổ chức hàng năm cũng đã trở nên ngày hội thơ đầy ý nghĩa đối với các nhà thơ và công chúng yêu thơ.

 

Nhiệm kỳ 2001 - 2006 là nhiệm kỳ được mùa của các tác giả  phân hội Văn. Tác phẩm của anh chị em hội viên đã vượt qua phạm vi địa phương, đăng tải ở các báo, tạp chí tỉnh bạn Tp.HCM và trung ương.  Nhiều tác giả đạt giải cao ở các cuộc thi khu vực và trung ương. Cùng với sự ra đời của website Văn nghệ sông Cửu Long (vannghesongcuulong.org) và website Thơ Trẻ (www.thotre.com) nhiều tác phẩm của hội viên trong phân hội đã được giới thiệu trên mạng internet, đến với rộng rãi độc giả trong và ngoài nước.

 

Đặc biệt,  phân hội Văn rất chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng lực lượng kế thừa. Câu lạc bộ Sáng tác trẻ được thành lập tháng 9 năm 1998 vẫn tiếp tục duy trì hoạt động theo hướng xã hội hóa. Từ sự vận động tài trợ của các đơn vị kinh tế, các mạnh thường quân trong tỉnh, xuất bản và phát hành tờ Văn nghệ trẻ, lấy kinh phí tờ báo nuôi dưỡng hoạt động CLB. Đầu nhiệm kỳ, CLB đã xin được tài trợ trang bị thiết bị vật chất cho việc in ấn đặc san và các ấn phẩm khác của phân hội, gây quỹ hoạt động cho CLB.

 

Tờ Văn nghệ trẻ của CLB ngày càng cải tiến về hình thức, mở rộng thêm các chuyên mục, phát hành rộng rãi ở các trường học trong tỉnh được độc giả trẻ yêu thích và thu hút sự cộng tác đông đảo của sinh viên học sinh. Ngoài việc xuất bản tờ báo, CLB còn tổ chức cho các thành viên đi thực tế, giao lưu với các CLB Sáng tác trẻ tỉnh bạn. Đặc biệt hàng năm đều tổ chức một chuyến thâm nhập thực tế vùng sâu, vùng lũ tặng quà học sinh nghèo bằng kinh phí tự đóng góp của các thành viên CLB và nguồn vận động từ các mạnh thường quân.

 

Phân hội Sân khấu với hoạt động sáng tác và biểu diễn trong nhiệm kỳ qua rất chú trọng đến việc bồi dưỡng chuyên môn, mở rộng đào tạo lực lượng sáng tác. Trại viết kịch ngắn được tổ chức cùng nhiều buổi tọa đàm về đàn ca tài tử, về sáng tác bài ca cổ, các cuộc thi viết lời mới cho bài vọng cổ, và bài bản tài tử đã phát hiện nhiều tác giả trẻ: Dương Phước Lộc, Ngọc Lệ, Nhật Linh…, bên cạnh đội ngũ sáng tác sân khấu đã định hình. Năm năm qua, lực lượng sáng tác sân khấu Tiền Giang đã cho ra đời hơn 200 bài ca cổ được các đài thu thanh thu hình phát sóng, hàng chục kịch ngắn, cải lương được sử dụng trong phong trào văn nghệ quần chúng và tham gia hội diễn sân khấu chuyên nghiệp. Nhiều hội viên sân khấu Tiền Giang đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác ca cổ, kịch bản sân khấu trong ngoài tỉnh. Tiêu biểu như các tác giả Thanh Hải, Thế Châu, Lệ Quyên, Ngọc Sánh, Đoàn Phú Vinh, Ngọc Lệ…

 

Hoạt động biểu diễn cũng thật sôi nổi rầm rộ. Với trên 50 chương trình ca cổ, kịch ngắn, cải lương được Đài PTTH Tiền Giang và một số đài khác thu thanh, thu hình  phát sóng, hầu hết đều sử dụng lực lượng  “cây nhà lá vườn”  của bộ phận biểu diễn phân hội Sân khấu. Nhiều hội viên khối biểu diễn đã đạt giải cao qua các cuộc thi sân khấu chuyên nghiệp khu vực như: Nhơn Hậu (HCV giải Trần Hữu Trang), Thúy Vi, Khánh Ngọc (HCV giọng ca cải lương), Lê Phương (HCV giải Bông lúa vàng), Đức Huệ, Thanh Nhàn, Hồng Tươi (HCV Đàn ca tài tử Nam bộ)…

 

Trên cả hai lãnh vực sáng tác và biểu diễn, phân hội Sân khấu rất chú trọng đến việc phát triển phong trào. Từ các liên hoan ca nhạc tài tử, ca cổ, các cuộc thi, và nhiều chương trình dàn dựng ở các ngành, các địa phương, phân hội Sân khấu đã phát hiện, bồi dưỡng nhiều tác giả không chuyên, nhiều giọng ca mới trong phong trào văn nghệ quần chúng, đóng góp vào phong trào sáng tác và biểu diễn chung trong toàn tỉnh.

 

Trong nhiệm kỳ qua, Nhiếp ảnh là phân hội đã mang về nhiều giải thưởng nhất với trên 20 giải quốc tế, 13 giải quốc gia và 11 giải khu vực ĐBSCL. Bên cạnh những “cựu binh” đã có tên tuổi như: Duy Anh, Duy Sơn, Hữu Tiến, Nhật Thưởng,… vẫn tiếp tục giữ vững phong độ và tay nghề ngày càng được nâng cao, phong trào nhiếp ảnh tỉnh nhà đã xuất hiện thêm nhiều tay máy trẻ đầy triển vọng như: Sao Hôm, Trần Tuấn, Hà Quốc Thái,…

 

Thế mạnh của phân hội Nhiếp ảnh là hầu hết các hội viên có tay nghề khá chắc và đều có vài giải thưởng nhiếp ảnh. Nhiệm kỳ qua, phân hội Nhiếp ảnh đã kết nạp được 20 hội viên mới (tăng gấp đôi) nâng tổng số hội viên của phân hội hiện nay lên 43 người. Một điểm rất đáng ghi nhận là ảnh nghệ thuật của tỉnh trong thời gian qua đã được nâng lên đáng kể về số lượng lẫn chất lượng. Nội dung đề tài đa dạng phong phú, phản ánh một cách chân thực về đời sống và con người Tiền Giang nói riêng, ĐBSCL nói chung trong tiến trình công nghiệp hóa đất nước. Phân hội Nhiếp ảnh làm nòng cốt duy trì liên hoan ảnh nghệ thuật tỉnh hàng năm. Đây là sân chơi rộng rãi cho những người chụp ảnh nghệ thuật chuyên nghiệp và nghiệp dư của tỉnh nhà, qua đó phân hội Nhiếp ảnh đã phát hiện và kịp thời bồi dưỡng nhiều tay máy triển vọng.

 

Liên hoan ảnh nghệ thuật ĐBSCL lần thứ XX do Tiền Giang đăng cai tổ chức vào tháng 09/2005 cùng buổi tọa đàm với chủ đề “Tình hình sáng tác ảnh nghệ thuật khu vực ĐBSCL” là một trong những hoạt động nổi bật của phân hội Nhiếp ảnh trong nhiệm kỳ qua. Đây là lần đầu tiên có một cuộc tọa đàm sôi nổi và thẳng thắn về nhiếp ảnh nghệ thuật ĐBSCL với sự tham gia của đông đảo các tác giả nhiếp ảnh trong khu vực.

 

Phải đi mới có ảnh đẹp. Ý thức được điều đó trong nhiệm kỳ qua ngoài các chuyến đi thực tế sáng tác do Hội tổ chức, hội viên phân hội Nhiếp ảnh đã tự tổ chức nhiều chuyến đi săn ảnh riêng. Không những thế, phân hội cũng đã tổ chức được lớp hướng dẫn xử lý ảnh bằng Photoshop để nâng cao tay nghề nghiệp vụ. Từ những hoạt động này cùng với lòng đam mê, nhiệt tình và năng nổ của anh em hội viên, phân hội Nhiếp ảnh đã cống hiến cho công chúng nhiều bức ảnh đẹp, mang giá trị nghệ thuật cao.

 

So với những phân hội khác, Mỹ thuật là phân hội có ít hội viên nhất, nhưng cũng có khá nhiều hoạt động sôi nổi trong nhiệm kỳ qua. Thành công của Triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII ĐBSCL lần thứ 8 do Tiền Giang đăng cai vào tháng 08-2003 là bước khởi đầu. Triển lãm đánh dấu sự trưởng thành của phong trào mỹ thuật Tiền Giang. Đến tháng 12/2003, Nhà Triển lãm Tiền Giang được thành lập (Hội Trường đỏ), thực sự trở thành điểm hẹn của giới mỹ thuật trong và ngoài tỉnh để gặp gỡ, giao lưu, trao đổi về nghề nghiệp, đồng thời cũng là nơi giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật đến với đông đảo công chúng. Từ năm 2003 đến nay, Nhà triển lãm Tiền Giang đã tổ chức được 22 cuộc triển lãm mỹ thuật, giới thiệu trên 200 tác phẩm tranh tượng của các họa sĩ trong và ngoài tỉnh. Những hoạt động này đã khuấy động không khí sôi nổi cho phong trào mỹ thuật Tiền Giang vốn từ lâu không tìm được hướng phát triển. Nhiều cuộc triển lãm diễn ra liên tục tại Nhà Triển lãm Tiền Giang đã thu hút được sự chú ý của đông đảo công chúng yêu hội họa. Đặc biệt qua hoạt động của Nhà Triển lãm, phong trào mỹ thuật Tiền Giang đã tạo được sự quan tâm gắn bó với Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng như Hội Mỹ thuật TP.HCM.

 

Những đợt liên kết sáng tác, những cuộc triển lãm mở rộng phối hợp với TP.HCM và các tỉnh bạn cũng đã tạo tiếng vang trên bình diện rộng, thu hút nhiều họa sĩ của TP.HCM sáng tác về đất nước và con người Tiền Giang. Nhiều họa sĩ đã tự nguyện đem tranh về Tiền Giang phối hợp tổ chức triển lãm để phục vụ công chúng. Bên cạnh đó, một số tác phẩm của các họa sĩ Tiền Giang cũng được triển lãm giới thiệu, giao lưu tại TP.HCM. Đây là một bước đột phá rất đáng phấn khởi. Họa sĩ Tín Trung phấn khởi: “Từ ngày có Nhà Triển lãm Tiền Giang tác phẩm mỹ thuật đã đến được với nhiều đối tượng công chúng hơn. Tác phẩm của các họa sĩ Tiền Giang thời gian qua đã đạt nhiều giải thưởng quan trọng trong các cuộc thi khu vực”.

 

Cũng như sân khấu, phân hội Âm nhạc bao gồm hai lực lượng sáng tác và biểu diễn. Nhiệm kỳ qua, phân hội đã phát động nhiều đợt sáng tác, mở rộng giao lưu. Hội viên tham gia sáng tác và dàn dựng chương trình văn nghệ quần chúng cho các ngành và địa phương tham dự hội diễn cấp tỉnh và khu vực đạt thành tích cao. Hàng chục chương trình biểu diễn ca nhạc, ghi âm ghi hình phát sóng trên Đài PTTH Tiền Giang phục vụ nhân dân. Hội viên tham gia các cuộc thi sáng tác ca khúc, và biểu diễn trong và ngoài tỉnh đạt giải cao: Lê Ngân, Ngô Ngọc Hùng, Võ Quang Đảm, Ngọc Sương, Huy Thế…

 

Các tác phẩm của các nhạc sĩ Tiền Giang tuy chưa đạt giá trị nghệ thuật và tư tưởng cao, nhưng không có sự lệch lạc, chạy theo thị hiếu thị trường, và đã đáp ứng yêu cầu phục vụ ở cơ sở.

 

Phân hội Múa thành lập năm 2002 dù trước đó ở Tiền Giang đã có 5 hội viên Hội nghệ sĩ múa Việt Nam. Tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng phân hội Múa đã có khá nhiều hoạt động để tự khẳng định và góp phần làm phong phú hoạt động VHNT tỉnh nhà. Phân hội Múa hiện nay có 18 hội viên, trong đó có đến 9 hội viên trung ương. Hội viên của phân hội Múa luôn giữ vai trò nòng cốt và góp phần vào thành công của những liên hoan văn nghệ quần chúng và chuyên nghiệp trong cũng như ngoài tỉnh. Biên đạo múa Chí Thiện - Phân hội trưởng phân hội Múa cho biết: “Trong thời gian tới, song song với các hoạt động giới thiệu tác phẩm, phân hội Múa sẽ tăng cường việc bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cũng như phát triển thêm các hội viên mới ở cơ sở nhằm đưa nghệ thuật múa đến với đại đa số quần chúng nhân dân”.

 

Nhìn chung, các phân hội chuyên ngành đều có bước phát triển song hành. Tùy đặc điểm và điều kiện riêng, từng phân hội đã sáng tạo nhiều hình thức hoạt động linh hoạt, sôi nổi làm nên diện mạo đa dạng, phong phú cho hoạt động VHNT tỉnh nhà.

 

TẠP CHÍ VĂN NGHỆ - BƯỚC PHÁT TRIỂN ĐỘT PHÁ VỀ NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC

 

Báo văn nghệ là một bộ phận của báo chí nước ta. Từ TW đến địa phương, bên cạnh tờ báo Đảng, mỗi tỉnh, mỗi thành phố đều có tờ báo Văn nghệ của Hội VHNT. Báo văn nghệ là nơi tập hợp lực lượng văn nghệ sĩ, là nơi thông tin kịp thời những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về VHNT, nơi giới thiệu, công bố tác phẩm VHNT của văn nghệ sĩ, đồng thời góp phần hình thành đội ngũ tác giả.

 

Hơn 20 năm qua, từ khi Hội VHNT TG được thành lập, tờ báo Văn nghệ đã được xuất bản đều đặn song hành với các hoạt động khác của Hội. Tùy từng thời điểm, khi tồn tại dưới dạng báo tháng (khoảng những năm đầu của thập niên 80), chú trọng nhiều đến mảng thời sự, phục vụ những nhiệm vụ trọng tâm về kinh tế xã hội của tỉnh. Sau khi định hình thành tạp chí thì thiên về chuyên ngành, giới thiệu các hoạt động VHNT trong tỉnh.

 

Nhìn chung, trải qua nhiều thăng trầm, từ thời gian dài phải xuất bản dưới hình thức xin cấp phép nhất thời của Sở VHTT TG, cho đến khi có giấy phép chính thức do Bộ VHTT cấp (năm 2001), từ nguồn kinh phí của Hội, đến nay, qua việc vận động tài trợ của quí vị mạnh thường quân, các đơn vị kinh tế trong ngoài tỉnh, tạp chí Văn nghệ (kể cả Văn nghệ Trẻ) đã xuất bản đều đặn mỗi năm 7 số (mỗi số từ 500 đến 2000 bản).

 

Từ sau Đại hội VHNT TG lần thứ IV,  BCH Hội đã xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng là củng cố và nâng chất tờ tạp chí VN, cả về nội dung và hình thức.

 

Trước mắt là việc nâng chất đội ngũ biên tập, trang thiết bị phục vụ in ấn. Lực lượng làm báo VNTG từ trước đến nay chủ yếu là cán bộ phụ trách các phân hội, kiêm công tác biên tập, xuất bản tạp chí. Để nâng chất tờ báo, tạp chí đã mời thêm những tác giả có uy tín về sáng tác, hiểu biết về lý luận phê bình tham gia BBT. Nguồn bài vở cũng không thụ động chờ cộng tác viên gửi tới mà từng số báo đều có đề cương phát động, thậm chí đặt hàng một số tác giả để có những bài phục vụ cho những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt. Để tạo thêm sự phong phú về nội dung, tạp chí đã mở thêm nhiều chuyên mục mang tính định kỳ: Trang văn thơ giao lưu để trao đổi, giao lưu VHNT với các tác giả trong cả nước, trang văn học nước ngoài giới thiệu những thành tựu văn học thế giới, trang đất và người Tiền Giang giới thiệu những điển hình tiêu biểu trong các phong trào văn hóa xã hội ở TG.

 

Về hình thức, bên cạnh việc nâng số lượng xuất bản từ 500 lên 1000 (riêng VN Trẻ có số phát hành lên đến 2000 bản), BBT còn cải tiến khâu trình bày, minh họa đi vào chiều sâu, sắp xếp các chuyên mục sao cho hài hòa với tính chuyên nghiệp của tờ báo VN. 5 năm qua, tạp chí VNTG đã từng bước củng cố và nâng chất, được đánh giá là một trong tờ tạp chí VN có hình thức trình bày đẹp, nội dung phong phú của khu vực.

 

Đến nay, dù còn nhiều khó khăn về kinh phí, đội ngũ (chưa có tòa soạn với lực lượng làm báo chuyên trách, kinh phí riêng như một số tỉnh bạn), tạp chí VNTG đã từng bước đi vào ổn định nề nếp trong xuất bản và phát hành, với đội ngũ cộng tác viên đông đảo không chỉ giới hạn ở trong tỉnh mà còn phát triển trong cả nước. Tạp chí VNTG là nơi công bố tác phẩm mới, giới thiệu thông tin về các hoạt động VHNT, giới thiệu tác giả tác phẩm, đăng tải các bài nghiên cứu lý luận phê bình VHNT trong nước và giới thiệu văn học nước ngoài. Ngoài việc trao đổi giao lưu với các Hội VHNT cả nước, hiện báo đã phát hành rộng rãi tại các trường học trong tỉnh (riêng tờ VN Trẻ còn phát hành ở một vài trường ĐH TP.HCM). Ngoài ra tạp chí còn có diễn đàn trên Website Văn nghệ sông Cửu Long, Website Thơ Trẻ. Giờ đây độc giả trong ngoài tỉnh và cả độc giả ở nước ngoài đều có thể tiếp cận với VNTG qua mạng Internet.

 

Việc thành lập chi hội nhà báo Hội VHNT (tháng 6/2004), nhằm tập họp đội ngũ những người làm công tác báo chí trên lãnh vực văn nghệ, đã mở ra sự đa dạng phong phú cho hoạt động báo chí tỉnh nhà, đồng thời tạo điều kiện cho báo chí văn nghệ hòa nhập, tiếp cận với xu hướng phát triển chung của báo chí địa phương và cả nước, nắm vững và thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của báo chí trong tình hình mới.

 

TỪ NHỮNG CHUYẾN ĐI THỰC TẾ... “LÊN RỪNG, XUỐNG BIỂN”

 

Nhiệm kỳ qua, được sự quan tâm của Ban lãnh đạo Hội, nhất là từ khi có nguồn hỗ trợ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các phân hội đã tổ chức được gần 20 chuyến đi thực tế trong ngoài tỉnh, từ khu vực ĐBSCL đến tận miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên. Những chuyến lên rừng xuống biển, vừa giúp các tác giả có điều kiện tham quan các danh lam thắng cảnh, tìm hiểu về vùng đất và con người, gặp gỡ giao lưu trao đổi với văn nghệ sĩ ở khắp miền đất nước, vừa là dịp mở rộng tầm nhìn, thu thập thêm nhiều tư liệu, cảm xúc sáng tác. Đây là một trong những hoạt động hấp dẫn thu hút đông đảo hội viên tham gia, khơi nguồn cảm xúc, kích thích sáng tạo.

 

Văn học là phân hội tiên phong trong việc tổ chức những chuyến đi thực tế. Từ cuối nhiệm kỳ III, Phân hội Văn cùng CLB Sáng tác Văn học trẻ đã tổ chức được những chuyến đi về vùng sâu vùng xa trong tỉnh, kết hợp với thăm hỏi, tặng quà những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn…. Hoạt động này đã được phân hội Văn tiếp tục duy trì đến nay, trung bình mỗi năm có từ 1-2 chuyến đi dành cho thành viên phân hội Văn và CLB Sáng tác trẻ. Nhiếp ảnh cũng rất xông xáo với các chuyến “săn ảnh” với hành trang lúc khởi hành lỉnh kỉnh nào là máy ảnh, chân máy, cùng ống kính đủ loại… cũng như trĩu nặng với hàng trăm bức ảnh đẹp khi trở về. Sau các mỗi chuyến đi, nhiệt tình sáng tác được khơi dậy, nhiều sáng tác mới ra đời, đồng thời với những dự định sáng tác được nuôi nấng, ấp ủ. Và rất nhiều những tác phẩm “trên những nẻo đường” ấy đã trụ lại trong những tuyển tập, những giải thưởng của các cuộc thi. Từ hiệu quả đó, thời gian gần đây, các phân hội: sân khấu, múa,… và CLB Thơ Tiền Giang cũng đã tổ chức được ít nhất một chuyến đi thực tế cho hội viên của phân hội mình.

 

VÀ SỰ NỞ RỘ NHỮNG ĐẦU SÁCH

 

Đi nhiều, sáng tác nhiều, các đầu sách nhiệm kỳ qua cũng tăng vọt so với những năm trước. Ngoài kinh phí của Hội, các tác giả văn học đã thực hiện liên doanh với mạnh thường quân, đơn vị hỗ trợ để xuất bản các tập thơ, truyện ngắn, ký… Kể từ khi được nhận quỹ hỗ trợ sáng tác từ Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, nhiều tác giả Tiền Giang đã được đầu tư sáng tác và công bố tác phẩm. Số lượng đầu sách xuất bản ngày càng nhiều. Hình thức trang nhã, đề tài đa dạng, phong phú, một số ấn phẩm đã gây được tiếng vang như: Thơ Trẻ Tiền Giang (2002), Truyện ngắn Tiền Giang (2003), Thơ Tiền Giang (2004), Trường ca Hoa dại (2005)…, là tập hợp những sáng tác tiêu biểu, những sáng tác đoạt giải từ các cuộc thi văn học ở địa phương và khu vực. Với Trường ca Hoa dại, tác giả Lê Ái Siêm đã nhận tặng thưởng năm 2005 (hạng C), được trao cho bộ môn thơ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Các công trình xuất bản có quy mô “đồ sộ” về hình thức và nội dung như Tuyển tập 30 năm Văn xuôi Tiền Giang 1975 - 2005, 30 năm Thơ, Mỹ Thuật, Nhiếp ảnh Tiền Giang, mang tính chất tổng hợp cao, đã phản ánh khá đầy đủ chặng đường 30 năm của VHNT Tiền Giang. Các tập ca khúc, ca cổ xuất bản hàng năm, được phổ biến dàn dựng, biểu diễn trong các chương trình văn nghệ chuyên nghiệp, văn nghệ quần chúng, được thu thanh, thu hình phát sóng rộng rãi trên các Đài PTTH trong, ngoài tỉnh. Sách Tiền Giang không chỉ phát hành trong tỉnh mà còn được gửi giao lưu cả nước, được giới thiệu ở các quầy sách và giới thiệu trên mạng.

 

Nhìn lại chặng đường 5 năm, những thành tựu VHNT đạt được ghi dấu sự nỗ lực của từng cá nhân, quá trình tìm tòi sáng tạo của cả tập thể văn nghệ sĩ, đội ngũ những người làm công tác quản lý…. Sáng tạo văn học nghệ thuật không dừng lại ở chặng đường năm, mười năm hay một mốc thời gian xác định, văn nghệ sĩ Tiền Giang vẫn đang trong cuộc hành trình kiếm tìm những giá trị chân thiện mỹ, cội nguồn và đích đến của sáng tạo.

 

H1: Bàn tròn văn xuôi Đồng bằng Sông Cửu Long được tổ chức tại Tiền Giang tháng 09-2004

H2: Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đến thăm và khai mạc triển lãm Mỹ thuật tại Nhà Triển lãm Tiền Giang.

 

Thu Trang - Trọng Nghĩa

Thu Trang
Số lần đọc: 2768
Ngày đăng: 13.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Văn xuôi Đồng Bằng Sông Cửu Long : cần một “Cú” đột phá ? - Nguyễn Tý
“Nguyễn Trãi” tái ngộ khán giả - Cát Vũ
Nhà báo Trần Thanh Phương: Vất vả với bút tích các nhà văn - Minh Huyền
Festival Huế 2006: Một Huế xưa huyền ảo - Bùi Ngọc Long
Những bài viết liên quan đến trang Sông Cửu Long: “Văn nghệ Sông Cửu Long” - đứa con cần “giá thú” - Hoài Hương
Những bài viết liên quan đến trang Sông Cửu Long:Trang web - Ngô Thị Kim Cúc
Tham luận bàn tròn văn xuôi đồng bằng sông Cửu long - Tiền Giang 10-9-200 : ” Không trói buộc văn học vào những cuốn sách” - Trần Quốc Toàn
Văn xuôi ĐBSCL : - Trần Minh Trường
Bàn tròn văn xuôi ĐBSCL lần thứ I - Trần Minh Trường
NHÀ THƠ HỮU THỈNH & “BÀN TRÒN VĂN XUÔI ĐBSCL LẦN THỨ I” : ĐBSCL khó khăn nhất, xa nhất, làm được nhiều nhất! - Giáp Nguyễn